Hát Tiễn Hoa Đào, Chờ Người Quay Lại

Chương 22: Chương 11



Thực ra mỗi người đều có một phức cảm thảo nguyên trong mình

Ra khỏi cổng thành Tây Dao, đi khoảng mười dặm đường về phía bắc chính là đất mẹ của dải thảo nguyên rộng lớn này - sông Cát Tang. Sông Cát Tang là một nhánh của Hồng Hà, tưới tắm nuôi dưỡng cho cả vùng đất này. Những người dân du mục trên thảo nguyên cũng tìm nơi gần nguồn nước để cư trú, dựng lều trại sinh sống dọc con sông.

Thân thiết với tôi nhất là tộc người của ông già Đa Luân Khắc. Tháng trước, khi tôi đi hái thảo dược thì gặp một thiếu niên bị trẹo chân lúc xuống ngựa, đó là cháu trai trưởng tên là A Tử của ông già Đa. Tôi đưa cậu ta về nhà, rồi chữa trị vết thương cho cậu ta. Đây chẳng qua là tôi tiện tay giúp người nhưng lại nhận được sự báo đáp lớn lao, con trai của lão già mang mấy con dê nướng nguyên con đến tận phủ, còn bảo tôi có thể đến chơi bất kỳ lúc nào.

Họ biết nói tiếng Hán, nhiệt tình hiếu khách, hào sảng phóng khoáng. Tôi hớn hở ra mặt, lại được biết ông già có giữ phương thuốc mật dược của dân tộc họ, thế nên nảy sinh ý đồ đen tối, rất hay đi tìm gặp họ.

Trời thu trong mát, mùa thu ở phương Bắc đến rất sớm, gió mát mơn man mang đến mùi thơm của cỏ xanh. Cỏ mọc ken dày dưới vó ngựa, mặt trời tỏa ánh nắng ấm áp, tâm trạng tôi phấn chấn hơn rất nhiều, dong ngựa cho thỏa sức đi sâu vào thảo nguyên. Hai người họ Lưu và Trương cuống quýt đi sát theo tôi.

Tôi đi về phía Bắc khoảng một tiếng đồng hồ, băng qua dốc núi cao cao, phía xa là một dòng sông sóng nước trong xanh. Chính là nơi này. Ven sông có hàng chục chiếc lều màu trắng, trông như những bông hoa trắng nở rộ trên nền cỏ xanh. Tôi hớn hở thúc ngựa chạy về phía đó.

Khi cách những chiếc lều khoảng mấy chục mét, tôi cảm thấy có gì đó không phải. Rất đông người tụ tập trước chiếc lều cắm cờ đỏ. Theo tập tục ở thảo nguyên, chỉ khi người trong bộ tộc lâm trọng bệnh hoặc khi phụ nữ sinh nở mới treo cờ đỏ trên lều.

Tôi vội vã đi tới. Một thiếu niên cao gầy mắt to nhìn thấy tôi trước, chạy lại đón.

“A Tử!" Tôi nhảy xuống ngựa. "Có chuyện gì vậy?"

A Tử nhìn thấy tôi thì mừng rỡ, chạy lại túm lấy tôi. "Mẫn tỷ tỷ đến thật đúng lúc! Tam tỷ của tôi sắp sinh rồi!"

Con gái thứ ba của ông già tên là Châu Y Na, là cô gái đẹp nổi tiếng của vùng thảo nguyên này, được gả cho quán quân của hội đua ngựa năm ngoái. Khi tôi quen cô ấy thì cô ấy đã có bầu được tám tháng, sắp sinh rồi.

"Chẳng phải còn nửa tháng nữa mới sinh sao?" Tôi hỏi.

"Tối qua tam tỷ không cẩn thận bị ngã, rồi bị đau bụng." 

Tôi nghe thấy vậy thì rất lo lắng. “Thế bây giờ sao rồi?”

“Cứ đau đến tận bây giờ, không thấy biến chuyển gì. Có một thầy thuốc người Hán đi qua nhưng người ta là đàn ông, ông nội và tỷ phu không để cho khám.”

Cậu ta chỉ về phía đó. Tôi nhìn thấy trong đám người có một người đàn ông trẻ đang kêu oai oái: “Đến lúc này rồi mà còn cố chấp chuyện đó! Có cái gì quan trọng hơn mạng người không?” Nhìn dáng vẻ thì trông người này mới giống ông chồng có vợ đang sắp sinh con trong kia.

Tôi lại gần vỗ vào vai y, y quay phắt đầu lại, là một thư sinh nho nhã khoảng hơn hai mươi tuổi, trắng trẻo gầy gò, không hề chải chuốt, lúc này đang rất kích động, mắt giương lên tròn xoe như sắp rơi ra ngoài.

Tôi cười, bảo: "Đại ca đừng kích động, có tiểu muội ở đây. Muội sẽ giúp huynh cứu người."

"Hả? Cô là ai?" Y băn khoăn. Nhưng tôi đã đi về phía chiếc lều.

Bước vào trong lều, một luồng khí tanh kỳ lạ xộc tới khiến đầu óc tôi choáng váng. Bên trong ngột ngạt khó chịu, tốì tăm không có chút ánh sáng. Châu Y Na đang thở nặng nhọc, mấy mụ đàn bà và trẻ con cuống quýt vây xung quanh. Ghê sợ nhất là còn có một bà đồng quái dị như phù thủy đang vừa nhảy vừa kêu gào quanh chiếc lều.

"Mẫn cô nương ơi!" Bà vợ của ông già - Cổ Lệ đại nương nước mắt nước mũi đầm đìa chạy vội tới. "May quá cô đến đây rồi! Cô mau khám cho Châu Y Na với!"

Tôi nắm tay bà an ủi: "Bác gái đừng lo, cháu sẽ khám bây giờ."

Tôi không theo học khoa sản nhưng mẹ tôi là bác sĩ khoa sản, tôi đã học được rất nhiều điều từ bà. Tuy tôi chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhưng cũng không đến mức bó tay hết cách.

Tôi nói lớn: "Chuẩn bị khăn sạch, nước nóng. Bà thầy cúng và trẻ con đều đi ra ngoài!"

Đám đàn bà chợt sững người. Cổ Lệ đại nương lại nói một tràng bằng tiếng dân tộc, mọi người mới đi làm theo lời tôi bảo.

Tôi lại khám cho Châu Y Na. Mặt cô tái nhợt, đầu tóc đẫm mồ hôi, hai mắt vô thần, rõ ràng là đã kiệt sức, nhưng cả người vẫn gồng cứng lại.

Tôi lật chiếc chăn vừa dày vừa nặng đắp trên người cô ra, lấy nước ấm lau khắp người cô rồi kiểm tra tình trạng của cô. Cô đã hơi tỉnh táo lại, thều thào gọi: "A Mẫn à?"

"Tôi đây." Tôi nhẹ nhàng nói. "Cô yên tâm, cô và đứa bé sẽ ổn cả. Tôi còn phải làm mẹ nuôi nữa chứ!"

Một cơn co thắt tử cung đến, Châu Y Na đau đớn đến mức mặt mũi nhãn nhó, túm chặt lấy tay tôi. Tôi nhịn đau, kiên nhẫn đợi cơn đau của cô đi qua. Mãi lâu sau, cô mới thở ra một hơi nhẹ nhõm, nói: "Tôi tin tưởng cô."

Tôi gật đầu, bắt đầu châm cứu cho Châu Y Na. Bộ châm pháp của Trương lão gia vốn dùng để làm giảm cơn co giật. Tôi to gan thay đổi công năng một chút để thích ứng với tình trạng đặc biệt của Châu Y Na.

Tôi nói: "Đã mở được tám phân, sắp sinh rổi. Cô cố gắng lên!"

Châu Y Na nín thở gật đầu.

Chiếc lầu tuy đã được thông khí nhưng người tôi vẫn lập tức đẫm mồ hôi. Sau khi được châm cứu và xoa bóp, tình trạng của Châu Y Na dần khá hơn, cơ thể căng cứng trở nên thoải mái, hơi thở cũng nhẹ nhàng hơn. Sau khi cô cố gắng ăn một bát canh bổ thì cũng có chút sức lực để chống chọi với những cơn đau thắt.

Phụ nữ sinh khó có biện pháp giải quyết nhanh gọn nhất là phẫu thuật, nhưng tôi không muốn làm cách đó, thứ nhất là tôi không lành nghề về ngoại khoa, thứ hai là điều kiện vệ sinh ở đây thực sự rất kém, e rằng cứu được đứa bé, lại không giữ được mẹ.

Cổ Lệ đại nương lo lắng hỏi: ''Cứ như thế này, người lớn còn thế, trẻ con biết làm sao?"

Tay tôi vẫn không ngừng châm cứu. Mồ hôi chảy dọc theo gò má nhưng tôi không có thời gian để lau đi. Những kiến thức học được từ mẹ tôi trước đây, giờ tôi lần mò từng bước để thực hành.

Tưởng như một thế kỷ đã trôi qua, lại giống như chỉ vài giây đồng hổ, đứa bé trồi ra khỏi người mẹ, lọt vào bàn tay tôi. Tôi nhìn cơ thể tím tái của đứa bé và vòng dây rốn quấn trên cổ, lo lắng thắt lòng.

Cổ Lệ đại nương đã kêu lên trước. Đám đàn bà cũng lộ ra vẻ tuyệt vọng. Tôi quyết định nhanh, không cắt dây rốn vội mà đặt đứa bé nằm xuống rồi cúi đầu làm hô hấp nhân tạo.

Một lần, hai lần, ba lần...

Châu Y Na hỏi bằng giọng yếu ớt: "Con tôi thế nào?"

Tôi không trả lời, tiếp tục làm hô hấp nhân tạo. Đứa bé nằm đấy vô tri vô giác, như thể mọi nỗ lực của tôi hoàn toàn không có tác dụng gì với nó. Mồ hôi chảy nhòe cả vào mắt tôi.

Cổ Lệ đại nương kéo tôi ra. “Thôi, đều có số cả rồi.”

Tôi đẩy tay đại nương ra, lại cúi xuống hà hơi vào miệng đứa bé. Châu Y Na khóc òa lên. Cũng đúng vào khoảnh khắc đó, đứa trẻ kêu "oa" lên một tiếng, lồng ngực nhỏ xíu phập phồng, bắt đầu thở được. Tôi nhẹ bẫng người.

"Sống rồi! Đứa bé sống rồi!" Cổ Lệ đại nương vui mừng khôn xiết.

Châu Y Na cuống quýt cố ngồi lên. "Cho tôi xem nào!''

Tôi cắt dây rốn, lau rửa sát trùng, sau đó quấn cẩn thận cho đứa bé rồi trao vào tay Châu Y Na. Châu Y Na nhìn đứa bé, nước mắt rơi lã chã, miệng lẩm bẩm gì đó bằng thứ tiếng của dân tộc mình.

Cổ Lệ đại nương chạy lại ôm lấy tôi mà khóc. "Mẫn cô nương à, cô đúng là thiên thần được phái xuống…”

Tôi gạt mồ hôi, giờ mới cảm thấy tay chân lưng vai đều đau nhức, bèn ngồi phịch xuống thảm. Nhìn sang Châu Y Na mặt mũi rạng ngời hạnh phúc, tôi mỉm cười theo.

"Bé gái đấy!"

Châu Y Na đắm đuối ngắm con mình. "Con gái tốt, người Hán các cô có câu nói, con gái là chiếc áo bông gắn bó của mẹ."

Đứa bé dường như cảm nhận được bầu không khí vui mừng, cuối cùng cũng bật ra tiếng khóc. Tôi đón lấy đứa bé kiểm tra một lượt, nhịp tim và hô hấp của bé đều bình thường. Chồng của Châu Y Na ở bên ngoài sốt ruột không đợi được nữa, gọi tên vợ ầm ĩ. Đám đàn bà hớn hở tươi cười bế đứa bé ra ngoài cho anh ta nhìn con.

Tôi vẫn lo lắng đàn ông sẽ coi nhẹ con gái, nào ngờ vị hán tử đó vừa nhìn thấy con gái đã xúc động khóc không thành tiếng.

Ông già Đa Luân Khắc đến trước mặt tôi, cung kính thi lễ với tôi.

Tôi hoảng hồn đỡ ông ta dậy, "Bố già, bố đang làm gì vậy?" _

"A Mẫn à, cô đã cứu hai đưaa cháu của tôi, lại cứu cả con gái tôi nũa, cô đúng là quý nhân của bộ tộc chúng tôi, là khách quý vĩnh viễn của bộ tộc chúng tôi. Ân nghĩa lớn như trời này, chúng tôi phải báo đáp như thế nào mới được?"

Tôi cười. "Chữa bệnh cứu người là bổn phận của người làm nghề y, tôi chỉ là thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp mà thôi, không phải ân nghĩa gì cả, càng không có gì phải báo đáp cả."

Chồng của Châu Y Na bước lại, nói bằng thứ tiếng Hán ngọng nghịu của mình: "Mẫn cô nương à, hãy đặt cho đứa bé người đã cứu một cái tên đi."

"Tôi ư?" Tôi vừa hoảng vừa cuống. "Nhưng tôi không hiểu phong tục đặt tên của mọi người ở đây."

Ông già Đa Luân Khắc cười nói: "Thế thì đặt tên tiếng Hán vậy!"

Tôi nhìn đứa bé mặt mũi nhăn nhúm đang khóc oa oa, lại nhìn vầng tịch dương chói chang ở góc trời, nói: "Tuy sinh ra vào lúc trời sắp tối nhưng đã khó khăn vất và để đến, thoát thai hoán cốt. Ráng chiều đẹp vô hạn, chỉ tiếc lại hoàng hôn. Vậy thì đặt tên cho con là Triêu Vân nhé!"

Chồng của Châu Y Na vui mừng khôn xiết, cảm ơn không ngớt miệng. Ông già Đa Luân Khắc chỉ huy người trong tộc: "Mau đi giết dê, tối nay chúng ta sẽ mở tiệc mừng!" Rồi lại hỏi tôi: "Mẫn cô nương nhất định phải ở lại đây ăn cơm tôi nhé!"

"Cung kính không bằng tuân mệnh. Tôi không khách khí nữa." Tôi cười hào sảng, gạt phắt những dặn dò cấm cản của Tiêu Huyên sang một bên.

Mặt trời vẫn chưa khuất khỏi dãy núi, đuốc lửa đã được thắp lên. Trẻ con đang đá bóng ở gần đó. Kẻ hâm mộ bóng đá nửa mùa là tôi, lúc trước đã truyền thụ một số quy tắc sân cỏ và kỹ thuật thô sơ, được bọn trẻ nâng niu như bảo điển khiến tôi vô cùng ngượng ngùng.

Tôi đứng bên xem, bỗng nhiên nhìn thấy có một cái bóng tiến lại gần chân mình, ngẩng lên nhìn, thì ra là vị thầy thuốc người Hán cáu kỉnh lúc trước. Y mặc một bộ trang phục cũ không được vừa vặn lắm, tóc tai hơi bù xù, râu ria như mấy ngày liền không cạo. Tuy bề ngoài như vậy nhưng cử chỉ vẫn có thể nói là ưu nhã thư sinh.

Tôi cười, chào hỏi y: "Chào đại ca!"

Không ngờ anh chàng bạch diện thư sinh này lại là người hồ hởi, nhanh miệng đáp lễ: "Chào cô nương!"

Tôi hỏi: "Đại ca cũng là người Hán phải không? Không biết nên xưng hô thế nào cho phải?"

Anh chàng thư sinh cào mớ tóc rối bù, nói: "Tại hạ họ Trình."

"Trình đại ca!" Tôi nói. "Đại ca cứ gọi muội là A Mẫn, Đại ca đi ngang qua đây chăng?"

"Cũng có thể coi là vậy." Tiểu Trình nói. "Tôi lưu lạc ở phương Bắc, ở chán rồi, định đi về phía nam, mười ngày trước gặp ông già và mọi người ở đây, bèn đi cùng xuống phía nam. Vốn định hôm nay sẽ đến thành Tây Dao. Cô từ trong thành tới à?"

“Đúng vậy.” Tôi nói. "Thảo nào trước đây chưa có dịp gặp huynh. Huynh định sẽ đi đâu?"

"Cứ đi thẳng xuống phía nam, tha hương nhiều năm rồi nên muốn về thăm nhà."

Tôi cười, bỗng thấy có chút chạnh lòng. "Được về nhà thật là tốt."

"Mẫn cô nương!" Tiểu Trình ngồi xuống bên cạnh tôi, giọng thân thiết. "Là chỗ cùng ngành, tại hạ muốn hỏi cô nương cứu hai mẹ con họ như thế nào."

Tôi với y vừa gặp đã như quen biết, bèn mô tả toàn bộ việc châm cứu để thúc đẻ cho y nghe.

Bạn Tiểu Trình nghe vậy thì vô cùng hứng thú, vội hỏi: "Không biết cô nương đã bái sư ở nơi nào?"

Tôi học từ sách của Trương lão gia, nhưng cũng không thể mặt dày tự xưng là đệ tử của ông ta được, bèn cười, đáp: "Sư xuất vô danh."

Bạn Tiểu Trình nghi hoặc nhìn tôi. Trông y tuy không hào nhoáng cầu kỳ, râu ria không cạo nhẵn nhưng đôi mắt sáng quắc như nước nguồn soi thấu người ta. Y cứ thế nhìn thẳng vào tôi, dường như muốn truyền một chân lý nào đó vào ý niệm của tôi. Tôi co rúm người lại, chiếc chuông lương tâm trong đại não kêu lên ầm ĩ.

Tôi vô cùng căng thẳng. Tiểu Trình đang định nói gì đó thì có tiếng A Tử gọi: ''Mẫn tỷ, lại đây uống trà sữa!"

Tôi như thể có lò xo gắn trong người, nhảy bật lên, co giò chạy luôn. Tiểu Trình yếu ớt nói với theo: "Cô..." thì tôi đã chạy một quãng xa rồi.

Mặt trời đã khuất sau núi, lửa đuốc cháy phừng phừng, con dê bị xiên trên giá nướng kêu lách tách, mùi thơm của thịt nướng hòa với mỹ tửu tràn ngập không gian bốn bề. Tiếng cười nói hân hoan và giọng hát vang khắp nơi. Các cô gái, chàng trai tay nắm tay nhảy múa bên đống lửa.

Bạn Tiểu Trình đứng cách tôi không xa, đang cầm tay một cô gái, cười nói: "Xem tướng tay cô nương thế này, chắc chắn sẽ lấy chồng trong nhà có một đàn trâu, sau đó sinh hai con trai."

Cô gái đó nghe thấy vậy thì vừa thích vừa xấu hổ.

Tiểu Trình buông tay cô gái ra, lại quay sang nói với một chàng trai mặt mũi đang không lấy gì làm vui đứng bên cạnh: "Ái chà chà, đại ca ơi, ấn đường của đại ca đen lại rồi, chắc đang bị tắc mạch máu đó!"

"Nói cái gì vậy!" Chàng trai đó gầm gừ đứng dậy.

Tôi vội chạy lại, đẩy Tiểu Trình ra. "Nào nào, các dân tộc đều là anh em một nhà, cùng nhau nhảy múa nào.”

"Rõ là thế mà." Trình Bán Tiên vẫn chưa chịu buông.

Tôi cười, hỏi:"Bán Tiên, thế huynh xem thử tướng diện tôi thế nào?"

Tiểu Trình cười. "Xem mãi rồi. Cô nương sau này có phúc vô cùng, làm mẫu nghi thiên hạ..."

"Huynh nói gì vậy!?" Xiên thịt dê nướng trong tay tôi rơi tuột xuống đất.

Trình Bán Tiên quay giá nướng thịt. "Không nói nữa, không nói nữa. Nhân mệnh tại thiên, tiết lộ thiên cơ sẽ bị trời phạt."

"Đợi đã!" Tôi túm lấy y. "Huynh tự nhìn thấy thế, hay là người khác bảo với huynh thế." 

Tiểu Trình nửa đùa nửa thật cười bảo: "Mẫn cô nương, xem ra cô có vẻ không cam tâm. Cho dù phú quý giàu nghèo, đều là do thời vận, số phận vẫn là do mình sống thế nào. Cô nhìn thảo nguyên rộng lớn này mà xem, bát ngát vô biên, thật ra đi mãi rồi cũng có đường ra."

Không ngờ là lại gặp được tri kỷ của Lỗ Tấn tiên sinh ở nơi này, tôi cứ đứng đực ra. Tiểu Trình phẩy tay, lại chạy đi xem tướng cho người khác.

Tôi đang ngơ ngác thì bị A Tử kéo vào giữa đám đông đang nhảy múa. Tôi vốn là người vô tư, lúc này lại cười nói đùa giỡn như vậy nên nhanh chóng quên đi những lo lắng trước đó.

Nhảy mệt rồi, A Tử lại ép một ly rượu vào tận tay tôi. "Mẫn tỷ, uống nào!"

Tôi không làm bộ cân nhắc gì cả mà ngửa đầu dốc cạn. Một dòng dung dịch nóng như lửa lập tức theo thực quản chảy xuống dạ dày, rồi luồng nhiệt lại dội ngược lên, mắt tôi nóng rát, vội hạ ly rượu xuống, ho sặc sụa.

Đồng bào du mục nhìn thấy bộ dạng tôi như vậy thì cười rộ lên. Cổ Lệ đại nương cười. "A Mẫn đúng là cô gái đến từ phương Nam mà."

Nhưng sau khi luồng nhiệt nóng đó bay đi thì trong khoang miệng chỉ còn lại sự ấm áp và hương thơm tràn đầy. Tôi cảm thấy dư vị này rất tuyệt, hứng chí cao giọng đòi: "Tôi muốn uống nữa, cho tôi thêm một chén."

Bà con du mục nghe thấy vậy thì có vẻ rất vui. A Tử bèn rót cho tôi một chén đầy.
Chương trước Chương tiếp
Loading...