Hành Trình Nắm Giữ Nguyệt

Chương 36: Bến đò



Ngày hôm sau, hai người sáng sớm liền vào Tinh trấn, đại khái là vì Chiêu vương lúc này dừng chân ở đây, cho nên trấn cổ nho nhỏ, trừ bỏ vẻ phồn hoa vốn có, lại tràn ngập một bầu không khí trang nghiêm. Trong Tinh trấn, có một tiệm trà nhỏ, tuy nhỏ, nhưng vị trí vô cùng tốt, ngay ngã tư đường, có thể trông về phía xa Thanh Sơn đối diện cùng Nghiệp thành, gần thì có thể thấy sông Tinh Nguyệt.

Tiệm trà khách chủ yếu là người lái thuyền, sắc trời còn sớm, tốp năm tốp ba ngồi ở tiệm trà. Những tia nắng ban mai chiếu rọi, ánh mặt trời sáng sớm thoải mái nhu hòa, không hề nóng nực, nhàn nhạt từng tia chiếu trên sông Tinh Nguyệt, một mảnh sáng trong. Thuyền đỗ đầy ở bến, Hách Liên Chi hỏi qua, giờ Tỵ thuyền mới có thể lái, hai người ở tại tiệm trà chờ đợi, Tiểu Nguyệt có chút hoảng hốt, không có tâm tình thưởng thức cảnh đẹp dọc theo sông, trong lòng cực kì buồn bã.

Bên cạnh là một ông lão gần đất xa trời, trên mặt có chút phong trần mệt mỏi, nhìn như người diễn xiếc tha phương, bởi vì không chỉ một mình, ông mang theo hai bé gái, bên hông treo một cái trống. Hai bé gái ước chừng mười hai mười ba tuổi, mặt mày thanh tú, một người ôm chiếc đàn tỳ bà đã cũ nát, ngồi ở chỗ kia uống nước trà ăn lương khô, một chút một chút, cực kì thanh tú. Một hồi ăn xong, trong đó một đứa nhìn lớn chút hỏi lão giả nói: "Ông nội người nói xem, mấy ngày hôm trước, vị ca ca chúng ta cứu ở gần miếu ngoài sông đã tốt chưa? Người nói hắn sao có thể đến được chỗ bờ sông trước miếu chứ, nếu không phải chúng ta nhìn thấy, không biết đã thế nào a, phương trượng đại sư bảo hắn bị thương cực kỳ nghiêm trọng " 

Ông lão sờ sờ đầu nàng nói: "Chúng ta muốn nhúng tay cũng không được, thế nhưng mệnh là do trời thôi, nhưng con nhìn hắn tuy thương tổn cực kỳ nghiêm trọng, nhưng thần trí lại rất rõ ràng, vẫn biết cho chúng ta chút đồ để tạ ơn ân cứu mạng, có thể thấy được là không có việc gì đâu". Nói xong từ bên hông tháo xuống một túi tiền, quơ quơ nói: "Bên trong là một thỏi một lượng bạc a, chúng ta có kiếm vài năm cũng không đủ. Ông xem hắn không giống người bình thường, nhìn tướng mạo là biết đây là một người có thể ra trận làm tướng quân, vào triều làm thừa tướng, cũng không biết quý nhân này gặp rủi ro gì" 

Tiểu Nguyệt vốn không nghe bọn họ nói chuyện, nhưng bắt gặp túi tiền trong tay, Tiểu Nguyệt không khỏi kinh hãi, vội vàng đứng lên, tiến lên ôm quyền, vội vàng nói: "Lão gia gia vãn bối hữu lễ, có thể cho ta xem túi tiền vừa rồi không, nó hình như là của ca ca ta" 

Ông lão đánh giá Tiểu Nguyệt phút chốc, cầm túi tiền đưa cho Tiểu Nguyệt, tay Tiểu Nguyệt thậm chí có chút không tự chủ khẽ run, túi tiền trong tay đích xác là của ca ca, ví như nói cái khác, Tiểu Nguyệt thật sự không thể kết luận, nhưng cái này, nàng chính mắt thấy Minh Tuệ thêu thật lâu, trên túi tiền là một con hổ xuống núi, cực kỳ uy vũ sinh động, đặc biệt là ánh mắt. Minh Tuệ dựa theo đề nghị của Tiểu Nguyệt, dùng kim tuyến đen và kim tuyến màu xanh thêu, dưới sự phản xạ của ánh mặt trời, ánh mắt như đang sống dậy, cực kì sinh động.

Mặt khác góc phía dưới bên trái túi tiền, là Tiểu Nguyệt chấp bút viết tên Hổ Tử để Minh Tuệ thêu lên, cho nên ấn tượng rất rõ, lại nói Tiểu Nguyệt viết là thể chữ Nhan, thời đại này không ai viết, cho nên cái này thật sự là của Hổ Tử, đại biểu cho, Hổ Tử thật sự không chết, hắn còn sống.

Hách Liên Chi đi đến bên người nàng nói: "Xem ra cái này thật là của ca ca ngươi, hắn quả nhiên là phúc lớn mệnh lớn" 

Tiểu Nguyệt gật gật đầu, từ trong bao quần áo lấy ra một thỏi vàng, đưa cho ông lão nói: "Thứ này người cứ nhận lấy, coi như quà tạ lễ, túi tiền có thể cho ta được không? Mặt khác người có thể nói tường tận lai lịch của túi tiền này không" 

Ông lão hiển nhiên không nghĩ tới có vận khí tốt như vậy, chối từ hai lần cũng nhận, hơn nữa đem sự tình trước sau tường tận kể ra, nguyên lai bọn họ thật sự gánh xiếc giang hồ, hát một ít khúc, múa chút tạp kỹ để kiếm sống, thường xuyên hành nghề ở một toà thành bất kỳ xong lại chuyển toà thành khác. Mấy hôm trước vừa đến Tinh trấn, ban ngày diễn ở trong chợ, buổi chiều lại đến Dung Nguyệt tự ở bên sườn tây tá túc, Dung Nguyệt tự tuy rất lớn, hương khói cũng vượng, nhưng phương trượng Tuệ Không đại sư lại rất từ bi, đem một phần sườn viện Tự Miếu chia ra, dành riêng cho người tới tá túc.

Sườn viện cách chính điện rất xa, nằm sát Tinh trấn phía tây Liên Vân sơn, sân phía trước cách đó không xa là một nhánh sông nhỏ, nghe nói thông với sông Tinh Nguyệt. Buổi chiều ba ngày trước, bọn họ trở lại miếu tá túc,trên bờ sông chợt phát hiện một thiếu niên đang hôn mê bất tỉnh, bị nước sông trôi dạt vào. Cả người bị bọt nước làm trắng bệch, nhưng vẫn còn thở, vì thế ông lão vội đem vào miếu, tìm đến Tuệ Không đại sư trị liệu cho hắn, Tuệ Không đại sư y thuật cực kỳ cao, chỉ một đêm, hắn liền tỉnh dậy, biết ông lão là người cứu hắn, liền đem túi tiền tùy thân đưa cho lão giả để tỏ lòng biết ơn.

Tiểu Nguyệt sốt ruột nói: "Như thế hắn chưa nói hắn tên gì sao" 

Ông lão nói: "Rất tiếc, hắn không nhớ rõ mình là ai, thế nhưng Tuệ Không đại sư nói, sẽ dùng châm cứu chữa khỏi cho hắn, chỉ cần một thời gian dài thôi" 

Tiểu Nguyệt vội vàng hỏi: "Ông bảo Dung Nguyệt tự nằm ở phía tây trấn đúng không" 

Ông lão gật gật đầu, lúc này cần lên thuyền, nhà đò không ngừng thét to mời chào khách, ông lão cùng hai bé gái cáo từ Tiểu Nguyệt đi lên đò, Hách Liên Chi nói: "Chúng ta lập tức đi Dung Nguyệt tự nhìn xem" 

Tiểu Nguyệt suy nghĩ phút chốc nói: "Không, bản thân ta đi, ngươi thay ta đi một chuyến đến Nguyệt Thành, tìm chỗ an toàn để giấu cha mẹ ta, tránh phát sinh tai họa. Phải nhanh, ta thật sự sợ hãi, mới vừa có tin tức của Hổ Tử, sợ cha mẹ ta có gì bất trắc. Ta biết, xin ngươi làm chuyện này thì có chút không đúng, nhưng tựa như ngươi nói, nếu là bằng hữu, chúng ta là tri kỷ cả đời, ta sẽ không khách khí" 

Hách Liên Chi sắc mặt tối sầm lại, biết lúc này vẫn chưa phải thời điểm, đôi mắt chớp lóe nói: "Được! Vậy ngươi phải cẩn thận, ta an trí xong cha mẹ ngươi, sẽ tới tìm ngươi" 

Tiểu Nguyệt gật gật đầu, đưa hắn tới bến đò, Hách Liên Chi đi lên đò, đứng ở mũi thuyền, bình tĩnh nhìn Tiểu Nguyệt nói: "Ngươi phải bảo trọng" 

Đò chậm rãi rời khỏi bến, gió sông thổi bay vạt áo hắn, trông hết sức tự tại, mãi đến khi bóng dáng cao ngất ở đầu thuyền dần xa khuất, thấy không rõ, Tiểu Nguyệt mới xoay người lại, vội vàng hướng Tinh trấn đi đến, Tinh trấn không tính lớn, nhưng có quân đội của Chiêu vương hạ trại lần hai nên rất náo nhiệt, Tiểu Nguyệt vừa đi vừa hỏi thăm, đến chỗ Dung Nguyệt tự, đã là sau giờ ngọ.

Thời tiết có chút nóng, nơi này rất kỳ quái, theo lý thuyết vùng đất này lệ thuộc phương Bắc nên mát mẻ mới đúng, nhưng tháng sáu nơi này so với Nguyệt Thành ngược lại nóng hơn rất nhiều, bởi vì vội vả chạy đi, trên trán Tiểu Nguyệt xuất hiện một tầng mồ hôi mỏng, may mà tóc đều cột lên, nếu không thật sự muốn nóng chết. Đến phía trước Dung Nguyệt tự, Tiểu Nguyệt không khỏi có chút cảm thán, thật không thể tưởng được, nơi này còn có tòa cổ tháp khí thế trang nghiêm như vậy.

Diện tích rất rộng, Tự Miếu bên cạnh tường vây, vẫn kéo dài đến núi Liên Vân, cửa lớn cực kỳ khí phái, mặt trên là ba thể chữ lệ màu vàng "Dung Nguyệt tự". Cửa chùa mở rộng ra, có mấy tăng lữ dọn dẹp ở trong viện, thiện nam tín nữ lui tới bái Phật không tính nhiều, chỉ lưa thưa vài người, Tiểu Nguyệt liếc mắt một cái, mặt trời đã đứng bóng, nhất thời hiểu rõ, sau giờ ngọ quả thật không phải thời giờ tốt để lễ Phật.

Tiểu Nguyệt bước vào tự, nghênh diện là cái lư hương rất to, tuy khách hành hương rất ít, nhưng trong lư vẫn đầy hương khói lượn lờ bay lên theo gió. Bước vào tự, Tiểu Nguyệt nhất thời cảm giác một trận mát rượi, chính giữa là Đại Hùng bảo điện, hai bên là những tán lá cây ngô đồng rộng lớn, tán cây rất lớn, lá cây to, đứng nghiêm che khuất ánh mặt trời sau giờ ngọ, khiến trong viện hết sức mát mẻ. Một trận gió phất lên, tiếng vang rào rạc, thanh thúy êm tai, kèm với tiếng tụng kinh gõ mõ trong đại điện truyền ra, thật sự khiến linh hồn con người như được gột rửa, cảm nhận mọi thứ đều như mây trôi, cái gọi là trong Trộm chốn phù sinh được nửa ngày, chính là như vậy, lúc nhàn hạ đến nơi này ở lại một lúc cũng không tệ.

Thế nhưng với tâm tình hiện tại của Tiểu Nguyệt, dường như cách nhàn nhã rất xa, cúi đầu thở dài, nhấc chân rảo bước vào trong điện, chính giữa đại điện là một tượng phật giống Thích Ca Mâu Ni, từ bi ngồi đấy nhìn xuống chúng sinh, bên cạnh là khách tăng tuổi không lớn, ngồi trên một cái ghế, cầm trong tay bút lông, có lẽ đang ghi lại tính danh của người tới làm công đức. Tiểu Nguyệt đứng trước mặt hắn, tiểu hòa thượng ngẩng đầu nhìn Tiểu Nguyệt một cái nói: "Nữ thí chủ là tới cúng điếu ư" 

Tiểu Nguyệt lắc lắc đầu nói: "Ta muốn tìm phương trượng Tuệ Không đại sư, có chuyện quan trọng cần hỏi đại sư, thỉnh báo lại một tiếng" 

Tiểu hòa thượng khó xử nói: "Hôm nay sư tổ có khách quý, đang ở thiện phòng luận kinh, phân phó không thể quấy rầy, thí chủ không bằng ngày mai trở lại" 

Tiểu Nguyệt âm thầm cân nhắc, có chút khó xử, chính mình hôm nay cần gặp Tuệ Không đại sư, bằng không Hổ Tử làm sao bây giờ, thấy trên bàn có giấy Tuyên Thành, lại nghĩ ra chút chủ ý vội nói: "Như vậy ngươi cho ta mượn giấy bút dùng, ta viết cho đại sư một tấm bái thiếp, ngươi cứ thay ta đưa vào, nếu đại sư vẫn không muốn gặp ta, ta cũng không khó xử tiểu sư phó nữa" 

Tiểu hòa thượng hai tay hợp thành chữ thập, trầm thấp niệm a di đà phật rồi nói: "Giúp người việc thiện, chính là bản thân làm việc thiện, thí chủ mời" 

Dứt lời đem bút đưa cho Tiểu Nguyệt, Tiểu Nguyệt nhắc bút, nghĩ nghĩ, trên giấy rất nhanh viết mấy hàng chữ, đưa cho tiểu hòa thượng nói: "Làm phiền tiểu sư phó " 

Tiểu hòa thượng nói: "Thỉnh thí chủ chờ" xoay người ra khỏi đại điện, không quá nửa nén nhang, tiểu hòa thượng liền quay lại nói: "Nữ thí chủ sư tổ mời người về thiện phòng phía sau viện nói chuyện, mời đi theo ta" 

Tiểu Nguyệt cười cười, đi theo hắn vào hậu viện, kỳ thật Tiểu Nguyệt viết bất quá là một câu danh ngôn, trước kia xem qua trên mạng. Phật dạy: Người ta có hai mươi sự khó: Bần cùng mà bố thí là khó; Hào quý mà học Ðạo là khó; Bỏ thân mạng ắt chết là khó; Ðược thấy kinh Phật là khó; Sanh gặp đời có Phật là khó; Nhịn sắc, nhịn dục là khó; Thấy tốt mà chẳng mong cầu là khó; Bị sỉ nhục mà chẳng tức giận là khó; Có thế lực mà không lạm dụng là khó; Gặp việc mà vô tâm là khó; Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó; Dẹp trừ tánh ngã mạn là khó; Chẳng khinh người chưa học là khó; Thực hành tâm bình đẳng là khó; Chẳng nói thị phi là khó; Gặp được Thiện-tri-thức là khó; Học Ðạo, thấy được tánh là khó; Tùy duyên hóa độ người là khó; Thấy cảnh mà không động là khó; Khéo biết phương tiện là khó.

Sau cùng Tiểu Nguyệt viết một câu, Tín nữ hiện giờ gặp sự khó sau cùng, hy vọng được đại sư từ bi giải bày, giải phương tiện khó khăn của tín nữ. Tuy mưu lợi, nhưng chẳng phải rất hữu dụng sao.

Hậu viện Dung Nguyệt tự, nói thế nào nhỉ, khiến Tiểu Nguyệt cực kỳ giật mình, xinh đẹp đến nỗi có thể làm người ta quên mất nó chỉ là một Tự Miếu. Xuyên qua hai cái cửa hông mới đến hậu viện, vừa vào hậu viện đập vào mắt là một rừng hoa đào màu hồng nhạt, từng cụm nở rộ trên cành, gió vừa động, hoa như mưa rơi ào ạt buông xuống, cảnh đẹp như mơ. Cũng không biết vì sao, đầu tháng sáu còn có thể thấy hoa đào, đã qua kỳ hoa rồi mà.

Hoa rơi đầy trên mặt đường nhỏ lát đá, trên đường lát từng mảnh hoa đào, phía cuối đường mơ hồ có thể thấy những hiên nhà ngói xanh thanh nhã. Tiểu hòa thượng hai tay hợp thành chữ thập, đứng ở một bên nói: "Thí chủ, sư tổ phân phó một mình người vào, bần tăng cáo từ" 

Dứt lời cũng không chờ Tiểu Nguyệt nói gì, xoay người rời khỏi hậu viện. Tiểu Nguyệt lắc đầu, thoáng chỉnh nho bào trên người, bước trên đường nhỏ, dẫm xuống cánh hoa mà đi, Tiểu Nguyệt có một ảo giác như tìm được chốn đào nguyên. Một cơn gió nhẹ lướt qua, từng cơn mưa hoa đổ xuống, đóa hoa rơi trên vai Tiểu Nguyệt, tựa như tiên cảnh. Thiện phòng phía trước chợt vang lên một tiếng rồi cửa mở ra, một nam tử bước tới, mưa hoa rơi tựa như mộng cảnh, Tiểu Nguyệt không khỏi chết đứng tại chỗ.

*Trộm chốn phù sinh được nửa ngày: Câu thơ trong bài Đề Hạc Lâm tự bích (Đề trên tường chùa Hạc Lâm) của nhà thơ đời Đường, Lý Thiệp, ý là trong cuộc sống bận rộn trộm được chút khoảnh khắc an nhàn. Ở đây thì mình kiếm được trong bài Đăng Sơn  http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=558

** Phật dạy: Người ta có hai mươi sự khó. Cho ai có hứng thú http://www.thegioiphatgiao/dactrung/... 0-dieu-kho
Chương trước Chương tiếp
Loading...