Kinh Thánh Của Một Người

Chương 22



Cái gọi là “thuần văn học”, hình thức nghệ thuật thuần túy, phong cách, ngôn ngữ, trò chơi chữ nghĩa, kết cấu và cách thể hiện lời lẽ, ý tưởng tự thân nó hoàn thành mà không cần nói gì đến kinh nghiệm từng trải của anh, cuộc sống của anh, cảnh khốn quẫn, vũng bùn hiện thực và cả anh nữa, bẩn thỉu, nhuốc nhơ là thế. Loại văn học như vậy thử hỏi có đáng viết hay không? Thuần văn học cho dù không phải là một lời thoái thác, lẩn tránh vì lẽ cạn kiệt, càng không phải là một tấm khiên chắn đạn, thì cũng là một loại hạn định, anh chẳng cần chui vào cái lồng tù hãm mà bản thân anh hoặc người khác bày ra để hạn chế, để quy định.

Anh không sáng tác theo trường phái “thuần văn học”, nhưng cũng chẳng là một đấu sĩ, không dám biến ngòi bút thành vũ khí đứng ra tuyên bố chính nghĩa, một loại chính nghĩa không biết đang ở tận nơi đâu, thì đừng nên đem cái chính nghĩa ấy kí thác cho ai cả. Anh chỉ biết anh tuyệt nhiên không phải là hóa thân của chính nghĩa, cho nên sẽ viết những gì mà bất quá cũng chỉ đóng khung trong phạm vi nói rõ, rằng có một cuộc sống như thế, còn bùn nhơ hơn cả bùn nhơ, còn chân thực hơn cả địa ngục trong trí tưởng tượng, còn khủng khiếp hơn cả lời phán xét ngày tàn. Và biết đâu đợi đến một lúc nào đó, người đời thì quên đi, nhưng sự kiện lặp lại, ai chưa điên sẽ được điên một lần, ai chưa bị bức hại sẽ đi bức hại kẻ khác hoặc bản thân mình chịu bức hại, cũng có nghĩa người ta sinh ra là đã mắc phải chứng bệnh điên, chỉ không biết lúc nào phát mà thôi. Thế thì anh có muốn sung vào hàng ngũ những người dạy học hay không? Loại giáo viên và mục sư sống vất vả hơn anh ở đâu cũng có, để người ta làm cái việc giảng dạy là đủ rồi.

Nỗ lực khiến người đời tuyệt vọng vẫn không phải vì điều tốt, vậy thì còn nói ra những đau khổ ấy làm gì? Anh đã phiền muộn như không thể phiền muộn hơn được nữa, muốn giải thoát nhưng không thể thoát nổi, chẳng khác nào như người bí bài tiết, bí phóng xả, trở nên tật bệnh. Mỗi thứ đều có nguyên do, và chắc bản thân anh cũng có nhu cầu như vậy.

Anh khạc nhổ ra những vở kịch chính trị, đồng thời lại chế tạo nên một loại văn học nói dối, mà suy cho cùng thì văn học cũng đúng là lời dối trá, che đậy các động cơ bí mật ẩn nấp bên trong tác giả, mưu cầu lợi lộc hoặc muốn nổi danh. Một khi danh lợi và hư vinh đó chưa đạt được, thì ngòi bút của người viết vẫn không chịu ngưng nghỉ, tự nhiên sẽ có những xung đột từ tầng bản năng sâu thẳm nổi lên giống như loài động vật. Nhưng khác với động vật thông thường ở chỗ những xung động đó rất ngoan cố và bền vững, không vì chịu ảnh hưởng của đói no, ấm lạnh hay thời tiết mùa vụ mà ngưng lại, ém xuống; nó giống như bài tiết, phóng xả, cần là làm. Chỗ khác nhau ở đây là vật thải loại lại phú cho tình cảm và thẩm mĩ, ví dụ như nỗi đau thương. Đã thế còn đưa nỗi đau thương này, hoặc niềm sung sướng kia nhập vào trong ngôn ngữ. Anh vạch mặt cục diện mê tín, lừa đảo trong thiên hạ, thậm chí đụng đến tổ quốc, đảng, lãnh tụ, lí tưởng, con người mới... thì đồng thời lại dùng văn học tạo nên một bức màn che phủ, mà qua đó người ta có thể nhìn thấy ít nhiều. Anh lẩn trốn bên này bức màn, bí mật trà trộn với khán giả, tự tìm lấy thú vui, hoặc là một sự thỏa mãn.

Thế giới này khắp nơi đều là nói dối, và bản thân anh cũng thế, đang sáng tác những lời dối trá, trong khi đó động vật không hề biết lừa ai, chúng sống trên đời như thế nào thì y hệt thế ấy. Ngược lại, con người dùng bao lời dối trá để ngụy trang cho mình. Sự khác nhau giữa con người và con vật là ở chỗ này. Có những kẻ giảo hoạt hơn nhiều so với dã thú thì nhờ lừa đảo mà che giấu bao xấu xa, bẩn thỉu của mình, hoặc tìm ra lí do gì đó để biện minh. Lấy hành vi tố khổ để thay cho sự thống khổ, thì hình như nỗi đau ấy có thể nhẫn chịu ít nhiều. Ngày xưa ở nhà quê người ta thường hát các bài ai điếu lúc đưa tang đã có tác dụng gây mê, hát đến nỗi ghiền luôn, và những khúc nhạc mênh mang tấu lên nơi giáo đường cũng không ngoài mục đích đó.

Nhà điện ảnh nọ chuyển thể tác phẩm văn học và đưa lên màn bạc, đã phơi bày bạo lực chính trị và mặt trái xấu xa của nhân tính ra trước mọi người. Nhờ tấm màn chân thực và cách biệt với khán giả ấy, mà người ta có thể cảm thấy; đứng bên ngoài để quan sát bạo lực và thói xấu, thì bạo lực và thói xấu đó hình như có chỗ mê hoặc bản thân mình, chắc là do sự kì diệu của nghệ thuật và văn học đã gây nên.

Cái gọi là sự chân thành của nhà thơ cũng giống như cái gọi là tính chân thực nơi tiểu thuyết gia, các tác giả nấp đằng sau, kiểu như ông thợ ảnh sau cái máy, sau ống kính công tâm, lạnh lùng, khách quan, ngược lại những gì chiếu vào tấm phim đều là mọi tâm trạng tự thương, tự ghét, tự dâm đãng hay tự chịu ngược đãi. Nhãn quan trung tính của nhà thơ hay tiểu thuyết gia đương nhiên đã bị muôn vàn dục vọng sai khiến, khi biểu hiện ra rõ ràng đã mang dấu ấn hứng thú thẩm mĩ, nhưng họ vẫn cứ giả bộ nhìn thế giới với ánh mắt lạnh lùng. Tốt nhất là anh hãy thừa nhận cái mà anh viết chỉ mới xem ra có vẻ giống như thật, vì còn cách xa sự thật bởi một tầng ngôn ngữ. Do sự nghiệp kinh doanh ngôn ngữ, anh đã đem tình cảm và thẩm mĩ dệt chung vào, rồi phủ lên sự thật lõa lồ đỏ hỏn một tấm mạng che, có như vậy anh mới cảm nhận được niềm vui của hồi tưởng và hứng thú mà tiếp tục viết.

Anh đem những cảm thụ, kinh nghiệm, mộng mơ, hồi ức, ảo tưởng, suy nghĩ, phỏng đoán, dự cảm, trực giác của mình nói cho ngôn ngữ, âm nhạc và tiết tấu, liên kết với trạng thái sinh tồn của con người, hòa tan hiện thực và lịch sử, không gian và thời gian, quan niệm và ý thức trong quá trình thực hiện ngôn ngữ, và chỉ để lại bao huyền ảo mê hoặc của ngôn ngữ mà thôi.

So với cục diện lừa đảo của chính trị, thì sự huyền ảo mê hoặc ở ngôn ngữ có mối quan hệ tình nguyện giữa tác giả và người đọc, chứ không buộc phải tiếp thu hay không được tiếp thu như trong lĩnh vực chính trị. Đối với văn học hoàn toàn có thể xem hoặc không xem, không tồn tại tính cưỡng chế phải thế này, thế nọ. Anh không tin văn học thuần khiết như vậy, cho nên chọn lựa văn học bất quá cũng chỉ vì mục đích bài tiết, phóng xả.

Vả lại anh không luận chiến hay tính toán so sánh ngắn dài cao thấp mà xông ra hoặc lùi lại. Anh cũng không chịu tiếp thu các nguyên tắc lí luận để sửa chữa, bổ sung, cắt dán lại bản thân mình; càng không lấy khẩu vị, hứng thú của người khác để hạn chế lời lẽ. Anh chỉ vì cảm hứng của mình, vì cái “ngã” của mình mà viết cho đã, cho sướng, và sống một cách tự nhiên, khoái lạc.

Anh không phải là siêu nhân, vì sau khi Friedrich Nietzsche[7] qua đời, thế giới này đã có quá nhiều siêu nhân và những lớp người mù quáng. Kì thực thì anh quá ư bình thường, bình thường như không thể bình thường hơn được nữa, thật thà như không thể thật thà hơn được nữa, thấu tình đạt lí, ung dung tự tại, vui vẻ cười khì như ngài Di Lặc, nhưng anh không phải là ông Phật.

Anh không muốn hi sinh, không muốn làm đồ chơi hay vật tế thần cho người khác, và cũng không cầu mong ai thương mình. Anh không sám hối, không điên khùng tới mức mất trí mà đạp chết hết mọi người. Ngược lại, anh giữ tâm trạng bình thường như không thể bình thường hơn nữa để nhìn thế giới, nhìn bản thân anh. Anh không vì thế mà sợ hãi, kinh ngạc, thất vọng, đau khổ. Thậm chí anh còn muốn hưởng thụ cái thú thương đau, thử chịu khổ sở xem sao, rồi sau đó trở về với chính mình một cách rất là bình thường, an nhiên tự tại.

Anh không phải là loại người hay hờn ghen, tức giận vì thế tục hay đua đòi thời thượng; cũng không khoa trương khiêu chiến với quyền lực, nên mới tồn tại, chỉ mỗi cái tội quá đề cao tự do, nhưng vẫn nhận được ân huệ của người khác. “Ngươi không đụng đến ta, thì ta không đụng tới người” là một nguyên tắc hư vô, giả tạo, vì trong thực tế, anh đã đụng đến người và người cũng không khách sáo mà đụng tới anh. Nhưng các ân huệ anh nhận được cộng lại có lẽ rất nhiều, quả là hạnh vận, hỏi còn phải oán trách điều gì nữa kia chứ.

Anh không là rồng bay trên trời, và cũng chẳng phải con giun con dê trườn bò dưới đất; không bên này và cũng chẳng bên kia, không khẳng định và cũng chẳng phủ định. Bất quá anh chỉ là một vết sẹo hằn lại dấu ấn, một sự tiêu hao, một kết quả, và trước khi cạn kiệt bản thân anh trở thành một dòng tin của cuộc sống...

Anh viết cho anh cuốn sách này, một cuốn sách vượt ra khỏi sự diệt vong, một cuốn Kinh Thánh của riêng anh. Anh vừa là Thượng đế vừa là tín đồ của chính anh. Anh không nỡ xả thân vì người khác và do đó cũng không cầu mong người khác xả thân cho anh, có lẽ đó là sự công bằng không thể công bằng hơn nữa. Mọi người đều cần hạnh phúc, thế thì làm cách nào mà tất cả hạnh phúc đều dồn cho mỗi anh? Xin nhớ rằng trên đời này hạnh phúc vốn đã không nhiều.

_________________
Chương trước Chương tiếp
Loading...