Hộc Châu Phu Nhân

Chương 5: Cỏ Xanh Sương Phủ Trắng Ii



Gió mùa đông nam từ ngoài biển thổi vào mang theo hơi ẩm oi bức, vượt ngàn dặm từ nam lên bắc, lúc đến được đế đô thì đã ráo hoảnh, phả vào mặt ran rát, cũng chẳng đem lại được chút mưa dông mát mẻ nào. Dân kinh kỳ gọi loại gió này là gió phơn. Cùng với gió phơn, mùa hè khắc nghiệt của Thiên Khải bắt đầu.

Nhóm Hải Thị hướng nam vượt núi dãy Minh Lạc, còn chưa kịp thấy đường nét thành quách Thiên Khải trong khói bụi, cửa đèo Kỳ Việt đã cuồn cuộn nổi gió.

“Thời tiết năm nay lạ thật, trong gió này thế mà lại có hơi nước.” Hải Thị không khỏi hít sâu một hơi, đồng thời kiềm chế vật cưỡi dưới thân đang nhảy chồm muốn hí.

Phù Nghĩa cười bảo: “Nào có, chỉ là gió phơn bình thường thôi, năm nay có khi còn hanh hơn năm trước ấy chứ.”

“Nhưng mà…” Hải Thị tỏ vẻ nghi ngờ. Gió kia tuy không thể nói là mát mẻ nhưng quả thật có ngậm hơi nước, thổi hây hẩy lên làn da tiếp xúc với gió cát lâu dài của họ, cảm giác lỗ chân lông khắp người đều nở ra đôm đốp.

“Bọn ta là người Hoàng Tuyền Quan, dạng gió phơn nào ở Đông Lục đối với bọn ta cũng đều ẩm ướt dễ chịu hết. Phương đại nhân xuất thân đế đô nhỉ? Vậy thì đỡ hơn chút. Binh sĩ các quận ven biển vừa tới trú đóng đã hết chảy máu cam lại tới da nứt nẻ, thế nào cũng phải qua nửa năm một năm mới khá lên được.” Thang Càn Tự quay đầu lại, nhướng mày.

“Quê cha mạt tướng ở ven biển quận Lâm Kiệt, có điều mạt tướng lớn lên ở đế đô.” Hải Thị kính cẩn đáp.

Trong lúc nói chuyện đã đi qua cửa đèo, đến con đường đổ dốc, ngựa nhẹ nhàng chạy bước nhỏ, Hải Thị cẩn thận điều khiển ngựa, khẽ thốt một tiếng thán phục. Cửa đèo cách Thừa Tắc Môn còn hai mươi dặm đường, phóng mắt nhìn xuống đã có thể thấy một dòng nhân mã và cờ xí lớn đang chậm rãi vòng qua tường quách tập kết ngoài Thừa Tắc Môn, đó chính là thao trường tam đại doanh duyệt binh trước khi thay quân xuất phát vào mùa hè năm ngoái. Đội quân kia cờ đỏ giáp đỏ, huấn luyện nghiêm chỉnh, mỗi hai ngàn năm trăm người đến nơi lập tức xếp thành trận vuông ngang dọc mỗi chiều năm mươi người, mỗi trận cách nhau ba trượng, chỉ huy bằng cờ lệnh, hàng ngũ chỉnh tề, đứng ngồi xoay hướng rất có trật tự. Ngay từ đầu đã có sẵn mười mấy trận, nhân mã vẫn ùn ùn không dứt từ phía nam vòng qua thành tới, đồ sộ hùng tráng.

Bên cạnh cờ rồng và cờ Cận Kỳ Doanh, trên thành còn treo tinh kỳ đỏ thắm, đó là cờ của Thành Thành Doanh trú đóng Quân Quan.

“Bị đám khỉ bên Quân Quan giành trước rồi.” Thang Càn Tự lắc đầu, nói với chư tham tướng sau lưng.” Chúng ta tạm dừng chỉnh đốn đội hình cho gọn gàng đã, chớ để bọn khỉ kia chê cười.”

Hải Thị quay lại nhìn. Gió phơn vừa qua, mắt thấy thảm xanh mướt trải rộng khắp núi đã khô thành màu vàng kim xán lạn hoang liêu, trên đường núi quanh co, đội ngũ áo giáp xanh chàm như một dòng sông chảy xiết trong đó. Lệnh cho ti kỳ truyền lời xuống, sau lưng tức khắc trào lên làn sóng hô ứng hùng hồn, càng truyền càng xa, vang vọng ra hẳn dăm ba dặm bên ngoài. Cứ đến mùa hè hằng năm, trên quan lại thay quân, lính cũ rút từ tam đại doanh về đều cần quay lại đế đô duyệt binh, theo lệ tập kết ở thao trường Thừa Tắc Môn nghe tuyên chiếu, chủ soái các doanh cũng cần vào triều yết kiến báo cáo. Đằng sau họ hiện giờ cũng dẫn bốn vạn nhân mã.

Dưới núi bốc khói, một người cưỡi ngựa hiên ngang đi lên, dần trông rõ được mặt mũi dáng hình. Hải Thị phóng ngựa ra khỏi hàng ngũ, vẫy tay gọi: “Trạc Anh, Trạc Anh!”

Tiếng hô vừa dứt, Trạc Anh đã tới bên cạnh, bận y phục gọn nhẹ màu huyền, không đội mão võ, đeo trường cung, hẳn là nghe nói binh mã tam doanh thay quân trở về đã đến Thừa Tắc Môn nên cưỡi ngựa từ thao trường cấm quân chạy thẳng tới cửa đèo. Mắt mày sâu đậm tuấn tú của Trạc Anh ngập tràn nét cười, nhìn nàng một lát, nói: “Toi rồi, người chẳng cao lên tí nào cả, còn bị gió thổi cho cả mặt toàn nếp nhăn thế này.”

Đường nét tướng mạo sâu hút cao thẳng, nếu là tóc vàng mắt xanh thì rành rành là dáng dấp tộc Man, nhưng trời sinh mắt mày cậu đen láy, sống lâu ở Đông Lục, người ta chỉ nói là một chàng trai đặc biệt khôi ngô mà thôi. Hải Thị nhất thời nói không nên lời, chỉ quan sát Trạc Anh một lượt từ trên xuống dưới, bỗng ngạc nhiên hỏi: “Huynh từ thiên kị lên vạn kị lúc nào thế?”, còn trỏ vào lệnh bài đeo bên hông Trạc Anh, hoa văn sô ngu (*) nạm vàng, tua tím, rõ ràng là phù sức của võ quan vạn kị. Phẩm vị võ quan Vũ Lâm Cấm Vệ vốn cao hơn hai bậc so với võ quan phổ thông ngang hàng, vạn kị trong Vũ Lâm tương đương chính tam vị, chỉ hạn chế trong chủ soái Vũ Lâm và bốn vạn kị trưởng, cũng cùng cấp bậc với chủ soái Hoàng Tuyền Doanh Thang Càn Tự.

(*) Một loại thần thú trong thần thoại cổ Trung Quốc, được miêu tả là thân hổ đầu nghê, lông trắng vằn đen, đuôi rất dài.

Trạc Anh chỉ cười không đáp, cởi móc cài trên vai trái ra, gỡ một cái nậm hình trăng non dưới sườn xuống đưa qua. Nậm rượu mỏng vừa khéo sát thân, náu mình dưới sườn, nếu phủ thêm áo giáp áo khoác thì chẳng tìm được dấu vết nào. Hải Thị nhận lấy uống một hớp, sảng khoái quệt miệng, cười khen: “Đúng là túy cuồng, may có cái nậm rượu hay ho không lộ dấu tích này, đi đâu cũng có rượu ngon uống.”

“Nghĩa phụ giữ lại một vò Tam Hoa Nhưỡng, muội không trở lại cha không chịu mở, cuối cùng cũng ngóng được tới ngày hôm nay.” Con ngươi đen láy ánh kim của Trạc Anh ấm áp nhìn Hải Thị.

Hải Thị buông một tiếng thở dài khẽ đến không nghe thấy. Từ đầu đến cuối, cái người vĩnh viễn như cười như không ấy chỉ coi nàng là một đứa con trai. Nghĩ vậy, trên mặt bất giác lộ vẻ hiu quạnh.

Trạc Anh thúc ngựa xáp lại, thò tay vò đầu nàng. “Ta nhờ Chá Lựu bên Chức Tạo Phường may một bộ thường phục mới cho muội, cất trên giường muội rồi, về mặc thử xem.”

“Muội không phải trẻ con.” Hải Thị cười gượng, cụp rèm mi xuống, thần sắc rầu rầu.

Trạc Anh cười: “Tối nay ta và nghĩa phụ đều phải luân phiên trực ở Kim Thành Cung không thoát thân được, muội về Tễ Phong Quán nghỉ ngơi một đêm trước, mai tẩy trần bù cho muội sau.” Dứt lời liền đánh ngựa đi xuống núi.

Hải Thị buồn bã nhìn bóng dáng Trạc Anh biến mất trong khói cỏ, bỗng cảm nhận có điều khác thường, đưa mắt đảo qua, thấy Phù Nghĩa đang lộn ngược về, ánh mắt sáng quắc nhìn chằm chằm vào Trạc Anh thoăn thoắt lướt qua bên cạnh y. Nàng biết ánh mắt đó, hệt như con cá chép đỏ quanh đình thủy tạ ở Tễ Phong Quán, nằm dưới lá sen, theo dõi chuồn chuồn đậu trên cạn.

Hải Thị thu tầm mắt, che giấu vẻ hoảng sợ – Trên đường núi Bì La, Phù Nghĩa cũng từng trông thấy Tả Bồ Đôn vương mới của Hộc Khố. Ánh mắt chằm chặp đó của Phù Nghĩa cũng không dấu vết chuyển nhạt, gương mặt đen thui một màu, không nhìn ra biểu cảm.

Hoàng Tuyền Doanh đóng quân bên ngoài Thừa Tắc Môn không đến nửa giờ, Vũ Uy Doanh cũng từ Mạc Hột Quan quay về, tam đại doanh tụ họp dưới thành nghe tuyên chiếu. Như thường lệ, trong bốn vạn nhân mã mỗi doanh cắt cử một tham tướng và hai vạn tinh binh ở lại bổ sung cho Cận Kỳ Doanh, còn lại cởi giáp về quê. Tham tướng Hoàng Tuyền sáp nhập vào Cận Kỳ Doanh là tham tướng Phù Nghĩa tuổi gần ngũ tuần.

Trong cung truyền lời, sáng mai chủ tướng tam đại doanh vào triều báo cáo, ngoài ra tuyên tham tướng Phương Hải Thị của Hoàng Tuyền Doanh vào yết kiến cùng.

Ban đêm, Hải Thị xin nghỉ trở về Tễ Phong Quán.

Thiên Hưởng năm thứ ba, Đế Húc ban Chiêu Minh Cung, nơi ở của người chú thứ ba của tiên đế Đế Húc, cho tổng quản Phượng Đình nội cung Phương Chư cư trú. Chiêu Minh Cung bỏ tên, được đặt lại thành Tễ Phong Quán, biểu thị khác với hoàng tộc, con nuôi nô bộc của Phương Chư cũng được cho phép sống ở đây, còn được ban đặc quyền cưỡi ngựa trong cung.

Trước loạn Nghi vương, trong cung không có người tên Phương Chư này, trong tám năm chiến loạn cũng chưa từng nghe nói có chiến công gì. Phương Chư làm nội thị, lai lịch không rõ, quyền thế hiển hách từ đâu mà ra? Có một thời dân gian triều đình từng sôi nổi chỉ trích. Đế Húc hời hợt với triều chính dù sao cũng phải có một nguyên do. Quân vương minh mẫn cơ trí nhường ấy, liên tục chinh chiến suốt tám năm chưa từng bại trận, xử lí chính vụ đâu ra đó, dù là tình cảm sâu đậm đối với vị hoàng hậu không thể sống đến ngày khôi phục đế đô kia cũng vô cùng kiên trinh cao cả, sao lại nguội lòng nản chí như thế này? Vũ Lâm áo đen đuổi đánh chư công thần phục quốc tuy hành sự bí mật song cũng dần để lộ manh mối, những võ giả không ra ngoài ánh sáng này chẳng qua chỉ là con rối, dây múa rối chằng chịt như mạng nhện, tất thảy đều buộc vào tay một tên hoạn quan – đầu sóng oán giận nhất thời chuyển hướng sang tổng quản Phượng Đình Phương Chư. Phương Chư cũng chẳng tranh với đời, đủ loại tấu chương hết lòng can gián từ khắp nơi bay tới như tuyết rơi, hoàng đế lười xem, bèn gọi Phương Chư tới đọc cho nghe. Chàng cũng bèn ngồi dưới sập ngự, mặt không lúng túng đọc thành tiếng câu chữ hầu thiến yêu nghiệt, tuyệt không kiêng kị giấu giếm. Có lời đồn rằng Phương Chư ngoại hình xấu xí, lòng dạ độc ác, cũng có người nói dung mạo chàng đẹp như con gái, lấy sắc mê chủ. Nhưng mười bốn năm qua chưa hề nghe nói Phương Chư ra khỏi nội cung một bước, ở trong cung, ngoài hầu hạ Đế Húc ra thì cũng chẳng mấy đi lại. Bất kể triều thần hay võ tướng, người ngoài cung lại càng chẳng ai biết mặt mũi tổng quản Phượng Đình ra sao.

Tễ Phong Quán nơi Phương Chư ở cũng đã thành sào huyệt nhánh Vũ Lâm áo đen trong lời đồn. Xe ngựa ra vào Tễ Phong Quán không qua kiểm tra, ban đêm cửa cấm hoàng cung đóng lại rồi, chỉ có Thùy Hoa Môn bên ngoài Tễ Phong Quán là có thể mở ra từ bên trong bất cứ lúc nào. Ngõ hẻm thế gian xì xào rằng Phương Chư đã không phải một người mà là một yêu quái sống bám bên người Đế Húc.

Lính canh cửa cấm nhận lấy môn sắc Hải Thị chìa ra, thấy trên môn sắc khắc dấu một chữ “Tễ”, mặt nhất thời lộ vẻ cả kinh, dùng cả hai tay trả lại.

Hải Thị lạnh lùng nhìn xuống tên lính canh, không nói gì, chỉ giục ngựa phóng về phía Tễ Phong Quán, lính canh cũng chẳng dám ho he.

Dẫu có đặc quyền, người của Tễ Phong Quán cũng ít khi cưỡi ngựa ra vào cấm thành, sử dụng ân điển tự mở Thùy Hoa Môn giữa đêm lại càng hiếm hoi. Hải Thị ở Tễ Phong Quán mười năm, đa phần là nghĩa phụ và Trạc Anh mang nàng trèo tường ra vào cấm thành, nhưng nàng cũng biết rõ người của Tễ Phong Quán xưa nay có quyền vào cung không xuống ngựa.

Phòng nàng vẫn được bày biện như xưa, không khác gì của một thiếu niên quý tộc, có điều, trên chiếc giường gỗ lê hoa vàng kia đặt ngay ngắn một bọc vải lụa xanh. Hải Thị cởi bọc, trải quần áo bên trong ra, nhìn rồi lại nhíu mày, thần sắc lấy làm khó xử. Xiêm áo rất đẹp, lụa giao xanh lục mát lạnh trơn nhẵn như dệt nên từ sóng biếc, bên trên điểm xuyết những chấm hải âu trắng, viền cổ áo và quanh eo là hoa văn tảo trắng phức tạp, hết thảy đều được thêu tay, hình dạng cực kì tinh xảo. Trang phục mùa hè vốn không chú trọng thêu thùa, đa phần dùng kĩ thuật nhuộm vải in hoa, chỉ sợ hình thêu dày cộm, khiến người mặc nóng bí khó chịu, quần áo rủ nặng. Nếu đường chỉ mỏng manh, tay và vạt áo cố nhiên bay bướm, song lại làm mất cái đẹp gồ nổi tinh tế của nghệ thuật thêu. Công phu thêu thùa của xiêm áo này lại chẳng tầm thường, đường chỉ tinh mịn, không hề xếp chồng chai cứng, khéo tựa Chức Nữ, hơn nữa còn chọn tơ tằm nguyên sắc mới ươm để thêu nên sáng bóng rực rỡ, tất nhiên vẫn có cảm giác gồ nổi, nhưng chạm vào lại như tuôn trào gió mát, không nhám không ráp. Hoan hô Chá Lựu cô nương, tay nghề may xiêm áo này dẫu ở Chức Tạo Phường trong cung cũng là bậc nhất, chẳng biết người thật thanh tú xinh đẹp đến nhường nào.

Hải Thị gói ghém bộ xiêm y kia thật kĩ, cứ cảm thấy có gì đó rất không ổn, cuối cùng ủ rũ ngồi xuống giường. Cải nam trang từ năm sáu tuổi, không thể để người khác hầu hạ sát mình nên chẳng biết phải mặc áo chẽn váy lót ra sao, hồi tưởng dáng dấp cung nhân ăn mặc mãi mới miễn cưỡng mặc xong, dang hai tay ra xem, lại vội vã đứng dậy, chạy đến trước bàn rót một chén trà mới, ngẫm nghĩ một hồi, đổ chén trà vào đĩa trà quan diêu (*), cúi mặt soi bóng – trong phòng nàng chưa bao giờ có gương. Soi xong lại thở dài, mặc được áo chẽn váy lót rồi, cũng không thể tiếp tục để kiểu tóc vấn trong khăn chít đầu của đàn ông nữa. Hải Thị dứt khoát tháo tung búi tóc, hai tay qua quýt chải mái tóc dài như thác đổ.

(*) Một loại đồ sứ dùng để đun nấu.

Ngoài cửa vang tiếng gõ nhè nhẹ, ban nãy Hải Thị đã cho tất cả tôi tớ lui đi, nghĩ bụng chắc là Trạc Anh tranh thủ thời gian trở về, mặt tức thì hớn hở, vén đại vạt váy quét đất lên chạy ra mở cửa.

Phòng của Hải Thị đối diện hồ Sương Bình bên trong quán, nửa mặt hồ nở rộ hoa sen. Cánh cửa mở ra, gió mát ập vào dập tắt ngọn nến. Ánh trăng cũng hắt vào như sữa bạc, tắm đẫm người ta từ đỉnh đầu đến gót chân. Hải Thị cảm thấy khoảnh khắc này, chung quanh lặng ngắt, tiếng dế râm ran như nhất thời bặt tăm.

Nụ cười cứng lại trên gương mặt màu lúa mạch của nàng, gió thổi phồng tay áo, tóc xanh đầy đầu không búi không buộc, chỉ chực tung bay.

Đoán chừng người ngoài cửa cũng hơi hơi kinh ngạc, sắc mặt chấn động, vết đao nơi khóe miệng mím thành một đường thẳng tắp.

Lối ăn mặc nam trang thường nhật đã che đi hơn nửa sắc đẹp của Hải Thị, thấy nàng đổi về trang phục thiếu nữ dậy thì, dẫu vạt xiêu đai vẹo, thần sắc ngạc nhiên nghi ngờ thì nét xinh tươi duyên dáng chẳng tự hay biết ấy vẫn choáng ngợp linh hồn. Thuở thiếu thời, có lẽ con ngươi chính chàng cũng trong vắt, giữa đen láy sáng sủa lấp lánh ánh thép lam như vậy, phải không?

“Nghĩa phụ…” Hải Thị khẽ gọi.

Trong mắt Phương Chư, một luồng sáng tối xuống, tối đến hỗn độn vô quang, như bóng đen hun hút đậm đặc của thời hồng hoang ban sơ xé không ra chém không nét. Ở những chỗ khác, tuế nguyệt đều rộng lượng với chàng, đàn ông ba mươi sáu tuổi, dung mạo vóc dáng đều chỉ như mới hăm bảy hăm tám, duy chỉ có đôi mắt là không thể trở về nữa, nhưng cũng chẳng hề vẩn đục, chỉ là ánh mắt luôn cách một lớp gì đó, khó có thể lấy lại vẻ trong sáng chân thực khi xưa. Tướng quân thiếu niên tuấn tú năm đó chỉ như một giấc mộng trăm năm, là người khác rồi. Tiếng gọi của Hải Thị đã đánh thức chàng khỏi cơn ngẩn ngơ.

“Rốt cuộc con cũng trưởng thành.” Chàng thở dài, thấp giọng cười nói, “Biết mình phải xuất giá, kể ra tốt hơn hẳn suốt ngày đòi đánh đòi giết.”

Hải Thị chăm chú nhìn chàng, mặt hiện vẻ ngờ vực như ngôn ngữ chàng đang dùng là tiếng dị quốc, nàng nghe không hiểu.

“Trong lòng nếu có ai thì tìm một kẽ hở trừ bỏ quân tịch, đổi về hình dáng con gái, quay lại Tễ Phong Quán ở thêm nửa năm một năm, nghĩa phụ sẽ thay con đi thương lượng.” Chàng mỉm cười. Chàng cũng biết mình nhẫn tâm, nhìn thần sắc trên khuôn mặt xinh đẹp thuần khiết kia dần bi thiết, chàng chỉ mỉm cười nói tiếp, như khi chinh chiến thời thiếu niên, đâm đao vào ngực địch trên sa trường, sâu một tấc, sâu thêm một tấc, dưới tay cảm nhận được rõ ràng xương thịt nứt gãy, rút đao ra, máu huyết lập tức phun trào như muốn bắn tung, chàng lại chỉ mỉm cười cất lời: “Con em vương công cũng bắt hết lại.”

Giữa chân mày Hải Thị như có một cái khóa không mở ra được, bờ môi ngậm một nụ cười thê lương, nói “Ngài biết rõ, cần gì phải vậy.” rồi chợt dừng lại như bị một câu nói kẹt cứng trong họng.

“Con ngủ đi, ta quay về ngự tiền đây, lát nữa không thấy người lại nổi điên lên mất.” Chàng bỏ lại câu này rồi tiêu sái xoay người rời đi, bước chân không gấp nhưng rất dài.

Hải Thị đột nhiên lấy hai tay bưng mặt, lúc ngẩng mặt trở lại, dưới ngấn lệ ngang dọc trong lòng bàn tay lác đác lấp lánh bạch quang mờ, hai chữ vụn vỡ, Lang Hoàn.

Ngày kế, Hải Thị theo chủ soái Thang Càn Tự cùng yết kiến Đế Húc. Vì Hải Thị bắn chết Tả Bồ Đôn vương nên được thưởng một trăm lượng tiền, một cây cung khảm sừng cốt sắt khắc hoa văn dây mây thượng hạng, một trăm mũi tên đuôi chim cắt trắng. Hải Thị tạ ơn, đang định lui ra thì trên điện bỗng cất tiếng.

“Khoan đã, ngẩng đầu lên.” Giọng nói vốn được trời ưu ái mát lạnh sáng sủa không thua gì thiếu niên, nhưng lại như dây đàn nhiều năm không căng lại, mang theo những âm rung uể oải và nồng nặc thiếu kiên nhẫn. Đó là giọng của Đế Húc.

Hải Thị lưỡng lự ngẩng mặt lên. Ở nơi cao nhất sâu nhất Tử Thần Điện quây rèm châu nom như bàn thờ thần, đó là ngai vàng. Ngai vàng quá sâu, ánh nắng muôn đời chẳng thể chiếu tới. Người trên ngai cũng muôn đời ém trong bóng râm, chỉ có một bó gấm vóc không có mặt mũi hình dáng mà thôi.

Nàng lại nhận ra bóng hình người áo xanh trong màn xa bên ngai vàng. Người ấy vốn nhất quyết không theo hầu vào triều, cũng may mà những năm nay chàng cẩn thận dè dặt, hầu hạ trong Tễ Phong Quán đều là người tin được, Vũ Lâm áo đen tai mắt khắp thiên hạ, người ở ngự tiền càng không dám lỡ lời với bên ngoài nửa câu. Hôm nay, hơn trăm quan viên văn võ dưới điện, không một ai biết diện mạo của chàng – dẫu có biết, chàng cũng luôn là cái bóng mờ hầu hạ bên ngai vàng, ngẩng đầu nhìn lên, chỉ có một bóng dáng xám xanh.

Nhưng nàng nhận ra là chàng, chẳng cần lại gần, cũng chẳng cần chứng thực, cứ thế chém đinh chặt sắt biết vậy thôi. Người mình bận lòng, không cần thấy mặt mũi ngũ quan, chỉ đứng nhìn chàng giơ tay nhấc chân từ xa, dù cho ở trong ngàn vạn người cũng có thể nhận ra chàng được.

Người trên ngai vàng nói với người bên cạnh: “Đây chính là bé trai được giao nhân cứu năm đó?”

Phương Chư thấp giọng đáp: “Vâng.”

“Thằng bé này anh tuấn thật.” Người trên ngai vàng nhếch một bên khóe miệng, giọng nhỏ như thầm thì, tựa như không định cho bất kì ai nghe thấy.

Nội thị hầu hạ bên cạnh cũng kính cẩn cúi đầu như chưa từng nghe thấy, tay áo rộng dài của trang phục hoạn quan màu xanh rủ xuống nặng trĩu, không một gợn sóng.

Trong chính điện tĩnh lặng bỗng vang một tiếng “xoảng” khe khẽ, bách quan vững vàng ngồi yên, mắt cũng bình tĩnh trôi về phía phát ra âm thanh. Sưởng vương mặt mày ủ ê mò trong ngực ra một nắm bông tơ vàng trắng dính bết ướt rượt, cầm trong tay không biết xử trí ra sao, còn có vỏ trứng vỡ và lòng trắng trứng chảy xuống. Tiểu hoàng môn hầu một bên vội tiến lên nhận lấy, một người khác dâng khăn tay ướt lên, bách quan nhìn trong mắt đều cười thầm. Sưởng vương thích nhất lấy chọi ưng đùa khỉ làm thú vui, thường vời nghệ nhân giang hồ vào phủ, nuôi liền mấy năm, sáng sớm, chim muông trong các biệt viện vương phủ bay đi, đàn sáo tạp kĩ cùng luyện tập, còn náo nhiệt hơn giáo phường trong thành đến ba phần. Gần đây có lời đồn Sưởng vương lấy được một phương pháp thuần dưỡng chim cắt xanh, nói là người chủ phải đích thân ấp nở trứng chim cắt, chim non ấp ra sẽ coi người chủ như mẹ, thấu hiểu ý người, Sưởng vương nghe xong cả mừng, bèn cho là thật lấy trứng tự ấp, bất kể là nghe hát, đạp thanh hay đi ngủ, hằng ngày trong ngực đều cất một quả trứng chim cắt, đến sủng cơ cũng không cho gần người, bảo là sợ đè bẹp, thành trò cười truyền khắp kinh kỳ.

Sưởng vương giữ một chức quan suông trấn thủ ngoại ô, theo lẽ thường phải tham gia triều nghị, trong phủ Sưởng vương sênh ca đến tận nửa đêm, sáng sớm lười dậy, bình thường ba ngày có đến hai tìm cớ trúng gió cảm lạnh không lên triều, hôm nay ắt là ngủ gật trên triều, không cẩn thận đè vỡ quả trứng chim cắt cất trong ngực hắn.

Hải Thị quỳ sau lưng chủ soái Thang Càn Tự, liếc mắt ngó qua, không khỏi lặng lẽ nở nụ cười, trong oai hùng mơ hồ lấp ló nét yêu kiều thiếu nữ.

Sưởng vương cười ngượng ngùng nhìn quanh, ánh mắt quét tới chỗ Hải Thị, Hải Thị tự biết mình thất lễ, vội cụp thấp mi mắt, nhìn chằm chằm nỉ tước đỏ dưới đất. Bóng Thang Càn Tự kéo thật dài, hắt nghiêng lên nỉ tước đỏ trước mắt Hải Thị. Võ tướng lên điện, lễ pháp khác với lễ ngồi lâu của quan văn, chỉ đặt đầu gối phải xuống đất là được. Hải Thị thấy rõ bóng người kia giơ ngón tay lên, ung dung gõ ba cái lên đầu gối bên trái như ra hiệu với người nào. Văn võ cả triều đều nhìn Sưởng vương, hẳn không ai để ý đến động tác nhỏ của Thang Càn Tự. Hải Thị mím môi, lại nhoẻn cười.

Từ sâu trong đại điện nhìn lại, nụ cười nàng chẳng mảy may quyến rũ, chỉ cảm thấy thiếu niên này cởi mở trong sáng, phong lưu hàm súc khó tả thành lời.

Người trên ngai vàng nhìn trong mắt, khóe miệng hiện một nét cười nhạt.

Trên đường vào triều trở về, Trạc Anh sóng vai cùng Hải Thị. Hải Thị cố ý tách khỏi cung nhân và ngự giá, bừng bừng hứng thú lựa toàn lối nhỏ hướng vào nội cung để đi, qua Ninh Thái Môn, rẽ sang hướng tây vòng qua Nhân Tắc Cung và Dũ An Cung chính là khu vườn nhỏ phía bắc khu tụ cư của người làm tạp vụ trong cung.

“Đi tiếp thế nào ấy nhỉ?” Hải Thị chúm chím quay đầu lại, nhìn Trạc Anh.

Sắc mặt Trạc Anh hơi hồ nghi, rất nhanh sau đó trở nên lúng túng. “Phải về Tễ Phong Quán, chỉ có quay đầu lộn lại thôi.”

“Ai muốn về Tễ Phong Quán, muội muốn trực tiếp cảm ơn Chá Lựu cô nương của Chức Tạo Phường cơ.” Hải Thị híp đôi mắt dài thanh tú lại, cười nhăn răng.

Trong Chức Tạo Phường có vài sân hẻo lánh, sân Chá Lựu ở đặc biệt dễ tìm, trong tường hoa lựu nở ngập cành, giống ngọn lửa được gió thổi bùng lên, chỉ chực đốt người. Nhân buổi sáng mát mẻ, Chá Lựu bày khung thêu dưới bóng cây chá lựu ngoài nhà, trên cái ghế nhỏ bên người đặt sách vở kim kéo, đủ loại tơ sợi chia ra kẹp giữa trang sách, vùi đầu thêu thùa.

Hải Thị rón rén lại gần, thấy Chá Lựu đang thêu một đai lưng phù dung gắn châu dài mười hai thước, dùng hai sợi vàng tứ sắc vê xoắn trải lót gấm vóc lên nền sa, nhu mì tinh tế, không khỏi khẽ thở dài.

“Cô nương có việc gì à?” Chá Lựu mỉm cười ngừng mũi kim, ngước mắt lên, đôi con ngươi màu trà nhạt trong veo trông về phía Hải Thị.

Hải Thị nhất thời cứng họng. Nàng vẫn đang mặc triều phục võ quan, bó ngực búi tóc, rõ ràng là dáng vẻ thiếu niên võ tướng, sao cô gái này chỉ liếc một cái đã nhìn thấy nàng?

Chá Lựu nghiêng đầu, nhẹ giọng chào hỏi ra sau lưng Hải Thị: “Phương đại nhân, ngài tới rồi.”

Trạc Anh đáp một tiếng, nói: “Đây là em gái ta, đòi đến cảm tạ cô may áo cho nó.”

Chá Lựu mỉm cười vui vẻ, đáp: “Tiểu thư thích là Chá Lựu vui rồi.”

Đúng lúc này, gió mát thổi tới, cánh hoa màu mã não rợp kín cây nhất thời sa xuống như mưa như tuyết, như muốn rọi đỏ khuôn mặt trắng nhợt của Chá Lựu. Trang sách loạt xoạt lật giở, vài sợi tơ bện rơi xuống đất, Hải Thị vội nhặt lên, phủi sạch bụi đất rồi đưa lại vào tay Chá Lựu. Chá Lựu lần qua sách tới trục trang kiểm tra, như suy tư điều gì, nâng lại mấy sợi tơ bện kia đến trước mắt Hải Thị.

“Tiểu thư, phiền cô nói cho tôi biết, sợi nào màu lam ngọc bích, sợi nào màu tím sen đại dương?” Đôi con ngươi màu trà nhạt của Chá Lựu không mảy may như chớp như không, lại không nhìn vào mắt Hải Thị mà nhìn chằm chằm má phải của nàng.

Hải Thị ngạc nhiên quay sang liếc Trạc Anh, Trạc Anh im lặng gật đầu.

“Đây là tím, đây là lam…” Hải Thị ngập ngừng đưa ngón tay ra trỏ.

Chá Lựu nhanh nhẹn chia sợi tơ ra kẹp trở lại trang sách. “Vậy thì sợi cuối cùng là màu ngọc nhạt rồi. Cảm ơn cô, tiểu thư. Nếu không nhờ hai vị vừa vặn ở đây, tự tôi không phân biệt rồi thì gay to.”

Hải Thị ngơ ngác không thốt nên lời.

Trên đường trở về Tễ Phong Quán, Hải Thị chỉ cắm cúi đi đường, thỉnh thoảng ngước lên ngó Trạc Anh. Trạc Anh thấy nàng cứ muốn nói lại thôi, không nhịn được cười khổ: “Muội đừng bận tâm, kể cả như vậy, ta cũng cảm thấy rất mỹ mãn.”

“Nhưng, mắt Chá Lựu…”

Trạc Anh hạ giọng đáp: “Mắt cô ấy… bị hạ thuốc làm mù.”

Hải Thị khiếp sợ trợn trừng mắt.

Vẻ mặt Trạc Anh nặng nề, giọng càng trầm hơn. “Muội có biết tú sư mù đời trước không?”

Thời Đế Tu, Đồ Lâm Quận có một cô thợ thêu tài nghệ tuyệt đỉnh. Cô gái này vốn hành nghề thêu thùa, năm hai mươi sáu tuổi ốm nặng mù mắt. Mà nghề thêu vốn cũng chẳng làm được lâu, cứ đến tầm ba mươi tuổi, ai nấy gần như đều nửa mù, gặp gió là rơi lệ. Nào ngờ cô thợ thêu này không cam chịu số phận, bố trí màu sắc theo trí nhớ, bảo con gái đưa chỉ cho mình, chỉ bằng vào cảm giác hai đầu ngón tay lần sờ, trong lòng dùng mọi cách áng chừng hoa cỏ cảnh vật trông thấy khi chưa mù, tác phẩm thêu mượt mà linh động, liên tục nghĩ ra những ý tưởng tinh xảo, hơn gấp mười thợ thêu bình thường. Sau thanh danh lan xa, phụng chỉ vào cung truyền thụ tay nghề, trong cung đều gọi là tú sư. Trong loạn Nghi vương, tú sư trốn vào dân gian. Thiên Hưởng năm thứ năm, Đế Húc vời lại tú sư về, mệnh mua bé gái mồ côi trong dân gian vào cung, theo tú sư học nghệ. Thiên Hưởng năm thứ mười hai, tú sư chết bệnh, các học trò người khóc mù mắt, người tự chọc mù hai mắt, phần lớn trong đó được cho về quê quán nghỉ ngơi, ngoài ra có vài người đặc biệt xuất sắc, ở lại trong cung chuyên phụng dưỡng bề trên thêu thùa tinh vi. Chá Lựu là một trong số đó.

“Chuyện này… không khỏi quá khác thường rồi…” Hải Thị lẩm bẩm.

“Sau khi tú sư chết, sáng sớm hôm đó, tất cả học trò của tú sư đều mù. Lúc ấy có người nhảy giếng tự sát, mà những thợ thêu mù khác thì quả thật được đưa về quê quán… Nhưng họ vốn là trẻ mồ côi, số phận về quê thế nào có thể tưởng tượng được. Chá Lựu… coi như đã tốt lắm rồi.”

“Là ý của ai? Không thể là…” Trong lòng Hải Thị kinh sợ ngờ vực, “Không thể là Thi thúc thúc chủ quản đâu chứ!”

“Lúc tú sư chết bệnh, Thi thúc thúc đang chọn mua tơ mới ở Nhu Nhiên, đợi đến khi chú ấy trở về, ai bị đưa đi đã đưa đi cả rồi.” Trong con ngươi đen láy của Trạc Anh ngậm một tầng ánh kim ảm đạm, “Đêm trước khi xảy ra chuyện, người của Kim Thành Cung đã tới một chuyến ban thưởng trà hạnh nhân, riêng biệt dành cho học trò của tú sư.”

“Kim Thành Cung?” Hải Thị ngỡ ngàng sững người, “Là… hoàng thượng?”

Trạc Anh không trả lời nàng. Quay đầu nhìn lại, hoa lựu trong tường bay lả tả như mưa máu.
Chương trước Chương tiếp
Loading...