Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 46: Cá sấu lên bờ (1)



Mưa nhỏ dần rồi dứt hạt, mọi người quay lại việc của mình giống như được nghỉ giải lao giữa giờ. Hôm nay nương và An ca về trễ hơn mọi lần, gương mặt hai người có vẻ không vui. Mai đến xem giỏ bàng, đường và dầu đều bán hết. Nương còn mua một miếng thịt lợn và xương nữa. Vậy chuyện gì xảy ra?

Lúc ra ruộng, Mai nhổ cỏ gần An ca hỏi:

– Trong chợ có chuyện gì sao?

A An gật gật rồi kể. Chưa kịp ra khỏi chợ thì trời mưa nên nương và hắn ghé vào sạp đồ gốm trú mưa, có mấy người khác cũng vào. Một vị bá mẫu thở dài nói hôm kia mưa lớn ở miệt Giá Khê. Cá sấu theo nước tràn bò vào con rạch cạn ven rừng.

Gần đó có mấy gian nhà đang sống, có một con sấu cắn và lôi xuống sông một đứa nhỏ và một người lớn mà không ai hay. Đến gần chiều người nhà không thấy hai mẹ con về mới đi tìm. Chỉ thấy máu loang bờ rạch và dấu vết còn sót lại. Người đàn ông và con trai lớn đau đớn gào thét rất thương tâm.

Sáng hôm sau hai cha con mang rìu và cây mác đi lần theo dấu vết con cá sấu để lại lần tìm vào rừng. Hai hôm nay không thấy hai cha con trở lại. Người dân trong làng chỉ biết thở dài nhìn ngôi nhà bỏ hoang, lo là dữ nhiều lành ít.

Cá sấu rất ít vào khu vực đó nên người dân không đề phòng. Có lẽ cơn mưa liên tục mấy ngày làm nước dâng lên cao nên chúng không ở tiếp vùng nước sâu mà mò vào trong rạch nước cạn hơn. Nó ăn mồi rồi có thể không đi nữa, cả làng đang rất lo lắng, tìm giết nó hay dời đi?

Dời đi thì biết đi đâu? Ở đâu quen đó, còn mồ mã cha ông, rồi bà con dòng họ. Một khi đi là coi như bỏ lại hết, mất luôn liên lạc. Còn giết cá sấu, nói dễ hơn làm. Dưới nước là giang sơn của chúng, huống chi người ta không thể cả ngày đi canh chúng. Còn phải lo làm ruộng, đi săn, đánh cá kiếm ăn nữa.

Lên rừng gặp cọp, xuống sông gặp sấu, còn rắn độc xung quanh nữa. Cuộc sống nơi vùng đất hoang sơ này không dễ dàng chút nào.

Giá Khê cách vũng Đông Hồ không xa, cách một ngày xuôi ghe theo sông lớn nên tin tức cũng được truyền đến. Lưu bá mẫu lo lắng qua nhà Mai nói chuyện với nương. Mấy ngày nữa Tương huynh sẽ về, bá mẫu trông đứng trông ngồi.

– Phía Long Hồ đông người hơn chắc không nguy hiểm gì đâu, tẩu đừng lo lắng quá. Hơn nữa Nguyễn bá và nhị huynh đều lão luyện sẽ lo cho a Tương.

– Cha ta nói miệt Cà Mau còn nhiều thồ lộ hơn, chúng to lớn và dữ tợn lắm.

Cá sấu hay ngạc ngư là cách gọi chính văn, dân gian thường gọi thồ lộ là do đặc điểm đôi mắt nó lộ trên mặt nước. Đêm xuống, đôi mắt nó đỏ rực dưới ánh đèn. Người ta đồn nhau là do linh hồn oán hận của các nạn nhân của nó. Họ muốn người sống cảnh giác nó nên biến mắt nó thành hai đóm lửa trong đêm. Người xưa tránh né cách gọi chính thống, giống trường hợp con cọp (gọi là ông ba mươi) do kiêng kỵ.

– Mấy ngày nữa nhà Lưu tam thúc vào đây.

Bá mẫu đổi sang chuyện nhà Lưu bá, Lưu tam thúc trong lời bá mẫu là em trai của ông nội Tương huynh. Ông có bốn người con trai và ba con gái, sống ở làng chài gần gò Lộc Trĩ. Ba người con gái đã gả ra ngoài, còn lại mấy gia đình con trai đều sống chung, cùng đi đánh cá. đọc chương mới tại dienvan.space

– Vào chơi sao?

Nương hỏi, nhìn Lưu bá mẫu nghi hoặc, hình như đoán ra cái gì.

– Là có việc?

– Ừ, là muốn vào trong này sống, chỉ là … haiz là tam đệ a Chí vào.

Cả hai người đều im lặng một lúc, Mai ngồi cạnh thấy lạ nhìn hai người, Cúc tỷ nói nhỏ trong tai Mai.

– Muội không nhớ a Ngọc giật rách lưới nhà mình sao?

Mai mơ hồ không nhớ được, nhưng chắc là nhà tam bá Lưu Chí và con gái a Ngọc đó không được mọi người hoan nghênh lắm. Lưu bá mẫu là người hay nói, hay cằn nhằn nhưng tính tình rất tốt, rất sảng khoái. Vậy mà bá mẫu có vẻ không thích nhà Lưu Chí bá hẳn là có nguyên nhân.

Buổi trưa mười ngày sau, mấy đứa nhỏ ăn cơm trưa không yên. Và cơm nuốt canh thật nhanh rồi cùng nhau chạy ra con rạch trước nhà. Nương cười lắc đầu nhìn bọn nhỏ, đúng là con nít!

Bình ca và thất thúc đang kéo cây thốt nốt bây giờ là chiếc ghe lườn nhỏ từ sân ra con rạch, kéo nó từ từ xuống nước. Chiếc ghe rất nặng, chìm xuống một nửa rồi nhích cái nổi lên. Thất thúc lấy cây sào bằng gỗ tràm, từ trên cầu gỗ bước xuống ghe. Mấy đứa chăm chú nhìn theo thất thúc đang chống ghe lướt trên dòng nước:

– Được rồi, được rồi.

A Phúc la lớn rồi nhảy nhót đòi lên ghe, mấy đứa chen nhau muốn lên. Bình ca và An ca đứng dưới nước vịnh thành ghe cũng hứng chí bừng bừng chống tay trèo lên. Hai bên lực không đồng thất thúc loay hoay không chống được ngã nhào xuống, chiếc ghe cũng lật úp.

Ha ha ha,

Ba đứa nhỏ trên cầu không phúc hậu chút nào, cười trêu nhìn ba đứa lớn loi ngoi dưới rạch. Vĩnh ca nhảy xuống phụ lật chiếc ghe lên, không dễ chút nào!

Buổi trưa hôm đó bọn nhỏ thay phiên nhau chèo ghe lườn thô lậu tới lui qua nhà Lưu bá, ngược lên vũng Đông Hồ không biết mệt. Chiếc ghe nhỏ quá mỗi lần chỉ chở được hai ba đứa. Cả đám trèo lên là nó chìm xuống luôn.

– Cha, ngày mai thúc và con làm khung uốn gỗ được không?

Thừa thắng xông lên, Bình ca mạnh miệng xin cha cho hắn bắt đầu đóng khung uốn gỗ như Mai vẽ hôm trước. Cha gật đầu đồng ý, ông còn mong làm thử ghe hơn là a Bình. Nhưng mà ông cũng phải nghĩ chuyện kiếm tiền để dành trong nhà nên vẫn theo Bùi ông dựng nhà.

Ăn cơm xong trời chưa tối hẳn. Mấy đứa nhỏ bu xung quanh hình vẽ cách làm khung uốn gỗ lúc Mai vẽ xuống nền đất. Chen nhau tính xem ngày mai cần làm gì.

Sáng hôm sau trời chưa sáng hẳn, cha dẫn theo Bình ca vào rừng tràm ven sông chặt cây, thất thúc chống ghe lườn đi theo. Chặt được một đám cây thì để lên ghe chèo về, đỡ tốn sức và có thể thay phiên nhau chở. Cha về trước đi dựng nhà trong làng còn ôm theo một ôm trứng nhỏ màu xanh da trời.

– Vịt nước đến mùa đẻ trứng rồi.

Thấy Mai đang săm soi từng quả trứng, gương mặt cười rạng rỡ, ông nói thêm:

– Chiều nay cha thử làm bẫy, bắt được con nào để nương làm thịt kho cho con ăn.

Ông nói thử vì ông không biết làm. Hôm trước nghe mấy người đàn ông làm nhà hỏi nhau cách làm bẫy tốt, ông lắng nghe nên biết. Ở làng chài sẽ không đi săn thú, đặt bẫy chim cò như ở đây. Thậm chí việc trồng lúa, trồng khoai cũng là lần đầu làm. Có nương cùng với thê tử biết trồng chỉ dẫn nên ông làm cũng đâu ra đó, không đến nỗi không thu hoạch được gì. Lần đầu hơi khó khăn, ông ráng vất vả rồi sẽ làm được.

Thật ra cha đã hiểu sai nụ cười hớn hở của Mai. Mặc dù thèm ăn thịt gà vịt nhưng không đến mức híp mắt như vậy. Cô cười vì đã có trứng để thử bếp ấp trứng rồi.

Vịt nước  không ấp trứng như gà mái mà chúng đẻ trứng ở những nơi có độ ẩm và nhiệt độ ổn định sau đó trứng tự nở ra vịt con. Do đó tỷ lệ trứng vịt nở con thấp hơn gà nhưng vịt khoẻ mạnh hơn. Mà vịt mái đẻ nhiều trứng hơn, thời gian đẻ từ sáu đến chín tháng trong một năm, giống kiểu đẻ bù.

Cha đi một lát thì Tương huynh và Lưu bá mẫu đến. Hơn một tháng không gặp Tương huynh hình như cao hơn, da hơi đen, tay chân rắn chắc. Bá mẫu vui vẻ nói chuyện với nương, mang rổ tre có mấy gói kẹo và hai túi vải gai.

– Kẹo cho mấy đứa nhỏ, cái này là đậu phộng, còn cái này là khoai sọ. Khoai này trong đó trồng nhiều, ăn béo mà thơm nữa, nấu với gạo nếp thành chè. Nhị ca nói nhà chúng ta trồng thử xem sao. Thím chọn đất cao, tưới nước rồi đào lỗ đặt chúng vào, giống như trồng khoai lang.

Mai nhìn túi khoai sọ bá mẫu đang cầm, củ nhỏ hơn hiện đại nhưng đúng là nó. Có thêm món ăn mới rồi, mong là chúng sống được trong đất nhiễm mặn. Cô không nhớ rõ cách trồng khoai sọ lắm, ở Long Hồ có củ giống rồi không lo là sau này không có nữa.

Tác giả: VRSS

(1) Con nít miền nam hay chơi trò chơi ” cá sấu trùm beng” (chữ trùm beng không rõ lắm, lúc nhỏ chỉ biết hát chứ không đọc được). Trò chơi này có định ra một chỗ là dưới sông, chỗ khác cao hơn chút là trên bờ. Sẽ có một đứa là bị làm “cá sấu” rượt mấy đứa còn lại là “người”. Nếu ‘cá sấu” đụng trúng một đứa nào đó ở chỗ sông thì đứa đó bị bắt thay làm cá sấu. đọc chương mới tại dienvan.space

Mấy đứa “người” hay nhảy nhảy ngay mép bờ, hát:

“Cá sấu trùm beng, ai nuôi mầy lớn, dạ thưa thầy con lớn một mình con”

Lúc nhỏ không biết, cứ miệt mài chạy giỡn trong trò chơi. Khi lớn lên, đọc về lịch sử khẩn hoang miền nam mới biết được bài đồng ca đó được hình thành từ rất nhiều xương máu và nước mắt của con người trong cuộc chiến sinh tồn mấy trăm năm trước.

Con nít không biết gì nên tiếng ca cứ trong trẻo, vui tươi. Người lớn nghe hát thì xót xa nghĩ đến chuyện xưa.
Chương trước Chương tiếp
Loading...