Kế Hoạch Hôn Nhân

Chương 29



Tôi như con thiêu thân lao đầu về phía con, bàn tay ôm lấy một bên má đẫm máu của con, gào khóc trong đau đớn:

– Hiếu…Hiếu ơi, mẹ đây, làm ơn mở mắt ra nhìn mẹ đi con ơi. Làm ơn…làm ơn đừng làm mẹ sợ.

Cô y tá đang đẩy chiếc giường thấy vậy lên tiếng:

– Chị bình tĩnh, bây giờ tránh ra cho chúng tôi đi vào bên trong còn cấp cứu cho cháu. Giờ chị phải mạnh mẽ lên vì con chứ?

Nghe y tá nói vậy tôi vô thức phải lùi về phía sau vài bước để tránh đường cho các y bác sĩ. Tôi run run bảo:

– Làm ơn, xin chị hãy cứu con tôi. Dù lấy mạng sống hay bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể tôi để đổi cho con cũng được. Làm ơn giúp tôi.

– Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng cho mình.

Nói xong các y bác sĩ đẩy con vào phòng, cánh cửa đóng sập lại, khoảnh khắc đó tim tôi như vỡ ra thành trăm ngàn mảnh. Cuối cùng tôi đã chẳng thể chịu đựng nổi nữa mà ngã quỵ xuống, bật khóc tu tu như một đứa trẻ. Ông trời ơi, sao lại tàn nhẫn với một đứa trẻ vô tội như vậy? Người ta nói “phúc Đức tại mẫu”, vậy tôi đã làm gì sai để con tôi phải chịu bao đau đớn như thế? Nếu tôi có sai, ông cứ mạnh tay phạt tôi, nếu kiếp này không hết thì phạt tiếp ở kiếp sau, xin đừng liên luỵ tới con tôi. Càng nghĩ tim tôi càng thắt lại, cảm giác đau đớn giống như lục phổi ngũ tạng trong cơ thể cùng lúc bị phá hủy. Tôi thương con đến xé tận tâm con, như muốn thay con chịu hết thảy mọi đau đớn, dù c.h.ết luôn cũng được chỉ cần con được bình an. Khi đang khóc thì một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi, giọng nói quen thuộc vang lên:

– Linh…Hiếu đâu rồi con?

Tôi ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn mẹ mình, vừa khóc vừa nghẹn ngào đáp:

– Mẹ ơi.

Mẹ nhìn tôi, ngồi xuống đối diện tôi, vẻ mặt bà đầy lo lắng, giọng nói run run:

– Sao rồi con? Bình tĩnh nói mẹ nghe.

Tôi khóc đến mức nghẹn lại, nói mãi không lên lời. Mẹ ôm tôi vào lòng, lúc này bức tường kiên cố trong tôi chính thức sụp đổi. Cả người tôi mềm nhũn như ngọn cỏ non ven đường, chỉ cần một cơn gió thổi qua cũng đủ để ngọn cỏ ấy ngặt nghẹo siêu đổ. Mãi một lúc rất lâu sau tôi mới khó nhọc đáp lại:

– Hiếu…đang ở bên trong phòng cấp cứu. Con sợ lắm mẹ ơi, người thằng bé đầy máu!!!

Nói xong tôi giơ tay mình lên cho mẹ xem, vừa khóc vừa chỉ:

– Là máu của thằng bé đó mẹ ơi. Huhu…con trai con….

Mẹ tôi vừa khóc vừa an ủi tôi:

– Được rồi, không khóc nữa. Mẹ tin là Hiếu sẽ không sao đâu.

Nói xong mẹ tôi đỡ tôi ngồi lên chiếc ghế ở phía sau. Lúc này tôi mới để ý có rất nhiều phụ huynh đang giống như tôi, đều như những ngọn đèn yếu ớt lay lắt trước ngọn gió lớn. Thời gian cứ thế chậm rãi qua đi, chỉ thấy những đứa trẻ được đưa vào trong mà chưa thấy đứa trẻ nào được đưa ra. Tôi ngồi đấy mà như ngồi trên đống lửa, tôi khóc đến mức không còn thở nổi, mẹ ngồi bên cạnh tôi liên tục động viên, mặc dù nước mắt bà cũng đang lặng lẽ tuôn rơi.

Lúc này, cánh cửa phòng bỗng bật ra, một chiếc giường được đẩy ra, trên giường là một bóng người được che phủ bằng một lớp khăn trắng mỏng. Tim tôi lúc này như muốn bắn ra khỏi lồng ngực, bám vào thành ghế để lấy sức bật dậy đi lại thì một người đàn ông gần đó chạy vội kéo nhẹ chiếc khăn trắng xuống. Ngay sau đó khuôn mặt người đàn ông biến sắc tưởng chừng cắt không còn giọt máu. Người đàn ông kiên cường nhất trong các bậc phụ huynh ở đây cuối cùng cũng rơi giọt nước mắt đau đớn và tuyệt vọng. Cô y tá đẩy giường lúc này mới lên tiếng, giọng nói không quá to nhưng đủ để mọi người nghe thấy và cảm nhận được sự bi thương trong đó:

– Anh là người nhà của cháu Phạm Hải Băng? Chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi nhưng cháu không thể qua khỏi do xuất huyết não quá nhiều. Người nhà hãy đi đến nhà xác để làm thủ tục nhận thi thể. Chia buồn cùng gia đình.

Nói rồi cô y tá đưa tay kéo chiếc khăn lên. Người đàn ông lúc này tưởng chừng đứng không vững, cổ họng phát ra tiếng kêu đau tới thấu trời xanh:

– Ôi trời ơi…con gái tôi…trời ơi…!!!

Tôi đứng tha thẩn nhìn theo họ cho tới khi khuất hẳn. Một thiên thần nhỏ đã đi đến một thế giới khác, ở nơi đó hi vọng cô gái nhỏ sẽ không còn đau đớn. Tôi là người ngoài thôi mà khi chứng kiến cảnh đó còn cảm giác không chịu nổi, vậy thì bố mẹ con bé sẽ sống phần đời về sau thế nào đây? Càng nghĩ tôi lại càng sợ, cả người run lên bần bật “ Ông trời ơi, xin ông hãy bảo vệ con của con”

Cánh cửa phòng cấp cứu một lần nữa lại mở ra, lần này là một vị bác sĩ lên tiếng:

– Ai là người nhà của cháu Vũ Minh Hiếu?

Giây phút nghe bác sĩ gọi đến tên con mình, lồng ngực vốn đang đau buốt của tôi lại càng buốt hơn. Tôi run run đáp:

– Là…là tôi thưa bác sĩ.

– Chúng tôi tiến hành kiểm tra và phát hiện bệnh nhân bị vỡ lá lách cấp độ 4, cuốn lá lách bị đứt ngang, ổ bụng có dịch, cần phải tiến hành cắt bỏ lá lách. Bây giờ mời người nhà ký vào giấy cam kết đồng ý phẫu thuật.

Tôi nghe vậy mà nước mắt cứ trào ra không điểm dừng, phải cố cắn chặt môi để ngăn cho cổ họng không phát ra tiếng nấc. Bàn tay run run ký tên mình vào đó, sau đấy cánh cửa một lần nữa đóng sập lại.

Mẹ tôi dìu tôi về lại chỗ ngồi, bà khẽ đưa tay nắm lấy tay tôi, cái nắm tay vừa trấn an vừa là đôi cánh dang ra bảo vệ đứa con trong lúc yếu đuối nhất. Không biết tôi và mẹ ngồi bao lâu, cánh cửa phòng cấp cứu vẫn im lìm. Chỉ cách nhau vài bước chân thôi nhưng tôi cứ ngỡ như cách cả trăm con sông, nghìn quả núi. Thời gian nhích dần từng giây, mỗi giây trôi qua dài như vô tận. Cuối cùng tôi đã không thể chịu đựng được nữa mà đứng dậy, áp sát người vào cánh cửa kính, tôi nghe thấy giọng người phụ nữ vọng ra:

– Bác sĩ, huyết áp đang giảm!

Giọng người đàn ông vừa nãy vang lên:

– Mau tiêm tĩnh mạch.

Những âm thanh va chạm của dụng cụ vang lên, tôi sốt ruột đến mức chỉ muốn chạy vào trong đó chịu thay con những đau đớn. Vừa siết chặt tay vào tấm kính cửa, tôi vừa nói:

– Hiếu ơi…chàng trai của mẹ…cố gắng mạnh mẽ lên con nhé. Chỉ cần con khỏe lại…mẹ nguyện đánh đổi tất cả.

Tôi cứ đứng như vậy không hề nhúc nhích, chỉ đến khi cánh cửa phòng phẫu thuật mở ra, giọng nói gấp gáp của người y tá vang lên:

– Trong quá trình phẫu thuật mất máu quá nhiều, dù đã được tiếp máu từ kho máu của bệnh viện nhưng không đủ. Người nhà ai cùng nhóm máu O thì đi theo tôi.

Nhóm máu O sao? Một nhóm máu có thể hiến máu cho bất kỳ người nào nhưng chỉ có thể nhận hiến máu từ người có cùng nhóm máu O. Tôi quay sang hỏi mẹ:

– Mẹ nhóm máu gì?

– Mẹ nhóm máu A.

Tôi cũng nhóm máu A thì làm sao có thể hiến cho Hiếu được đây. Lúc này tôi quay sang nhìn tất cả những người có mặt ở đây, dùng ánh mắt cầu cứu hỏi họ:

– Anh chị ơi, trong này có ai có nhóm máu O không? Làm ơn làm phúc cứu giúp con em mới.

Mấy người phụ nữ vì lo lắng cho con mình nên đã chẳng đủ tỉnh táo để quan tâm tới lời tôi nói, còn mấy người đàn ông đồng loạt lắc đầu. Trong giây phút tuyệt vọng ấy, người duy nhất tôi nghĩ đến chính là Hoàng. Hiếu là con của anh, chắc chắn là cùng nhóm máu với anh. Tôi không nghĩ ngợi gì nhiều, lấy điện thoại ra gọi cho anh nhưng chợt nhận ra không biết giờ này anh dùng số điện thoại nào. Tôi ấn liều dãy số điện thoại cũ mà tôi đã từng xoá khỏi danh bạ nhưng vẫn nhớ như in trong đầu. Cuộc gọi đã đổ chuông, rất nhanh những giây đầu tiên nhảy số, một giọng nói vang lên:

– Alo.

Là giọng của một người phụ nữ, tôi run run hỏi:

– Cho hỏi đây phải số của anh Trịnh Minh Hoàng không?

– À đúng rồi. Nhưng cô là ai? tìm chồng tôi có chuyện gì không? Anh ấy hiện tại không có nhà.

Cô ta vừa dứt lời, chiếc điện thoại trên tay tôi cũng rơi xuống đất. Một câu nói tựa như một nhát dao chặt đứt mọi hi vọng trong tôi. Không phải là hi vọng về tình yêu đôi lứa, là hi vọng để cứu sống con tôi. Trời đất như quay cuồng đảo lộn trước mặt tôi nhưng tôi vẫn phải cố gắng tỉnh táo nhất có thể. Vì tôi biết tôi gục ngã lúc này không khác gì từ bỏ.

Giọng chị y tá khác lại vang lên:

– Nhanh lên, tình hình bệnh nhân đang nguy kịch. Người nhà không có ai có nhóm máu O à?

Nghe đến đây đôi chân tôi tựa hồ đứng chẳng vững. Cảnh tượng đứa bé cùng chiếc khăn trắng phủ lãnh lẽo ùa về khiến sống lưng tôi trở lên lạnh buốt. Tôi vừa định lên tiếng trả lời bác sĩ thì một giọng nói quen thuộc vang lên đầy gấp gáp:

– Tôi…tôi có nhóm máu O.

– Vậy anh nhanh đi theo tôi.

Bóng dáng Hoàng vụt qua tôi, giây phút ấy tôi cứ ngỡ mình hoa mắt nhìn nhầm. Phải cho đến khi tiếng mẹ tôi vang lên tôi mới dám tin đây là sự thật:

– Yên tâm rồi con ơi, thằng Hoàng đến rồi.

Tôi cũng không biết vì sao anh lại xuất hiện ở đây, nhưng giờ phút này tôi cũng không quan tâm nhiều, chỉ biết rằng anh có mặt là một chuyện tốt rồi. Hoàng đi theo cô y tá kia, thời gian trôi qua không biết bao nhiêu lâu sau thì cánh cửa phòng cấp cứu mới lại mở ra, bác sĩ khẽ tháo khẩu trang bước ra ngoài. Tôi và mẹ cùng các bậc cha mẹ kia nhanh như cắt lao đến, ào ào hỏi:

– Bác sĩ, con chúng tôi sao rồi?

…..

– Bác sĩ, con tôi đâu?

Khi bác sĩ còn chưa kịp trả lời thì đã bị vây kín. Bỗng lúc này một người phụ nữ từ ngoài chạy vào, chị ta gào khóc kêu la:

– Bác sĩ, sao lại không cứu con gái tôi…con gái tôi chỉ đang ngủ say thôi mà sao ông lại đưa con bé xuống nhà xác thế hả?

Nói xong chị ta mất bình tĩnh, như điên dại lao đến đám đông đẩy từng người một để chen vào trong, thẳng tay xô tôi sang một bên khiến tôi đứng không vững lảo đảo về sau rồi ngã vào tay của ai đó:

– Cẩn thận!

Ngước mắt nhìn lên tôi thấy khuôn mặt Hoàng rõ mồn một. Tôi mệt mỏi đáp:

– Cảm ơn.

Người đàn ông có đứa con gái mất khi nãy cũng chạy lại ôm lấy vợ mình ra khỏi đám đông. Đôi mắt anh ta đã sưng đỏ nhưng anh ta không gục ngã giống chị vợ vì có lẽ anh biết bản thân mình chính là chỗ dựa lớn nhất của vợ lúc này.

Bác sĩ lên tiếng:

– Mọi người bình tĩnh nghe tôi nói đã. Hiện tại tất cả các bé đã qua cơn nguy kịch. Những bé phải phẫu thuật chúng tôi sẽ đưa xuống phòng hồi sức. Hiện tại gia đình sẽ chưa được vào thăm vì phẫu thuật xong còn yếu, tránh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.

Nói xong thì bác sĩ bước đi, tôi có thể nghe được tiếng thở phào nhẹ nhõm của tất cả mọi người, bao gồm tôi. Tôi ngước mắt nhìn ra ngoài bầu trời, vậy mà đã chuyển tối từ khi nào. Tôi bảo mẹ:

– Mẹ ơi, Hiếu giờ đã phẫu thuật xong rồi, hay là mẹ về chỗ bố đi.

Mẹ tôi do dự đáp:

– Nhưng mình con ở đây được không?

– Dạ được. Có chuyện gì con sẽ gọi ạ. Hiếu nằm phòng hồi sức chắc cũng phải mấy tiếng sau mới được xuống phòng.

Mẹ nhìn tôi, đắn đo mãi mới gật đầu. Lúc mẹ quay người lại thì vô tình đối mặt với Hoàng. Anh nhìn mẹ tôi, lịch sự cúi đầu chào. Mẹ tôi cũng không trả lời lại anh, chắc có lẽ giờ phút này khó nói quá nên không biết nói gì, chỉ gật đầu một cái rồi bước đi.

Sau khi mẹ tôi đi khỏi thì Hoàng cũng lặng lẽ rời đi ngay sau đó. Tự nhiên tôi lại cảm thấy có chút hụt hẫng mà không dám nghĩ xem vì sao lại hụt hẫng. Thôi thì như vậy cũng tốt, việc anh đến đúng lúc tiếp máu cho Hiếu tôi rất biết ơn anh, còn quá khứ kia tôi vẫn không thể gạt bỏ được.

Trong lúc chờ Hiếu chuyển về phòng bệnh thì tôi ngồi chờ ở gần phòng hồi sức. Nhưng vì sốt ruột quá nên ngồi được một lát tôi đã đứng dậy chạy ra trước cửa phòng của con đang nằm. Bác sĩ không cho vào thăm, qua khe hở nho nhỏ tôi chỉ có thể thấy được người con đang bị băng bó, xung quanh một đống dây dợ lằng nhằng. Lòng tôi quặn thắt lại vì thương con. Thằng bé mới ba tuổi thôi, còn rất nhỏ nhưng lại phải trải qua một cuộc phẫu thuật đầy đau đớn. Hai mắt con nhắm nghiền, làn da trắng hồng ngày nào đã chuyển màu xanh xao. Khi còn đang chăm chú nhìn con thì một bàn tay chạm nhẹ phía sau vai tôi, mới đầu tôi cứ nghĩ đó là bác sĩ đến giục tôi về phòng chờ, nhưng khi quay đầu lại thì thấy khuôn mặt Hoàng. Ở dưới ánh đèn, khuôn mặt đó vẫn hoàn hảo như vậy, trên người toả ra một loại khí phách khiến cho người khác cảm thấy có một loại áp lực vô hình. Tuy nhiên, ánh mắt hôm nay anh nhìn tôi lạ lắm, giống như đem hết thảy sự dịu dàng mà anh có dồn vào ánh mắt, anh chậm rãi bảo:

– Tôi mua cơm rồi, cô ra ăn đi không đói.

– Sao anh lại ở đây?

– Em nghĩ tôi có thể yên tâm ra về khi con mình vẫn đang nằm đó chịu đau đớn?

Câu nói của Hoàng khiến toàn thân tôi chợt như bất động. Lúc này tôi bỗng thấy ánh mắt Hoàng đỏ lừ, không khóc nhưng dường như anh đang rất xúc động. Tôi lúng túng đáp:

– Anh nói cái gì vậy? Tôi biết là anh đã cứu con tôi, tôi rất cảm kích anh vì điều đó. Nhưng việc đấy không có nghĩa là anh nhận vơ con mình như vậy.

– Con của em cũng là con của tôi.

Ba từ “con của tôi” chắc nịch đến mức cổ họng tôi bỗng nghẹn ứ cả lại, rõ ràng anh dường như đã rất chắc chắn nhưng tôi vẫn cố chấp nói:

– Hiếu không phải….

Tôi còn chưa nói hết câu thì Hoàng đã chặn ngang:

– Em vẫn định chối nó không phải con tôi? Em tưởng tôi ngu đến mức không nhận ra con mình? Thằng bé là con của tôi.

Tôi nghe đến đây sống mũi chợt cay xè. Mọi thứ cảm xúc như đang bóp nghẹn lấy lồng ngực tôi. Tôi rất muốn nói thẳng mặt anh rằng “ Phải, nó là con của anh đấy thì sao. Nhưng năm xưa chính anh muốn tước đoạt đi mạng sống của con mình thì bây giờ anh lấy cái tư cách gì mà nhận con. Anh không có liêm sỉ hả”. Lời tôi chưa kịp nói ra thì đã có bác sĩ đi tới nhắc nhở:

– Đề nghị người nhà bệnh nhân ra ngoài phòng chờ.

Nghe bác sĩ nói vậy tôi đành lén mọi cảm xúc xuống đáy lòng mà bước đi về phía trước, vì giây phút này mọi việc đều không bằng sức khỏe của Hiếu. Sau khi tôi đi về phòng chờ, Hoàng cũng lững thững đi phía sau lưng tôi, anh giống như dùng hết sự kiên nhẫn mà mình có để nhắc lại:

– Em ăn cơm đi không đói.

Lúc này tôi mới phát hiện ra cách xưng hô của Hoàng dành cho mình đã thay đổi, lần đầu tiên anh gọi tôi bằng “em” lại ở trong cái hoàn cảnh trớ trêu này. Tôi trước sau vẫn một thái độ đáp lại:

– Tôi không ăn.

Hoàng không nói gì, trực tiếp mở hộp cơm ra trước mặt tôi. Một người đàn ông cao cao tại thượng vậy mà giờ không màng cả sĩ diện, anh trực tiếp cầm thìa xúc một miếng cơm nhỏ kèm một miếng thịt giơ ra trước mặt tôi, anh nói:

– Há miệng ra.

Tôi bị hành động này của Hoàng làm cho kinh ngạc tới mức đờ đẫn. Tôi không biết vì sao Hoàng lại dùng sự kiên trì này dành cho tôi. Nếu là anh của 3

năm trước thì dù tôi chết đói anh cũng chẳng bận tâm. Có phải là anh đang cảm thấy hối hận về hành động năm xưa của mình, hay là chút tử tế vì sau 3 năm tôi đã sinh cho anh một đứa con trai, mặc dù đứa con này anh từng không mong muốn. Nỗi tuyệt vọng và đau khổ trong quá khứ luôn khiến tôi cảm thấy mình đang đứng trên đỉnh núi sương mù dày đặc. Tôi phải dè dặt dò từng bước một vì chỉ cần sơ sẩy là rơi xuống vực sâu. Tôi cố gắng lạnh lùng nói từng chữ:

– Anh điếc à? Tôi đã nói tôi không ăn.

– Cơm sườn mà em thích.

Có vẻ như hôm nay ông trời đi vắng nên anh ta mới kiên nhẫn được đến mức này. Tôi nhận thấy nếu mình cứ cố chấp thì còn có người cố chấp hơn. Cuối cùng tôi chủ động lấy hộp cơm từ tay của Hoàng xúc một miếng lớn, tôi bảo:

– Tôi ăn rồi. Vừa lòng anh chưa?

Hoàng không trả lời lại nữa, khoé môi khẽ ánh lên nụ cười. Có vẻ như nụ cười ấy bao năm vẫn vậy, vẫn có thể làm chao đảo người nhìn. Lúc này tôi mới cúi xuống nhìn suất cơm trên tay mình xem có gì, rồi chợt phát hiện các món ăn rất giống như hộp cơm trưa ở công ty hôm ấy. Chắc có lẽ chỉ là sự trùng hợp thôi!!!

Hiếu nằm ở phòng hồi sức đến tận sáng sớm ngày hôm sau mới được chuyển về phòng bệnh. Cả đêm ấy tôi nằm co quắp ở phòng chờ, trời mùa đông ban ngày đã lạnh, đêm đến lại càng lạnh hơn. Nhưng có lẽ vì quá mệt nên tôi đã thiếp đi vào giấc ngủ lúc nào cũng chẳng hay biết. Cho đến khi giấc mơ kinh hoàng tái hiện lại sự việc buổi sáng một lần nữa lại chập chờn trước mắt tôi khiến tôi phải giật mình thức giấc. Lúc mở mắt ra tôi đang thấy tay Hoàng khựng lại trước ngực mình, tôi nhíu mày hỏi:

– Anh định làm cái chết tiệt gì thế?

– Em nghĩ tôi muốn làm gì?

Bàn tay cách có bầu ngực một gang tay, dù đầu óc tôi trong sáng đến mấy cũng phải suy nghĩ lệch lạc, tôi nghiến răng nói:

– Biến thái!

Hoàng bị tôi chửi nhưng anh không tức giận, khoé môi khẽ nhếch lên nụ cười:

– Tôi vừa đắp chăn cho em xong, đang định giơ tay lên thì em mở to mắt nhìn. Xem ra, 3 năm qua em cũng thiếu thốn lắm nhỉ?
Chương trước Chương tiếp
Loading...