Học Sinh Chuyển Lớp (Phần 2)

Chương 20



Đúng như tôi dự đoán từ trước, thằng Hải đứng lên là liên quan đến vụ việc từ chức của tôi. Nãy tới giờ nó không hề đả động đến vụ đánh nhau của chúng tôi với Thầy chủ nhiệm, hẳn trong lòng nó cũng biết “ gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Với chúng tôi dù có ghét đến thế nào thì cũng là bạn bè chung lớp, với đám Mào Gà là ngoại tộc, nên nó coi như bỏ qua vụ đó. Nhưng tội chết có thể tha, tội sống khó có thể miễn, vụ việc tôi đứng trước lớp trả chức vụ có phần đả động đến tự ái của nó. Con trai đa số có lòng tự trọng cao, và nhất là với một người con trai có chức vụ thường xuyên thích thể hiện quyền uy.

-Thưa thầy, cán bộ lớp vi phạm thế nên em nghĩ nên chọn Uỷ viên khác.

Lời nói nó đanh thép vô tình khơi lên làn sóng ồn ào dưới lớp. Một bên vẫn ủng hộ tôi tiếp tục chức vụ, một bên thì kêu nên cách chức vụ. Trong tình thế này tôi chỉ cười mỉm. Nụ cười không biết nên giải thích theo ý nghĩa nào? Chua xót có, thờ ơ có, và một chút buồn bã. Vô tình tôi trở thành nhân vật để bạn bè bàn tán.

-Thưa Thầy, em có ý kiến!

Giọng một cô gái cắt ngang buổi thảo luận bất phân thắng bại. Cô gái ấy bình thường rất kiệm lời trong những lúc sinh hoạt lớp thế này, nên tiếng nói vừa vang lên, không khí lớp bắt đầu chùng xuống rồi im bặt.

Nguyệt đứng đó, tay hơi run nhưng gương mặt điềm tĩnh lắm. Thằng Vũ có lẽ là thằng há hốc mồm nhiều nhất. Còn tôi thoáng chút bất ngờ và thầm cảm ơn cô bạn. Dù cho Nguyệt nói gì, tôi cũng thoát được màn đánh giá tư cách không khác gì tra tấn.

-Em nghĩ việc bên Đoàn nên để bên Đoàn xem xét, chứ không phải là lớp trưởng.

Cả lớp tôi vẫn im bặt. Lời của Nguyệt quá chí lý, ngay cả Thầy giáo vốn trầm tính lớp tôi cũng phải gật đầu. Nguyệt ngồi xuống, thở phào nhẹ nhõm và nháy mắt với tôi. Tôi hiểu cái nháy mắt ấy là gì? Nguyệt đẩy quyền quyết định sang Dung, vì dựa vào mối quan hệ giữa tôi và Dung, tôi cũng sẽ được Nàng đỡ lời vài phần.

-Dung, em có ý kiến gì không?-Thầy chủ nhiệm cho phép lớp trưởng ngồi trong bực tức, quay sang hỏi Dung.

Thoáng chút vẻ chần chừ, Dung đứng dậy như việc sắp tới chỉ là một việc bình thường với Nàng. Cả lớp nín lặng xem kịch hay tiếp tục, từ tư thù cá nhân chuyển qua màn đại nghĩa diệt thân hoặc là bao che .

-Theo em, đánh nhau là vi phạm nặng, vì vậy bạn Tín xin từ chức là đúng!

Phải rồi, người lạnh lùng luôn là như thế. Cứng rắn quyết đoán, không bao giờ nương tay với bất kì ai, kể cả đó là người con trai mà Nàng đã dành tình cảm bao năm qua. Tôi dự đoán được tình hình nên không hụt hẫng lắm, nhưng tại sao lòng cứ buồn nặng trĩu, dù cho bên ngoài miệng vẫn có một nụ cười.

-Ồ, lầm không vậy?

-Cái gì, tao nghe nhầm à!-Kiên cận vỗ vai Hưởng Đù vì tưởng rằng mình ngủ mê nghe nhầm..

Bao nhiêu ánh mắt cảm phục đổ dồn về Dung, người vừa ra tay diệt tình thân vì nội quy, còn bao nhiêu ánh mắt thương hại dồn về tôi, người vừa bị phản đối bởi chính người mà mình yêu. Lòng tôi hơi thắt lại.

-Thưa thầy!- Lần này đến lượt Trang đứng dậy.

-Sao vậy lớp phó?-Thầy tôi lại lắng nghe ý kiến.

-Theo em nên biểu quyết, cán sự lớp không phải vì một người phản đối mà có thể cách chức, mà phải là do tập thể cử lên.

Kiên cận xoa cằm, hài lòng với lý luận sắc bén của Trang, nhìn tôi ra dấu yên tâm. Yên tâm làm sao được khi so với nó và Thằng Vũ tôi có phần thua thiệt. Nguyệt và Trang lần lượt ra mặt bảo vệ chúng tôi, còn Dung thì quyết đoán một cách quá cứng nhắc. Cả ba người ai cũng hợp tình hợp lý, với Nguyệt và Trang thì chữ tình có phần lấn át, còn với Dung nó chỉ là thứ xếp sau.

-Uống đi mày!-Thằng Phong mập vỗ vai tôi.

-Dô, chúc mừng anh em tai qua nạn khỏi, cảm ơn Bố yêu quý!-Thằng Kiên cận gọi Thầy chủ nhiệm thân mật.

-Tao công nhận Bố tâm lý ghê-Hưởng Đù phụ hoạ.

-Cụng li đi, nâng ly lên chúc mừng thằng Tín còn nguyên chức vụ.

Tôi cười khổ nâng li nước mía cụng ly cái keeng với mấy thằng bạn. Tiệc hôm nay mừng vì tai qua nạn khỏi, vậy mà tôi vẫn buồn buồn trong lòng. Cuộc sống này chắc đâu phải cái gì cũng vẹn toàn phải không?

-Tín, ra Dung gặp xíu!-Dung xuống tận bàn tôi.

-Chờ Tín xíu, chỉ bài Hoá cho thằng Mập đã!

Nói xong tôi quay sang thằng Mập quát tháo nó vài câu, nào là học hành gì cái bài dễ ẹc mà cũng làm sai, rồi thì chỉ là kiến thức sách giáo khoa, chứ thực chất cái bài đó tôi cũng sai sót vài lần. Đuổi khéo thằng bạn về chỗ, tôi bước ra ngoài cái ghế đá điểm hẹn.

-Tín còn giận Dung không?-Dung mở lời ngay lập tức.

-Không, có gì đâu mà giận?-Tôi dối lòng, không muốn nhắc tới chuyện cũ.

-Có không đó?

-Ờ thì có chút ít!

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá. Im lặng, chờ đợi Dung nói một điều gì đó. Động viên cũng được, nhắc nhở đừng vi phạm cũng được. Hoặc tệ hơn là ăn một cú nhéo ngang hông cũng được. Những điều mong đợi đó không xảy ra.

-Giận Dung vì Dung đồng ý cách chức Tín?-Dung nhìn tôi thẳng thắn.

Tôi cúi xuống đất nhìn. Đôi mắt cụp xuống, thở dài. Bao nhiêu não nề càng tăng nặng. Hoá ra, điều mà Dung canh cánh trong lòng lại là điều này, chẳng lẽ Nàng chỉ nghĩ đến tôi là một thằng quan trọng điều đó lắm ư. Dung nhầm rồi, một hiểu nhầm gây cho tôi nỗi buồn ghê gớm.

-Tín….!

-……!-Dung im lặng chờ đợi.

-Tín hỏi lại, Dung nghĩ đánh nhau là sai hay đúng?

-………!

-……..!

-Tại sao không phải là cách giải quyết khác?

Một câu trả lời tránh né, Dung không muốn lặp lại câu trả lời hôm trước. Tôi thở dài, muốn trở về lớp ngay lập tức. Tại sao Dung cứng nhắc đến vậy? Tại sao khi chúng tôi đến mức đường cùng rồi Dung vẫn cứ phải bảo chúng tôi nhịn. Đây là tích cách của Dung tôi chưa khám phá ra, hay nhất thời vì chuyện này liên quan đến tôi, nên khiến Nàng phản ứng một cách tiêu cực đến vậy.

-Thôi, chuyện qua rồi, quên đi nhé!

-Ừ, bỏ qua đi!-Tôi biết dù có tranh cãi đến thế nào thì việc này cũng không ngã ngũ, bởi vì chúng tôi có cách đánh giá hoàn toàn khác nhau.

Nếu ở một vị thế khác, bạn hẵn sẽ nghĩ đấy là sự làm lành hoàn hảo. Không, nó chỉ như một viên đá quý bị trầy xước, người ta vội vàng phủ lên nó một lớp áo khác. Bề ngoài nó vẫn hào nhoáng long lanh, nhưng bản chất nó đã không được như trước. Đó là một sự rạn nứt trong lòng, một sự rạn nứt hoàn hảo. Chỉ có tôi và Dung biết vết rạn đó, vì bản thân tôi và Nàng là những người thợ đã đánh bóng lại nó, để che mờ đi mâu thuẫn bên trong.

Vừa về tới nhà, tôi chán nản để chiếc ba-lo lên bàn, thả người úp mặt vào gối, thở dài. Đã vậy cái điện thoại chết tiệt chẳng chịu tha cho tôi.

-Dạ, alo!-Tôi lấy lại giọng bình thường.

-Alo cái đầu mày, lại đánh nhau à?-Giọng ông anh tôi tức tốc vang lên đáp lại.

-Ấy, hét nho nhỏ thôi?-Tôi ngó xuống dưới nhà, đề phòng Mẹ tôi đi lên bất ngờ rồi cầm máy.

-Mày, ăn học rồi đi đánh nhau, hết việc làm à?

-Dạ, không, em…em.!

-Em cái đầu mày, thích đánh nhau thì để tao về đánh với mày!-Giọng ông anh tôi vẫn chưa hạ hoả.

Nói về đánh nhau, có lẽ tôi vẫn sợ nhất là ông anh tôi. Hơn kém nhau hai tuổi nên lúc nhỏ vẫn đánh nhau như cơm bữa. Đa phần kẻ thua cuộc xin hàng trong cơn mưa nước mắt vẫn là tôi. Thế nên nghe đến câu này gai ốc tôi nổi lên hết. Dám mà lão anh tôi nghe được thêm lần nữa tôi đánh nhau, lão làm thiệt chứ chẳng chơi.

-Dạ, không, tại lần này tụi nó gây sự tới cùng!

-Gây sự thế nào?

Tôi chẳng dám nói dối trước cơn giận dữ của ông anh trai, một mạch khai sạch sẽ. Những chi tiết phụ liên quan thì cũng như lần kể cho Yên nghe, tôi giấu bặt. Kể một hơi xong, tôi im lặng, đến cả thở cũng chẳng dám, hồi hộp chờ ông anh tôi đánh giá.

-Thế bên mày thắng?

-Dạ!-Tôi nhớ lại mức độ thê thảm giữa thằng học trò tôi và tình địch của nó, khẳng định chắc cú.

-Được, đáng mặt em tao!

-Ơ…đánh thắng…!

-Thắng cái đầu mày, tao bợp tai bây giờ, tao có bảo mày đánh nhau là em tao.

-Thế sao?

-Mày không bỏ rơi bạn bè mới là em tao!

-Dạ-Tôi cười toét miệng đến tận mang tai.

Sau đó, ông anh trai quý hoá của tôi dặn dò một loạt điều: cấm tái phạm lần sau, năm cuối cấp rồi lo mà học hành. Lần sau nhớ báo nhà trường giải quyết… Khép lại một buổi sáng nửa vui nửa buồn của tôi.

Buổi chiều tiếp nối làm cho ngày đầu tuần của tôi trở nên thê thảm hơn. Phần vì lo lắng, phần vì tâm trạng không tốt, tôi ngủ một mạch tới bốn rưỡi chiều. Mà năm giờ tôi phải ra mắt lớp học hoá mới rồi. Nguyệt và Nhân có lẽ nhìn thấy cánh cổng khép nhà tôi nên đã đi trước, báo hại tôi hộc tốc đạp xe một mình.

-Tín, chờ Yên với!

Tôi nhấn pê-đan chậm chạp chờ người bạn đồng hành quen thuộc cùng cảnh ngộ. Đường tới nhà cô còn xa, có Ngữ Yên đi chung ít nhất tôi cũng đỡ cô đơn phần nào.

-Yên sao đi muộn vậy?

-Hì hì, ngồi học một lúc quên luôn giờ giấc.

Ngữ Yên đưa tay, khẽ vuốt lại những lọn tóc bết vào trán vì mồ hôi. Trông cô nàng càng duyên dáng hơn. Chẳng hiểu sao tâm trạng của tôi lại bình yên khi ngắm nhìn Yên như vậy. Nếu cô gái ấy là cây liễu rũ đầy nét đẹp thì tôi là mặt hồ phẳng lặng để ghi lại hình bóng duyên dáng ấy.

-Nhìn gì vậy?

-Ơ…..ơ, có nhìn gì đâu?-Tôi giật mình chống chế, khẽ lắc đầu xua tan ý nghĩ nên thơ vừa nãy.

Hai đứa tôi vừa đạp xe sánh đôi, vừa chuyện trò rôm rả. Ngữ Yên khẽ cười mãn nguyện khi nghe tôi thông báo kết quả thoát nạn của nhóm tôi sáng nay.

-Biết mà!

-Sao Yên biết?-Tôi phản xạ, hỏi lại không cần suy nghĩ.

-Ơ….!

-……?

-Thì ở hiền gặp lành thôi!

Tôi cười hì hì trước cách trả lời chống chế của Ngữ Yên. Vì trước giờ bạn bè toàn chửi tôi nghịch như quỷ, sao mày nghịch ác thế, chứ chưa ai khen tôi hiền lành bao giờ. Chỉ thế thôi mà làm tôi cười suốt cho đến khi gạt chân chống xe trong sân nhà cô giáo dạy Hoá.

Đúng là ôn thi có khác. Không khí khác hẳn với lớp học trước. Học sinh dường như dồn hết lên những bàn đầu. Không ồn ào, không vui vẻ so với lớp cũ. Chỉ cần đứng ngoài sân tôi cũng rùng mình trước khí thế của lớp mới.

-Vào đi chứ cái cặp này!-Cô giáo dạy Hoá lại chọc hai đứa tôi.

Bao nhiêu cặp mắt dòm ra phía cửa ra vào. Tôi nhìn thấy đám bạn lớp tôi ngồi đầu tiên dãy bên phải. Vẫy vẫy tay tôi chỉ vô cái bàn đã chật ních. Còn bên lớp hàng xóm cũng chào đón Ngữ Yên bằng những nụ cười rạng rỡ. Chỉ có Dung và thằng Minh An là thoáng chút không hài lòng.

-Hai đứa ngồi đi chứ, chờ Cô mời nữa sao?

Hai đứa tôi không hẹn mà cùng đi về chiếc bàn cuối, bỏ qua những lời mời mọc. Hai đứa nhìn nhau khẽ cười. Đám bạn tôi giơ nắm đấm hù doạ. Tôi cười hềnh hệch. Còn đám lớp hàng xóm thì có cơ hội bàn ra tán vào.

-Sao nghe nói nó quen Dung?

-Giờ lại tán cả Ngữ Yên lớp mình à!

Nhầm hết các bạn trẻ ơi. Việc này có hai lí do. Thứ nhất, mấy bàn phía trên đã đông nghẹt, nhét nhau vào đó lỡ thiếu ô-xy lên não lại học hành không vào. Bàn cuối bị bỏ quên nên rộng rãi, thoáng đãng hơn nhiều. Xa một chút cũng không sao, quan trọng là học hiệu quả chứ không phải nhồi nhét vào là giỏi. Thứ hai, ngồi bàn cuối đã trở thành một thứ đặc sản của tôi. Từ trên trường hay bất cứ buổi học thêm nào, nó đã trở thành thói quen không bao giờ sửa được. Ngoài ra, vì lí do tôi cũng ngồi bàn cuối với Ngữ Yên ở lớp học cũ hay không thì bản thân tôi cũng không thể tự trả lời được. Chỉ biết một điều, ngồi cạnh Ngữ Yên tôi cảm thấy mình nhận được sự ủng hộ hay đồng tình. Sự thoải mái trong cách trò chuyện. Chắc rằng, Ngữ Yên cũng như tôi, thế nên chiếc bàn cuối hôm ấy cũng chỉ có hai người tới muộn cùng ngồi.
Chương trước Chương tiếp
Loading...