Giá Như Đừng Gặp Gỡ

Chương 25



Sau khi quay về Hà Nội, việc đầu tiên tôi làm không phải là vẽ tranh mà là đến bệnh viện thăm Trung.

Anh thấy tôi xách mấy túi thuốc bổ toàn tiếng Nhật về mới bảo:

– Sao em mua nhiều thế? Mua tốn tiền, anh vẫn còn đây này, đã uống hết đâu.

– Mấy khi mới được sang Nhật, phải tranh thủ mua chứ. Không mất tiền vận chuyển nên không đắt đâu, em mua rẻ lắm, chỉ bằng ½ giá trong nước thôi.

Mặc dù nói là nói vậy, nhưng anh vẫn tiếc tiền thay tôi, còn hỏi tôi đi chơi những đâu, mua cho bản thân thứ gì.

Thực ra tôi không mua thứ gì cho mình cả, nhưng Khánh có tặng tôi một chiếc trâm hình phượng hoàng, nhìn thứ đồ bằng vàng ròng ấy, tôi không muốn nhận, nhưng anh ta nói đã mua rồi không trả lại được nên tôi phải miễn cưỡng bỏ vào túi mang về.

Tất nhiên, tôi không thể nói với Trung mình nhận quà của người khác nên chỉ ậm ừ bảo mua được vài món đồ linh tinh, sau đó lảng sang chuyện khác, hỏi anh mấy ngày rồi sức khỏe thế nào, ăn uống ra sao.

Anh mỉm cười, đưa tay vuốt tóc tôi:

– Anh vẫn khỏe, em đi có vài ngày chứ có phải đi lâu đâu. À, hôm qua chú trưởng khoa nói bên gia đình kia định qua tết sẽ rút ống thở của người hiến thận cho anh. Chắc lúc đó cậu ấy đi rồi thì mình sẽ được ghép thận em ạ.

– Thế hả anh?

– Ừ, nhanh thật em nhỉ? Vừa muốn nhanh, nhưng cũng buồn cho gia đình người ta.

Thực ra trước hôm tôi đi, chú trưởng khoa có nói với tôi quả thận chuẩn bị ghép cho Trung là của một bệnh nhân bị tai nạn giao thông c.hế.t não, gia đình người kia tạm thời vẫn chưa quyết định ngày rút ống thở nên việc kiểm tra độ tương thích thận phải chờ thời gian.

Không ngờ chỉ một chuyến đi Nhật quay về, mọi việc lại tiến triển nhanh đến thế. Rõ ràng tôi thấy rất mừng vì Trung sắp được ghép thận, nhưng tôi cũng có cảm giác như anh, cũng buồn cho gia đình người kia.

Tôi thở dài một hơi, nhìn bàn tay đã bắt đầu hồng hào trở lại của anh:

– Giờ anh phải tẩm bổ để khỏe mạnh, có khỏe thì mới có sức mổ ghép thận.

– Ừ, anh biết rồi.

Anh nghĩ ngợi một lúc, sau đó đột nhiên hỏi tôi:

– Lần này đến Nhật có giám đốc em đi cùng không?

Tôi hơi chột dạ, vô thức khẽ cau mày:

– Sao thế hả anh?

– Không, tại tự nhiên anh nhớ đến lần gặp sếp em lúc trước nên hỏi thôi.

– À… vâng. Anh ấy lần này cũng đi anh ạ.

– Ừ. Sếp của em trẻ tuổi, lại giàu có như thế, chắc là các bạn nữ trong công ty cũng thần tượng lắm nhỉ?

– Em cũng không để ý nữa. Nhưng chắc là thế anh ạ.

May sao Trung chỉ hỏi đến thế rồi cũng thôi, không tỏ vẻ nghi ngờ gì, còn tôi, ngoài cảm giác lo lắng, lòng tôi càng thêm nặng trĩu.

Sau chuyến đi Nhật lần này, tôi biết, giữa mình và Trung sẽ chẳng còn tương lai gì nữa, tôi không thể đến với anh bằng thân thể dơ bẩn này, càng không có tư cách để làm vợ anh. Cho nên việc tôi rời xa anh chỉ là chuyện sớm muộn, chỉ là bây giờ đang trong thời kỳ anh cần dưỡng bệnh nên tôi không thể cứ thế mà rời bỏ anh được thôi.

Trò chuyện với anh một lúc, lát sau Thanh đến, tôi mới kéo cô ấy lại, đưa cho Thanh một bộ mỹ phẩm.

Thanh nhìn bộ mỹ phẩm rồi lại nhìn tôi:

– Ơ, sao chị lại mua cho em. Mỹ phẩm Nhật đắt lắm, em không dám lấy đâu.

– Chị mua rồi. Chị một bộ, em một bộ. Nghe nói cái này hợp với da khô, em thử dùng xem.

Cô ấy xấu hổ sờ sờ lên mặt, bẽn lẽn nói với tôi:

– Sao chị biết em da khô?

– Chị đoán.

Tôi cười cười, dúi bộ mỹ phẩm vào tay Thanh:

– Em nhận đi, đây là tấm lòng của chị. Cảm ơn em đã chăm sóc anh Trung nhé.

– Ôi, đó là trách nhiệm của em mà. Chị không cần phải cảm ơn em.

– Không có em thì anh ấy không khỏe lại được nhanh như thế đâu, với cả chị thấy có em ở cạnh, anh Trung rất vui.

Khi nói xong câu này, tôi phát hiện ra sắc mặt của Thanh chợt biến đổi, gò má ửng hồng, lúng túng không dám nhìn thẳng tôi.

Tôi đã từng trải qua cảm giác thích một người, tôi hiểu tâm trạng của Thanh lúc này. Thật sự tôi không trách cô ấy, ngược lại còn phải cảm ơn vì Thanh đã đối xử tốt một cách thật lòng với Trung.

Tuy nhiên, bây giờ chưa phải lúc để nói ra tất cả nên tôi vẫn giả vờ như mình vẫn chẳng phát hiện ra điều gì, chỉ cười bảo:

– Em nhận đi cho chị vui. Đừng khách sáo. Chị rất quý em. Thật sự đấy.

– Nhưng mà em…

– Đừng suy nghĩ gì cả, cầm lấy đi em.

Nói mãi Thanh mới chịu nhận, cô ấy liên tục cảm ơn tôi, nói có dịp về quê sẽ mang mấy đồ ngon ngon lên biếu tôi.

Qua mấy lần nói chuyện, tôi biết nhà Thanh ở quê cũng rất nghèo, cuộc sống vất vả nên cô ấy đã phải rất chăm chỉ làm việc để bám trụ lại đất Hà Nội này, chật vật mấy năm, mãi đến giữa năm nay mới đủ tiền trả góp một căn chung cư.

Tôi quý Thanh, cũng hiểu rõ tình cảm của cô ấy với Trung nên vài lần cũng bóng gió với Thanh chuyện tôi và anh không phải là vợ chồng. Cô ấy có lẽ cũng không bất ngờ về chuyện này, chỉ cúi đầu đáp:

– Em rất ngưỡng mộ chị, không phải vợ chồng mà chị đối xử với anh ấy tốt thật. ai nhìn vào cũng bảo anh ấy có phúc lắm mới lấy được một người vợ như chị.

– Không phải chị tốt với anh ấy, mà là ngay từ đầu anh ấy đã rất tốt với chị.

Tôi mỉm cười, vỗ vỗ vai Thanh:

– Khi nào về quê có bánh đậu xanh thì mang lên cho chị nhé. Chị thích ăn bánh đậu xanh lắm.

– Vâng ạ. Chắc cuối tuần sau em về, lúc nào lên em sẽ xách cho chị mấy hộp to, ăn cho đã đời luôn.

– Ừ, cảm ơn em.

Nói chuyện với cô ấy đến hơn 8 giờ tối, tôi lại lếch thếch ra về. Vừa mới ra tới cổng bệnh viện đã thấy điện thoại rung lên, liếc qua màn hình mới biết Khánh gọi đến.

Thời gian này, chúng tôi chung sống rất hòa thuận, mặc dù chưa hẳn là yêu đến cháy bỏng, nhưng mối quan hệ đã tốt hơn trước rất nhiều. Ví dụ đêm anh ta làm việc khuya, tôi sẽ chủ động pha một cốc café mang lên, ví dụ dù bận rộn đến mấy thì mỗi tối anh ta vẫn sẽ về ngủ cùng tôi, hoặc nếu rỗi rãi, anh ta sẽ đến bệnh viện đón tôi như bây giờ.

Tôi không nhận máy, chỉ rảo bước đi lại gần rồi mở cửa trèo lên xe:

– Anh đến sao không gọi trước?

– Tiện đường đi qua nên đón em thôi. Muốn ăn gì?

– Miến ngan đi, tự nhiên hôm nay lại thèm miến ngan.

Từ sau lần thấy xe Khánh chờ tôi lần trước, tôi đã biết anh ta chẳng bao giờ tiện đường, chẳng qua Khánh không muốn gọi điện làm phiền tôi trong lúc ở bên cạnh Trung mà thôi.

Đứng giữa hai người đàn ông, tôi rất khó xử, nhưng với Khánh lúc này tự nhiên lại thấy thương thương đến nao lòng. Tôi bổ sung thêm một câu:

– Mà anh có thích ăn miến ngan đó không? Nếu không thì đi ăn món anh chọn đi. Em ăn gì cũng được.

– Thôi, anh ăn được mà. Nhưng lần sau em ăn cay ít thôi.

– Sao thế?

– Anh không theo được, cay quá.

Tôi phì cười, lúc này mới biết hóa ra hôm đó anh ta nhăn nhó không phải vì miến không ngon mà là phải ăn cay. Thắt dây an toàn xong, tôi mới nói:

– Em biết rồi. Đi thôi.

Lần này đến chỗ tiệm miến ngan, cô chủ ở đó không hỏi đây có phải bạn trai tôi không nữa mà rất tự nhiên chỉ chỗ cho chúng tôi ngồi:

– Hai đứa ngồi bàn trong kia đi, vừa yên tĩnh vừa đỡ bụi. Chờ cô làm miến cho. Cái Linh ăn miến ngan bỏ nhiều nước, còn bạn đẹp trai kia ăn xuất bình thường phải không?

– Vâng ạ.

– Ngồi đi ngồi đi. Cô mang ra ngay đây.

Thời gian này đã vào cận tết, chẳng mấy chốc nữa đã sang năm mới nên thời tiết rất lạnh, xì xụp ăn một bát miến ngan nóng hổi cũng thấy lòng ấm hơn rất nhiều. Tôi hít một hơi dài, xuýt xoa:

– Ngon thế. Mấy tháng rồi mới được ăn miến ngan.

– Thích thì em mời cô chủ quán này đến khách sạn đi.

– Để làm đầu bếp cho anh hả?

– Đâu có.

Anh ta cười cười:

– Đầu bếp cho em.

Tôi cũng cười, giữa đêm đông giá rét, nhờ có người đàn ông này cạnh bên mà tôi thấy ấm áp hơn rất nhiều, không chỉ anh ta ngồi chắn hướng gió cho tôi, mà sự ấm áp từ trong lời nói như có thể truyền qua không khí, lan thẳng vào tim.

– Thôi, miến ngan phải ăn ở vỉa hè thế này mới ngon. Ăn ở khách sạn không có vị gió với bụi như thế này đâu, mất vị đi đấy.

– Ừ, nói cũng phải.

– Hôm nay em đi qua khách sạn, thấy bên ngoài đang trang trí tết rồi.

– Ừ. Còn nửa tháng nữa là tết, anh đang bảo mọi người trang trí dần. Năm nay là năm đầu quản lý công ty, tổ chức khác mọi năm một tý cho mới lạ.

– Anh định trang trí theo ý tưởng gì thế?

– Đợi vài hôm nữa em sẽ biết.

Tôi gật gật, lại cúi đầu ăn miến, xong xuôi lại theo anh ta về nhà. Dạo này ngủ bên cạnh nhau đã thành quen, khi tôi leo lên giường thì tự động dịch gọn người vào một góc, nhường phần giường còn lại cho Khánh.

Một lát sau anh ta từ phòng tắm đi ra, sấy tóc khô ráo rồi mới nằm lên giường, vòng tay sang ôm tôi:

– Tết năm nay em định làm gì?

– Em cũng chưa biết.

Thực ra tôi định về quê với mẹ, nhưng không biết ngày nào Trung ghép thận nên chưa lên kế hoạch được. Khi Khánh hỏi, tôi cũng ngại nói thật, chỉ lấp lửng một câu như thế.

Ngón tay của anh ta quấn lấy lọn tóc dài của tôi, nghịch ngợm trêu đùa:

– Muốn đến một nơi không?

– Em chưa biết có đi xa được không, về quê thăm mẹ cũng chưa tính được. Nên chắc là…

Nói đến đây, tôi hơi ngập ngừng. Khánh có lẽ hiểu được tôi nên khẽ cười:

– Không xa lắm đâu, đi nửa ngày thôi.

– Đi đâu hả anh?

– Hôm đó em sẽ biết.

– Hôm nay anh toàn nói lấp lửng.

– Có chuyện không lấp lửng.

– Chuyện gì?

Chẳng rõ từ khi nào bàn tay của anh ta đã di chuyển từ tóc xuống cổ áo tôi, sau đó lần mò đặt vào nơi đầy đặn bên dưới. Hôm nay tắm xong, tôi lười mặc lại áo nhỏ nên anh ta chỉ cần luồn qua một lớp vải áo ngủ đã có thể chạm đến da thịt không một chút ngăn trở của tôi.

Ngón tay anh ta kích thích rất nhiệt tình, thanh âm nóng hổi trầm khàn, không che giấu được dục vọng:

– Chuyện này này…

– Buồn quá, buông ra nào.

Tôi ngọ ngoạy như sâu trong lòng anh ta, còn chưa kịp trốn tránh đã thấy một bờ môi mềm mại phủ xuống. Hành động rất nhanh gọn chuẩn xác, cũng rất mạnh mẽ cuồng nhiệt, chẳng mấy chốc đã khiến tôi phải buông giáp đầu hàng, dần dần sa vào trầm luân cùng anh ta.

Trong căn phòng ngủ rộng rãi, thanh âm ái ân từ từ lan ra khắp không gian, bóng đèn ngủ màu cam phản chiếu hình ảnh hai cơ thể trần trụi quấn quít in lên vách tường, như một cảnh xuân rực rỡ khiến người ta phải đỏ mặt, không ngăn được ý loạn tình mê.

Có người nào đó lật đi lật lại cơ thể tôi, như một đứa trẻ ham ăn không bao giờ biết đủ. Tôi chịu đựng đến lần thứ 3 đã thấy chân tay rã rời, yếu ớt đẩy anh ta:

– Dừng lại, dừng lại, em mệt lắm rồi.

Người đàn ông kia gục đầu xuống hõm vai tôi, mùi hương hoa cỏ nồng nàn trên tóc anh ta hòa quyện dư vị hoan ái, hợp thành một sức quyến rũ khó tả. Anh ta liên tục nhắc đi nhắc lại:

– Anh vẫn chưa đủ, chưa đủ…

***

Tết Nguyên Đán đã đến rất gần, các căn nhà xung quanh tiểu khu đã bắt đầu trang hoàng đón xuân, ngay cả khách sạn tôi làm cũng vậy, chỉ có mỗi biệt thự chúng tôi ở là chẳng có không khí tết.

Bác Lan nói năm nay là năm đầu tiên Khánh ở riêng nên không biết có ăn tết bên này không nên tạm thời chưa trang trí gì cả, mà mấy ngày này khách sạn đang vào mùa cao điểm, còn cả mấy công trình đang thi công nên Khánh rất bận. Mỗi đêm anh ta về đến nhà cũng đã khuya khoắt, có hôm mệt quá chỉ nằm xuống ôm tôi ngủ, sáng ngày mai tôi chưa tỉnh dậy anh ta đã rời đi. Có đêm anh ta mơ mơ tỉnh tỉnh đè tôi xuống, mệt đến không mở nổi mắt nữa nhưng vẫn tranh thủ giày vò một trận rồi lại thiếp đi.

Tôi biết Khánh bận nên ngại hỏi những vấn đề này, với cả dù sao tôi cũng chỉ đến ăn nhờ ở đậu nhà người ta, chủ động hỏi những việc như vậy không hay lắm nên tôi chỉ im lặng chờ xem có dịp nào thích hợp thì nói.

Mỗi tội, bác Lan thấy 23 tháng Chạp rồi mà nhà cửa vẫn đìu hiu mới rủ tôi đi ra phố mua mấy chiếc quạt đỏ có chữ Phúc – Lộc – Thọ trang trí tết. Sẵn tiện, tôi thấy ở chợ có mấy cành Tuyết Mai mới chọn ra mấy cành nhỏ xinh nhất mua về.

Bác Lan thấy tôi mua tuyết mai mới ngạc nhiên hỏi:

– Sao cháu lại mua mấy cây củi khô này làm gì? Tết phải mua hoa đào chứ?

– Giờ mà mua đào là đến tết tàn ngay bác ạ. Cái này không phải là củi khô đâu, là Tuyết Mai đấy. Nhìn nó thế thôi chứ chơi được lâu lắm, cứ cắm vào bình rồi tưới nước thường xuyên là nó nở hoa bác ạ.

– Thế à?

Tôi gật gật, còn mở ảnh tuyết mai lên cho bác Lan xem, bác ấy nhìn xong mới bảo “Cái này cháu mua chắc là Khánh sẽ thích”. Tôi cười cười, chẳng biết anh ta có thích hay không, hy vọng về đến nhà nhìn thấy mấy cành này, Khánh không tưởng củi khô và vứt đi là được rồi.

Lượn ở chợ một lúc, tôi với bác Lan mua mấy con cá nhỏ và ít đồ về làm cơm thắp hương. Tôi đồ một đĩa xôi dừa hạt sen riêng cho Trung, chọn mấy miếng thịt gà mềm nhất cùng với ít đồ nữa mang đến bệnh viện cho anh.

Thấy tôi tay xách nách mang đến, anh mới cười bảo:

– Năm nay đưa ông Công ông Táo lên trời anh không về nấu cơm được, em ở nhà một mình cũng đảm đang thật đấy.

– Anh thử xem em đồ xôi ăn có ngon không. Năm đầu em đồ xôi dừa hạt sen đấy.

– Không cần ăn cũng đã thấy ngon rồi. Ngửi mùi cũng thấy ngon.

Tôi cười cười, giả vờ bĩu môi bảo anh chỉ khéo nịnh, sau đó lại kéo Thanh đến bảo cô ấy ngồi ăn cùng. Ba chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện, lúc xong xuôi mới chỉ hơn 5h.

Tôi rục rịch định về, nhưng vừa đứng dậy thì bỗng dưng Trung lại túm tay tôi:

– Hôm nay ở đây với anh đi.

Tôi hơi ngạc nhiên, theo phản xạ liếc ra phía bên ngoài xem Thanh đã quay lại chưa. Sau đó mới đáp:

– Sao thế anh? Hôm nay sao lại muốn em ở lại?

– Tự nhiên muốn thế thôi. Mọi năm 23 tháng Chạp nào mình cũng ở cạnh nhau mà. Năm ngoái mình còn đèo nhau đi ăn khoai nướng nữa. Lâu rồi ở đây một mình cũng buồn, nhớ em.

Lòng tôi bỗng dưng rất chua xót, thời gian qua để anh một mình ở viện như vậy, tôi cũng rất thương. Mà có lẽ Trung cũng rất cô đơn nên đột nhiên mới bảo tôi ở lại như vậy.

Tôi không nỡ từ chối anh, nhưng sáng hôm nay Khánh đã nói tối sẽ về sớm ăn cơm cùng tôi, vả lại, biết tôi ở đây cùng Trung thì anh ta sẽ không hài lòng. Tiến không được, lùi cũng không xong, chuyện này khiến tôi rất khó xử.

Tôi trầm mặc một hồi rồi nhìn anh:

– Anh buồn lắm à?

– Cũng không hẳn là buồn. Mà nhiều khi cứ muốn ngắm em ngủ, như ngày trước ấy. Nhìn em ngủ thôi cũng thấy vui rồi. Không được ngắm em ngủ nữa, chẳng biết sao anh cứ hay mơ thấy ác mộng, mơ em sẽ bỏ anh đi.

– Không đâu, em sẽ không bỏ anh.

– Thật không?

Tôi gật gật, từ khi ở bên Khánh, tôi đã xác định dù có chia tay Trung thì cũng nhất quyết không bỏ anh, chúng tôi sẽ là bạn bè, mãi mãi, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn sẽ luôn đồng hành cùng anh như vậy.

Trung thấy tôi gật đầu mới khẽ cười:

– Cảm ơn em.

– Em với anh, cảm ơn gì chứ.

Có lẽ, anh đọc được vẻ khó xử trong mắt tôi nên cuối cùng cũng buông tay:

– Mà thôi, tự nhiên anh lại nói vớ vẩn rồi. Em còn bận vẽ tranh, ở lại sao được. Thôi em cứ về đi, bao giờ ghép thận xong, khỏe rồi anh sẽ về với em. Lúc đó ở nhà tha hồ ngắm em.

– Em…

Còn đang lưỡng lự thì Thanh đi vào, cô ấy mang theo một ít hoa quả và bánh kẹo, nói là quà của khoa chia cho. Trung thấy cô ấy đi vào lại giục tôi:

– Muộn rồi, em về đi. Về sớm không tý nữa lại đến giờ tắc đường đấy. Ở đây có Thanh chăm sóc anh rồi.

– À… vâng. Thế anh nghỉ ngơi đi. Em về đây. Mai em lại vào.

Nói xong, tôi quay sang Thanh, mỉm cười:

– Thanh chăm sóc anh Trung giúp chị nhé.

– Vâng ạ, chị cứ yên tâm.

Rời khỏi bệnh viện, lòng tôi vẫn nặng trĩu như bị một tảng đá thật to đè lên, chênh vênh mâu thuẫn chẳng biết nên đi về phương hướng nào mới đúng, đi về con đường nào sẽ tốt cho cả 3 chúng tôi? Đi về đâu mới không làm bất kỳ ai phải đau khổ và giằng co như bây giờ?

Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi mà không thể tìm ra được lối đi nào cho chính mình, rút cuộc đành thở dài một tiếng rồi leo lên một chiếc xe bus chạy qua. Khi đến điểm cuối, tôi thất thểu đi bộ về nhà. Giờ ấy bác Lan đã về từ lâu, trên bàn bày sẵn rất nhiều đồ ăn cho hai người bọn tôi.

Nhìn căn nhà đã được treo mấy chiếc quạt đỏ mừng năm mới, còn có cả cành tuyết mai như cây củi khô trong lọ hoa trên bàn trà, bỗng dưng, không khí tết tràn vào lòng tôi, khiến mọi muộn phiền trong tôi bất giác dịu đi.

Tôi tự xốc lại tinh thần, tắm rửa xong mới xuống bếp hâm lại đồ ăn. Vừa mới xong xuôi thì nghe tiếng xe dừng lại trước cửa, tôi cứ nghĩ là Khánh về, nhưng xe không hề tiến vào sân mà lát sau lại nghe tiếng chuông cửa.

Thật kỳ lạ, từ khi tôi đến đây ở đã mấy tháng rồi, chưa bao giờ thấy nhà anh ta có khách. Hôm nay tự nhiên có người ghé thăm nên tôi hơi ngạc nhiên.

Tôi định không ra, nhưng người kia cứ bấm chuông mãi, sợ làm phiền hàng xóm nên cuối cùng tôi đành phải chạy ra. Ai ngờ vừa mới mở cửa đã thấy Vân đứng ngay bên ngoài, cô ấy thấy bóng tôi thì kinh ngạc đến mức hai mắt mở to, vẻ mặt không sao tin được:

– Ơ… Linh. Sao cậu lại ở đây?
Chương trước Chương tiếp
Loading...