Hành Trình Về Thị Trấn Buồn Tênh

Chương 03



Biển xanh trong

___ Andy_Duong ___

Cửa biển chiều nay thật lộng gió, những tia nắng cuối ngày nhấp nhô, rũ rượi trên mái đầu bạc phếch của sóng. Ầm ầm, tiếng sóng mơn man vỗ đều vào bờ cát. Chiếc tàu đánh cá ưỡn bờ ngực vạm vỡ ra hứng trọn những cú dập giòn tan của sóng biển. Hết con sóng này tới con sóng khác thay nhau đọ sức với tàu cá, dập phải, dập trái liên hồi, dường như những con sóng muốn dìm chết chiếc tàu lẻ loi giữa biển trời bao la, mênh mông và xanh th

Gió bắt đầu thổi mạnh, mây đen từ phía chân trời ùn ùn kéo tới, phút chốc cả mặt biển nhuộm dần một màu mực xám xịt. Nhìn từ xa, mặt biển giống như vết mực đen đang loang dần, loang dần và chực chờ nuốt lấy bờ cát. Ánh sáng vàng vọt, yếu ớt của ngày tàn cũng bị đám mây đen nuốt gọn lẻm như một miếng mồi ngon.

Mưa! Những hạt mưa đến thật vội vàng, thật náo động. Những hạt mưa trút vội xuống mặt cát đang nóng ran vì một mùa khô đổ lửa. Chẳng mấy chốc mưa đã mang cái mát lạnh bao trùm lên mọi thứ, dịu dàng và tinh khiết.

Ngồi trong nhà nhìn ra ngoài sân chỉ thấy mù mù một màu trắng xóa. Mấy đứa con nít quanh xóm cởi trần trùng trục nhào ra sân tắm mưa. Ừ, tắm mưa cũng vui thật, mấy tháng nay trời có mưa giọt nào đâu. Đám trẻ nghèo héo hon như cọng cỏ khô vừa oằn mình trong mùa nắng, phút chốc có cơn mưa về gột rửa vừa mát lành vừa hả hê.

Chị Hai tôi đội chiếc nón lá tưa tải, dầm mình trong cơn mưa vừa chạy vào nhà vừa kêu:

- Út ơi! Mày chạy ra bãi đậu coi phụ Dũng kéo cái tàu cá vô, nó bị đứt thừng rồi. Tao tranh thủ qua kêu thêm mấy người trong xóm ra giúp.

Dứt lời, chị tôi lại chạy vù trong mưa, dáng người phụ nữ lúp xúp, lúc ngả lúc nghiêng từ từ khuất sau màn mưa. Tôi tất tả chạy ra bãi đậu, những hạt mưa to rơi bộp vào má, đập vào lưng rát rạt, có cái gì đó tê tái lại hiện lên trong tôi. Từ cái ngày mưa bão mà tía tôi đi biển không trở về được nữa cũng là cái ngày mà tôi thấy sợ mưa bão nhất, một nỗi sợ sâu thẳm đau đớn và đầy ám ảnh.

Dũng đang gồng mình quấn lấy sợi dây thừng căng sức kéo chiếc tàu to bè về phía đất liền, dù đã ngắm Dũng từ sau lưng nhiều lần nhưng trong lúc này tôi lại thấy Dũng khác đi rất nhiều. Đó một sự rắn rỏi, mạnh mẽ và kiên định của một người đàn ông thực sự. Tôi bước lại gần nắm lấy phần cuối sợi dây thừng cuộn tròn trong tay và kéo. Không cần nhìn lại, Dũng cất tiếng nói trong tiếng rè của nhịp thở:

- Em ra đây chi vậy? Không ở nhà với má đi! Ngoài đây mình anh với mấy anh em khác cũng được mà. Dạo này má hay đi lung tung

Ghì một cú thật mạnh, tôi đáp:

- Để anh ngoài đây chắc anh sẽ bị cái tàu này lôi đi mất quá. Trời mưa chắc má không ra ngoài đâu. Chị Hai kêu mấy anh em khác rồi về trông chừng má, anh yên tâm đi.

Dũng “ừ” một tiếng rồi kéo tiếp, giằng co một hồi lâu cuối cùng con tàu đánh cá cũng cập bãi an toàn. Tôi thở phì một tiếng:

- Anh thấy sao nếu em đi biển?

Dũng nằm sóng xoài ra mặt cát, nhìn tôi và đáp:

- Biển còn ám ảnh với em như vậy sao Hải?

Câu hỏi của Dũng làm tôi ngây người trong giây lát, đúng vậy biển đã ăn sâu vào tâm hồn tôi từ bé với những ước mơ và hoài bảo xa xôi. Bài học đầu tiên tôi được Tía dạy chính là biển cả, và ngược lại biển cả cũng dạy cho tôi một bài học đau đớn, mà cái giá phải trả đó chính là Tía tôi.

Dũng choàng dậy ôm tôi vào lòng và thì thầm:

- Trả biển cả về quá khứ đi em, đừng giữ làm gì. Mình về nhà thôi, Má đang đợi đó.

Tôi ngoảnh nhìn về phía mặt biển, gió chướng thổi vù qua kẽ tai mang theo vị nồng chát đắng. Cửa biển chiều mưa, sóng vỗ ầm ầm mang theo nhưng mái đầu bạc phếch cuộn trào và vỡ tung thành bọt trắng.

Đường về nhà mưa rả rích, những hạt mưa không còn to lớn nặng nề mà kéo dài lê thê. Hàng phi lao rũ rượi, những chùm bông trắng muốt tả tơi theo gió, tiếng sóng biển vọng theo âm ỉ và khàn đục.

Vừa về tới nhà, chị tôi hất hả vẻ mặt lo sợ chạy ra:

- Không thấy má ở trong nhà Hải ơi!

Người tôi chết lặng, tôi người và cố lục lại trong trí nhớ của mình là má thường đi đâu. Một cái gì đã nảy ra trong đầu mà tôi chưa định hình được nhưng có một điều tôi biết là mình đang chạy như một người điên băng qua gò cát.

Đồi Mộ Gió chiều mưa thật ảm đạm, những đám cỏ sóng xoài bên ụ cát. Má tôi tay cầm một chiếc áo ướt sũng rũ rượi bên nấm mộ của Tía. Tôi thấy trái tim mình thắt lại, cổ họng như bị ai bóp nghẹt không thở được mà chỉ ngước nhìn má tôi ngồi rì rầm bên mộ Tía:

- Ông tệ thiệt! Chiều sắp ra khơi mà không thèm mang theo cái áo khoác lên người, để ình mẩy đen thui như con khô cá đuối.

Tía mất cũng đã hơn nửa năm nay nhưng đối với Má tôi thì Tía vẫn sống, vẫn ra khơi đều đều. Ngày Tía cùng sáu người trên tàu không trở về sau cơn bão cũng là ngày mà Má tôi lúc tỉnh, lúc mê như bây giờ.

Ngày đó má cầm chiếc áo của Tía ra bãi biển gọi tên Tía suốt đêm, gọi mãi gọi mãi. Chiếc quan tài chỉ để gọn lỏn vài bộ đồ của Tía, đồi Mộ Gió lại có thêm một người mới đó là Tía tôi. Gió rít qua ngọn cây như một tiếng ré của con nít mới chào đời.

Ngày đó má cầm chiếc áo của Tía ra bãi biển gọi tên Tía suốt đêm, gọi mãi gọi mãi. Chiếc quan tài chỉ để gọn lỏn vài bộ đồ của Tía, đồi Mộ Gió lại có thêm một người mới đó là Tía tôi. Gió rít qua ngọn cây như một tiếng ré của con nít mới chào đời.

Tôi ngồi xuống cạnh Má và thỏ thẻ:

- Không về nấu cơm chiều cho Tía bỏ bụng ra khơi sao má!

Má tôi cười đáp: “Ờ há, Má quên thôi về bây!”. Tôi dìu Má về trong cơn mưa rả rích, bóng hai má con nhạt dần sau đồi Mộ Gió.

Trời đã khuya, cơn mưa đã tan, trăng non bắt đầu ló dạng. Bóng trăng nằm chênh vênh trên những rặng cây, ánh sáng dịu nhẹ lan tỏa trên từng hạt cát lóng lánh. Tiếng sóng biển vỡ òa theo gió lùa vào lạnh và rát. Tiếng võng cót két nơi tôi nằm phát ra văng vẳng và đều đều trong đêm nghe hệt tiếng thở của ngôi nhà. Nghe tiếng chị tôi nằm trở mình là tôi biết có chuyện, tôi cất tiếng hỏi:

- Có chuyện gì mà Hai ngủ không được vậy? Nói em nghe đi.

Chị tôi thở dài, chống tay ngồi dậy:

- Nói thiệt là tao thấy lo đủ thứ! Từ ngày Tía mất sao tao thấy nhà hiu quạnh, hồi đó còn có Tía cái gì khó khăn cũng có thể kham nổi, còn bây giờ tao thấy nhà mình giống như con tàu khẳm, chỉ một cơn sóng thôi là đổ nhào.

Tôi trấn an Hai bằng giọng cứng rắn:

- Giờ không có Tía thì còn có em, dù gì nhà này cũng còn đàn ông mà. Bữa trước em nói với chú Mười rồi chắc nay mai em sẽ ra khơi thôi.

Chị tôi tỏ giọng không hài lòng:

- Bỏ ngay cái ý định đó đi Hải ơi! Má với tao đã mất Tía rồi giờ mày mà đi biển nữa lỡ có mệnh hệ nào tao với má sống sao nổi, gia đình mà không có đàn ông như nhà không có cột, tao thấy chông chênh lắm Hải à.

Tôi cười khì một tiếng rồi quay mặt nhìn ra sân. Hai tôi chậm rãi nói tiếp:

- Có chuyện này tao tính như vầy. Mai tao điện lên chú Út về rước mày lên Sài Gòn học tiếp còn chuyện dưới đây tao lo. Tao tính bán cái tàu cá ở nhà được số vốn rồi buôn bán nhỏ sống qua ngày. Mày thấy sao?

Nói xong hai đưa mắt về phía tôi như chờ câu trả lời. Tôi lặng lẽ đáp:

- Em đi Sài Gòn yên phận còn Má với Hai ai lo? Em không yên tâm. Vả lại còn một số chuyện em chưa giải quyết được Hai ơi...

Chị tôi đáp một cách nhanh gọn:

- Chuyện mày với thằng Dũng chứ gì?

Tôi tròn mắt ngạc nhiên hỏi:

- Ý chị là sao vậy?

Hai tôi đáp liền:

- Chuyện của hai đứa bây cả xóm đồn ầm lên. Ai cũng nói tụi bây có vấn đề, con trai với nhau mà suốt ngày quấn lấy nhau, chẳng đứa nào chịu có bạn gái, người ta nói tụi bây bệnh bê đê.

Tôi ngồi dậy kiếm ấm trà rót một ly và uống, lần nào tui cũng pha ngót nửa nắm tay trà khô vậy mà lần này khi uống sao thấy chát đắng. Tôi nhăn mặt vì miệng vẫn còn vị đắng dai dẳng. Chị tôi nhìn rồi thở dài:

- Tao không biết chuyện của hai đứa là như thế nào nhưng có một điều tao thấy Dũng nó rất tốt với mày và gia đình mình. Ở đời sống không hổ thẹn lương tâm là được rồi còn chuyện ai nói gì thì đó là chuyện của họ mày đừng nghĩ nhiều nữa.

Tôi tần ngần một hồi lâu:

- Dũng sắp lấy vợ rồi Hai ơi. Nghe đâu là con của bà chủ tàu cá bên kia đất liền.

Hai nhìn tôi ái ngại:

- Cái này tao cũng có nghe người ta nói. Vậy cũng tốt cho nó chứ bám miết cái cù lao ven biển này có mà chết đói. Đời Tía đời tao cứ quanh quẩn nơi này suốt đời cũng chỉ đủ miếng cơm vào miệng là cùng.

Tôi hỏi nhỏ Hai tôi một câu:

Tôi hỏi nhỏ Hai tôi một câu:

-Có phải yêu một người là suốt đời không quên được đúng không Hai?

Chị tôi lẩn tránh ánh mắt của tôi và đáp:

- Quên được chứ sao lại không!

Tôi cười gượng:

- Nếu quên được thì Hai ở vậy chờ anh Sang làm gì!

Chị tôi ngùi ngùi, thở dài và nhìn xa xăm:

- Tao ở vậy không phải là vì tao không quên được anh Sang mà đó cái gì máu thịt trong người rồi, cũng giống như Má đợi Tía, giống như người đàn bà khác chờ chồng, chỉ vậy thôi.

Chợt nghĩ, bến đợi của Má tôi là bến đợi trong mơ, bến đợi quá khứ với một biển trời xanh thẳm và hình ảnh của Tía trong những ngày cá đầy ghe. Bến đợi của chị tôi là bến đợi của tương lai với những hy vọng, ấp ủ và vị tha. Còn tôi với Dũng chỉ như những con thuyền trên đại dương xa xăm, trôi nổi, vô định phải chăng vì chúng tôi không có được cái bến đợi đầy bản năng của những người đàn bà.

Trong đầu tôi lại hiện lên một con tàu trôi trên mặt biển êm ả, không gian yên tĩnh đến nỗi có thể nghe cả chất muối và những con sóng ngầm cứa vào mạn thuyền âm thầm, rạn vỡ.

Tiếng máy nổ giòn tan, rẽ nước đưa từng đoàn người băng qua cửa biển. Tôi mân mê con tàu vỏ sò mà Dũng tặng. Một nỗi nhớ mông lung về những mùa gió chướng nơi đồi Mộ Gió, có ai đó và tôi nghịch cát, có ai đó cùng tôi trồng cây phi lao nhỏ, có ai đó ngồi yên cho tôi tựa vai vào mỗi khi buồn. Nhớ những con sóng bạc đầu khẽ cuộn mình trên đại dương sâu thẳm, nhớ về Tía về Má, chị Hai… những người quen trong cuộc đời tôi, tất cả bình yên và đẹp đẽ.

***

Mấy đứa con nít chơi nhà chòi cười nói rôm rả. Cửa biển chiều nắng vàng ươm, gió thổi hàng phi lao lất phất những chùm hoa trắng. Đứa bé gái mở đôi mắt tròn xoe, nó lấy tay che ngang tầm mắt rồi quệt ngang mặt, tần ngần một hồi lâu rồi chạy vào nhà kêu ré lên:

- Má! Má!

Người đàn bà dáng lom khom lựa cá sau nhà, hất cái nón lá lên nhìn đứa bé hỏi:

- Chuyện gì vậy Dương! Sau không chơi nhà chòi với bạn vô kêu má có gì không?

Con bé cười toe toét:

- Má thấy gì hông? Út về kìa!

Chị tôi bỏ thõng mấy mớ cá, quàng một tay cặp nách con bé chạy ra trước. Tôi mỉm cười

- Bộ lâu lắm không gặp hay sao mà nhìn em dữ vậy Hai, đưa bé Dương em ẵm xíu, nhớ quá chừng.

Chị tôi cười xòa hỏi:

- Dạo này trên Sài Gòn không việc gì làm hay sao mà về đây mậy?

Tính chị tôi là vậy, vui lắm nhưng lúc nào cũng hỏi lý do này nọ, càng ngày thấy chị càng giống Tía. Cái tính chi li, tỉ mỉ thì không cần phải nói, giống hệt.

Tôi quàng bé Dương sau cổ bước vô cửa:

- Má dạo này sao rồi Hai, mùa này chắc bội thu cá. Biển lặng quá chừng.

Chị tôi chưa kịp trả lời thì tiếng má tôi vọng ra:

- Hải về hả bây! Lần này về chơi bao lâu vậy!

Má tôi lót cót xách cái ấm trà từ bếp lên, đặt ấm trà uống bàn, hớt nửa nắm trà cho vào ấm rồi nói:

- Dạo này dưới quê cũng văn minh lên nhiều, điện đã về tới tận cái nơi khỉ ho cò gáy này, ai cũng vui hết. Chẳng mấy chốc xóm này có xe máy luôn cho xem.

- Dạo này dưới quê cũng văn minh lên nhiều, điện đã về tới tận cái nơi khỉ ho cò gáy này, ai cũng vui hết. Chẳng mấy chốc xóm này có xe máy luôn cho xem.

Tôi bỏ túi xách và bé Dương xuống giường, cởi cái áo sơ mi ra rồi nói:

- Con thấy Má cũng văn minh lên rồi đó! Kiểu này chắc lên chuẩn gia đình văn hóa luôn há Má.

Má tôi cười khì, hớp ngụm trà rồi nói:

- Mày chọc Má hả, lên gia đình văn hóa bộ dễ lắm hả con. Nghe mấy chú trên xã nói còn xét nhiều thứ tùm lum hà mậy ơi.

Dứt lời, Má tôi lại nhìn xa xăm ra hướng

- Giờ này chắc Tía bây cũng sắp về rồi à. Tranh thủ nấu cơm đi.

Như thường lệ tôi chỉ biết nhìn Hai cười rồi lỏn xuống bếp mà thôi. Biển chiều thật lặng. Tôi nhìn Hai hỏi:

- Chị nói cho bé Dương biết chưa? Biết nó không phải là con ruột của chị.

Hai tôi nhóm bếp khói nghi ngút, mắt cay xè đáp:

- Con nít có biết gì đâu mà nói, nghĩ cũng tội, ba nó đi biển gặp bão rồi mất tích. Má nó sinh nó ra rồi qua đời. Thấy thương nên tao nuôi, nhà có con nít cũng vui mày à.

Tôi gật gù “ừ” một tiếng. Hai lấy cái ghế nhỏ đưa tôi ngồi rồi nói tiếp:

- Mày biết tin gì chưa?

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Chuyện gì vậy Hai?

Chị tôi dụi mắt đáp:

- Chuyện thằng Dũng đó, nó ly dị vợ rồi. Giờ nó đi tàu cá cho chú Mười trong xóm, thỉnh thoảng nó cũng sang nhà thăm Má với tao, nhiều khi còn mua kẹo cho con Dương nữa. Tội lắm mày ơi! Tao biết nó sang chủ yếu chỉ để hỏi thăm mày là chính. Có lần nó còn xin tao địa chỉ mày trên Sài Gòn. Tao nghĩ chắc nó muốn lên thăm mày. Mấy lần trước mày về tao cũng tính nói ày nghe nhưng Dũng dặn tao là đừng nói ày biết.

Tôi ngần ngừ:

- Ờ, còn có gì nữa không Hai?

Ánh mắt chị tôi sắc lạnh đáp:

- Sao mày dửng dưng vậy Hải? Ít ra nó cũng thật lòng với mày mà. Giận cho lắm rồi được gì chứ, bên nào cũng đau hết mày

Tôi nhếch mép cười “Ừ” một tiếng. Gió biển cay xè và lạnh ngắt thốc vào nhà.

***

Đồi Mộ Gió chiều nay tím lịm, hoa muống biển bò rạp khắp nơi. Tôi thấy lâng lâng một cảm xúc nồng nàn của gió biển. Ánh nắng chiều xuyên nhẹ qua lớp cát mỏng, anh ánh lên thứ ánh sáng vàng sẫm của hổ phách buồn da diết. Những ngôi mộ không xác người nối tiếp nhau san sát, mỗi lúc một nhiều, mấp mô như gò bãi.

Ngoài xa, chiếc tàu cá đơn độc thi nhau với sóng và gió. Con sóng vỗ liên hồi mạnh mẽ và ráo riết, con tàu vẫn can trường gánh chịu. Một sự lẻ loi cần một bàn tay ghì siết, dù không đủ mạnh nhưng ít ra con tàu kia sẽ không đơn độc giữa muôn trùng sóng xanh.

Tiếng bé Dương gọi xé tan cái viễn cảnh cô độc của thiên nhiên nhiều lúc cứ nghĩ là viễn cảnh của mình. Tôi nhìn lại thấy Dũng và bé Dương đứng sau mình. Không hiểu sao tôi thấy lòng mình không còn trống trải nữa. Dũng tiến lại đặt bàn tay lên vai tôi và khẽ nói: “Anh sẽ cùng em ra khơi”.

Chưa bao giờ tôi nghe tiếng sóng biển thật to, thật dữ dội đến thế, thật cuộn trào và mãnh liệt. Nghĩ về cuộc đời của Má của chị Hai mà chạnh lòng, tâm luôn nghĩ về quá khứ thì cũng không đạt được, tâm luôn khát khao về hiện tại cũng không được, tâm luôn mong đợi ở tương lai càng không thể được, vị lai sinh hiện tại rồi hiện tại trở thành vãng lai, tìm kiếm không phải là con đường kết nối cả ba... những gì ta nói không được là những gì ta theo đuổi.Tôi sẽ giương buồm thẳng tiến lênh đênh trên sóng nước chòng chành của đại dương cuộc đời này để biết rằng biển không phải lúc nào cũng có vị mặn mà còn có vị ngọt của yêu thương, của tình người.

Gió chiều thật mạnh rít qua hai mái đầu dường như đã có vài sợi bạc. Xa xa, con tàu vẫn gan lì gánh chịu những trận sóng đầy thách thức. Tôi và Dũng ngước nhìn về phía bàn tay nhỏ xíu của bé Dương đang trỏ về phía chiếc tàu cá trên mặt biển xa xăm, dường như chiếc tàu cá đang phát sáng, thứ ánh sáng lấp lánh ánh hồng trên nền biển xanh trong...
Chương trước Chương tiếp
Loading...