Hoa Lưu Ly Không Về
Chương 04
CHƯƠNG 4/12 Buổi sáng trước khi anh Ðồng đi làm, chị Thục pha cà phê cho cả nhà uống. Ngồi uống cà phê chung bàn với anh Ðồng, Lũy bỗng nhớ tới anh Hoán, nhớ những góc quán trầm lặng nhìn ra ngoài mưa và đôi mắt u buồn của người nghệ sĩ chung tình ấy. Những đoạn thơ anh Hoán đọc cho Lũy nghe trong những lúc nhớ chị Thục thật là thê thiết, như một giọng hát muôn đời của loài côn trùng sống trong chân cỏ quạnh. Những đoạn thơ Lũy thuộc một cách mơ hồ, rời rạc. Nhưng Lũy biết anh Hoán chắc nịch trong nỗi buồn. Không hiểu sao, bao nhiêu năm rồi Lũy vẫn chưa thân quen được với anh Ðồng mặc dù anh ấy vẫn vui tính, lịch sự, ít hay hình như không có một cuộc va chạm nào tới Lũy. Anh lúc nào cũng hoà hợp với mọi người, không giận, không buồn, sống như một phiến đá theo ngày tháng. Ðôi lúc Lũy hỏi chị Thục bao nhiêu năm sống chung với anh Ðồng chị có thấy hay biết niềm vui nỗi khổ hay sự giận hờn của anh chưa. Chị Thục tránh né câu trả lời, chỉ đáp một cách gượng gạo bằng nụ cười. Lũy biết, tuy sống chung với nhau bao nhiêu năm nhưng chị Thục vẫn chưa biết hết được những cá tánh của anh Ðồng. Và đó, có phải chăng là một điều khổ tâm nhất của người vợ hiền, nhất là người vợ đó như chị Thục? Lũy nghĩ, dù sao trong hạnh phúc hiện giờ, hai người đang chịu đựng lẫn nhau. Và hình như chịu đựng lẫn nhau người ta mới tìm được hạnh phúc? Lũy biết như thế và thương chị Thục hơn. Hạnh phúc của chị là một thứ hạnh phúc tội nghiệp, anh Ðồng đúng là mẫu người công chức. Lũy biết anh Ðồng ngay từ khi anh còn học đại học. Những ngày đầu tiên anh lui tới làm quen với gia đình Lũy, Lũy đã không thể thân được. Sống hiền hoà với mọi người là không sống thật với mình, đã không sống thật với mình tức là không sống thật với người chung quanh. Lũy nói điều ấy với chị Thục và chị cũng cười vào mũi anh Ðồng. Nhưng ghét của nào trời trao của ấy. Ðúng như thế không sai. Ngược lại, anh Hoán lừng khừng, lơ đơ lãng đãng như một người vừa chui ra từ một đám mây. Anh đến với chị Thục và thân được với Lũy ngay. Còn hợp “gu” nữa là khác. Nhưng anh Hoán lại không được điểm tốt của gia đình “cái ngữ đó lấy nó chỉ tổ khổ vì nó”. Lũy biết trong cái tươi cười ở ngày xa nhau của chị Thục có một nỗi khổ đau ghê gớm mà chị cố che giấu với gia đình. Và Lũy đoán lơ mơ, hình như chị Thục đã “hờn mát” gia đình để lấy anh Ðồng. Nay, gia đình và hạnh phúc chị không hứa hẹn một sự tan rã. Lũy càng nghĩ tới ngày xưa càng thương anh Hoán. Lũy nhớ những cơn mưa trong thành phố đuổi lá me bay vàng trên những con đường, chiều Lũy và anh Hoán ngồi trong quán cà phê nhìn đôi mắt mình ngâm trong đó. Hơi cà phê và hơi thuốc làm nồng ấm hơi mưa, và gió rét đi dài theo ngày tháng rơi mất ở phía sau một khoảng đời không cho ta hay. Lũy dự định sẽ rời thị trấn này nhiều lắm là hai hôm nữa. - Cậu Lũy, cậu Lũy. Lũy quay lại cửa sổ, quả nhiên Hạnh ló đầu qua khung cửa gọi Lũy rối rít. Bàn tay buổi sáng của Hạnh, trắng và nhỏ bé như cành hoa sứ. Lũy hỏi: - Gì thế? - Buổi sáng nay làm gì cậu Lũy nhỉ? - Hạnh định làm gì? - Ðịnh rủ cậu đi biển chơi. Mình mang bánh mì với xì dầu, trưa vào trong rừng thông ăn, chiều về. Ðược chứ? - Ðược chứ sao không, nhưng hai cậu cháu đi một mình buồn chết. Hạnh tủm tỉm cười: - Cháu biết rồi. Phải cậu định nói mời thêm dì Cúc Huyền đi nữa không? Lũy cười: - Hạnh mới ăn có hai chén thạch ngoài bờ sông tối qua mà sáng nay thông minh ghê. Tối nay đi ăn thạch nữa Hạnh nhé. Hạnh xấu hổ che bàn tay lên mặt cười khúc khích. Lũy nói: - Nhưng dì Cúc Huyền còn đang giận cậu, biết mời dì có đi không? - Giận thì giận, ăn nhằm gì. Mời đi hay không là do tài của cậu. - Không, do tài ngoại giao của Hạnh chứ. - Cậu khôn ghê. Lũy phịa: - Hạnh thông minh ghê, chắc lớn lên học giỏi hơn cậu. Hạnh mà nói khéo một tí dì Cúc Huyền hết giận cậu liền. Buổi đi chơi biển hôm nay sẽ vui vẻ, trẻ trung biết bao nhiêu. Hạnh được Lũy khen thông minh, lớn học giỏi coi bộ Khoái chí, bèn tụt khỏi cửa sổ ra đứng bên cạnh Lũy hỏi: - Hạnh thông minh thật hả? - Thông minh nhất nam tử. - Cháu là con gái mà, có phải con trai đâu mà nhất nam tử. - Ấy, người ta thường ví người nào thông minh nhất thì như nam tử. Con trai mới thông minh nhiều hơn con gái. - Ấy, người ta thường ví người nào thông minh nhất thì như nam tử. Con trai mới thông minh nhiều hơn con gái. - Cũng chịu vậy đi, nhưng sao mỗi lần ba dạy toán cho Hạnh ba thường mắng Hạnh ngốc như con ốc lát. Buồn thấy mồ! Lũy đờ người ra, chối quanh: - Không phải tại Hạnh ngốc như con ốc lát, mà tại người thông minh đôi lúc ngớ ngẩn không ai bằng. Hạnh biết không, mấy nhà bác học, mấy nhà thông thái thường là chúa đãng trí. Ba của Hạnh dùng sai danh từ, đáng lẽ ra phải nói Hạnh đãng trí trong lúc làm toán mới đúng. Hạnh khoái chí hơn nữa, sau khi được Lũy giải thích. Hạnh liền xung phong ngay: - Ðể Hạnh sang nhà dì Cúc Huyền ngay bây giờ. - Này, nhớ hỏi xem Cúc Huyền giận cậu điều gì nhé? - Hạnh không quên đâu. Hạnh đi như chạy ra cổng. Lũy thấy Hạnh vòng qua bờ hồ. Buổi sáng sương mù chưa tan hết, mặc dù nắng đã lên. Con đường chạy ngang qua nhà chị Thục đã bắt đầu có những tiếng lóc cóc của vó ngựa. Mặt nước hồ nhuộm sương mù, từ trong nhà nhìn ra Lũy bắt gặp những chiếc lá rơi loáng thoáng trong sương. Hồ thật đẹp, cả buổi sáng lẫn buổi chiều. Lũy ngồi ngắt những bông hoa dại nở dưới chân thềm, nghe tiếng chim về hót trên các cành cây. Loài bướm buổi sáng đang vờn trên cổng rào hoa đỏ. Tiếng kèn lá tre của tụi trẻ con thổi bên kia bờ hồ nghe rơi rã, như những buổi trưa hè nằm dưới giàn bầu ở nhà quê nghe mục đồng thổi tù và trên đồi xa. Lũy nhớ lại từ một hình ảnh thấp bé nhất như con ngựa trời ôm dưới chân một cục than nguội nhảy trên lá bầu xanh. Mẹ Lũy vẫn bảo loài ngựa trời ôm cục than nguội từ trần gian lên thiên đàng cho trời đốt lửa. Lũy say mê nhìn những trái bầu cong cong, da non, láng bóng, đong đưa theo những cơn gió nhẹ trên giàn. Và loài bướm tìm tới hít nhụy hoa bầu, ở mãi cả ngày không về. Ngày ấy chị Thục vừa thôi kẹp tóc, Lũy và chị mỗi năm được về thăm nhà khi bãi trường. Ba tháng rong chơi ở quê nhà, Lũy thường nằm cả ngày dưới giàn bầu sai trái của mẹ nhìn bướm bay vờn và nhìn loài ngựa trời tha lửa. Chị Thục quấn quanh với những trò chơi con gái trước sân nhà. Ngày xưa, như một trái núi kỷ niệm khiến cho người ôm không hết trong hai tay, dù có thêm một đời mộng tưởng quay về. Một lúc, Lũy thấy Hạnh trở về, trong tay có một mảnh giấy nhỏ. Hạnh dúi mảnh giấy vào tay Lũy bảo: - Cậu đọc đi. Dì Cúc Huyền viết cho cậu đây. - Thư à? - Ai biết. Lũy hồi hộp kéo góc của mảnh giấy ra một cách vội vàng. Ðúng là con gái, cái gì cũng cẩn thận. Cúc Huyền đã gấp mảnh giấy làm tám, khéo léo đến nỗi Lũy mở rách mất một góc. “Lũy, Tự nhiên sao lại có chuyện với nhau khi Lũy chưa biết gì về Cúc Huyền, cũng như Cúc Huyền chưa biết gì về Lũy. Nghe Hạnh nói Lũy vu cho Cúc Huyền có bồ. Chuyện ấy không cần phải đính chánh, nhưng cứ ấm ức tại sao Lũy hồ đồ như thế. Cái “thằng đó” chả là gì của Cúc Huyền cả, nhưng Lũy nên lịch sự đừng gọi người ta là mặt “gà mái”. Huyền nói như thế chứ chả có giận Lũy đâu. Việc gì phải giận khi mình chưa thân nhau? Cảm ơn lời mời của Lũy. Trưa nay Cúc Huyền cũng phải nấu cơm như mọi ngày khác, nên không đi biển được. Cúc Huyền." Lũy bỏ mảnh giấy vào túi, cốc lên đầu Hạnh một cái nói: - Chỉ tại Hạnh xí xọn nên Cúc Huyền mới viết thư mắng mỏ cậu. - Sao lại tại cháu được? - Ðã bảo tại cháu xí xọn mà ra. Cậu nói chơi với Hạnh nghe thôi sao chạy qua học với Cúc Huyền làm gì. Hạnh ngây thơ: - Ai biết, cậu không nói trước. - Trời ơi, như thế là Hạnh biết rồi cần gì phải nói trước. Hạnh hết thông minh rồi đó. Hạnh phải thông minh mãi mới được. - Bộ cậu sợ dì Cúc Huyền lắm hả? Lũy đá văng một cục gạch: Lũy đá văng một cục gạch: - Còn lâu cậu mới sợ. - Sao dì Cúc Huyền mới la cậu sơ sơ thế mà cậu sợ cuống cuồng. - Cậu sợ bao giờ đâu? - Mặt cậu tái xanh như mấy cọng rong dưới cái hồ nước kia kìa. Hạnh đưa tay chỉ. Lũy định cốc vào đầu Hạnh mấy cái song Hạnh đã nhanh chân chạy khỏi. Lũy đuổi theo Hạnh lòng vòng qua mấy cây cột. Hạnh nhanh nhẹn như một con sóc, Lũy không tài nào tóm được. Cuối cùng Lũy ngồi bệt xuống chân thềm, tay chống cằm, nhìn những vạt nắng đi xa trên đỉnh cây. Hạnh mon men tới đứng một bên gốc cột cười: - Cậu nhát quá. - Cậu mà nhát. - Chứ còn gì nữa, bị dì Cúc Huyền trộ có một tí đã lo sợ. - Dẹp Cúc Huyền qua một bên, không nói nữa. - Vậy cậu đi chơi biển với Hạnh nhé? - Dẹp cháu qua một bên luôn, cậu đi chơi một mình. Hạnh xoay một vòng, quanh cây cột thè lưỡi dài, cười: - Chấp cậu đi trước một mình. Chiều cháu sẽ nói với ba mang xe vào rừng thông đón cậu, vì biết chắc cậu sẽ đi lạc vào rừng thông ở cả ngày cũng không biết đường về. Lũy gắt: - Cậu sẽ ngủ luôn trong rừng thông, lo gì. - Rồi dì Cúc Huyền sẽ ngạo cậu là con nai đi lạc vào rừng. Chắc là ê lắm nhỉ? Lũy bực bội trước những lời trêu chọc của Hạnh, Lũy muốn chạy bay ra biển, nằm dài trong rừng thông nghe chim ca, sóng đánh rì rào để nhớ tới Cúc Huyền, sáng hôm nay nếu có Cúc Huyền đi biển chung chắc không còn gì vui hơn. Lũy dùng chân xủi những viên sỏi dưới chân thềm. Sương đã tan hết trên mặt hồ và trên các cành lá bầu trời sáng rực những ánh nắng hồng tươi của đầu ngày. Mặt trời bây giờ chói nắng, mặt nước phẳng trong vắt, những con chim bói cá từ đâu bay đến rình mồi trên cây thỉnh thoảng lao xuống nhanh như mũi tên. Gió biển thổi vào hơi nắng, mát lạnh và thơm nồng mùi hương của hoa cỏ buổi sáng. Lũy đưa tay ngoắc Hạnh: - Này, cậu bảo. Hạnh chạy tới nhưng đứng cách một khoảng, sợ Lũy cốc lên đầu. Lũy cười: - Hạnh có qua nhà Cúc Huyền nữa không? - Ði biển hả. - Hạnh qua bên ấy chơi một chút nữa rồi về đưa cậu đi chơi biển. Ði cả ngày. Cậu sẽ bao một xe ngựa, rồi cậu làm người xà ích đánh xe ngựa cho Hạnh đi chơi như một công chúa ngày xưa đi dạo. Chịu không? Hỏi vậy chứ Lũy biết Hạnh chịu là cái chắc. Hạnh sáng mắt lên hỏi: - Qua bên ấy làm gì? Hạnh thừa thông minh để biết rằng khi người ta viết thư ình theo phép lịch sự là đương nhiên mình phải trả lời dù cho bức thư đó là bức thư trách móc mắng mỏ tận tình. - Tội nghiệp cậu Lũy quá trời. - Tội nghiệp cậu Lũy quá trời. - Vậy Hạnh mang thư trả lời đến Cúc Huyền giùm cậu nhé? - Rồi về đi biển? Cậu tình nguyện làm người xà ích đánh xe ngựa đưa cháu đi chơi? - Dĩ nhiên. - Ði đâu cũng được, cậu phải chìu cháu à há? - Cũng dĩ nhiên nữa. - Hạnh thích vào rạp ciné bằng xe ngựa hà. Lũy nhăn nhó: - Hạnh nói giỡn … hay nói đùa? - Thật đó. Cậu đánh xe ngựa vào luôn trong rạp ciné. Dám không? - Ði đâu cậu cũng dám hết. Nhưng như thế chẳng hóa ra mình điên sao. Cậu điên thì được, nhưng người ta biết cháu điên kỳ lắm. Lớn lên không có bồ, ráng chịu à. Hạnh trề môi: - Cậu nói bậy. Lũy cười: - Muốn cho cậu không nói bậy nữa cháu chạy vào nhà xé một mảnh giấy rồi mang ra đây cho cậu, cùng với một cây viết bíc. - Hạnh không có viết bíc, có viết mực tím không à. - Viết mực tím cũng được. Hạnh chạy vào nhà mang giấy và viết ra. Lũy kê cuốn vở lên đầu gối viết mấy chữ, mực tím của Hạnh pha nhạt, lại không có giấy chậm nên mực nhòa ra trên giấy trông như những chữ có bắt đèn néon, chớp loè chớp loẹt. “Cúc Huyền, Ðừng có tin lời Hạnh nói, con nhỏ chúa ba xạo. Nhưng nếu Cúc Huyền có bồ cũng chả sao, mình mới quen nhau mà ăn nhằm gì. Tôi mừng cho nữa là khác. Hôm nay định có Cúc Huyền đi chơi biển tôi sẽ mướn một cỗ xe ngựa tự đánh xe chở Cúc Huyền và Hạnh đi chơi vào tuốt trong rừng. Mùa này rừng thông chắc đẹp lắm. Lá thông vàng và phấn thông cũng vàng theo gió bay trên bãi cát, đồi núi. Chúng ta sẽ ở trong ấy suốt ngày. Cúc Huyền không đi, buồn thật. Chúc hôm nay nấu cơm không khét." Lũy vẽ thêm dưới tên mình một chiếc lá. Xong gấp mảnh giấy lại đưa cho Hạnh cười: - Xong rồi. Hạnh làm sứ mạng của một nhà ngoại giao đi. - Chứ không phải làm người phát thư riêng của cậu và dì Cúc Huyền à? Tuy cằn nhằn, nhưng Hạnh cũng chạy vèo đi, vì lời hứa của Lũy ngon lành quá. Lũy vào nhà trả giấy viết cho Hạnh rồi ra ghế xích đu của anh Ðồng nằm. Tự nhiên Lũy như một cậu học trò mới đi thi lần đầu tiên chờ đợi ngày kêu kết quả, lóng nga lóng ngóng trước cổng trường chờ gọi đến tên mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương