Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Chương 102: Niệm Khởi Tức Giác, Giác Rồi Tức Không



Người nào trụ tại Vạn Phật Thánh Thành nhất định phải thật lòng tu đạo, từng thời từng khắc phải hồi quang phản chiếu, kiểm thảo thân tâm mình, coi có phạm vào năm giới cơ bản là sát, đạo, dâm, vọng, tửu chăng? Phải cẩn thận giữ giới, từng giờ từng khắc, phải khẩn thiết tu và lấy chuyện của hai vị hành giả tam bộ nhất bái, ba bước một lạy, để làm gương học hỏi. Từng thời từng khắc quý vị này tự xét về mình, không để vọng tưởng dấy lên. Cũng có lúc vọng tưởng đến, nhưng họ tỉnh ngộ tức thì, biết là sai, bèn thâu hồi ngay vọng tưởng. "Niệm khởi tức giác, giác rồi tức không," khi đã giác, đã biết, thì chẳng có gì nữa.

Tại sao có vọng tưởng? Bởi chưa phá được cánh cửa của cảnh giới sáu trần, tức sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Do đó mắt bị sắc trần ô nhiễm, tai bị thanh trần mê hoặc, mũi bị hương trần dụ, lưỡi bị vị trần sai khiến, thân bị xúc trần làm say đắm, ý bị pháp trần động, tất cả đều bị điên đảo bởi sáu trần. Nếu như tâm giác ngộ thì có thể lấy ra được gốc rễ của vọng tưởng. Nếu tâm không bị sáu trần làm cho rối loạn thì chứng được sơ quả A-lahán.

Người chứng được sơ quả, mắt thấy sắc nhưng chuyển được sắc trần, tai nghe âm thanh nhưng chuyển được thanh trần, và cũng như vậy đối với các căn khác. Câu nói "bất nhập thanh hương vị xúc pháp" là nghĩa không hề bị một trần nào dao động. Lúc đó, danh không lay chuyển được, lợi không lay chuyển được; đối với hết thẩy mọi thứ, lòng không bị động, cũng như ý nghĩa câu: "Nhãn quan hình sắc nội vô hữu, nhĩ thính trần sự tâm bất tri," tức là mắt nhìn hình sắc nhưng bên trong không có gì, tai nghe chuyện mà tâm không hay biết. Có câu: Na-già thường tại định, vô hữu bất định thời, không có lúc nào mà ngoại vật làm cho tâm dao động, không có khắc nào bị mê hoặc trước ngoại cảnh.

Khi nào đạt được cảnh giới này vẫn phải nỗ lực dụng công, không thể giải đãi. Nếu có chút lười biếng, căn bệnh cũ lại tái phát, cho nên người tu đạo, phải tiếp tục gắng gỏi, dũng mãnh tinh tấn, chỉ biết tu hành, không sanh vọng tưởng, đó mới là cách dụng công chân chánh.

Có người ở đây không dụng công tu hành, chỉ làm theo người khác. Ðó chỉ là sự a-dua. Thấy người ta niệm Phật mình cũng niệm Phật. Tại sao phải niệm Phật? Không biết. Thấy người ta lạy Phật, mình cũng lạy Phật, rồi cũng không biết vì sao mà lạy. Cho đến tụng kinh, trì chú, ngồi thiền, đại khái không hiểu nghĩa lý gì hết. Hồ đồ như vậy, đúng là "thực bất tri kỳ vị," quả là uổng phí thời gian. Tu đạo như vậy, thật đáng thương!
Chương trước Chương tiếp
Loading...