Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 37: Vi Hà​



Mẹ cả dạo này có thú vui đánh bài với các vị phu nhân khác, có lần họ tổ chức đánh bài tại nhà, tôi mon men đến xem nhưng không hiểu gì cả. Về phần Đình Duệ, tuy anh giữ chức cũ nhưng bận rộn hơn trước rất nhiều. Mỗi ngày sau giờ cơm tối, Đình Duệ và quận công đều vào thư phòng nói chuyện riêng. Vì thế ở phủ này chỉ có tôi là vô công rồi nghề nhất nhưng tôi lại không thể ra phố chơi hay qua nói chuyện với Đinh Ngọc được. Lí do là thời tiết càng ngày càng ẩm ướt. Trời mưa rất dai và rất dài, có lần mưa kéo dài đến ba ngày ba đêm liền mới tạnh. Trong những ngày đó, tôi thì lúc ngồi đọc sách học chữ, lúc lại ngồi nghe chuyện trong nhà ngoài phố của người hầu trong phủ. Quả thật rất nhàm chán.

Một ngày trời mưa tầm mưa tã, tôi đang ngồi chống cằm trên bàn thở dài ngao ngán thì nghe tiếng của Hải ngoài cửa:

- Tiểu thư Đinh Thanh?

- Có chuyện gì? – Tôi đi ra cửa, đứng đối diện Hải mà hỏi.

Hải nhìn trái nhìn phải rồi dúi vào tay tôi một phong thư, nói nhỏ:

- Của công tử gởi tiểu thư. Tối mai tôi sẽ đợi tiểu thư ngoài cổng.

Tôi gật đầu, Hải lại nhìn trái nhìn phải rồi mới bỏ đi. Đóng cửa, cài then kỹ lưỡng, tôi mang phong thư vào phòng mở ra đọc.

“Tối mai hẹn nàng tại chốn cũ.”

Chỉ có một câu, vỏn vẹn có một câu ngắn cũn mà cũng gọi là thư sao? Tôi lật ra mặt sau, soi lên soi xuống vẫn không thấy gì khác ngoài một câu. Trịnh Khải à, anh thật kiệm lời.

Sau khi cất kỹ thư của Trịnh Khải, tôi lại ngồi chống cằm nghĩ vẩn vơ. Mai là rằm tháng bảy, chẳng phải là cúng cô hồn ư? Không lẽ vì tháng cô hồn nên lính gác ít đi, Trịnh Khải dễ dàng ra ngoài hơn?

***

Đến chiều trời bỗng dưng tạnh mưa, cả bầu trời quang đãng như chưa từng bị ướt sũng mấy ngày qua, có chăng là các vũng nước trên đường là bằng chứng còn sót lại của cơn mưa lớn sáng nay. Tôi vừa bước ra cổng đã gặp mẹ cả từ bên ngoài về, bà hỏi tôi đi đâu, tôi bèn nói dối là ra phố mua bánh ăn. Bà ậm ừ rồi không nói gì thêm, tôi khẽ thở phào, nhanh chân trèo lên xe ngựa ngồi.

Mẹ cả từ trước đến nay ít khi quản tôi, có lẽ là vì Đinh Thanh không phải con ruột của bà nhưng điều đó lại khiến tôi cảm thấy tự do. Lần trước bà bắt gặp tôi mang nệm em bé qua cho Đinh Ngọc thì có dặn tôi nên hạn chế qua nhà bên kia. Ý của bà, tôi có thể hiểu được nhưng cũng hơn tháng chưa gặp Đinh Ngọc, có lẽ bụng chị đã tròn lắm rồi, tôi muốn nhân lúc trời không mưa qua chơi một lát.

Xe ngựa đang lọc cọc chậm chạp thì tôi bắt gặp Nguyễn Hoàn quỳ giữa đường đỡ lấy một người phụ nữ, hình như là Vi Hà, vợ của anh ta. Tôi hô dừng xe rồi nhanh chân đi đến bên cạnh họ:

- Nguyễn Hoàn, có chuyện gì vậy?

Nguyễn Hoàn ngẩng đầu nhìn tôi, sắc mặt trắng bệch, nói yếu ớt:

- Vi Hà bị ngã, nàng ấy đang có thai.

Lúc này tôi mới để ý Vi Hà nằm trong lòng Nguyễn Hoàn sắc mặt tái đi, phía dưới váy đã lấm lem vết máu đỏ. Tôi hoảng hồn:

- Sao không nhanh đưa đến thầy thuốc?

- Tôi đã cho người đi lấy xe ngựa rồi. – Nguyễn Hoàn nhăn mặt nói, ánh mắt lo lắng nhìn ra đường.

Tôi thực sự không thể chịu được, nói lớn:

- Mau lên xe ngựa của tôi, nhanh lên!

Nguyễn Hoàn bị tôi quát thì hốt hoảng ôm lấy Vi Hà đứng dậy, Hải cũng nhanh chân đến giúp đỡ.

- Nói mau, đến nhà thầy thuốc nào? – Tôi giục Nguyễn Hoàn.

- Về nhà tôi, có lẽ thầy thuốc đã đến nơi rồi. – Nguyễn Hoàn đáp lại, giọng run run.

Tôi nhìn Hải, anh ta hiểu ý bèn quất ngựa chạy nhanh. Tôi lại nhìn qua Vi Hà, cô ta yếu ớt đến không mở mắt ra được nhưng tay vẫn đặt ở bụng dưới, có lẽ cô nghĩ làm vậy sẽ níu kéo được sinh linh bé nhỏ đang nằm trong đó.

Đến nhà Nguyễn Hoàn, quả nhiên thầy thuốc cũng vừa đến nơi. Vi Hà được đưa vào phòng nằm để thầy thuốc khám, Nguyễn Hoàn ngồi trước cửa phòng ôm đầu, sắc mặt rất tệ. Tôi đứng một bên, vừa vỗ vỗ vai anh ta để an ủi, vừa lo lắng không biết đứa bé có xảy ra chuyện gì không. Đến khi cánh cửa phòng mở ra, thầy thuốc nói không nguy hiểm, chỉ bị động thai, nằm nghỉ ngơi trên giường mười ngày kết hợp với uống thuốc thì sẽ ổn. Nguyễn Hoàn nghe xong thì thở ra một hơi như vừa trút được một gánh nặng, tôi cười nói cám ơn với thầy thuốc rồi đi vào trong phòng. Vi Hà đang nằm yên trên giường, sắc mặt nhợt nhạt còn Nguyễn Hoàn ngồi bên cạnh, mày nhíu lại thành một hàng thẳng.

Tôi không dám lên tiếng bèn đi ra ngoài gọi tên người hầu của Nguyễn Hoàn lại hỏi chuyện. Anh ta theo hầu Nguyễn Hoàn từ trước nên rất quen thuộc với tôi, nghe tôi hỏi thì kể không sót chuyện nào.

Vi Hà có thai đã ba tháng, Nguyễn Hoàn muốn cô ở nhà nhưng cô nhất quyết không chịu, sợ rằng anh ta nhân lúc vắng vợ mà trêu hoa ghẹo nguyệt ngoài cửa hàng. Mấy ngày qua trời mưa cô không theo được, trời vừa tạnh đã muốn ra cửa hàng kiểm tra. Lại nói, Vi Hà ra cửa hàng vừa đúng lúc bắt gặp Nguyễn Hoàn đang nói chuyện với một vị tiểu thư đến mua vải nên làm lớn chuyện, ghen tuông ầm ĩ cả cửa hàng. Nguyễn Hoàn tức giận, nói vài câu lạnh nhạt rồi bỏ đi, Vi Hà không chịu thua cũng chạy theo. Người đi trước mặt lạnh, người đi sau vừa khóc lóc vừa níu kéo cho đến khi qua hết một con phố thì Vi Hà bất ngờ bị trượt ngã. Ngay lúc đó thì tôi tình cờ gặp họ.

Tôi nghe xong chỉ thở dài, ra thời nào cũng giống nhau thôi, về làm vợ người ta nhưng vẫn lo lắng không ngừng chuyện chồng mình liệu có người bên ngoài hay không. Hơn nữa ở thời này lại năm thê bảy thiếp, quả thật càng khiến người vợ thêm phần lo lắng, nhất là phụ nữ mang thai thì càng mẫn cảm.

Đến khi tôi uống hết một bình trà thì Nguyễn Hoàn mới đi ra, người hầu lại mang một bình trà khác, tôi rót cho anh ta một ly. Nguyễn Hoàn uống xong mới nhìn tôi mà nói:

- Lúc nãy cám ơn nàng rất nhiều.

Tôi gật gù rồi lại châm nước vào ly của anh ta, hỏi:

- Vi Hà thế nào rồi?

- Nàng ấy uống thuốc xong thì đang ngủ. – Nguyễn Hoàn thở dài. – Là lỗi của tôi, nếu tôi không bỏ đi thì nàng ấy cũng không đi theo để xảy ra chuyện.

An ủi Nguyễn Hoàn vài câu, nói không phải lỗi của ai cả, anh ta không nên tự trách mình. Nguyễn Hoàn cúi đầu nghe, thỉnh thoảng nhìn tôi rồi thở dài. Tôi đang nói thì nghe tiếng bước chân và tiếng than khóc rất lớn ngoài cửa:

- Nguyễn Hoàn, cậu ra đây cho tôi.

Một người phụ nữ và một đàn ông tầm năm mươi tuổi đi vào trong nhà, bà ta thấy tôi thì lao đến, rất may Nguyễn Hoàn nhanh nhẹn đứng chắn ở giữa.

- Là ngươi? Ngươi khiến con gái ta đến nông nỗi này mà còn dám vác mặt đến đây sao?

Bà ta vừa mắng vừa muốn túm lấy tôi nhưng đều bị Nguyễn Hoàn ngăn lại, tay của bà không thể với đến tôi được, chỉ có thể khua cào trong không khí. Trong lúc tôi vẫn sững sờ chưa hiểu chuyện gì thì bà ta ngồi bệt xuống nền nhà kêu khóc:

- Ôi, con gái tội nghiệp của ta, con phước mỏng gặp phải người chồng không ra gì, trong lúc con gặp nạn mà hắn còn tư tình với người khác.

- Ôi, con gái tội nghiệp của ta, con phước mỏng gặp phải người chồng không ra gì, trong lúc con gặp nạn mà hắn còn tư tình với người khác.

Lúc này tôi đã hiểu, đây là mẹ của Vi Hà, có lẽ bà ta đã hiểu lầm chuyện gì rồi. Tôi tính lên tiếng giải thích thì giọng của người đàn ông quát lên giận dữ:

- Bà ngừng lại, để tôi hỏi chuyện con rể rõ ràng. – Nói xong ông nhìn Nguyễn Hoàn. – Tại sao Vi Hà lại thành ra như vậy?

Bà ta nghe đến tên con gái mình thì đứng dậy, túm lấy một tay áo của Nguyễn Hoàn mà hỏi:

- Nói, con gái ta tại sao đang yên lành lại bị ngã đến động thai?

Tôi sợ Nguyễn Hoàn nhận tội lại khiến cha mẹ của Vi Hà tức giận nên mới thay anh ta trả lời:

- Nàng ấy chỉ là trượt chân mà ngã, cũng may đã không sao rồi.

Bà ta nghe xong thì quắc mắt trừng trừng nhìn tôi:

- Không đến phiên người mặt dày như ngươi trả lời. Con gái ta không sao mà lại nằm dài trên giường à?

Nguyễn Hoàn giựt áo ra khỏi tay của bà ta, giận dữ đáp lại:

- Mẹ không được xúc phạm Đinh Thanh, nàng ấy là vừa cứu con gái của mẹ đấy.

Hai ông bà nghe xong thì nhìn nhau tỏ vẻ khó hiểu, Nguyễn Hoàn thở dài, quay qua nói với tôi:

- Nàng trở về phủ đi, đừng ở đây làm ơn mắc oán.

- Không được. – Bà ta ngăn lại. – Nói rõ ràng rồi đi đâu thì đi.

Cha của Vi Hà kéo tay vợ mình lại, sau mới hỏi Nguyễn Hoàn:

- Cha mẹ con đâu rồi?

- Thưa, cha mẹ con đang ở Thuận Hóa, nửa tháng sau mới quay trở về. – Nguyễn Hoàn đối với cha vợ trả lời nhã nhặn.

Ông nghe thấy thì gật đầu rồi nói:

- Nãy ta và mẹ vợ con được người hầu báo tin mới biết được, bà ấy cũng là lo lắng quá nên hơi nóng tính. Con và tiểu thư đây ngồi lại nói chuyện rõ ràng được không?

Tôi cười cười đáp lại:

- Thưa, tôi chỉ là bạn của Hoàn, lúc nãy đi ra phố tình cờ gặp lúc Vi Hà gặp nạn nên lo lắng theo về đây. Thực sự không có chuyện gì lớn đâu ạ. Vậy tôi xin phép trở về.

Bà ta nghe thấy tỏ vẻ không tin, Nguyễn Hoàn lắc đầu nói:

- Để người hầu của con kể lại cho cha mẹ được rõ. – Nói rồi gọi người hầu vào, xong quay qua nói với tôi. – Đi, ta tiễn nàng ra cổng.

Tôi cúi đầu chào họ, bà ta định tiến lên thì bị chồng kéo lại vì thế chỉ có thể trừng mắt nhìn tôi bước ra ngoài. Ra đến cổng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, còn Nguyễn Hoàn thì thở dài:

- Nàng thấy rồi đó, tính tình của Vi Hà giống mẹ nàng ta như đúc, rất nóng tính nhưng thực ra cũng không xấu tính.

- Ồ, biết bảo vệ vợ mình rồi. – Tôi nghe ra được ý của Nguyễn Hoàn muốn bênh vực vợ nên trêu chọc anh ta.

Nguyễn Hoàn mặt mũi xám xịt, liếc tôi một cái rồi quay người đi vào trong. Tôi đứng ở ngoài nhịn không được bật cười, không ngờ anh ta sắp có con rồi mà vẫn dễ bị trêu chọc như vậy.Hôm đó không đến thăm Đinh Ngọc, tôi đành tự nhủ sáng mai sẽ đi nhưng trời vừa sáng thì người hầu đã vào báo là có người tìm. Lúc tôi ra đến phòng khách thì thấy mẹ của Vi Hà ngồi trên ghế, mẹ cả thì ngồi đối diện mặt lạnh nhạt, trên bàn còn có một hộp gỗ.

Mẹ của Vi Hà nhìn thấy tôi thì mừng rỡ, đứng dậy kéo tay tôi ngồi xuống ghế, giọng ngọt ngào, hoàn toàn khác hẳn với hôm qua:

- Tiểu thư Đinh Thanh mau ngồi xuống, tôi có mang vài món quà đến để tỏ lòng cám ơn tiểu thư đã giúp đỡ Vi Hà, tiểu thư nhìn xem có thích không?

Tôi bị bà ta làm cho ngạc nhiên, cả người cứng ngắc nhìn bà, sau lại nhìn qua mẹ cả ngồi lạnh nhạt ở đối diện. Tôi xua xua tay nói:

- Thưa tôi không dám nhận, chỉ là tình cờ giúp đỡ, không có gì đâu ạ.

- Ấy, sao tiểu thư lại nói như vậy. Tiểu thư mau nhận đi cho chúng tôi vui lòng.

Bà ta và tôi giằng co qua về năm lần bảy lượt, rốt cuộc mẹ cả cũng lên tiếng:

- Ý của phu nhân, Đinh Thanh nhà chúng tôi cũng đã biết. Bà mang về đi, nếu không sẽ gây tai tiếng cho Đinh Thanh và cả nhà chúng tôi.

Nghe đến đó, mặt bà ta hơi biến đổi, giọng rụt rè đáp lại:

- Thưa quận chúa, chỉ là món quà nhỏ…

Mẹ cả không kiên nhẫn, cắt lời bà ta:

- Bà mau mang quà về, nếu để quận công nhà chúng tôi biết được sẽ có chuyện không hay.

Bà ta nghe đến quận công thì mặt hơi tái còn mẹ cả nói xong thì đứng dậy, bỏ vào nhà trong. Tôi quay qua cười với bà ta:

- Phu nhân về đi, chuyện hôm qua chỉ là chuyện nhỏ, nếu cha tôi biết tôi nhận quà sẽ la mắng tôi.

- Vậy… vậy cám ơn tiểu thư, tôi trở về. – Bà ta khúm núm ôm hộp gỗ rồi nhanh chân đi ra sân.

Tôi nhìn bà ta bước ra khỏi cổng mới thở dài ảo não. Có lẽ bà ta đã nghe xong chuyện, sau đó lại biết tôi là tiểu thư nhà Huy quận công thì đâm ra sợ hãi, lo lắng tôi đem chuyện về kể với quận công, sợ ông sẽ gây khó dễ cho nhà bà nên sáng sớm liền ôm quà đến làm hòa.

Tôi nhìn bà ta bước ra khỏi cổng mới thở dài ảo não. Có lẽ bà ta đã nghe xong chuyện, sau đó lại biết tôi là tiểu thư nhà Huy quận công thì đâm ra sợ hãi, lo lắng tôi đem chuyện về kể với quận công, sợ ông sẽ gây khó dễ cho nhà bà nên sáng sớm liền ôm quà đến làm hòa.

Về phần mẹ cả, dường như bà rất quen thuộc với chuyện này nên nói hai câu là đã đuổi được cả người lẫn quà ra khỏi phủ. Lạ là sau đó bà cũng không thèm hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra ngày hôm qua, vì thế tôi lại yên ổn ra khỏi phủ.

Lúc tôi đến cổng nhà Trang quận công thì gác cổng báo là cả nhà Trang quận công đều đi vắng.

- Chị Đinh Ngọc cũng không có nhà sao?

- Dạ đúng thưa tiểu thư. – Người gác cổng trả lời.

Tôi đành ậm ờ rồi lên xe ngựa, Hải quay qua hỏi tôi:

- Tiểu thư, giờ về phủ sao?

- Ừm. – Tôi tựa người vào vách xe nhìn ra ngoài. – Hải, sao hôm nay đường phố có vẻ đông đúc hơn mọi ngày?

- Tiểu thư quên rồi sao? Hôm nay là rằm tháng bảy.

Tất nhiên là tôi không quên rồi, tối nay tôi còn có hẹn với Trịnh Khải. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rằm tháng bảy mọi năm cũng không đông như vậy. Hải vừa đánh xe vừa giải thích thắc mắc của tôi:

- Hôm nay Tuyên phi tổ chức lễ Phật ở chùa Trấn Quốc để cầu an cho chúa thượng và vương tử Cán.

- Thì sao? – Việc triều đình tổ chức lễ cầu an này nọ cũng không phải việc hiếm lạ.

- Buổi chiều Tuyên phi sẽ phát gạo cho người nghèo ở kinh thành và các phủ lân cận cho nên họ từ sớm đã đến để chầu chực chờ đến giờ nhận gạo.

Ra là có phát gạo cho nên dân tình các vùng lân cận mới đổ xô về đông như vậy. Có thể nhà Trang quận công vắng nhà là vì đi lễ Phật, nhưng sao mẹ cả sáng nay vẫn ở nhà?

- Sáng nay cũng có làm lễ sao? Sao ta lại thấy mẹ cả ở nhà?

- Tiểu thư, phu nhân đi từ sáng sớm, lúc tiểu thư dậy là phu nhân cũng vừa về đến nhà.

- Hả? Sớm vậy sao?

- Dạ.

Không ngờ lễ Phật lại tổ chức sớm như vậy, có lẽ là giờ hoàng đạo chăng? Tôi nghĩ là đúng rồi nên không mở miệng hỏi lại Hải. Đến khi về tới phủ thì mới biết mẹ cả đã ra ngoài, Đình Duệ thì lại đang ở nhà. Tôi nhìn Đình Duệ nghi hoặc:

- Anh Duệ, sao lại trở về sớm như vậy?

Lúc này còn chưa tới giờ cơm trưa, Đình Duệ thường ngày ở trấn Sơn Nam đến tối mới về. Có khi nào là đã xảy ra chuyện gì hay không?

Đình Duệ bỏ tờ giấy đang cầm vào trong ngực áo rồi trả lời:

- Tối nay Tuyên phi tổ chức đốt đèn cầu an, anh nhận nhiệm vụ bảo vệ.

- Đốt đèn?

- Phải, thả đèn hoa đăng ở chùa Trấn Quốc.

- A, em… – Tôi tính nói em cũng muốn đi nhưng chợt nhớ ra mình có hẹn với Trịnh Khải.

Đình Duệ nhíu mày nhìn tôi, sau xoa đầu tôi mà nói:

- Tối nay rất đông người, em không nên ra đó.

Tôi cười gật đầu với anh, Đình Duệ hài lòng cười với tôi rồi nói phải ra ngoài sắp xếp quân lính.

***

Giờ Dậu, tôi mang yếm đỏ, áo hồng, váy nâu, trên đầu cài cây trâm gỗ bước ra cửa phủ. Hải đã đậu xe ngựa chờ sẵn, nhìn thấy thì nhanh chân đến đỡ tôi lên xe rồi đánh xe đi thẳng.

Chốn cũ mà Trịnh Khải nhắc đến chính là ngôi đền bị bỏ hoang. Rằm tháng bảy đáng lẽ trăng tròn sáng nhưng lại bị mây mù che phủ, vì vậy khung cảnh xung quanh chỉ có thể nhìn mờ mờ không rõ nét. Tôi hít vào một hơi thật sâu, cố trấn tĩnh khi đẩy cánh cổng gỗ bước vào trong đền. Hải nhanh nhẹn đốt một đèn lồng cầm tay đưa cho tôi:

- Tiểu thư, người cầm lấy soi đường kẻo vấp ngã.

Tôi cầm lấy đèn lồng, chậm rãi bước từng bước theo lối cũ xuống ao sen, trong đầu luôn nghĩ đến hình ảnh bóng lưng của Trịnh Khải đang chờ tôi ở đó. Thế nhưng khi xuống đến nơi mới phát hiện ra là anh chưa đến. Cố đè cảm giác hụt hẫng, tôi ngồi lên thành ao chờ Trịnh Khải.

Xoạt xoạt…

Gió thổi làm lá khô trên nền chạm vào nhau tạo nên những âm thanh khô khốc. Mây dày kịt che kín mặt trăng khiến trời vốn ban nãy mờ mờ giờ gần như tối đen. Tôi nín thở, cố gắng ngồi sát đèn lồng, đưa mắt nhìn quanh nhưng không thấy gì ngoài bóng tối, trong lòng bắt đầu có chút run sợ.

Mặc dù cố trấn an rằng có Hải đang chờ tôi ngoài cổng nhưng anh ta ở xa như vậy, tôi vẫn không an tâm. Hôm nay là ngày rằm tháng bảy, là ngày cô hồn, ngày địa phủ mở cửa cho âm hồn ma quỷ lên trần gian. Nghĩ đến đó tôi cảm thấy có chút lành lạnh sau lưng.

Phập.

Đèn lồng vụt tắt. Gió thổi lá cây xào xạc. Mặt trăng ló ra được một góc soi ánh sáng mờ mờ, tôi tụt xuống, xách váy theo hướng cũ chạy ra. Đang lúc mắt nhắm mắt mở chạy ra thì đụng phải một người, ngẩng đầu lên nhìn chỉ thấy một cái nón che khuất cả mặt người.

- Aaa…

- Là ta, nàng đừng sợ. – Giọng Trịnh Khải hoảng hốt.

Nghe tiếng của Trịnh Khải, tôi ngừng la hét. Trịnh Khải quăng cái nón đội trên đầu đi, cúi người xuống đỡ lấy tôi đang ngồi bệt ở dưới nền lên, tay anh khẽ vỗ vỗ bên vai tôi.

Nghe tiếng của Trịnh Khải, tôi ngừng la hét. Trịnh Khải quăng cái nón đội trên đầu đi, cúi người xuống đỡ lấy tôi đang ngồi bệt ở dưới nền lên, tay anh khẽ vỗ vỗ bên vai tôi.

- Đừng sợ. Nói cho ta biết có chuyện gì vậy?

Tôi thở hồng hộc, ra là thần hồn nát thần tính. Có tiếng bước chân chạy đến gần, tôi run run cầm lấy tay Trịnh Khải, nín thở nhìn về khoảng trống mờ mờ trước mặt.

- Tiểu thư, có chuyện gì vậy?

Là Hải. Có lẽ anh ta nghe tiếng hét của tôi nên mới chạy vào. Tôi lắc đầu, cố hít thở thật sâu để lấy lại tinh thần. Trịnh Khải quay qua nói với Hải:

- Ngươi ra ngoài đi.

- Dạ. – Hải cúi đầu đáp lại rồi quay người bước đi.

Trịnh Khải đỡ một bên vai tôi, từ từ bước lại gần ao sen. Gió lại thổi mây đi, trăng đã ló ra hơn phân nửa. Khung cảnh bắt đầu rõ nét hơn. Sau khi để tôi ngồi lên thành ao, Trịnh Khải đốt lại đèn lồng, ánh sáng vàng ấm áp tỏa ra, chiếu vào gương mặt tuấn tú của anh.

- Ban nãy, nàng đã gặp chuyện gì? – Trịnh Khải tỏ vẻ lo lắng, tay anh cầm lấy tay tôi, gương mặt gần kề đang chờ câu trả lời của tôi.

Tôi cắn môi không biết nên trả lời thế nào, có nên thành thực nói rằng ban nãy tôi bị yếu bóng vía không?

- Ừm, thực ra không có chuyện gì cả. Ban nãy đèn tắt nên thiếp muốn đi ra ngoài tìm Hải thắp lại thôi. – Tôi lấp liếm.

Trịnh Khải vẫn quỳ một chân trên nền gạch, ánh mắt nhìn tôi chăm chú sau đó bỗng bật cười:

- Ra là nàng sợ ma.

Hả? Tôi trố mắt ngạc nhiên, không lẽ mình nói dối lộ nhiều sơ hở như vậy sao?

- Ta còn tưởng cô gái như nàng sẽ không biết sợ gì chứ. – Trịnh Khải tiếp tục cười, hai vai run run.

- Cô gái như thiếp thì sao chứ? – Tôi bĩu môi hỏi lại.

Trịnh Khải ngừng cười, đưa một tay khẽ chạm vào má tôi, nói:

- Nàng thông minh, nhanh trí nhưng lại không biết chữ…

- Thiếp biết. – Tôi cắt ngang.

- Ừm, sau đó thì nàng mới học, học cũng rất nhanh. – Trịnh Khải khẽ cười. – Nàng tính cách tùy tiện, thích uống rượu với đàn ông, thích ra tay nghĩa hiệp giữa phố, tính cách cũng nóng nảy, thích mắng người khác…

Tôi trừng mắt nhìn anh, Trịnh Khải nhìn thấy biểu cảm của tôi thì chỉ vuốt nhẹ tóc tôi mà cười:

- Nàng thực sự không hề giống với bất cứ tiểu thư khuê các nào mà ta từng gặp.

- Ừm? – Tôi háo hức chờ anh nói là tôi rất đặc biệt với anh.

Trịnh Khải khẽ thở dài sau giọng trầm thấp hỏi tôi:

- Nàng có từng hối hận vì đã gặp ta?

Tôi lắc đầu. Gặp anh có gì mà hối hận chứ? Cùng lắm là anh đã khiến tôi rối rắm một đoạn thời gian sau khi phát hiện ra thân phận thế tử của anh. Nhưng bây giờ thì khác rồi, anh không còn là thế tử mà tôi thì đã quyết định sẽ ở bên cạnh anh, sẽ không để anh cô đơn một mình.

- Thiếp chưa từng hối tiếc. – Tôi muốn củng cố niềm tin nơi Trịnh Khải.

Mây bị gió thổi đi hé ra mặt trăng tròn vành vạnh chiếu sáng mọi ngóc ngách trong đình và cả khuôn mặt tuấn tú của Trịnh Khải gần kề trước mắt tôi. Trịnh Khải sau khi nghe được câu trả lời của tôi thì sững người trong chốc lát, sau đó anh vươn tay kéo tôi vào lòng. Tôi để vòng tay của Trịnh Khải siết chặt, tiện thể hít lấy hít để hương nhài nhè nhẹ từ áo anh. Giọng của Trịnh Khải trầm ấm từ trên đỉnh đầu tôi:

- Đinh Thanh, hứa với ta, nàng sẽ không bao giờ oán ghét hay xa lánh ta.

Trịnh Khải đang cảm thấy bất an? Nhưng là vì điều gì? Tôi ngẩng đầu hỏi:

- Khải, có chuyện gì sao?

Trịnh Khải không trả lời, chỉ siết vòng tay thêm chặt khiến tôi có chút khó thở, chỉ có thể ép sát vào người anh, nghe được cả tiếng tim đập từ ngực anh. Tôi hít vào một hơi thật sâu, cố đè nén cảm giác lo lắng trong lòng xuống, có thể chỉ là Trịnh Khải lo lắng nếu quận công biết được chuyện tôi thích anh sẽ ngăn cấm nên mới muốn tôi hứa hẹn như vậy.

- Thiếp hứa.

Người Trịnh Khải khẽ run lên:

- Nếu như ta phụ nàng, nàng cũng không oán ghét ta sao?

Nếu như Trịnh Khải phụ tôi, ấy là do tôi ngu ngốc tin lầm người, vậy thì tôi sẽ tự ghét bỏ bản thân mình. Nhưng tôi tin, Trịnh Khải sẽ không là người như vậy.

- Thiếp tin chàng sẽ không phụ thiếp. – Giọng tôi kiên quyết đáp lại.

Trịnh Khải nhìn tôi sững sờ, đôi mắt của anh đen sâu hun hút, sau đó anh khẽ đặt một nụ hôn lên trán tôi, hơi thở ấm áp của anh sát ngay mặt khiến tim tôi run rẩy. Giọng anh xúc động:

- Cám ơn nàng.

Chỉ một câu cám ơn ngắn ngủi nhưng trong lòng tôi lại như có muôn vàn dòng nước ấm áp mang hạnh phúc chảy qua. Tôi biết Trịnh Khải cảm động vì lòng tin của tôi đối với anh, còn tôi, tôi đã bị anh làm cho cảm động rất nhiều lần rồi. Tôi cũng biết điều khiến Trịnh Khải lo lắng hiện nay chính là thân phận con gái quận công Huy của tôi. Nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ nói cho Trịnh Khải biết rằng, chỉ cần có anh, tôi sẵn sàng từ bỏ danh vị tiểu thư nhà quận công, cùng anh đi đến một nơi thật xa không ai quen biết để bắt đầu cuộc sống mới.
Chương trước Chương tiếp
Loading...