Giang Hồ Lưỡng Cực Chi Rượu Cay Tâm Say

Chương 3: Cấu Trúc Cơ Bản Của Lưỡng Cực (2)



Tám môn phái lớn nhất trong giang hồ:

A, Đại Thụ Tam Khai: Ba môn phái xuất hiện từ thuở ban sơ, đặt nền móng cho các trường phái võ học sau này.

1, Thiên Trúc- Phật gia phái

“Lưỡng Cực lịch sử vạn năm, dân chúng lầm tham ngàn năm, dù là đệ tử cửa phật cũng không thể ngồi đệm hương bồ che mắt bịt tai.

Đại sư họ Thiên bái lạy Phật Tổ, từ đây bỏ mõ cất kinh, trầm mình vào trần thế. Ngài dùng lòng bao dung cảm hóa vạn vật dùng võ học bảo vệ vạn dân.” – Giang hồ sử ký.

Mô tả: Môn đệ Thiên Trúc tâm hướng chúng sinh. Vứt bỏ tham luyến sở dục, tự khoác lên mình sứ mệnh cứu khổ cứu nạn phổ độ trần ai. Thiên Trúc mộ phật, sống khắc khổ bần hàn nhưng lại thanh thản trong sáng.

Nội công: Vô Cực Càn Khôn công.

Binh khí chủ yếu: Gậy.

Đặc sắc: Thể lực cường hãn, nội công hùng hậu, thiên nhãn sáng ngời.

Nổi trội: Trong bát đại môn phái, nội công đứng đầu.

Địa bàn chính: vùng đồi núi Cảnh Trúc Lâm, nằm giữa biên giới Tây Nam.

Châm ngôn: “Khắc khổ tu hành phổ độ chúng sinh.”

2, Mộ Lãnh- Đạo gia phái

“Xưa có một người họ Mộ sinh ra đã khuyết thiếu cảm xúc. Ngài không biết đau, không biết sợ, không cảm thấy buồn cũng chẳng quan tâm hạnh phúc. Ngài tài hoa tuyệt thế, tinh thông đủ loại tri thức, tuy nhiên chỉ trầm luân duy nhất với hai điều: kiếm và khinh công.

Sau khi vang danh giang hồ, ngài lấy tên mình lập nên phái Mộ Lãnh.” – Giang hồ sử ký.

Mô tả: Phái Mộ Lãnh tu hành lấy chữ “lãnh” làm đầu. Không thất tình lục dục, không màng thế sự, không bận nhân sinh. Hoàn toàn cùng đất trời nhập tọa, tâm lạnh như băng.

Nội công: Lãnh Mạc Hàn Đàm công.

Binh khí chủ yếu: Kiếm.

Đặc sắc: Y lý siêu quần, khinh công vi diệu, kiếm thuật tinh tế.

Nổi trội: Khinh công nhanh nhất y thuật cao nhất.

Địa bàn chính: dãy núi Cửu Trùng Vân, trải dài Bắc Huyền Vũ.

Châm ngôn: “Vô sự vô cầu vô dục vọng, vô tâm vô tính lại vô tình.”

3, Ngộ Long- Tiêu diêu phái

“A Phỉ trời sinh ưa thích ngao du, say mê võ học. Sinh thời ông vẫn luôn bôn ba tứ phương tầm sư học đạo lại chưa từng thu được thành tựu như nguyện. Một lần khi đang ngủ trưa, ông bỗng nhiên nằm mơ thấy thần rồng hiện hình, khua đuôi múa vuốt trước mặt mình.

Sẵn bản tính khoáng đạt A Phỉ đã không ngần ngại vung quyền cùng thần rồng bắt nhịp nhảy múa. Nhờ đó mà sáng tạo ra trường phái võ công độc nhất vô nhị, gọi là Ngộ Long.” – Giang hồ sử ký.

Mô tả: Ngộ Long phái lấy biến làm chiêu, lấy không đánh có. Sở học Ngộ Long đa dạng biến hóa, vừa thừa hưởng nhuần nhuyễn một bộ phận của Thiên Trúc cùng Mộ Lãnh lại nổi trội bởi nét độc đáo hoang dã.

Nội công: Sử Long Hàng Thiên công.

Binh khí chủ yếu: không cố định.

Đặc sắc: Thân thủ linh hoạt, trăm chiêu trăm biến.

Nổi trội: Thân pháp nhất lưu, nội công sâu chỉ sau Thiên Trúc, khinh công mau chỉ kém Mộ Lãnh.

Địa bàn chính: quần đảo Trường Sinh, ngoài đại dương Đông Thanh Long.

Châm ngôn: “Điều sẽ đến ngăn cũng chẳng được, điều không tới mong cũng chẳng thành.”

B, Hai tổ chức tách ra từ triều đình

4, Vệ Quốc Bang- lá cờ chính nghĩa

“Hai mươi tám vị vua đầu tiên của Lưỡng Cực đều là minh quân một cõi, cả đời vì giang sơn xã tắc phụng sự. Họ cùng nhau lập nên Vệ Quốc Bang như một lời thề chung tay gìn giữ bình an cho bá tánh. Đáng tiếc dao sắc không gọt được chuôi, hổ phụ bất sinh hổ tử, con cháu đời sau của hai mươi tám vị hoàng đế ngày càng sa đọa tham lam, đánh mất tâm nguyện thuở sơ khai. Vệ Quốc Bang vì thế bất mãn, rút khỏi triều đình, dấn thân võ lâm. Tự khi nào đã trở thành một bang phái lừng lẫy trên giang hồ.”_ Giang hồ sử ký.

Mô tả: Vệ Quốc Bang xuất phát từ quân đội, lấy tập thể làm sức mạnh, lấy kỷ cương làm cốt lõi. Sở học Vệ Quốc Bang không quá sâu sắc lại thắng ở thực tế hiệu quả, sát phạt mà quyết đoán.

Nội công: Minh Thần Hỏa Nhật công.

Binh khí chủ yếu: Thương, giáo mác.

Đặc sắc: Dũng mãnh, đoàn kết, quả cảm, thiện chiến.

Nổi trội: Là tập thể mạnh nhất. Võ công tinh giản lại hiệu quả. Dễ luyện lại thực tế.

Địa bàn chính: Vệ Quốc thành, Tây Bạch Hổ.

Châm ngôn: “Trung tâm ái nghĩa.”

5, Ám Nguyệt Tông- Cái bóng của ánh sáng

“Vệ Quốc Bang vốn có Minh và Ám. Minh hoạt động ngoài sáng, Ám hoạt động trong tối. Sau vì triều chính đảo điên liền buộc phải phân thành hai mà trốn chạy truy sát. Sau lại vì lý tưởng khác biệt, liền từ đó quyết không hợp lại.” – Giang hồ sử ký.

Mô tả: Ám Nguyệt Tông hoạt động dưới danh nghĩa tổ chức đánh thuê, nhân lực ít nhưng tinh lượng, chính tà bất phân. Môn đệ Ám Nguyệt Tông giỏi ẩn nấp sử dụng bẫy rập ám khí. Bộ pháp của Ám Nguyệt Tông thập phần quỷ dị, được coi giang hồ tuyệt học.

Nội công: Dạ Thủy Quỷ Nguyệt công.

Binh khí chủ yếu: ám khí, cung nỏ.

Đặc sắc: Hành tung bí mật, thiện về mai phục.

Nổi trội: Bộ pháp quỷ dị, bẫy rập tinh vi.

Địa bàn chính: không rõ.

Châm ngôn: “Tay sai cũng có nguyên tắc của tay sai.”

C, Ba môn phái tự phát

6, Hành Khất Hội- Anh hùng vô lối khứ

“Chiến loạn kéo dài, binh hùng tướng dũng lớp lớp sản sinh, âm mưu dương mưu không một không dùng.

Vào thời điểm khi thành trì của một quốc gia từng vô cùng vĩ đại sắp bị thất thủ, vị tướng chỉ huy đã cử một tổ đội binh lính giả trang khất cái với nhiệm vụ trà trộn và làm suy yếu hàng ngũ quân địch. Những người này tuy tay không tấc sắc gầy yếu trơ xương lại chính là tinh nhuệ trong tinh nhuệ, có thể chỉ dùng quyền cước đối địch cả trăm người vũ trang đầy đủ.

Kế hoạch vất vả thành công, nhưng sau khi khải hoàn trở về, đón nhận họ lại là thành mất tướng chết. Những người lính tài ba từ đấy vô chốn nương thân.” Giang hồ sử ký.

Mô tả:

Hành Khất Hội không chú trọng chiêu thức vũ khí. Thứ tầm thường nhất cũng có thể trở thành vũ khí của họ. Môn đệ Hành Khất tận dụng mọi thủ đoạn mọi sơ hở hạ gục đối thủ, bám dai hơn đỉa. Bởi hay lăn lộn khắp nơi mạng lưới thông tin của Hành Khất Hội cực kỳ linh mẫn.

Nội công: Nghĩa Sĩ Vô Gia Quyết.

Binh khí chủ yếu: Gạch đá cành cây, bất cứ thứ gì tại hiện trường.

Đặc sắc: Dai dẳng, thích ứng mọi hoàn cảnh.

Nổi trội: Thông tin linh mẫn, lì đòn, chuồn giỏi.

Địa bàn chính: làng Bách Hùng, nằm giữa biên giới phía Bắc và Đông.

Châm ngôn: “Không có nghèo nhất chỉ có nghèo hơn, không có mặt dày nhất chỉ có mặt dày hơn.”

7, Yến Phi Cung- Lòng son trong yếm đỏ

“Yến Phi nương nương xuất thân dị tộc, tài hoa xinh đẹp văn thông võ thạo, và đặc biệt nàng rất giỏi múa với xích.

Nàng xa gả cho hoàng đế một đại quốc, nào ngờ không hưởng phúc được bao lâu thì thần dân đảo chính, hoàng thất tuyệt diệt. Khi vương triều cũ sụp đổ, tam cung lục viện vì tiết hạnh tuẫn táng theo vua, chỉ mình Yến Phi nương nương ngoại lệ.

Vào ngày tân vương nhậm ngôi, Yến Phi xin vì hắn tổ chức ca múa. Nàng trang điểm vô cùng xinh đẹp cùng cả trăm tỳ nữ đứng dưới cổng thành, vứt bỏ tôn nghiêm, chịu ngàn khinh thường vũ động mua vui.

Khi buổi biểu diễn lên đến cao trào, tân vương trên đài cũng không cưỡng nổi mê hoặc, hàm hồ bước xuống. Đúng lúc này một đầu xích phi như tên xé gió đâm tới, khơi nguồn trận loạn biến.

Toàn bộ tỳ nữ biến thành tử sĩ, cùng chủ nhân anh dũng chiến đấu. Một mảnh hỗn loạn đao gươm xích vũ, máu lan thây đổ. Có thể nghe ra trong gió hương vị son phấn, có thể nhìn thấy đầy đất trâm cài váy lụa.

Kế hoạch thất bại, Yến Phi cùng đội quân quả cảm của nàng chết không chỗ chôn. Chỉ duy nhất một nô tỳ nhân lúc hỗn loạn trốn thoát, con cháu bà về sau lập một giáo phái truyền lại bộ võ xích vũ của vị nương nương hồi nào.” Giang hồ sử ký.

Mô tả: Môn đệ Yến Phi võ lại như vũ hoa lệ quả quyết. Vì các nàng sử dụng vũ khí đặc biệt là dây xích hai đầu gắn mũi tên hoặc chùy nên cơ thể không chỉ cần uyển chuyển mà còn phải có sức lực tốt.

Nội công: Uyển Ngọc Thục Kinh.

Binh khí chủ yếu: Xích nối chùy hoặc tên.

Đặc sắc: Võ lại như vũ.

Nổi trội: Chỉ thu nữ đệ tử.

Địa bàn chính: Tàng Xuân cốc, Đông Thanh Long.

Châm ngôn: “Yến phi vạn năm còn nhớ mãi.

Ơn này công đấy chẳng thể quên.”

8, Sa Võng Môn- Chiến binh sa mạc

“Nam Chu Tước khí hậu khắc nghiệt đất cằn sỏi đá. Ở đây có những bộ lạc nhân tinh thể tráng, lấy khai phá đất đai tìm kiếm nguồn nước làm công việc cả đời. Lấy bão cát chui rèn, lấy độc vật làm bạn, lấy âm thanh làm bẫy, dần dà trên giang hồ nổi danh Sa Võng Môn.” – Giang hồ sử ký.

Mô tả: Môn đệ Sa Võng giỏi điều khiển rắn và côn trùng, giỏi lợi dụng âm nhạc gây rối tinh thần, giỏi điều chỉnh giới hạn cơ thể, giỏi chịu đựng điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Trên giang hồ chính là trời sinh chiến binh.

Nội công: Tứ Âm Tịnh Độc Thư.

Phụ trợ: Rắn và côn trùng.

Đặc sắc: Đánh du kích trong môi trường sa mạc, đánh giáp lá cà trong mọi môi trường.

Nổi trội: Điều khiển côn trùng, gây rối loạn đối thủ bằng âm thanh.

Địa bàn chính: Chu Giang địa, sâu trong lòng Nam Chu Tước.

Châm ngôn: “Trời không dung ta, ta tự dung ta.”
Chương trước Chương tiếp
Loading...