Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 27: Đối Mặt Với Số Phận​



Từ khi biết Trịnh Khải là thế tử, tôi cứ ngỡ anh sống trong nhung lụa xa hoa như hành cung mà tôi từng thấy, ngày ngày được người người theo sủng nịnh. Chỉ là tôi không thể tưởng tượng ra được, một vương tử cao quý như anh lại trưởng thành từ một sân nhà nhỏ đơn sơ như vậy. Thì ra bóng lưng lạnh lẽo và cô độc năm nào tôi từng thấy mới chính là con người thật của anh.

Nhớ lại tối trung thu năm ấy, Trịnh Khải từng muốn tôi chờ đợi anh, có phải anh muốn tôi chờ anh giải quyết hết những mối đe dọa xung quanh? Tôi đưa tay gạt đi giọt nước mắt vừa rơi ra. Thì ra tôi chưa từng hiểu cho nỗi lòng của anh, chưa từng biết đến những khó khăn mà anh đã gặp phải, chưa từng đứng ở vị trí của anh mà suy nghĩ.

Nếu số phận đã để tôi gặp anh thì tôi sẽ không trốn tránh nữa. Tôi không muốn anh tiếp tục cô đơn trên con đường đầy nguy hiểm này.

Tôi ôm túi vải, bước từng bước chậm chạp đi ra ngoài. Ra cổng đã thấy Nguyễn Hoàn đang đứng đợi, xe ngựa nhà Nguyễn Cảnh đã không còn. Nguyễn Hoàn đi đến gần tôi, nói cả nhà Nguyễn Cảnh đã đi được một lúc, mọi người đến tiễn cũng đã trở về. Anh ta còn nói, nếu Nguyễn Cảnh không dặn dò thì anh ta cũng không biết là tôi vẫn còn ngồi trong sân kia. Ra tôi đã ở trong đó rất lâu, tôi nói phải trở về rồi leo lên xe ngựa về thẳng phủ.

Vừa vào cổng tôi đã thấy Đình Duệ đang đi ra cùng một người đàn ông tầm bốn mươi tuổi, sau họ có vài người lính hầu theo. Người đàn ông đó mặc trang phục quan võ, tôi đoán là có phẩm hàm cao. Ông ta nhìn thấy tôi thì đứng lại, tôi cúi đầu đứng qua một bên nhường đường. Sau khi Đình Duệ tiễn người đó ra khỏi cổng thì quay lại, thấy tôi vẫn đứng yên ở một chỗ.

- Sao em chưa vào trong? – Đình Duệ đứng lại hỏi tôi.

- Anh Duệ, người kia là ai? – Tôi để ý từ trước đến nay rất ít khi thấy quan lại đến phủ, vì vậy rất tò mò người đàn ông ban nãy là ai.

- Là Hữu tham quân Nguyễn Hữu Chỉnh.

Nguyễn Hữu Chỉnh? Cái tên này nghe thật quen, hình như tôi đã được nghe ở đâu rồi. Tôi nhíu mày, hỏi Đình Duệ:

- Tại sao ông ấy đến nhà chúng ta?

Đình Duệ quay người đi vào trong, tôi đi sát bên cạnh nghe anh trả lời:

- Hữu tham quân vào bàn chuyện với chú.

Ra là Huy quận công đang ở nhà, ông trước giờ luôn bận rộn, rất ít khi có mặt ở nhà vào ban ngày. Đình Duệ quay qua nhìn túi vải trong tay tôi rồi hỏi:

- Em ôm gì trong tay vậy?

- À, là vài thứ em mua được ở ngoài phố. – Tôi lấp liếm.

- À, là vài thứ em mua được ở ngoài phố. – Tôi lấp liếm.

***

Trưa hôm đó, trong bữa cơm, quận công nói với mẹ cả:

- Chiều nay trong phủ chúa, Tuyên phi có tổ chức yến tiệc, bà mang quà mừng cùng Đinh Thanh đến dự.

Mẹ cả nghe thấy chỉ gật đầu, gắp thêm một miếng thịt để vào chén của ông. Tôi ngẩng đầu, nói dè dặt:

- Cha, con không đi có được không?

Quận công nhìn tôi, sau lại quay qua nói tiếp với mẹ cả:

- Bà đưa Đinh Thanh đến đó, xem một chút nhà nào phù hợp để gả đi.

Tôi thầm thở dài, tiệc chiều nay không thể không đến rồi. Chiều hôm đó, tôi mang yếm trắng, áo ngoài màu cánh sen, đầu cài trâm bạc theo mẹ cả đến phủ chúa thượng.

Phủ chúa nằm gần hồ Tả Vọng, từ ngoài cổng đã thấy thấp thoáng bóng các lầu cao sơn đỏ thiếp vàng, đến bờ tường cũng thể hiện được sự nguy nga của phủ chúa. Lính canh gác rất đông, tôi ôm hộp quà theo mẹ cả chầm chậm đi theo một lối đi riêng, qua một cổng tròn lại đi dọc theo con đường lát đá dài trong vườn mới đến nơi tổ chức tiệc. Nơi đây là khoảng sân rộng nằm bên cạnh vườn thượng uyển, có hồ cá, có hòn non bộ lớn, có cây, có hoa đủ loại.

Mẹ cả nói tôi đứng đợi rồi bà cầm hộp quà đi qua đám đông, đến trước mặt một người phụ nữ mang áo khoác dài bên ngoài màu hồng đào có thêu những cánh phượng đang bay. Bà cúi chào, người phụ nữ kia lúc này mới để ý đến bà, cung nữ bên cạnh nhanh tay đến đỡ lấy hộp quà.

Lúc này tôi chỉ nhìn nghiêng mặt Tuyên phi nhưng có thể nhận ra bà chính là người phi tần xinh đẹp mà lần trước tôi thấy ở lễ hội đua thuyền. Có một vị phu nhân khác qua chào, Tuyên phi quay mặt qua cười đáp lại, tôi sững người khi nhìn thấy rõ khuôn mặt của bà.

Không thể dùng từ xinh đẹp mà phải là nhan sắc chim sa cá lặn mới lột tả hết nhan sắc của Tuyên phi, bà còn đẹp hơn rất nhiều so với các hoa hậu ở thời hiện đại mà tôi từng xem trên tivi. Tuyên phi cao quý trong trang phục lộng lẫy, trâm vàng trâm ngọc cài đầu, mày liễu khẽ nhướng lên, mắt phượng lấp lánh lắng nghe lời chúc từ mọi người xung quanh. Một phi tần đẹp mặn mà lại mưu trí như vậy, nói sao chúa thượng không sủng ái cho được.

Tôi thở dài, nhìn xuống đôi giày dưới chân mình, chúa thượng quả thật vô tình. Trịnh Khải giờ đang lạnh lẽo trong ngôi nhà ba gian nào đó, trong khi nơi đây, tiệc mừng lại được tổ chức xa hoa như vậy.

Tôi thấy bên váy của mình bị kéo, nhìn xuống thì thấy một cậu bé chưa tới năm tuổi đang nắm lấy váy tôi. Tôi ngồi xuống, gỡ tay cậu bé ra khỏi váy tôi rồi hỏi:

- Em tên gì?

- Em tên gì?

- Ngươi có thấy anh Khải của ta không? – Cậu bé cất giọng trong veo, khuôn mặt trắng sữa, đôi mắt đen nhìn thẳng vào tôi.

Anh Khải? Tôi nhìn cậu bé trước mặt mình, đầu đội mũ vải có đính viên ngọc lớn ở trước trán, tôi giật mình, đứng thẳng người dậy, thụt lùi một bước. Cậu bé đang đứng trước mặt tôi chính là Trịnh Cán?

- Vương tử, người lại chạy lung tung rồi. – Một cung nữ lật đật chạy đến ôm cậu bé, thở hắt ra một hơi rồi mới nhìn tôi nói tiếp. – Đây là vương tử Cán.

Quả nhiên tôi đã đoán đúng, ánh mắt đen nháy của cậu bé vẫn nhìn thẳng vào tôi. Vì tôi cố ý đứng ở một góc khuất sau hòn non bộ nên hiện tại xung quanh không có ai để ý đến chúng tôi. Vị cung nữ vừa quỳ một bên vừa đưa tay phủi bụi đất bám hai bên đôi giày vải trên chân Trịnh Cán. Tôi cũng ngồi xuống, nhìn thẳng vào mắt cậu bé:

- Vương tử đang đi tìm ai sao?

Người cung nữ ngẩng đầu nhìn tôi ngạc nhiên, Trịnh Cán đáp:

- Ta muốn tìm anh Khải…

Trịnh Cán ý còn muốn nói thêm nhưng đã bị vị cung nữ đó bế lên, cô ta trừng mắt nhìn tôi mà nói:

- Tiểu thư, xin hãy trở lại buổi tiệc.

Cung nữ đó nói xong thì quay người bỏ đi, Trịnh Cán được bế trên tay vùng vẫy, cô ta càng luống cuống đi nhanh hơn.

Tôi đứng sững người, bỗng nhớ ra một chi tiết, vào một ngày hơn ba năm trước, ngày mà tôi trốn trên cây nhìn Trịnh Khải ở dưới, đó cũng là ngày Trịnh Cán được sinh ra. Tôi thở dài quay lại sân tổ chức tiệc mừng, đến đứng bên cạnh mẹ cả, chào những vị phu nhân mà mẹ cả giới thiệu, sau đó được sắp xếp ngồi ở một bàn ở phía sau, cạnh các vị tiểu thư nhà quan khác.

Vừa ngồi xuống lại thấy mọi người đồng loạt đứng lên, tôi bèn đứng dậy theo họ, nhìn về phía trước. Ra là chúa thượng đại giá quang lâm. Chúa thượng được hai tên thái giám đỡ hai bên, từ từ xuống kiệu. Tuyên phi tiến đến tươi cười cúi chào chúa thượng rồi cùng đỡ chúa đến ngồi vào ghế. Mọi người lập tức đồng loạt quỳ xuống, tôi sau một phút bất ngờ cũng nhanh chân quỳ xuống.

- Chúc chúa thượng an khang. – Mọi người đồng loạt hô lớn.

Chúa thượng vẫy tay, một vị thái giám đứng ra, cất giọng the thé:

- Cho bình thân.

- Cho bình thân.

Mọi người lần lượt đứng dậy, ngồi vào bàn. Nếu lúc nãy đông vui, người này hỏi, người kia đáp thì lúc này trong sân hoàn toàn im phăng phắc. Chúa thượng có gương mặt hơi phù, sắc mặt không được tốt lắm, có lẽ là do đợt bệnh nặng vừa rồi. Chúa thượng quay qua nói chuyện với Tuyên phi ngồi bên được vài câu rồi đứng dậy, lại được hai tên chúa thượng đỡ ra kiệu gỗ. Tuyên phi đứng dậy đi theo chúa thượng ra kiệu, mọi người lại đồng loạt đứng dậy, quỳ xuống cúi đầu chào. Chúa thượng ngồi kiệu gỗ có lọng che hai bên, thái giám một hàng đi bên cạnh, lính bảo vệ đi hai hàng ở sau cùng.

Chờ chúa thượng đi khuất, Tuyên phi trở lại bàn, mọi người lúc này mới đứng dậy, cùng nhau ngồi vào bàn. Tiếng nói cười lại vang lên. Tôi nhìn quanh, đây là tiệc của Tuyên phi nên khách mời đến hôm nay chỉ có các vị phu nhân nhà quan, các tiểu thư. Phu nhân nhà Trang quận công đến trễ, Đinh Ngọc cầm quà đi ngay sau bà. Tôi vẫy vẫy tay với chị, Đinh Ngọc nhìn thấy chỉ cười.

Sau khi buổi tiệc đã gần đến hồi kết thúc, tôi tiến đến ngồi bên cạnh Đinh Ngọc. Phu nhân nhà Trang quận công đang ngồi nói chuyện với mẹ cả. Tôi ghé đến bên tai của Đinh Ngọc, nói nhỏ:

- Nguyễn Cảnh bình an, sáng nay đã về quê cùng Hân quận công.

Đinh Ngọc cười mỉm, gật đầu với tôi. Tôi nghe được tiếng thở ra nhẹ nhõm rất nhỏ của chị.

Khi thực sự có tình cảm với một người thì dù không đến được với nhau nhưng vẫn mong người ta bình an.

***

Đến tối về, tôi nằm đắp mền bông dày, mắt nhìn xà ngang trên trần nhà. Trịnh Khải, anh có khỏe không? Làm cách nào để có thể gặp được anh đây? Tôi thở dài, kéo mền trùm kín mặt cố gắng ngủ.

Nguyễn Hữu Chỉnh hiến kế cho Nguyễn Huệ mang quân ra Đàng Ngoài, lấy danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh”.

Tôi ngồi vùng dậy, đúng rồi, tôi đã từng đọc được một đoạn sách về Nguyễn Huệ, trong đó có nhắc đến Nguyễn Hữu Chỉnh. Hèn gì khi nghe đến tên của ông ta, tôi lại thấy quen quen. Chút trí nhớ ít ỏi trở về khiến tôi mơ hồ sợ hãi, nếu ông ta là quan nhà chúa Trịnh, sao lại đi hiến kế cho Nguyễn Huệ? Không lẽ là phản bội? Nếu vậy Nguyễn Hữu Chỉnh chính là một mắt xích quan trọng trong sự kiện nhà chúa Trịnh sụp đổ.

Nguyên một đêm trằn trọc, sáng mở mắt ra thì đã muộn, tôi liền đi tìm Đình Duệ nhưng người hầu trong phủ nói anh đã đi từ sớm. Tôi không ăn sáng, đi thẳng ra cổng, nói xe ngựa đến trấn phủ trấn Sơn Nam.

Xe ngựa chậm rãi rung lắc trên đường, tôi ngồi sát cửa sổ nhìn ra ngoài. Gió đầu thu táp vào mặt se lạnh càng khiến tôi thêm phần tỉnh táo. Quang Bình nói đúng, dù tôi không muốn liên quan đến cuộc chiến này nhưng tôi lại liên quan đến những người trong cuộc. Tôi không hi vọng lịch sử thay đổi, tôi chỉ hi vọng những người bên cạnh mình không gặp nguy hiểm.

Xe ngựa vừa ra khỏi phố phường Thăng Long đông đúc thì một bóng người đứng bên đường rơi vào tầm mắt của tôi. Tôi nói dừng xe, bước xuống, đi đến đứng trước gương mặt ngạc nhiên của cậu ta.
Chương trước Chương tiếp
Loading...