Đợi Anh Ở Toronto

Chương 15: Chặng Đường Mới



Quân ra đón cô ở sân bay với một bó hoa to và một nụ cười rạng rỡ. Vi thấy bối rối, ngượng ngùng trước niềm vui không thể che giấu của anh. Cô cố gắng mỉm cười gượng gạo rồi lại tự cắn vào môi mình một cái như thể cô vừa nói dối một cách trơ trẽn. Nhưng Quân dường như chẳng quan tâm đến điều đó. Tâm trí anh còn đang bận bịu với niềm hạnh phúc mới. Anh vui vẻ xách hành lý của cô cất vào cốp xe, tíu tít hỏi han cô những chuyện ở Việt Nam, rồi lại thao thao kể cho cô nghe rằng anh đã dàn xếp mọi chuyện ở đây ra sao để sẵn sàng đón cô trở về.

– Anh đã tìm được cho em một phòng nhỏ trong nhà một bà già độc thân gần chỗ anh ở rồi Vi ạ – anh vui vẻ thông báo – Ở đó em sẽ được yên tĩnh học hành, lại cũng tiện đường tới trường, em cũng có thể tới quán ăn giúp anh những khi em rảnh rỗi nữa.

– Vậy à, cảm ơn anh. Anh thật tốt quá – Vi thốt lên thật lòng.

– Người Bắc thường hay khách sáo như vậy sao – Anh cười – Một khi đã quyết định giúp em, bất cứ cái gì có thể anh cũng sẽ làm cho em. Nếu em muốn cảm ơn thì chắc sẽ còn phải cảm ơn dài dài đó.

Vi ngượng nghịu cười trừ. Cô mệt mỏi tựa đầu vào cửa kính, lơ đãng nhìn những dòng xe nối đuôi nhau lướt đi vun vút. Thế là bắt đầu một chặng đường mới, một cuộc sống mới, và cô sẽ phải trở thành một con người mới, mang một bộ mặt mới, một tinh thần mới để sẵn sàng đón nhận những thử thách mới. Kể từ ngày gõ phím chữ đầu tiên trong email gửi cho Quân, cô đã bắt buộc mình phải đoạn tuyệt hoàn toàn với quãng thời gian hai năm êm đẹp của cuộc đời mình. Vi muốn những kỷ niệm đau thương đó nếu không thể phai nhạt thì cũng phải trở nên xấu xí để cô có thể lãng quên. Cô những muốn phủ một bức màn đen lên vùng ký ức về anh, chôn vùi nó trong những xó xỉnh tăm tối nhất để không bao giờ phải đối mặt với nó trong những chặng đường trước mắt. Thế nhưng dường như những gì thuộc về ký ức thì luôn luôn tươi đẹp, luôn luôn quyến rũ vì người ta chỉ có thể tưởng tượng thấy nó, nhìn ngắm nó mà không bao giờ có thể chạm được vào nó. Hình ảnh của anh trong ký ức cô lung linh như một ngôi sao, luôn tỏa sáng cho dù cô nhắm mắt hay mở mắt, cho dù cô có muốn đập vỡ hay che khuất nó đi nữa, cô cũng không có cách gì thực hiện được: ngôi sao đó luôn tồn tại và hiện hữu ngoài tầm tay với của cô. Nhưng bất chấp tất cả, cô đã tự hứa với lòng mình, cô sẽ quên anh dần dần. Mỗi ngày cô sẽ xóa bỏ đi một kỷ niệm về anh, từng ngày, từng ngày một cho đến khi ký ức về anh sẽ không còn làm cho cô đau đớn, kỷ niệm về anh cũng sẽ chỉ giống như kỷ niệm về bao nhiêu người khác. Mỗi ngày cô sẽ thay thế khoảng trống của anh bằng sự tồn tại của một người khác – người mà cô cho rằng cô có nghĩa vụ phải đền đáp lại tấm chân thành anh đã dành cho cô.

Ngày hôm sau thức dậy, việc đầu tiên Vi làm đó là lên một bảng dự toán chi tiêu. Cô dự tính khoản tiền mà Quân sẽ tạm ứng cho cô hàng tháng, ghi vào cột nợ phải trả. Trong số tiền đó, cô sẽ phải trích ra một khoản để gửi về Việt Nam cho em cô sử dụng. Phần còn lại được chia làm ba khoản: một khoản để tiết kiệm, một khoản để dự phòng những trường hợp khẩn cấp cần dùng đến, khoản còn lại là sinh hoạt phí hàng tháng của cô. Các chi phí khác cô có thể trông chờ vào tiền làm part time ngoài giờ học, (theo gợi ý của Quân thì cô sẽ đến làm ở quán của anh, vì anh cũng đang cần người giúp), về tiền học phí, Quân sẽ tạm ứng cho cô theo từng đợt phải đóng… Vi lên cho mình một ngân sách rất nghiêm ngặt, bởi vì cô biết cô đang phải gánh vác những trách nhiệm nặng nề, trách nhiệm với bố cô, với em trai cô và trách nhiệm với Quân – ân nhân của cô nữa.

Nhưng ân nhân của cô thì lại hoàn toàn không cho rằng cô phải có trách nhiệm gì với anh cả. Trái lại, anh mới chính là người chăm lo cho cô từng ly từng tí, ít nhất thì từ ngày đến giúp anh trông coi quán, hầu như Vi đã không còn phải lo lắng chuyện nấu ăn nữa. Trước đây ăn gì luôn là một câu hỏi khó đối với cô mỗi lần đi chợ. Đồ ăn kiểu Tây, hay fast food thì không hợp khẩu vị, mà lại rất tốn tiền, chỉ ăn được vài bữa là lập tức thấy hậu quả nhãn tiền: thế nào cũng sẽ có vài nốt mụn xuất hiện, án ngữ ngay những vị trí đắc địa nhất trên khuôn mặt cô, lại còn khiến cho cô mắc thêm bệnh viêm màng túi. Nói gì thì nói, cô vẫn không thể rời xa những món ăn thơm mùi nước mắm, đậm đà chất Việt được. Vì vậy, mỗi lần đi chợ Việt hoặc chợ Tàu mà cô phải đổi mất mấy lần xe buýt mới tới, Vi đều mua thức ăn đủ cho cả mấy tuần, về đến nhà, với rau thì cô bọc kín trong túi nylon, bỏ vào tủ lạnh. Còn với thịt (chủ yếu là thịt gà, nói đúng hơn là đùi gà – vừa ngon, vừa rẻ), cá (chủ yếu là cá basa Việt Nam), cô phải chia nhỏ ra cho vừa ăn mỗi ngày, thấm cho khô nước, rồi gói lại bằng giấy wraping trước khi cho vào ngăn đá tù lạnh dự trữ. Mỗi khi nấu ăn, cô lại phải lấy những thực phẩm đông lạnh đó ra, rã đông, rồi mới cho vào nấu. Bởi vì các công đoạn để có một bữa ăn bình thường phức tạp như vậy, nên Vi thường nấu một lúc vài món, ăn dần trong vài ngày. Nhiều khi, nấu một nồi canh cũng đủ cho cô ăn cả tuần… Có những thời điểm bận học, bận làm, không có thời gian nấu ăn, thì mì tôm là nguồn dinh dưỡng chính của cô. Mì tôm đã trở thành món “đặc sản” không thể thiếu đối với du học sinh, nhất lại là du học sinh Việt Nam như Vi. Thế nhưng, kể từ khi đến làm việc ở quán của Quân, Vi đã có thể nói lời tạm biệt với món đặc sản đó… Có thể nói Quân là một đầu bếp bẩm sinh. Anh nấu ăn rất ngon, rất nhanh và chuyên nghiệp, vốn dĩ không quen ăn những món ăn kiểu miền Nam ngọt lự đường, nhưng với tài nấu ăn của Quân, cô bỗng trở nên quen thuộc và yêu thích ẩm thực kiểu Sài Gòn từ lúc nào. Bao giờ anh cũng đích thân vào bếp nấu ăn cho cô. anh còn cẩn thận nấu những món ăn mặn, cho vào các hộp nhựa để cô mang về bỏ tủ lạnh ăn dần.

Vi thực sự cảm động trước sự chăm sóc tận tình của Quân, nhưng cô luôn luôn đón nhận sự chăm sóc ấy với một tâm trạng dằn vặt. Cô luôn cảm thấy mình có lỗi với anh. Có những lúc cô muốn nói một câu cảm ơn chân thành, thì không biết tại sao lại chỉ có thể bật ra hai tiếng “thank you” cụt lủn. Có những lúc cô muốn mỉm cười thật ấm áp với anh, nhưng không biết tại sao nụ cười đó lại biến thành một tiếng cười gượng gạo. Có những lúc cô cố gắng nhớ đến anh, nhưng không biết vì lẽ gì, hình ảnh của anh luôn bị xóa nhòa đi bởi một khuôn mặt khác… Nhiều khi thấy cô ngồi thừ người trước bát bún bò, anh lại nghĩ rằng cô đang nhớ những món ăn Hà Nội, bèn bảo cô ráng đợi khi nào anh học thành thạo, anh sẽ thử nấu bún thang cho cô ăn. Bác cô vẫn bảo: “Con mà lấy nó thì chả phải lo lắng gì, thời buổi này đàn ông như nó cũng không dễ kiếm đâu”. Ngay cả Jacob cũng nháy mắt tinh nghịch, giơ ngón tay cái lên ra ý khen ngợi, mỗi khi thấy anh đưa cô đến trường hoặc đến đón cô những lúc cô học khuya trên thư viện.

Đúng là người như Quân không hề dễ kiếm. Hết lo cái ăn, anh lại giành luôn cả phần lo cái mặc cho cô. Vi ăn mặc giản dị. Không phải vì cô không thích làm đẹp hay không có khiếu thẩm mỹ, chỉ đơn giản là ngân sách của cô quá hạn hẹp. Cuộc sống của cô từ ngày gia đình xảy ra sự cố đã hoàn toàn thay đổi. Cô ép mình vào một thời khóa biểu sít sao.

Một ngày bình thường của cô bắt đầu từ bảy giờ sáng hoặc muộn hơn một chút. Nửa tiếng dành cho tất cả các thủ tục vệ sinh cá nhân, rồi tủ quần áo bị đảo lộn lên để tìm trang phục đến trường. Sách vở và hộp cơm trưa được cô nhét chung vào một chiếc túi to đeo bên mình. Xỏ vội chân vào đôi giày thể thao, cô lao ra cửa, vừa đi vừa chạy cho kịp giờ xe buýt. Bữa sáng đơn giản (thường là một mẩu bánh mì hay vài hạt ngũ cốc) được cô giải quyết nhanh gọn trên đường tới bến xe. Nhưng phần lớn thời gian, cô bỏ qua bữa sáng. Mà không chỉ bữa sáng, trong lúc vội vã cô còn bỏ qua nhiều thứ khác nữa. Chẳng hạn, cô thường quên găng tay vào mùa đông, hoặc có lúc nhớ găng tay thì lại quên khăn, mũ. Mùa hè thì cô thường xuyên không nhớ mang theo ô hoặc mũ che nắng. Chẳng thế mà sau khi phát hiện ra cái tính hay quên của cô, buổi sáng nào Quân cũng gọi điện thoại đến nhắc nhở cô phải trang bị đầy đủ trước khi tới trường… Để rút ngắn thời gian học tập, cô đăng ký học tối đa các môn có thể trong học kỳ, vì vậy, cô thường miệt mài ở trường tới khoảng năm giờ chiều. Sau đó cô bắt xe buýt tới quán ăn của Quân, đôi khi Quân lái xe đến đón cô nếu như anh có thời gian rảnh. Công việc của Vi ở quán ăn là nhận đặt món của khách, tính tiền, thu tiền, trả hóa đơn… Tuy đơn giản, nhưng phải đứng mấy tiếng đồng hồ liên tục cho đến khi quán đóng cửa cũng đủ khiến cô mệt nhoài. Bữa tối cô và Quân ăn luôn tại quán. Sau đó Quân nhất quyết giành quyền được lái xe chở cô về nhà, không quên chúc cô ngủ ngon cùng với một lô những lời dặn dò cô không được thức quá khuya, phải đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe. Nhưng bất chấp những lời dặn dò của anh, đêm nào, dù mệt đến mấy Vi cũng ép mình dành ra một tiếng đồng hồ để học bài trước khi đi ngủ. Mục tiêu của cô là phải tốt nghiệp với điểm số tốt nhất để có thể xin được việc làm sau khi ra trường… Cứ như vậy, cái vòng quay đến chóng mặt đó được lặp đi lặp lại hàng ngày khiến cho Vi thậm chí chẳng có thời gian mà ngó ngàng đến việc ăn mặc của mình. Mà cho dù cô có muốn ăn diện đi chăng nữa, thì cái ví tiền lép kẹp của cô cũng chẳng bao giờ cho phép.

Món quà đầu tiên mà Quân tặng cô là một bộ khăn mũ ấm. Vi nhanh chóng nhận thấy những món quà của anh đều hết sức thực tế: Món quà tiếp sau đó là một chiếc áo khoác mùa đông. Rồi áo len, găng tay, váy, giày… bằng cách nào đó đã tự nhiên chiếm chỗ trong cái tủ quần áo chật chội của cô. Có những thứ đến tận bây giờ cô cũng chưa một lần dùng đến. Mới đầu Vi cũng ra sức từ chối, đương nhiên cô không muốn làm nặng thêm cái ơn to tướng đối với anh mà cô đang mang.
Chương trước Chương tiếp
Loading...