Đời Kỹ Nữ
Chương 07 Part 1
Trước đấy tôi chưa bao giờ nghe nói đến từ Jorou-ya, cho nên ngay sáng hôm sau, khi bà Dì làm rớt khay kim chỉ xuống nền nhà ở hành lang trước, và bà bảo tôi giúp bà lượm lên, tôi liền hỏi bà: - Thưa Dì, nhà Jorou-ya là nhà gì thế? Bà Dì không trả lời mà tiếp tục cuốn một cuộn chỉ. - Nhà gì thế, thưa Dì? – Tôi tiếp tục hỏi. - Đó là loại nhà dành cho Hatsumono nếu cuối cùng nó đáng bị vào đấy. Bà chỉ nói thế và không hề có ý định nói thêm điều gì nữa cho nên tôi đành phải biết chừng đó thôi. Câu trả lời như thế là không rõ ràng gì hết, nhưng tôi nghĩ chắc Satsu gặp phải hoàn cảnh còn đau đớn hơn tôi nữa. Cho nên tôi quyết định là ngay khi có cơ hội, tôi sẽ tìm đến cái chỗ có tên Tatsuyo đó liền. Nhưng khổ thay, vì tôi làm hỏng áo kimono của Mameha, nên tôi bị phạt phải ở trong nhà 50 ngày. Tôi chỉ được phép đi học khi có Bí Ngô đi kèm theo, nhưng tôi không được phép đi ra ngoài để làm vài công việc lặt vặt do người trong nhà sai. Tôi nghĩ, nếu tôi muốn, tôi có thể chạy ra ngoài bất cứ lúc nào nhưng tôi biết làm như thế là điên. Trước hết là tôi không biết đường để tìm đến nhà Tatsuyo, rồi điều đáng sợ nhất là ngay khi biết tôi ra ngoài, thế nào người ta cũng phái ông Bekku hay ai đấy đi tìm tôi. Cách đây mấy tháng có một cô giúp việc ở nhà kỹ nữ bên cạnh trốn đi, sáng hôm sau là cô ta bị bắt về. Họ đánh cô ta rất tàn bạo suốt mấy ngày liền, tiếng la khóc của cô ta nghe rất rùng rợn. Nhiều khi tôi phải lấy tay bịt lỗ tai để khỏi phải nghe. Tôi thấy chỉ còn cách đợi cho hết thời gian 50 ngày rồi hẵng hay. Trong thời gian này tôi cố tìm cách để trả thù Hatsumono và Bà Ngoại vì họ đã đối xử với tôi quá độc ác. Với Hatsumono, tôi trả thù bằng cách cứ mỗi khi người ta sai tôi quét phân chim bồ câu trên các lối đi lát gạch ở trong sân, là tôi lấy một ít phân để trộn vào kem đánh mặt của cô ta. Kem đánh mặt của cô ta đã có trộn phân chim sơn ca rồi, như tôi đã nói với anh, cho nên trộn phân bồ câu có thể không làm hại gì đến da mặt của cô ta, nhưng làm thế tôi thấy vui vui trong lòng. Còn Bà Ngọai, tôi trả thù bằng cách lấy giẻ chùi toa lét lau vào bên trong áo ngủ của bà ta, rồi tôi rất vui sướng khi thấy bà ngửi cái áo rồi tỏ vẻ khó chịu, nhưng bà ta vẫn mặc. Chẳng bao lâu sau tôi nhận ra bà đầu bếp biết việc tôi làm, bà ta trừng phạt tôi thêm ngoài việc làm hỏng áo kimono - mặc dù không ai yêu cầu bà ta làm thế - là cắt phần cá khô mỗi tháng hai lần trong khẩu phần ăn của tôi. Tôi không nghĩ ra được cách gì để trả thù bà ta cho đến một hôm tôi thấy bà ta cầm một cái chày đuổi theo một con chuột trên hành lang. Bà ta còn ghét chuột hơn cả mèo nữa. Cho nên tôi quét phân chuột dưới móng nhà chính đem rải khắp trong nhà bếp. Thậm chí có một hôm tôi lấy chiếc đũa thọc một lỗ dưới đáy bao gạo, khiến bà ta phải moi hết các thứ trong các tủ ra để tìm kiếm bọn gặm nhấm. Một buổi tối, khi tôi thức để đợi Hatsumono, bỗng tôi nghe có tiếng điện thoại reo, và sau đó một lát, Yoko bước ra, leo lên thang lầu. Khi chị ta đi xuống, chị ta cầm theo cái đàn Shamisen của Hatsumono, cái đàn tháo rời để trong hộp sơn mài. Chị ta nói với tôi: - Cô đem cái đàn này đến phòng trà Mizuki. Hatsumono đánh cá thua, phải hát và đệm đàn Shamisen theo. Tôi không biết cô ta nghĩ sao mà lại không dùng đàn của phòng trà. Tôi sợ cô ta bể dĩa vì lâu rồi cô ta không đụng đến cây đàn. Rõ ràng Yoko không biết chuyện tôi bị giam lỏng trong nhà, và chuyện này cũng không đáng ngạc nhiên, chị ta không được phép rời khỏi phòng gia nhân, vì sợ khi có điện thoại gọi đến, không có ai trả lời, và ngoài ra chị ta cũng không được tham dự mọi sinh hoạt trong nhà kỹ nữ. Tôi lấy cây đàn và chị ta mặc áo khoác kimono để chuẩn bị về nhà ngủ. Sau khi nghe chị ta chỉ đường để đến phòng trà Mizuki, tôi ra cửa mang giày, lòng bồi hồi lo sợ có người ngăn lại. Các chị giúp việc và Bí Ngô - kể cả ba bà già - đều ngủ hết. còn Yoko chỉ ít phút nữa thôi là ra về. Tôi cảm thấy cuối cùng cơ hội tìm ra chị tôi đã đến. Tôi nghe có tiếng sấm và trời có vẻ sắp mưa. Cho nên tôi vội vã đi nhanh, qua mặt từng đám đàn ông và geisha. Nhiều người nhìn tôi với ánh mắt nghi ngại, vì thời ấy có nhiều người, đàn ông cũng như đàn bà, làm nghề mang đàn thuê. Họ thường là những người lớn tuổi, không có con nít làm nghề này. Cho nên tôi nghĩ có lẽ có nhiều người thấy tôi đi qua, họ nghĩ tôi đã ăn trộm đàn của ai. Khi tôi đến phòng trà Mizuki, trời bắt đầu mưa, nhưng vì mặt tiền của nhà hàng quá sang cho nên tôi sợ không dám bước vào. Trước ngõ vào có treo một bức màn, nhìn xuyên qua bức màn, tôi thấy những bức tường sơn màu vàng cam, dưới chân tường áp gỗ mun. Một con đường lát đá được chùi bóng lộn dẫn đến một cái bình lớn cắm nhiều cành thích uốn lượn vào nhau, lá thích mùa thu có màu đỏ óng ánh. Cuối cùng, tôi lấy can đảm bước qua bức màn nhỏ. Đến gần bình hoa, tôi thấy một lối đi thoáng đãng rẽ về một bên, nền nhà lát đá granit láng bóng. Tôi nhớ khi đó tôi quá đỗi ngạc nhiên không phải chỉ vì lối vào phòng trà đẹp mà thôi, tôi còn ngạc nhiên khi thấy con đường dẫn vào cửa phòng trà cũng đẹp. Tôi nghĩ có lẽ đây là lần đầu tiên tôi trông thấy một phòng trà của Nhật đẹp tuyệt vời như thế. Phòng trà không phải là nơi để uống trà, mà là nơi các ông đến để vui chơi giải trí bên các nàng geisha. Khi tôi đi đến phía cửa, cánh cửa mở ra. một cô giúp việc quỳ trên nền nhà phía trong cửa, nền nhà cao hơn ngoài, cô ta nhìn tôi, chắc cô ta đã nghe tiếng giầy gỗ của tôi gõ lộp cộp trên nền nhà nên cô mở cửa ra. Cô ta mặc một cái áo kimono màu xanh đậm đẹp, áo có hình trang trí đơn giản màu xám. Nếu cách đây một năm, chắc tôi sẽ tưởng cô ta là cô tiểu chủ của ngôi nhà đẹp lộng lẫy này, nhưng bấy giờ sau những tháng sống ở Gion, tôi nhận ra chiếc kimono trên người cô - mặc dù đẹp hơn bất kỳ áo của ai ở Yoroido – quá giản dị không hợp với giới geisha hay với cô chủ của phòng trà. Và dĩ nhiên kiểu tóc của cô ta cũng tầm thường, thế nhưng cô ta vẫn sang hơn tôi nhiều, cho nên cô ta nhìn tôi với vẻ khinh khỉnh. - Đi ra phía sau – cô ta nói. - Đi ra phía sau – cô ta nói. - Cô Hatsumono nhờ tôi… - Đi ra phía sau! – Cô ta lặp lại và đưa tay kéo cửa đóng lại trước mặt tôi, không đợi tôi trả lời. Bây giờ mưa đã lớn, cho nên tôi chạy theo con đường nhỏ bên hông phòng trà. Khi tôi đến lối vào ở phía sau, cửa mở ra, và cũng chính cô giúp việc ấy quỳ ở đấy đợi tôi. Cô ta không nói một tiếng mà chỉ lấy cây đàn trên tay tôi. - Thưa cô, tôi xin phép hỏi cô một việc này được không? Nhờ cô chỉ đường đến quận Miyagawa được không ạ? - Tại sao cô muốn đến đấy? - Tôi đi lấy đồ. Cô ta nhìn tôi với vẻ hồ nghi, nhưng rồi cô ta cũng chỉ cho tôi đường đi dọc theo bờ sông cho đến khi đi quá nhà hát Minamiza là đến quận Miyagawa. Tôi định đứng dưới mái nhà núp cho đến khi trời hết mưa. Khi tôi đứng nhìn quanh, tôi thấy bên cạnh tôi có chiếc hàng rào thưa, nhìn qua hàng rào, tôi thấy chái nhà bên cạnh. Trước nhà là khu vườn thật đẹp và nhà có cửa sổ bằng kính. Trong căn phòng lát thảm rơm mỹ lệ tràn ngập ánh sáng màu cam đang diễn ra cảnh một buổi tiệc gồm nhiều đàn ông và geisha, họ ngồi quanh một cái bàn lớn, trước mặt họ là những chén uống rượu sake và ly uống bia. Hatsumono cũng có mặt tại đấy, một ông già mắt kèm nhèm hình như đang kể chuyện. Hatsumono có vẻ đang thích thú vì cái gì đấy, nhưng chắc không phải về câu chuyện ông già đang kể. Cô ta nhìn vào một geisha khác, cô này ngồi quay lưng lại phía tôi, tôi sực nhớ đến lần tôi và con gái ông Tanaka, Kumiko, nhìn vào phòng trà và tôi có một cảm giác nặng nề, cảm giác mà tôi đã có, khi đứng trước những ngôi mộ của gia đình của người vợ đầu của bố tôi, như thể lòng đất đã lôi tôi xuống. Ý nghĩ ấy hiện ra trong óc tôi và lớn lên mãi, cho đến khi tôi không thể nào làm ngơ được nữa. Tôi muốn xua đuổi ý nghĩ ấy ra khỏi trí óc tôi, nhưng tôi không có khả năng ngăn cản nó xâm chiếm lấy trí óc tôi, giống như không thể ngăn cản gió thổi vậy. Cho nên tôi đi lui, ngồi phịch xuống ở bậc đá ngay lối vào, dựa lưng lên cửa mà khóc. Tôi không thể ngăn được trí óc tôi nghĩ đến ông Tanaka. Ông ta đã lôi tôi ra khỏi mẹ tôi và cha tôi rồi bán tôi đi làm nô lệ, bán chị tôi vào chỗ còn tệ hơn nữa. Tôi đã cho ông ta là người tốt. Tôi đã nghĩ ông ta là người có học, người lịch sự. Tôi mới thật ngu ngốc làm sao! Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ quay trở về Yoroido được nữa, hay nếu có về được, chắc cũng chỉ để nói với ông Tanaka rằng tôi rất ghét ông ta. Cuối cùng khi tôi đứng lên lấy tà áo ướt lau mắt thì trời đã hết mưa, chỉ còn sương mù. Đá lát đường óng ánh vàng dưới ánh sáng của đèn lồng. Tôi đi lui qua khu vực Taminaga-cho, ở Gion, đến nhà hát Minamiza, nhà hát lợp ngói thật khổng lồ, khiến cho tôi tưởng đấy là tòa lâu đài vào cái ho6m ông Bekku đưa tôi và chị Satsu từ ga xe lửa đến. Chị giúp việc ở phòng trà Mizuki đã dăn tôi đi theo mé bờ sông, qua nhà hát Minamiza, nhưng con đường đến nhà hát thì hết. Cho nên phải đi theo con đường phía sau Minamiza. Sau khi đi qua một vài khu phố, tôi đến một nơi không có đèn đường, và gần như vắng người. Lúc ấy tôi không biết, nhưng đường xá vắng vẻ như thế là vì tình trạng đại suy thoái đang diễn ra, vào lúc khác chắc khu Miyagawa-cho này có thể sầm uất hơn cả Gion nữa. Tối hôm ấy tôi thấy vùng này rất buồn. Mặt tiền các nhà đều bằng gỗ giống như ở Gion, nhưng khu vực này không có cây, không có sông như sông Shirakawa, không có những cửa ngõ đẹp đẽ. Ánh sáng duy nhất trong các nhà chiếu ra tù những bóng đèn tròn nơi các cửa mở rộng, ở đấy có các bà già ngồi trên ghế đẩu, thường có hai ba phụ nữ ở bên cạnh họ, tôi nghĩ các phụ nữ này là geisha ở ngoài đường. Họ mặc kimono và mang nữ trang trên tóc giống geisha, nhưng thắt lưng của họ buộc đàng trước chứ không phải ở phía sau. Tôi chưa bao giờ thấy thế và không hiểu việc này, nhưng đấy là dấu hiệu cho biết họ là gái điếm. Đàn bà mà phải mang khăn quàng lưng vào rồi tháo ra suốt đêm thì chẳng cần phải bận tâm buộc ra phía sau làm gì cho phí công. Với sự giúp đỡ của các phụ nữ này, tôi tìm ra được nhà Tatsuyo nằm trong một hẻm cụt cùng với ba nhà khác nữa. Tất cả đều có bảng hiệu treo trước cửa. Tôi không thể nào tả hết cảm xúc của tôi khi thấy tấm bảng mang chữ Tatsuyo, nhưng tôi cũng xin nói là người tôi dường như bị căng thẳng quá sức, đến nỗi tôi như muốn nổ tung ra. Trước cửa vào nhà Tatsuyo có một bà già ngồi trên ghế đẩu, đang nói chuyện với người phụ nữ còn trẻ cũng ngồi trên ghế đẩu phía bên kia con hẻm, nhưng đúng ra là chỉ có bà già nói mà thôi. Chị ta ngồi tựa lưng vào khung cửa, chiếc áo dài màu xám thụng xuống hở hang một phần, còn chân thì đi đôi hài, đây là lọai hài bện bằng rơm một cách thô tháp, kiểu hài người ta thường thấy ở Yoroido chứ không phải loại hài sơn mài đẹp đẽ mà Hatsumono thường mang với áo kimono. Điều đáng nói hơn nữa là bà già để chân trần chứ không phải mang hài lụa bít tất chân láng lẫy. Thế mà bà ta vẫn chìa hai bàn chân có móng chân lởm chởm ra trước như thể bà tự hào về các móng chân của mình, muốn cho người ta nhìn và chiêm ngưỡng. - Xin nói cho chị biết - bà ta nói - chỉ ba tuần nữa thôi, tôi không trở về đâu. Cô chủ hy vọng tôi về, nhưng tôi sẽ không về. Chị biết không, con dâu tôi sẽ chăm sóc tôi chu đáo. Nó không linh lợi nhưng nó làm việc cần mẫn. Chị đã gặp nó chưa? - Nếu có gặp chắc tôi cũng không nhớ - chị đàn bà ngồi bên kia trả lời – cô con gái đang muốn nói chuyện với bà kia kìa. Bà không thấy à? - Nếu có gặp chắc tôi cũng không nhớ - chị đàn bà ngồi bên kia trả lời – cô con gái đang muốn nói chuyện với bà kia kìa. Bà không thấy à? Nghe thế, bà già quay qua nhìn tôi. Bà ta không nói gì nhưng bà hất đầu ra dấu cho tôi muốn nói gì thì nói đi. - Thưa bà - tôi nói – xin bà cho biết ở đây có cô gái nào tên là Satsu không ạ? - Không có ai tên là Satsu hết – bà ta đáp. Tôi quá hồi hộp không biết nói gì thêm nữa, nhưng bỗng nhiên tôi thấy bà già có vẻ lo sợ vì khi ấy có một người đàn ông đi qua, bước về phía cửa ra vào. Bà ta nhổm người dậy, hai tay chống lên đầu gối, cúi chào nhiều lần và miệng nói: - Hân hạnh đón tiếp ngài! Khi ông ta vào nhà rồi, bà ta ngồi xuống ghế lại và chìa hai bàn chân ra đàng trước như cũ. - Tại sao cô còn ở đây? – bà già hỏi tôi – Tôi đã nói không có ai là Satsu ở đây mà. - Có đấy bà ơi - chị đàn bà trẻ ở bên kia đường nói vọng sang – Cô Sukiyo của bà đấy. Tôi nhớ tên cũ của cô ta là Satsu. - Có thể đúng thế - bà già đáp – nhưng tôi không cho Satsu gặp cô gái này. Tôi không muốn gặp rắc rối mà không có xơ múi gì. Tôi không hiểu bà ta muốn nói gì, phải đợi đến khi chị đàn bà kia nói rằng tôi có vẻ không có đồng xu nào dính túi, tôi mới hiểu. Và quả chị ta nói đúng như thế. Một xu – có giá trị bằng một phần trăm đồng Yen - thời ấy vẫn còn thông dụng, nhưng một xu không đủ mua ngay cả một ly nước lã. Chưa bao giờ tôi có được một đồng trong tay từ khi tôi đến Kyoto. Khi đi làm những công việc lặt vặt, tôi chỉ nói với chủ các tiệm ghi số tiền thiếu nợ cho nhà kỹ nữ Nitta. - Nếu bà cần tiền – tôi nói với bà ta – Satsu sẽ trả cho bà. - Tại sao cô ta phải trả? - Vì tôi là em của chị ấy. Bà ta ra dấu bảo tôi đến gần rồi nắm lấy cánh tay tôi, quay quanh tôi và nói với chị ngồi bên kia: Bà ta ra dấu bảo tôi đến gần rồi nắm lấy cánh tay tôi, quay quanh tôi và nói với chị ngồi bên kia: - Chị nhìn con bé này này. Nó như thế này mà là em của con Sukiyo à? Con Sukiyo mà đẹp thế này thì nhà mình sẽ tấp nập khách nhất thành phố. Mày nói láo rồi mày ơi – Nói xong bà ta đẩy tôi lui ra. Phải nói là tôi rất hốt hoảng, nhưng tôi nghĩ mình phải mạnh dạn mới được, tôi đã đến đây rồi, không thể bỏ cuộc chỉ vì lý do người đàn bà này không tin tôi. Cho nên tôi xấn tới, cúi chào bà ta lại và nói: - Thưa bà, nếu tôi nói láo, tôi thật có lỗi với bà. Nhưng tôi không nói láo, Sukiyo là chị của tôi, xin bà làm ơn nói với chị ấy là có Chiyo đang ở đây, thế nào chị ấy cũng trả công cho bà. Câu nói của tôi đã có hiệu nghiệm, vì bà già quay qua phía chị kia: - Chị vào nói giúp cho tôi với, đêm nay chị rảnh. Vả lại cái cổ tôi khó chịu quá. Tôi ngồi đây canh chừng con bé này. Chị đàn bà đứng dậy đi vào trong nhà. Tôi nghe tiếng chân chị bước lên cầu thang rồi một lát sau chị đi xuống. Chị ta nói: - Sukiyo đang có khách. Khi nào xong việc, sẽ có người báo cho chị ta xuống. Bà già bảo tôi đến ngồi trong bóng tối xa cửa để không ai trông thấy. Tôi không biết thời gian trôi qua bao lâu, tôi hết sức lo sợ có người trong nhà kỹ nữ phát hiện ra việc tôi vắng mặt. Tôi có lý do để ra ngoài, mặc dù lý do nào cũng đủ để làm cho Mẹ tức giận, nhưng tôi không được ở ngoài lâu. Cuối cùng người đàn ông đi ra, tay đang xỉa răng. Bà già đứng dậy, cúi chào, cám ơn ông ta đã đến. Và rồi tôi được nghe giọng nói vui vẻ nhất mà từ hồi đến Kyoto tôi mới được nghe lại: - Bà gọi tôi à, thưa bà? Chính là giọng nói của Satsu. Tôi vùng đứng dậy, chạy đến chỗ chị đứng gần nơi ngưỡng cửa. Da chị xanh tái, ngả màu xám – nhưng có lẽ vì chị mặc cái kimono màu vàng và đỏ lòe lọet. Môi chị tô lọai son màu nhạt giống như lọai Mẹ xài, chị buộc thắt lưng ở phía trước giống như những người phụ nữ tôi thấy khi trên đường tới đây. Tôi cảm thấy hân hoan khi thấy chị, lòng quá sung sướng đến nỗi tôi nhào đến ôm chầm lấy chị. Và Satsu thốt lên một tiếng kêu kinh ngạc, rồi đưa tay che lấy miệng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương