Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa
Chương 60: Tại Sao Chúng Ta Phải Vào Thất Quán Âm
Chúng ta cần niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ-tát một cách thường xuyên. Kỳ thực đối với người tu hành, thì ngày nào cũng coi như ở trong thất. Còn đối với chúng ta, vì chưa từng dụng công nên mới cần phải định ra một thời gian, để tất cả mọi người tu hội lại, rồi cùng nhau cử hành nhập thất, cái đó gọi là khắc kỳ thủ chứng. Trong vòng bảy ngày này, mọi duyên bên ngoài đều buông bỏ, một niệm chẳng sanh, chuyên tâm nhất chí, trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Niệm danh hiệu của Ngài sẽ có thể lìa mọi tà tri tà kiến đồng thời tăng trưởng chánh tri chánh kiến. Trong lúc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì tâm bình hòa, hơi thở đều đặn, tinh thần tập trung. Không nên có ý ganh đua, có tâm cạnh tranh. Ganh đua và cạnh tranh là hành vi của người thế tục. Tu hành là không đua với người đời, không ganh với ai, mọi người đều cùng nhau dụng công. Người nào ráng sức dụng công cũng vậy, cũng coi như chính ta dụng công. Có tư tưởng đó thì hết tranh đua hơn kém. Người tu hành cũng không nên buông lung và sợ vất vả, phải thường xuyên tinh tấn, luôn luôn tinh tấn, tinh tấn từng giờ, từng khắc, từng phút, từng giây. Một phút tinh tấn là một phút cảm ứng; mười phút tinh tấn là mười phút cảm ứng.Chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, trong lòng có chân thành chăng? Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát ở trên trông thấy rất rõ. Ai niệm Ngài với một lòng chân thành, người đó sẽ được Ngài gia hộ cho trí huệ sáng suốt, căn lành tăng trưởng, tội ác tiêu diệt, ba chướng diệt trừ - tức nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng, tóm lại hết thảy ác nghiệp đều được tiêu diệt. Bởi vậy, phàm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, ta phải niệm hết sức chân thành. Ai niệm chân thành, kẻ đó được lợi ích; ai niệm không chân thành, tuyệt đối không gặp cảm ứng.Trong thất Quán Âm, có người niệm một cách chân thành, nhưng cũng có người niệm một cách tùy hỷ, mà chưa phải là thật lòng.Thấy mọi người niệm, mình cũng niệm; thấy mọi người chạy, mình cũng chạy; thấy mọi người ngồi, mình cũng ngồi, trước sau chân tâm vẫn không nẩy sanh (chân tâm nghĩa là không có vọng tưởng). Khi niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, không thấy tâm tham, cũng không có tâm cầu, tức là có chân tâm. Không tranh, không ích kỷ, tự lợi, cái đó cũng thuộc về chân tâm. Dụng công với chân tâm, mọi nghiệp chướng đều được tiêu trừ. Tâm không chân, nghiệp chướng vẫn bám riết theo. Cho nên, trong thời gian nhập thất Quán Âm, hay nhất là: "bớt một câu nói, thêm một tiếng niệm." Có câu rằng: Ðả đắc niệm đầu tử, hứa nhữ pháp thân hoạt, nghĩa là làm chết tạp niệm thì pháp thân sẽ hiển hiện (sống).Người tu hành, vì chuyện dứt sanh tử, vì mục đích cứu độ chúng sanh mà dụng công tu tập, chẳng phải vì cầu được cảm ứng. Có câu rằng: Tư y y chí, tư thực thực chí; nghĩ tới áo thì có áo - áo đến - nghĩ tới ăn thì có ăn, nghĩ chuyện gì thì có chuyện đó, đây là cảnh giới của chư thiên, nhưng tới lúc phước trời hưởng hết thì lại trở về luân hồi chịu khổ. Người tu đạo nên hướng tới pháp rốt ráo là giải thoát, mới mong ra khỏi được tam giới, mới dứt được phần đoạn sanh tử.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương