Hồi Đáo Lê Triều

Chương 34: Cung Yến 3



Mưa đã không còn nặng hạt, gió cuốn bớt mây đi trả lại chút ánh sáng nhạt nhòa soi rọi xuống hành lang. Quần áo ướt ôm sát da thịt càng khiến cái lạnh của mùa đông thêm đậm đà thấu da thấu thịt. Lê Tuấn đứng lặng im nhìn thẳng vào mắt Thu Đào mong chờ một câu giải thích.

Thu Đào khẽ quay sang nhìn Lê Hạo, rồi lại hướng mắt về Lê Tuấn đang đứng từ xa nhìn mình, trong khoảnh khắc nàng cảm thấy có một sức mạnh vô hình đang cố nhấc đôi chân mình lên, ra lệnh hãy bước về phía trước, nơi có một người đang chờ. Linh cảm mách bảo cho Thu Đào rằng, nếu bây giờ không kịp thời phân trần, thì nỗi hờn ghen của chàng chắc chắn sẽ dày vò nàng ngày đêm không dứt. Bất giác nàng vừa tiến đến chỗ Lê Tuấn vừa phân bua:

- Ta đến Thừa Càn Cung tìm chàng nhưng không gặp..

Lê Hạo thấy nàng rời đi thì bất giác cũng đuổi theo vài bước, nhưng chợt nghĩ ra điều gì lại thôi, chàng đứng lại nhìn Thu Đào chạy về phía Lê Tuấn, trong phút chốc cảm thấy bản thân mình thật dư thừa trong khung cảnh trước mắt. Nghe lời giải thích của Thu Đào, Lê Hạo cũng tiếp lời giúp nàng:

- Phải! Thần đệ cũng đến tìm Hoàng Thượng nhưng không gặp! Vừa hay thấy nàng lẻn bỏ ra ngoài, chỉ sợ người khác phát hiện lại không hay nên mới đưa nàng về Quảng Hằng Các.

Thân là bậc quân vương không tiện biểu lộ lòng ghen tuông, Lê Tuấn hít một hơi sâu trấn tĩnh rồi nhìn Lê Hạo đáp:

- Tứ đệ tìm Trẫm có chính sự cần bàn à?

- Dạ! Là việc liên quan đến Đinh tướng quân!

Lê Tuấn khẽ gật đầu rồi cúi xuống nhìn Thu Đào lúc này đã bước đến bên cạnh, chàng nghiêm mặt nói nhỏ chỉ đủ để mình nàng nghe thấy:

- Lời Trẫm nói nàng quả thật không hề để vào tai! Năm lần bảy lượt tùy tiện thân cận với nam nhi, có phải muốn Trẫm phạt nàng thật nặng mới nhớ không?

Thu Đào nghe xong liền ấm ức nói lớn:

- Ta vì lo cho chàng mới trốn ra đây, đổi lại chàng dùng thái độ ông hoàng trách mắng ta?

Lê Tuấn nhìn sang Lê Hạo, xấu hổ dùng tay đậy miệng Thu Đào lại không cho nói lớn:

- Nàng muốn cãi nhau cho cả cung nghe à?

Thu Đào tức giận gỡ tay Lê Tuấn ra và tiếp tục uất ức quát:

- Chàng nói ai tùy tiện thân cận nam nhi? Chính chàng cũng có vô số mỹ nhân vây quanh đó thôi, đêm đó rốt cuộc có phải do chàng hư hỏng dùng thuốc..

Nghe đến đây Lê Tuấn tái mặt bịt chặt miệng Thu Đào lại, rồi cười hề hề nhìn Lê Hạo ra hiệu cho lui.

Lê Hạo nghe đến "đêm hôm ấy" cũng nhớ lại buổi tối bắt gặp hai người trở về từ hồ Ngưng Bích, mặt chàng đỏ gay không rõ vì tức giận hay ngượng ngùng, thật khó lòng lý giải cảm giác của Lê Hạo lúc này. Tuy thế, biết đến lúc phải rút lui để cho họ nói chuyện với nhau, Lê Hạo chấp tay vái chào:

- Vậy khi khác thần đệ lại đến! Thần đệ cáo lui!

Lê Tuấn vẫn bịt chặt miệng Thu Đào mặc cho nàng kêu lên "um.. um..", tay chân vùng vẫy đấm đá loạn xạ. Đợi Lê Hạo đi khuất Lê Tuấn mới nới lỏng tay ra, Thu Đào thừa dịp vùng thoát ra, nàng mạnh tay đấm mạnh một cái trúng ngay vết thương cũ trên bả vai của Lê Tuấn.

- A! - Chàng khẽ kêu lên một tiếng khi bị đánh vào chỗ đau.

Thu Đào giật mình nhớ đến cảnh tượng mình rút cây trâm trên tóc đâm vào vai chàng đêm hôm ấy. Nàng đưa tay che cái miệng nhỏ đang há hốc vì biết mình lại lỡ tay làm đau Lê Tuấn. Hai mắt mở to chớp chớp, Thu Đào theo dõi biểu cảm trên gương mặt chàng đang chuyển từ nhăn nhó vì đau sang trừng mắt vì tức giận. Cơn đau qua đi, Lê Tuấn phất ống tay áo ra sau lưng một cái rõ mạnh, chàng nghiêm nghị nhìn Thu Đào hơi gằng giọng:

- To gan, nàng ba lần bảy lượt mạo phạm long thể, tội đáng chém đầu!

Nhìn thái độ của Lê Tuấn, hai bàn tay Thu Đào chuyển từ che miệng sang ôm lấy cái cổ nhỏ, nàng chột dạ nên hơi hạ giọng:

- Gì chứ? Là do chàng mạo phạm ta trước, ta vì tự vệ thôi mà..

- Mạo phạm?

Lê Tuấn nhấn giọng, chữ "phạm" ở cuối câu được chàng đẩy lên nốt cao vút để hỏi bằng thái độ phán xét tội nhân. Thu Đào bị khí thế của Lê Tuấn làm cho sống lưng lạnh toát, toàn thân nổi gai ốc. Lần đầu tiên nàng thấy Lê Tuấn nổi giận, một ông vua khi tức giận quả nhiên làm người đối diện phát run. Thu Đào thấy quai hàm như bị đông cứng, nàng thốt ra từng chữ một cách khó nhọc:

- Pha.. ải! Là chàng.. là chàng tự dưng phát điên.. muốn làm.. làm cái gì đó..

Lê Tuấn biết Thu Đào bắt đầu sợ nên cố ý trêu ghẹo, quyết làm nàng sợ hãi hơn nữa để từ đây phải ngoan ngoãn nghe theo lời chàng. Lê Tuấn nheo nheo đôi mắt vừa nói vừa bước đến áp sát, làm Thu Đào phải theo đó mà lùi dần ra phía sau:

- Nàng là tú nữ của Trẫm, Trẫm muốn nàng thị tẩm lúc nào mà không được? Ngay bây giờ, ở đây cũng được!

Thu Đào cứ lùi một bước rồi một bước, lúc câu nói của Lê Tuấn kết thúc cũng là lúc lưng nàng va vào cột trụ của hành lang đánh "phịch" một tiếng. Nàng hốt hoảng hai tay ôm ngực kêu lên:

- Á! Hôn quân!

- Nàng dám mắng Trẫm là hôn quân?

- Ức hiếp dân nữ, không phải hôn quân thì là gì?

Lê Tuấn vẫn giữ thái độ hùng hồn bá khí nhìn thẳng vào mắt Thu Đào nói lớn:

- To gan! Dám dĩ hạ phạm thượng! Trẫm sẽ chém đầu nàng!

Uất ức vì bị Lê Tuấn đàn áp, trong khi mình một lòng muốn tìm cách cứu chàng thoát khỏi họa bị hành thích soán ngôi, Thu Đào hai mắt đỏ hoe nói như sắp khóc:

- Được! Chàng chém ta đi, ta chết rồi sẽ không còn ai cứu chàng!

Thu Đào vừa dứt lời thì tiếng sấm chói tai lại vang lên. Hai tai như bị ù đi vì âm thanh quá lớn, Lê Tuấn khẽ nghiêng đầu nhìn ra bầu trời chưa tan hết mây, đoạn liếc mắt nhìn Thu Đào với vẻ mặt khinh khỉnh hỏi:

- Sao Trẫm lại cần nàng cứu? Nàng liên tiếp chọc giận Trẫm, người cần được cứu phải là nàng đấy!

Thu Đào ngửa mặt lên trời, trong lòng dâng lên một linh cảm rằng tiếng sấm ấy là một lần nữa cảnh báo rằng không được tiết lộ chuyện tương lai. Nàng nhìn Lê Tuấn vẫn đang mặc bộ y phục ướt sũng, tóc bết lại và những giọt nước mưa vẫn còn lăn trên trán trông thật thảm hại. Thu Đào đưa tay lên sờ vết thương trên vai chàng rồi dịu giọng hỏi:

- Vẫn còn đau à?

Lê Tuấn cố giấu cảm xúc ngọt ngào vì được người thương quan tâm, chàng bày ra nét mặt lạnh lùng liếc nhìn Thu Đào và nói một câu không liên quan gì đến câu hỏi của nàng:

- Có hiểu vì sao Trẫm tức giận không?

Bị hỏi bất ngờ, Thu Đào nhất thời không nghĩ ra đáp án, nàng chớp chớp mắt nhìn Lê Tuấn không nói gì.

Đợi mãi chẳng nghe được câu trả lời mình cần, Lê Tuấn bực dọc chấp tay sau lưng chốt hạ:

- Nàng quả thật đáng phạt! Tội lớn nhất của nàng không phải là mạo phạm long thể, mà là nàng đã không hiểu lòng Trẫm. Vậy khi nào nàng biết vì sao Trẫm giận nàng thì ta sẽ gặp lại nhau vậy!

Nói xong, Lê Tuấn giận dỗi quay mặt bỏ đi về hướng Thừa Càn Cung. Thu Đào nhìn chàng từ phía sau lưng, hậm hực nhớ đến mình vẫn còn việc quan trọng muốn nói nhưng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà mỗi lần gặp nhau là cãi vả lạc đề. Phải chăng ý trời an bày chàng nhất định phải gặp nạn?

Thu Đào đứng lẩm bẩm một mình:

- Năm 1456 Nhân Tông mời Lê Nghi Dân vào cung dự yến tiệc.. năm 1459 Lê Nghi Dân làm chính biến..

Nghĩ đến đây, Thu Đào hoang mang chạy theo Lê Tuấn hỏi:

- Ngày mai chàng có mời Lạng Sơn Vương vào cung dự yến không?

Lê Tuấn nghe hỏi có chút ngạc nhiên, chàng bước chậm một chút nhưng vẫn không quay đầu lại:

- Tất nhiên!

Xong, chàng nghĩ đến Thu Đào ngốc nghếch có vẻ thật sự không hiểu nguyên nhân khiến mình tức giận, nên chép miệng "gợi ý", giọng nói đầy châm biếm:

- Lê Hạo của nàng cũng được mời!

Lê Tuấn đứng lại, khoanh tay trước ngực hất hàm nhìn Thu Đào.

Nhưng tiếc thay Thu Đào lúc này tâm trí đặt hết vào tương lai của Lê Tuấn, nàng muốn đích thân quan sát Lê Nghi Dân cho thật kỹ, sau đó mới tìm cách cảnh báo Lê Tuấn. Đâm chiêu nhíu mày suy nghĩ hồi lâu, Thu Đào lại nói một câu khiến Lê Tuấn hoàn toàn thất vọng:

- Ta cũng muốn đi dự cung yến!

Mặt đỏ gay vì tức giận, Lê Tuấn đứng ngay ngắn lại nghiêm túc hỏi:

- Để gặp tứ đệ? Không được, nàng phải ở lại Quảng Hằng Các, dám trái lệnh Trẫm sẽ cách chức Nguyễn Đức Trung, huỷ bỏ hôn ước giữa Thu Hằng và Lê Hạo, để xem nàng còn dám làm càng không?

- Hôn quân! - Thu Đào đỏ mặt tía tai lên mà hét vì sự vô lý của Lê Tuấn.

- Phải! Trẫm là hôn quân, còn nàng là đồ não lợn!

Lê Tuấn đùng đùng nổi giận bước đi không thèm ngoái đầu, miệng quát gọi thị vệ:

- Người đâu! Giải Nguyễn tú nữ về Quảng Hằng Các! Trẫm đến bất chợt không thấy người thì sẽ chém hết các ngươi!

Lê Tuấn vừa dứt lời thì hơn mười thị vệ canh gác gần đó xông ra kéo Thu Đào về cung. Thu Đào tuy tức giận nhưng vẫn nghĩ cho chàng rất nhiều, nàng vừa nhắn gửi vừa "mắng mỏ":

- Hôn quân, ngày mai xong yến tiệc nhất định phải đến gặp ta, nếu không chàng sẽ phải hối hận!

Lê Tuấn hậm hực quay đầu lại nhìn nàng phút chốc, rồi phất tay áo bỏ đi không nói thêm điều gì.

* * *

Trước cổng Thừa Hoa Điện hoa hồng mùa đông nở đỏ rực cả một khoảnh sân.

Kim Ngọc thơ thẩn ra về sau khi bị Ngô phu nhân từ chối cho vào gặp Lê Hạo, trước khi rời đi còn phải nghe những lời thị uy của Thu Hằng khiến nàng cảm thấy chạnh lòng, nghĩ bản thân thật bé nhỏ hèn mọn, chẳng xứng với một vương gia cao quý như Lê Hạo.

Suy nghĩ vu vơ một lúc lâu, Kim Ngọc bất giác rút cây trâm bạc trên tóc xuống mân mê trong lòng bàn tay. Ngàng ngồi xuống mõm đá trong hoa viên, tiện tay hái một cành hoa dại bên đường rồi đặt cạnh trâm bạc ngắm nghía, đoạn thở dài nói với cành hoa dại:

- Mày chỉ là một đóa cúc dại, chẳng ai mang cắm vào bình ngọc đâu!

Rồi nhìn sang chiếc trâm bạc, Kim Ngọc vu vơ tự hỏi:

- Chàng là nam nhi mà lại giữ một cây trâm bên cạnh. Không biết nữ chủ nhân của nó là ai? Ta thật sự ngưỡng mộ nàng ấy vì đã có được trái tim của chàng!

Trong lúc Kim Ngọc mãi miết nghĩ về nữ nhi trong lòng Lê Hạo, bỗng cây trâm trên tay nàng bị giật phăng đi, kèm theo đó là một giọng nói chua ngoa cất lên:

- Ban ngày ban mặt mà dám ngồi giữa đường tưởng nhớ nam nhi, chẳng trách ngươi lại có gan lén lúc vào tận tẩm điện với người ta, đúng là loại nữ nhi lăng loàn!

Ngọc Tú dắt theo năm sáu cung nữ đang trên đường trở về Tú Xuân điện sau khi tiễn Nguyễn Xí về biệt phủ, tình cờ thấy Kim Ngọc ngồi một mình ở hoa viên nên đến để trị tội dám đứng ra giải vây cho Thu Đào. Cầm cây trâm trên tay, Ngọc Tú hất hàm ngạo mạng nói tiếp:

- Đây quả thật do Bình Nguyên Vương tặng cho ngươi? Đừng tưởng ta dễ lừa nhé!

Kim Ngọc bị cướp vật quý giá, nàng chồm đến định lấy lại:

- Trả cho ta!

Ngọc Tú giật lùi ra phía sau, cố tính giơ cây trâm lên cao không cho Kim Ngọc bắt được. Chưa chịu buông tha cô gái tội nghiệp, ả cầm cây trâm chuyền qua tay các cung nữ, thi nhau chạy tán loạn làm Kim Ngọc phải đuổi theo hết người này đến người kia, cứ thế chạy mãi đến ao sen cạnh hoa viên.

- Ha ha, ta mượn ngắm một tí không được sao?

- Trả lại cho ta mau!

- Kẻ nào để Kim Ngọc bắt được trâm ta sẽ phạt quỳ hai canh giờ! - Ngọc Tú cười khoái trá ra lệnh cho các cung nữ.

Rồi mặc cho Kim Ngọc khổ sở đuổi theo, Ngọc Tú độc ác cùng các cung nữ thi nhau bắt nạt nàng tú nữ yếu thế. Trong lúc mãi đuổi bắt, một cung nữ đang giữ cây trâm trượt chân chới với sắp ngã xuống ao sen. Kim Ngọc thấy thế vội bổ nhào đến chụp lấy cánh tay nàng ta kéo lại, khoảng khắc ấy nếu Kim Ngọc giật lấy cây trâm thì người cung nữ ấy sẽ mất đà mà ngã xuống ao, vì thế nàng đã chọn ôm lấy vai cung nữ kéo ngược lên bờ, do chới với mất thăng bằng, cây trâm đã tuột khỏi bàn tay và văng ra xa.

- Tõm!

Trâm bạc mất hút dưới làn nước.

- Trâm của ta!

Kim Ngọc tuyệt vọng nhìn theo rồi gào lên trong nước mắt.

Tiếng sấm nổi lên, mưa như trút nước. Ngọc Tú quắc mắt tàn nhẫn ném một câu lại rồi bỏ về cung để tránh mưa:

- Chỉ là một món đồ rẻ tiền thôi mà, nếu ngươi cần thì đến Tú Xuân Điện, bổn tiểu thư trả lại cho ngươi mười cây!

Mưa rơi xuống ao sen xối xả, giọt mưa va đập vào mặt nước bắn lên tung toé, ao sen trông như đang sôi lên sùng sục, một màu nước trắng xóa in hằn trong đáy mắt Kim Ngọc.

* * *

Chiều tối ngày hai mươi ba tháng chạp năm 1456.

Hoàng cung giăng đèn kết hoa, tiếng nhạc dập dìu. Cung yến sắp bắt đầu.

Lê Nhân Tông mặc bộ lễ phục không quá cầu kỳ, mũ cửu long cũng là loại dùng cho các buổi gia yến giản dị. Chàng đích thân đến Thọ Khang Cung đón Thái Hậu đến điện Tường Quang dự tiệc.

Vừa bước vào sảnh điện của Thọ Khang Cung, Nhân Tông đã bắt gặp Thái Hậu đang ngồi cho ngự y Châu Khâm chẩn mạch. Chàng kiên nhẫn đứng chờ, rồi như chợt nghĩ đến điều gì đó nên ánh mắt chàng sáng lên rồi dán chặt vào Châu Khâm.

Chẩn mạch xong, Châu Khâm vừa dọn dẹp công cụ vừa căn dặn:

- Thái Hậu phụng thể an khang, chỉ là ngủ không ngon giấc nên mới hay hoa mắt chóng mặt. Thần sẽ kê một đơn an thần dưỡng khí cho người bồi bổ, vài hôm sẽ khỏi.

Nói xong, Châu Khâm đứng lên hành lễ với vua:

- Hoàng Thượng vạn phúc! Thần đang chẩn mạch không kịp nghênh đón, xin Hoàng Thượng tha tội!

Lê Nhân Tông phất tay miễn lễ:

- Không sao!

Rồi quay sang Thái Hậu thăm hỏi:

- Mẫu hậu thấy không khỏe à?

Chỉnh trang mái tóc và y phục một chút, Thái Hậu đứng lên đáp:

- Bổn cung dạo gần đây hơi khó ngủ, nhưng vẫn khỏe mạnh! Hoàng Thượng không cần bận tâm!

Nói xong Thái Hậu ban thưởng Châu Khâm và cho lui. Lúc đi ngang mặt Nhân Tông, ông ta khẽ cúi người cung kính vái chào cáo biệt, đi được vài bước thì nghe tiếng vua gọi nên đứng lại:

- Châu thái y dừng bước!

Châu Khâm liền xoay người quay lại đáp:

- Hoàng Thượng có điều chi căn dặn hạ thần?

Lê Nhân Tông bước đến cạnh ôn tồn hỏi và không ngừng quan sát thái độ hiện trên nét mặt ông ta:

- Châu thái y nhiều năm chăm sóc Thái Hậu, Trẫm rất cảm kích. Chắc đã lâu ông chưa có dịp về quê nhà thăm gia quyến, chẳng hay gia phụ vẫn khỏe mạnh chứ?

Châu Khâm nghe nói đến cha mình thì hơi chột dạ, ông ta khẽ ngước nhìn lên và thấy Thái Hậu cũng biến đổi sắc mặt, ánh mắt bà khẽ động như muốn nhắc nhở Châu Khâm liệu mà đáp sao để Hoàng Thượng không nghi ngờ điều gì.

Sau vài giây suy nghĩ, Châu Khâm khấu tạ vua và nói:

- Đa tạ Hoàng Thượng có lời thăm hỏi. Gia phụ vẫn khỏe mạnh!

- Hiện người thân của ông đang sống ở đâu? – Lê Nhân Tông cố ra vẻ tự nhiên hỏi tiếp.

Đến đây, Thái Hậu đã không nhịn được nữa mà vội chen ngang để cắt đứt cuộc truy hỏi bất ngờ của vua:

- Hoàng Thượng! Cũng đã trễ rồi, mau đến yến tiệc thôi! Trưa nay bổn cung không được ngon miệng nên chưa dùng thiện, bây giờ cảm thấy hơi đói rồi!

Châu Khâm được giải vây cũng vội vã thêm vào:

- Bẩm Hoàng Thượng, Thái Hậu đang lúc cần bồi bổ, không nên để quá đói sẽ càng dễ bị hoa mắt chóng mặt hơn!

Không đợi Nhân Tông kịp nói thêm, Thái Hậu đã ra lệnh cho Châu Khâm lui ra. Bà vỗ vỗ vai vua giục:

- Đi thôi!

Lê Nhân Tông không tiện khiến mẹ khó xử, chàng chỉ mỉm cười đưa tay ra mời bà đi trước rồi tự mình bước theo sau, ánh mắt hồ nghi dõi theo bóng lưng của Thái Hậu, miệng nói thầm:

- Châu Khâm? Châu Mẫn?

* * *

Trời dần tối. Ánh đèn hoàng cung càng thêm lộng lẫy.

Thu Hằng trang điểm thật xinh đẹp dắt theo tỳ nữ bồi giá Xuân Hoa bước ra khỏi phòng, chuẩn bị đến điện Tường Quang dự yến. Lúc ngang qua gian phòng Lê Hạo đặc biệt dành riêng cho Kim Ngọc, Thu Hằng dừng bước nhìn vào cửa một lúc rồi lệnh cho Xuân Hoa tiến đến gõ cửa.

Cánh cửa phòng mở ra, Thu Hằng chỉ gặp được tỳ nữ của Kim Ngọc, nàng ta bẩm báo rằng chủ nhân do gặp mưa nên bị cảm lạnh, không tiện dự yến.

Thu Hằng nhớ đến cơn mưa bất chợt hôm qua nên không còn nghi ngờ gì nữa, nàng chỉ khẽ gật đầu rồi mỉm cười thõa mãn bỏ đi sau vài lời hỏi thăm cho có lệ, lòng thầm nghĩ:

- Ngươi không đến yến tiệc càng tốt, ta không cần cố tỏ ra đoan trang nhường nhịn, Lê Hạo cũng khỏi khó xử phải ngồi cạnh ai.

Con đường dẫn đến điện Tường Quang đèn hoa rực rỡ, Thu Hằng vừa đi vừa ngắm nhìn không chán mắt. Dưới ánh đèn lồng, trâm cài và trang sức trở nên lấp lánh, điểm tô cho nhan sắc nhu mì của nàng càng thêm nổi bậc giữa bao nữ nhi khác.

Ngọc Tú từ phía con đường trước mặt đã tình cờ nhìn thấy Thu Hằng. Vẫn thái độ kiêu căng ỷ lại vào thế lực của Nguyễn Xí, lúc giáp mặt tại nơi giao nhau của hai còn đường, Ngọc Tú không chủ động chào hỏi mà còn cố tính đứng cản trước mặt làm Thu Hằng không thể bước tiếp. Vốn là người hiểu lễ nghi và giao tiếp khéo léo, Thu Hằng nhượng bộ nghiêng người sang một bên, nhường cho Ngọc Tú đi trước. Nào ngờ ả ta không có ý định đi tiếp mà cố tình đứng lại, một lần nữa chắn ngang trước mặt Thu Hằng, giọng cao ngạo hỏi:

- Ngươi chính là muội muội của tú nữ Thu Đào?

Nghe giọng điệu của Ngọc Tú rõ ràng đang muốn gây sự thị uy, Thu Hằng kiên nhẫn hạ giọng để tránh phiền phức:

- Thu Hằng xin chào Ngọc Tú tiểu thư! Nàng cũng đang đi dự yến đúng không? Đã trễ rồi, nếu nàng không ngại thì chúng ta cùng đi thôi!

Ngọc Tú thấy thái độ lễ phép của Thu Hằng nên càng muốn lấn lướt, chứng tỏ bản thân sẽ là một phi tử tương lai nên ai cũng phải nể sợ. Ả cười khẩy đáp:

- Ngươi cũng có chút nhan sắc nhỉ? Dù có may mắn leo đến địa vị cao nhất cũng chỉ là một Vương Phi. May cho ngươi không phải là tú nữ được chọn hầu hạ Hoàng Thượng, nếu không bổn tiểu thư sẽ không khách sáo với ngươi!

Sau màn tuyên chiến thẳng thừng, Ngọc Tú xoay lưng bỏ đi vài bước. Đoạn khẽ nghiêng đầu ra phía sau lưng châm chọc:

- Cũng chưa chắc gì ngươi sẽ là Bình Nguyên Vương Phi nhỉ? Còn một Kim Ngọc suốt ngày ra vẻ dịu dàng đáng thương kia nữa, ngươi không khéo sẽ bại dưới tay ả đấy! Ha ha ha..

Xuân Hoa chứng kiến thái độ ngạo mạn của Ngọc Tú thì trong lòng bất bình thay cho chủ nhân, nàng khẽ ôm cánh tay của Thu Hằng an ủi:

- Tiểu thư, cô đừng tức giận mà mất vui, cô phải dùng tâm trạng thoãi mái nhất xuất hiện trước mặt Bình Nguyên Vương đấy!

Trái ngược với nỗi lo của Xuân Hoa, Thu Hằng chỉ khẽ nhếch mép cười rồi vỗ vỗ bàn tay Xuân Hoa nói:

- Yên tâm, loại nữ nhi kiêu ngạo ngu ngốc ấy không hề đáng sợ chút nào đâu!

Thu Hằng tiếp tục ung dung dạo bước. Quả nhiên một cô nương thông minh như nàng sẽ không bao giờ bị những kẻ tầm thường làm cho tức giận. Mà tận trong thâm tâm, Thu Hằng luôn xem Thu Đào là tình địch. Bởi nàng biết trong lòng Lê Hạo chưa bao giờ quên được mối tình đầu, cho dù sắp tới Thu Đào có trở thành nữ nhân của Hoàng Thượng đi nữa. Lê Hạo luôn thích những cô nương đơn thuần lương thiện, nên Thu Hằng tuyệt đối không để mình trở thành kẻ tâm cơ trong mắt chàng.

* * *

Tường Quang Điện đông người náo nhiệt.

Lê Nhân Tông ngồi ở bàn giữa, bên trái là Nguyễn Xí, bên phải là Đinh Liệt, trước mặt là các vị quan đại thần, hoàng thân quốc thích tề tựu đông đủ.

Sau lời chúc tụng quốc thái dân an, Nhân Tông uống cạn ly rượu khai tiệc.

Tiếng nhạc cung đình vang lên réo rắt. Các vũ công từ hai bên trái phải tiến ra giữa sảnh điện múa khúc nghê thường yểu điệu.

Lê Nghi Dân nâng chung rượu cao ngang mặt hướng về phía Đinh Liệt giọng đầy ẩn ý:

- Đinh tướng quân! Đã lâu không gặp! Hoàng cung qua năm tháng nay đã khác xưa..

Nghi Dân cố ý chầm chậm buông ra từng chữ, mắt liếc nhìn Nguyễn Xí ngụ ý nhắc đến việc cấm vệ hoàng cung do ông ta nắm quyền để khiêu khích Đinh Liệt:

* * * nhưng phong thái lão tướng của ngài thì vẫn như vậy! Bổn vương kính ngài một chung, chúc cho biên cương Đại Việt mãi vững chắc dưới tay Đinh tướng quân!

Nguyễn Xí thấy đối thủ được khen ngợi bên tỏ thái độ không phục, tay vuốt râu, hất càm lên nói như ra oai:

- Phải! Việc ở biên cương phía Bắc đành nhờ Đinh tướng quân lo liệu, còn hoàng thành kinh đô của Đại Việt lão thần xin góp chút sức mọn, xin tận tâm hầu hạ bên cạnh thánh giá!

Ai cũng biết hoàng thành là đầu não của quốc gia, vị tướng quân nào nắm quyền cấm vệ quân đương nhiên có vị trí dưới một người trên vạn người. Bởi thế, câu nói của Nguyễn Xí bề ngoài có vẻ khiêm nhường, nhưng bên trong chính xác là một lời đe dọa thị uy.

Thấy tình hình sắp nổ ra khẩu chiến, Lê Hạo dừng ánh mắt trên mặt Đinh Liệt rồi khẽ lắc đầu ra lệnh dừng lại. Đoạn chàng cũng nâng ly giảng hòa:

- Hai vị lão tướng như cánh tay trái và cánh tay phải của Hoàng Thượng, cùng nhau hợp sức tận trung với triều đình, quả là phúc của Đại Việt và hoàng tộc! Bổn Vương cùng Lạng Sơn Vương xin kính rượu hai vị!

Nể mặt Lê Hạo, Đinh Liệt nâng ly lên ngang mặt tỏ ý nhượng bộ. Nhưng Nguyễn Xí vờ như không thấy, ung dung ngồi gấp thức ăn cho vào miệng.

Lê Nhân Tông thấy thế nên tự tay hóa giải cục diện, chàng cầm ly rượu lên nói:

- Trẫm cũng mời hai vị tướng quân một chung!

Nguyễn Xí thấy vua đích thân nâng chén nên cũng vội vàng cầm chung lên đáp lễ.

Lê Nghi Dân uống cạn chung rượu rồi nhếch mép cười đắc ý. Chỉ bằng một câu châm chọc hắn đã có thể xác định được nhiều điều. Thứ nhất, Nguyễn Xí và Đinh Liệt quả nhiên bất hòa. Thứ hai, Đinh Liệt vẫn là trung thành với Lê Hạo nhất. Thứ ba, muốn lật đổ Lê Tuấn thì một là tiêu diệt được hết hai thế lực nắm binh quyền này, hoặc phải thu phục được cả hai. Hoặc.. đương kiêm Hoàng Thượng không may bị loạn đảng hành thích mà băng hà, thì ngai vàng chắc chắn thuộc về trưởng tử của tiên đế!

Lê Nghi Dân tựa lưng vào ghế, mắt lim dim, đầu lắc lư theo điệu nhạc du dương, năm ngón tay gõ gõ vào thành ghế như thể đang rất chăm chú thưởng thức yến tiệc.

Thu Hằng hôm nay trang điểm xinh đẹp nỗi bậc, nàng ngồi ở hàng ghế dành cho các nữ nhi hậu cung, suốt buổi chỉ để mắt đến nhất cử nhất động của Lê Hạo mong chờ chạm được ánh mắt chàng một lần.

Ngọc Tú sau lần hạ xuân dược vào trà sâm của vua thì luôn thấp thỏm nghe ngóng tin tức. Hôm nay chạm mặt nhau lúc ả cùng Nguyễn Xí vào đến Tường Quang Điện, Lê Nhân Tông vẫn mỉm cười chào hỏi như không có xảy ra việc gì khiến Ngọc Tú chột dạ. Rõ ràng hôm ấy Đào Biểu đã chuyển lời rằng Hoàng Thượng khen trà sâm ngon, vậy hôm ấy Hoàng Thượng đã "giải quyết" như thế nào? Vì tận hôm nay vẫn chưa nghe nói có tú nữ nào được thị tẩm cả! Ngọc Tú suy nghĩ hồi lâu rồi bỗng sa sầm nét mặt tự hỏi:

- Có khi nào là ả Thu Đào ấy không? Lẽ nào đợi ả hết thời hạn cấm túc sẽ được tấn phong?

Yến tiệc diễn ra được khoảng nửa canh giờ, ai nấy đã ngà ngà hơi men nên không khí càng thêm náo nhiệt, xung quanh nói nói nói cười cười, dường như đã đến lúc tự do vui chơi không cần câu nệ lễ tiết. Lê Nhân Tông lui ra phía sau hậu điện, lệnh cho các quan cứ tự nhiên tiếp tục dự yến.

Đang cầm tách trà trên tay, Nhân Tông đã thấy Đào Biểu hối hả chạy vào, vừa đi vừa nhìn trước ngó sau như sợ ai bắt gặp.

Vừa đến trước mặt vua, Đào Biểu vội thưa:

- Bẩm Hoàng Thượng, Lý Lăng đại nhân có mật thư kèm theo lời nhắn Hoàng Thượng phải đọc ngay!

Nhân Tông để tách trà xuống bàn, lập tức đón lấy mật thư mở ra xem.

"Châu Mẫn là thân phụ của thái y Châu Khâm đang hầu hạ bên cạnh Thái Hậu. Trước khi vào cung làm thái y, Châu Mẫn vốn là thầy lang của nhà Nguyễn Trãi, ông ta chính là người chăm sóc cho hai vị phu nhân đang mang thai của Nguyễn Trãi năm xưa. Nguyên nhân băng hà của tiên đế quả nhiên có điều mờ ám. Xin Hoàng Thượng gấp rút cho người đến Tây Kinh bảo vệ nhân chứng Châu Mẫn!

Thứ nữa, Tây Kinh là cố hương của Thái Hậu, gần đây lời dèm pha thân thế của Hoàng Thượng trở nên rầm rộ, loạn đảng nổi lên đều loan tin Thái Hậu năm xưa đã bức hại Thái Tử Nghi Dân để tranh giành địa vị. Hoàng Thượng nên để mắt đến Lạng Sơn Vương!

Lý Lăng chi bút".
Chương trước Chương tiếp
Loading...