Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Chương 169: Không Chấp Tất Cả



Trên thế giới này, bất luận tốt hay xấu cũng đều dạy người ta khai ngộ. Tốt là dạy chúng ta giác ngộ từ chỗ tốt; xấu là dạy chúng ta giác ngộ từ chỗ xấu. Tốt và xấu đều có thể làm chúng ta giác ngộ cả. Nếu ta có thể giác ngộ cả từ tốt và xấu thì sẽ không có vấn đề gì. Còn nếu không giác ngộ ở cái tốt, chúng ta sẽ chấp vào cái tốt này. Nếu không giác ngộ ở cái xấu thì chúng ta sẽ chấp vào cái xấu. Bất luận là chấp tốt hay chấp xấu, đó cũng đều là một thứ chấp trước. Một khi có chấp trước như thế, chúng ta sẽ không thể thành tựu đạo nghiệp được. Chúng ta phải nhìn cho thấu suốt cả cái tốt và cái xấu. Nếu gặp thuận cảnh hoặc nghịch cảnh mà chúng ta có thể an nhiên xử xự, như vậy chúng ta mới không bị cảnh giới xoay chuyển.

Trong kinh Kim Cang có nói:

“Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn, bào ảnh,

Như lộ diệc như điện.

Ưng tác như thị quán.”

Nghĩa là tất cả các pháp hữu vi trên thế gian giống như giấc mộng, đều không chân thật. Lại giống như bong bóng nổi trên nước, cũng không phải nó là thật có. Cũng giống như cái bóng, thấy có đó mà nắm bắt chẳng được. Lại cũng giống như giọt sương, như điện chớp, trong nháy mắt là tiêu mất ngay, nên quan sát như thế mới thật là thấu suốt. Sau khi đã thấu suốt thì cần phải buông xả. Nếu như buông xả không xong và cứ chấp vào cái này, chấp vào cái kia, chúng ta sẽ không đạt được tự tại đâu. Dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh, chúng ta cũng nên buông hết. Cho đến một tơ hào cũng không chấp trước, như thế chúng ta mới có thể được tự tại.

Giảng ngày 10/09/1980

KHOA HỌC: PHƯỚC HAY HỌA – VẬT CÓ ÂN HAY CHÉN TRÀ ĐỘC

Khoa học tuyệt đối không thể mang lại cuộc sống an lạc chân thật và cứu cánh cho nhân loại về phương diện tinh thần lẫn vật chất. Không phải ai cũng đều chấp nhận loại lý luận này. Tại vì sao?. Bởi con người vì chấp cái mê mà không được khai ngộ. Nếu quý vị muốn đề xướng loại lý luận này, tất nhiên sẽ bị thất bại. So với các thứ khác, khoa học kỹ thuật có sức quyến rũ mạnh hơn. Rất nhiều người biết rõ khoa học có vấn đề, nhưng họ vẫn ủng hộ và tán dương khoa học. Trên thế giới này, điều gì có lợi ắt có hại. Phàm việc gì có nhiều lợi ích to lớn, tức nó cũng có cái hại tương đương.

Xem đấy, bệnh ung thư đang lan tràn khắp toàn cầu. Đó là bởi khoa học phát minh mỗi ngày một mới lạ, sanh sản ra biết bao nhiêu loại độc tố làm ô nhiễm bầu không khí. Kết quả là nhân loại hít phải các thứ khí độc này, mà bị nhiễm thành các chứng bệnh ung thư. Chẳng lẽ các khoa học gia không rõ rệt tình trạng đó hay sao? Không phải là không biết, mà chỉ vì họ không muốn suy nghĩ kỹ càng, và không muốn chấp nhận loại lý luận như thế đó thôi. Để rồi ngày nay, thế giới đã lâm vào tình trạng bị nhiễm bệnh đến tận xương cốt, không thuốc cứu chữa. Mặc dù không thuốc chữa, nhưng chúng ta biết bao nhiêu thì hãy làm bấy nhiêu, và cứ đem hết khả năng sức lực của mình để cứu vãn trận sóng cuồng đã ập đến. Không phải chúng ta muốn phản đối các nhà khoa học, nhưng chúng ta cũng nên biết để thấu rõ cái chân lý này. Phàm vạn sự vạn vật, hễ có lợi thời có hại. Ví như có người đã lên đến mặt trăng, vậy lên đó rồi họ sẽ tình toán gì nữa đây? Giả sử như chính phủ quyết định cất giấu bom nguyên tử trên mặt trăng để chuẩn bị hủy diệt nhân loại toàn cầu. Hay có một ngày nào đó, số bom đạn này phát nổ, rồi cũng hủy diệt luôn cả mặt trăng v.v… nếu thế giới mà ngay cả mặt trăng cũng không có, vậy còn thành ra cái thế giới gì nữa? Đây chỉ là một thí dụ thôi, nhưng chúng ta nên lãnh hội ý chỉ của nó.

Nói tóm lại, khoa học càng tiến bộ, sanh mạng của nhân loại càng nguy hiểm. Tiến bộ cũng như thành tiến độc. Ngày xưa, khoa học chưa có phát triển mà nhân loại còn được vui vẻ, tự tại. Như khi mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn thì về nghỉ, an phận giữ mình. Ngày nay, khoa học phát đạt thì nhân loại lại bị nhiễm thiên ban vạn chủng chứng bệnh kỳ quái, không thể chữa trị. Như vậy là khoa học vô hình trung đã chế tạo ra tai nạn. Chúng ta nên biết rằng: trên đời hễ có tốt thời có xấu, có lợi thì có hại, có thành tất có bại và phàm tất cả các sự việc đều là tương đối, không có gì là tuyệt đối cả.

Giảng ngày 6 tháng 10 năm 1980
Chương trước Chương tiếp
Loading...