Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 41: Đúc Tiền Và Cải Tổ Tôn Giáo



Năm Tân Mão (1411), mùa xuân.

Giang Phong quyết định giải quyết luôn xứ Thái để rảnh tay lo việc phương bắc. Đại quân chia làm 2 đường. Triệu Phong thống suất 3 đạo quân Uy Vũ, Uy Đức, Uy Nghĩa từ Viên Thành tiến sang phía tây, hướng về Sukhothai. Đinh An Bình cũng suất lĩnh 3 đạo quân Cấm Vệ, Túc Vệ, Trấn Hải, từ Thái Nam tiến về phía bắc, cùng Triệu Phong hợp vây Sukhothai. Mùa hạ, sau 6 ngày pháo kích, Sukhothai thất thủ. Quốc vương Sukhothai dẫn tàn quân chạy sang Miến Điện, được quốc vương xứ ấy thu nhận. Triệu Phong ở lại bình định các tiểu quốc Thái và xứ Luang Phabang. Đinh An Bình rút quân trở về Gia Định. Thêm 4 tỉnh mới được thành lập : Thái Trung, Thái Bắc, Thái Đông, Khorat. Do xứ này đất rộng người thưa, lại ở sâu trong lục địa, mỗi tỉnh đều rộng 8, 9 vạn kilômét vuông.

Từ lúc này, toàn vùng Đông Dương lục địa và Nam Dương quần đảo đã được thống nhất dưới sự cai quản của triều đình ở Gia Định. Chế độ phân phong tiểu quốc cũng chấm dứt. Nhờ có Hải quân hùng mạnh, Giang Phong thiết lập một chế độ trung ương tập quyền, quân chủ chuyên chế, với quyền lực tập trung vào Trường Thanh Cung. Dù Giang Phong không trực tiếp chấp chính, nhưng uy quyền của Giang Phong là không thể bàn cãi.

Sau khi thống nhất toàn khu vực, triều đình có làm hai việc quan trọng là đúc tiền và cải tổ tôn giáo.

Từ trước đến giờ, thương nhân các nước khi buôn bán giao dịch với nhau thường dùng ‘vàng thoi, bạc nén’. Có cả những nén vàng, nén bạc đúc theo hình Nguyên bảo của Tàu, cũng có cả những thoi vàng, thoi bạc dạng thanh của các nước phương nam. Hình thức hỗn loạn. Giang Phong đã cho đúc tiền mới để thống nhất tiền tệ, gồm kim tệ, ngân tệ và đồng tệ. Nguyên bảo so với dạng thoi, dạng thanh thì có đẹp hơn thật, nhưng khi cất giữ sẽ chiếm nhiều chỗ.

Một kim tệ bằng 1/10 lượng (tức 1 chỉ, tương đương 3,75 gam), được đúc theo dạng đồng xu, nhưng không có lỗ ở giữa. Một mặt chạm nổi hình chân dung Giang Phong; mặt kia có hình Thái dương ‘18 tia’ ở giữa, cùng dòng chữ “Thần Thánh Đế quốc” bằng Thiên tự ở trên, chữ Ba Tư, chữ Phạn và chữ Hán ở dưới.

Một kim tệ bằng 100 ngân tệ. Thời bấy giờ, tỷ lệ quy đổi giữa hoàng kim và bạch ngân là 1 : 60, tức 1 lượng hoàng kim bằng 60 lượng bạch ngân. Do đó 1 ngân tệ tương đương 0,06 lượng bạch ngân, nặng 2,25 gam. Vì trọng lượng riêng của hoàng kim nặng hơn bạch ngân nên dù ngân tệ nhẹ hơn kim tệ, thì thể tích lại không hề nhỏ hơn. Ngân tệ cũng có hình dạng giống kim tệ, nhưng thay hình Thái dương ‘18 tia’ bằng hình Giang sứ (con rùa).

Tiếp đó, 1 ngân tệ bằng 100 đồng tệ. Hình dạng đồng tệ cũng giống kim tệ và ngân tệ, nhưng hình vẽ là hình chiến hạm đi trên sóng biển.

Tiền tệ của Đế quốc có kiểu dáng đẹp, triều đình lại ra lệnh thu thuế bằng loại tiền tệ mới này. Do đó mà kim tệ, ngân tệ, đồng tệ nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong Đế quốc. Thậm chí các xứ Thiên Trúc (nam Ấn Độ), Ba Tư, Ả Rập cũng sử dụng kim tệ và ngân tệ. Hoàng kim, bạch ngân dù ở đâu thì cũng có giá trị cả.

Còn việc cải tổ tôn giáo chỉ là tình cờ. Ở Đế quốc, các xứ nội lục dân theo Phật giáo Nam tông; các xứ Tân Bình, Thuận Hóa dân Việt theo Phật giáo Bắc tông. Các xứ hải đảo và khu vực bán đảo Mã Lai thì dân lại theo Ấn Độ giáo (tức Hindu giáo). Lại có một số nhóm nhỏ theo Hồi giáo (đến giữa thế kỷ 15 Hồi giáo mới truyền bá mạnh ở Nam Dương) và các tôn giáo bản địa. Sau các cuộc đại di cư từ những năm Đinh Hợi (1407), dân chúng ở lẫn vào nhau, vấn đề tôn giáo cũng hơi hỗn loạn. Giang Phong tình cờ nghe Quảng Tế Pháp sư nói rằng hiện tại trong Đế quốc có rất nhiều thần dân thờ Giang Phong làm thần. Nguyên nhân khiến người dân tin tưởng là bởi Giang Phong ‘trường sinh bất lão’ - chỉ có thần linh mới có thể ‘trường sinh bất lão’ mà thôi. Nghe nói vậy Giang Phong mới để ý đến dung mạo của mình. Đến lúc này, đã 13 năm kể từ lúc Giang Phong xuyên việt, thế mà dung mạo Giang Phong không hề thay đổi, vẫn như lúc mới đến đây. Có lẽ quá trình xuyên việt đã gây ra chuyện này chăng. Những người khác xuyên việt thì thần công cái thế hay pháp thuật cao cường; Giang Phong không có gì cả, thì lại trở thành trẻ mãi không già, tuy cũng có ít tác dụng phụ khác, nhưng nói chung lợi nhiều hơn hại. Bình thường Giang Phong không để ý đến chuyện này, nhưng thuộc hạ và thần dân để ý. Từ đó mà thuyết ‘Giang Phong là thần linh’ được đại bộ phận thần dân tin tưởng, và rất phổ biến, kể cả trong và ngoài Đế quốc.

Đã vậy, Giang Phong quyết định cải tổ tôn giáo để giải quyết vấn đề thiếu điện đền chùa miếu để thờ phụng của dân di cư. Có điều, đặt ra một tôn giáo hoàn toàn mới bắt người dân tin theo thì dễ gây ra chiến tranh tôn giáo, khiến tình hình bất ổn. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Giang Phong chợt nhớ đến Einstein, người mà chỉ dựa vào các nghiên cứu của người khác, phát biểu lại theo ý mình, rồi trở thành nhà bác học vĩ đại. Giang Phong tổ chức lại tín ngưỡng như sau :

“Thế giới của phàm nhân gọi là hạ giới, thế giới của thần linh gọi là thượng giới.”

“Ở hạ giới có nhiều quốc gia, nhiều dân tộc. Trên thượng giới cũng có nhiều thần hệ, nhiều thần quốc. Mỗi vị thần có thể bảo hộ 1 dân tộc, 1 quốc gia, hay 1 nhóm người nào đó. Các vị đại thần có thể có tín đồ khắp nơi ở hạ giới.”

“Giang tộc là thần tộc, đồng thời cũng là thần hệ, thần quốc. Giang tộc ôn hòa nhất, chỉ tự mình tu luyện, không tranh giành tín đồ, không hiềm khích với ai.”

“Ở hạ giới, giữa các quốc gia, dân tộc thường xảy ra chiến tranh. Trên thượng giới cũng thường xảy ra chúng thần đại chiến. Nguyên nhân có thể vì hiềm khích giữa các thần linh với nhau, mà cũng có thể do hiềm khích giữa những tín đồ mà họ bảo hộ.”

“Chúng thần đại chiến rất khốc liệt, bởi thần linh đều bất tử, nếu không vì thực lực chênh lệch quá lớn, có thể làm đối phương hồn phi phách tán ngay tức khắc, thì chỉ cần 1 tia thần thức hay một chút nguyên thần cũng đủ để thần linh hồi sinh. Chúng thần đại chiến có thể kéo dài rất lâu, hàng chục năm, hàng trăm năm, hoặc lâu hơn nữa.”

“Sau chiến tranh, thần linh thọ thương cần trầm thụy (ngủ sâu) hoặc bế quan để khôi phục thực lực. Lúc đó, tín ngưỡng lực từ hạ giới có thể bị phân tán, mất đi phần nào.”

“Trải qua hàng vạn năm, các thần tộc có đông thêm, nhưng bởi chiến tranh nên tổn thương nhiều nguyên khí. Giang tộc ôn hòa nhất, không bị tổn thương nguyên khí vì chiến tranh, lại không có hiềm khích với ai, đã trở nên có uy tín nhất. Những thần linh có hiềm khích, nhưng không muốn chiến tranh, đã nhờ Giang tộc phân xử. Những thần linh phải trầm thụy hoặc bế quan, đã nhờ Giang tộc quản lý giúp tín đồ ở hạ giới, để tín ngưỡng lực không bị phân tán. Dần dần, Giang tộc cộng trị thiên địa. Các thần hệ, thần quốc phái đại diện của mình đến giúp Giang tộc quản lý công việc của thượng giới và hạ giới, hình thành thượng giới triều đình.”

“Giang tộc giúp chúng thần quản lý tín đồ ở hạ giới, đổi lại Giang tộc được hưởng 1% tín ngưỡng lực. Tín đồ khi cầu nguyện, cần thông qua Thái dương đồ để đảm bảo tín ngưỡng lực có thể đến được với thần linh.”

Đại khái, tổ chức tôn giáo mới do Giang Phong đặt ra là như thế, mục đích là để thống nhất việc thờ phụng, tế tự. Các điện đền chùa miếu từ nay phải có 2 phần. Phần nội điện thờ Đế Giang, hoặc Tam hoàng, phần chính điện phía trước thờ phụng thần, thánh, tiên, phật của nơi đó. Ví dụ, 1 ngôi chùa phật, chỉ cần dọn thêm một gian nội điện thờ Đế Giang hoặc Tam hoàng là xong. Nếu một nơi có tín đồ của nhiều tôn giáo mà thiếu đền chùa, thì chỉ xây dựng 1 ngôi đền, nội điện thờ Tam hoàng, chính điện chia thành nhiều phần, mỗi tôn giáo một phần. Như vậy sẽ có lợi cho hòa hợp tôn giáo. Còn Thái dương đồ chính là hình Thái dương ‘18 tia’ trên kim tệ. Giang Phong cho đúc thật nhiều Thái dương đồ bằng đồng, lớn nhỏ đủ loại, cho phổ biến khắp Đế quốc, đồng thời khuyến khích thương nhân truyền bá đi các nơi. Có Thái dương đồ, nếu không thể đến được đền chùa (ví dụ đang trên đường đi) thì tín đồ hướng vào đó cầu nguyện cũng được, tín ngưỡng lực vẫn có thể đến được thần linh mà họ cầu nguyện. Đương nhiên các đền chùa cũng phải có Thái dương đồ, bởi thiếu nó thì tín ngưỡng lực sẽ bị phân tán.

Tổ chức tôn giáo kiểu mới của Giang Phong truyền bá cũng thuận lợi, bởi không xung đột với tín ngưỡng hiện tại của thần dân, chỉ cải biến chút ít, không có ảnh hưởng gì nhiều. Với uy quyền của Trường Thanh Cung, chẳng ai chỉ vì chút ít cải biến đó mà chống lại triều đình. Hơn nữa, tư tưởng tôn giáo của Giang Phong nghe cũng hợp lý, được thần dân chấp nhận. Hai tôn giáo lớn nhất trong Đế quốc lúc này là Phật giáo Nam tông và Ấn Độ giáo. Vậy thì mọi người cũng chấp nhận quan niệm trên thượng giới cũng có phật quốc của Thích Ca và thần quốc của Phạm Thiên. Các thần thánh của Hồi giáo và các tôn giáo bản địa cũng có thần quốc của mình. Trên thượng giới có nhiều thần quốc. Có như thế, người dân không vì thờ Phạm Thiên mà phủ nhận Thích Ca, hay ngược lại.

Chương 42 : GIÁO HÓA VÀ LỊCH PHÁP

Ngoài vấn đề tiền tệ và tôn giáo, việc giáo hóa cũng có nhiều tiến triển. Trải qua gần 10 năm cố gắng, kể từ thời kỳ còn ở Tư Dung hành doanh, sự nghiệp giáo hóa của Đế quốc giờ đây đã rất phát triển. Giang Phong cũng quan niệm rằng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nên rất quan tâm đến việc bồi dưỡng hiền tài. Giang Phong không đánh giá cao thiên tài, nhân tài, bởi “có tài mà không có đức cũng là người vô dụng”. Chỉ có hiền tài là cần được đề cao.

Theo quan niệm phương đông, thiên tài là bậc thấp nhất, hiền tài mới là bậc cao nhất của những người tài giỏi. Các vua thời xưa thường cho treo bảng cầu hiền, tức là cầu hiền tài (Bác Hồ sau Cách Mạng Tháng Tám cũng có cầu hiền). Những người tài giỏi được phân cấp như sau :

1. Thiên tài : là những người có thiên phú, mới sinh ra đã có tài năng đặc biệt, khi còn nhỏ được gọi là thần đồng. Có điều rất ít thần đồng phát triển được tài năng của mình cho đến lớn. Đặc biệt, đa số thiên tài tính cách khác người, rất khó gần gũi.

2. Địa tài : là những người không có thiên phú, nhưng nhờ cần cù cố gắng, ham học hỏi, nên rèn luyện được tài năng, còn gọi là ‘chân tài thực học’. Những người này được coi trọng hơn thiên tài. Có điều, địa tài không có thiên phú, nên thành tựu bị giới hạn.

3. Nhân tài : là người gồm đủ thiên tài và địa tài. Đã có thiên phú, lại cố gắng học hỏi, tất thành tựu phi thường. Xưa nay vẫn có quan niệm : nhân tài một phần nhờ thiên phú, chín phần nhờ mồ hôi; hay “bác học không có nghĩa là ngừng học”.

4. Lương tài : nhân tài là chỉ người có tài năng đặc biệt về một lĩnh vực nào đó, chưa hẳn có ích. Ví dụ như người giỏi việc cướp của giết người, cũng kể là có tài năng. Chỉ những nhân tài mà làm việc có ích cho xã hội mới được xem là lương tài. Người “có tài mà không có đức là người vô dụng”. Lương tài mới hữu dụng.

5. Hiền tài : lương tài đồng thời là hiền nhân, được gọi là hiền tài, là “nguyên khí của quốc gia”.

Để bồi dưỡng hiền tài, Giang Phong rất coi trọng việc giáo hóa. Từ Thái Học Viện ban đầu, đã phát triển thành một hệ thống trường học trải khắp các quận huyện. Thậm chí nhiều thôn trấn còn mở lớp học, do những người biết chữ dạy lại cho những người chưa biết chữ. Để khuyến khích việc giáo hóa, Giang Phong còn đặt ra nhiều ưu đãi cho những người nói được tiếng Việt, hay đọc viết được Thiên tự. Các thầy đồ, giáo sư cũng được đãi ngộ cao. Có điều, thầy đồ và giáo sư của Đế quốc không giống nho gia bên Tàu, chỉ dạy chữ, rồi làm thơ viết văn, “bãi truất bách gia, độc tôn nho thuật”, mà đều thông thạo toán thuật, kỹ nghệ. Ở Đế quốc, “bách gia tranh minh”, bách nghệ đều được coi trọng như nhau. Tuy vậy, trên thực tế vẫn có phân biệt, do ảnh hưởng tư tưởng của Giang Phong, nho sinh dài lưng tốn vải, nên nho gia có địa vị kém nhất, thua cả thương nhân. Tư tưởng nho gia có lợi cho việc ngu dân, ổn định nền thống trị. Nhưng Giang Phong không cần, mà cũng không muốn ngu dân. Nếu không đã không tổ chức hệ thống trường lớp khắp cả các quận huyện thôn trấn, đẩy mạnh việc giáo hóa trong toàn Đế quốc.

Có thể nói, so với các nơi khác trên thế giới lúc bấy giờ, Đế quốc có tỷ lệ người biết chữ cao nhất. Ở Trung Hoa thì khỏi cần nói, các triều đại đều ‘độc tôn nho thuật’, thực hiện chính sách ngu dân. Ở Ấn Độ, do ảnh hưởng của Ấn Độ giáo (tiền thân là Bà La Môn giáo), sự phân chia 4 giai cấp rất rõ rệt, 2 tầng lớp dưới chiếm đại đa số dân chúng, và hầu như đều mù chữ. Còn ở phương Tây, lúc này đang trong thời kỳ đêm dài Trung Cổ, 1 nghìn năm đen tối.

Lịch pháp ở Đế quốc cũng sử dụng lịch âm theo kiểu phương đông (thật ra là Âm dương lịch, bởi vì có tính đến cả mặt trời và mặt trăng, nên mới có tháng nhuận), nhưng Giang Phong không cho sử dụng cách tính niên đại theo kiểu các triều đại phong kiến lúc bấy giờ, như Vĩnh Lạc nguyên niên, Vĩnh Lạc đệ thập niên, … của Minh triều, hay Thánh Nguyên nguyên niên của Hồ Quý Ly, Thiệu Thành nguyên niên, Khai Đại đệ ngũ niên, … của Hồ Hán Thương. Cách tính như thế rất phiền phức, khó nhớ, khó tính. Chẳng hạn từ Thánh Nguyên nguyên niên (năm Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, mở đầu nhà Hồ) cho đến Khai Đại đệ ngũ niên (năm mà Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt, nhà Hồ diệt vong) là bao nhiêu năm. Nếu không nhớ lịch sử thì làm sao tính ra.

Thánh Nguyên nguyên niên (1400, Hồ Quý Ly chỉ làm vua 1 năm, rồi nhường ngôi cho con mà làm Thái Thượng Hoàng), Thiệu Thành nguyên niên (1401), Thiệu Thành đệ nhị niên (1402), Khai Đại nguyên niên (1403), Khai Đại đệ nhị niên (1404), … Khai Đại đệ ngũ niên (1407). Tính ra nhà Hồ kéo dài gần 8 năm.

Tính toán kiểu đó quá khó khăn và phiền phức, do đó Giang Phong không đặt niên hiệu, mà cho sử dụng Giang lịch, tức lịch của Giang tộc. Tây lịch tính năm bắt đầu là Công nguyên, tức là năm chúa Jesu giáng sinh, Công giáo ra đời. Giang lịch của Giang Phong tính năm bắt đầu là khởi nguyên của văn hóa Thục sơn. Chỉ có điều Giang Phong không biết nền văn hóa Thục sơn chính thức khởi nguyên vào năm nào, nên lấy tượng trưng, kể đến năm Giang Phong xuyên việt là 3 vạn 9.500 năm. Tức là năm nay, năm Tân Mão (1411) là Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.513, thật là nghe rất oai. Giang Phong là thần, lời của Giang Phong cũng là thần dụ. Mọi người đều xem năm Giang lịch nguyên niên là năm mà Giang tộc dựng nghiệp, truyền đến lúc này đã gần 4 vạn năm.

Ngoài ra, trải qua gần 10 năm nghiên cứu, các thuật sĩ ở Thái Học Viện cũng đã chế tạo thành công Khai hoa đạn theo yêu cầu của Giang Phong, tuy còn nhiều hạn chế, nhưng cũng đã là một bước tiến vượt bậc. Nguyên lý của Khai hoa đạn là sử dụng viên đạn rỗng, bên trong chứa hỏa dược và các mảnh sắt bén nhọn, có dây cháy chậm nối với bên ngoài. Khi điểm hỏa thần công đại pháo, dây cháy chậm cũng được điểm hỏa, cháy dần vào bên trong. Bọn họ hiện chỉ có thể khống chế thời gian cháy chậm khoảng từ 3 đến 5 giây. Do đó phạm vi oanh kích của Khai hoa đạn chỉ vào khoảng 1 dặm đến 2 dặm (tức từ 400 đến 800 mét). Với nguyên lý này, nếu bắn quá xa, khi dây cháy chậm cháy hết, dù chưa đến mục tiêu, Khai hoa đạn vẫn nổ trên không trung; còn nếu bắn quá gần, dây cháy chậm chưa cháy hết, thì dù đến mục tiêu, Khai hoa đạn vẫn chưa nổ. Tuy bị hạn chế như vậy, nhưng Giang Phong cũng rất hài lòng, khen thưởng chúng thuật sĩ, bảo bọn họ cố gắng cải tiến thêm; đồng thời truyền lệnh cho Xưởng quân khí chế tạo thật nhiều Khai hoa đạn.

Năm nay, ở ngoài Đại Việt cũng là lúc Minh triều sai Trương Phụ dẫn quân sang tiếp viện cho Mộc Thạnh để đánh dẹp quân khởi nghĩa của Trùng Quang Đế. Giang Phong ngại mang tiếng, không muốn can thiệp vào công việc của họ Trần (Giản Định Đế và Trùng Quang Đế đều đa nghi), nên chuyển sự chú ý sang phía nam và phía tây.

Phía nam các xứ Java và Bali có một hòn đảo rất lớn (Úc Đại Lợi hay châu Úc), nằm cách quận Timor của tỉnh Bali chỉ 1.200 dặm (tức 480 kilômét), trên đảo cư dân thưa thớt. Sau nhiều năm thăm dò, Giang Phong đã phái Hạm đội đến đấy, xây dựng các khu định cư đầu tiên. Trên đảo có nhiều mỏ quặng và đồng cỏ, thích hợp phát triển khai khoáng và chăn nuôi. Đảo này được Giang Phong đặt tên là Minh Châu, vì cư dân quá ít, chưa đặt quận huyện, tạm thời do triều đình trực tiếp quản lý.

Phía đông tỉnh Bali có một hòn đảo lớn tương đương đảo Puni (đảo New Guinea, diện tích 786.000 kilômét vuông), sau nhiều năm quấy nhiễu, Giang Phong đã cho sát nhập hẳn vào Đế quốc, đặt làm 9 tỉnh : Đông An, Đông Anh, Đông Ba, Đông Bình, Đông Cơ, Đông Cương, Đông Hà, Đông Hiệp, Đông Hưng. Dân cư trên đảo cũng ước 100 vạn, nhưng vì còn quá lạc hậu, vẫn còn sống theo kiểu bộ lạc, cởi trần đóng khố, săn bắn hái lượm, nên chỉ mới đặt tỉnh, chưa đặt quận huyện, chờ giáo hóa dần dần. Khi nào dân bản địa đạt đến mức văn minh cần thiết thì mới thiết lập quận huyện.

Vấn đề hai xứ đó chỉ là chuyện nhỏ, không quan trọng lắm. Vấn đề ưu tiên của Đế quốc lúc bấy giờ là việc ở xứ Tích Lan, phía tây bắc hải đồn An Đạt Man.

Tích Lan, còn gọi là Ceylon hay Sri Lanka, là một hòn đảo nằm cách khoảng 31 kilômét ngoài khơi bờ biển phía nam Ấn Độ. Sri Lanka luôn là một cảng biển và là đầu mối thương mại quan trọng giữa phương đông và phương tây. Các thương thuyền từ các xứ Ả Rập, Ba Tư, Miến Điện, Thái, Mã Lai, Java, cũng như các vùng khác ở Nam Dương ngày càng lui tới đây đông hơn. Nửa phía bắc của Tích Lan lúc này đang do Vương triều Vijayanagara (tên đầy đủ là Vijayanagara Sāmrājyamu, còn được gọi là Vương quốc Bisnaga) ở nam Ấn Độ kiểm soát, do tiểu vương Aryacakravarti cai quản. Nửa phía nam là lãnh thổ của tiểu quốc Raigama, do tiểu vương Vira Alakesvara cai quản. Trong lịch sử, vị tiểu vương này có xung đột với Trịnh Hòa năm 1409, rồi bị bắt giải về Kim Lăng, sau được thả về, nhưng buồn bực mà qua đời vào năm nay (1411), sang năm sau thì tiểu quốc Raigama bị tiểu quốc Kotte thay thế. Có điều, Trịnh Hòa đã tử trận ở Chiêm Thành mấy năm trước, nên vị tiểu vương này giờ đây vẫn còn làm vua rất vui vẻ ở Raigama.
Chương trước Chương tiếp
Loading...