Đôi Nhạn Quay Về

Chương 17: Đoạn đường trước mắt



Type: chuot tery

Thanh Hề không nhớ mình đã về Lan Huân Viện bằng cách nào.

Đêm hôm đó, nàng đột nhiên sốt cao, ngủ li bì khiến cả Lan Huân Viện nháo nhào một phen, nào là đi bẩm báo nhị phu nhân để lấy thẻ bài mời thái y tới, nào là đi báo với thái phu nhân và Phong Lưu, mời thầy bốc thuốc rồi sắc cho nàng uống, vất vả cả một đêm.

Phong Lưu chờ thái phu nhân và mọi người đi thăm Thanh Hề về rồi mới đến Lan Huân Viện, hỏi han cặn kẽ bệnh tình của nàng, sau đó bảo người hầu lui ra ngoài. Phong Lưu đặt tay lên trán Thanh Hề xem thử, vẫn chưa hạ sốt, lại thấy đầu lông mày của nàng nhíu lại thì biết là nàng đang khó chịu.

Đến lúc này, Phong Lưu đã tỉnh táo trở lại, tự thấy sự phóng túng nhất thời của mình đã mang đến cho Thanh Hề nỗi đau đớn to lớn, thật vô xùng hổ thẹn. Những ngón tay của hắn lưu luyến không nỡ rời gò má bầu bĩnh của nàng, giúp nàng kéo dãn hai đầu lông mày, lại dém chăn cho nàng… Suy cho cùng thì Thanh Hề vẫn còn quá nhỏ.

Chuyện này tạm gác sang một bên, ngày Hai mươi tháng Giêng, nha môn bắt đầu khai ấn, Phong Lưu cũng dần bận rộn chuyện công vụ. Hai người dường như đều có ý tránh mặt nhau. Sang tháng Hai, Phong Lưu phụng chỉ lên phương Bắc làm nhiệm vụ tối mật, phải đến lúc này trái tim của Thanh Hề mới có thể yên ổn trở lại.

Mỗi lần nhớ lại chuyện hoang đường trên xe ngựa hôm đó, Thanh Hề đều hận không tìm được cái lỗ nẻ nào mà chui xuống. Chưa nói đến chuyện phu xe bên ngoài có thể nghe thấy những tiếng động trong xe, chỉ nghĩ đến việc nàng và Phong Lưu có thể làm chuyện đó trên xe ngựa, vậy mà nàng lại không hề phản kháng là Thanh Hề lại vừa cảm thấy xấu hổ không sao tả xiết vừa lo sợ Phong Lưu vì thế mà coi thường nàng.

Tuy nhiên, ở phương diện khác, Thanh Hề lại thấy lần gần gũi đó chính là việc tốt cả đời hiếm có, thỉnh thoảng nhớ lại vẫn khiến nàng tâm thần rối loạn. Chính vì thế mà nàng mới thấy mình như mèo ăn vụng cá, ngượng ngùng không muốn gặp ai.

Đến tháng Tư, thái phu nhân thấy mấy tháng nay Thanh Hề luôn u uất buồn bã, trừ sớm tối hai lần thỉnh an, hiếm khi bước chân ra khỏi phòng thì vô cùng lo lắng.

“Hai hôm trước, phu nhân thế tử của Sở Quốc công gửi thiệp mời đi ngắm hoa mẫu đơn, sao con không đi? Chẳng phải từ trước tới nay con vẫn thân với con dâu trưởng của nhà họ và rất thích giống mẫu đơn vàng sao?” Thái phu nhân kéo tay Thanh Hề, sau khi hỏi nàng hôm qua ngủ có ngon không, đã ăn món gì, dặn dò nàng phải uống thuốc đúng giờ thì bỗng nhiên nhắc tới chuyện này.

“Ai nói con thích hoa mẫu đơn vàng chứ, con chỉ thích mẫu đơn hồng.” Thanh Hề nhăn mặt nói.

Thực ra thái phu nhân nhắc tới chuyện này là có dụng ý khác. Thiếu phu nhân nhà đó vốn thân thiết với Thanh Hề, mới tháng trước lại truyền ra tin nàng ta có thai, ngay lập tức được cả nhà nâng niu chiều chuộng, thái phu nhân sợ Thanh Hề tuổi trẻ hiếu thắng, vì chuyện này mà tủi thân.

“Con bé này, lại có tâm sự gì phải không, mấy tháng liền không bước chân ra khỏi cửa?”

“Con chỉ bị “hội chứng mùa xuân” thôi mà.” Thanh Hề nũng nịu đáp.

Thái phu nhân cốc vào trán nàng, phì cười, nói: “Lập hạ rồi còn “hội chứng mùa xuân” cái gì chứ, con nghe tin thiếu phu nhân phủ Sở Quốc công có thai nên trong lòng khó chịu phải không?” Chính vì thực lòng quan tâm đến Thanh Hề nên thái phu nhân mới hỏi thẳng như vậy.

Thanh Hề sững người, tuy đúng là nàng thấy khó chịu thật nhưng ván đã đóng thuyền, nàng chỉ có thể chấp nhận sự thật. Thế là nàng thành thật đáp: “Có một chút ạ.”

Thấy Thanh Hề đã chịu mở miệng nói, thái phu nhân nghĩ là không có chuyện gì lớn thì thầm niệm một câu “A Di Đà Phật”.

“Con ấy à, có mỗi chuyện đó mà cũng nghĩ linh tinh, người mới sao có thể qua mặt được con. Phận đàn bà, mỗi lần sinh nở chẳng khác gì một lần đi qua quỷ môn quan, sự đau đớn trong cơn vượt cạn, không biết con có chịu đựng nổi hay không. Nếu không phải người xưa có câu “không con là tội bất hiếu” thì mẹ cũng không nỡ để con chịu vất vả mang nặng đẻ đau. Bây giờ, con an phận làm phu nhân quốc công chẳng phải tốt hơn sao?”

Nghe thấy những lời dỗ dành của thái phu nhân, Thanh Hề không khỏi cảm kích. Trên đời này có người mẹ chồng nào lại nghĩ thoáng trong chuyện sinh con nối dõi tông đường như thái phu nhân đây? Nàng bèn nói: “Mẹ, con biết là mẹ muốn tốt cho con, là con nhất thời nghĩ quẩn.”

“Ừ, vậy con đã tìm được người phù hợp chưa?”

“Con đã hỏi Lâm Lang, nó không bằng lòng mà con cũng không muốn ép buộc, Thôi Xán thì đã được hứa gả cho người ta từ khi còn nhỏ, còn những đứa khác, hoặc là tuổi còn quá nhỏ hoặc là không biết rõ tính nết. Chuyện này vẫn phải nhờ mẹ để ý giúp con vậy.”

Thái phu nhân thấy Thanh Hề kể đã nói chuyện với Lâm Lang thì trong lòng bất giác chùng xuống. Bà cũng là phụ nữ, cũng biết Thanh Hề chắc chắn sẽ thấy khó chịu. “Mồng Tám tháng Tư tới là lễ Phật Đản, ta đã hẹn phu nhân Trung Bình Bá đến chùa Thiên Ninh dâng hương, con có muốn đi cùng cho lòng dạ khuây khỏa bớt không?”

Thanh Hề cho là phải, bèn vâng lời.

Chuyện cũ chưa qua, chuyện mới đã tới. Đúng hôm thái phu nhân và Thanh Hề đi chùa dâng hương, một người họ hàng đã lâu không gặp bỗng nhiên tìm tới cửa.

Khi Dịch ma ma đến báo là có Phòng phu nhân tới xin gặp, nhị phu nhân vẫn có chút thắc mắc.

“Phòng phu nhân là ai?” Nhị phu nhân vừa xem sổ sách vừa hỏi.

“Bẩm, là con dâu của em gái họ của lão phu nhân ạ.”(*)

(*) Lão phu nhân tức là bà nội của Phong Lưu, đã qua đời từ lâu.

Dịch ma ma vội vã giải thích: “Không lẽ phu nhân không có chút ấn tượng nào sao? Khi lão phu nhân còn sống, người rất thân thiết với em họ, hai nhà thường xuyên qua lại, sau khi lão phu nhân mất thì hai bên cũng dần ít qua lại. Mấy năm trước, nhà bên đó có đến thăm hỏi một lần nhưng phu nhân quốc công coi thường những họ hàng nghèo khó, mỉa mai họ mấy câu, thế là từ đó, họ không đến nữa. Hôm nay, chẳng biết cơn gió nào đưa họ đến nhà ta.”

“Chắc là do cuộc sống chật vật quá, nếu không chẳng đến nỗi phải tìm đến cửa sau, cũng không tìm đích danh ngươi. Ngươi đưa cho bà ấy hai mươi lượng bạc, bảo là thái phu nhân đi chùa dâng hương rồi mà ta cũng bận rộn, không có thời gian tiếp bà ấy.”

Dịch ma ma vâng lời.

Nhị phu nhân xuất thân không cao, nên đối với họ hàng nghèo khó cũng có chút thương tình, cứ vài ngày lại có họ hàng thân thích đến xin tiền nhưng cô ta không hề để bụng. Huống hồ, khi còn sống, lão phu nhân và thái phu nhân không hòa thuận lắm, mà Thanh Hề cũng không thích Phòng phu nhân, thế nên chắc thái phu nhân càng không ưa mấy người họ hàng này.

Nào ngờ độ nửa khắc sau, Dịch ma ma lại bước vào phòng, điệu bộ khó xử, nói: “Phòng phu nhân nói là có việc muốn gặp Quốc công gia, tôi nói với bà ấy rằng Quốc công gia đi làm việc quan rồi, bà ấy liền vừa khóc vừa quỳ, xin gặp phu nhân bằng được.”

Nhị phu nhân nghe thế mủi lòng, nói: “Vậy thì mời bà ấy vào đây.”

Chẳng bao lâu sau, Dịch ma ma dẫn một nhóm ba người đến Nghi Lan Hiên, nơi ở của nhị phu nhân.

“Nhị phu nhân vạn phúc.” Người đàn bà đi đầu tuy chỉ khoảng bốn mươi tuổi nhưng hai bên tóc mai đã bạc trắng, khiến dáng vẻ trông như đã năm mươi, cung kính chào. Quần áo của bà ta tuy cũ kĩ nhưng vẫn sạch sẽ, gọn gàng, theo sau bà ta là hai cô gái trẻ ngoại hình đoan trang lễ phép, thoạt nhìn đã biết là con nhà gia giáo, chẳng nói đâu xa, chỉ riêng động tác thỉnh an thôi cũng chuẩn hơn cả phu nhân quốc công.

“Kìa, thím đừng làm thế. Hai vị này là con gái của thím ư?” Nhị phu nhân mỉm cười, dịu dàng hỏi nhưng vẫn không đứng dậy.

“Vâng, chính là con gái tôi ạ.”

“Mời thím ngồi. Thím đã ăn cơm chưa?” Nhị phu nhân nghĩ bụng ba người này đến từ sớm, chắc là vẫn chưa ăn gì.

“Ăn rồi ạ.” Phòng phu nhân cảm tạ rồi ngồi xuống, hai cô gái kia vẫn giữ lễ đứng yên.

“Hai em cũng ngồi đi.” Nhị phu nhân thấy ba mẹ con xanh xao, gầy gò mà vẫn giữ lễ như vậy thì không khỏi nảy sinh thiện cảm, liền sai người hầu: “Dịch ma ma, xuống bếp mang hai đĩa điểm tâm lên đây để thím và hai em thưởng thức,” rồi lại quay sang mẹ con nhà kia, nói: “Đồ điểm tâm của phủ ta nổi tiếng khắp kinh thành, ba người nhất định phải nếm thử mới được.”

Lời vừa nói ra, mọi người đều nhận thấy nhị phu nhân rất coi trọng mẹ con nhà Phòng phu nhân. Tuy nhiên, chuyện điểm điểm tâm của phủ Tề Quốc công ngon nổi tiếng kinh thành cũng là thật. Vì ngày bé, Thanh Hề rất biếng ăn, không chịu ăn cơm, chỉ có điểm tâm là còn chịu ăn chút ít nên thái phu nhân rất lo lắng. Bà đã sai người đi khắp đông tây nam bắc để tìm đầu bếp làm món điểm tâm, chỉ cốt sao có thể khiến Thanh Hề chịu ăn chịu uống. Chính vì lí do đó mà món điểm tâm của phủ Tề Quốc công vang danh khắp thiên hạ.

Mười năm trước, Phòng Điểm Ngọc đã theo mẹ đến phủ Tề Quốc công một lần, đến bây giờ cô ta vẫn nhớ rõ hương vị của món điểm tâm năm đó. Em gái cô ta là Phòng Điểm Tú tuy chưa từng được nếm thử nhưng chỉ dựa vào hình dáng và mùi hương thôi cũng đủ biết là món này rất ngon.

Hai người đều nuốt nước bọt nhưng vẫn cúi đầu ngồi yên, không liếc nhìn đĩa điểm tâm dù chỉ một lần.
Chương trước Chương tiếp
Loading...