Kim Cương Bất Hoại

Chương 9: Thất tình tú sĩ



Lại nói Lý Thanh Hoa sau khi đã chiếm được số vàng lớn liền bàn cùng cha mẹ nuôi và lão Phiên tăng rời bỏ ngọn đồi Thanh Cao Phong, lên kinh đô để dọ thám hành động của bọn gian thần.

Bốn người tức tốc ra khỏi khu rừng ngay đêm hôm ấy. Rồi cứ thẳng phương Bắc tiến hành...

Nhờ có hoa la và thần mã, nội trong đêm bốn người di chuyển xa được nhiều trăm dặm đường.

Để tránh con mắt dòm ngó của người khác, Mã phu nhân dùng thuật hóa trang bằng những thuốc do bà tự pha chế, biến Mã Hóa Long thành ông chủ trại vào hạng trung lưu. Lý Thanh Hoa thành một cậu thư sinh và Phiên tăng thành một bậc quản gia, màu da mặt đen sạm như một tên hắc nô hiền lành ngớ ngẩn.

Còn chính bà ta cũng nhuộm tóc cho lốm đốm trắng như tuổi vãn niên, lại thêm da mặt có nhiều vết nhăn nheo như một bà đồ già, tay phe phẩy chiếc quạt lụa, tay chống gậy trúc rất thanh nhã.

Hai con thần mã cũng bị cắt bờm, xén đuôi, mình mẩy và bốn vó trát đầy bụi trông như loại ngựa tầm thường cục mịch.

Sẵn có tiền bà sắm một cỗ xe lớn chở hành trang, nồi niêu nấu nướng lương thực và sách vở mua ở dọc đường.

Lý Thanh Hoa nhân dịp này cũng tự do nghiên cứu và bàn luận những cổ thư mà Mã phu nhân giảng dọc đường cho chàng trước kia. Suốt ngày hai mẹ con ngồi ở trong xe, không mấy khi bước ra đến ngoài.

Trong khi đó, Mã Hóa Long và Thần Ma Mật Tăng chỉ nói về võ nghệ, vừa dong xe vừa kháo nhau những miếng võ bí hiểm và dò biết các tên danh thủ trong giới giang hồ...

Chiếc xe do lừa ngựa kéo thủng thỉnh qua nhiều thị trấn, làng mạc không xảy ra sự gì trắc trở...

Một ngày kia, vì cần phải mua thực phẩm, nên Mã Hóa Long đánh xe tìm vào khu chợ đương đông.

Lúc đó, mặt trời đã đứng bóng, trên đường vào chợ, có đám đông người huyên náo. Mã Hóa Long dừng xe xem chuyện gì?

Thì thấy một chàng thanh niên ốm nhom, trạc tuổi Lý Thanh Hoa, vai đeo bảo kiếm đương bị ba bốn đại hán bao quanh không cho tiến bước nữa.

Người đứng đầu bọn đại hán, vai gấu, lưng hùm, mặt dữ như beo, hai mắc ốc lồi sáng loáng, cất tiếng sang sảng nói :

- Tiểu tử, ta phải bắt buộc ngươi rút kiếm ra đấu với ta vài hiệp để phân tài cao thấp!

Chàng thanh niên gầy còm xua tay, lắc đầu trả lời :

- Tôi với ông không thù oán! Tôi không có làm điều gì phiền hà đến ai! Tại sao ông cứ bắt tôi phải đấu với ông?

Đại hán dữ tợn kia nói :

- Đất này là đất dụng võ! Kẻ nào mang binh khí vô đây phải tỏ ra xứng đáng là con nhà võ nếu người hèn nhát không dám tỷ thí thì phải nạp cho ta thanh bảo kiếm mới được phép đi khỏi nơi đây!

Thanh niên gầy còm lạnh lùng đáp :

- Đao kiếm là vật vô tình! Một khi đã rút ra khỏi vỏ thì phải vấy máu. Nếu các ông không chết thì tôi phải chết. Các ông muốn như vậy hay sao!

Đại hán hét to lên rằng :

- Tiểu tử chớ có nhiều lời vô ích! Nếu ngươi chỉ thuộc hạng dân quèn, thì không nên có giắt vũ khí nghênh ngang qua đây.

- Ta là Báo Đầu Tử Kim Phiêu. Người nên tuân lệnh ta, cởi kiếm bỏ xuống rồi cút đi nơi khác cho khỏi bẩn mắt ta...

Trong khi đại hán đầu beo nói vậy thì mấy tên lớn bự khác cũng đứng cười ha hả tỏ vẻ đắc chí vô cùng.

Mã Hóa Long thấy vậy liền nhảy xuống xe, tiến đến gần đại hán nọ, võng tay thi lễ và nói rằng :

- Để tôi xin đưa ra một giải pháp dung hòa hai ông bạn. Tôi tuy làm nghề thương mại, bôn tẩu đó đây nhưng cũng biết tôn trọng những vị anh hùng và luật lệ giang hồ. Việc tỷ thí phân tài cao thấp của khách phiêu lưu mã thượng là phương cách cần thiết để kết bạn và trao đổi tài nghệ không có gì là bắt buộc cả. Tôi đề nghị hai vị dùng tạm hai thanh gỗ này làm kiếm tạm giao đấu phân tài cao thấp. Phần được thua không đáng kể, như vậy không nguy hiểm đếm tính mạng đôi bên và khách bàng quan chúng tôi cũng có may mắn được thưởng lãm những chiêu thế ngoạn mục. Xong cuộc đấu, bao nhiêu tổn phí về chầu rượu thắng cuộc, tôi xin chịu lãnh cả.

Nói rồi Mã Hóa Long hai tay cầm hai thanh kiếm gỗ đứng giữa đại hán và chàng thanh niên nọ.

Báo Đầu Tử Kim Phiêu cầm lấy một thanh gỗ và nói rằng :

- Vì nể lòng tôn ông tự nhiên mất tiền chi chầu rượu, tôi giỡn chơi bữa nay và không muốn làm hại ai cả!

Thanh niên gầy còm cũng tiếp nhận thanh kiếm gỗ và nói rằng :

- Cám ơn tôn ông đã can thiệp giúp tôi. Phần thua chắc về tôi rồi!

Các người trong chợ kéo ra đứng sát cánh vây quanh thành một vòng tròn rộng. Nhiều kẻ vỗ tay la hò, ầm ĩ, cổ võ đôi bên để mong được xem một trận đấu kiếm tuy bằng gỗ không nguy hiểm nhưng cũng không kém phần kịch liệt và hào hứng.

Báo Tử Đầu Kim Phiêu diễu võ dương oai, trước khi đấu thực sự, hắn ta múa may quay cuồng, biểu diễn cả một bài Thiệu về môn Thái Cực, trông rất hoa mỹ và khiêu khích.

Trong khi đó thanh niên gầy còm, tay cầm thanh kiếm gồ mũi kiếm chỉ xuống đất, hai chân chỉ khẽ chuyển bộ xê dịch chút ít.

Bỗng nhiên, Kim Phiêu nạt to một tiếng lớn như hùm rống :

- Chém này!

Tức thì thanh kiếm gỗ đã nhằm thẳng đỉnh đầu thanh niên vùn vụt bổ xuống. Hành động của Kim Phiêu rất nhanh và rất mạnh, mọi người đều lo sợ giùm cho thanh niên, vì không thấy chàng né tránh, lùi bước hay chống đỡ gì hết!

- Trúng rồi! Trúng rồi! Trúng rồi!...

Cánh tay chàng thanh niên gầy còm đã bị đầu mũi kiếm gỗ móc rách toạc một mảng dài, rồi thấy chàng này quăng kiếm gỗ xuống đất, quay lại đi thẳng ra ngoài vòng đấu, không nói năng nửa lời :

Các người đứng xem vồ tay hoan hô Kim Phiêu. Có kẻ nói rằng :

- Võ nghệ anh chàng ốm đeo bảo kiếm tầm thường quá! Bị thua ngay keo đầu, xấu hổ lủi mất rồi. Chắc từ nay chẳng còn dám vác mặt đi qua đây nữa...

- Đeo kiếm làm gì cho bị nhục. Ấy may mà đấu bằng kiếm gỗ, nếu bằng kiếm thật thì đà bị chém đứt một cánh tay, thành ra chàng cụt rồi còn gì!

Kim Phiêu chạy đến nắm tay Mã Hóa Long nói lớn :

- Tôn ông lại tửu lâu đãi chúng tôi chầu rượu chiến thắng, con sâu rượu đang ngó ngoáy tỳ vị chúng tôi.

Mã Hóa Long đành phải dẫn chúng vô quán trong chợ, mua rượu ngon cho bọn chúng như đã hứa trước.

Còn chàng thanh niên gầy còm đi lủi thủi một mình, chẳng ai thèm ngó ngàng đến kẻ bại làm chi cả. Lúc này đám đông đã giải tán. Chàng thanh niên đi gần tới cỗ xe, nhìn thấy hai con ngựa kéo xe, thì đi chậm lại, trừng đôi mắt sáng quắc chằm chằm ngắm nghía...

Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai chàng ta, khiến thanh niên giật mình quay phắt lại thì thấy Lý Thanh Hoa tươi cười, vòng tay vái chào và nói rằng :

- Bộ pháp “Nhất Bộ Sinh Hoa” và thế kiếm “Lưu Vân Hoành Thiên” của túc hạ, trên đời này mấy ai sánh kịp, xin cho biết quý tính cao danh để được chiêm ngưỡng!

Thanh niên gầy còm lật đật đáp lễ và lúng túng trả lời rằng :

- Không dám! Không dám! Quý hữu đùa cợt tôi làm chi!

Lý Thanh Hoa nghiêm sắc mặt nói :

- Tôi đâu dám đùa cợt với túc hạ. Tên tôi là Lý Thanh Hoa người can thiệp lúc nãy là dưỡng phụ tôi tên Mã Hóa Long. Nghĩa mẫu tôi đương ngồi ở trong xe. Kính mời túc hạ lên xe cùng chúng tôi uống tạm chung trà, để thỏa mãn sự kỳ ngộ và cho phép chúng tôi được hâm mộ một bậc kỳ danh hiếm có trên đời.

Thấy Lý Thanh Hoa thành khẩn mời mọc một cách chân thực, nên chàng thanh niên đành bằng lòng leo lên xe, nhập bọn. Mã phu nhân pha trà ngon tiếp khách. Lát sau Mã Hóa Long cũng từ trong chợ đi ra tay xách giỏ lớn đựng thức ăn mua được, leo lên xe ngồi cùng. Thần Ma Mật Tăng cho lừa ngựa kéo cỗ xe ra khỏi thị trấn.

Cỗ xe đi chậm trong khi Mã phu nhân rót trà mời khách uống, thực là một loại trà ngon hiếm có, hương trà thơm tỏa ra ngào ngạt, uống vào sảng khoái tinh thần.

Sau tuần trà, Lý Thanh Hoa nhìn chàng thanh niên và hỏi rằng :

- Thanh kiếm quý túc hạ đeo trên vai chắc có một lai lịch rất lớn? Nếu tiểu đệ không lầm thì đó chính là thanh Song Nhan Thiên Linh bảo kiếm của sư tổ phái Nga Mi. Không biết có đúng như vậy hay chăng quý túc hạ?

Thanh niên tỏ vẻ kinh ngạc vô cùng, đôi mắt mở to, hai môi lẩm bẩm nói nhỏ :

- Chính vậy! Sao huynh đài nhận ra được?

- Tuy các vết chạm trổ và chữ trên khắc trên kiếm, chuôi kiếm đã bị làm mòn đi, nhưng dưới ánh nắng chiếu chếch, tinh mắc một chút vẫn nhìn thấy rõ, nhưng tiểu đệ lại còn nhận thấy thêm điều này nữa, không biết có đúng không?

- Túc hạ có tật ở bả vai sau lưng, nên vận dụng kiếm thế có chút khó khăn, chưa được hoàn hảo như ý muốn để đối phó với những người tấn công từ mé sau tới!

Thanh niên nọ trả lời :

- Đúng vậy! Đúng vậy! Tôi mang vết tích rất sâu ở bả vai sau lưng, gân xương như bị tật từ thuở bé. Tôi đã cố gắng chữa chạy và luyện tập nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn. Lúc động tác quá vẫn có sự ngượng nghịu. Cho nên lúc quý hữu tiến sát gần, đạt tay lên vai tôi mà tôi vần chưa kịp phản ứng. Tuy nhiên do huynh cũng là tay cao thủ siêu hạng trong võ lâm thì mới có thể hành động như thế được đối với đệ. Còn những người tầm thường khác thì không bao giờ có thể đụng chạm đến thân thể của đệ, chưa tới sau tiểu đệ ba bước, có thể bị tiểu đệ đoạt lấy tính mạng mà không hay biết.

Lý Thanh Hoa mỉm cười nói rằng :

- Tiểu đệ cũng nhận thấy như vậy! Sở dĩ tìm biết nhược điểm của các hạ là mong muốn giúp các hạ tìm cách điều bổ gân xương, chữa trị cố tật, để các hạ phát triển toàn năng bí pháp của môn phái. Dưỡng mẫu của tiểu đệ rất giỏi về y lý, có nhiều thần dược để giúp các hạ.

Thanh niên nọ đưa mắt nhìn Mã phu nhân thấy bà ta thần thái hạo nhiên, dung quan cao quý khác thường, tự nghĩ mình có phước mới được gặp, tin lời nói của Lý Thanh Hoa là thật liền vòng tay vái chào Mã phu nhân thưa rằng :

- Tiểu tử được lão bà cho thuốc, chữa cho khỏi cố tật thì mới trả được sư cừu, ơn ấy sâu như trời bể...

- Không lẽ sư tổ Nga Mi phái đã bị người ta ám hại rồi sao?

- Thưa vâng! Tiểu tử tên Cao Kỳ Nhất Phương, đệ tam đồ đệ của Huyền Mi chân nhân sư tổ Nga Mi phái. Sư phụ tiểu đệ đã qua đời cách đây một năm, trước khi chết, người đã dùng tay xóa bỏ các vết chạm trổ và chữ khắc trên chuôi kiếm và cho thanh kiếm này, bắt buộc tiểu tử phải đi tìm kẻ thù để báo phục...

Mã phu nhân với vẻ mặt dịu hiền, đôi mắt đầy từ ái của bà chăm chăm nhìn vào Cao Kỳ Nhất Phương và nói rằng :

- Ta trông con không có vẻ một võ sĩ sắt đá mối thù huyết hận mà nhận xét thấy con mang nhiều tình cảm của một chàng thư sinh ôm một mối tình tuyệt vọng!...

Lý Thanh Hoa nghe mẹ nói vậy, phải bặt miệng cười làm cho Cao Kỳ Nhất Phương lúng túng, vì chàng ta nhận thấy không hiểu tại sao những người này đã nhận biết, thấy cả những tình cảm thầm kín ở tận đáy lòng.

Chàng đành thú thật rằng giới người của phái Nga Mi đã tặng cho chàng một biệt hiệu xứng đáng là Thất Tình Tú Sĩ.

Lý Thanh Hoa để mẹ nói cho biết tên họ mọi người!

Lúc đó cỗ xe đương leo dốc mà vẫn phóng như bay, có phần nhanh hơn cả ngựa phi nơi đồng bằng...

Cao Kỳ Nhất Phương không còn nghi ngờ gì nữa, buột miệng khen ngợi rằng :

- Dị nhân thường làm chủ các dị vật. Trên đời này khó kiếm được loại ngựa quý như thế này! Nếu chỉ tưởng là loại ngựa kéo xe tầm thường thì thật ngu ngốc lắm! Nhưng xe này phải chở những vật gì nặng lắm mới phải?

Lý Thanh Hoa cười đáp rằng :

- Quý hữu nhận xét rất tinh tường vậy thử đoán xem xe này chở những đồ vật gì vậy?

Cao Kỳ Nhất Phương cũng cười nói rằng :

- Thần mã thì phải chở bảo vật. Trên xe này ít ra cũng phải chở nặng cả ngàn cân. Tất cả mọi người trên xe vỗ tay cười nói :

- Đúng rồi!

Cuộc hành trình càng ngày càng trở nên vui vẻ thân mật.

Tới lúc xuống dốc, xe đến ven rừng, Mã Hóa Long rẽ ngựa chạy vào bên bờ suối, chỗ đất phẳng, có cây bóng mát, cỏ mọc xanh tươi dùng làm chỗ nghỉ ngơi rất tốt...

- Hôm nay, trong bọn ta có thêm một vị anh tài, lúc vô chợ tôi có mua được vò rượu ngon. Chúng ta tạm ngừng xe nơi đây, kiếm thịt rừng nhậu say một bữa thì câu chuyện tâm tình mới có thể cởi mở được phải không?

Mọi người tán thành và chia nhau công tác. Mã Hóa Long và Thần Ma Mật Tăng tháo lừa ngựa cho nghỉ ngơi, rồi vô rừng kiếm mồi.

Còn những người khác thì chia nhau lấy nước, vo gạo, nhóm lửa...

Người nào cũng đã quen thuộc với đời sống ngoài trời, nay đây mai đó của những bộ lạc du mục vùng sơn cước.

Thần Ma Mật Tăng đã hạ được một con heo rừng lớn. Mã Hóa Long cũng không kém, vác trên vai một con nai có cặp sừng mới như cặp lộc nhung, mọng đỏ như hổ phách.

Chốc lát sau, con heo rừng đã được cạo lông sạch sẽ, bụng nhồi lá thơm và được khâu lại, rồi đem quay trên than, mỡ chảy xèo xèo rớt xuống khói bốc lên thơm mùi thịt nướng, làm mọi người chảy nước miếng... Người nào cũng thành thạo trong công việc làm món ăn đặc biệt của mình. Những món chiên nấu thịt nai cũng có hương vị đặc biệt hấp dẫn.

Rồi khi mặt trời đã khuất hẳn sau rừng cây, màn đem buông xuống bên bờ suối, bên ánh lửa hồng reo, bắn ra những tia lửa kêu lốp bốp, năm người cùng nhau ăn uống một bữa ngon lành, thích thú hơn yến tiệc nơi hoàng cung kim điện...

Thần Ma Mật Tăng cầm chiếc đùi nai chín đưa lên miệng, ngoạm từng miếng lớn, nhai ngấu nghiến như hùm.

Mã Hóa Long bưng cả vò rượu tu ừng ực rồi nói rằng :

- Thực là bữa cơm ngon! Bây giờ rượu đã ngấm say, nghe chuyện tâm tình mới thấy lý thú. Xin Thất Tình Tú Sĩ kể cho nghe câu chuyện “hữu tình” của người.

Cao Kỳ Nhất Phương kể cho mọi người nghe lai lịch của mình!...

- Từ thuở sơ sinh đến nay, tôi chưa biết ai là bố mẹ sinh ra tôi cả! Một người bảo mẫu nhặt tôi trong một cuộc chém giết, đem về cứu sống...

Trên lưng tôi cũng bị một vết đâm sâu nhưng may mắn không chết. Nuôi tôi chừng vài năm thì vì người chồng hung ác, nên mẹ nuôi tôi đành bỏ tôi không trông nom tôi nữa, đem tôi gởi gắm gia đình khác, vợ chồng là ông chủ quán cơm, nhờ nuôi hộ.

Vợ chồng chủ quán này rất ác độc. Tuy tôi còn nhỏ tuổi, nhưng họ bắt tôi làm những việc vất vả, khó nhọc suốt đêm ngày và cho ăn uống thiếu thốn. Nếu chậm trễ lười biếng đôi chút thì bị đánh đập hành hạ rất khổ sở.

Lúc tôi được mười một tuổi, thân hình tôi nhỏ bé, loắt choắt như mới có chín tuổi, nhưng sự nhận biết của tôi đã tinh khôn không kém gì người lớn. Hàng ngày, tôi phải đi kiếm khách, mời mọc về ở trọ trong quán cơm và tôi cũng biết là vợ chồng tên chủ quán này hay đánh thuốc mê khách hàng đem giết đi để chiếm đoạt tiền của.

Nếu hai con quỷ sứ ấy nó biết sự khôn ngoan của tôi, và tôi mà biết rõ sự thực bên trong cái Hắc điếm đó thì chúng nó sẽ trừ khử luôn cả tôi đi.

Chúng chưa hại tôi ngay vì tin rằng tôi còn được lãnh tiền cấp dưỡng của người bảo mẫu vô danh đã cứu tôi, vừa muốn uốn nắn tôi trở nên một tên hắc đạo lành nghề tiếp tay cho chúng.

Nhưng thực tình, tôi biết suy nghĩ và oán ghét đến xương tủy hai vợ chồng tên chủ quán sát nhân đó từ lâu rồi.

Tôi tìm cách trốn thoát đi, nhưng cũng sợ nếu chúng bắt lại được thì chắc chắn là sẽ giết tôi đi ngay.

Một hôm, chúng gọi tôi và bắt đem cơm rượu lên cho một cụ già. Tôi thấy ông cụ già mang một cái bọc lớn có đựng nhiều tiền thì tôi biết chắc ngay là trong cơm và rượu tôi mang lên, thế nào cũng có pha thuốc mê. Tôi muốn cứu ông già đó nên đến nửa đêm trước khi bọn chúng vào phòng để giết người tôi đã đánh cắp được thuốc giải mê cứu ông già tỉnh lại và dẫn đi trốn thoát khỏi hắc điếm quái gở đó liền ngay trong đêm.

Ông cụ già này sống ở Bạch Diêm trang trong vùng mỏ muối. Hiểu biết thân thế cùng cảnh ngộ của tôi, ông cụ rất thương tôi và đem về Bạch Diêm trang nuôi nấng.

Hầm mỏ muối ở đây rộng lớn, cung cấp muối ăn cho cả trăm vạn dân sống ở Lũng Tây. Việc khai thác và bán muối rất phát đạt. Ngày nào cũng có nhiều đoàn lừa ngựa đến tải muối đi các châu phủ.

Ông chủ vùng mỏ muối Bạch Diêm trang là người rất có quyền thế vừa giàu lại có nhiều tráng đinh tôi tớ làm việc trong mỏ muối. Những năm tôi làm việc tại đó, vì hàng ngày hay ngâm mình trong bờ nước muối nên thấy vai tôi đỡ nhức nhối và sức khỏe cũng tăng cường rất nhiều. Thấy tôi làm việc lanh lẹ và ngoan ngoãn nên tôi được đổi vào làm trong trang viện, tôi được mọi người trong trang viện rất tin yêu và giúp đỡ.

Nhờ có sự giới thiệu của ông cụ già kia nên tôi gặp được nhiều sự may mắn.

Vốn trong trang viện là nơi tụ họp rất nhiều người tài giỏi tứ phương do Trang chủ mời đến.

Trang chủ tên là Mỹ Nhiêm Công Hoàn Kim Thạch. Ông ta là người rất tài giỏi về đủ mọi phương diện, không muốn chịu thua kém ai. Không kể về lục thao tam lược, tài kinh bang tế thế, về võ nghệ, cưỡi ngực kiếm cung đọc sách, ngâm thơ, đánh đàn, vẽ tranh, đánh cờ... Bất cứ môn gì ông cũng đều mời những thầy danh tiếng đem về nuôi nấng ở trong nhà để học hỏi. Vì được cắt cử hầu hạ gần cận những bậc danh sư nên tôi chịu khó học hỏi tất cả các môn học... liền trong mấy năm trời.

Xuất thân từ bé đã bị đánh đập khổ sở hành hạ đủ điều, đã không được cha mẹ sinh dưỡng ôm ấp nuông chiều như các cậu công tử lại sớm đã được mục kích những sự ngang trái kinh tởm trong cuộc sống tăm tối ở trong hắc điếm nên suốt ngày đêm, tôi cố công học tập rèn luyện, bắt chước những bậc thầy đã được mời về ở trong Bạch Diêm trang đó.

Đêm nào tôi cũng chịu khó đọc sách, tập viết đến quá nửa đêm. Sáng ngày lo dậy sớm quét dọn Sảnh Võ Đường, lau chùi binh khí, dắt ngựa ăn cỏ, một mình tôi làm việc bằng mười người mà không hề kêu la mệt nhọc gì cả.

Tuy nhiên phận nô bộc phải giữ trọn bổn phận của mình, tôi chẳng bao giờ dám đem trổ những tài học lõm của mình cho mọi người khác biết đến.

Cho đến một ngày kia, tại Bạch Diêm trang có mở một cuộc đón tiếp nhiều vị vương tôn công tử, tiểu thư các châu, giáng lâm tới thăm Mỹ Nhiêm Công nhân ngày lễ chúc thọ của vị Trang chủ này.

Những ngày đó thật là ngày đại hội. Người tứ phương kéo về Bạch Diêm trang đông như nước chảy. Thực là đúng như cảnh “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Những vương tôn công tử, tiểu thư các châu nhân dịp này đều muốn đem hết Lục nghệ của mình ra tỷ thí để phô diễn tài hoa. Và đây cũng chính là cơ hội tốt để học hỏi, mục kích thêm những cái hay cái lạ của mọi người.

Cũng nhờ đại hội này tôi mới biết Mỹ Nhiêm Công Hoàn Kim Thạch có hai người con gái rất đẹp.

Cô chị tên Hoàn Mỹ Thái Cơ, và cô em tên Hoàn Mỹ Thiếu Cơ. Cả hai đều đẹp tuyệt như hai đóa phù dung trong nội phủ, chẳng những phong lưu tài mạo tuyệt vời mà tài nghệ lại càng xuất chúng hơn nữa. Thái Cơ đã hai mươi tuổi, thích võ nghệ, trái lại Thiếu Cơ mới mười bảy tuổi ưa chuộng cầm kỳ, thi họa hơn chị. Vì khéo biết trang điểm nên với sắc đẹp thiên nhiên đã có, dung nhan của nàng lại càng tăng gia vẻ kiều diễm mê hồn làm cho bất cứ chàng trai nào được gặp nàng ta lần đầu tiên cũng phải ngất ngây tâm thần.

Ngày thứ ba đại hội, Bạch Diêm trang mở cuộc thi ngựa dành cho tân khách và hai chị em Hoàn Mỹ cô nương, chủ tọa cuộc thi chính là Mỹ Nhiêm Công trang chủ treo giải thưởng thật lớn, thật hậu.

Phần ông ta muốn để mọi người hâm mộ sự giàu có sang trọng của mình, phần nữa là ông muốn lấy lòng các tiểu thư, công tử con quan, mở rộng giao du cho hai cô con gái quý của mình.

Trong số các vương tôn công tử, tân khách, có hai người vào bậc danh giá nhất là công tử Ngụy Tôn Phi, con trưởng quan Cửu Môn đề đốc cấm thành tại kinh sư. Người thứ hai là thứ nữ Lại Bộ thượng thư tại triều đình có biệt danh là Huỳnh Ảnh Nữ hiệu Thúy Liên Đài.

Ngụy công tử tính nết rất kiêu căng, cậy mình là con đại quan nên coi mọi người không ra gì hết.

Nghe tiếng hai chị em Thái Cơ và Thiếu Cơ là hai trang nữ lưu tuyệt sắc nên lấy cớ đến chúc thọ, nhưng thực ra là để ngấp nghé, rắp ranh bắn sẻ.

Nay thấy nói mở cuộc đua ngựa thi tài thì khác nào như được gãi đúng chỗ ngứa. Y chắc chắn trong bụng rằng giải nhất thi ngựa sẽ về hắn. Vì đàn bà con gái ở châu quận nhỏ cũng như những anh công tử con quan phủ, con quan huyện làm sao có tài cưỡi ngựa bằng hắn ta.

Hắn chính cống là con quan võ sư danh tiếng ở triều đình.

Cha của Thúy Liên Đài vốn a dua, nịnh bợ Thân vương, vào hùa với bọn gian thần nên cũng được nuông chiều, tự phụ không kém.

Nàng ta đã được nhiều danh sư rèn luyện tự cho mình là tài giỏi võ công và xinh đẹp nhất trên đời. Đi đến đâu cũng thích sỉ nhục mọi người và đem tài nghệ ra hành hạ rất độc ác với kẻ khác. Tài đánh kiếm của Thúy Liên Đài đã khuất phục nhiều tay cao thủ khắp dãy Sơn Đông. Nhiều anh hùng hai giới Hắc Bạch đã phải thiệt mạng dưới tay nàng...

Mục đích của bọn gian thần phái Thúy Liên Đài tới dự đại hội là để dò xét Mỹ Nhiêm Công Hoàn Kinh Thạch tìm cách thu phục hoặc trừ khử đi mà chiếm lấy khu mỏ muối.

Thấy nói đến mở cuộc thi ngựa, Thúy Liên cười thầm, nghĩ rằng :

- Đúng là “trọc phú học làm sang” đem ánh sáng của đom đóm so với ánh mặt trời. Riêng tâm trạng của hai chị em Thái Cơ, thiếu Cơ lại nghĩ khác hẳn mọi người :

- Phen này ta phải cố gắng thắng cuộc thi để hai con quan chốn kinh thành bị thua mắc cỡ. Phải cho chúng một bài học cho chúng hết tự cao tự đại.

Cuộc đua ngực thật hào hứng, nhộn nhịp chưa từng có ở vùng mỏ muối này bao giờ. Bao nhiêu ngựa tốt trong chuồng đều được đem diễu qua các công tử, tiểu thơ tùy ý lựa chọn.

Người nào muốn cưỡi ngựa riêng của mình cũng được. Số người dự đua kể cả hơn trăm. Về nhất, về bét đều có giải thưởng.

Dân chúng tới dự xem cuộc đua tới hàng vạn, họ từ các làng mạc, châu phủ ở chung quanh kéo tới, mục đích thưởng thức tài kỵ mã thì ít, còn đến ngắm người và trang sức quần áo thì nhiều.

Những tay kỵ mã dự đua, người nào cũng ăn mặc hết sức sang trọng. Quần áo thêu kim tuyến, cẩm bào gấm vóc, hài hoa, yên vàng roi bạc rất lộng lẫy.

Công tử nào cũng phục sức ra vẻ đúng là con nhà quan, mặt sáng mày thanh tuấn tú. Còn các tiểu thư mặt hoa da phấn trông tựa thiên tiên.

Hoàn Mỹ Thái Cơ mặc áo chẽn màu đỏ, thiêu kim tuyến vàng, búi tóc giắt một bông hoa hồng trông rất thanh lịch.

Thủy Liên Đài mặc bạch bào thêu ngân tuyến, mái tóc cài hoa Quỳnh Tiên cưỡi ngựa trắng như tuyết, bờm dài, đuôi dài, như Hằng nga giáng thế. Ngựa nàng cỡi mang từ Tây Liêu về nên cao lớn gấp đôi ngựa thường.

Công tử Ngụy Tôn Phi cỡi con Hắc Ô Truy hung dữ phải hai đại hán đi hai bên kềm giữ cho khỏi lồng phi nước đại.

Ngụy Tôn Phi kiêu hãnh ngồi trên lưng ngựa, quay mặt qua trái rồi lại day qua mé phải, hết liếc lại nhắm đưa tình với các tiểu thơ khác mỉm cười ra vẻ dị hợm vô cùng.

Cũng có một vài công tử con quan chưa từng quen cỡi ngựa bao giờ, cũng liều mình leo lên ngựa dự thi để cầu may. Lúc cậu ấm lên yên phải vịn vai hai, ba người hầu cận, loay hoay mãi, kẻ đẩy đít, người lôi chân mới ngồi được ngay trên lưng ngựa.

Có cậu ngồi cũng không vững đành phải phủ phục ôm lấy cổ ngựa cho khỏi ngã trông rất buồn cười.

Một vài tiểu thơ muốn chắc ăn hơn, thay vì cỡi ngựa thì lại ngồi trên mình con la để dự cuộc đua, những cô ả này thực tình không mong ăn giải mà chỉ muốn khoe khoang sắc đẹp đẻ mọi chàng trai trong đám hội chú ý đến mình.

Ngựa nào cũng đeo yên cương và thắng nạm vàng, bạch, chạm trổ rất công phu, chỉ một cỗ yên quí báu đó cũng đáng giá bằng cả một gia tài thật lớn.

Cô Hoàn Mỹ Thiếu Cơ cưỡi con ngựa Mai Hoa, bốn chân chỉ là bốn điểm trắng so với toàn thân màu đen mướt, từ xa tiến lại.

Sự xuất hiện của nữ lang đệ nhị tiểu thư của Trang chủ như một luồng điện giật làm cả đám đông đều trầm trồ khen ngợi rồi vỗ tay hoan hô la ó ầm ĩ...

Riêng Cao Kỳ Nhất Phương đứng ngây người như pho tượng gỗ, tâm hồn như đã bị người đẹp thu hút mất rồi!

Chàng kia bị tiếng sét ái tình đánh trúng qua tim. Mà Thiếu Cơ đẹp thực. Khuôn mặt nàng đẹp một cách lạ lùng. Cái mũi dọc dừa nằm giữa khuôn mặt trái xoan, đôi mắt phượng lóng lánh trong như nước hồ thu, đôi gò má cười có lúm đồng tiền, thập phần duyên dáng như tiên nữ vậy.

Nàng mặc áo chẽn màu thiên thanh, thắt dây lưng nguyệt bạch, chân đi hài thêu màu xanh. Chiếc mũ nhỏ bé đội lệch sang một bên để lộ gợn sóng tóc phất phơ trước gió làm cho Cao Kỳ Nhất Phương như bị thôi miên, chàng cứ từ từ tiến sấn ra trước đầu ngựa, không e dè, kiêng nể gì cả...

Tên gia đồng đang dắt ngựa cho cô chủ, thấy vậy vội đẩy chàng sang một bên và nói rằng :

- Tránh ra để ngựa cô nương đi!

Lúc đó Cao Kỳ Nhất Phương mới sực tỉnh, chàng nhanh trí nói với tên hầu ngựa rằng :

- Anh để tôi dắt ngựa hầu cô nương vì tiểu thơ phải đổi ngựa không cỡi con ngựa này để thi nữa.

Nói rồi chàng giật lấy dây cương ở tay tên gia đồng Thiếu Cơ thấy vậy hỏi rằng :

- Tại sao ta phải đổi ngựa?

- Thưa tiểu thơ, gia gia ra lệnh phải đổi ngựa như vậy. Có thế tiểu thơ mới đoạt giải được.

Thiếu Cơ nhíu đôi lông mày liễu, lẩm bẩm nói nhỏ :

- Con Mai Hoa này ta cỡi đã quen. Chính cha ta sáng nay đã bảo ta phải cỡi nó, sao bây giờ lại đổi ý kiến như vậy?

- Thưa tiểu thơ, vì rằng... ở đây không tiện nói, xin tiểu thư quay lại nơi đổi ngựa, tiểu nhân sẽ trình bày đầu đuôi câu chuyện cho tiểu thơ rõ!

Nói rồi chàng ta dẫn ngựa quay trở lại nơi có đoàn ngựa thi của trang trại đem ra để mọi người lựa chọn, vừa đi chàng vừa say sưa mặc tâm thần phiêu diêu với mùi hương thơm nhẹ như trầm, thoảng như lan, từ người thiếu nữ phảng phất bay ra...

Thiếu Cơ nóng ruột gạn hỏi :

- Tại sao ngươi cứ im lặng không chịu nói cho ta hay. Không cỡi con Mai Hoa thì ta phải cỡi con ngựa nào?

Cao Kỳ Nhất Phương dẫn nàng đến gần con ngựa cái lông màu vàng khè, thô kệch, xấu xí, mình dài cẳng lớn, đuôi cắt ngắn ngủn đúng là loại ngựa dùng vào việc tải muối. Chàng chỉ con ngựa này và mời Thiếu Cơ xuống ngựa để chàng thắng ngựa, đổi yên cương. Thiếu Cơ cầm roi ngựa vút vào không khí mấy cái, rồi nhìn thẳng vào mặt chàng thanh niên gắt gỏng :

- Con ngựa gì mà xấu xí thế này? Ta đâu thể phá việc đua ngựa của ta.

Cao Kỳ nhìn thẳng vào đôi mắt đen láy của thiếu nữ, nghiêm trang nói :

- Tôi muốn tiểu thơ chiếm giải nhất nên mới khuyên tiểu thơ đổi ngựa như vậy.

- Tôi là người làm việc lâu năm trong Bạch Diêm trang. Tôi biết con Hoàng mã bề ngoài tuy xấu xí nhưng leo dốc rất nhanh. Vậy tiểu thơ nên nghe lời tôi sẽ thắng cuộc rất dễ dàng.

Lúc khởi đầu chạy ở đường thẳng, tiểu thơ không cần phải thúc ngựa chạy mau làm gì, cho nó dưỡng sức. Khi tới quãng đường lên dốc, ở ngọn đồi đằng kia thì tiểu thơ ra roi cho nó vượt dốc thật nhanh.

Chắc chắn thế nào lên đến đỉnh đồi nó cũng sẽ dẫn đầu đoàn ngựa. Lúc trở xuống đồi trở về thì tiểu thơ tiểu thơ đừng cho nó chạy qua các vũng nước muối còn đọng ở chân đồi, nên cho nó chạy vòng qua chỗ cỏ mọc. Tuy chạy xa hơn chút đỉnh nhưng chân ngựa không bị thấm nước muối đặc trong vũng.

Lúc chạy về tới con đường phẳng, các ngựa kia bị đất đỏ dính bết vào chân sẽ chạy chậm lại thì tiểu thơ cố dẫn đầu, cứ nhắm bên đường nào có nhiều đống bụi đất đỏ thì chạy vào cho vó ngựa làm tung bụi lên. Ngựa chạy sau sẽ bị bụi tung vào mắt sẽ không thể nào bắt sát kịp được.

Thiếu Cơ nghe Cao Kỳ Nhất Phương nói rõ sự lợi hại về việc đổi ngựa như vậy, thích quá hỏi rằng :

- Anh là ai? Tên là gì, sao khôn ngoan thế? Tại sao anh muốn tôi được về nhất?

Cao Kỳ Nhất Phương đã thằng yên lên con ngựa cái màu vàng, nghe thấy Thiếu Cơ hỏi vậy thì quay lại nhìn nàng với đôi mắt đầy vẻ si tình lúng túng trả lời rằng :

- Con ngựa Mai Hoa này... tôi biết chỉ dùng nó đi dạo chơi chung quanh hoa viên thì tốt... Chứ không thể dùng để chạy leo dốc tranh giải được đâu.

Lúc đó tại kỳ đài đã nổi lên tiếng trống để tập hợp, gọi các kỵ mã dự đua ra mức khởi hành. Thiếu Cơ vội đặt chân lên bàn đạp để Cao Kỳ Nhất Phương đỡ nàng lên mình ngựa, hai người không kịp nói với nhau câu gì nữa...

Con Hoàng Mã kiệu nhanh về phía kỳ đài. Các ngựa thi đều đứng dàn ra chữ nhất. Thiếu Cơ đến muộn nên phải diễu qua mọi người và kiếm chỗ đứng ở tận ngoài cùng. Lúc nàng đi qua mặt các người dự đua, thì ai cũng phải kêu ồ lên một tiếng vì người cỡi ngựa quá đẹp mà con ngựa cái lông vàng cụt đuôi, thân mình dài ngoằng thì lại quá xấu, trông chẳng hợp mắt chút nào.

Ngụy Tôn Phi được dịp đùa cợt :

- Tiểu thơ nên ngồi chung ngựa với tôi để cho con ngựa đó chạy không chở vật chi mới đặng. Tôi sẽ nhường cho tiểu thơ giải nhất hay giải nhì khi về tới kỳ đài cũng được.

Dứt lời, để cho mọi người biết là con ngựa của y thuộc loại ngựa dữ, y giật cương cho ngựa chồm lên và hí lớn.

Một vài con ngựa khác, thấy con Hắc Ô Truy hí vang như sấm động thì sợ hãi chùn cả hai cẳng phía sau, có con định quay đầu chạy đi chỗ khác. Bọn gia nô vất vả một lúc lâu mới dàn ngựa lại đứng cho thẳng hàng.

Một hồi phèn la đánh lên ra hiệu cho đoàn ngựa bắt đầu chạy. Một đoàn người ngựa muôn ngàn sắc màu, như làn nước thủy triều ào ào dâng lên, băng qua khu bằng phẳng, nhằm thẳng ngọn đồi xa tiến tới như chớp.

Con ngựa Hắc Ô Truy thả lỏng cương đã vọt lên trước như tên bắn, đoàn ngựa phóng chưa được nửa dặm đường đã có quá nửa số kỵ mã bị ngã ngựa hoặc ngựa chạy lẹt đẹt phía sau.

Một vài công tử bị Thủy Liên Đài cỡi con ngựa bạch vượt chèn làm cho ngã, người ngựa lăn quay xuống đất, ngựa chổng bốn vó lên trời, đau chết lịm mà không dám phản đối kêu ca gì hết.

Ngụy Tôn Phi cho ngựa chạy sang phía tả cố ý tìm nàng Thiếu Cơ để chạy gần tìm cách trêu chọc, nhưng Thiếu Cơ ở lẫn vào đám ngựa chạy sau, tinh ý thấy vậy đã rẽ ngựa chạy sang mé trái để lẩn tránh tên công tử kiêu ngạo và xấc láo. Trong khi đó, đám dân chúng đứng xem la hét, thúc trống thổi tù và, đánh phèn la cổ võ inh ỏi, vang động cả một góc trời.

Cuộc đua nhờ vậy mà trở nên vô cùng hào hứng và náo nhiệt.

Ngựa đang phóng nước đại, ở khu đất bằng phẳng tới chân đồi thì bắt đầu leo dốc một khoảng rất dài. Nhiều con ngựa mới sải có vài chục bước mà đã bết cả chân lẫn cẳng, chạy lẹt đẹt, thở hồng hộc, sùi cả bọt mép ra đầy mồm.

Hoàn Mỹ Thiếu Cơ, nhân dịp này lách qua toán ngựa bị chồn cẳng. Lúc này nàng mới bắt đầu ra roi thúc ngựa, hai chân kẹp mạnh vào bụng ngựa, làm con Hoàng Mã vốn thân hình dài sẵn, sức khỏe còn dư dật, leo dốc tải hàng nặng đã quen rồi nên phóng lên vùn vụt, chưa tới đỉnh đồi, con Hoàng Mã đã vọt lên trước dẫn đầu cả đoàn ngựa mà ít người hay biết.

Các tay kỵ mã kia còn mãi thúc ngựa leo dốc, người tinh mắt chỉ thoáng thấy bóng con ngựa vàng phi lên, sải chồm một chặp vượt qua đỉnh đồi rồi xuôi dốc mất dạng.

Ngụy Tôn Phi vội thúc con Hắc Ô Truy cố đuổi sát theo sau, nhưng đã muộn vì lúc xuống dốc con Hoàng Mã thân hình dài lợi thế lao xuống nhanh lắm.

Thủy Liên Đài và Hoàn Mỹ Thái Cơ cũng vội ra roi cho ngựa mình chạy theo Ngụy Tôn Phi sát nút.

Một tay kỵ mã khác theo sau Thủy Liên Đài. Lên tới đỉnh đồi nàng liền giả vờ lỡ đà, thay vì quất ngựa mình, nàng liền quất tréo sang mắt và đầu ngựa đối phương. Con ngựa của anh chàng này bị đau, chồm lên hất anh ta lăn lốc từ trên đỉnh đồi xuống, kêu la ầm ĩ vang trời.

Thiếu Cơ xuống tới thung lũng quả nhiên thấy trên mặt đường có nhiều vũng nước ứ đọng. Nàng nhớ lời dặn trước, quất ngựa cho chạy vòng theo mé cỏ khô ráo.

Ngụy Tôn Phi hăm hở thúc ngựa chạy theo đường thẳng để vượt mau lên trước, lao ngựa của mình chạy vô chỗ có nhiều vũng nước làm bùn ướt bắn tung tóe lại phía sau.

Thủy Liên Đài đang bám sát sau con Hắc Ô Truy vô tình lại bị nước bẩn bắn xối xả vô người làm hoen ố tấm áo bạch bào thêu ngân tuyến. Con ngựa trắng tinh của nàng cũng bị bùn nhơ vấy bẩn mất cả vẻ đẹp. Bấy giờ toàn thân nó lấm tấm vết bùn trông như loại ngựa có đốm đen.

Thủy Liên Đài xiết bao tức giận, thúc cho ngựa chạy lên ngang hàng với Hắc Ô Truy rồi nàng lấy đầu roi định điểm cho mù mắt con kiện mã.

Ngụy Tôn Phi sợ hãi vội giật cương cho ngựa mình né tránh để khỏi bị hại. Thủy Liên Đài cố tình chèn ép con Hắc Ô Truy bị hụt cẳng suýt nữa sa xuống hố sâu ở bên đường...

Thủy Liên Đài nhân dịp này cũng lao ngựa vào vũng nước để cho bùn đất bắn lên mặt mũi quần áo Ngụy Tôn Phi cho lấm bê bết cho bỏ ghét để trả thù.

Trong lúc hai người dùng mánh lới để hại nhau thì Thiếu Cơ đã vượt lên chạy hàng đầu ở con đường đất phẳng về mức ăn thua. Ngựa nàng bỏ các ngựa khác xa hơn một tầm tên.

Nàng cố ý cho ngựa vừa chạy vừa làm tung những đám bụi đất đỏ mù mịt về phía sau để không ai theo kịp nữa.

Cơ mưu này đã hoàn toàn giúp cho Thiếu Cơ tới sự thành công mỹ mãn, vì không những ngựa chạy theo sau bị bụi che mắt không nhìn thấy rõ đường mà những đất đỏ còn bám dính vó ngựa sũng chất nước nước muối đặc, làm cho bốn vó ngựa như bị níu chặt xuống mặt đường.

Hai con ngựa của Thủy Liên Đài và Ngụy Tôn Phi bị mắc vào nhược điểm trên mặc dầu cố thúc ngựa để bắt kịp con Hoàng Mã.

Thiếu Cơ cố nhoi lên để cho hai người kia phải né sang bên có nhiều bụi, khi tới gần mức ăn thua thì dù có muốn trở tay cũng không còn kịp nữa.

Thủy Liên Đài thấy ngựa mình dính đầy bụi dơ bẩn, nghĩ đến mặt mũi mình cũng không kém phần lem luốc như vậy thì dù có về nhất cũng mắc cỡ với mọi người quá. Song nếu mình lỏng tay cương đôi chút thì Ngụy Tôn Phi sẽ lấn mình, y lại được thế làm tàng. Chi bằng mình đã không về nhất được thì cũng phải làm cho thằng cha đáng ghét này cũng bị thua cuộc như mình.

Nghĩ như vậy, nàng rẽ đầu ngựa ra khỏi đám bụi đỏ, quất ngựa chạy qua đầu ngựa kế bên làm cho Ngụy Tôn Phi bị tràn sang bên. Nàng độc ác hơn, thuận chân đá cho con Hắc Ô Truy một cước như trời giáng làm cho con ngựa bị khuỵu cẳng, ngã chổng bốn vó lên trời... Trong lúc đó nàng Hoàn Mỹ Thiếu Cơ cỡi con Hoàng Mã cứ việc ung dung chạy về nhất một mình giữa tiếng hoan hô của cả muôn người đứng xem.

Tiếng phào nổ, tiếng người reo, tiếng vỗ tay, chiêng trống vang dậy, cờ xí trên kỳ đài bay phấp phới... Thiếu Cơ kiêu hãnh, say sưa đón nhận sự thắng cuộc với niềm hân hoan của mọi người ái mộ.

Nàng buông dây cương cho con ngựa kiệu tới kỳ đài lãnh phần thưởng.

Trong giữa đám đông, Cao Kỳ Nhất Phương đứng lặng ngắm người mình si mê. Nàng đang hưởng sự vui sướng trong một ngày sung sướng nhất. Và có lẽ, chàng thấy nàng đẹp nhất trong muôn ngàn màu sắc lộng lẫy huy hoàng.

Lần lượt các tay kỵ mã khác về tới đích cũng được đón tiếp bằng sự hò reo cổ vũ. Tất cả các vương tôn công tử, tiểu thơ đều đổ xô cả lại bao quanh nàng Thiếu Cơ, công nhận là nàng đã thắng cuộc đua một cách chính đáng đàng hoàng, xứng đáng với tài giỏi của nàng mà không ai dám khiếu nại.

Riêng con ngựa cái màu vàng, được phủ một tấm vóc hồng, thắng bộ yên cương dát vàng, che lọng dắt về tầu ngựa sang trọng nhất, có nước trong, cỏ tươi non, thóc đầy...

Mỹ Nhiêm Công tự thân đứng trên kỳ đài bước xuống, khoác cho con gái tấm áo choàng gầm đính châu ngọc sáng ngời. Ông trao cho nàng một cây roi ngựa cũng nạm đầy kim cương lấp lánh cùng nhiều vật báu tặng phẩm khác.

Nhiều cuộc vui liên hoan khác mở liên tiếp suốt mấy ngày đêm liền sau khi đó.

Để đánh dấu sự vui mừng vô hạn của vị Trang chủ giàu có như một phiên chúa, ai nấy đều tới chúc tụng, khen ngợi không tiếc lời để làm tăng sự vui mừng của người thắng cuộc đã giành được danh dự cho Bạch Diêm trang có nhiều kỳ tài, danh thủ...

Trong khi mọi người chơi đùa nhộn nhịp thì Cao Kỳ Nhất Phương một mình lầm lủi với vườn hoa vắng, để ôn tưởng những lúc nói chuyện với người đẹp, hay tính mưu giúp đỡ người đẹp của mình được vẻ vang thắng cuộc.

Nhưng bây giờ Thiếu Cơ chìm mình trong vàng ngọc giữa đám đông cao quý và giàu sang. Trong lúc này, nàng đâu có nhớ đến tên gia nô dắt ngựa tầm thường, đâu có biết đến chàng là ai?

Thiếu Cơ vì bận tiếp tân đám quan khách đã quên hẳn anh chàng bày mưu và đổi ngựa cho mình thực!
Chương trước Chương tiếp
Loading...