Em Gái Nhà Rimbaud

Chương 12



Nhìn bộ dạng say mèm của Felix, có hỏi ông chắc ông cũng không nhớ mình đã nói gì, hầy, đúng là đáng lo!

Cô buồn bực để bọn họ đi.

Dĩ nhiên căn biệt thự hoành tráng thế này còn phòng trống chứ, hầu gái đang dọn phòng, dựa theo yêu cầu của cô mà thay khăn trải giường và chăn mới.

Cảm giác có thể sai người hầu làm việc đúng là sung sướng!

Cô nghĩ, chả trách những người giàu toàn thích thuê nhiều người hầu, cuộc sống áo đến tay cơm đến miệng quả là quá thoải mái! Quả nhiên con người rất dễ sa đọa mà!

***

Đại úy Rimbaud đã ra ngoài.

Lúc này Vitalie mới sực nhận ra mình bị ép một mình đối mặt với tình nhân của cha. Được rồi, bà Mandarien cũng không thể đánh đập cô hay sai người làm gì cô cả, không cần hoảng.

“Cha đi đâu rồi?” Bà Mandarien không phải nội trợ, không cần làm việc nhà, buổi chiều rảnh rỗi thì cầm tiểu thuyết đọc.

“Ông ấy đến câu lạc bộ rồi.”

“Câu lạc bộ? Ông ấy đến đó làm gì?”

“Đọc báo, chơi bài với bạn, cháu biết đấy, xã giao đàn ông ấy mà, ở nhà thì không xã giao được.”

“Chỉ cho đàn ông vào câu lạc bộ thôi đúng không?”

“Đúng.”

“Vậy có câu lạc bộ cho nữ không?”

Bà Mandarien mỉm cười, “Cũng có, nhưng bọn cô không gọi là ‘câu lạc bộ’.”

“Hội đọc sách?”

“Dạng dạng như vậy.”

Không có hứng. Cô cũng không muốn thảo luận với bà ta về váy mới, mẫu vải mới hay những thứ tương tự, bà ta là địch không phải bạn, không cần phải có quan hệ tốt.

“Louis đâu? Nó không đi học à?”

“Gần đây thằng bé bị bệnh nên không cần đi học.”

Ừm, đúng là trùng hợp.

“Vậy cháu đi tìm nó chơi vậy.” Vitalie đứng dậy.

Bà Mandarien vội nói: “Thằng bé đang ngủ, cháu đừng đánh thức nó.”

Đúng là cụt hứng mà. “Thế cháu đến thư phòng của cha xem có sách gì đọc không.”

Bà Mandarien gật đầu.

***

Thư phòng của một quân nhân giải ngũ thì có gì hay ho? Cùng lắm cũng chỉ có vài tác phẩm lớn để trưng bày, có khi chủ nhân còn chưa lật ra trang nào. Nhìn kệ sách mấy phút, Vitalie lập tức tổng kết về tu dưỡng nghệ thuật của đại úy Rimbaud: Chẳng ra thể thống gì.

Mục đích của cô cũng không phải là tìm sách đọc mà là tới tìm chỗ giấu rượu. Quân nhân ấy hả, không có ai là không thích uống rượu cả, cậu của cô chính là ví dụ sờ sờ ra đó. Nhưng ngẫm cũng đúng thôi, khi mà bạn ngày đêm chung sống với một đám đực rựa trong chiến hào suốt mấy tháng trời, ngoài uống rượu ra thì biết làm gì?

Chẳng mất nhiều thời gian cô đã tìm được tủ rượu, trong ngăn kéo dưới kệ sách nào đó: mấy chai rượu khác hãng cùng mấy ly rượu. Nhìn vào nhãn rượu, có rượu brandy, cũng có Whisky và Gin, trái lại không thấy Vodka đâu, có lẽ vì quá mạnh nên không hợp khẩu vị.

Cô rót chút rượu brandy, khẽ nhấp một hớp: Không cay miệng như cô nghĩ.

Đồ đạc trong thư phòng không có gì đặc biệt, cô ngồi trên chiếc ghế gỗ sau bàn làm việc, tự hỏi rốt cuộc bà Mandarien thích đại úy Rimbaud ở điểm nào: Tiền? Ông ta không phải dạng quá giàu, cùng lắm là có gia sản mấy chục nghìn franc; Ngoại hình? Một người đàn ông trung niên 57 tuổi dẫu có đẹp đi nữa thì cũng đã là một lão già; Tình yêu? Chuyện này thì còn mơ hồ hơn.

Sau đó lại nghĩ, không biết giá nhà ở Dijon như thế nào, căn biệt thự nhỏ này trị giá bao nhiêu? Là đại úy Rimbaud bỏ tiền mua hay là người phụ nữ này bỏ tiền? Năm đó Vitalie Cuif là một cô gái nông thôn đơn thuần, không tránh khỏi bị lời ngon tiếng ngọt của đại úy Rimbaud lừa, bà Mandarien không đến nỗi đơn giản vậy chứ? Có điều cũng chưa chắc, con gái nhà giàu được nuông chiều thì còn ngây thơ hơn, vì được bảo vệ tốt quá.

Nếu nhà do bà Mandarien mua thì chứng tỏ đại úy Rimbaud theo bà ta vì tiền.

Có điều lúc nãy khi cô nói đây là nhà của đại úy Rimbaud thì bà Mandarien không nói gì thêm, thằng nít quỷ kiêu ngạo Louis cũng không phản bác lại điểm này, vậy coi như là tài sản của đại úy Rimbaud rồi.

Cô quyết định đợi lúc Frederic đưa hành lý tới, nhờ anh đi hỏi thăm giá nhà rồi sẽ quyết định tiếp.

***

Nửa ngày hôm đó trôi qua rất nhanh, cô tìm đại một cuốn tiểu thuyết ở trong thư phòng, ngồi trên ghế salon trong phòng khách đọc hơn một tiếng đồng hồ. Nhân lúc Frederic đưa hành lý đến, cô dặn anh đi nghe ngóng giá nhà, canh chừng cậu, không được để ông ấy lại uống rượu, rồi sáng ngày mai hai người bọn họ hãy lại đến.

Sau đó bà Mandarien đi tản bộ trong sân, uống trà chiều, cô cũng theo gót. Bà Mandarien hỏi cô bình thường làm gì, cũng chẳng ngại gì để người khác biết chuyện đó, cô bèn kể ở nhà phải làm việc nhà, mẹ rất vất vả, cuộc sống khó khăn.

Có vẻ bà Mandarien không ngờ bọn họ lại sống “khó khăn” như thế, bèn lấy làm kinh ngạc, “Cô cứ tưởng… Frederic sẽ chăm sóc các cháu.” Đại úy Rimbaud cũng tên Frederic, anh cả và cha cùng tên.

Vitalie cũng bất ngờ khi bà ta nói vậy, “Cô không biết cha có cho bọn cháu sinh hoạt phí hay không ư?”

Bà ta mất tự nhiên, “Cô không rõ về chuyện kinh tế của ông ấy.”

Louis không vui đứng bên liếc cô.

“Vậy cô và Louis sống dựa vào gì?” Không đợi bà ta trả lời, Vitalie đã nói tiếp: “Mấy tháng trước vì chiến tranh mà vật giá ở Charleville tăng phi mã, giờ trong nhà không mua được bột mì, cũng không có tiền mua bánh mì, không được ăn uống no đủ.”

Bà Mandarien vội nói: “Cô không nghĩ… Các cháu…” Bà càng nói càng mất tự nhiên.

Lúc Louis không công kích cô nữa mà nói với vẻ rất thương cảm: “Chả trách cô gầy thế!”

“Lần trước Arthur tới, cậu có gặp anh ấy không?”

“Arthur? Là ai?”

“Một người anh khác của tôi, anh ấy đến tìm cha. Cậu không gặp anh ấy sao?”

Louis lắc đầu, “Có khi lúc đó bọn tôi còn chưa tới.” Nói rồi nó lại cau mày ảo não, có vẻ bực vì mình nói năng nhẹ nhàng với Vitalie.

***

Sau khi đại úy Rimbaud về nhà, bốn người ngồi lại ăn tối cùng nhau.

Bầu không khí trên bàn ăn tối nay khá hơn so với hồi trưa, đại úy Rimbaud và bà Mandarien cười đùa nói chuyện, vui vẻ với Louis, còn đối mặt với Vitalie thì có phần ngại ngùng. Có điều chuyện này cũng bình thường, dù gì cũng đã 10 năm không gặp, lấy đâu ra tình cảm.

Vitalie đặt mình vào góc độ của người ngoài mà nhìn: Ba người này đúng là giống gia đình! Hòa thuận vui vẻ còn cô mới là “người ngoài”, “phá hoại”. Hừ! Việc này sao có thể trách cô đến không đúng thời điểm được? Nếu người đàn ông này không làm ra chuyện bỏ vợ bỏ con, thì cặp mẹ con này đâu có bị đẩy vào vị trí xấu hổ. Nhưng chỉ e từ đầu đại úy Rimbaud đã không có giác ngộ này.

Vitalie đột nhiên nói xen vào, “Cha, tội thông dâm là gì?”

Đại úy Rimbaud sửng sốt, một lúc sau mới phản ứng lại được, vừa lúng túng vừa tức giận: “Ai dạy con cái từ này?”

“Con học ở trường dòng nữ, các xơ nói thông dâm là chuyện ác nhất trên thế giới, gần với mưu sát.” Cô lạnh lùng đáp: “Thông dâm là có ý gì? Có phải tức là một người đàn ông, một người chồng rõ ràng đã có vợ con, nhưng lại quan hệ với một người phụ nữ khác?”

Đại úy Rimbaud giận tím mặt: “Các xơ dạy con thứ này hả?!”

Bà Mandarien đặt dao nĩa xuống, ôm mặt vội vã rời nhà ăn.

Vitalie vẫn làm mặt vô tội, thờ ơ nói: “Cô Mandarien lạ thật, con có trách gì cô ấy đâu.”

“Con câm miệng lại cho ta!” Đại úy Rimbaud phẫn nộ ra mặt, như thể rất muốn ném nĩa vào mặt cô.

“Cha!” Cô lập tức hoảng hốt, “Cha đừng nóng, con không biết thật mà.”

“Mẹ con giáo dục con thế đó hả?” Đại úy Rimbaud có vẻ đang kìm nén lửa giận.

“Mẹ không rảnh để quản con, việc nhà đã đủ khiến bà mệt muốn chết rồi. Bọn con không có tiền ăn uống, càng không có tiền thuê người hầu, đến mùa hè thu hoạch lúa mì, bọn con còn phải về làng Roche. Lần trước Isabelle lỡ cắt vào chân mình, chảy máu rất nhiều, xém nữa em ấy chỉ còn một chân.” Đương nhiên chuyện cắt lúa mạch đâu có để cho tụi nhỏ mười mấy tuổi như các cô làm, nhưng nghĩ chắc đại úy Rimbaud cũng không biết chuyện này, cô chẳng ngại thêu dệt.

Cô còn nói rất nhiều về cuộc sống khó khăn, phải làm rất nhiều việc nhà từ nhỏ, Isabelle mới 10 tuổi cũng đã phải làm việc nhà. Mùa đông nước lạnh như vậy nhưng không có thêm tiền mua củi hay than đá, chỉ có thể giặt quần áo bằng nước lạnh, lại phải quỳ xuống lau sàn nhà, thật là vất vả đối với trẻ con!

Đại úy Rimbaud vẫn xụ mặt, biểu cảm nghiêm túc có vẻ không vui lẫn mất kiên nhẫn, dường như rất thờ ơ trước điều này.

Vitalie càng nói càng tức, nhưng không thể phát tiết; lại nhìn bộ dạng thờ ơ của đại úy Rimbaud, cô càng tức điên: Người đàn ông này không có chút thương tiếc nào cả! Đúng vậy, ông ta chỉ là được sướng mấy lần, cho một ít t*ng trùng, chưa bao giờ tự tay nuôi con lấy một ngày thì làm sao có thể cảm thấy cô khác với đứa trẻ xa lạ khác? Cô thực sự không nên hy vọng gì vào ông ta.

Có thể cuộc sống trong quân đội đã mài dũa ông ta có vẻ ngoài lãnh đạm và trái tim lạnh lùng, nhưng nhiều khả năng bản thân người đàn ông này là một “kẻ xấu xa”!

Cô dừng lại, thôi nói tiếp. Trong lòng rất tức giận: Cái ngày quỷ quái này đúng là khó chịu! Tìm người ta đòi tiền cũng quá khổ sở! Nhưng cô không muốn từ bỏ quyền lợi của mình, dù có khó chịu tới mấy cũng phải nhịn, cho đến khi hoàn thành mục tiêu.

Đại úy Rimbaud thấy cô không nói gì thì trầm giọng bảo: “Đi giải thích với cô Mandarien đi.”

Cô rất không kiên nhẫn, đặt dao nĩa xuống, đẩy ghế ra đứng dậy: “Người khiến bà ấy lúng túng không phải con, mà chính là cha. Cha làm ra chuyện trái đạo đức xã hội, kết quả người chịu chỉ trích lại là cô Mandarien, con nghĩ chuyện này con không cần nói với cha đâu nhỉ? Cha cùng bà ta và Louis sống với nhau, Louis không mang họ Rimbaud, bà ta cũng không mang họ Rimbaud, người khác có biết đây rốt cuộc là chuyện gì không?”

Cô không cho ông ta thời gian lên tiếng, lập tức nói: “Con ăn no rồi, con muốn đi ngủ sớm.”

Đại úy Rimbaud chưa gặp cô gái nào giống như cô, lại còn là con gái mang họ ông, trong phút chốc không biết phải làm thế nào với cô, đành để cô rời đi.
Chương trước Chương tiếp
Loading...