Giang Hồ Mộng Ký
Chương 18: Khai Sơn Phá Thạch Thùy Nhân Xuẩn - Hoa Dạ Tân Lang Vấn U Linh
Đầu tháng mười, Trại Ngu Cơ Tiết Mạn Thụy hạ sinh một nữ hài nhi kháu khỉnh, mẹ tròn con vuông khiến cả nhà vui như tết. Đứa bé gái được đặt tên là Thuần Vu Bạch Lan.Tuy không nói ra nhưng trong lòng vợ chồng Tử Bất Y rất hí hửng, cho rằng ngôi trưởng nam sẽ thuộc về cháu ngoại của họ. Không phải vì lợi lộc mà chỉ vì chút tự ái vặt vãnh thế thôi. Vệ Tích Cơ là dâu cả thì con nàng phải là cháu đích tôn của họ Thuần Vu mới hợp lý.Hồng Hoa Tiên Cơ vẫn còn sống nên chẳng ai dám nghĩ đến chuyện tổ chức hôn lễ linh đình. Cuối tháng mười, đám cưới của Thuần Vu Kỳ và ba người đàn bà tội nghiệp kia được cử hành trong bí mật, khách mời chỉ có vài vị quan lớn Hà Nam.Linh Miêu Tẩu không được thông báo mà tự dưng dẫn xác đến đúng lúc để chúc mừng. Sau đó lão ở lại luôn, đốc thúc chú rể luyện võ, không được quá mặn nồng với các cô dâu. Cả nhà lo lắng, thầm rủa Kha lão là người hắc ám, mỗi lần xuất hiện là tai họa đi theo.Điền Yên Tiêu đã xin phép quay về Hải Nam tảo mộ Xung Hư chân nhân và hứa sẽ trở lại Khai Phong vào khoảng cuối xuân sang năm.Giang hồ lặng sóng được gần nửa năm nhờ sự năng nổ, nhiệt tình của hai vị Minh chủ và Phó minh chủ. Đan Nhược Tiên Tử phụ trách sự vụ ở vùng đất phía Nam sông Trường Giang, phân xử rất công minh, hành động kiên quyết nên được đồng đạo mến phục Thuần Vu Kỳ đã không sai khi nhường chức Minh chủ cho nàng. Từng yêu nhau chàng hiểu rõ bản chất hiền lương của Tiên tử. Trịnh Tiệp chỉ nóng nảy, háo thắng, háo danh chứ không độc ác. Nàng luôn thất bại vì xui xẻo nhưng biết cách vươn lên.Chính Thuần Vu Kỳ đã gợi ý các Chưởng môn và Huyền Cơ thư sinh phong chức Phó minh chủ cho Tiên tử. Điều này sẽ giữ cho cô gái bồng bột, ngang ngược kia không sa vào ma đạo. Lư thư sinh cũng hiểu như vậy nên cực lực tán thành. Trịnh Tiệp vui vẻ phóng thích ngay mấy trăm tù binh mà Mộ Dung Thịnh đã bắt lúc trước. Dịch Hoài Giang, đệ tử của Huyền Cơ thư sinh, vốn là nội gián được các phái cài trong Thần Kiếm bang, đã quay về báo cáo lại ẩn tình.Cả nhà cười ngất khi nghe nói Trịnh Tiệp đã cấn thai với Miêu Độc pháp sư, song đổ thừa cho Mộ Dung Thịnh, mặc dù gã chỉ chuyên đứng gác cửa khuê phòng chứ chẳng được xơ múi gì.Đông qua, xuân cũng qua, thấm thoát đã đến giữa tháng tư năm Nhâm Thìn, Vĩnh Lạc thứ mười, Thuần Vu Kỳ bước sang tuổi hai mươi bốn. Chàng vẫn ráo riết khổ luyện võ công không hề nghỉ ngơi, chú trọng đến yếu quyết chữ Tỏa trong Thuần Dương kiếm pháp. Cách đối phó hữu hiệu nhất là dùng mũi kiếm khóa chặt hai bàn tay Hồng Hoa Tiên Cơ. Chàng muốn tồn tại bằng chính thực lực bản thân chứ không phải là dựa vào sự hỗ trợ hoang đường của hồn ma bóng quế nào đấy.Đúng ngày rằm tháng tư, Huyền Cơ thư sinh và Nam Tái Độc Thần về đến Thuần Vu gia trang, sắc mặt cực kỳ nghiêm trọng. Trưa hôm ấy, trong bữa tiệc tẩy trần, Lư lão chính sắc hỏi Thuần Vu Kỳ :- Kỳ nhi. Chẳng hay Trương tổ sư có nói gì về cuộc phó ước sáu mươi năm với Thánh Hỏa thần giáo hay không?Thuần Vu Kỳ gật đầu :- Bẩm có. Trước lúc du tiên, ân sư dặn tiêu điệt phải thay mặt người ngăn chận Thần giáo, nếu họ có ý định bành trướng vào Trung Nguyên.Linh Miêu Tẩu thở dài :- Lâu nay bần đạo ở đây cũng là để chuẩn bị cho việc ấy. Phải chăng Thánh Hỏa thần giáo đã gởi thiếp cho các phái?Lư Thiếu Kỳ gật đầu :- Bẩm phải. Thánh Hỏa giáo chủ đời thứ ba là Long Quang Tự đã gởi thư cho Minh chủ võ lâm và các phái nhắc nhở cái hẹn sáu mươi năm, mời họ có mặt ở Thánh Hỏa lâm vào đúng tiết Trung Thu. Tuy nhiên, song song với việc luận kiếm, Thánh Hỏa giáo còn tổ chức lôi đài tỷ võ chiêu phu cho Thánh Nữ Long Thiện Lan. Tin này được loan báo rộng rãi khắp giang hồ nên hào kiệt tứ hải nô nức chuẩn bị lên đường đi Ngọc Môn quan. Nghe nói, ngoài việc sở hữu người con gái xinh đẹp nhất vùng quan tái thì chú rể còn được ân thưởng một nhánh Thiên Niên Tuyết Sâm vô cùng quí giá.Tiết Mạn Thụy đang bồng con trong lòng hiếu kỳ hỏi :- Lư đại thúc. Thánh Hỏa thần giáo là ai và cuộc phó ước sáu mươi năm là sao?Lư Thiếu Kỳ tư lự đáp :- Thánh Hỏa thần giáo hùng cứ vùng đất phía Bắc Cam Châu bên trong ải Ngọc Môn quan. Sáu mươi năm trước họ tiến vào Trung Thổ, xây dựng đền miếu, truyền bá những giáo lý kỳ quặc khiến các phái tăng đạo phẫn nộ. Ngoài ra, Thánh Hỏa giáo còn dùng vũ lực uy hiếp các bang hội bắt họ phải qui phục. Do vậy, Trương chân nhân và Tổ Sư các phái đã hội quân càn quét tà giáo Tây Vực ấy. Trong cuộc đại chiến dưới chân núi Thái Bạch, Thánh Hỏa giáo chủ và Thập đại Hộ pháp đã thua, phải chấp nhận rời bỏ Trung Nguyên, đúng sáu mươi năm mới được phép quay lại, nếu thắng được đại biểu của Trung Thổ. Nay là năm Nhâm Thìn, tròn một hoa giáp nên Thánh Hỏa giáo gởi thư nhắc nhở. Nếu chúng ta không đi phó ước, họ có quyền kéo quân vào.Độc Cơ Lạc Anh Châu hỏi :- Kha tiền bối. Chẳng hay võ nghệ của Thánh Hỏa thần giáo lợi hại thế nào?Linh Miêu Tẩu mỉm cười hồi tưởng :- Năm xưa, lão phu mới độ gần ba mươi tuổi, theo tiên sư chinh phạt bọn Thánh Hỏa và tham gia trận Thái Bạch sơn, nhờ vậy mới được chứng kiến tuyệt học Tây Vực. Thánh Hỏa giáo chủ lúc ấy là Long Tam, thân hình khôi vĩ, cao hơn người thường cả một cái đầu, thần lực như Hạng Võ. Lão ta luyện Thánh Hỏa tâm pháp đến mức đại thành, bảo kiểm trong tay hữu đỏ rực như được nung trong lò rèn, tay tả thủ chiếc thuẫn nhỏ cạnh sắc như dao cạo, có thể phòng thủ mà cũng có thể tấn công. Trương chân nhân đã phải giao đấu gần ngàn hiệp mới đả thương được Long Tam.Tiết Cao Vân thở dài :- Nếu đương kim Giáo chủ Long Quang Tự cũng lợi hại như tổ phụ thì Kỳ nhi làm sao địch nổi?Cả nhà sụ mặt, hiểu rằng lão nói đúng. Tiết Như Xuân ngập ngừng bảo :- Đã không thắng nổi thì Kỳnhi còn đi làm gì nữa?Thuần Vu Kỳ vội đáp :- Bẩm mẫu thân. Gia sư đã có lệnh, hài nhi chẳng thể thoái thác trách nhiệm. Nhưng người cũng dặn rằng nếu thấy khó thì cứ rút lui không được liều mạng. Hài nhi hứa sẽ bảo trọng, chẳng dám để song thân và thê tử phải thương tâm.Huyền Cơ thư sinh cũng trấn an :- Lần này Kỳ nhi không phải là nhân vật đứng mũi chịu sào mà chính là Hồng Hoa Tiên Cơ Hoàng Xuân Phụng. Lão phu đã dùng kế “Tá đao sát nhân”, khích động Tiên cơ đem Huyết Ảnh đại pháp đấu với Thánh Hỏa giáo chủ. Nếu mụ cứu vãn được tai kiếp này cho võ lâm thì sẽ được Nam Sơn kiếm khách nhường cho chức Minh chủ.Phương Đại Mục xuống làm phó cùng với Trịnh Tiệp. Hồng Hoa Tiên Cơ đã nhận lời.Thuần Vu Hồng cười mát :- Lư lão huynh hành động thật khác người, trước đây cố ngăn không cho Tiên cơ trở thành Minh chủ, giờ lại hứa giao cho mụ ta. Nếu lỡ Hoàng Xuân Phụng thành công thì sao?Lư Thiếu Kỳ đắc ý đáp :- Lão phu và Tất huynh đã có cách khắc chế Hồng Hoa Tiên Cơ nên mới dám hành động như thế. Chỉ sợ mụ ta không thắng nổi Thánh Hỏa giáo chủ đấy thôi.Cả nhà hiểu ngay rằng việc này liên quan đến chất độc. Vì đó là sở trường của Nam Tái Độc Thần Tất Chương.Tử Bất Y Vệ Túc Đạo ỡm ờ nói :- Lư hiền đệ có chắc không? Theo như lão phu biết thì kẻ luyện Huyết Ảnh đại pháp không hề sợ chất độc nào cả.Tất Chương mỉm cười bí ẩn :- Có đấy Vệ lão huynh. Tuy nhiên tiểu đệ không tiện nói ra.Tử Bất Y đang định cãi thì Tiết Cao Vân đã cướp lời, bàn sang chuyện khác :- Lão phu sẽ đưa Kỳ nhi đi Cam Châu.Nhưng Linh Miêu Tẩu lạnh lùng bác ngay :- Không được. Chuyến đi này vô cùng nguy hiểm chỉ một người duy nhất có bổn mạng phù hợp với Kỳ nhi là được phép tháp tùng. Người ấy là gã câm họ Hách.Hách Nham mừng rỡ vỗ ngực, miệng nở nụ cười tươi rói.Vệ Tích Cơ áy náy hỏi :- Kha tiền bối. Chẳng lẽ vận hạn chuyết phu lại đến lúc u ám rồi sao?Linh Miêu Tẩu cười khà khà :- Thiên cơ bất khả lậu. Cứ làm theo lời ta là mọi chuyện đều tốt đẹp, đừng lo lắng vô ích.Lang Nha mỹ nhân Sầm Tú Linh cự nự :- Nhưng không lẽ chúng ta ở nhà cả để mặc hai người ấy đi vào hổ huyệt?Kha lão lắc đầu :- Không phải thế. Bọn lão phu cũng đi Ngọc Môn quan nhưng không cùng đường với Thuần Vu Kỳ. Lúc đến nơi tất nhiên bọn ta sẽ hợp lại vì khi ấy không cần kiêng cữ nữa.Chẳng ai hiểu gì cả song vẫn phải ngậm miệng làm theo ý lão già cổ quái thần bí.Sau ba ngày chuẩn bị, Thuần Vu Kỳ và Hách Nham được lệnh khởi hành vào sáng ngày mười chín tháng tư. Linh Miêu Tẩu bắt họ phải dùng xe song mã và không cải trang.Lão còn nói thêm :- Kỳ nhi cứ thong thả mà đi, chẳng cần vội vã. Dọc đường, gặp chuyện gì đáng làm thì cứ làm, không nên vì sợ trễ ngày phó ước mà bỏ qua. Cuộc hành trình này đầy dẫy nhân duyên, nghiệp quả rất quan trọng với cuộc đời của ngươi sau này.Nghe giọng điệu úp mở của Kha Nhất Tuyền, vợ chồng Thuần Vu Hồng lo sốt vó, bàn bạc với các nàng dâu rất lâu rồi cho gọi Hách Nham đến dặn dò tỉ mỉ.Gần tháng sau cỗ xe song mã của Thuần Vu Kỳ đến Trường An. Chàng và Hách Nham nghỉ lại ba ngày, thăm thú các thắng cảnh. Sáng ngày ba tháng năm mới vượt sông Vị Thủy ghé vào thành Hàm Dương.Tuy mới là buổi trưa song Thuần Vu Kỳ vẫn quyết định ở lại Hàm Dương một ngày. Hàm Dương nằm trên bờ Bắc sông Vị Thủy, từng là kinh đô của nhà Chu, nhà Tần, Tây Hán... Di tích của các triều đại ấy vẫn còn hấp dẫn du khách phương xa.Hôm sau, hai thầy trò rời Hàm Dương, đồng hành với vài chục hào khách giang hồ. Họ cũng trên đường đi Ngọc Môn quan để xem cuộc so tài giữa các phái Trung Nguyên và Thánh Hỏa thần giáo, đồng thời tham dự đại hội tỷ võ chiêu phu của Thánh Nữ Long Thiện Lan.Phấn khởi nhất là bọn hào kiệt có niên kỷ dưới bốn mươi, trong giới hạn cho phép của đài qui. Thánh nữ tuổi mới hai mươi bốn nhưng sẵn sàng lấy một bậc anh hùng lớn hơn mình mười mấy xuân.Tuy gọi là đồng hành nhưng thực ra cỗ xe song mã luôn ở phía sau đoàn kỵ sĩ kia khá xa. Bọn hào khách luôn vượt lên trước để khỏi phải hít bụi của cỗ xe sang trọng.Dọc đường, lúc vào quán ăn hay quán trọ, Thuần Vu Kỳ cũng xuất hiện công khai bằng dung mạo thực song chẳng ai nhận ra chàng. Dẫu có kẻ ngờ ngợ thì cũng không dám tin vào mắt mình vì Thuần Vu công tử đã chết ngỏm từ lâu rồi.Sau tám ngày dong ruổi dưới cái nắng gay gắt và làn bụi mịt mù của vùng cao nguyên Hoàng Thổ, đoàn người đến đất Thiệu. Thiệu Thành nằm ở bờ Nam sông Kinh Hà, đoạn mà các phụ lưu tập trung vào dòng chính.Thiểm Tây có ba con sông lớn là Hán Thủy ở phía Nam, Vị Thủy và Kinh Hà ở giữa. Ba dòng sông này đều chảy trên vùng cao nguyên đất vàng nên nước vàng đục, nhiều phù sa chẳng kém Hoàng Hà.Sông Kinh Hà được hình thành bởi nguồn nước của hàng chục con sông nhỏ phát nguyên từ sườn Đông dãy Lục Bàn sơn trên đất Túc Châu. Kinh Hà được xem là phụ lưu của sông Vị Thủy, nhưng bản thân nó cũng là một con sông lớn, lưu vực bao phủ cả miền Đông Cam Túc. Chẳng qua Kinh Hà chảy vào sông Vị Thủy mới chịu lép đấy thôi.Từ đất Thiệu trở đi, đường quan đạo chạy dọc nhánh chính của Kinh Hà, nhờ vậy mà ít bụi bặm và khung cảnh dọc đường cũng sầm uất hơn nhờ ruộng nương và nhà cửa của bách tính. Từ ngàn xưa đến nay, con người luôn bám lấy sông ngòi mà tồn tại.Trái với dự đoán của Linh Miêu Tẩu, hành trình của Thuần Vu Kỳ rất êm ả. Chàng rời đất Thiệu, mất thêm mười ngày để đến Bình Lang trên đất Túc Châu. Và trưa ngày mùng bốn tháng sáu, chàng có mặt dưới chân núi Lục Bàn sơn.Lục Bàn sơn là một trong những dãy núi lớn nhất Trung Hoa, nằm ở phía Đông tỉnh Cam Túc, chạy theo hướng Bắc Nam. Dáng núi quanh co uốn khúc sáu lần nên mới có tên Lục Bàn. Lục Bàn sơn nằm chắn ngang con đường huyết mạch từ Trường An đi Ngọc Môn quan. Muốn vượt núi người ta phải đi qua đèo Trung Sơn.Con đường này đã có từ ngàn năm trước và liên tục được bảo trì nên rộng rãi, bằng phẳng, đi lại thuận lợi. Có thể nói rằng chín phần mười lượng hàng hóa ra vào tỉnh Cam Túc đều phải qua đèo Trung Sơn.Khổ thay, đúng cái ngày Thuần Vu Kỳ cần vượt núi thì đèo Trung Sơn bị tắc. Đêm hôm trước, trời mưa như thác lũ và núi lở, đất đá đổ xuống bít chặt đoạn đèo. Xe cộ, người ngựa đều phải quay đầu đi ngược lại rẽ theo con đường hướng Bắc, song song với dãy Lục Bàn sơn hàng trăm dặm cho đến lúc qua khỏi ngọn cực Bắc của rặng núi. Sau đó họ mới đi vòng sang hướng Tây để trở lại quan đạo. Nghĩa là họ phải mỏi chân vì mua thêm hơn hai trăm dặm đường vô ích nữa.Từ chân đèo đến đoạn bị ách tắc không xa lắm nên đôi mắt chim ưng của Thuần Vu Kỳ có thể nhìn thấy hai bóng người nhỏ bé đang đào xới đống đất đá khổng lồ kia.Không phải mình chàng mà có khá nhiều cao thủ võ lâm cũng trông thấy, song họ chỉ nhếch mép cười chế nhạo hai kẻ điên rồ muốn làm Ngu Công phá núi mở đường và không có ý định tham gia.Nhưng Thuần Vu Kỳ lại nghĩ :- Khai thông con đường đèo quan trọng này, để bách tính đỡ phải đi xe thêm mấy trăm dặm, chính là việc đáng làm. Ta và Hách Nham đều có thần lực bằng mười người thường, lẽ nào lại không san nổi đống đất đá kia?Chàng liền bảo họ Hách :- Ta và ngươi là người vũ dũng song suốt đời chỉ hành động vì bản thân, chưa hề đóng góp gì cho xã tắc. Vậy thì hôm nay chúng ta sẽ đem sức hỗ trợ hai ngươi kia khai thông đèo Trung Sơn.Hách Nham tôn kính chàng như thần thánh nên vui vẻ tán thành, đánh xe lên đèo. Đến nơi, Thuần Vu Kỳ vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra hai kẻ hữu tâm lem luốc ấy là một lão già râu tóc bạc trắng và một nữ nhân thon thả tuổi hai mươi mấy.Hai người này dừng tay nhìn thầy trò Thuần Vu Kỳ với ánh mắt nghi hoặc. Lão nhân tủm tỉm hỏi :- Phải chăng công tử định giúp thầy trò lão phu làm công việc ngu xuẩn này?Chàng có tướng mạo sang trọng, lại mặc võ phục gấm tốt nên trông rất giống một gã trai nhà giàu vô tích sự.Thuần Vu Kỳ cung kích vòng tay đáp :- Tại hạ là Thuần Vu Kỳ cùng bằng hữu là Hách Nham, xin dược phép góp chút sức mọn với lão trượng.Hách Nham nghe chàng nhận mình là bằng hữu, lòng tràn ngập niềm hân hoan và cảm kích. Tuy đã cam chịu thân phận nô bộc song dẫu sao lời nói kia cũng làm gã vô cùng khoan khoái.Lão nhân tóc bạc nghiêm giọng :- Công việc này kéo dài hàng tháng, liệu ngươi có kham nổi hay không? Lão phu không cho phép bỏ cuộc đâu đấy nhé.Thuần Vu Kỳ tư lự đáp :- Một tháng cũng không sao. Cùng lắm tại hạ không đi Thánh Hỏa lâm nữa.Nữ lang kia ranh mãnh hỏi :- Té ra công tử trên đường đi tham dự Đại hội tỷ võ chiêu phu của Thánh Nữ Long Thiện Lan.Chàng ngượng ngập lắc đầu rồi nói lảng sang chuyện khác :- Từ nay cô nương sẽ phụ trách nấu ăn, không làm việc nặng nữa. Cô nương hãy dùng cỗ xe đi xuống núi mua thật nhiều thực phẩm và kiếm thêm ít dụng cụ cho bọn tại hạ.Hách Nham mau mắn mở hầu bao trao cho cô ả lọ lem kia hai trăm lượng bạc tiền giấy. Nàng vui vẻ nhảy lên xe đi ngay, chẳng để ý đến bộ dạng dơ bẩn đầy đất bùn của mình.Ở đây, Thuần Vu Kỳ và Hách Nham cởi áo bắt tay ngay vào việc. Thân hình rắn chắc đầy những bắp thịt khỏe mạnh của họ khiến cho lão nhân rất hài lòng.Hai người hợp lực di chuyển những tảng đá to, nặng đến một, hai ngàn cân, xô xuống vực thẳm mé tả.Lão nhân gật gù khen ngợi, dùng xẻng hốt đất đá vụn, hoặc ôm những tảng đá nhỏ hơn. Đối với những tảng đá nặng đến năm, sáu ngàn cân thì lão nhân tóc bạc phải hợp lực cùng hai người trẻ kia. Với những thanh sắt rèn lớn bằng cổ tay và phương pháp đòn bẫy, ba người hành động thật hữu hiệu, làm được một khối lượng công việc khá lớn.Tối đến, bốn người xuống đèo tắm rửa ở núi rồi nghỉ ngơi ở trong lều. Đèo bị tắc nên chẳng còn ai qua lại cả, những hàng quán gần chân đèo cũng dọn sang đầu con đường ngược Bắc. Bọn Thuần Vu Kỳ liền mượn một căn nhà vắng chủ để tránh những cơn mưa dữ dội.Chàng đã biết lão nhân kia họ Cù còn nữ lang tên gọi Tiểu Lan. Nàng ta không khai rõ họ song Thuần Vu Kỳ chẳng tiện hỏi thêm. Chàng cũng biết nàng ta khá đẹp dù mặt hoa luôn lem luốc bởi lọ nghẹ.Sau nửa tháng cùng làm việc, Cù lão và Tiểu Lan đã khéo léo dò hỏi được vài điều về gia cảnh Thuần Vu Kỳ. Tuy nhiên chàng trai đất Khai Phong đã khác xưa, chỉ nói ra những sự thực vô hại, bởi chàng nhận ra Cù lão và Tiểu Lan đều có võ công cao siêu, dẫu họ không mang vũ khí.Đào bới thêm ba ngày nữa thì Thuần Vu Kỳ nhặt được một chiếc hộp bằng đồng dầy, méo mó vì bị đá đè. Cũng đã đến lúc nghỉ trưa nên chàng gọi hai người kia dừng tay để xem vật lạ.Lão nhân mỉm cười :- Kỳ nhi là kẻ hảo tâm nên không chừng được trời ban cho vật quý. Ngươi mở ra xem nào.Hách Nham mau mắn dùng Tỏa Nhuệ kiếm cậy nắp hộp, mừng rỡ lấy ra một thanh cổ kiếm có vỏ và chuôi bằng đồng đen, trên vỏ khắc nổi hoa văn long phụng và bốn chữ Đại Triện: “Trạm Lư Bảo Kiếm”.Gã hớn hở trao cho chủ nhân thanh bảo kiếm thời Xuân Thu. Thuần Vu Kỳ rút ra xem thử, thấy nước thép sáng loáng, tỏa ánh xanh ngời và hơi lạnh rợn da mặt mình.Chàng tra lại vào vỏ rồi kính cẩn dâng cho Cù lão :- Việc mở đường là chủ trương của lão bá, tiểu điệt chỉ là kẻ noi gương. Do vậy, vật báu này thuộc về lão bá.Cù lão và Tiểu Lan vô cùng kinh ngạc trước đức độ của Thuần Vu Kỳ, ngơ ngác nhìn nhau, Tiểu Lan vui vẻ nói :- Kỳ ca là kiếm khách, nếu có được thanh thần kiếm Trạm Lư này thì mới có thể xưng vô địch, sao lại từ chối?Thuần Vu Kỳ mỉm cười :- Cù lão bá và cô nương cũng là kiếm khách chứ đâu phải mình tại hạ. Chỉ cần nhìn những nốt chai trong lòng bàn tay của nhị vị là biết ngay. Hơn nữa tại hạ đã có bảo kiếm Tỏa Nhuệ cứng rắn vô song nên không cần đến Trạm Lư nữa.Cù lão thì nói :- Lão phu mà lấy thanh Thần kiếm này thì hóa ra là kẻ vì lợi mà phá núi hay sao?Ngươi nhặt được thì cứ giữ lấy mà dùng.Thuần Vu Kỳ nhất quyết không nhận khiến Hách Nham vô cùng tiếc rẻ, thầm trách chủ nhân là người cố chấp. Với thanh Trạm Lư, chàng thừa sức giết Hồng Hoa Tiên Cơ và Thánh Hỏa giáo chủ. Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy song Hách Nham biết chàng xử sự rất đúng đắn.* * * * *Cuối tháng sáu, bốn người đã khai thông được đèo Trung Sơn trước thời hạn dự kiến mấy ngày. Nếu chờ đợi quan lại địa phương hành động thì chắc phải mất cả năm sau họ mới chịu động tay động chân. Phần vì các quan thiếu trách nhiệm, phần vì áp lực của những kẻ thu lợi trên con đường nhánh hướng Bắc. Đèo Trung Sơn bị ách tắc thì hàng hóa, người ngựa phải tập trung qua đường ấy, đem lại lợi nhuận cho các quán trọ phạn điếm, tửu quán ở dọc đường.Tiểu Lan đã nấu một bữa tiệc nhỏ để mừng sự thành công, cũng là tiệc chia tay vì Thuần Vu Kỳ và Hách Nham sẽ quay lại Trung Nguyên, không đi Ngọc Môn quan nữa.Nhưng Tiểu Lan lại đưa ra một ý lạ :- Thuần Vu đại ca. Tiểu muội có cách đưa đại ca đến Thánh Hỏa lâm đúng hẹn. Nhưng đại ca phải đáp ứng tiểu muội một điều kiện.Có thể đi kịp mà không đi là trốn tránh trách nhiệm trước võ lâm và Trương chân nhân, vì vậy, Thuần Vu Kỳ phấn khởi đáp :- Nếu được vậy thì ngu huynh xin đội ơn hiền muội. Còn điều kiện kia thế nào, xin nàng cứ nói.Tiểu Lan mỉm cười :- Tiểu muội quen dùng kiếm dài nên thích thanh Tỏa Nhuệ hơn Trạm Lư, mong đại ca đổi cho tiểu muội.Thuần Vu Kỳ biết ngay đối phương muốn mình phải nhận thanh Thần kiếm nên nói thế. Nhưng chàng tha thiết muốn hoàn thành sứ mệnh mà sư phụ đã giao phó nên đành phải chấp thuận. Chàng điềm đạm nói :- Thanh Tỏa Nhuệ kiếm là vật mà gia mẫu đã ban tặng, ngu huynh quả là không muốn xa rời. Nhưng nay vì đại cục võ lâm, ngu huynh xin trao lại cho Lan muội. Mong Lan muội cố giúp ta đến Ngọc Môn quan trước ngày rằm tháng tám.Cù lão cười ha hả :- Ngươi cứ yên tâm đổi kiếm. Lan nhi mà giữ thì cũng chẳng khác nào ngươi giữ.Tiểu Lan đỏ mặt nguýt sư phụ rồi đổi kiếm cho Thuần Vu Kỳ. Nàng đã lau sạch mặt mũi, để lộ một dung nhan xinh đẹp, đặc biệt nhất là đôi mắt khá sâu, long lanh như nước hồ thu.* * * * *Sáng đầu tháng bảy cỗ xe song mã khởi hành vượt đèo Trung Sơn, Thuần Vu Kỳ và Tiểu Lan ngồi trên xe, Hách Nham làm xà ích. Cù lão ở lại Lục Bàn sơn vì đây là nơi ẩn cư của ông ta.Tiểu Lan chẳng hề biết một con đường tắt nào ngắn hơn quan đạo song nàng lại biết rất rõ những điểm thay ngựa dọc đường. Cứ mỗi trăm dặm là nàng ra hiệu ghé vào một nơi nào đó và lập tức cặp ngựa đuối sức kia được thay bằng ngựa khỏe, lương thực và nước uống lại đầy xe.Ba ngươi thay nhau làm xà ích, kẻ mệt thì có thể ngả lưng nghỉ ngơi trong thùng xe rộng rãi êm ái. Trừ những lúc họ tiêu tiểu, tắm rửa, lúc nào cỗ xe cũng lăn bánh, bất kể ngày đêm.Những lúc Hách Nham đánh xe, Thuần Vu Kỳ và Tiểu Lan có dịp chuyện trò, tình cảm ngày càng sâu đậm. Biết chàng nghi ngờ lai lịch của mình, Tiểu Lan giải thích :- Gia phụ là chủ của mục trường lớn nhất vùng Ngọc Môn quan, thế lực bao trùm hai phủ Cam Châu, Túc Châu, nên tiểu muội được giới buôn ngựa nể mặt.Thuần Vu Kỳ tin ngay vì phần lớn những nơi nàng ghé vào đều là chỗ bán ngựa.Cam Túc là vùng đất cao nguyên khô cằn lạnh giá, chỉ thích hợp cho việc trồng cỏ để muôi gia súc như dê, cừu, lừa, ngựa. Đất đai rộng mênh mông nhưng dân cư thưa thớt nên vào thời nhà Minh, Cam Túc chỉ là hai phủ thuộc tỉnh Thiểm Tây. Mãi đến thời nhà Thanh sau nay Cam Túc mới được tách riêng ra, trở thành một tỉnh vùng Tây bắc.Sau bốn mươi ngày kiêm trình, cỗ xe song mã đến thành Đôn Hoàng. Tiểu Lan cáo biệt ngay ở cửa Đông thành và không hề ngỏ lời mời Thuần Vu Kỳ ghé nhà chơi.Chàng rất mến cô gái vùng quan tái này nhưng không có ý định tiến xa hơn nên không hề lưu luyến. Lúc trở lên xe chàng mới phát hiện Tiểu Lan để lại thanh Tỏa Nhuệ kiếm và lấy đi trường kiếm của Hách Nham. Cả ba thanh kiếm đều dựng trong góc thùng xe, việc Tiểu Lan lấy lầm hay cố tình thì không thể hiểu được.Khách võ lâm đã tràn ngập các khách điếm trong thành nên thầy trò Thuần Vu Kỳ đành phải đi tìm nhà dân mà ở trọ. Cỗ xe loanh quanh mãi mà chưa tìm được nơi thích hợp, nhưng may thay, ai đó đã chận đầu xe, hớn hở gọi :- Đại công tử.Ngươi này chính là con ma cờ bạc Đỗ Xung. Vậy là bọn Linh Miêu Tẩu đã đến trước và cho người đón Thuần Vu Kỳ.Đỗ Xung xuống giọng nài nỉ :- Lát nữa về đến nơi, mong công tử nói rằng thuộc hạ đã đón người ngay cửa Đông. Hôm nay là phiên trực của thuộc hạ, vì lỡ ngồi vào xòng tài xỉu gần đấy nên không nhìn thấy xe của công tử đi qua.Thuần Vu Kỳ phì cười gật đầu hỏi lại :- Thế ngươi thắng hay thua?Đỗ Xung đắc ý vênh mặt :- Bẩm thắng chứ làm sao thua được. Gã hồ ly người Mông kia đã bị thuộc hạ vét sạch túi.Nói xong gã rảo bước dẫn đường, Hách Nham đánh xe đi theo. Cửa sổ trên thùng xe mở rộng nên Thuần Vu Kỳ có thể quan sát nhà cửa hai bên đường phố trong thành.Cam Túc là vùng đất biên giới, giáp với Thanh Hải, Tây Vực, Mông Cổ, có rất nhiều dân tộc thiểu số như Hồi, Tạng, Đông Hương, Dụ Cố, Bảo An, Mông Cổ, Ca Dắc, Thổ, Mãn... Đôn Hoàng lại sát với Vạn Lý Trường Thành, cách ải Ngọc Môn quan không xa, nên cách xây dựng nhà cửa trong thành mang đậm nét Hồi giáo. Người Hán không nhiều song luôn là những kẻ giàu nhất, sở hữu bầu hết các lầu quán, hiệu buôn trên hai phố chính.Thuần Vu Kỳ đặc biệt chú ý đến tòa Thánh đường Hỏa Giáo đồ sộ ở khu vực trung tâm thành Đôn Hoàng. Về mặt kiến trúc, thánh đường này là sự kết hợp giữa phong cách Hồi giáo và phong cách chùa chiền Trung Nguyên. Mái vòm chính của Thánh điện có dạng tròn, quét vôi trắng toát nhưng các góc của những mái ngói lưu ly vàng đều cong vút lên. Trên nóc vòm Thánh đường là hình tượng ngọn lửa đang bốc cao, được sơn đỏ rực, trông rất sinh động.Thuần Vu Kỳ đã nhìn thấy rất nhiều những tòa Thánh đường như thế này nằm rải rác suốt con đường từ Lan Châu đến đây, nhưng tòa Thánh đường ở Đôn Hoàng là lớn hơn cả. Xem ra thế lực của Thánh Hỏa giáo bao trùm cả hai phủ Cam, Túc.Cuối cùng Sầu Diện Đổ Quỷ Đỗ Xung đã đưa Thuần Vu Kỳ đến một tòa gia trang cổ kính ở gần cửa Tây thành Đôn Hoàng. Trên tấm bảng nứt nẻ đã phai màu vì mưa nắng, vẫn còn mấy chữ Tiễn Triện: “Lư gia trang”. Thuần Vu Kỳ đoán rằng chủ nhân có họ hàng với Huyền Cơ thư sinh.Người trong tòa đại sảnh giữa sân gạch mừng rỡ kéo ra đón Thuần Vu Kỳ. Họ gồm Linh Miêu Tẩu, Huyền Cơ thư sinh, Nam Tái Độc Thần, vợ chồng Tử Bất Y, Hoàng Bưu, Ngô Phương và Kình Thiên đại hiệp Tiết Cao Vân.Tiệc tẩy trần đã bày sẵn vì ba vị thầy bói là Kha Nhất Tuyền, Lư Thiếu Kỳ và Lạc Anh Châu đều khẳng định Thuần Vu Kỳ sẽ đến trước giờ Ngọ hôm nay. Té ra tay nghề của họ cũng khá cao cường.Trong bữa tiệc hôm ấy, cả nhà thích thú nghe kể về công cuộc khai thông đèo Trung Sơn và tìm thấy Trạm Lư bảo kiếm. Linh Miêu Tẩu cười khanh khách :- Lão họ Cù ấy chính là Lục Bàn sơn chủ Cù Quí Dồn, cao thủ số một vùng Tây bắc này. Lão ta tuổi đã gần trăm không ngờ vẫn còn sống.Tử Bất Y Vệ Túc Đạo trợn mắt hỏi thẳng :- Này hiền tế. Thế ngươi có định lấy con nha đầu Tiểu Lan gì đó không?Lão già lỗ mãng này đang đánh ghen dùm ái nữ là Vệ Tích Cơ. Cử tọa nghe vậy phá lên cười ngất. Thuần Vu Kỳ thì hổ thẹn đáp :- Bẩm nhạc phụ. Tiểu tế chẳng dám có ý ấy.Nhưng Độc Cơ Lạc Anh Châu đã lườm nguýt ông chồng già và tươi cười bảo Thuần Vu Kỳ :- Dẫu hiền tế không muốn đa mang cũng không được. Lão thân đã nghiên cứu kỹ cung thê thiếp của ngươi và có thể khẳng định rằng ngươi phải vướng dây tơ hồng một lần nữa.Vệ Túc Đạo đắc ý mỉa mai :- Lão phu biết ngay mà. Kỳ nhi tính nết trăng hoa, đi đâu cũng lăng nhăng với đám nữ nhân, chẳng giống lão phu và cha của y chút nào.Kình Thiên đại hiệp Tiết Cao Vân bênh cháu liền nói kháy họ Vệ :- Tại hạ có cảm giác rằng Vệ lão huynh đang ghen với số đào hoa của Kỳ nhi.Bọn Hoàng Bưu khoái chí đồng thanh tán thưởng :- Tiết lão gia nói phải. Bọn thuộc hạ cũng thấy thế.Vệ Túc Đạo đỏ mặt sừng sộ :- Các ngươi không được nói bậy. Lão phu có vợ đẹp như tiên, sao lại phải ghen với ai. Lão phu chỉ ghét tính đa mang, làm cho gia sự rối ren mà thôi.Nhưng thực ra, trong thâm tâm Tử Bất Y cũng thầm tự hỏi rằng chẳng lẽ mình ghen thực.Linh Miêu Tẩu xua tay bảo mọi người im lặng rồi nói :- Đa mang là tật xấu, nhưng nếu lần này Kỳ nhi lấy được Thánh Nữ Long Thiện Lan của Thánh Hỏa giáo, mang lại thanh bình cho võ lâm Trung Nguyên thì cũng là điều nên làm. Để xem tình hình thế nào rồi lão phu sẽ quyết định sau. Giờ thì Kỳ nhi cứ nghỉ ngơi rồi làm quen với thanh Trạm Lư bảo kiếm. Nó ngắn và nhẹ hơn Tỏa Nhuệ kiếm nên ngươi sẽ khó mà xuất chiêu cho chính xác được.Kha lão nói rất chí lý vì các đại kiếm thủ không thể sử dụng vũ khí lạ mà chiến đấu. Hiện tại nếu dùng Trạm Lư bảo kiếm để đánh nhau, mũi kiếm của Thuần Vu Kỳ sẽ luôn luôn cách mục tiêu một gang tay vì chàng đã quen với độ dài của Tỏa Nhuệ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương