Kiếm Mộng Thành Nam
Chương 22: Trên Hắc Băng Thành Đại Ngộ Huyền Công
---Quê nhà là chân không, cha mẹ là vô sanh. ---Đứng trên lầu thành nhìn xuống, Huỳnh Công Lý thấy đại cục bất lợi, bèn quay đầu đi xuống. Khi gã vừa xuống giáo trường thì đã nghe một tiếng hô lớn “Huỳnh Công Lý, ngươi chạy đâu cho thoát!”. Gã ngẩng đầu lên thì thấy một người đang phi thân hạ xuống.Phiêu phiêu phiêu, người thanh niên còn bay trên không đã giương cây Tuyệt Long Cung bắn tới. Ba mũi Bạch Liên Huyết Tiễn xé gió vun vút lao tới Huỳnh Công Lý. Huỳnh Công Lý nghe tiếng gió rít thì vội lách người tránh qua một bên. Tay phải liền ra một thủ pháp nửa giống cầm nã, nửa giống ưng trảo công chụp lấy. Nhưng lực bắn quá mạnh, ba mũi tên trượt qua, bàn tay phải lão cảm thấy rát rạt.Người thanh niên vừa đến chính là Nguyễn Đăng Bảo. Huỳnh Công Lý quát:- Ngươi là ai?Nguyễn Đăng Bảo:- Ta là Nguyễn Đăng Bảo, di cô của Võ Thánh Nguyễn Thái Sơn. Hôm nay ta đến để đòi món nợ năm trăm mạng người Võ Lâm Đệ Nhất Bảo.Lúc ấy, mấy người khác cũng phi thân lên. Nhìn kỹ lại là Lữ Toàn Trung và Vương Thiên Tường. Vương Thiên Tường:- Giáo chủ, ngài vẫn khỏe chứ?Huỳnh Công Lý nhìn hai người Vương Thiên Tường:- Vương giám sát sứ, thật không ngờ bổn nhân đã nuôi ong tay áo!Vương Thiên Tường nhếch mép:- Hừ, nếu không có tài lực của Chính Vân tiêu cục ta, Y Tâm Giáo có ngày hôm nay không? Hơn nữa, ngươi đừng tưởng những chuyện xấu xa của đôi gian phu dâm phụ các ngươi trời không biết, quỷ không hay. Huỳnh Công Lý nghe tới đây thì hơi tái mặt nhưng rất nhanh chóng, lão liền lấy lại bình tĩnh, cười ha hả:- Tốt…tốt. Nếu tất cả đã cùng có mặt thì hãy lên hết một lượt đi! Vương Thiên Tường đã có chủ ý, nghe vậy liền hai chân đạp đất phóng người lên không, tay quyền tay chưởng liên tiếp đánh tới. Thế quyền nặng như núi, chưởng phong dạt dào như ba đào chụp tới Huỳnh Công Lý. Y Tâm giáo chủ không hổ là nhất đại tông sư, vừa thấy thân ảnh đối phương lay động, người đã bắn lên. Lão tay trái chém ra một chiêu cương đao, tay phải đánh ra một quyền. Mấy tiếng “chát chát” khô khốc vang lên. Vương Thiên Tường chạm phải, thấy hổ khẩu đau nhói, lập tức thu tay lại. Hai tay liền biến thành cầm nã thủ, nhoài người tới chụp lấy hai tay đối phương. Chỉ thấy Huỳnh Công Lý lắc đôi tay một cái đã trượt khỏi cẫm nã thủ của Vương Thiên Tường. Hai người lúc này cũng vừa rớt xuống đất, Huỳnh giáo chủ liền quét mạnh một chiêu Tảo địa cước. Chát một tiếng khô khốc, Vương Thiên Tường đã kịp đề khí, đôi chân liền trở nên cứng như thép. Dù vậy, Vương Thiên Tường vẫn bị cước lực của Huỳnh Công Lý đá bật ra ngoài mấy trượng. Cảm thấy đôi chân đau nhói, Vương Thiên Tường liền hít một luồng hơi điều hòa chân khí. Huỳnh Công Lý tận dụng thời điểm ấy, hai bàn tay đã biến thành song chưởng đánh tới. Vương Thiên Tường lúc này rơi vào thế bị động nhưng không loạn, lập tức vận chân khí Du Miên thành một bức tường cương khí bảo vệ cơ thể. Huỳnh giáo chủ từ trên không, tay phải biến thành cương đao chém mạnh vào lớp cương khí Du Miên. Luồng đao khí của Huỳnh giáo chủ mạnh mẽ vô cùng, chớp mắt đã tiến sát người Vương Thiên Tường. Vương Thiên Tường cảm thấy sức ép từ luồng đao khí càng lúc càng lớn mà chân khí Du Miên đã cương lên đến cùng cực, không có cách gì hóa giải, chỉ đành cắn răng chịu đựng. Các huyệt đạo trên người Vương Thiên Tường căng lên như dây đàn, càng lúc càng nhói đau. Nói thì chậm nhưng thực tế diễn ra rất nhanh. Lúc ấy nghe bùng một tiếng lớn, Vương Thiên Tường chịu không nổi, người bị bắn ra sau, thổ ra một ngụm máu lớn. Huỳnh Công Lý phát chưởng lần nữa, từ trên không đánh xuống đầu Vương Thiên Tường. Lúc ấy, một bóng xám phóng vọt lên cao tung chưởng đón lấy. Ầm một tiếng lớn, thế chưởng Huỳnh Công Lý bị chặn lại, người kia cũng bị bắn ngược lại. Lữ Toàn Trung sau khi đối chưởng với Huỳnh Công Lý thì thấy khí huyết nhộn nhạo, cũng chịu không nổi liền phun ra một ngụm máu đỏ tươi. Lữ Toàn Trung buột miệng khen:- Đao khí thật ghê gớm, thật không hổ đã từng là cánh tay phải của Diệp giáo chủ.Huỳnh Công Lý cười lớn:- Không dám! Bấy lâu nay Lữ đường chủ vẫn khỏe đấy chứ?Lão không gọi Lữ Toàn Trung là trang chủ mà gọi là đường chủ bởi Lữ Toàn Trung cũng từng là đồng môn với lão. Hơn nữa lại là một trong thập nhị đường chủ của Bạch Liên Giáo.Lữ Toàn Trung cười nhạt:- Cũng may tại hạ phước lớn mạng lớn, vẫn còn gặp được ngài ở đây. Ầm ầm…, mấy tiếng đại pháo vang lên ngoài cổng thành. Huỳnh Công Lý lòng dạ bồn chồn, muốn đi cứu viện bọn Lê Bá Điền, nhưng trước mắt phải dứt ra khỏi đám người này, liền quát lớn: - Các ngươi xông lên cả đi!Vừa nói xong, lão đã vù vù phát chưởng đánh ra. Lữ Toàn Trung tuy đã bị thương nhưng hai tay cũng vận kình, chực bước ra đánh tiếp nhưng lúc ấy một bóng xanh đã nhanh như điện lướt vào. Huỳnh Công Lý vận đến mười thành công lực, kình khí theo đôi bàn tay xô ra ào ạt. Thế binh ngoài kia đang nghiêng về phía kẻ địch, lão không thể tốn thêm thời gian nữa nên muốn đánh nhanh thắng nhanh. Nhưng đột nhiên, lão cảm thấy đối phương cũng có một luồng kình khí dương cương thật mãnh liệt đang xô về phía mình. Hai người cùng hét lên một tiếng rùng rợn rồi bị thổi bật ra sau. Cả hai cùng la hoảng trong lòng “Kình lực ghê gớm thật”. Cho tới khi nhìn thấy người vừa giao chưởng với mình là Nguyễn Đăng Bảo thì lão mới kinh ngạc:- Võ công này ngươi học từ đâu?Nguyễn Đăng Bảo cũng ngạc nhiên không kém. Lúc đối chưởng với Huỳnh Công Lý, chàng phát hiện thấy luồng chưởng lực của lão cũng chí dương, đường lối giống hệt mình. Nguyễn Đăng Bảo:- Còn ngươi học từ đâu?Huỳnh Công Lý:- Võ công ta vốn dĩ do Diệp Thiên Ân truyền thụ. Nhưng Diệp Thiên Ân chết mấy chục năm trước rồi, không lẽ đội mồ sống dậy dạy ngươi?Nguyễn Đăng Bảo lúc này mới hiểu ra tại sao luồng nội lực của Huỳnh Công Lý lại giống hệt mình. - Tuy Diệp giáo chủ không trực tiếp dạy ta, nhưng cũng giống như ngài trực tiếp dạy ta vậy. Huỳnh Công Lý trầm ngâm một lát rồi vỡ lẽ:- Té ra bí lục đã lọt vào tay ngươi. Ta tưởng nó đã theo Diệp Thiên Ân xuống mồ rồi. Ngoài kia, tiếng chém giết không ngừng vọng vào, rõ ràng quân Gia Định đang thắng thế, đã đánh gần tới cổng thành. Huỳnh Công Lý suy nghĩ trong đầu, thấy hiện tại phe địch có ba người, còn lão chỉ một mình. Tuy lão tự tin võ công của mình độc bá thiên hạ nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ. Hơn nữa nếu muốn giải quyết bọn người này thì sẽ tốn không ít thời gian, lúc ấy chỉ e Lê Bá Điền chống giữ không nổi. Trong tròng mắt lão liền ánh lên một tia xảo quyệt, nhìn Nguyễn Đăng Bảo nói:- Té ra công tử đây chính là người mà đứa con gái ta thường nhắc tới.Nguyễn Đăng Bảo chau mày:- Lệnh ái là ai?Huỳnh Công Lý: - Nữ tử chính là Huỳnh Tiểu Liên.Nguyễn Đăng Bảo ồ lên một tiếng:- Thì ra chính là lệnh ái! Trước đây ta có nợ lệnh ái một món ân tình.Huỳnh Công Lý vừa nói vừa đưa mắt nhìn chàng:- Đứa con gái ngốc của ta ngày đêm tương tư công tử. Công tử nên biết, lọt vào mắt xanh của con gái ta không phải là chuyện dễ dàng.Nguyễn Đăng Bảo sờ vào túi thấy chiếc khăn tay mềm ấm kia vẫn còn thì sực nhớ đến mối ân tình của Huỳnh Tiểu Liên. Lại nghĩ nếu cha nàng có bề gì thì chắc chắn nàng sẽ rất đau khổ, trong lòng dấy lên một cảm giác khó xử. Huỳnh Công Lý là một tên cáo già, làm sao không đọc được ý nghĩ đó, bèn nói:- Bổn nhân hiện là giáo chủ Y Tâm Giáo, lực lượng hùng mạnh. Nếu công tử chịu làm hiền tế của ta, thì với võ công của hai cha con chúng ta sẽ không khó để giết Lê Văn Duyệt, đoạt lấy đại binh. Hơn nữa, mấy vạn giáo chúng đã tập hợp về các phân đà, chỉ cần chúng ta thoát khỏi nơi này thì sợ gì hai vạn quân Gia Định ngoài kia chứ. Sau này lấy được thiên hạ thì hiền tế ơi, thiên hạ không là của cha con ta thì của ai?Nguyễn Đăng Bảo nghĩ tới mối thù năm trăm mạng người thì cảm thấy một luồng máu nóng chạy khắp cơ thể. Chàng cười lên một tràng điên dại:- Ác tặc, món nợ năm trăm mạng người có thể trao đổi được sao? Còn món nợ ân tình với lệnh ái chắc chắn ta sẽ trả, nhưng không phải bằng cách này. Nguyễn Đăng Bảo nhớ lại những lời của Lữ Toàn Long nói dưới đáy vực, lại nghĩ đến cảnh binh đao lửa cháy, người chết đầy bên ngoài Hắc Băng Thành thì lạnh lùng nói tiếp:- Nước Đại Nam ta từ thời Lê trung hưng đến nay thường xảy ra chiến loạn, Bắc Nam chia cắt. Giặc cướp lại thường xuyên nổi lên khiến binh lửa liên miên không dứt, dân tình đồ thán, khiến bao nhiêu người vợ phải lìa chồng, con mất cha, nhà tan cửa nát. Kể từ khi tiên đế Gia Long tiêu diệt giặc Tây Sơn, thống nhất đất nước, thiên hạ trở nên thái bình, dân nghèo có đất cày cấy, cuộc sống ấm no. Ngươi thân là phó tổng trấn Thành Gia Định quyền cao chức trọng, lại là ngoại thích của hoàng đế, uy vọng đến tột đỉnh, lẽ ra phải biết thương lấy dân chúng, lại vì mưu đồ cá nhân mà làm chuyện phản nghịch. Đã bao giờ ngươi đặt mình ở vị trí những người dân khốn khó kia chưa, để thấy một giây phút hòa bình đáng quý biết nhường nào? Huỳnh Công Lý ngẩng mặt lên cười ha hả, lớn tiếng nói:- Oắt con muốn dạy đời lão tử sao? Rượu mời không uống lại muốn uống rượu phạt!Vừa dứt lời, lão liền cách không phát chưởng. Một luồng chưởng phong tà tà xô tới, cứ mỗi chưởng lại kèm một đao kình. Cương khí phát ra ào ạt như sóng ba đào, lớp sau dồn lớp trước không ngừng. Nguyễn Đăng Bảo kinh nghiệm lâm trận cũng không kém, địch im ta im, địch động ta động, cũng lập tức phát động một đợt tấn công mới. Chàng cũng tay phải chém ra một chiêu cương đao, tay trái phát chưởng. Lần này, cả hai đều dùng hết mười hai thành công lực. Cương kình tràn ngập ra xung quanh mấy chục trượng. Những người có mặt tại đương trường bị luồng kình khí bức ép, bất giác lùi về phía sau mấy bước, râu tóc đều bị kích thích đến cực độ. Khi hai luồng kình khí chạm nhau trên không, Nguyễn Đăng Bảo cảm thấy một cỗ lực khổng lồ từ đối phương xông thẳng vào lục phủ ngũ tạng mình. Luồng cương khí hộ thân chịu không nổi, trong đầu chàng vang lên mấy tiếng răng rắc, rõ ràng đã bị đao kình của Huỳnh Công Lý công phá. Chàng rú lên một tiếng, thân hình bị bắn ngược ra sau. Chịu không nổi, chàng ói ra một ngụm máu đỏ tươi. Huỳnh Công Lý cũng cảm thấy nội lực đối phương cực kỳ ghê gớm, lão đã dùng hết toàn lực mà vẫn bị sức phản kích mạnh mẽ đánh bật ra. Tuy vậy, rõ ràng nội lực Nguyễn Đăng Bảo vẫn còn kém Huỳnh Công Lý một bậc. Nhưng để phát động một đợt tấn công mới, Huỳnh giáo chủ biết mình không đủ sức. Hai người liền ngồi xuống điều tức.Một luồng chân khí theo vòng tiểu thu thiên dịch chuyển trong người Nguyễn Đăng Bảo, nhanh chóng bổ khuyết những huyệt đạo đã bị tổn thương. Trong đầu chàng lẩm nhẩm tám chữ “Chân không gia hương, vô sinh lão mẫu”, khẩu quyết được ghi trong Duy Ngã huyền công. Cứ mỗi lần đọc khẩu quyết, luồng chân lực lại di chuyển qua 108 huyệt đạo, giống như dung dịch vữa đi đến đâu liền chảy vào các kẽ hở trám chặt chúng lại. Di chuyển được mấy vòng tiểu chu thiên, bỗng nhiên tại huyệt Khí Hải trên Nhâm mạch, chàng cảm thấy đau nhói, càng hít sâu càng thấy đau hơn. Chàng liền vận chuyển chân khí tới bổ sung, nhưng huyệt Khí Hải lúc này lại giống như một biển lớn mênh mông, luồng khí bị hút vào chẳng thấm vào đâu, càng lúc càng nhiều, giống như nước chảy vào động không đáy vậy. Nguyễn Đăng Bảo cố huy động chân khí di chuyển tới đó, nhưng chừng như vô ích. Chừng một tuần trà trôi qua, tình hình vẫn không khá hơn. Hơn nữa sự đau đớn càng lúc càng tăng, luồng khí phản kích lại càng lúc càng mạnh. Nếu để thêm nửa giờ nữa chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng nội lực tự công kích lẫn nhau, đó gọi là tẩu hỏa nhập ma. Nguyễn Đăng Bảo chịu không nổi luồng khí phản kích, người run lên bần bật, rên lên mấy tiếng đau đớn. Trên mặt chàng, mồ hôi chảy ra như tắm. Bỗng lúc ấy, một tiếng nói mảnh như tơ vọng vào lỗ tai chàng “Buông ý, để cho dòng khí tự do trôi vào Khí Hải”. Chàng nghe những lời này thì phát hoảng vì nếu làm như vậy thì rõ ràng đã chấp nhận trôi theo dòng nước, chân lực sẽ bị tản mát hết, chắc chắn đi vào chỗ chết. Nhưng chính chàng lúc này cũng không chống đỡ được luồng chân khí đang bị hút về Khí Hải. Các huyệt đạo lúc này đều đã đau nhức đến cực độ, bèn liều một phen, buông ý không kìm giữ dòng khí nữa. Luồng chân khí được thả tự do, bèn ào ạt chảy vào Khí Hải. Huỳnh Công Lý sau chừng nửa tuần trà đã phục hồi chân lực, bèn vận kình khí ra tay phải chầm chậm tiến lên. Bọn Vương Thiên Tường, Lữ Toàn Trung võ công không đáng ngại, hơn nữa đều đã trọng thương. Chỉ có chàng thanh niên trước mặt mới chính là đại địch. Hơn nữa người này lại có cùng võ công với mình, tuổi trẻ mà đã có công lực cao như vầy, nếu để hắn còn sống thì tương lai sẽ càng khó trừ khử. Vì vậy, Huỳnh Công Lý quyết hạ đòn độc thủ. Huỳnh Công Lý quát lớn “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, chưởng phong liền xô ra ào ạt. Bọn Lữ Toàn Trung la hoảng trong lòng “Hỏng rồi”. Mắt bọn họ thấy Nguyễn Đăng Bảo rơi vào hiểm cảnh mà không cách gì cứu được, đành bất lực giương mắt nhìn. Nguyễn Đăng Bảo lúc này đang chìm trong luồng tư tưởng, buông lỏng ý niệm. Tất cả các dòng khí đều tự nhiên chảy vào huyệt Khí Hải, cảm giác nhận thức về xung quanh đều mất hết. Mà chưởng phong Huỳnh Công Lý đã đánh tới sát bên, kình khí rát rạt, tình thế nguy ngập vô cùng. Huỳnh Công Lý cười lên một tràng độc ác, từ trên không vỗ song chưởng xuống huyệt Bách Hội của chàng. Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, Huỳnh Công Lý cảm thấy một luồng kình lực mạnh mẽ hùng hồn đón lấy chưởng phong của mình. Ầm một tiếng lớn, hai luồng kình khí va vào nhau, tạo thành một trường xung đột cực lớn, rồi nhanh chóng tách ra làm hai. Hai bóng người cũng bị bắn ngược lại. Một quầng bụi lớn mù mịt bốc lên bao trùm lấy hai bóng người ấy. Chờ một lát, bụi bặm lắng xuống, mới thấy rõ người vừa đến. Không ngờ đó chính là Pháp Châu hòa thượng. Pháp Châu hòa thượng lúc này ngồi xếp bằng, hai tay chấp lại, miệng lâm râm niệm Phật hiệu “A Di Đà Phật”. Nhưng vừa mới thốt xong chữ Phật, khóe miệng ông đã trào ra một dòng máu tươi. Huỳnh Công Lý cũng thấy ngực mình đau nhói, luồng chân lực đang đánh ra bị người khác chặn đứng, không lưu chuyển được, bèn ngồi xuống điều tức. Lão không ngờ thời khắc quan trọng nhất lại mọc đâu ra một lão trọc có võ công ghê gớm như vầy. Tuy thế, lão trọc đã thụ thương chứng tỏ võ công Huỳnh Công Lý vẫn nhỉnh hơn một bậc. Huỳnh Công Lý quát lớn:- Ngươi là ai?Pháp Châu hòa thượng vẫn tĩnh tọa đáp:- Bần tăng là ai thì có gì quan trọng đâu chứ. Chỉ xin được khuyên giáo chủ đôi lời.Huỳnh Công Lý lúc này vẫn chưa phục hồi chân lực, không thể nào đánh tiếp được nên đáp:- Hòa thượng cứ nói!Pháp Châu hòa thượng:- Bạch Liên Giáo truyền đến đời Diệp Thiên Ân giáo chủ cũng đã được trăm năm. Tuy tổ chức giáo phái có biến đổi khá nhiều nhưng cốt tủy giáo pháp vẫn không ra ngoài Phật pháp. “Chân không gia hương, vô sanh lão mẫu”, giáo chủ hiểu câu này chứ?Huỳnh Công Lý cười lớn:- Hòa thượng muốn vặn ta về giáo nghĩa chăng? Có giáo đồ nào của Bạch Liên Giáo lại không biết chứ. Nó có nghĩa quê hương là chân không, cha mẹ là vô sanh, cũng chính là Vô Sanh lão mẫu. Pháp Châu hòa thượng:- Vậy cũng có nghĩa là tất cả đều trở về hư không. Ân oán tình cừu cũng không ngoài ba tấc đất. Vậy năm xưa ngài ám toán Diệp giáo chủ, chiêu binh mãi mã, rốt cục để được gì?Huỳnh Công Lý cười khẩy:- Trên đời này vốn mạnh được yếu thua. Trong vũng bùn lầy lội này, bạch liên phải có sức sống mãnh liệt mới vươn lên được, nếu không sẽ mãi mãi chìm trong nhơ nhớp bùn lầy mà thôi. Bạch Liên Giáo có câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, không biết hòa thượng có từng nghe chưa?Pháp Châu hòa thượng:- A Di Đà Phật! Di Lặc Phật vốn là vị Phật trong tương lai. Tuy nói tương lai nhưng trí huệ, từ bi không khác gì đức Thích Ca Mâu Ni hay bất kỳ vị Phật nào khác. Vì chúng sanh trôi lăn trong chốn ô trược, vô minh đau khổ nên ngài tùy thời mà dùng mọi phương tiện xảo diệu để thị hiện nhân gian giúp đời. Do đó, Bạch Liên giáo pháp có nói Vô Sanh lão mẫu sai Di Lặc Phật giáng phàm đưa đàn con thoát khỏi bể mê, trở về nhà. Ấy chính là trở về chân không, cũng là vô sanh vô diệt vậy. Còn “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” tức là từ khi giáo pháp đức Thích Ca ra đời, thì đó chính là giáo pháp độc tôn, vô địch thiên hạ. Nhưng giáo pháp đức Thích Ca chính là con đường từ bi cứu khổ cứu nạn, đưa người ta thoát khỏi vô minh, rời bến mơ về bờ giác, chứ không phải ỷ mạnh hiếp yếu, chà đạp kẻ khác, xưng hùng xưng bá. Duy Ngã huyền công của các đời Bạch Liên giáo chủ đều dựa vào yếu chỉ này, bởi nó từ Phật pháp mà ra. Võ công càng cao thì sức từ bi phải càng lớn. Nếu không có sức từ bi tương ứng, sớm muộn cũng sẽ lạc vào ma đạo, tẩu hỏa nhập ma, nguy hại đến chính bản thân mình. Pháp Châu hòa thượng nói chậm rãi, hơi liếc nhìn Nguyễn Đăng Bảo như cố gắng nói chậm từng lời cho chàng nghe rõ. Quả thật nãy giờ Nguyễn Đăng Bảo thả dòng khí lưu chuyển vào huyệt Khí Hải thì các huyệt đạo liền trở nên dễ chịu. Ấy chính là buông bỏ bám chấp, nên thần trí trở nên tỉnh táo, buông bỏ ba độc tham sân si nên bức màn vô minh tự nhiên sáng ra. Khi chàng nghe tới đoạn này, liền đột nhiên lãnh ngộ. Lúc trước, khi luyện đến tầng hai của Duy Ngã huyền công, gặp phải yếu quyết “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” thì bị dẫm chân tại chỗ, không thể tiến lên được. Càng đọc thì chỉ càng rối rắm, càng cố đột phá thì các huyệt đạo càng trở nên đau nhức, ấy chính là vì sự hận thù của chàng quá lớn. Mỗi khi chàng dùng Duy Ngã huyền công đều nhằm giết chết kẻ thù, đi ngược lại đức hiếu sinh của Trời Phật. Giờ đây, trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, chàng được điểm hóa đúng lúc liền đại ngộ. Giống như buông đao đổ tể, lập tức có thể thành Phật, tâm trí chàng trở nên sáng ra. Luồng chân khí bị hút về bể khí lớn lập tức đảo chiều. Cũng giống như các dòng sông đổ về biển lớn, tới một mức độ đủ, biển lại bốc hơi tạo thành mưa, đổ nước về cho các dòng sông, tạo thành vòng tuần hoàn không bao giờ dứt. Ấy chính là thuận theo trời đất thì đại đạo tự thành. Lúc này, chàng đã vượt lên tầng ba của Duy Ngã huyền công. Luồng chân khí trong người Nguyễn Đăng Bảo sau khi hồi lại, liền lưu chuyển khắp châu thân. Chàng hít một hơi, cảm thấy cơ thể cực kì khỏe mạnh, giống như thần long vùng vẫy trên không.Ấy chính là:Đạo mà nói ra được thì chẳng phải chơn Đạo Danh mà gọi ra được thì không phải thiệt Danh Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ!
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương