Emma

Chương 11



Bây giờ anh Elton được để cho tự lo liệu. Emma không còn có thể dẫn dắt hạnh phúc của anh hoặc đốc thúc hành động của anh. Gia đình chị cô sắp đến nên từ lúc này cô phải bận bịu vì họ. Trong thời gian mười ngày họ lưu lại Hartfield, cô không mong làm được gì cho hai người đang yêu ngoài ít hỗ trợ tình cờ. Tuy nhiên, nếu muốn hai người có thể tiến nhanh, họ phải tiến thêm bằng cách nào đấy. Cô không nghĩ mình có thêm thời giờ rảnh rỗi cho họ. Họ là con người, nếu mình càng làm thêm cho họ, họ càng làm ít hơn cho nhau.

Hai vợ chồng Knightley đã xa vắng khỏi Surry lâu hơn bình thường, nên lần này họ phấn khích nhiều hơn bình thường. Từ ngày kết hôn đến nay, họ thường chia thời gian cho mỗi mùa nghỉ hè giữa Hartfield và Tu viện Donwell, nhưng kỳ nghỉ hè mùa thu này được dành trọn cho lũ trẻ đi tắm biển. Vì thế, phải qua nhiều tháng họ mới trở lại Surry hoặc trở về nhà ông Woodhouse. Riêng ông Woodhouse không thể đi đâu xa, thậm chí không thể đi thăm con gái Isabella tội nghiệp, vì thế ông đang bồn chồn trông đợi gia đình của con gái đến.

Ông luôn lo lắng mọi điều cho cô và không hề lo nghĩ gì đến những con ngựa và người đánh xe phải đón họ đi về nửa chặng đường. Nhưng nỗi lo lắng của ông là không cần thiết, họ thích thú vượt qua hai mươi lăm cây số rồi hai vợ chồng Knightley, năm đứa con và gia nhân đều bình yên vô sự về đến Hartfield. Tinh thần phấn chấn và vui vẻ khi hội ngộ, bao nhiêu người chuyện trò với nhau, bao nhiêu việc phải nói đến, đón chào, khích lệ, phát tán và dẹp bỏ - tất cả đều tạo nên khung cảnh ồn ào và náo loạn mà thần kinh ông Woodhouse đáng lẽ không thể chịu nổi nếu ở trong trường hợp khác. Đáng lẽ mối quan tâm mẫu tử của Isabella là muốn các con của cô được vui chơi ngay, được mọi sự tự do và chăm sóc, được ăn uống tuỳ thích, được ngủ và chơi đùa tuỳ thích. Nhưng nhờ các sống ở Hartfield và tình cảm của cô đối với ông bố đã chế ngự, đám trẻ không bao giờ được phép quấy rầy ông ngoại nhiều.

Isabella là một phụ nữ xinh xắn, trang nhã, có vóc người nhỏ nhắn, tư cách điềm đạm và nhỏ nhẹ, phong thái thân thiện, sống có tình nghĩa. Cô dồn thời giờ chăm lo cho gia đình, tự chứng tỏ là một người vợ toàn tâm, một người mẹ bao dung mà vẫn gắn bó với bố và em gái. Giống như ông bố, cô không phải là người có lòng thông cảm sâu đậm hoặc nhậy cảm. Cô có thể tạng yếu, quá cẩn thận cho các con, và mang nhiều nỗi e sợ cùng lo lắng. Ở thành phố, cô tin ca6.y ông Wingfield giống như ông bố tin cậy ông Perry. Hai người cũng giống nhau về tính nết và cung cách đối xử tốt với người quen cũ.

Anh John Knightley có vóc người cao ráo, tư cách giống một nhà quý tộc, rất khôn khéo, sống trọn vẹn cho gia đình. Anh thành đạt trong nghề nghiệp và được tôn trọng nhờ tài giao tiếp, nhưng tư cách khép kín của anh không làm người ta hài lòng lắm, đôi lúc kém vui tươi. Anh không phải là người có tính cáu gắt vô lý để bị chê trách, chỉ là vì cử chỉ anh không được hoà nhã lắm. Thật ra, với một cô vợ luôn tôn sùng anh, những khuyết điểm bẩm sinh của anh càng nặng thêm. Tính dịu dàng chịu đựng của cô càng làm hại đến tâm tính của anh. Anh có đầu óc tinh anh và nhậy bén mà cô trông cậy, đôi khi anh có hành động khiếm nhã hoặc ngôn từ thô lỗ.

Anh không được lòng cô em vợ vốn không bỏ qua bất cứ thói xấu nào của anh. Cô hay nhìn ra những hành động của anh gây tổn thương Isabella trong khi Isabella không cảm thấy gì. Có lẽ cô sẵn lòng bỏ qua cho anh nếu anh có cử chỉ chiều lòng chị cô, nhưng cử chỉ của anh giống như của một người anh và người bạn lầm lì: thiếu lời khen và kém tính độ lượng. Cô khó tìm ra điểm son NÃO Nơi anh, cho dù không kể đến khuyết điểm nặng nhất mà anh phạm phải là thiếu chịu đựng để tỏ ra tôn trọng bố cô hơn. Về khía cạnh này, anh thiếu kiên nhẫn. Ông bố có tính lập dị và hay lo lắng quá đáng trong nhiều việc, khiến cho anh đôi lúc phản kháng hoặc đáp trả mà không kiêng dè gì cả. Việc này ít khi xảy ra tựu chung anh John Knightley vẫn tôn trọng bố vợ, Emma vẫn khoan dung và chịu đựng.

Thời gian khởi đầu trong mọi cuộc viếng thăm đều thể hiện tình cảm đúng mực. Khi mọi người vừa ngồi xuống, ông Woodhouse lắc đầu và thở dài, kể cho Isabella về thay đổi mang đến nỗi u buồn tại Hartfield kể từ chuyến trước cô về thăm nhà.

Ông nói:

Con ạ, chị Taylor tội nghiệp – quả là việc đáng buồn.

Cô nói với lòng cảm thông:

Vâng, đúng thế bố ạ. Hẳn bố phải thấy tiếc! và em Emma thân yêu nữa! kể cũng là một mất mát cho cả hai người. Con lấy làm buồn cho bố. Con không thể mường tượng ra làm cách nào bố sống mà không có chị ấy. Đúng là sự thay đổi không vui tí nào. Nhưng con mong chị ấy được hạnh phúc.

Khá hạnh phúc, con ạ. Bố hy vọng là khá hạnh phúc. Bố chỉ biết chị ấy hợp với nơi chốn mới.

Về việc này anh John Knightley hỏi nhỏ Emma về không khí gia đình ở Randalls.

Emma nói:

À, không có chuyện gì. Em chưa từng thấy chị ấy hạnh phúc đến thế. Papa chỉ nói lên nỗi tiếc nuối của ông.

Ann đáp:

Thế thì tốt cho cả hai người.

Isabella hỏi với giọng bùi ngùi hợp với tâm tư của ông:

Bố có thường gặp chị ấy không?

Ông Woodhouse ngập ngừng:

Không thường như bố mong muốn.

Emma nói:

Papa ạ, từ lúc họ kết hôn, chỉ có một ngày chúng ta không gặp họ. Hoặc là buổi sáng hoặc buổi tối mỗi ngày, chỉ trừ một ngày, chúng ta đều gặp ông Weston hoặc chị Taylor, và thường là cả hai, hoặc ở Randalls, hoặc ở đây, và như chị Isabella có thể đoán ra, thường là ở đây. Họ rất tốt bụng mà đến thăm thường xuyên. Ông Weston cũng tốt bụng như chị ấy. papa ạ, nếu Papa than thở như thế, Isabella sẽ ngộ nhận về hoàn cảnh của hai cha con ta. Mọi người đều phải chấp nhận để chị Taylor ra đi, nhưng phải tin rằng hai anh chị thật sự muốn bù đắp theo cách ta mong đợi – đấy là sự thật.

Anh John Knightley nói với Emma:

Đúng là phải như thế, và đúng như anh hy vọng khi đọc thư của em. Phải công nhận chị ấy vẫn chú ý đến nhà ta, còn tính phóng khoáng và hoà đồng của ông ấy càng tạo thuận lợi thêm.

Anh quay sang Isabella:

Anh luôn nói với em rằng anh không nghĩ sự thay đổi ở Hartfield là đáng lo, và bây giờ Emma đã thuật chuyện, anh mong em được mãn nguyện.

Ông Woodhouse nói:

Chắc hẳn rồi, vâng, đúng thế. Bố không thể phủ nhận rằng chị Weston, chị Weston tội nghiệp, thường đến thăm nhà ta, nhưng rồi chị ấy phải ra về.

Emma nói:

Papa ạ, nếu không thế thì làm khó cho ông Weston. Papa đã quên ông Weston tội nghiệp.

Anh John Knightley vui vẻ nói với Emma:

Anh nghĩ ông Weston đã làm tốt cho nhà ta. Anh và em thử thế vào chỗ của ông chồng tội nghiệp xem. Anh là một người chồng và em không phải là một người vợ thế nên ta hẳn có ấn tượng với công lao của ông ấy. Còn đối với Isabella, cô ấy đã kết hôn lâu rồi nên không nhận ra đức tính của một người như ông Weston.

Cô vợ của anh chỉ nghe và hiểu phần nào nên cất tiếng:

Anh đang nói về em đấy phải không, anh yêu? Em tin chắc không ai cổ vũ cho hôn nhân mạnh như em. Nếu không vì nỗi u sầu khi chị ấy rời Hartfield, em vẫn nghĩ chị ấy là phụ nữ may mắn nhất trên thế gian. Còn về việc xem nhẹ ông Weston, ông Weston tuyệt vời ấy, em cho là ông ấy xứng đáng có được mọi điều tốt lành. Em tin ông ấy là người hiền từ nhất. Chỉ trừ anh và em trai của anh, em không thể thấy ai hiền hơn. Em không bao giờ quên việc ông ấy phóng con diều cho Henry vào ngày lễ Phục sinh ấy, và nhất là vào lúc mười hai giờ khuya tháng Chín rồi ông ấy viết thư trấn an em rằng không có bệnh sốt ban đỏ ở Cobham. Từ lúc ấy em tin rằng không có con tim nào tình cảm hơn và không có người đàn ông nào tử tế hơn trên đời này. Nếu có người nào xứng đôi với ông, thì đó chính là chị Taylor.

Anh Knightley hỏi:

Cái anh trai trẻ ấy ở đâu? Vào dịp này anh ấy có đến đây không?

Emma đáp:

Anh ấy chưa đến. Mọi người mong đợi anh ấy đến ngay sau ngày cưới, nhưng không xảy ra chuyện gì cả. Gần đây em không nghe nhắc đến anh ấy.

Ông bố cô nói:

Nhưng con nên kể về lá thư, con yêu à. Anh ta viết một lá thư cho chị Taylor tội nghiệp để chúc mừng chị ấy. Thư viết rất hay. Chị ấy có đưa cho cha đọc. Cha nghĩ anh ta có tính tốt. Nhưng không ai rõ liệu có phải đấy là do ý của anh ta hay không. Anh ta còn trẻ, và có lẽ ông bác của anh ta….

Papa yêu ạ. Anh ấy đã hai mươi ba rồi. papa đã quên thời gian chóng qua như thế nào.

Hai mươi ba! Thật vậy sao? Bố đã không thể nghĩ đến. Khi mẹ của anh ta qua đời, anh ta chỉ mới lên hai thôi. Thời gian trôi nhanh thật! còn trí nhớ của bố không tốt. Tuy nhiên, đấy là bức thư viết thật hay, làm cho hai ông bà Weston rất vui. Bố còn nhớ lá thư được gửi đi từ Weymouth, đề ngày 18 tháng Chín, bắt đầu bằng "Thưa bà," nhưng bố quên mất nộI dung tiếp theo, và thư được ký tên là "F. C. Weston Churchill" – bố còn nhớ rất rõ.

Con người Isabella hiền hoà kêu lên:

Anh ấy thật là đúng mực! con tin chắc anh là một thanh niên rất dễ mến. Nhưng đáng buồn là anh không sống cùng với cha mình! Một đứa trẻ bị rứt ra khỏi cha mẹ và ngôi nhà sinh quán là chuyện gây sốc. Con không bao giờ hiểu được làm thế nào ông Weston chịu rời xa anh ấy. Từ bỏ đứa con của mình! Thật tình con nghĩ không ai lại đề nghị việc này.

Anh John Knightley lạnh lùng nói:

Anh đoán trong gia tộc Churchill không ai suy nghĩ đúng cách cả. Nhưng em không nên cho là ông Weston có cảm nghĩ giống như khi em từ bỏ Henry hoặc John. Ông Weston là người khá xuề xoà, xởi lởi hơn là có cảm nhận sâu sắc. Sự việc ra thế nào thì ông tiếp nhận thế nấy, và bằng cách này hay cách khác đều lấy làm vui từ đó, tuỳ theo – như anh suy đoán – những thú vui của ông ấy trong xã hội như ăn nhậu và đánh bài chơi với chòm xóm năm lần mỗi ngày, là tuỳ theo tình cảm gia đình.

Emma không thể chấp nhận lời bình phẩm về ông Weston và định có phản ứng, nhưng cô kiềm chế và cho qua vì muốn giữ hoà khí. Những sinh hoạt gia đình gần gũi đều có giá trị danh dự và thân thương đối với anh rể của cô, cũng từ đó anh mới có thái độ khinh miệt cách giao tế xã hội tầm thường. Đấy là lý do mà cô thấy mình nên độ lượng với anh.
Chương trước Chương tiếp
Loading...