Kiếm Mộng Thành Nam

Chương 2: Ái Tình Nhi Nữ



---

Thứ ái tình tay ba bề ngoài nhìn vào rất náo nhiệt nhưng nó thường là khởi đầu của những kết cục không tốt đẹp.

---

Nguyễn Đăng Bảo vừa phi thân vừa thở gấp, chàng không nhớ mình đã vượt qua bao nhiêu dãy nhà, bao nhiêu khúc cua. Cơ bản là chàng không có thời gian để nhớ. Ước chừng ba canh giờ sau chàng mới dám ngừng lại.

Lúc này trời đã về chiều. Hai bên đường khung cảnh hoang vắng, xa xa mặt nước sông Bến Nghé phản chiếu những tia nắng vàng lấp lánh, trời đất sông nước như hòa làm một, diễm lễ tột cùng, thực là đào nguyên giữa trần gian. Tuy nhiên, Nguyễn Đăng Bảo lúc này chẳng còn tâm trí nào để nhìn ngắm nữa. Nghĩ lại việc vừa rồi, chàng không khỏi toát mồ hôi hột. Chàng bỗng cảm thấy bản thân mình quá vô dụng. Mối thù năm trăm mạng người chợt trào lên, bất giác như một khối núi lớn đang từ từ đè nặng lên vai người thanh niên trẻ tuổi này.

Chàng nghĩ lần này mình đến Mãn Giang Lâu nếu không trả được thù thì cũng vạch được mặt Lục Nhất Phong. Nhưng sự việc diễn ra hoàn toàn không như mong muốn. Nếu không nhờ Lữ Toàn Trung cùng người áo đen thần bí trợ giúp thì đến cái mạng nhỏ này cũng không giữ được.

Với Nguyễn Đăng Bảo cái mạng này không quan trọng nhưng nếu cả cái mạng cũng không giữ được thì mối thù của Võ Lâm Đệ Nhất Bảo ai sẽ gánh vác đây? Bất giác chàng định tinh thần, thở hắt ra một tiếng. Nhưng tiếng thở bị nghẹn lại, nội thương lúc giao chưởng với Lục Nhất Tài bộc phát mãnh liệt. Nếu bình thường thì chàng đã ngã gục từ lúc nào nhưng có lẽ ý chí sinh tồn quá mạnh nên đến lúc này mới thực sự phát tác, bất giác đầu óc chàng choáng váng, liền ngã lăn ra đất.

Trong cơn nửa mê nửa tỉnh, chàng cảm thấy toàn thân đau buốt, người rừng rực như bị một ngọn lửa từ sâu thẳm dưới A Tì địa ngục nung chảy. Rồi như có ai đó cạy miệng chàng đổ một thứ nước vừa đắng vừa nồng. Chất nước ấy khiến cơ thể chàng cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng được một lúc thì lục phủ ngũ tạng lại phát nhiệt, lập tức nội thể như một bó đuốc lớn. Nguyễn Đăng Bảo cảm thấy hai bên tai ù ù như sấm động, văng vẳng đâu đây tiếng chém giết, lại như có tiếng than khóc, ai oán đầy trời. Rồi đột nhiên, một bàn tay đen sì đang từ từ thốc tới, nó siết chặt cổ chàng. Một tiếng thở cũng không có, chàng kinh hãi, nhưng toàn thân bất động, một màu chết chóc bao trùm.

Máu, một màu máu!

Toàn ký ức của chàng là một màu máu!

Á…á…

Nguyễn Đăng Bảo bật người dậy nhưng lại choáng váng ngã ngửa ra sau. Phải mất một lát, chàng mới giữ được thăng bằng, đứng dậy quan sát chung quanh. Chàng phát hiện mình đang ở một nơi tồi tàn, chỗ nằm được lót tạm một mớ rơm mỏng, xung quanh trời tối om như mực. Nhưng dù có tồi tàn đến đâu cũng đỡ hơn phải nằm ngoài đường cái quan, tệ hơn nữa là bị người của Mãn Giang Lâu tìm thấy. Chàng thầm cám ơn trời đất vì cái mạng này còn lớn.

Nhớ lại cái cảm giác lúc uống thứ nước vừa đắng vừa nồng, chàng biết có người đã cứu mình. Người áo đen giúp mình ở Mãn Giang Lâu là ai? Có phải là cùng một người không? Phải, chắc chắn là cùng một người. Trong trường hợp này chỉ có người đó mới có thể nhanh chóng cứu Nguyễn Đăng Bảo đột ngột ngất bên vệ đường. Nhưng người áo đen đó rốt cuộc là ai? Người đó có quan hệ gì với Võ Lâm Đệ Nhất Bảo hay không? Lúc này chàng không suy đoán ra được người nào. Nhưng dù gì người đó cũng đã cứu chàng hai lần, nhất định không phải là người xấu.

Nguyễn Đăng Bảo không suy nghĩ nữa, chàng huơ tay xung quanh chỗ nằm, liền bắt được một đôi đá lửa, bùi nhùi và mấy cây đèn cầy lớn. Hiển nhiên là ân nhân của chàng đã cố tình sắp xếp.

Chàng đánh đá lửa châm đèn, ngọn đèn cầy lớn dần dần soi rõ nơi chàng đang ngụ. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn cầy, chàng nhận ra đây là một thủy miếu nhỏ, nằm bên bờ sông Bến Nghé, hoang tàn rách nát, đến cả tượng đất thủy thần cũng nằm chổng vó. Chàng dựng bức tượng đất lên, cẩn thận phủi lớp bụi bám rồi đặt lên bệ thờ. Cây đèn cầy được đặt kế bên, xong đâu đấy chàng dựa lưng nằm bên dưới. Đương thiêm thiếp, đột nhiên Nguyễn Đăng Bảo nghe có tiếng khóc thút thít của phụ nữ ở một góc tối. Chầm chậm bước tới, chàng soi ngọn đèn lên mặt người phụ nữ. Đó là một thiếu nữ còn trẻ, chỉ khoảng hai mươi, mặt cúi xuống ra chiều sợ sệt. Nguyễn Đăng Bảo càng đưa cây đèn cầy tới gần thì thiếu nữ ấy càng run lên, tiếng khóc càng to hơn.

– Cô nương!

Không có tiếng trả lời. Chàng nhắc lại lần nữa:

– Tại hạ gọi cô nương đó!

Lần này cô gái trẻ mới đáp:

– Ông không được lại gần!

Cô gái lấy hết can đảm nói câu đó, nhưng giọng vẫn còn run. Nguyễn Đăng Bảo bật cười:

– Xem kìa, cô đã bị ai đó điểm huyệt. Nếu không lại gần thì làm sao giải huyệt cho cô được chứ?

– Ông…

Cô gái nói đến đây thì im lặng, vì cô biết lời nói của chàng hợp lý. Nguyễn Đăng Bảo điểm nhẹ hai cái vào người cô rồi nói:

– Xong rồi!

Cô gái lúc này ngước mặt lên, mái tóc dài đã vuốt qua một bên. Nhưng Nguyễn Đăng Bảo vừa kịp nhìn khuôn mặt ấy thì đã phát hoảng, lập tức đánh rơi cây đèn cầy. Trong bóng tối chỉ nghe khô khốc hai tiếng “chát chát”. Lại có tiếng oán trách:

– Sao ông lại đánh tôi?

Hiển nhiên Nguyễn Đăng Bảo đã ra tay tát cô gái hai cái thật mạnh. Sau đó, chàng liền điểm lại huyệt của cô.

Chàng đổi giọng:

– Ta chưa giết đã là phúc số của ngươi lắm!

Một lát sau, Nguyễn Đăng Bảo nói tiếp:

– Ngươi có phải là con gái của tên cẩu tặc Lục Nhất Phong?

– Sao ông lại gọi là “tên cẩu tặc”?

Chàng lạnh lùng:

– Giết người, cướp của không gọi cẩu tặc thì gọi là gì?

– Ông nói dối?

Bốp bốp, hai cái tát nữa. Cây đèn cầy đã được châm trở lại. Dưới ánh sáng lờ mờ, Nguyễn Đăng Bảo có thể thấy rõ khuôn mặt của cô gái đã sưng vù như một cái bánh bao lớn. Nhưng lần này cô gái không khóc. Cũng có lẽ khuôn mặt cô bị sưng to đến nỗi không khóc được nữa.

Giang hồ vẫn hay có những chuyện bi hài như thế!

Cô ngước mắt nhìn trừng trừng vào Nguyễn Đăng Bảo, chàng chỉ lạnh lùng nhìn lại.

Hồi lâu chàng quát:

– Ta hỏi lại, ngươi có phải là con gái của Lục Nhất Phong không?

– Phải thì sao?

Trong ánh sáng chập choạng của ngọn đèn cầy, chỉ nghe tiếng bàn tay xoa vào nhau răng rắc. Rốt cục chàng cũng thốt thành lời, một lời nói sắt đá, người nào nghe được cũng không khỏi ớn lạnh:

– Vậy thì ngươi phải chết!

Chàng từ từ tiến lại gần cô gái, hai bàn tay nắm lại thành quyền, tiếng xương cốt kêu lên thật đáng sợ. Cô gái kinh hoảng nhìn chàng. Mười mấy năm nay ai đối với cô cũng một mực kính trọng. Từ nhỏ cô đã sống trong nhung lụa, đột nhiên hôm nay gặp phải tình cảnh này, quả thực quá sức tưởng tượng. Cô muốn khóc, cô muốn hét lên, cô muốn vụt chạy, nhưng không được. Cô bị điểm huyệt, cô không có sức, nhưng cơ bản là cô bị thần tình ma quái của chàng thanh niên trước mặt làm cho kinh hồn táng đởm. Cặp mắt của chàng thanh niên ấy không phải của con người, nó có lửa, nó là mắt của loài sài lang hung dữ. Cô phải chết ở đây sao? Cô phải chết một cách oan ức vầy sao? Mới hôm qua cô còn yêu đời vui vẻ, chẳng lẽ hôm nay phải xuống địa ngục sao? Cô gái chưa từng nghĩ đến việc đó nhưng địa ngục thì chắc chắn cô không muốn xuống. Tất cả đang từ từ diễn ra, cái chết đang từ từ tiến đến. Lãnh khí tràn ngập trong thủy miếu bé nhỏ này, cơ hồ như muốn phá tung mọi vật. Trong sát na ấy, đột nhiên bên ngoài có một thanh âm vọng vô:

– Thiếu hiệp có thể dùng cô ấy làm con tin.

Nguyễn Đăng Bảo nhận ra thanh âm của người bịt mặt áo đen đã cứu chàng. Thanh âm từ đằng xa phát ra, người ấy rõ ràng nội công lẫn nhãn lực cực cao mới có thể nắm rõ tình hình trong thủy miếu như vậy.

Chàng thanh niên chợt tỉnh ngộ, lập tức dừng hành động của mình lại. Phải, giữ cô gái làm con tin, đơn giản vậy mà chàng không nghĩ ra. Có lẽ do lòng căm thù đã ăn sâu vào tâm trí nên lúc nào chàng cũng chỉ nghĩ đến việc trả thù.

Nguyễn Đăng Bảo bước về phía tiếng nói nhưng đã bị người áo đen ngăn lại “Không cần tìm ta”. Thanh âm kia cũng nhỏ dần, hiển nhiên người đó đã đi xa.

Nguyễn Đăng Bảo sờ lấy mấy thứ do người áo đen để lại, có một bộ y phục và mười mấy lượng bạc, lại có cả một gói thức ăn. Người này quả là chu đáo. Chàng bốc lấy một cái bánh bao nhai ngấu nghiến. Lúc này chàng đã đói lả, không ăn chỉ có nước chết.

Trong bóng tối, đột nhiên vang lên tiếng nói:

– Này!

Cô gái nói lần nữa:

– Này, tôi muốn ăn bánh!

Chàng không thèm đáp, vẫn tiếp tục nhai cái bánh thứ hai.

Cô gái nói như giận dỗi:

– Ông…ông…!

Cô vốn là con gái yêu của Lục lâu chủ danh chấn Gia Định thành, từ nhỏ đến giờ đã sống trong no đủ, làm sao chịu được cảm giác đói. Khó chịu nhất là nhìn thấy đồ ăn trước mặt mà không được ăn.

Cô gái thầm nghĩ người thanh niên này có thâm thù với cha mình, gã không giết mình đã là may lắm, nhưng không biết gã sẽ làm gì mình. Cô lấy can đảm nói lớn:

– Ông là một kẻ hèn nhát!

Tiếng của cô không to nhưng đủ để người ta cảm thấy nhột. Chàng thanh niên ngừng ăn, quay lại nhìn:

– Ngươi nói cái gì?

– Tôi nói ông là một kẻ hèn nhát.

– Ta không phải là kẻ hèn nhát.

Chàng nuốt giận, vẫn tiếp tục ăn.

– Người ông đối phó là cha tôi chứ không phải tôi. Hiếp đáp một cô gái là một kẻ đại hèn nhát, đại tiểu nhân!

Chàng chưng hửng, nghe cô gái nói câu đó thì chàng tự vấn lương tâm mình, cảm thấy có gì đó không ổn. Đúng, người chàng cần trả thù chính là lão già Lục Nhất Phong chứ không phải một cô gái không biết trói gà này. Nhưng chàng lập tức định thần:

– Nhưng ngươi không phải như những người khác.

– Tôi là phụ nữ, lại không biết võ công. Có gì khác?

– Ngươi…. ngươi là con gái của tên cẩu tặc Lục Nhất Phong.

Cô gái định tranh cãi nhưng cũng thấy có gì đó không ổn, cha cô có thù với hắn thì tất nhiên mình cũng liên lụy một phần. Cô nói:

– Theo tôi oan gia nên giải không nên kết.

Từ nhỏ, cô đã được dạy bởi những gia sư danh tiếng trong vùng. Đạo đức của bậc thánh hiền đã ăn sâu vào người, câu nói đó cũng là của những gia sư già đã từng dạy cô. Cô nói ra một cách trơn tru như thể không có chuyện gì, nhưng cô nào biết câu đó nói thì dễ nhưng đã mấy ai làm được.

Chàng thanh niên không nói, chỉ nghiến răng kèn kẹt. Cô gái thấy thế thì không dám nói nữa. Chỉ thấy chàng đứng dậy, quăng cái gói giấy lại chỗ cô gái rồi bước ra ngoài. Cô gái chỉ cử động được hai tay, với người tới cầm gói thức ăn, nhìn thấy hai cái bánh đã lấm lem thì nhăn mặt.

Nguyễn Đăng Bảo nhìn thấy thái độ đó, gã nói khẽ:

– Không ăn thì ráng chịu đói.

– Này! – Cô gái nói lớn.

Nguyễn Đăng Bảo quay đầu lại.

– Tôi cảm thấy khó chịu, ông giải huyệt cho tôi được không?

Chàng trù trừ, vì biết đâu con nha đầu này sẽ tranh thủ lúc chàng sơ ý sẽ đào thoát thì sao. Nhưng nghĩ lại, cô gái này không biết một chút võ công thì cũng chẳng ngại gì cho lắm. Cô gái như đọc được ý nghĩ chàng, liền nói:

– Tôi hứa sẽ không bỏ trốn, chỉ cần dễ chịu để ăn uống một chút là được rồi.

Nguyễn Đăng Bảo lập tức giải khai huyệt đạo cho cô ta rồi bước ra ngoài, không quên ném lại một cái nhìn răn đe:

– Ngươi có cố tình chạy cũng không thoát khỏi ta đâu.

– Hứ, ai thèm! – Cô gái phụng phịu, dưới ánh đèn cầy vẫn không kém phần yêu kiều.

Thủy miếu được dựng dưới một gốc đại thụ, tàng lá xum xuê đến độ muốn che mất ngôi cổ miếu lụp xụp. Xung quanh thủy miếu cũng bị cỏ cây rậm rạp che phủ. Mặt thủy miếu nhìn thẳng ra sông Bến Nghé.

Trăng sáng, sao thưa, thủy miếu âm u, cảnh đêm thật cô tịch!

Dưới trăng là một bóng người, bóng người trải dài trên nền cỏ lau. Gió lành lạnh, cảnh hiu hiu, ngay đến cái bóng của người đó cũng phảng phất một nỗi hiu quạnh khó tả. Nguyễn Đăng Bảo thờ thẫn nhìn ra phía xa.

Ngoài xa, mặt sông dát trăng vàng, từng đợt sóng miên man vỗ vào bờ đất nghe “lõm bõm”. Chàng ngước đầu nhìn trăng rồi đột ngột quỳ xuống:

– Cha mẹ… Nhất định con sẽ trả mối thù này!

Trong đêm khuya vọng lại một tiếng đàn, thanh âm réo rắt, ảo não như đi từ chốn cửu u lên. Nguyễn Đăng Bảo nghe tiếng đàn liền ngẩng đầu, chàng cảm giác người đánh đàn nội tâm cũng có chút tương đồng với mình, liền bước về phía trước. Tiếng đàn phát ra từ mặt sông, men theo sóng nước lan vào. Nguyễn Đăng Bảo đi khoảng mấy trăm thước thì đến chỗ phát ra tiếng đàn. Hóa ra tiếng đàn phát ra từ con thuyền nhỏ. Chàng bước tới gần thì tiếng đàn từ từ nhỏ lại. Trong thuyền có tiếng nói:

– Mời thiếu hiệp lên thuyền!

Chàng nhận ra thanh âm của người áo đen thần bí, liền nhanh chóng bước lên. Trên thuyền còn một người nữa, người này đặt hai tay lên chiếc đàn, không nhìn chàng, cũng không thốt một lời nào. Chàng xá hai người một cái rồi nói:

– Đa ta nhị vị tiền bối đã ra tay tương trợ!

Thanh âm của người áo đen thần bí:

– Thiếu hiệp chớ khách sáo, chỉ là giữa đường gặp bất bình ra tay tương trợ.

Vì mui thuyền che khuất ánh trăng nên chàng không nhận rõ mặt của người áo đen thần bí, nhưng khẩu âm chắc nịch, hiển nhiên là một người từng trải sóng gió. Người đánh đàn ngồi đằng sau càng không nhận dạng được. Chàng nghĩ người này tâm trạng hòa vào tiếng đàn, tâm tư nặng phần ai oán, hẳn là một lão niên từng trải bao cuộc thế bể dâu.

Người áo đen thần bí rút dầm, dùng sào dài đẩy con thuyền ra xa. Nước dạt vào mạn thuyền từng đợt nghe “lõm bõm”. Nguyễn Đăng Bảo một chút hoài cảm dâng trào.

Người áo đen ngồi đối diện với Nguyễn Đăng Bảo, rót ra ba ly rượu, là loại rượu Hạnh Hoa nổi tiếng.

– Mời thiếu hiệp!

Nguyễn Đăng Bảo cung kính:

– Mời nhị vị tiền bối!

Người áo đen nói:

– Ta hơn thiếu hiệp không bao nhiêu tuổi, xưng huynh đệ là được rồi.

Rượu vừa chui qua cổ họng, người áo đen khà một tiếng, tấm tắc:

– Danh tửu quả có khác!

Người áo đen đã nói vậy, Nguyễn Đăng Bảo cũng không câu nệ, liền đổi cách xưng hô:

– Ân huynh quả có hứng.

Người áo đen ngừng một lát rồi nói tiếp:

– Chuyện của Võ Lâm Đệ Nhất Bảo tại hạ cũng biết qua đôi chút. Võ Thánh Nguyễn Thái Sơn một đời nghĩa hiệp, không ngờ lại bị kẻ tiểu nhân ám toán.

Nguyễn Đăng Bảo nghe ân nhân của mình nhắc đến gia thù thì chua xót:

– Đêm toàn gia bị sát hại, tiểu đệ mới chỉ là một đứa trẻ ba tuổi. Tiểu đệ được thái quản gia liều mình cứu đi. Duyên trời dun dủi, hai chúng tôi mới thoát khỏi cặp mắt của những sát thủ đêm đó. Từ đó, chúng tôi nương tựa lẫn nhau, thấm thoát mà đã hai mươi ba năm trôi qua.

Người áo đen nói:

– Năm xưa, Võ Lâm Đệ Nhất Bảo là một trong những võ lâm thế gia hàng đầu xứ Đại Nam này. Bảo chủ Nguyễn Thái Sơn lại một đời nghĩa hiệp, danh tiếng không nhỏ. Rốt cục đêm đó bị ba trăm cao thủ bí ẩn, đương đêm tấn công hạ sát toàn gia. Người thủ lãnh đêm đó được giang hồ gọi là Tịch Cô Kiếm Hắc Phiêu, cũng chính là Tế Thiên Kiếm Lục Nhất Phong bây giờ.

Nguyễn Đăng Bảo toàn thân rúng động, chàng chỉ biết người sát hại toàn gia mình là Lục Nhất Phong. Điều này chàng được nghe từ thái quản gia, chứ không biết người này còn gọi là Tịch Cô Kiếm Hắc Phiêu. Dĩ nhiên cái tên Lục Nhất Phong cũng là giả.

Người áo đen nói tiếp:

– Tịch Cô Kiếm Hắc Phiêu mấy mươi năm trước là một đại sát tinh trong giang hồ. Gã chính là đường chủ Nhất Phẩm Đường của Y Tâm Giáo. Từ khi huyết án Võ Lâm Đệ Nhất Bảo xảy ra, gã cùng Nhất Phẩm Đường đột ngột biến mất khỏi giang hồ. Cho đến mấy năm trở lại đây, bọn ta mới phát hiện gã trú ngụ tại Gia Định thành này với một danh phận khác.

Nguyễn Đăng Bảo vốn không tiên liệu đằng sau thân thế Lục Nhất Phong là một lai lịch lớn đến như vậy. Chàng nhìn người áo đen nói:

– Sao ân huynh lại biết tỏ tường chừng ấy?

Dĩ nhiên thắc mắc của chàng không phải là không có lý. Rốt cục người áo đen này là ai? Sao lại biết kỹ càng chuyện của gia đình mình đến thế?

Người áo đen nói:

– Điều này thì công tử yên tâm, Hắc Phiêu cũng có thù với chúng tôi. Đương nhiên chúng ta là bạn chứ chẳng phải thù.

Nguyễn Đăng Bảo vái người áo đen một cái:

– Thật là tại hạ không hiểu chuyện, đã nghi ngờ ân huynh.

– Không sao! Công tử thắc mắc thì cũng là chuyện thường. Thôi, cũng khuya rồi, công tử hãy mau về thủy miếu, nếu không trời sáng e là khó thoát khỏi tai mắt của Hắc Phiêu.

Nguyễn Đăng Bảo trù trừ:

– Làm sao tại hạ có thể gặp lại nhị vị ân nhân?

Người áo đen đằng sau lúc này mới lên tiếng:

– Chúng ta luôn ở đằng sau thiếu hiệp, lúc cấp thiết sẽ xuất hiện tương trợ.

Nguyễn Đăng Bảo không tiện hỏi nữa, liền từ biệt rồi trở về thủy miếu.

Lúc chàng trở về thủy miếu thì đã canh ba, bên ngoài tiếng cú rúc lên từng chập khiến khung cảnh càng thêm tĩnh mịch hoang liêu. Chỗ chàng nằm đã được ai đó dọn dẹp lại cẩn thận. Vừa bước vào đã nghe một giọng nói:

– Ông về rồi à?

Tiếng của cô gái trẻ, kỳ thực chàng có đôi chút bất ngờ. Lúc nãy, chàng vô tình bị tiếng đàn dẫn dụ. Lúc quay về mới phát hiện mình sơ ý không điểm huyệt cô gái. Chàng vốn cho rằng cô gái sẽ tranh thủ thoát thân.

Kỳ thực cô ta cũng nghĩ đến việc ấy, chỉ là cô cảm thấy làm như vậy không ổn. Thứ nhất nếu cô có ra ngoài cũng không biết đường về. Hơn nữa, bên ngoài tối đen như mực, thân gái một mình không biết sẽ gặp phải những nguy hiểm gì. Từ nhỏ, cô chỉ quanh quẩn trong Lục phủ, nếu có ra ngoài cũng chỉ là ngồi trên kiệu được gia nhân đưa rước. Thế giới bên ngoài với cô chỉ được biết thông qua lời kể của những a hoàn kề cận. Do đó, cô cũng không dám mạo hiểm. Có lẽ nói sợ thì đúng hơn.

Thứ hai, cô là một người trọng lời hứa, cô nghĩ mình phải có trách nhiệm với nó. Cô nghĩ nếu người này muốn giết mình thì cũng đã giết rồi, thôi thì cứ ở lại là tốt nhất.

Tuy nhiên, giữa khung cảnh tịch liêu đáng sợ như thế này thì cô nào dám ngủ. Do đó, cô tùy tiện dọn dẹp lại thủy miếu.

Giết thời gian có lẽ làm cho con người đỡ sợ hơn!

Nguyễn Đăng Bảo không đáp, cũng không điểm huyệt cô vì chàng biết nếu cô có ý đào thoát thì chẳng phải đợi đến bây giờ. Chàng khẽ nằm xuống, nhắm mắt lại.

Cô gái trằn trọc không ngủ được, bèn lên tiếng:

- Ông tên gì?

Chàng thanh niên đáp cộc lốc:

- Nguyễn Đăng Bảo.

Cô gái:

- Tôi tên Lục Linh Đan.

Nguyễn Đăng Bảo cắt ngang:

- Thôi ngủ đi!

Cô tính nói thêm gì nữa những nghe chàng nói vậy bèn thôi. Lục Linh Đan không dám hỏi thêm nữa, vì cô sợ chàng lại hóa điên lần nữa. Cô khẽ đặt mình nằm xuống lớp rơm vừa trải lúc nãy. Từ sớm đến giờ, mi mắt của cô đã trĩu xuống nhưng vì sợ quá nên cô không dám ngủ, nên chàng vừa nói lập tức cô đặt người xuống ngủ ngay. Dù sao có một người bên cạnh cũng đỡ sợ hơn.

Thoáng chốc cả hai đã chìm sâu vào giấc ngủ.

Trời vừa tảng sáng cô gái đã thức dậy, giấc ngủ đêm qua quả là ngắn ngủi. Có lẽ cảm giác không an toàn khiến cô không ngủ được nhiều như mọi ngày. Nhưng người thức sớm nhất chính là Nguyễn Đăng Bảo. Lúc cô thức dậy thì không thấy chàng đâu. Cô gái liền ra đằng sau thủy miếu, vốc nước mưa chứa trong cái lu vỡ ra rửa mặt. Ngôi miếu này đổ nát, hoang phế đã lâu, chung quanh mấy dặm lại không có nóc nhà nào khiến cho không khí nơi đây thêm phần hoang vắng, thật tách biệt với sự ồn ào vốn có của thành Gia Định. Thủy miếu nhìn chính diện ra sông, tầm nhìn phía trước trông khá thoáng đãng.

Mặt trời nhô lên từ thiên nhai, vạn vật ửng hồng trên nền nắng mới sau một đêm trường lạnh giá. Xa xa, mặt sông phản chiếu từng vạt nắng, khí trời dìu dịu thật khiến người ta khoan khoái. Đây là lần đầu tiên cô đứng trước khung cảnh thiên nhiên hoang sơ tươi đẹp như thế này. Nó không phải là thứ thiên nhiên giả tạo trong phủ đệ nhà họ Lục. Nó là thứ thiên nhiên thuần khiết vốn có của tạo hóa. Cô gái nhìn sông vàng, nắng trong đến ngây ngất, hồn như bồng bềnh trên sóng, chỉ đến khi bên vai có người lay động mới giật mình đánh thót một cái. Người lay cô chính là Nguyễn Đăng Bảo, lúc này bận một bộ đồ nông phu bằng vải thô. Chàng nói:

– Cầm lấy!

– Cái gì đấy?

– Quần áo, thay đi!

Thì ra khi trời chưa sáng tỏ, Nguyễn Đăng Bảo đã ra ngoài đổi một lượng bạc lấy hai bộ quần áo của đôi vợ chồng nông phu trong làng, chàng một bộ còn cô một bộ. Hôm nay, chàng định vào thành thám thính nên ăn mặc như thế này nhằm tránh sự chú ý của mọi người. Lục Linh Đan trước giờ chỉ mặc nhung lụa gấm vóc, nào đã thấy qua thứ vải thô cứng này. Nhưng bộ quần áo cô mặc đêm qua đã bẩn hết, lại cầu kỳ không phù hợp chốn thôn dã nên cũng không nghĩ nhiều, liền tìm một chỗ kín thay đi. Lúc bước ra thì cô đã như một người khác, bộ quần áo cũng vừa người khiến cô cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, nước da hơi trắng nên cô cũng không hoàn toàn giống một cô gái nhà quê được.

Bên góc kia có tiếng lửa tí tách, Nguyễn Đăng Bảo đang nướng thứ gì đó, nhìn lại là một con thỏ đồng, mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Cô gái nước miếng như muốn trào ra ngoài, bụng sôi lên, hai chân lập tức bước về phía ấy. Nguyễn Đăng Bảo xé con thỏ còn nóng đưa cho cô gái một nửa. Chàng không thèm nhìn, chỉ ăn ngấu nghiến phần của mình. Lục Linh Đan nhìn chàng ngập ngừng hỏi:

– Vì sao huynh muốn giết cha tôi?

Nguyễn Đăng Bảo trừng mắt nhìn cô:

– Vì cha ngươi đã giết cả nhà ta!

Lục Linh Đan:

– Bình thường cha tôi đối với tôi rất tốt, đến một con kiến ông ấy cũng không nỡ giết. Tuy tôi không biết gì về ân oán giang hồ nhưng tôi nghĩ chắc huynh đã hiểu lầm ông ấy.

Nguyễn Đăng Bảo nhìn cô gái, giọng đanh lại:

– Hừ... giết người vô tội, đến cả đàn bà con nít cũng không tha. Vậy mà được người đời gọi hai tiếng đại hiệp, thật khéo giả nhân giả nghĩa.

Lục Linh Đan ngây thơ nói:

– Nếu thật sự như vậy thì khi trở về tôi sẽ khuyên cha tôi, để hai người có thể hóa giải chuyện ân oán này.

Nguyễn Đăng Bảo khóe miệng một nụ cười, điệu bộ chế giễu:

– Cô không biết cha cô là một đại hắc đạo sao?

Lục Linh Đan không hiểu:

– Đại hắc đạo?

– Giết người, cướp của….không chuyện ác gì là không làm, ha ha…

Chàng cười khổ, người như Hắc Phiêu cũng có được một đứa con gái như vầy sao? Không kể việc thảm sát toàn gia họ Nguyễn, việc ác y làm khi còn là đường chủ Y Tâm Giáo cũng chất cao như núi Tu Di. Dẫu có tứ mã phanh thây thì nhân sĩ giang hồ cũng chưa hả giận. Trời đất này vốn dĩ có công bằng không? Người nghĩa hiệp như Võ Thánh Nguyễn Thái Sơn lại toàn gia thảm tử, kẻ ác như Hắc Phiêu lại ung dung tự tại. Nguyễn Đăng Bảo đang cười, chàng đang ngạo thị trời đất, ngạo thị công đạo giang hồ.

Lục Linh Đan định nói gì đó nhưng đã bị chàng gắt giọng:

– Ăn lẹ đi!

Cô gái không dám nói nữa, chỉ cắm cúi ăn.

Nguyễn Đăng Bảo đứng dậy, sửa lại quần áo, cầm cái nón lá đội lên đầu. Chỉ một loáng, chàng đã biến mất khỏi thủy miếu.

Trên đường cái quan, một đám người tay cầm giới đao đi đi lại lại, cẩn thận quan sát chung quanh. Bọn họ vận chung một loại y phục, trên ngực áo có thêu một chữ Lục màu xanh. Gia nhân của các phủ vẫn thường có lối ăn vận như thế. Dựa vào chữ để đoán thì đám người này ắt hẳn là người của Lục phủ. Lục phủ là phủ đệ của Lục Nhất Phong. Lục Nhất Phong có thể nói là người của chốn giang hồ lẫn quan trường. Gia Định thành là cứ địa phục quốc của tiên đế Gia Long, nhưng hơn hai mươi năm trước thường bị giặc Tây Sơn tấn công. Giang hồ thảo khấu cũng nhân thế sự hỗn loạn mà ra sức cướp bóc, khiến quan phủ lắm phen vất vả. Kể từ khi Lục Nhất Phong tiếp quản Mãn Giang Lâu, quan phủ xét thấy lão là một đại khắc tinh của giới hắc đạo liền xin chỉ dụ của hoàng đế phong chức tước. Lục Nhất Phong một mực cự tuyệt, không nhận một chức tước gì cả, nhưng mặt khác vẫn đi lại với chốn quan trường. Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý coi lão như cánh tay phải, đặc cách sai một số binh lính cho Lục Nhất Phong tùy ý sai khiến.

Đám người này cẩn thận quan sát từng người một, không để sót một ai. Khắp các cửa thành đều có người của Lục phủ trấn giữ, xem ra lần này Nguyễn Đăng Bảo khó thoát.

Cổng phía bắc Gia Định thành.

Đương nửa buổi, trời nóng bức, mồ hôi đã ướt đẫm trên từng khuôn mặt người đi đường. Xa xa có một cỗ kiệu phủ rèm thêu hoa, là thứ kiệu thường dùng cho những phụ nữ nhà quyền quý. Khiêng kiệu là bốn hán tử lực lưỡng, ngoài ra còn có thêm mấy tùy tùng phi ngựa phía trước. Cỗ kiệu đang từ từ tiến thẳng vào thành. Đám gia nhân Lục phủ đợi từ sáng đến giờ không có gì khác lạ, nay thấy một cỗ kiệu được phủ rèm dĩ nhiên nghi vấn, liền thấy hai người trong nhóm bước ra chặn đường:

– Dừng lại!

Bị chặn ngay trước mặt, đám người chỉ còn cách dừng lại.

Đại hán vừa nói lên tiếng:

– Ai ở bên trong kiệu này?

Một tùy tùng của cỗ kiệu nói lớn:

– Kiệu này của Huỳnh phủ.

Người kia nghe nói hai chữ “Huỳnh phủ” thì trù trừ. Huỳnh phủ chẳng phải là phủ đệ của Huỳnh Công Lý - phó tổng trấn đại nhân hay sao? Người của Lục phủ có to gan cỡ nào cũng không dám đụng đến Huỳnh phủ nên không ai nói ai đã tự động dạt ra hai bên chừa đường. Lúc đó, một người vén rèm kiệu nhìn ra:

– Có chuyện gì đó?

Tấm rèm kiệu được vén rộng, bên trong chỉ có một con a hoàn đương nằm dựa vào tay ghế ngủ thiếp đi.

Gã đại hán nhận ra Huỳnh Tiểu Liên – con gái của Huỳnh Công Lý đại nhân, lại thấy bên trong không có gì khác lạ liền cúi đầu:

– Mong tiểu thư bỏ quá cho! Bọn tiểu nhân đã vô ý mạo phạm, chỉ là Lục phủ đang tìm người gấp.

Huỳnh Tiểu Liên không nói, chỉ phất tay. Cỗ kiệu lại tiếp tục lên đường.

Cỗ kiệu đi tới một ngõ vắng trong thành thì dừng lại, mấy người tùy tùng mở cửa một ngôi nhà nhỏ, tiến vào đặt cỗ kiệu xuống. Người ngồi trong kiệu nói:

– Các người hãy lui cả ra ngoài, chừng nào ta gọi hãy vào.

Đám tùy tùng và kiệu phu dạ ran, sau đó lui ra ngoài. Trong căn nhà nhỏ không có một tiếng động, lát sau mới có tiếng người nói:

– Công tử ra đi, ở đây không còn người nữa.

Cô vừa nói thì bên trong kiệu liền có tiếng động nhẹ, rèm kiệu được vén lên, một người thanh niên liền bước ra ngoài. Người này chính là Nguyễn Đăng Bảo, chàng nhìn cô gái xá dài:

– Tại hạ vì có việc gấp đã mạo phạm, mong cô nương thứ lỗi!

Nguyễn Đăng Bảo nãy giờ co người như một con sâu, bám chặt trên nóc kiệu. Chính vì vậy khi Huỳnh Tiểu Liên vén rèm, bọn người Lục phủ không hề phát giác.

Huỳnh Tiểu Liên nói:

– Tiểu nữ thấy công tử không giống đám giang hồ lỗ mãng nên cũng không ngại lắm. Công tử đừng quá tự trách mình!

Khi còn ở ngoài thành, Nguyễn Đăng Bảo nhân lúc bọn kiệu phu không để ý đã âm thầm đột nhập kiệu, điểm huyệt Huỳnh Tiểu Liên và người hầu gái. Tuy nhiên, để tránh tai mắt của đám người Lục phủ, chàng không còn cách nào khác là phải giải khai huyệt đạo cho Huỳnh Tiểu Liên. Nguyễn Đăng Bảo quả thực khó xử, vì nếu giải khai huyệt đạo mà không kìm chế thì cô này có thể sẽ hô toáng lên nhưng Huỳnh Tiểu Liên dường như biết được ý chàng, chỉ nhìn chàng gật đầu, chớp mắt mấy cái.

Nguyễn Đăng Bảo nhìn Huỳnh Tiểu Liên:

– Ơn của tiểu thư tại hạ nhất định không quên. Còn người này chỉ cần nửa giờ nữa sẽ tự động thức dậy.

Nguyễn Đăng Bảo chỉ tay về a hoàn của Huỳnh Tiểu Liên rồi nói tiếp:

– Bây giờ tại hạ phải cáo từ!

Huỳnh Tiểu Liên nói:

– Công tử định đi đâu?

Nguyễn Đăng Bảo:

– Tại hạ thù nhà chưa trả, cừu nhân lại đang truy tìm, ở lâu sẽ không tiện cho tiểu thư. Hơn nữa, hiện có việc cần làm.

Huỳnh Tiểu Liên ngập ngừng:

– Có… còn ngày tái ngộ không?

Huỳnh Tiểu Liên tuy là con nhà quyền quý nhưng không bị câu thúc bởi tiểu tiết lễ nghĩa. Nàng thấy người này anh tuấn, khí khái hơn người liền sinh cảm mến, bèn không giấu lòng thốt ra những lời đó.

Nguyễn Đăng Bảo cảm khái:

– Trả xong thù nhà, tại hạ nhất định sẽ tạ lỗi cùng tiểu thư!

Huỳnh Tiểu Liên dúi vào tay chàng một vật gì đó, thì ra là một chiếc khăn tay. Nguyễn Đăng Bảo cũng không nhìn kỹ, chỉ gật đầu rồi lách thân người lướt đi, thoáng cái đã mất nhân ảnh.

Bên trong gian nhà nhỏ vang lên thanh âm thiếu nữ nhè nhẹ:

– Về phủ!

Ấy chính là:

Thứ ân tình trên thế gian khó trả nhất là ân tình của phụ nữ.

Chuyện tình ái vốn không nguyên tắc,

duyên nợ cũng chẳng thể lý luận theo kiểu thường tình được.

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ!
Chương trước Chương tiếp
Loading...