Hệ Thống Trung Y (Bản Dịch)

Chương 50: Hiện Trạng Của Đại Học Trung Y!



Có một nhóm người tự học trung y, cũng được xếp vào phái Sư Thừa.

Phân chia ra như vậy, bởi vì ngọn nguồn tri thức chủ yếu của một bộ phận người học tập trung y này, chính là sách cổ trung y, có bản chất khác với sách giáo khoa trong học viện.

Trình độ của những người này cũng chênh lệch không đồng đều, hoàn toàn không thể dùng một tiêu chuẩn để đong đếm.

Nhưng trên cơ bản, chỉ có rất ít người đạt tới trình độ cao.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho những bác sĩ trung y xuất thân từ phái Học Viện, hoặc nhiều hoặc ít đều sẽ xem thường những bác sĩ trung y dân gian.

Đương nhiên, bên ngoài mọi người vẫn giữ thái độ tôn trọng lẫn nhau, khinh bỉ chỉ là thái độ ngấm ngầm biểu hiện sau lưng thôi.

Nhưng khi lên tới mạng internet loại khinh bỉ này lại bị đám người kia biểu lộ thẳng thừng, không thèm che giấu.

Trần Khánh hoặc ít hoặc nhiều cũng có hiểu biết một chút về cách suy nghĩ của các bác sĩ trung y phái Học Viện, bởi vì bản thân hắn cũng xuất thân từ phái Học Viện.

Chẳng qua, từ nhỏ hắn đã lớn lên ngay tại Hán Y Đường, hơn nữa còn có không ít thời gian đi theo bên cạnh Triệu Ninh Quân học tập ông ấy, cũng coi như nửa phái Sư Thừa.

Mà cũng vì nguyên nhân có Triệu Ninh Quân, khiến cho hắn ôm thành kiến rất lớn đối với những kiến thức trung y học được từ trên trường đại học.

Vài năm trước, có lần Trần Khánh còn cầm sách giáo khoa được giảng dạy trong trường học của mình đi tới hỏi Triệu Ninh Quân, lúc ấy, ông xem xong sách giáo khoa, chỉ biết đứng yên một chỗ, chậm rãi lắc đầu, tuy một chữ cũng không nói, nhưng từ vẻ mặt của Triệu Ninh Quân, Trần Khánh rất dễ dàng nhìn ra vẻ ghét bỏ trong đó.

Hiển nhiên, ở trong mắt Triệu Ninh Quân, đống sách giáo khoa này chính là một đống giấy lộn, vô dụng.

Đây cũng là nguyên nhân vì sao Triệu Ninh Quân thường xuyên dặn dò Trần Khánh cần phải đọc nhiều sách cổ trung y một chút.

Sự thật cũng chứng minh, đúng là sau mỗi một khóa sinh viên học tập năm năm, rồi tốt nghiệp đại học Trung Y Bắc Kinh như đám người Trần Khánh, có rất ít người thực sự chữa được bệnh!

Không, đừng nói tới chuyện chữa bệnh, chỉ tính tới bắt mạch thôi, cũng chẳng được mấy người am hiểu.

Nói đơn giản thế này, đám sinh viên tốt nghiệp bọn họ chỉ có một đống lớn lý luận trong người, nói ra cũng đạo lý rõ ràng, nhưng bệnh gì cũng chẳng biết khám.

Đây là hiện trạng của đại học Trung Y.

Nếu không phải Trần Khánh có kinh nghiệm của mười mấy năm sư thừa, chỉ sợ hiện tại, hắn cũng không thể độc lập vấn chẩn được.

Suy cho cùng, trung y tuyệt đối không phải loại y học có thể sản xuất hàng loạt được!

Trần Khánh nhìn thấy có người trực tiếp châm biếm bản thân trên diễn đàn, trong lòng lập tức vui vẻ.

Kỳ thật ở trước kia, hắn cũng cho rằng hai khái niệm Đắc Khí và Khí Chí này nó khá là tương tự với nhau.

Cũng chẳng trách được hắn, bởi vì trên sách giáo khoa cũng dạy như thế, thậm chí còn có rất nhiều luận văn trình bày và phân tích trong trung y trực tiếp nêu lên lý do, vì sao "Đắc Khí" cùng "Khí Chí" lại khá tương tự với nhau như vậy.

Ừm… thoạt nhìn bọn họ đưa ra luận cứ và phân tích về tình huống này đều cực kỳ hợp lý.

Nhưng Trần Khánh vẫn có cảm giác, trong chuyện này có tồn tại vấn đề.

Bởi vì nếu ý nghĩa của Đắc Khí và Khí Chí tương tự nhau như vậy, thì vì sao trong 《 Hoàng Đế Nội Kinh 》lại phải dùng tới hai câu để tiến hành trình bày về chúng nó?

Phải biết rằng, phần lớn các bộ sách thuốc cổ đều tích chữ như vàng, nhất là 《 Hoàng Đế Nội Kinh 》.

Bộ sách này đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử, nhưng gần như không một ai từng tiến hành cắt giảm bớt câu văn bên trong.

Nếu Đắc Khí và Khí Chí giống nhau, thì vì sao có nhiều đại lão trong giới y học như vậy, nhưng chưa một ai từng có ý định cắt bỏ phần dư thừa trong cuốn《 Hoàng Đế Nội Kinh 》kia?

Sau này, Trần Khánh từng mang nghi vấn này tới hỏi Triệu Ninh Quân, ông ấy nghe xong, chỉ hé miệng cười cười, sau đó mới quay sang hỏi hắn: “Có phải ở thời điểm các giảng viên trong trường học dạy cháu về kỹ năng châm thứ, bọn họ đã nói rằng sau khi Đắc Khí cần phải lưu châm ba mươi phút hay không?”

Trần Khánh nói: “Đúng vậy, các thầy cô dạy cháu như thế.”

Sau đó, Triệu Ninh Quân mới cười giải thích: “Sở dĩ các giảng viên trong trường học dạy như thế, chính vì bọn họ cũng không quá rõ ràng, rút cuộc Đắc Khí và Khí Chí khác nhau ở đâu.”

Khái niệm "Khí Chí" được trình bày《 Hoàng Đế Nội Kinh 》như thế này.

"Châm thứ là yêu cầu, Khí Chí là hữu hiệu, nếu thực sự có hiệu quả, sẽ như gió đến mây tan, bầu trời trong xanh phản chiếu dưới mặt hồ trong sạch, đó là đạo của châm thứ" .

Nói cách khác, Khí Chí xuất hiện, là có thể rút châm!

Cổ nhân cũng không quy định, khi châm thứ nhất định phải châm bao nhiêu thời gian, bởi vì bệnh trạng của mỗi người vốn không giống nhau, kể cả những người khác nhau mắc cùng một loại bệnh, thời gian châm thứ cũng không giống nhau.
Chương trước
Loading...