Kiếm Mộng Thành Nam

Chương 14: Cơn Ác Mộng Của Huỳnh Công Lý



---

Người nào cũng có nỗi đau thầm kín, Huỳnh Công Lý cũng không ngoại lệ.

---

Đêm đã khuya, gió lạnh phương Nam lùa vào một dải hàng lang dài hun hút, từng bóng đen nhanh chóng di chuyển về một ngôi lầu cao. Ánh trăng vàng vọt chiếu rõ một bóng người cô độc. Người cô độc nhìn trăng, cảnh đêm nay trong mắt cô nhân càng thê lương khôn tả!

Nghe tiếng động, cặp mắt người ấy hơi nhíu lại nhìn xuống, nhưng vẫn không dời bước. Phía dưới, mười ba người bận y phục đen tuyền đã tập trung dưới chân các.

Đăng Phong Các – nơi bí mật nhất giang hồ chính là đây. Tòa các cao năm tầng, được xây từ đá tổ ong nguyên khối chất lên nhau, kiến trúc vững chãi như cột chống trời, không gì có thể lay chuyển được.

Bên ngoài tường đá phủ một lớp rêu xanh, dày như một tấm thảm, mượt như nhung.

Lão già dẫn theo sau mười hai sát thủ ngước lên cao một cái rồi biến mất vào bên trong tòa các.

Huỳnh Công Lý đứng trên tầng cao nhất của Đăng Phong Các, tâm tình vẫn chưa hết dậy sóng.

Ba mươi lăm năm trước gã mới chỉ là một đứa bé mười tuổi. Những năm ấy, gã theo cha mình là A Lạp Bá lênh đênh trên thuyền buôn vượt eo biển Ma Lắc Ca, đi ngang tiểu lục địa Ấn Độ, ghé cố quốc trên bán đảo Ả Rập buôn bán gia vị cho người Tây Dương.

Thế nhưng tình hình Đại Nam những năm 1790 rơi vào hỗn loạn, Gia Long đích thân thủy quân từ Gia Định đánh như ra bắc như chẻ tre, giặc Tây Sơn phải vất vả đối phó.

Năm 1792 trên đường ra Bắc Hà, khi đi ngang Quy Nhơn, gặp lúc giặc Tây Sơn và Nguyễn vương đang đánh lớn ở Hải Hạc Đàm , thuyền của A Lạp Bá bị nhầm viện binh của giặc bèn bị thủy quân Gia Long nã đại bác, hàng chục người chết, thuyền tan ra thành từng mảnh. Cuối cùng chỉ có mẹ góa con côi A Lạp Bá Vương được cứu sống, A Lạp Bá cùng đoàn thủy thủ chết thảm trong dòng nước lạnh.

Những cảnh tượng bi thảm năm ấy mãi mãi không thể nào vơi đi trong ký ức A Lạp Bá Vương.

A Lạp Bá Vương giờ đây đã trở thành Huỳnh Công Lý đỉnh đỉnh đại danh, đương kim phó tổng trấn thành Gia Định, lại là ngoại thích của Minh Mạng đế, sức ảnh hưởng trong triều đình cực kỳ lớn.

Đêm nay cũng chính là ngày của ba mươi mấy năm trước cha gã cùng đoàn thủy thủ bỏ xác trong dòng nước lạnh lẽo. Nỗi đau từng đêm vẫn bao trùm trong tâm trí hắn, đến trong từng giấc mơ, đau đớn quấn lấy.

A Lạp Bá Vương bị một luồng oán khí công lấy tâm can, chịu không nổi, hét lớn đánh ra hai hư quyền vào không trung. Đôi lồng đèn gần đó bị luồng kình lực xé rách, bùng cháy trong đêm.

Nhìn ánh lửa bùng cháy trong đêm lạnh, ánh mắt A Lạp Bá Vương sáng rực.

- Giáo chủ!

A Lạp Bá Vương quay đầu lại:

- Tất cả đã chuẩn bị xong chưa?

Lão già đứng đằng sau gật đầu:

- Chỉ còn đợi lệnh giáo chủ!

A Lạp Bá Vương phất tay. Lão già nhanh chóng lui vào bóng tối.

Một đoàn mười ba kỵ mã nhanh chóng phóng ra khỏi cổng lớn Đăng Phong Các, biến mất trong màn đêm.

–––

Lại nói về tình hình Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Sau khi được Võ Đại Hưng và Trịnh Phích Tinh cứu đi, liền được đưa về doanh trại ở Hạnh Hoa thôn.

Việc binh biến đã đến hồi nguy cấp, Huỳnh Công Lý lập tức điều ba ngàn quân vây đánh Tích Kiếm Trang, quyết không để một con gà con chó trốn thoát. Lữ Toàn Trung đau đớn chấp nhận hi sinh Tích Kiếm Trang, chỉ đánh nghi binh rồi âm thầm rút theo đường bí mật thoát về Hạnh Hoa thôn. Nhìn Tích Kiếm Trang năm đời gây dựng giờ chìm trong biển lửa, Lữ Toàn cảm thấy đau xót.

Tuy Hạnh Hoa thôn hiện vẫn bí mật nhưng sớm muộn cũng bị Huỳnh Công Lý phát hiện.

Trong một trang viện bí mật tại Hạnh Hoa thôn, Lê Văn Duyệt chỉ tay vào tấm bản đồ:

- Thành Gia Định hiện đã bị Huỳnh Công Lý chiếm lấy, binh phù lại nằm trong tay hắn. Vấn đề cấp thiết lúc này là cho người thông báo đến các trấn còn lại để hắn không kịp cướp lấy binh quyền.

Võ Đại Mạc nói:

- Quan trọng nhất là hai trấn Phiên An, Biên Hòa vì binh lực mạnh, lại nằm cận kề. Chúng ta phải nhanh hơn hắn một bước.

Lữ Toàn Long, Võ Đại Hưng, Trịnh Phích Tinh cùng các anh hùng hào kiệt đều gật đầu tán thành.

Võ Đại Hưng xen vào:

- Tuy nhiên, chúng ta cũng phải gấp rút đưa tin này về triều đình Huế. Chuyện phía trước chỉ e sẽ vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta.

Lê Văn Duyệt lập tức thảo hai bức thư giao cho Võ Đại Hưng và Trịnh Phích Tinh. Hai người lập tức lên đường.

Lữ Toàn Trung nhìn Lê Văn Duyệt nói:

- Chúng tôi là người trong giang hồ, chỉ tập hợp được một ngàn nhân mã. Trường hợp xấu nhất vẫn có thể phá vòng vây, đưa ngài về kinh đô cầu viện.

Võ Đại Mạc lắc đầu:

- Đó cũng chỉ là cách cuối cùng. Hay là chúng ta cùng hắn đánh một canh bạc?

Lê Văn Duyệt nhìn Võ Đại Mạc:

- Canh bạc như thế nào?

Võ Đại Mạc nói:

- Muốn đánh canh bạc này không thể không nhờ vào tổng trấn đại nhân được?

Lê Văn Duyệt:

- Võ đại hiệp cứ nói, bổn quan nhất định sẽ tận sức.

Võ Đại Mạc:

- Trong cấu trúc quân đội Tổng trấn Gia Định thành, các chưởng vệ có vị trí rất quan trọng. Tuy Huỳnh Công Lý đã nắm binh quyền trong tay nhưng vẫn dưới danh nghĩa được sự ủy thác của ngài. Sớm muộn gì hắn sẽ tìm cách thủ tiêu hoặc mua chuộc các chưởng vệ. Điều này sẽ không thể diễn ra một sớm một chiều được. Nếu ngay thời điểm này, chúng ta ra tay chớp nhoáng thì không khó để lấy lại binh quyền.

Lê Văn Duyệt gật đầu đồng ý. Cách này cố nhiên không chắc thắng nhưng đã đến lúc ngàn cân treo sợi tóc, không thử sợ không còn cơ hội nào nữa.

Võ Đại Mạc:

- Chúng ta sẽ chia một ngàn binh mã thành hai cánh quân, một cánh theo tổng trấn đến ngoại thành bắc tìm cách cướp lại binh quyền. Cánh thứ hai do Lữ trang chủ thống lãnh âm thầm tiếp cận núi Chứa Chan, quan sát động tĩnh địch quân. Nếu sau một ngày mà không có kết quả chúng ta sẽ rút lui về phía bắc trấn Biên Hòa, chờ đợi viện binh triều đình.

Lữ Toàn Long:

- Đệ sẽ lãnh cánh quân đi núi Chứa Chan.

Võ Đại Mạc:

- Chuyện ở núi Chứa Chan vốn liên quan mật thiết đến Bạch Liên Giáo chúng ta, đệ đi là phù hợp nhất. Còn ta sẽ tháp tùng tổng trấn đại nhân.

–––

Nguyễn Đăng Bảo ở lại trong động thêm 3 ngày nữa. Chàng lật cuốn bí lục từng trang, xem xét cẩn thận. Ở trang đầu tiên, đập vào mắt chàng là tám chữ viết bằng mực vàng “Chân không gia hương, Vô Sanh lão mẫu”.

Trang đầu tóm tắt ngắn gọn về lịch sử truyền giáo từ Thiên Trúc sang, cũng như những triết lý, nguyên tắc hành đạo cơ bản của giáo đồ Bạch Liên Giáo.

Chàng lật trang thứ hai thì thấy mấy đồ hình cơ thể người, vẽ đủ kỳ kinh bát mạch, huyệt đạo khắp cơ thở. Mười trang tiếp theo mỗi trang vẽ ba đồ hình có các mũi tên chỉ cách chuyển vận các luồng khí trong cơ thở.

Nguyễn Đăng Bảo bị cuốn hút bởi các đồ hình, chàng ngẫm lại thấy đường lối võ công của mình khá tương đồng với võ công trong bí lục. Tuy nhiên khiếm khuyết khá nhiều. Có lẽ năm xưa thái quản gia chỉ được cha chàng truyền thụ một phần, sau chàng lại được thái quản gia truyền thụ lại khiến tinh túy võ học bị tam sao thất bổn khá nhiều.

Sau khi học thuộc ba mươi sáu đồ hình, chàng liền tĩnh tọa, theo phương pháp thổ nạp trong đồ hình hướng dẫn mà thực hành. Cũng may chàng vừa được Lữ Toàn Long truyền hết công lực cho, lại đả thông được sinh tử huyền quan, kỳ kinh bát mạch thông suốt nên luồng khí chuyển vận rất linh hoạt.

Khi tinh thần chàng tập trung vào điểm tinh lực, một con vượn trắng liền xuất hiện, nhảy nhót khắp kỳ kinh bát mạch. Sau nhiều canh giờ nhiếp tâm dẫn khí, rốt cục chàng cũng dẫn nó đi theo ba mươi sáu đồ hình theo phép thiên can.

Hai ngày trôi qua, cứ mờ sáng quay về phía mặt trời, ban đêm quay về phía mặt trăng, tập theo phương pháp trong bí lục, công lực chàng tinh tiến nhanh chóng.

Sau khi tập luyện nhuần nhuyễn tam thập lục phép thiên can, chàng cảm thấy một luồng nội lực to lớn tiềm ẩn trong cơ thể như muốn tìm cơ hội thoát ra ngoài. Nhìn thấy cửa động nhỏ hẹp, chàng bèn dùng năm thành công lực đánh vào vách đá. Vách đá chịu không thấu chưởng lực, ầm ầm bắn ra ngoài, đá vỡ ngổn ngang.

Chàng kinh ngạc về sự tiến bộ của mình. Chỉ hai ngày ngắn ngủi thôi, chàng đã không còn là loại cao thủ hạng ba như ngày nào nữa.

Chàng tiếp tục lật cuốn sách đến những trang cuối cùng. Tuy nhiên ở tầng thứ ba cũng là cuối cùng này, yếu quyết chỉ vỏn vẹn tám chữ “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Ngoài ra chỉ là vài đoạn kinh Phật chứ không có gì khác lạ. Chàng đọc đi đọc lại vẫn không hiểu được huyền nghĩa bèn cất vào trong người.

Bỗng nhiên tấm bản đồ rơi ra, chàng nhớ tới lời dặn của Lữ Toàn Long, bèn xếp lại cẩn thận giấu vào trong cuốn bí lục.

Giang hồ đồn rằng võ công Bạch Liên giáo chủ rất cao cường, dưới gầm trời này không có địch thủ. Nghe nói được đích thân Vô Sanh lão mẫu cùng Di Lặc Phật giáng phàm truyền dạy. Đây có lẽ là bí ảo của Duy Ngã huyền công mà chỉ có các đời Bạch Liên giáo chủ mới thấu triệt được.

Nguyễn Đăng Bảo bước ra ngoài. Mặt trời cũng vừa nhô lên khỏi vách đá, chàng men ra dòng sông vốc lấy ngụm nước rửa mặt rồi uống cho đỡ khát. Bụng chàng sôi lên ùng ục vì đã hai ngày không có gì cho vào bụng.

Việc gấp rút bây giờ là phải thoát khỏi đáy cốc này rồi tìm về Tích Kiếm Trang báo cho Lữ trang chủ biết tình hình.

Chàng xuôi theo dòng sông đến một vách đá rồi vận chân khí phóng mạnh một cái đã lên đến tảng đá nhô ra, phóng một cái nữa đã lên đến đỉnh. Bình thường võ công chàng chỉ ở mức hạng ba trên giang hồ, khinh công lại không có gì cao minh. Nhưng hôm nay, chỉ cần hai cái nhún chân đã lên tới đỉnh cao mấy trăm trượng, quả thực lời đồn về Duy Ngã huyền công không ngoa chút nào .

Nguyễn Đăng Bảo dùng khinh công vượt qua hơn một trăm dặm đường đã tiến vào thành nội. Chàng vào một tửu quán ăn vội bát mì rồi nhằm hướng Tích Kiếm Trang thẳng tiến. Trên người chàng đeo thanh Hỏa Vân Kiếm của Lữ Toàn Long nên người đi đường không khó nhận ra chàng là người trong giang hồ.

Chàng vốn không hề biết từ mấy ngày trước, đã có lệnh giới nghiêm toàn thành.

Một tốp kiếm thủ đã chú ý tới chàng, bám theo như hình với bóng, cẩn thận quan sát mọi động tĩnh.

Chừng một giờ sau, Nguyễn Đăng Bảo dừng chân trước Tích Kiếm Trang. Nhìn trang viện đổ nát, gạch ngói vương vãi khắp nơi, chàng không kìm nổi đau lòng thở dài:

- Ta đã đến chậm một bước!

Bỗng một tiếng nói the thé từ đằng sau vang lên:

- Không chậm đâu ông bạn!

Nguyễn Đăng Bảo quay đầu nhìn lại:

- Các vị theo tại hạ đã lâu, không biết có gì dạy bảo?

Một lão già có lẽ là thủ lĩnh trong nhóm nói:

- Dạy bảo thì không dám. Chỉ muốn mời thiếu hiệp ghé tệ xá chơi một chuyến.

Lão vừa dứt lời thì bốn gã đại hán khác đã chia ra vây lấy Nguyễn Đăng Bảo, tên nào cũng nét mặt căng thẳng, tay đặt sẵn lên chuôi kiếm.

Nguyễn Đăng Bảo trái lại vẫn điềm nhiên:

- Cũng được thôi. Tại hạ cũng đang rảnh không có việc gì làm. Có điều trước khi đi, tại hạ muốn biết nơi đây đã xảy ra việc gì?

Lão già thủ lĩnh nheo mắt nhìn chàng:

- Thiếu hiệp có lẽ không nên hỏi thì hơn.

Nguyễn Đăng Bảo:

- Ồ, nếu vậy thì thứ cho tại hạ không thể theo các vị được.

Lão già ngắt lời:

- Bản lãnh của thiếu hiệp e chỉ đủ để tránh bọn cướp đường. Thiếu hiệp nên biết điều thì hơn.

Nguyễn Đăng Bảo:

- Các hạ là gì trong Y Tâm Giáo?

Lão già giật mình:

- Té ra thân phận chúng ta đã bị thiếu hiệp khám phá ra.

Nguyễn Đăng Bảo:

- Ta cũng đang muốn quét sạch hang ổ bọn ngươi đây. May mà các ngươi tự đến nạp mạng, khỏi phiền ta nhọc sức tìm đến.

Lão già hừ một tiếng:

- Ngạo mạn lắm! Vậy đừng trách phải uống rượu phạt.

Lão vừa dứt lời lập tức một tên đại hán tuốt kiếm chém bổ về phía chàng. Chàng lại không thèm để ý kiếm chiêu đối thủ, rút Hỏa Vân kiếm chém xéo từ bả vai trái sang phải một cái thật mạnh. Một chiêu thức hết sức tầm thường.

Bọn đại hán vừa hé miệng chưa kịp cười thì tên cầm kiếm chém tới kia bỗng đứt đoạn thành hai mảnh, ruột gan phèo phổi lòi hết ra ngoài.

Nhìn thấy cảnh đồng bọn như vậy, một tên không chịu nổi ôm ngực nôn mửa.

Tất cả những người còn lại đều biến sắc. Bọn chúng có biết đâu lúc này chàng đã luyện thành thần công cái thế.

Lão già liền ra hiệu, ba tên còn lại đồng loạt tuốt kiếm, chia làm ba đường chém tới thượng, trung, hạ bộ của đối phương.

Ba đường kiếm vừa nhanh vừa mạnh, chớp mắt đã lạnh lẽo lia tới da thịt.

Nếu là chàng của ba ngày trước hẳn sẽ phải vất vả đối phó. Còn bây giờ chỉ e những kẻ này lành ít dữ nhiều.

Mũi kiếm chếch lên, vẫn một thế cực kỳ đơn giản, ba gã đại hán lập tức bị phân làm sáu khúc. Không tên nào kịp thấy cách thức mình bị giết.

Lão già thủ lĩnh đứng ngoài vừa thấy biến cố, nhắm không ổn lập tức co giò phi thân tháo chạy. Nhưng lão chưa kịp ra ngoài năm trượng đã bị một lưỡi kiếm từ đằng sau hớt tới mát lạnh, liền đổ ọc xuống.

Chàng đứng đó, nhìn xác năm tên giáo đồ Y Tâm Giáo, mắt ánh lên một tia thù hận. Mũi kiếm nhỏ xuống nền đất từng giọt máu. Chàng còn phải giết nữa, giết nữa mới trả được mối thù diệt gia năm xưa.

- A Di Đà Phật! Nhân quả tuần hoàn, thật là đáng sợ!

Bỗng lúc ấy, một tiếng Phật hiệu vọng tới. Tiếng Phật hiệu vừa dứt, người tuyên Phật hiệu cũng xuất hiện.

Người vừa mới đến là một vị hòa thượng tuổi chừng sáu mươi, khuôn mặt dễ nhìn, đắp y theo lối đầu đà.

Nguyễn Đăng Bảo chỉ hơi gật đầu chào rồi lách người đi. Chàng còn một số việc quan trọng phải làm nên không muốn tốn thời gian với những người không quen biết.

Lão hòa thượng lên tiếng:

- Thí chủ xin hãy dừng bước!

Nguyễn Đăng Bảo dừng chân, ngoái đầu lại.

- Lão hòa thượng gọi tại hạ?

Lão hòa thượng:

- Phải rồi!

Nguyễn Đăng Bảo:

- Đại sư và tại hạ có quen biết?

Lão hòa thượng cười lớn:

- Bình thủy tương phùng, chỉ là bèo trên nước gặp nhau.

Lão hòa thượng cuối người xuống thu nhặt mấy cái xác lại. Nguyễn Đăng Bảo ngạc nhiên:

- Đại sư quen những người này?

Lão hòa thượng vẫn nhặt mấy cái xác xếp lại gần nhau:

- Cũng giống như thí chủ, chỉ là bèo trên nước gặp nhau.

Nguyễn Đăng Bảo không nói gì. Lão hòa thượng nói:

- Có vẻ thí chủ không tin điều đó?

Nguyễn Đăng Bảo:

- Điều gì?

Lão hòa thượng:

- Chuyện bần tăng không quen biết họ.

Nguyễn Đăng Bảo không phủ nhận. Lão hòa thượng nói:

- Thí chủ có thể nghe một lời khuyên từ bần tăng không?

Nguyễn Đăng Bảo:

- Đại sư cứ nói!

Lão hòa thượng:

- Vẫn một câu “Nhân quả tuần hoàn, thật đáng sợ!”

Nguyễn Đăng Bảo:

- Ồ, nếu đã nói xong thì xin chào đại sư. Tại hạ đang có việc gấp, xin được phép đi trước.

Lão hòa thượng:

- Thí chủ xin đừng gấp rút. Đức Phật nói “Bể khổ vô biên, quay đầu là bờ”.

Nguyễn Đăng Bảo cười khẩy:

- Nếu đã là bể khổ, vậy xin đại sư đừng nhúng tay vào.

Lão hòa thượng:

- Bần tăng chuyên giải trừ kiếp nạn, mà kiếp nạn vốn nằm trong bể khổ.

Nguyễn Đăng Bảo gắt giọng:

- Đại sư đã là người chốn Phật môn, đừng nhúng tay vào là hơn. Đao kiếm vốn không có mắt, chỉ e sẽ làm hại đến thân thể đại sư.

Lão hòa thượng:

- Đao kiếm không có mắt, nhưng người sử dụng có mắt. Cầm đao cũng là người, hạ đao cũng là người.

Nguyễn Đăng Bảo không lý tới lão hòa thượng gàn dở này nữa, lách người bước đi thẳng.

Lão hòa thượng vẫn chưa chịu thôi, nói với theo:

- Bể khổ vô biên, oán nghiệp chất chồng, thật đáng sợ. Xin thí chủ nhớ lời lão tăng!

Ấy chính là:

Ðời dâu bể bể dâu lắm độ

Cảnh khổ đau đau khổ thêm thương

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ!
Chương trước Chương tiếp
Loading...