Gia Đình Dưới Chân Cầu
Chương 03 -04
Chương ba Armand, lão lang thang Paris, dẫn lũ nhóc tóc đỏ leo mấy bậc cấp lên thành phố nhộn nhịp bên trên. Bộ óc già nua bên dưới chiếc mũ bê rê cũ kĩ đang bận rộn với những kế hoạch lớn lao cho bọn trẻ và cho chính lão. Xem ra bọn sáo đá cũng không đến nỗi quá tệ. Chúng cũng có ích đấy chứ. Lão bước phía trước, dẫn đường băng qua cầu rồi vòng qua nhà thờ Ðức Bà. Suzy dắt tay con bé Evelyne theo sau. Thằng Paul thì chốc chốc lại tụt tạt ngó nghiêng cái gì đó, có lúc lại chạy lên trước nói chuyện với lão lang thang. Con chó hẳn vốn có màu trắng lóc cóc chạy bên đôi giày mòn vẹt của Suzy. Cả đám láo nháo đi qua cây cầu nối hòn đảo với bờ phải. Bọn nhóc quay ngang quay ngửa nhìn ngó những ngọn tháp rồi tháp canh lạ mắt bên trên nóc Hôtel de Ville. “Ðó là tòa thị chính, nơi người ta điều hành Paris đấy,” lão Armand giải thích. “Hừm! Ta đây ngồi dưới gầm cầu điều hành còn giỏi hơn.” Mấy con bồ câu xanh chấp chới đầy hy vọng quanh mấy ông cháu. “Ðồ ăn xin!” lão lang thang khịt mũi. “Cứ quấy rầy người ta xin bố thí.” Jojo cũng cho là thế. Con chim nào láng cháng đến gần lũ trẻ quá là nó đuổi liền. "Giá mà có ít bắp cho chúng." “Thấy ta nói gì chưa?” lão Armand hỏi. “Ngay cả những kẻ không có gì bỏ miệng cũng vẫn còn sẵn sàng cho bồ câu ăn cơ đấy. Ước gì ta cũng là chim.” Cả nhóm kéo nhau qua con đường rải đá ảm đạm cho đến tận Rue de Rivoli nhộn nhịp. Nơi này đầy những người đi mua sắm lễ. Giáng sinh quả thực đã đến rất gần con phố làm ăn. Những người bán hàng rong đứng sau các quầy trên vỉa hè oang oang rao hàng và nài nỉ khách qua đường ghé xem. Người ta đang mua nào khuyên tai, nào nịt tất, nào chất làm mềm nước, nào khăn quàng lụa ở những quầy hàng rong. Người ta mua bán điên cuồng và ồn ã, như thể chẳng còn bao giờ tìm được thứ gì như vậy ở Rue de Rivoli nữa không bằng. Và cứ nhìn cái kiểu mua bán điên rồ như thế, chắc đến mai sẽ chẳng còn gì mà bán nữa thật. Lão Armand liên tục phải quay lại dỗ bọn trẻ đi tiếp. Thứ gì chúng cũng muốn đứng lại xem. Chúng dừng lại ngắm chú lính bằng máy mà một ông kia cho chạy thử trên vỉa hè. Chú lính bước đều và giơ tay chào rõ oai, phải mất bao nhiêu công mới lôi được thằng Paul ra khỏi chỗ đó. “Cái thứ đồ chơi rẻ tiền ấy mà,” lão Amand dè bỉu. “Ðem về nhà là khỏi chạy luôn, không thì chạy một vòng thôi là đứt cót ngay. Ta có ông bạn chuyên bán mấy thứ này mà lại.” Vừa dỗ được chúng rời khỏi món đồ chơi thì lại đến tiệm bánh. Có một cái bánh khúc cây Giáng sinh bày trong quầy kính - cái khúc cây trông đến là ngon. Nó có màu nâu sô-cô-la với mấy đọt nấm xinh xinh nhú lên từ khúc thân ngọt lịm. Những đóa hồng bông đường cũng mọc ra từ đó. Lại còn cả một nhánh thường xuân trông y như thật cuốn quanh khúc thân với những chiếc lá xanh non vươn dài nữa chứ. “Ôi, trông đẹp chưa kìa!” Suzy thốt lên và liếm môi. “Mình em có thể ăn hết cả cái luôn,” Paul kêu lên. “Em đói,” Evelyne rên rỉ. Lão Armand lại phải lôi từng đứa ra. “Ăn như ăn thuốc chứ ngon lành gì,” lão nói. “Tất cả, ngoài cái dây leo kia. Cái thứ đấy ăn thì đúng thật như cây thường xuân, vừa dai vừa đắng. Ta đã ăn bánh khúc cây Giáng sinh một lần rồi ta biết.” Xem ra bọn trẻ chẳng có vẻ gì tin lời lão cả. “Ðó là cách người ta lừa trẻ con uống thuốc đấy,” lão cả quyết. Cả đám kéo nhau sang đường khi người cảnh sát dừng xe cộ lại. Mấy ông cháu đến chỗ một cái lò bằng sắt to tướng có một ông đang bán hạt dẻ nóng, rang đến đâu bán hết veo đến đấy. Không khí ấm sực quanh lò, và mùi hạt dẻ rang thì cứ trêu ngươi. Bọn trẻ dừng lại, nhìn cái lò hau háu. “Ði nào, đi nào,” lão Armand sốt ruột giục. “Toàn hạt dẻ sâu thôi. Chúng bay nghĩ Cha Giáng sinh cứ ngồi đấy chờ mình đến tận nửa đêm chắc? Mà còn phải đi một đoạn đường dài nữa mới đến được Louvre.” Nhưng trên đường có quá nhiều thứ để nhìn ngắm nên xem ra cũng khá gần. Chẳng mấy chốc, cả nhóm đã đi vào dưới các mái che của cửa hàng. Mà ở phía ngoài này cũng bày bán nhiều thứ chẳng kém trong các cửa hàng - ngần ấy xe đẩy và người bán rong kia mà. Lão Armand lùa bầu đoàn bé nhỏ của mình qua một trong những cánh cửa kính to đùng vốn là niềm kiêu hãnh của cửa hàng. Khi vào tới bên trong, lũ trẻ và con chó cứ ngỡ mình lạc vào xứ thần tiên. Trong cửa hàng vĩ đại này vừa ấm áp vừa đẹp đẽ, với ánh đèn sáng trưng và những màu sắc chuyển động. Lại còn có cả mùi thơm của các loại nước hoa quyện vào nhau, như thể hoa trên khắp thế gian cùng nở rộ phía sau những quầy hàng phủ vải mềm và bày đầy nữ trang lóng lánh kia vậy. “Ta phải lên chỗ gác lửng trên kia,” lão Armand nói. "Có lẽ nên đi thang máy của họ, giữ chân giữ cẳng để còn đi bộ về." Thế là cả bọn bèn đến chiếc thang máy gần nhất. Nhưng không thể nhồi hết tất cả những người đang chờ vào một lúc được. “Phải đi thang bộ thôi,” lão Armand quyết định. “Bọn bay có nghĩ các bà kia nên ở nhà nấu nướng giặt giũ thì hơn không?” “Mẹ cháu sẽ làm thế ngay nếu có thể,” Suzy nhanh nhảu nói. Mấy ông cháu lên cầu thang. Mắt đám trẻ càng lúc càng thêm mơ màng. Chúng trông thấy những cái bàn đồ chơi chất cao chóc ngóc. Chúng đang lạc vào lãnh địa của Cha Giáng sinh. Chúng cung kính nhón chân theo sau lão lang thang vào gian phòng nơi trẻ con có thể chụp hình với ông thánh - miễn là bố mẹ chúng chịu trả tiền. Lão Armand nhòm vào. Bọn nhóc nín thở. “Ông ấy không có đây,” lão lang thang thất vọng nói. Nhưng đúng lúc đó thì chính Cha Giáng sinh vòng qua dãy quầy bước lại. Ông mặc chiếc áo choàng đỏ dài tới tận mắt cá chân, còn bộ râu bạc xoăn xoăn phủ hết cả ngực. Ria mép của ông gợn sóng và được chải sáp. Nhưng cặp mắt đen của ông thì cáu kỉnh và nắm tay đang hua lên về phía hai thằng bé chạy đằng trước. Nhưng đúng lúc đó thì chính Cha Giáng sinh vòng qua dãy quầy bước lại. Ông mặc chiếc áo choàng đỏ dài tới tận mắt cá chân, còn bộ râu bạc xoăn xoăn phủ hết cả ngực. Ria mép của ông gợn sóng và được chải sáp. Nhưng cặp mắt đen của ông thì cáu kỉnh và nắm tay đang hua lên về phía hai thằng bé chạy đằng trước. “Ta mà bắt được chúng bay nghịch cái xe lửa chạy điện lần nữa là ta tống cổ cả hai ra khỏi cửa hàng đấy nghe chưa,” ông đe. Bọn trẻ nhà Calcet sợ mất vía. Cả ba đứa nép vào sau lưng lão Armand. Rồi khi Cha Giáng sinh tiến đến thì con bé Evelyne hoảng sợ khóc òa lên, còn con Jojo thì gừ gừ. Vừa trông thấy lão Armand, những nếp nhăn giận dữ trên trán Cha Giáng sinh liền biến mất và vô tình cuộn quanh môi ông. Mắt ông dịu lại ngạc nhiên và thích thú. “Hô, hô, hô!" Ông bật cười theo kiểu Cha Giáng sinh vẫn cười. “Xem ông cháu quý hóa nhà ai hôm nay tới thăm ta này.” Ðoạn ông lại cười hô hô hô mãi, đến nỗi bọn trẻ đã sợ là ông bị bùa ho. Lão Armand kéo bọn trẻ nhà Calcet ra trước mặt mình, lần lượt từng đứa một. Evelyne đã thôi khóc và Jojo cũng thôi gầm gừ. “Ông không tin nổi tôi tìm thấy chúng ở đâu đâu,” lão Armand nói, “có điều chúng cứ muốn tới gặp ông.” Mắt bọn nhóc lại sáng rỡ. Chúng mừng quá không thốt nổi nên lời. “Năm nay các cháu có ngoan không nào?” Cha Giáng sinh hỏi. “Chúng cháu đã cố lắm đấy ạ,” Suzy nói tránh. “Ðôi khi chúng cháu cũng hơi lẫn lộn việc gì là ngoan và việc gì không ngoan ạ,” Paul thú thực. “Cháu đã kéo đuôi Jojo, nhưng từ nay cháu không làm thế nữa ạ,” Evelyne cũng nhận lỗi. Cha Giáng sinh có vẻ hài lòng. “Ta thích những đứa trẻ thật thà,” ông nói. “Bọn khác thì đứa nào cũng khoe mình cả năm ngoan như thiên thần. Nào, các cháu muốn ta mang quà gì đến nhân dịp Giáng sinh đây?” “Chúng cháu muốn một cái nhà ạ,” Suzy nói. “Xin ông mang đến cho chúng cháu một cái nhà, được không, Cha Giáng sinh?” “Hô, hô, hô!” Cha Giáng sinh cười đáp lại. “Cái này thì bố mẹ các cháu mới đồng ý được. Nhưng các cháu muốn nhà loại nào? Một cái nhà đồ chơi?” Ông liếc nhìn Jojo. “Hay một cái nhà cho chó?” “Một cái nhà thật cơ ạ,” Paul nói. “Nhà mà chúng cháu ở được ấy.” “Có cả tường, cả mái ấy ạ,” Suzy nói. “Cả cửa sổ nữa ạ,” Evelyne đế thêm. “Cháu thích nhìn ra cửa sổ đợi chị Suzy với anh Paul đi học về.” Cha Giáng sinh thôi không cười hô hô hô vui nhộn nữa mà nhìn chúng chằm chằm. “Ðã có ai nghe nói trẻ con muốn quà Giáng sinh là một cái nhà thật bao giờ chưa nhỉ?” ông hỏi lại. “Vậy một cái trống cho cậu nhỏ và búp bê cho các cô bé, được không nào?” “Không ạ,” Suzy khăng khăng, “phải một cái nhà thật cơ.” Cha Giáng sinh đảo cặp mắt đen và vân vê ria mép. “Phải là búp bê hay đồ chơi cơ, các cháu của ta,” ông nói. “Con lừa nhỏ của ta không thể thồ trên lưng cả một ngôi nhà được. Các cháu biết mà.” Bọn trẻ xịu mặt. Nhưng rồi Suzy cũng nhớ lại phép tắc. “Dù sao chúng cháu cũng cảm ơn ông, thưa Cha Giáng sinh,” nó nói, giọng run run. “Cháu nghĩ rằng chúng cháu chẳng cần gì khác ngoài ngôi nhà đâu ạ.” “Cháu thì có,” Paul nói. “Cháu muốn có gì đó để ăn.” “Còn cháu muốn một con búp bê,” Evelyne thêm vào. Cha Giáng sinh mở miệng định nói gì đó nhưng một cô bán hàng xinh đẹp đã chen vào. “Ông nên vào ngay phòng chụp đi, kẻo ngài Latour đuổi việc ông bây giờ,” cô ấy nói. “Có bốn đứa trẻ đang chờ được chụp hình đấy.” Cha Giáng sinh vỗ đầu từ biệt từng đứa nhỏ tóc đỏ, rồi nói với lão Armand, "Ngài Latour này đang tìm một người gác đêm cho một tòa nhà của bạn ông ta đấy. Ông muốn làm không?" “Ô là la!” lão Armand kêu lên. “Tôi có đến gặp Cha Giáng sinh để xin việc đâu. Chào nhé, Camille.” Lão lại dẫn bọn trẻ xuống cầu thang, nhưng giờ chúng lặng lẽ đến lạ. Thậm chí tai Jojo còn rũ xuống và đuôi cũng cụp cả vào. Khi mấy ông cháu đi qua giữa các dãy quầy thì tầng chính đã bớt đông. Một người trực tầng lịch lãm trông thấy đám bụi đời liền chạy đến. Ông ta tạo ra một tiếng động khe khẽ khi rút chiếc khăn trắng muốt từ túi áo ra. “Có phải các người vào nhầm cửa hàng không vậy?” ông ta kiêu kì hỏi. “Tôi dám chắc là chúng tôi đã vào nhầm cửa hàng,” lão Armand trả lời cũng kiêu kì không kém. “Chúng tôi mang con chó vào đây để nó đi thang máy, thế mà thang máy nào cũng chật cứng.” Lão huýt con Jojo. “Lại đây nào, cậu bé, chúng ta sẽ đưa cậu sang bên Printemps.” “Tôi dám chắc là chúng tôi đã vào nhầm cửa hàng,” lão Armand trả lời cũng kiêu kì không kém. “Chúng tôi mang con chó vào đây để nó đi thang máy, thế mà thang máy nào cũng chật cứng.” Lão huýt con Jojo. “Lại đây nào, cậu bé, chúng ta sẽ đưa cậu sang bên Printemps.” Jojo gầm gừ với người trực tầng ngạo mạn. Cái nhóm nhỏ hướng ra phía cánh cửa kính to đùng mà cửa hàng này rất lấy làm hãnh diện. Tất cả đều run lên khi bước ra ngoài trời lạnh cắt da. Chương bốn “Có một gian hàng Giáng sinh đẹp lắm dưới này này, mấy đứa phải xem mới được,” lão Armand bảo bọn trẻ. Lão muốn chúng vui lên một chút vì trông đứa nào cũng ủ ê và câm lặng. Lão đưa chúng đến cửa chính trông ra quảng trường Palais Royal. Một đám đông đã đứng chắn hết cửa sổ nhưng lão Armand cùng lũ nhóc đồng hành vẫn len lỏi ra được phía trước. Bọn trẻ mắt tròn mắt dẹt. Một cảnh tượng hoành tráng thế này chúng chưa từng thấy bao giờ. Một băng rôn gần mặt tiền cửa sổ cho biết đây là cảnh “Ðám cưới của Tartine”. Ðúng là một đám cưới như trong sách. Hai người máy, một đàn ông, một đàn bà, mặc đồ trắng lộng lẫy kiểu ngày xưa đứng trên một rạp cao. Hai người chững chạc cúi chào nhau trong tiếng nhạc du dương lãng mạn. Nhưng kì diệu hơn nữa là đám rước của những hình người nhỏ xíu phía dưới đôi tình nhân. Ðó là những đầu bếp đội mũ trắng bưng các món ngon lành kỳ diệu cho bữa tiệc cưới. Một người bưng một con công sặc sỡ, cổ thụt lên thụt xuống theo tiếng nhạc. Người khác giơ cao một con cua bự, cặp càng cua quặp vào mở ra giữ nhịp. Lại một người nữa bê một cái bánh ngọt trông còn ngon hơn cả cái bánh khúc cây Giáng sinh ở tiệm bánh hồi nãy nữa. Mỗi ông đầu bếp bé nhỏ đều hãnh diện với món ăn của mình đến nỗi cứ nhảy nhót vòng quanh trong đám rước. “Cháu cá là đám cưới xong họ sẽ về sống trong một tòa lâu đài tuyệt đẹp,” Suzy thở dài, mắt dán vào đôi cô dâu chú rể. “Cháu đói quá,” Paul nói. “Cháu cũng thế,” Evelyne phụ họa. Con chó chắc vốn có màu trắng nhểu nước dãi lên giày một ông nọ. Vẻ tinh quái hiện lên trong mắt lão Armand. “Ta cá là mấy đứa thuộc lời bài hát đang chơi trong đám cưới đó,” lão dụ. “Ðó là bài Nàng Tartine. Nếu mấy đứa hát bài này thì ta sẽ kiếm thứ gì đó cho mà ăn.” Thằng Paul đưa tay che miệng. Con Evelyne cũng đút ngón tay vào mồm. Suzy ngần ngại lắc đầu. “Ở đây đông người quá,” nó nói. “Thì hát cho họ nghe chứ sao,” lão Armand nói. “Ðừng để người ta cười cho là ngốc nghếch, đến một bài hát cũng chả biết. Nào, mở cái miệng nhỏ xinh ra mà hát như chim hoàng yến xem nào.” Thế là Paul bỏ tay ra khỏi miệng và cất tiếng hát, giọng tuy mảnh nhưng chắc. Rồi Suzy cũng hòa theo bằng một giọng cao ngọt ngào. Evelyne rút ngón tay trong mồm ra và hát theo anh chị nó. Chúng hát như ba con chim non đậu trên cành vào tiết xuân. Khi đám trẻ đã hát được hai đoạn thì lão Armand vỗ tay rõ mạnh. Rồi lão lột cái mũ bê rê trên đầu xuống và lần lượt chìa ra trước mặt hết người này đến người khác trong đám đông. “Làm ơn làm phúc,” lão lên giọng. “Làm ơn làm phúc giúp lão già nghèo cùng ba đứa cháu mồ côi miếng ăn manh áo. Và cả con chó bị bỏ rơi này nữa.” Mọi người cho rất hào phóng vì họ đang cảm thấy hơi hướng của Giáng sinh. Những đồng xu rơi tới tấp vào mũ bê rê của lão lang thang. Màn đồng ca xem ra rất thành công nên lão Armand chờ lượt thứ nhất đi khỏi và lượt sau kéo đến xem trước quầy kính. Thấy đông đông lão lại bảo bọn trẻ hát. Rồi lão lại cầm mũ bê rê đi gom tiền. Việc này sẽ vẫn tiếp diễn thêm một lúc nữa nếu như người đàn ông trực tầng kiêu kì không ra phía ngoài cửa hàng xem làm sao người ta bu lại cửa sổ đông đến thế. Ông ta quắc mắt nhìn nhóm tứ tấu. “Ði chỗ khác,” ông ta ra lệnh với một cái phẩy tay, mặt vênh lên trời. “Không được ăn xin trước Louvre.” Lão Armand chẳng thèm đôi co. Cái mũ bê rê của lão đã đầy những xu, lão vơ lấy tuồn hết vào túi. “Nào, bầy chim hoàng yến,” lão nói. “Mấy đứa giỏi lắm. Ta sẽ thưởng bánh kếp cho.” Lão dắt chúng vòng góc đường đến chỗ một ông người Breton đứng sau một cái quầy làm bánh kếp trên hai tấm sắt tròn đen thui. “Tôi lấy tạm một tá bánh trước đã,” lão nói, nhưng trước đó lão phải chìa tiền ra cho ông người Breton thấy thì ông kia mới chịu đổ bột vào khuôn. Ông kia chậm rãi làm từng cái bánh, chậm đến nỗi bọn nhóc tưởng sẽ chết đói trước khi ông ấy làm xong được một tá. Hương vị còn thơm hơn cả mùi hương trong Louvre nữa. Bánh kếp cái nào cái nấy to bằng cái bánh xe trượt mà lại mỏng như tờ giấy. Ông người Breton phết bơ và mứt lên từng cái, sau đó gập đôi lại. Mỗi người được ba cái bánh. Nhưng con Jojo cứ rên ư ử rõ tội nghiệp nên ai nấy mới nhớ ra chắc nó cũng đói rồi. Thế là lão Armand bảo làm thêm một tá nữa. Bầu đoàn kéo nhau về, vừa đi vừa sung sướng nhấm nháp bánh kếp, chỉ riêng Jojo là vẫn rên ư ử vì mỗi cái bánh của mình nó chỉ làm một miếng là xong. Lúc đến chỗ góc đường có một đám đông khách mua hàng đang chờ xe buýt, lão Armand lại xui bọn trẻ hát vài bài Giáng sinh gì đó giúp vui cho những con người đã mệt mỏi rã rời ấy. Lần này thì bọn trẻ nhà Calcet đã bạo dạn hơn một chút. Chúng ra sức hát thật to. Cũng như lần trước, lão lang thang lại cầm mũ đi vòng quanh. “Làm ơn làm phúc,” lão năn nỉ, “giúp lão già nghèo nuôi đàn cháu đói ăn.” Nhưng lúc xu đang rơi vào mũ thì một bàn tay hung bạo vỗ ngay vào lưng lão Armand. Lão sợ hết hồn, cứ tưởng là cảnh sát. Thế nhưng đó chỉ là một người đàn ông khác cũng rách rưới chẳng kém gì lão. Một cái hộp to đeo trên cổ ông ta, trong hộp là một chú khỉ nhỏ mặc bộ đồ màu xanh-đỏ đang nhăn nhó qua lớp kính. “Ông xâm phạm lãnh địa của tôi là có ý gì?” ông có con khỉ hỏi. “Ông đang cướp cơm của tôi “Ông xâm phạm lãnh địa của tôi là có ý gì?” ông có con khỉ hỏi. “Ông đang cướp cơm của tôi Lão Armand cố làm hòa. “Này, đừng gây sự mà, Titi,” lão nói. “Thiếu gì đám cho cả hai đứa ta. Những ai thích nghe ca hát thì đâu có để ý xem một con khỉ diễn trò chứ.” Titi không dịu đi tí nào. “Một đằng là trẻ con, một đằng là khỉ, khác gì đâu?” ông ta hỏi. “Mà đây là góc đường của tôi.” Bọn trẻ thì không tham gia vào màn đấu đá, mặc dù Jojo có sủa con khỉ, còn con khỉ thì làm bộ mặt nhăn nhó khó thương nhất với con chó. Sau đó con khỉ tặng cho bọn trẻ một nụ cười buồn và chìa cái mũ màu xanh lá về phía chúng. “Ồ, nó cũng xin tiền kìa,” Suzy nói, “lại còn cả cái bát trên nóc cái hộp để đựng xu nữa chứ. Ông Armand ơi, mình cho con khỉ ít tiền, ông nhé.” “Ðừng hòng,” lão Armand quát. “Ði mà, đi mà, ông,” Evelyne van vỉ. “Con khỉ con cũng muốn mua ít bánh kếp đấy, ông ạ.” Ðến lúc ấy những người đi mua hàng đã lên xe buýt gần hết. Lão Armand tính xua bọn nhóc của mình chuồn đi, nhưng bọn nhóc lại không cho, mãi đến khi lão quăng vào cái bát một đồng xu cho con khỉ thì chúng mới thôi. “Cái tay Titi này rõ là đồ đểu,” lão lang thang phân trần khi cả bọn đã đi xuôi xuống con phố. “Hắn lợi dụng con khỉ để kiếm tiền cho mình.” Ðoạn lão xóc xóc những đồng xu trong túi mình. Ðến chỗ bán hạt dẻ, lão lại đãi bọn trẻ một chầu nữa. Chúng sốt ruột chờ vì vỏ hạt dẻ làm tay chúng nóng rã “Này, bây giờ thì nhớ nhé,” lão Armand dặn bọn nhóc, “không được hở ra lời nào cho mẹ đấy, không thì hàng ngày ta không đưa đi chơi nữa đâu.” Nhưng đến khi bà Calcet mệt nhọc leo xuống bậc cấp tối hôm đó thì bọn trẻ chạy ùa ra đón. “Con để phần mẹ một cái bánh kếp đây này,” Suzy reo toáng lên, tay thọc vào túi chiếc áo khoác bạc màu của mình. “Nó nguội mất rồi, nhưng vẫn ngon lắm mẹ ạ.” Paul cũng thọc tay vào túi áo khoác của nó. “Con thì mang về cho mẹ mấy hạt dẻ đây này, mẹ,” nó nói. “Hạt dẻ cũng nguội mất rồi, nhưng ăn càng ngon.” Evelyne phụng phịu. “Con không phần mẹ gì cả, mẹ ơi,” nó mếu máo. “Con quên.” Mẹ con bé ôm nó vào lòng. “Không sao đâu,” chị nói, “mẹ cũng có thứ mang về cho các con đây.” Thế rồi chị ngờ ngợ. “Các con lấy đâu ra bánh kếp với hạt dẻ thế?” Suzy và Paul cụp mắt xuống. “Bọn con hát mấy bài rồi người ta ném tiền vào mũ ông Armand,” Evelyne kể. Chị Calcet liệng luôn những món quà của lũ con xuống đất và giận dữ bước về phía lão lang thang đang nằm duỗi dài trên tấm bạt của mình. “Ông biến đám con tôi thành ăn mày,” chị mắng. “Ông đã lợi dụng chúng để xin ăn ngoài đường.” “Thôi mà, thôi mà, cô,” lão Armand cố đấu dịu. “Các nghệ sĩ lớn hát trong nhà hát Opera được trả tiền cũng là ăn xin hay sao? Tôi sẽ chia phần cho cô mà.” Nhưng chị Calcet cứ mải miết giật hết mấy tấm bạt xuống và thu dọn chăn mền lại. “Tôi không cần một xu nào cái thứ tiền bẩn thỉu của ông cả,” chị vặc. “Ta sẽ đi khỏi đây,” chị quát bọn con. “Mẹ cấm các con không được chơi bời gì với ông ta nữa.” Bọn nhóc than khóc như ri. Ngay cả Jojo cũng rầu rĩ rên ư ử, xem chừng cu cậu cũng đoán ra rằng sẽ chẳng còn bánh kếp ở đường Rue de Rivoli mà ăn nữa. Lão Armand cao ngạo giơ đôi giày móp méo của mình lên. “Không cần đâu, thưa cô,” lão kiêu kì nói, y như lúc nói với gã trực tầng. “Tôi sẽ đi để khỏi phiền đến các người. Tôi khắc biết lúc nào mình không được chào đón.” Lão chẳng mất bao nhiêu thời gian để xếp đồ lên chiếc xe nôi. “Ông đừng đi, ông ơi,” Suzy khóc lóc. “Mẹ, đừng bắt ông đi, nhé mẹ.” “Ông là ông của bọn con mà mẹ,” Evelyne thút thít. “Ngoài mẹ ra bọn con chỉ còn có ông ấy thôi,” Paul đế thêm. Nhưng lão Armand đã vênh mặt lên. “Cứ giữ cái cầu cho mình đi, thưa cô,” lão nói. “Sẽ còn lâu cô mới tìm được thứ gì khác. Chào lũ chích chòe!” Ðoạn lão đẩy cái xe nôi của mình ra bờ sông. Lão cố tình gây thật nhiều tiếng ồn để át đi tiếng khóc than của bọn trẻ, cùng tiếng rên ư ử của con chó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương