Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên

Chương 20



Kể từ ngày Lịch Xuyên chia tay tôi, một tuần tôi gửi cho anh ít nhất 2 email, chưa bao giờ nhận được hồi âm. Một ngày sau khi anh đi, tôi gọi điện cho anh một lần trong tuyệt vọng, nhưng tổng đài báo thuê bao không tồn tại. Tôi gọi điện thoại tìm Kỷ Hoàn, Kỷ Hoàn hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Anh ta gọi điện hỏi công ty Lịch Xuyên giúp tôi, nhận được câu trả lời Lịch Xuyên bị triệu hồi về tổng công ty CGP ở Châu u khẩn cấp, những bản vẽ anh phụ trách sẽ được hoàn thành ở Châu u. Cho nên, anh vẫn là Kiến trúc sư trưởng của CGP, tuy nói cho cùng chỉ là trên danh nghĩa mà thôi. CGP cần danh tiếng của anh để kinh doanh.

Kỷ Hoàn nói, Lịch Xuyên chưa bao giờ kể về gia đình mình, những gì anh ta biết về Lịch Xuyên chủ yếu là từ vài câu giới thiệu đơn giản trên trang chủ của CGP. Không khác những tin tức tôi tìm được trên Google là bao nhiêu. Vương Lịch Xuyên, kiến trúc sư trẻ tuổi nổi tiếng. Sinh ra ở Zurich Thuỵ Sĩ, năm XX tốt nghiệp khoa kiến trúc đại học Harvard, từng đạt được những giải thưởng sau: năm XX đạt giải nhất Kiến trúc sư trẻ triển vọng của Thuỵ Sĩ, năm XX đạt được cúp vàng giải P/A của Mỹ, năm XX đạt giải Thiết kế kiến trúc AS - 4 của Pháp. Công trình tiêu biểu gồm có: Sân vận động thành phố C, viện bảo tàng tỉnh M, sân bóng thành phố S, các khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, nhà hát, trung tâm triển lãm...

Những dòng lí lịch bóng bẩy này, không phải Lịch Xuyên mà tôi biết, là người đưa tôi về nhà lúc đêm khuya, là người cùng tôi xếp hàng mua vé xe lửa, người bị ba tôi chửi mà nổi mề đay đầy người. Lịch Xuyên lúc nào cũng che chở tôi, không hề ra vẻ. Còn nữa, Lịch Xuyên hay chống gậy đi dạo với tôi, đi xa quá, sẽ than mệt, lúc bị bệnh không dậy được, nửa đêm sẽ nài nỉ tôi đi rót sữa cho anh. Có một đêm tôi viết bài luận, viết được một nửa thì hết ý, đau khổ uống cà phê, không ngờ anh lại hỏi tôi, có muốn anh "phục vụ đặc biệt" hay không. Chúng tôi yêu nhau thật lãng mạn, sau đó, tôi lại có cảm hứng, viết tới rạng sáng, bài luận được điểm cao nhất lớp.

Ngày đó, Lịch Xuyên chia tay tôi ở bãi đậu xe chỉ cần 5 phút. Tôi từ Long Trạch trở về, như đã qua ngàn năm.

Tôi đờ đẫn về ký túc xá, gặp Tu Nhạc ở cổng. Hai ngày sau, tin tôi và Lịch Xuyên chia tay lan truyền khắp ký túc xá. Tu Nhạc tìm tôi, hỏi tôi, không còn mặt trăng nữa, có cần đồng xu hay không?

Tôi kiên quyết lắc đầu.

Trong vòng 2 năm, tôi chẳng quan tâm gì khác, chọn nhiều môn, vùi đầu học một cách điên cuồng. Sang học kỳ cuối năm 3, tôi đột nhiên phát hiện ra, tôi đã học hết tất thảy các môn rồi. Tôi hỏi thầy hướng dẫn nên làm gì bây giờ. Thầy nói, sao em không học lên cao học đi? Thầy giới thiệu tôi với giáo sư Phùng Giới Lương, ba của Phùng Tĩnh Nhi. Thầy Phùng là giáo sư giỏi nhất khoa, chuyên gia về Lawrence. Năm xưa, nếu không phải do vợ thầy đang vất vả làm luận văn tại trường này, thì thầy đã bị Đại học Bắc Kinh bắt đi từ lâu rồi.

Tôi đã từng học môn "Văn học Anh hiện đại" của thầy. Thầy rất thích tôi, cho tôi điểm cao nhất. Vì vậy, tôi tới văn phòng tìm thầy, hỏi ông chuyện học lên cao học. Ông vỗ đầu tôi, nói: "Đừng thi, Tiếng Anh của em giỏi lắm rồi, chắc em cũng không muốn học chính trị đâu. Thầy sẽ bớt cho em cửa này đi." Không lâu sau đó tôi nhận được thông báo, vì thành tích xuất sắc, tôi được chuyển thẳng lên bậc cao học..

Học cao học không cần đóng học phí, tuy nhiên, trợ cấp hằng tháng chỉ được 225 tệ. Mặc dù có học bổng, tôi vẫn phải đi làm thêm. Ba tôi không gửi tiền cho tôi nữa. Vì sau khi em trai tôi cãi nhau với ông, đã thi vào khoa Lâm sàng đại học Y Trung Sơn[1]. Học phí mắc gấp đôi trường tôi, ba tôi càng ngày càng thắt lưng buộc bụng. Tiểu Đông học hành rất vất vả, nó cũng giống tôi, học xong phải đi làm thêm khắp nơi, kiếm tiền học, kiếm tiền sống. Một tháng ba tôi gửi cho nó 100 tệ, chắc chắn không đủ. Tôi ăn ít lại, tính mỗi tháng gửi cho nó 300 tệ, lại bị nó gửi trả lại. Lúc nghỉ đông tôi đi Quảng Châu thăm nó, thằng nhóc này vừa đen vừa vạm vỡ, đạp xe đạp chở hoa giao cho các cửa hàng bán hoa. Tôi xót quá, ép nó cầm 2000 tệ. Nhưng ngày hôm sau khi tôi về lại Bắc Kinh, lại nhận được tiền Tiểu Đông gửi lại, 2000 tệ, không thiếu một xu. "Chị, em đủ tiền xài, chị giữ lại xài đi."

[1] Được thành lập năm 1866 tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, là một trong những trường đại học Y nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Mỗi ngày của tôi trôi qua khá đơn điệu. Buổi sáng 5 giờ dậy hoc từ, ngoại trừ đi học, đi làm thêm, thì đi thư viện. Thứ 2 tuần nào tôi cũng hạ quyết tâm không gửi thư cho Lịch Xuyên nữa. Nhưng tới cuối tuần, tôi lại chứng nào tật nấy, lại ra tiệm internet kiểm tra hộp thư. Nhìn thấy con số 0 đó, tôi lại tức tối, kiềm không được lại viết một lá thư nữa. Hai năm đầu, trong thư tôi còn hỏi thăm anh, anh khoẻ không? Anh đang làm gì? Dần dần, trong thư tôi chỉ kể về mình, có đôi khi là kể về chuyện học, ví dụ như: "Học kỳ này em chọn bốn môn, đọc hiểu, nói, viết luận, Shakespeare. Tiểu luận về Lawrence em viết kỳ rồi đạt điểm cao nhất đó. Em phát biểu trên lớp, nói phu nhân Chatterley không nên ngược đãi Clifford[2], làm thầy tức chết đi được." Có đôi khi là báo cáo đọc sách, ví dụ như: "Hôm nay em đến thư viện mượn một quyển sách vô cùng thâm thuý, là Liên Hoa Kinh[4]. Em mất hết một tuần để đọc xong đó, đọc xong ngẫm lại, mới thấy mình chẳng nhớ được câu nào. Có đôi khi nói về thời tiết: "Thời tiết Bắc Kinh năm nay lạnh ghê gớm, em mới mua một cái khăn quàng cổ thật dày." "Còn nhớ rừng uyên ương ở trường em không? Bây giờ đang được sửa lại, người ta đào thêm một cái hồ, bên cạnh đó mở thêm căn tin, thịt nướng ở đó ngon lắm."

[2] Lady Chatterley's Lover (Người tình của phu nhân Chatterley) là bộ tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn D.H Lawrence, bị nhà cầm quyền Anh quốc cấm phát hành với tội danh "làm thương phong bại tục". Truyện kể về nàng Constance là vợ địa chủ quý tộc Chatterley, nhưng không lâu sau khi chồng nàng bị bại liệt, nàng đã dan díu với anh chàng thợ săn trong thôn trang.

[3] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, còn gọi là Kinh Pháp Hoa, chứa đựng những quan điểm chủ yếu của Phật giáo Đại thừa, chính là giáo pháp về sự chuyển hoá của Phật tinh và khả năng giải thoát.

Tôi cảm thấy, không phải tôi đang viết thư, mà là đang gieo mầm xuân vào hộp thư.

Mầm xuân như nỗi hận xa cách, càng xa càng đâm rễ nảy chồi.

Trong suốt ba năm, vì học nhiều, tôi rất ít khi về nhà. Chỉ vào dịp Tết, tôi mới về vài ngày. Tôi và ba tôi giận nhau khoảng 1 năm, cuối cùng tôi kể ông nghe chuyện tôi và Lịch Xuyên đã chia tay. Ba tôi nghe xong, im lặng nửa ngày, cuối cùng hỏi tôi, vậy con, có thấy buồn không? Tôi nói, đã qua rồi. Lại có thể mượn cơn gió đông, biến nỗi đau thành động lực, năm nào cũng đạt được học bổng.

Ngay mùa hè tôi vừa lên cao học, trường chưa cho nghỉ hè, tôi nhận được điện thoại của Tiểu Đông: "Chị, về thăm ba đi. Bệnh tình của ba nguy kịch lắm."

Ba tôi bị bệnh giãn cơ tim, được đưa vào bệnh viện thị trấn, đồng nghiệp ở trường không biết rõ bệnh tinh của ba tôi, thấy Tiểu Đông học y, nên gọi điện cho nó trước. Thật ra, Tiểu Đông mới là sinh viên y năm nhất, ngoại trừ lo lắng ra thì không biết làm gì. Ba tôi té xỉu trong phòng học, ngay ngày đầu tiên vào viện liền đã bị thông báo bệnh tình nguy kịch. Sau vài ngày, ông phải dùng thuốc để duy trì mạng sống. Mấy ngày đầu, trường còn đưa chi phiếu, dần dần, họ cử người tới giải thích với Tiểu Đông, trường không thể gánh hết chi phí chữa bệnh của ba tôi. Bác sĩ chính của ba tôi nói, loại bệnh này, hy vọng sống rất thấp, ngoại trừ thay tim ra, thì không còn cách nào khác nữa.

Tôi hỏi Tiểu Đông, chi phí thay tim là bao nhiêu.

"Tiền phẫu thuật 200 ngàn. Rủi ro khi phẫu thuật rất cao. Cho dù thành công, hàng tháng còn phải tốn vài nghìn tiền thuốc chống thải ghép." Tiểu Đông buồn bã nói.

"Ba... Có thể nói chuyện không?" Nhưng lúc này, khóc là gì tôi cũng quên mất.

"Ba có tỉnh lại một lần," Tiểu Đông nói "Em không nói sự thật cho ba biết. Ba vẫn thấy tức ngực, hoảng hốt, khó thở, chắc ba biết mình đang nguy kịch, nói muốn gặp chị."

"Tiểu Đông, em đi điều tra ngay cho chị xem chuyên gia thay tim giỏi nhất Trung Quốc là ai, chị sẽ kiếm tiền làm phẫu thuật thay tim cho ba." Tôi tắt điện thoại, đi thẳng tới Hoa viên Long Trạch, nhà của Lịch Xuyên.

Tôi vẫn giữ chìa khoá căn hộ đó.

Mở cửa vào, mọi thứ vẫn như trước, không có một hạt bụi. Phí quản lý căn hộ rất cao, cho nên ngày nào cũng có người tới quét dọn, tất cả vật dụng trong nhà, đều giữ nguyên như lúc Lịch Xuyên đi. Tim tôi ngập tràn lo lắng, không có thời gian để đau buồn. Không có thời gian để ôn lại kỉ niệm.

Tôi tìm lá thư trên bàn trà, lấy điện thoại gọi cho số máy đó. Điện thoại reo hai tiếng, một người đàn ông bắt máy: "A lô, văn phòng luật sư Trần Đông Thôn."

"Tôi tìm luật sư Trần Đông Thôn."

"Tôi đây."

"Xin chào. Tôi họ Tạ, tên Tạ Tiểu Thu."

"À, cô Tạ. Đã lâu không liên lạc." Không ngờ ông ta còn nhớ tôi. "Cô tìm tôi có việc à?"

"Tôi cần tiền." tôi nói rõ ràng dứt khoát.

"Cô có thể tới văn phòng của tôi một lát được không? Chuyện tiền bạc nói qua điện thoại không tiện lắm."

"Xin hỏi, văn phòng luật sư ở đâu?"

"Chắc cô biết Hoa viên Long Trạch? Văn phòng của tôi ở tầng hai, phòng số 204."

Tôi thở dài nhẹ nhõm, đúng là rất tiện, không ngờ ở ngay tầng dưới. Tôi xuống tầng dưới, tìm thấy văn phòng luật sư, một người đàn ông trung niên hói đầu ra đón tôi, mời tôi vào văn phòng của ông ta. Rõ ràng ông ta có kinh nghiệm làm việc phong phú, vị trí của Hoa viên Long Trạch rất đẹp, tiền thuê rất mắc, mở văn phòng ở đây chắc tốn nhiều tiền.

"Cô Tạ, tôi cần xem một số giấy tờ chứng minh của cô, để chứng minh thân phận." Ông ta là người Bắc Kinh, hình như tốt nghiệp học viện Ngôn ngữ Bắc Kinh, nói giọng phổ thông rất chuẩn.

Tôi đưa ông ta giấy chứng minh và thẻ sinh viên của tôi. Ông ta gật đầu, đi tới két sắt cạnh đó lấy một chiếc hộp gỗ ra. Sau đó, ông ta lấy một quyển chi phiếu ra khỏi hộp gỗ: "Cô Tạ cần bao nhiêu tiền?"

"Ông có thể cho tôi được bao nhiêu?" Tôi lo lắng.

"Tùy cô." Ông ta liếc tôi "Hoặc là, cô cứ cầm chi phiếu về, để đó từ từ dùng cũng được."

"250 ngàn tệ." 200 ngàn tiền phẫu thuật, 50 ngàn tiền thuốc.

Ông ta viết số tiền lên chi phiếu, kêu tôi ký vào, giữ lại bản sao, sau đó đưa chi phiếu cho tôi. Tôi nhìn qua, Lịch Xuyên đã ký sẵn tên lên đó.

Tôi bỏ chi phiếu vào trong bóp tiền. Trần Đông Thôn lại nói: "Về thủ tục sang tên hai căn hộ kia, cô Tạ có muốn làm luôn không?"

Tôi nói: "Tôi không cần hai căn hộ đó. 250 ngàn này, tôi cũng chỉ mượn mà thôi. Sau này chắc chắn sẽ tìm cách trả lại." Nói xong, tôi viết giấy nợ nhét vào tay ông ta.

Trần Đông Thôn cười, nhận lấy bỏ vào hộp: "Cô Tạ, bất cứ lúc nào, nếu cô cần tiền, xin cứ gọi điện thoại."

Đúng là cáo già trên thương trường, không nóng không lạnh, không đưa đẩy, nói chuyện rất đúng mực.

Ba tôi được phẫu thuật thay tim ở Côn Minh. Bệnh tình ông quá nặng, không thể đi máy bay tới thành phố khác để phẫu thuật.

Hôm đó ba mươi chuyên gia đứng quanh ông làm phẫu thuật hơn bốn tiếng đồng hồ. Phẩu thuật khá thành công. Nhưng mà, ngay sau đó ba tôi lại có phản ứng thải ghép nghiêm trọng. Hầu như ngày nào tôi và Tiểu Đông cũng được thông báo tình trạng nguy kịch. Chúng tôi vừa sợ hãi, vừa ôm hi vọng trong suốt thời gian đó, dốc hết sức để chăm sóc ba tôi. Ông chịu dày vò thêm 25 ngày, cuối cùng cũng bỏ chúng tôi mà đi. Thật ra, rủi ro lúc phẫu thuật rất cao, chúng tôi biết rõ việc đó. Nhưng sau khi lo đám tang xong, chúng tôi vẫn chưa thể tin ba tôi lại ra đi nhanh như vậy.

Mùa hè năm đó, cây cối mướt xanh, nắng hè đổ lửa. Rồi bỗng nhiên... chỉ còn lại mình tôi và Tiểu Đông giữa cõi đời này.

"Chị, bây giờ mình thành trẻ mồ côi rồi, phải không?" Tiểu Đông hỏi tôi.

"Còn chị và em mà! May mà năm đó mẹ vỡ kế hoạch sinh em ra."

Em tôi là sinh ra do vỡ kế hoạch, ba tôi không muốn mẹ tôi phá thai. Vì vậy mà ba tôi mất đi cơ hội thăng tiến ở trường, còn phải tốn rất nhiều tiền để xin cho em tôi vào hộ khẩu. Chúng tôi tìm được mấy sổ tiết kiệm trong ngăn kéo của ba tôi, tổng cộng được 20 ngàn tệ. Số tiền này có lẽ là toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình tôi. Chúng tôi dùng số tiền này để chọn một miếng đất đẹp cho ba tôi.

Kỳ nghỉ hè khá dài, Tiểu Đông chỉ lại nhà nửa tháng rồi về trường. Tôi cảm thấy sức cùng lực kiệt, nên vẫn ở lại Ca Cựu, để lên dây cót tinh thần đối phó với cuộc sống mới. Tháng 7 năm đó, bạn bè trung học hẹn tôi tới trường liên hoan, rồi đi thăm thầy cô. Tôi không vui vẻ gì mấy, nên cố gắng từ chối, bạn bè cứ khuyên tôi: "Người khác không đi cũng không sao, nhưng cậu được điểm cao nhất khối mà không đi, thầy Hùng sẽ buồn lắm."

Đành vậy, chạng vạng tối, tôi đạp xe đến cổng trường trung học Nam Trì. Dì Trương bảo vệ biết tôi, biết em trai tôi, càng biết ba tôi. Ba tôi vốn là giáo viên ở trường trung học Nam Trì, do sinh vượt kế hoạch nên bị giáng chức, bị chuyển sang trường trung học cấp thấp hơn ở thị trấn nhỏ. Dì Trương giơ tay ngoắc tôi ra "Tiểu Thu, nghỉ hè về đây chơi hả?"

"Dạ, họp lớp."

"Nghe nói thầy Tạ..." Dì sờ mặt tôi "Haiz, người đang sống sờ sờ ra đó, sao nói đi là đi."

Dì Trương không nhắc thì thôi, vừa nhắc tới ba, nước mắt tôi liền trào ra. Tôi cúi đầu, nước mắt rơi xuống mặt đất.

"Haiz, tại dì không tốt, khi không nhắc lại chuyện buồn làm chi không biết." Dì kéo tay tôi, nhét vào tay tôi một trái táo.

Tôi đứng trước cổng trường, vừa ăn táo, vừa chờ bạn học.

Một lát sau, bỗng nhiên dì Trương nói: "Đúng rồi, mấy năm trước, có một người tới trường tìm con, dì có cho cậu ta địa chỉ nhà con, cậu ta có tìm được con không?"

Tay tôi run run, hỏi: "Ai tìm con? Dì còn nhớ người đó như thế nào không?"

"Sao không nhớ được. Cậu thanh niên đó rất đẹp trai, vừa tới trường là mấy cô giáo trẻ mê ngay. Tuy nhiên, chân cậu ta có tật sao đó, đi hơi cà nhắc."

Tôi cố gắng bình tĩnh, hỏi tiếp: "Dì còn nhớ lúc đó là khi nào không?"

"Ừm, khoảng ba năm trước, trước Tết, lúc đó trường nghỉ đông rồi. Cậu ta hỏi có chỗ nào bán đồ lưu niệm của trường Nam Trì không. Dì nói, cậu tưởng đây là Cố Cung ở Bắc Kinh hả, đồ lưu niệm cái gì. Chỉ có một tiệm văn phòng phẩm ở cổng thôi, bán mấy thứ tập, viết linh tinh. Sau đó, cậu ta còn hỏi dì, đường trước cổng trường có phải tên Tây Môn không?

Đúng là không nên kể chuyện buồn với người đang buồn, nước mắt tôi tuôn ra như suối.

Thì ra, Lịch Xuyên đã từng đến đây, quê tôi.

"Cậu ta hỏi dì có biết con không? Dì nói, sao không biết được. Cả nhà con, có ai dì không biết. Tiểu Thu từ lúc học tiểu học đã quậy, thường xuyên bị cô giáo phạt đứng. Không ngờ học càng ngày càng giỏi, trở thành trạng nguyên ở đây." Dì Trương cứ tưởng tôi vẫn buồn chuyện ba tôi, nên lái sang chuyện vui vẻ.

Tôi lau nước mắt, cười với dì: "Anh ấy là bạn con, từ Bắc Kinh tới chơi."

"Chắc nghe mấy chuyện dì kể làm cậu ấy vui. Lúc đó, cháu nội dì đang bò trên sàn, cậu ấy cho nó 300 tệ, nói là để mua kẹo cho nó ăn." Bởi vậy, dì vẫn còn nhớ rõ Lịch Xuyên.

Đoạn đối thoại bất ngờ này làm sống dậy bao tâm tư trong lòng tôi. Tối đó, suốt buổi liên hoan, tôi không nói câu nào. Chỉ biết uống rượu, uống say mèm. Lúc tỉnh lại, tôi phát hiện mình đang ngủ trên một bãi nôn mửa. Lịch Xuyên bỏ tôi, đã ba năm rồi. Sao tôi vẫn nhớ anh. Sao tôi còn gửi thư cho anh, kẻ sáng mắt đều biết là do tôi cố chấp. Tôi đúng là vừa khờ vừa ngu, hết thuốc chữa rồi.

Muốn yêu một người, không có cơ hội; muốn hận một người, không có lí do.

Muốn chạy trốn, không có chỗ trốn; muốn sa đoạ, không có can đảm.

Không ngờ tôi vẫn là sinh viên giỏi.

Sau khi ba tôi qua đời, thể xác và tinh thần tôi đều suy sụp, suốt ba tháng trời tôi không viết thư cho Lịch Xuyên. Về lại trường, kiềm chế không được, tôi lại ra tiệm net. Trong hộp thư vẫn báo con số 0. Do đó tôi lại viết một email ngắn: "Hi Lịch Xuyên. Ba em mất rồi. Em mượn anh 250 ngàn để làm phẫu thuật cho ba. Khi nào đi làm, em trả lại anh liền. Có lẽ từ lâu anh không sử dụng hộp mail này nữa. Nhưng em vẫn muốn nói, cảm ơn anh đã giúp đỡ em vào những lúc khó khăn thế này. Em rất cảm kích. Tiểu Thu."

Vào một ngày cuối tuần sau khi gửi lá thư đó, tôi nhận được một cuộc điện thoại của giáo viên hướng dẫn - Giáo sư Phùng. Ông nói có một lá thứ gởi cho tôi, ngoài bìa thư ghi địa chỉ là "Văn phòng khoa Ngữ Văn Anh Đại học Sư Phạm S", do đó, thư được chuyển về văn phòng khoa. Thầy biết tôi, nên nhận thay. Thầy hỏi tôi khi nào có thể tới văn phòng của thầy lấy thư.

Tôi hơi sợ gặp thầy Phùng, nguyên nhân là do ông đặc biệt thích tôi. Nhiều lần ám chỉ tôi nên học lên tiến sĩ, ông sẽ hướng dẫn tiếp. Nhưng tôi đã chán học, nên tính thầm nhanh nhanh lấy xong bằng thạc sĩ, tốt nghiệp rồi tìm việc làm.

Lịch Xuyên có thể nói tiếng Trung rất lưu loát, cũng biết rất nhiều chữ Hán. Nhưng anh nói, thật ra anh không biết viết chữ Hán lắm, vì ông nội anh dạy viết chữ phồn thể, anh ghét chữ phồn thể quá nhiều nét, quá phức tạp, không chịu học. Cho nên, tôi chưa bao giờ thấy anh viết chữ Hán. Quả nhiên, ngoài bì thư được viết chữ phồn thể, chữ viết không đẹp lắm, may mà đủ nét, lớn nhỏ vừa phải, cho nên cũng không quá khó đọc.

Tuy ngoài phong bì không ghi địa chỉ gửi, nhưng tem là tem Thuỵ Sĩ. Tôi ôm hy vọng tràn đầy mở thư, thấy bên trong có một tấm thiệp khá đẹp, thoảng mùi hoa oải hương, nền thiệp màu tím nhạt, ở giữa có một bó hoa huệ tây trắng muốt. Không có chữ nào, không có ký tên. Không có gì hết.

Như vậy, tất cả email của tôi, anh đều nhận được.

Tôi cầm tấm thiệp, lòng chùng xuống. Cô thư ký văn phòng khoa cười hỏi: "Tiểu Thu, em có sưu tập tem không? Em có lấy con tem này không?"

Tôi còn đắm chìm trong suy tư: "Hả, gì ạ? Tem?"

"Đúng vậy. Con cô sưu tập tem. Con nít chưa hiểu chuyện, chỉ thích đồ ngoại thôi."

"Nè, cho cô, em không sưu tập tem." Tôi đưa phong bì cho cô.

"Haiz, trong đây còn có thiệp nè, thơm quá, em không lấy hả?"

"Dạ không." Tôi cười cười "Nếu cô thích, cứ tặng cho bé luôn đi."

Hôm đó, tôi đến một tiệm bán nữ trang. Bấm năm lỗ tai trên tai mình, cộng thêm hai lỗ đã có sẵn, tổng cộng bảy lỗ. Bên trái ba lỗ, bên phải bốn lỗ. Thằng nhóc bấm tai cho tôi nói: "Haiz, tự nhiên từ hoa khôi lại trở thành gái nhảy." Sau đó tôi đến một tiệm khác, bấm thêm một khuyên tai ở rốn.

Tôi bỏ hết toàn bộ quần áo cũ, mua một đống tất lưới dài. Sáng nào ngủ dậy tôi cũng trang điểm cả tiếng đồng hồ, chỉ sử dụng màu mắt tím và đen, vẽ mắt sâu không thấy đáy. Ngày nào tôi cũng mặc áo khoác da hoặc áo gile, lộ ra khuyên tai nhỏ ở rốn, cảm thấy bản thân rất gợi cảm. Tôi thích váy may bằng vải thật dày, càng hở hang càng tốt. Tôi bắt đầu hút thuốc, ngày càng nghiện nặng hơn, cuối tuần tôi đi quán bar uống rượu, thường hay uống đến khi say mèm. Những người đàn ông dìu tôi hay nhân cơ hội sờ soạng người tôi, tôi cười cười, cợt nhả với họ, chẳng là gì cả.

Kể từ khi nhận được "thiệp an ủi" của Lịch Xuyên, tôi không viết thêm một lá thư nào cho anh nữa.

Hai năm sau, nhờ thành tích xuất sắc, tôi tốt nghiệp thạc sĩ trước thời hạn một năm. Giáo viên hướng dẫn nhìn tôi, vẻ mặt tiếc hận.

Tôi gởi hồ sơ xin việc cho năm công ty dịch thuật. Cả năm công ty đều mời tôi đến phỏng vấn.

Đương nhiên, tôi chọn công ty lớn nhất, phúc lợi tốt nhất, nổi tiếng nhất thành phố Bắc Kinh: Công ty dịch thuật Cửu Thông.
Chương trước Chương tiếp
Loading...