Đợi Anh Ở Toronto

Chương 17: Trở Về



Chuyến bay Toronto – Hong Kong cất cánh lúc mười giờ tối hôm đó (cô phải transit ở Hong Kong). Trải qua một lô các thủ tục checkin và kiểm tra an ninh, lại thêm hơn một giờ đồng hồ lang thang chờ đợi ở sân bay khiến Vi mệt phờ người. Tựa đầu vào ô cửa sổ nhỏ, Vi nhìn ra ngoài khoảng không bao la, dưới chân là Toronto. Thành phố về đêm rực rỡ ánh đèn. Máy bay của cô giống như đang bay trên một biển ánh sáng. Lộng lẫy đến mức choáng ngợp. Quân ghé đầu nhìn qua vai cô. “Wow, không thể tưởng tượng Toronto nhìn từ trên cao lại đẹp đến vậy”, anh trầm trồ.

– Anh chưa bao giờ đi máy bay à? – Vi ngạc nhiên hỏi.

Quân lắc đầu:

– Đây là lần đầu tiên anh được đi máy bay, lại là chuyến bay xa đến vậy.

Anh ngập ngừng:

– Khi mười bốn tuổi, anh cũng đã trải qua một hành trình dài từ Việt Nam qua đây, nhưng bằng đường biển, đâu có cơ hội được nhìn thấy cảnh đẹp như thế này.

Vi khẽ thở dài. So với hoàn cảnh của anh, cô còn hạnh phúc hơn rất nhiều. Dù cho gia đình cô có xảy ra biến cố, nhưng cô vẫn may mắn được vây bọc xung quanh bởi rất nhiều tình thương. Cô vẫn còn có bố và em trai, có những người họ hàng tốt bụng, có anh yêu thương và làm chỗ dựa cho cô trong những thời điểm sóng gió của cuộc đời. Còn anh, anh đã phải tìm chỗ dựa ngay chính bản thân mình. Anh đã phải sống với nỗi cô đơn bủa vây, nỗi cô đơn dường như thấm đẫm ngay trong bầu không khí mà anh đang hít thở. Bất giác, cô cảm thấy muốn chia sẻ với anh, muốn an ủi anh một câu gì đó, nhưng rồi cuối cùng không biết tại sao, cô lại chỉ lặng im. Một lúc lâu sau, cô nghe thấy anh thì thầm khe khẽ:

– Em buồn ngủ thì dựa đầu vào vai anh cho đỡ mỏi. Cô chỉ muốn cười dịu dàng, không nỡ từ chối tấm lòng nhiệt thành của anh, cô kê chiếc gối vào cô rồi dựa khẽ vào vai anh, nhắm mắt lại. Anh xoay vai làm điểm tựa cho cô, cánh tay thừa thãi sau giây lát ngập ngừng cuối cùng cũng vòng qua đỡ lấy bờ vai cô một cách vụng về.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài đúng mười hai giờ trưa. Nhìn đống hành lý linh kỉnh chất đầy trên chiếc xe mà Quân đang đẩy, Vi quyết định sẽ gọi một chiếc taxi.

– Từ đây vào thành phố mất bao lâu? – Quân hỏi.

– Khoảng ba mươi phút – Vi trả lời anh.

– Em có đói không? Hay dừng lại ăn chút gì rồi hãy đi tiếp? – Quân quay sang nhìn cô.

– Thôi, ăn ở đây không ngon đâu. Đợi chút nữa vào trung tâm, em dẫn anh đi ăn bún thang – Cô gạt đi.

– Ừ phải – Quân cười – Em đã hứa dẫn anh đi thưởng thức tất cả các đặc sản Hà Nội. Anh chắc chắn phải nếm cho bằng hết. không bỏ sót món nào. Sang bên kia, anh sẽ thử nấu, nếu ngon thì sẽ bổ sung vào thực đơn của quán.

– Anh yên tâm, mình có hai tuần ở đây cơ mà, tha hồ ăn uống. Anh không muốn thì em cũng sẽ kéo anh đi bằng được. Mấy năm ở bên kia, chỉ mong có dịp về để được ăn cho thỏa thích, làm sao bỏ lỡ được – Cô cười.

– Em cũng phải làm hướng dẫn viên du lịch cho anh nữa đó – Anh nhắc nhở đầy vẻ hào hứng.

– Hà Nội ngoài hồ Gươm, tháp Rùa, Văn Miếu, hồ Tây, phủ Tây Hồ, phố cổ ra thì em cũng chẳng biết phải dẫn anh đi đâu nữa – Cô lơ đãng trả lời – Hà Nội bé như lòng bàn tay, anh đi mấy chỗ đó một buổi là hết. Còn những chỗ khác mới xây thì có khi em cũng chẳng biết được. Mới có mấy năm mà Hà Nội đã khác nhiều quá.

Vi đăm chiêu ngắm thành phố qua cửa kính của chiếc taxi. Lần về gần đây nhất là vì việc của bố cô, khi đó cô chẳng có lòng dạ nào mà ngắm thành phố. Nhưng lần này để ý, cô mới thấy thành phố quen thuộc của cô sau mấy năm không gặp đã có quá nhiều thay đổi.

– Chà. Hà Nội cũng đông dữ ha – Quân nhận xét sau một hồi quan sát dòng người chen chúc nhau nhích từng bước một trên con đường dẫn vào thành phố.

Chiếc taxi đang bị kẹt cứng ở giữa đường. Người lái xe thỉnh thoảng lại văng ra một câu chửi thề đầy bực tức khi những chiếc xe máy lượn lách chen lên trước đầu xe. Vi ngại ngùng bảo anh ta rằng cứ từ từ mà đi, không việc gì phải vội.

– Nếu mình cứ nhường thì đến tối cũng chưa ra được khỏi chỗ này đâu – Anh ta giải thích trong lúc nhả chân phanh cho chiếc taxi bám sát đuôi chiếc xe đi trước, để ngăn không cho xe máy lách qua.

– Chà, lái xe ở đây đòi hỏi phải có nghệ thuật đó nha, không đơn giản đâu – Quân chặc lưỡi, ngạc nhiên.

– Đúng đấy – Anh lái xe như được gãi đúng chỗ ngứa – Nhiều người ở nước ngoài về, kinh nghiệm lái xe bao nhiêu năm cũng có dám lái ở đây đâu.

Vi lơ đãng theo dõi cuộc nói chuyện giữa Quân và người lái taxi. Tâm trí cô còn đang mải tập trung vào khung cảnh bên ngoài. Chỗ này trước khi cô đi còn chưa có tòa nhà cao tầng này, cô nghĩ thầm khi chiếc taxi đi qua một đoạn phố quen. Chỗ kia mới mọc lên một nhà hàng bề thế có cái tên nghe thật lạ: nhà hàng đặc sản Quái Thú. Mà sao bây giờ Hà Nội lại có nhiều ngân hàng đến thế? – Vi bỗng ngạc nhiên vì phát hiện này của cô. Chỉ một đoạn phố ngắn, cô đếm được không dưới năm chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng khác nhau. Không biết trong số đó có bao nhiêu cái thuộc về gia đình anh? – Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Vi. Cô bỗng thấy bực bội với chính mình. Bao nhiêu năm rồi, cô vẫn không thể gạt ra khỏi đầu óc mình những hình ảnh về anh.

Chiếc taxi dừng trước một ngõ nhỏ.

– Anh chị phải xuống ở đây thôi, ngõ này bé quá, không cho xe vào được – Anh lái xe quay lại nói với Vi.

Cô vội gật đầu cảm ơn rồi móc ví lấy tiền trả người lái xe. Quân lại dành hết phần mang vác. Hai tay kéo hai va li, lưng đeo ba lô, anh vẫn nhất quyết khoác thêm lên vai chiếc túi xách của Vi, phần Vi chỉ phải mang một chiếc túi nhỏ đựng những vật dụng linh tinh cá nhân của cô.

Phút đầu gặp lại thật cảm động. Bà bác ôm chằm lấy Vi, rơm rớm nước mắt:

– Bố cháu thế này là mừng lắm. Cháu báo tin về gấp quá nên bác cũng chưa báo cho bố cháu biết được. Khổ thân, bố mày mong gặp mày lắm đấy.

Rồi sụt sùi chấm đôi mắt ngân ngấn nước, bà gọi với lên gác:

– Thằng Sơn đâu, chị Vi về rồi đây này.

– Chị Vi!

Sơn chạy một mạch từ trên gác xuống, không kìm nổi tiếng reo vui khi thấy chị về. Vi cố gắng lắm mới ngăn nổi nước mắt khỏi trào ra trên khóe mi. Mới có hơn một năm mà cậu nhóc đã lớn bật lên, ra dáng thanh niên lắm rồi.

– Chị về bao giờ thế? – Cậu hớn hở hỏi nhưng không chạy tới ôm chầm lấy Vi như lần trước nữa. (Chẳng gì thì cậu cũng đã mười lăm tuổi rồi).

– Chị vừa mới về đến đây thôi – Vi âu yếm nhìn em.

– Chào anh – Sơn rụt rè chào khi nhìn thấy Quân. Lúc đó Vi mới sực nhớ ra, giới thiệu Quân với bác và em cô. Bà bác tất tả đi lấy nước uống, bảo cô và Quân vào rửa mặt cho tỉnh táo. Rồi đến phần sắp xếp đồ đạc. Bà bác bảo Vi sẽ ngủ với bác còn Quân sẽ ở cùng Sơn trên gác. Nhưng vốn biết nhà bác cô chật chội nên Vi đã thỏa thuận với Quân sẽ để anh ở khách sạn cho thoải mái. Cô cũng đã đặt sẵn cho anh một phòng khách sạn ở gần đó để anh có chỗ nghỉ ngay sau khi về đến Hà Nội. Thấy Vi sắp xếp như vậy cũng hợp lý, bác cô không nài thêm, chỉ bảo anh ở lại ăn cơm tối rồi hãy về khách sạn.

Tất nhiên việc đầu tiên Vi làm vào sáng hôm sau là cùng em trai vào thăm bố. Quân đòi đi theo hai chị em. Mới đầu Vi nhất quyết không đồng ý, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy làm thế là không phải với Quân nên cuối cùng cô cũng miễn cưỡng gật đầu. Lý do duy nhất khiến Vi do dự chính là không biết phải giới thiệu Quân với bố cô như thế nào, bởi chính bản thân cô cũng còn chưa biết nên gọi mối quan hệ phức tạp giữa cô và anh bằng tên gọi gì.

Trái với những tưởng tượng của cô, bố cô trông có vẻ khỏe khoắn và vui tươi hơn lần gặp trước rất nhiều, đặc biệt là tinh thần của ông rất tốt. Vi không giấu nổi những giọt nước mắt vui mừng khi gặp lại ông, khi lại được nghe giọng nói thân quen và nụ cười ấm áp của ông.

– Con sống thế nào? – Ông hỏi.

– Tốt, bố ạ – Cô cố gắng mỉm cười – Bố có khỏe không?

– Bố khỏe – Ông nhìn cô, giọng bình thản – Con sắp tốt nghiệp rồi, có dự định gì chưa?

– Con định tìm việc ở bên đó. Nếu may mắn có việc làm tốt thì con sẽ cố gắng thu xếp cho Sơn sang học. Mọi việc đều tốt, bố đừng lo. Bên kia, có anh Quân giúp đỡ con rất nhiều.

Nghe nhắc tên mình, Quân vội bước lên chào bố Vi. Ông cười với anh rất niềm nở:

– Cảm ơn cháu rất nhiều. Cháu cố gắng kèm cặp em nó hộ bác nhé. Hoàn cảnh của Vi, cháu cũng biết đấy…

– Dạ thưa bác, con hiểu ạ – Quân vội ngắt lời ông – Bác cứ yên tâm, con sẽ cố gắng hết sức.

– Bố ở trong này… có thoải mái không? – Vi khẽ hỏi.

– Cũng ổn con ạ – Ỏng trả lời, tránh ánh mắt cô – Bố cũng chỉ còn ít tháng nữa thôi. Con đừng lo, cứ yên tâm học hành là được rồi…

Chuyện trò thêm được một lúc nữa thì thời gian sắp hết, Vi nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông, cố cắn chặt môi cho khỏi bật ra tiếng khóc. Quân biết ý, vội chào bố Vi rồi quay sang bảo cô là anh và Sơn ra trước và sẽ chờ cô ở bên ngoài. Đợi cho Quân đi khuất, Vi dúi vào tay bố cô xấp tiền mà cô đã chuẩn bị trước ở nhà.

– Bố vẫn còn tiền con vừa gửi mấy tuần trước – Bố khẽ lắc đầu.

– Sao ạ? Thế bác Giang mới lên thăm bố à? Sao bác lại bảo con là bác lên thăm bố cách đây mấy tháng rồi? – Vi ngạc nhiên nhìn bố.

– Không phải, đây là tiền con gửi bạn con mang về cho bố mà? – Ông nhìn cô vẻ thắc mắc.

– Con có gửi tiền cho bạn nào đâu nhỉ? – Vi băn khoăn – Từ đầu năm đến giờ, con không có bạn nào về Việt Nam cả.

– Thế là thế nào nhi? Rõ ràng thỉnh thoảng có người từ bên đó về con lại gửi tiền cho bố mà. Từ năm ngoái đến giờ bố đã nhận được tất cà năm lần rồi.

– Thế ai đến đưa tiền cho bố? – Vi gặng hỏi.

– Mỗi lần một người khác nhau, đều báo là bạn hoặc người quen của con ở bên đó, nhân tiện họ về Việt Nam, con gửi tiền và quà về cho bố – Ông khẳng định – Lần gần đây nhất là một cậu, độ ba mươi tuổi, cao ráo, khôi ngô lắm.

– Có nói tên không bố?

– Bố có hỏi thì bảo tên là Phong.

Cái tên xa lạ chẳng khiến Vi đoán ra được điều gì, nhưng trong cô bỗng trào lên một linh cảm. Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, Vi biết chỉ còn kịp nói với bố vài câu nữa, nên cô đành trấn an ông:

– Để con tìm hiểu xem sao bố ạ. Bố cứ yên tâm – Cô ngậm ngùi – À, trong túi quà con đưa, có lọ thuốc bổ đấy ạ, bố chịu khó uống đều đặn nhé. Con sẽ còn lên thăm bố lần nữa.

– Không cần đâu con. Đi lại xa xôi, mà con chỉ về được có hai tuần. Dành thời gian đó để thăm bạn bè, dẫn Quân đi chơi cho biết Hà Nội – Bố cô gạt đi.

– Thôi, bố giữ gìn sức khỏe – Giọng Vi hơi run run.

– Con đi nhé – Cô gạt giọt nước mắt đã lăn trên má. Lần nào cũng vậy, cũng tự dặn lòng phải cứng cỏi lên cho bố cô yên tâm, nhưng chưa một lần nào cô thực hiện được quyết tâm đó.

– Ừ, con cũng giữ gìn sức khỏe. Có gì đâu mà phải khóc.

Vi lại nắm lấy bàn tay bố. Cô cứ nấn ná mãi không muốn buông rời bàn tay ông, bởi cô biết giữa những lần nắm tay đó là cả một hố sâu thời gian ngăn cách cô với ông. Mãi đến khi người quản giáo lên tiếng nhắc nhở, Vi mới chịu rời đi. Cô vừa bước vừa ngoái lại nhìn ông qua hàng nước mắt.

Rời khỏi trại giam, những nỗ lực cố tỏ ra cứng cỏi của Vi sụp đổ hoàn toàn. Cô để mặc cho nước mắt rơi trên má. Hình ảnh bố khắc khổ trong bộ quần áo tù nhân khiến lòng Vi tan nát. Quân và Sơn đang đợi cô ở phía ngoài. Nhìn thấy bóng cô, Quân vội chạy lại. Anh lấy trong túi ra mấy tờ khăn giấy, nhẹ nhàng thấm khô những giọt nước mắt đang nhỏ giọt xuống cằm cô. Anh vòng tay ôm lấy bờ vai cô, xiết nhẹ:

– Đừng khóc nữa em. Bố khỏe mạnh là tốt rồi. Em vui thì bố mới yên tâm được.

– Em biết, nhưng mà không thể kiềm chế được – Cô rầu rĩ gạt những sợi tóc đang dính bết trên má, lặng lẽ bước lên phía trước.

Cứ mỗi lần vào thăm bố, ước muốn cháy bỏng được bù đắp cho ông lại bùng lên dữ dội trong cô. Quyết tâm lo cho em trai được ăn học đầy đủ theo nguyện vọng của bố lại thêm một lần được hun đúc. “Bằng mọi giá”, cô khẽ thì thầm.

Đêm đông Hà Nội lạnh đến tê người. Tuy nhiệt độ chỉ quãng mười hai đến mười lăm độ c, chẳng thấm tháp gì so với Toronto, nhưng trong nhà không có hệ thống sưởi nên cái lạnh cứ thấm dần, thấm dần như xuyên thấu vào da thịt. Phần vì lạ nhà, phần vẫn còn chưa quen với sự thay đổi múi giờ, Vi không sao ngủ được. Cô cứ nằm thao thức, mở mắt chong chong nhìn lên trần nhà. Những hình ảnh của cuộc gặp mặt buổi sáng với bố cô bỗng nhiên ùa về rõ nét đến từng chi tiết. Tuy cô có yên tâm đôi chút khi nhìn thấy ông vẫn khỏe mạnh, tinh thần tốt, nhưng cô lại xót xa biết bao khi thấy những nếp nhăn mỗi ngày một hằn sâu trên khuôn mặt ông. Mái tóc ông cũng đã có thêm không biết bao nhiêu sợi bạc. Vi khẽ thở dài, tự nhủ, chỉ cần thêm một thời gian nữa thôi, mọi chuyện chắc chắn sẽ tốt đẹp… Rồi bất chợt Vi nhớ đến câu chuyện bố cô kể về “những người bạn bí ẩn” đã mang tiền đến cho ông trong suốt hơn một năm qua. Hơn một năm, chính là bằng khoảng thời gian Nguyên tốt nghiệp và trở về nước… Nhưng làm sao Nguyên lại biết chuyện của bố cô được nhỉ? Lần cuối cùng chia tay anh ở Toronto hôm đó cô đã không nhắc một lời nào với anh về chuyện này. Vi cố gắng gạt ra khỏi đầu những ý nghĩ kỳ quái cứ khăng khăng gắn anh vào việc thăm nuôi bố cô, tự nhủ rằng điều đó là không thể, mặc dù cô biết, chỉ cần anh muốn, thì chuyện điều tra hoàn cảnh gia đình cô là việc quá dễ dàng. Cô luôn có một linh cảm mãnh liệt về việc này, tuy rằng cô chẳng có bằng chứng gì để chứng minh cho những dự đoán của mình. Cô chỉ có một lý lẽ hết sức đơn giản nhưng không dễ bắt bẻ: Nếu không phải anh thì ai trong số những người cô quen biết có thể làm việc đó? Quân chắc chắn không phải bởi anh không hề có một mối liên hệ nào với Việt Nam, càng chẳng có bạn bè nào thường xuyên về Hà Nội. Nhưng nếu là Nguyên, thì tại sao anh lại làm việc đó, mà lại làm một cách âm thầm như thế? Chẳng lẽ sau khi lừa dối cô, anh đã phải đối mặt với tòa án lương tâm của chính anh? Chẳng lẽ anh đã phải bỏ ra chút tiền để mua lấy sự thanh thản cho tâm hồn, Vi chua chát nghĩ. Anh vẫn không thích sử dụng sức mạnh của đồng tiền đấy thôi. Vi vẫn nhớ có lần tranh luận, anh đã bảo cô, vấn đề có thể giải quyết được bằng tiền là những vấn đề đơn giản nhất, còn những vấn đề liên quan đến tình cảm là những vấn đề đau đầu nhất. Cô đã cười và bảo điều đó chỉ đúng với những người có tiền, còn nếu không có tiền thì chẳng có vấn đề nào là đơn giản cả. Khi đó anh đã nghiêm mặt bảo cô đừng có quá coi trọng đồng tiền, “vì có những thứ mãi mãi không thể mua được bằng tiền, dù là bằng rất rất nhiều tiền đi nữa”. Lẽ nào bây giờ quan niệm về đồng tiền của anh đã hoàn toàn thay đổi?… Vi lại khẽ thở dài, cố gắng nhắm mắt lại. Những hình ảnh chập chờn trong đầu cô, khi xoắn xuýt vào nhau, lúc lại rời rạc thành những hình thù kỳ dị. Nhưng trong tất cả cái mớ hỗn độn đó, luôn có một chi tiết, một đường nét thân quen đến nao lòng, khi thì là một ánh mắt nâu sâu thẳm, lúc lại là một nụ cười đẹp mê hồn… Và đâu đó trong những góc tối, một nét mày rậm đang nhướng cao lên ngạc nhiên… Cứ thế, Vi chìm vào một giấc ngủ chập chờn, mộng mị.

Sau khi đã làm xong việc quan trọng nhất là đến thăm bố, thời gian còn lại Vi sẽ dành để thực hiện hết những dự định mà cô đã vạch ra một cách chi tiết từ khi vẫn còn ở Toronto. Vi mất đúng ba ngày để gặp gỡ bạn bè và để phân phát hết chỗ quà cáp mà cô đã cất công mang về tận từ bên kia trái đất. Bạn bè thân thiết đến mức cần gặp gỡ của Vi ở Hà Nội cũng không nhiều, nhưng để thu xếp gặp nhau được lại mất rất nhiều thời gian vì ai cũng bận bịu cả. Sau một hồi gọi điện thoại khắp nơi, cuối cùng Vi cũng đã thu xếp xong lịch trình gặp gỡ của mình, tất nhiên không thể thiếu tiết mục ăn uống được kết hợp một cách chặt chẽ và khoa học. Vi chỉ hơi tiếc vi cô bạn gái thân nhất hồi học cấp ba của cô lại đang du học ở Mỹ, dịp này không về được. Thế là chẳng còn ai để có thể chia sẻ với cô những kỷ niệm đáng nhớ nhất thời đi học. Nhưng bù lại, cô phải có nhiệm vụ đóng vai hướng dẫn viên du lịch cho Quân, vì vậy thời gian hai tuần ngắn ngủi của cô cũng sẽ kín đặc.

Để bắt đầu giới thiệu về Hà Nội với Quân, một người mới lần đầu tiên đặt chân đến thành phố này, có lẽ không gì điển hình hơn là đưa anh đến thăm hồ Gươm. Vi đã tính toán rất kỹ. Mục đích cho lần viếng thăm này của Quân là thăm thú danh lam thắng cảnh, đồng thời muốn tìm hiểu về các món ăn đặc trưng của đất Hà thành. Vì vậy, không gì bằng kết hợp nhịp nhàng giữa văn hóa và ẩm thực, vừa đỡ mất thời gian, lại vừa đỡ mất công đi lại. Chẳng hạn, nếu đã có kế hoạch đến thăm hồ Gươm, tháp Rùa, sẽ kết hợp thưởng thức bún thang, phở Thìn, còn đã muốn đến thăm đường Thanh Niên hay viếng phủ Tây Hồ, Vi sẽ sắp xếp cho anh ăn bánh tôm hồ Tây. Hay buổi tối muốn đi dạo chợ đêm, phố cổ, nhất định không thể bỏ qua bún móng giò Tạ Hiện và kem Tràng Tiền… Nhưng xem ra danh mục các món ăn mà cô muốn giới thiệu với anh còn rất dài, mà danh sách các danh lam thắng cảnh đã có nguy cơ cạn kiệt. Vi áy náy nghĩ thầm cô sẽ phải hỏi bà bác xem còn chỗ nào đáng xem để cô dẫn anh đi. Những chỗ vui chơi giải trí mới có, dành cho giới trẻ thì để hỏi thăm mấy đứa bạn cô. Mà phải rồi, có một vài chỗ ở ngoại thành nhất định không thể bỏ qua: làng lụa Hà Đông (nơi có những sản phẩm tơ tằm truyền thống mà trước đây nhà cô vẫn kinh doanh), và làng gốm Bát Tràng. Cô sẽ phải dành một ngày để đưa anh đến thăm những làng nghề đó.

Quân thì chẳng có ý kiến gì trước lịch trình mà Vi vạch ra cho anh. Đối với anh, chỉ cần được đi bên cô thì bất cứ nơi đâu cũng đều trở thành danh lam thắng cảnh cả, hơn nữa, anh lại chẳng hề có một khái niệm gì cụ thể về Hà Nội. Ấn tượng rõ nét nhất với anh trong ngày đầu đi chơi lại là vấn đề thời tiết. “Ở đây lạnh dữ ha”, anh kêu lên với cô khi đi bộ cùng cô dọc bờ hồ.

“Em tưởng anh đã miễn nhiễm với cái lạnh rồi?”, cô cười, “ừa, nhưng cái lạnh miền Bắc sao nó khác quá vậy. Lạnh buốt tâm hồn”, anh cũng cười đáp. “May cho anh không phải về đây vào mùa xuân đấy nhé, đã lạnh buốt mà lại còn nồm nữa cơ. ẩm ướt khó chịu hơn thế này nhiều”. Miệng thì nói vậy, nhưng Vi bỗng nhớ quay quắt cái không khí rất Tết đó, đặc biệt nhớ mùi khói hương thơm ngát quyện trong tiết trời lạnh và ẩm ướt với mưa phùn lâm thâm.

Mặc dù không mấy mặn mà với thời tiết Hà Nội, nhưng ẩm thực của thủ đô lại hoàn toàn chinh phục được cái dạ dày của Quân một cách nhanh chóng và đầy thuyết phục. Song cái sự ăn nhiều khi cũng lắm gian nan. Mới đầu nghe danh sách dài dằng dặc các món ăn do cô liệt kê ra, bà bác cứ lắc đầu quầy quậy: “Muốn ăn gì thì để bác mua về nấu lấy rồi ăn, cho nó lành. Cháu lâu không về nên không biết, giờ cái gì ngoài hàng cũng cho đầy hóa chất. Nhìn thì ngon mắt vậy đấy nhưng họ cho cái gì bên trong thì có giời mới biết”. Phở thì có foocmon, bánh cuốn nhiều hàn the, lẩu thì đầy chất tạo màu và mùi vị. Nghe nói toàn là hóa chất công nghiệp gây ung thư, có xuất xứ rất đáng ngờ từ Trung Quốc… Ngay cả đến thịt ôi thiu người ta cũng có cách để làm cho tươi trở lại. Nghe Vi nhắc đến ô mai, bác cô vội vàng can ngăn: “Ôi, mày mà nhìn thấy người ta làm ô mai như thế nào thì chắc mày đến cơm cũng chả nuốt nổi đâu. Đừng có dại mà ăn cái của ấy vào người”. Nhưng chẳng lẽ đã mất công ngồi máy bay một chặng đường dài từ Canada về đến đây mà lại để cho Quân không được thưởng thức món ăn nào trong số những món ăn cô vẫn ra sức quảng cáo với anh? Mà mua đồ về tự nấu tất nhiên không thể nào ngon và đúng vị như những cửa hàng chuyên nghiệp ngoài kia được. Vừa thất vọng, vừa buồn bực, pha chút xấu hổ vì nguy cơ không thể giới thiệu với Quân những món ăn mà cô vẫn luôn tự hào là tinh tế của Hà Nội, Vi đành nói với anh, nửa đùa nửa thật: “Vậy anh thấy thế nào? Nếu không ngại nạp thêm một ít độc tố vào người thì em sẽ dẫn anh đi ăn thử mỗi thứ một lần cho biết. Còn không thì mua đồ về, chúng ta tự biên tự diễn vậy”. “Ngại gì chứ, người ta vẫn ăn cả đấy thôi. Mình cũng là người Việt Nam mà, quen rồi, ba cái đó nhằm nhò gì”, Quân trả lời ngay. Vậy là cuối cùng cô vẫn dẫn anh đi như kế hoạch ban đầu. Kệ thôi, khuất mắt trông coi, cũng chỉ thử một lần cho biết. Cô tự an ủi như vậy, nhưng trong lòng vẫn dấy lên cảm giác buồn bực vì một niềm tự hào không được trọn vẹn. Cũng vì thế, sự hào hứng của Vi đã giảm đi mất một nửa… Mặc dù đã chấp nhận chặc lưỡi rằng khuất mắt trông coi, nhưng với sự giúp đỡ của bà bác, cô cũng cứ cẩn thận chọn những quán ăn tử tế và sang trọng một chút để giảm thiểu cái nguy cơ “ăn thuốc độc” vào người. Song cũng chính vì thế mà độ ngon của món ăn dường như không được như cô mong đợi, cứ luôn thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Nhưng may mắn thay, Quân không cảm thấy như cô, chắc bởi vì những hương vị đậm đà ấy không có trong ký ức của anh như chúng đã tồn tại trong nỗi nhớ quê hương của cô, như một phần không thể thiếu… Vi đưa anh đi ăn thử hết các loại bún, các loại phở, các loại miến, các loại bánh, các loại xôi… như đã dự định từ trước. Món nào Quân cũng thích, cũng khen ngon, cũng ăn đến… miếng cuối cùng. Đi ăn mà anh làm như đi nghiên cứu, lúc nào cũng kè kè bên mình một cuốn sổ tay với một cây bút để ghi lại các thành phần, nguyên liệu của mỗi món ăn, hoặc những thứ lạ anh chưa từng biết. Vi bảo rằng để cô mua cho anh một cuốn sách dạy nấu các món ăn miền Bắc, nhưng anh bảo tự mình khám phá, trải nghiệm vẫn có giá trị hơn. Cái anh muốn ghi lại nhiều khi không chỉ là các nguyên liệu hay cách thức trình bày mà còn là những cảm nhận của bản thân đối với hương vị của mỗi món ăn đó, sẵn có lý do hết sức chính đáng là giúp Quân khám phá nét đẹp của nghệ thuật ẩm thực thủ đô, Vi tranh thủ đi nếm lại tất cả những món ăn mà cô yêu thích, từ món mặn đến món ngọt, từ món chính đến món ăn chơi, rồi đến cả những món ăn vặt hết sức con gái như ô mai, sấu dầm… Vì cô cũng chẳng biết bao giờ mới lại có dịp được về thăm Hà Nội lần nữa. Hoặc cũng có thể lần tới, ai mà biết liệu có còn những món ăn mà cô ưa thích nữa hay không, liệu có còn những nơi chốn, địa điểm mà cô quen thuộc nữa hay không? Ai mà biết được, thời gian trôi tựa tên bay trong lúc thành phố tuổi thơ của cô lại thay đồi với tốc độ chóng mặt như thế. Vi khẽ thở dài, thầm nghĩ có lẽ lần này cô nên chụp nhiều ảnh một chút để lưu giữ những kỷ niệm của hiện tại. Hãy cố gắng tận hưởng những gì mình đang có, vì biết đâu ngày mai chúng có thể sẽ không còn thuộc về mình nữa – bài học này cô đã rút ra được từ chính những kinh nghiệm thực tế của mình.
Chương trước Chương tiếp
Loading...