Kính Vạn Hoa - Tập 05 - Xin Lỗi Mày, Tai To
Chương 03
Chương 3 Sự có mặt của Tai To trong nhà nhỏ Hạnh bắt nguồn từ một lý do rất buồn cườị Chả là thời gian gần đây, không hiểu sao ba mẹ Hạnh bỗng nhiên “thích” cãi nhau. Tất nhiên ba mẹ không đi đến chỗ to tiếng nhưng nói chung vẫn là “bất đồng”, có nghĩa là khi bàn bạc về chuyện nào đó, ba mẹ cứ mỗi người mỗi ý, không ai chịu ai, thế là đi đến chỗ nói qua nói lại. Người ta gọi như thế là “khắc khẩu”. Một bà bạn của mẹ không biết nghe ai nói khuyên mẹ nên nuôi một con vật ba màu trong nhà. Có con vật này, chuyện “khắc khẩu” sẽ chấm dứt ngay, vợ chồng sẽ lập tức hòa thuận như cũ. Mẹ nói chuyện đó với ba, ba cười: - Tùy em! Nuôi một con gì đó trong nhà cũng hay! Mẹ nhíu mày: - Nuôi con gì bây giờ? Ba gãi cằm: - Muốn có đủ ba màu thì kiếm một con mèo tam thể! - Eo ơi, em sợ mèo lắm! – Mẹ rụt cổ. Ba nhún vai: - Vậy thì kiếm một chú cún! – Rồi ba chép miệng nói thêm – Nhưng tìm được một con chó ba màu thì hơi gay! Nhưng rồi mẹ vẫn tìm ra. Một tuần sau, mẹ ôm về một chú cún không những ba màu – trắng, vàng và điểm một tí đen – mà còn rất xinh, tai dài thậm thượt. Ba liền đặt tên là Tai To. “Sự tích” về con Tai To là như vậy. Khi nhỏ Hạnh vui miệng kể chuyện đó với cậu em, Tùng nhún vai hệt người lớn: - Mẹ như thế là mê tín dị đoan! Cô em bảo mê tín dị đoan là không tốt! - Oai ghê nhỉ! – Nhỏ Hạnh cười – Dám phê bình cả mẹ cơ đấy! Tùng tiếp tục nghiêm nghị: - Cả ba nữa! Ba là nhà báo mà cũng mê tín dị đoan! Nhỏ Hạnh bênh ba: - Không phải đâu! Ba chỉ chiều mẹ thôi! Tùng gọn lỏn: - Lẽ ra ba không nên chiều mẹ những chuyện như thế mới phải! Rồi trước vẻ mặt sửng sốt của bà chị, Tùng khệnh khạng bỏ đi, lòng vô cùng đắc ý vì đã dám oai vệ phê phán những “khuyết điểm” của ba mẹ. Tối hôm đó, khi đem những câu nói của Tùng rụt rè thuật lại cho ba nghe, nhỏ nh ngạc nhiên thấy ba gật đầu vui vẻ: - Tùng nói đúng đấy! Không nên mê tín dị đoan! - Thế sao ba mẹ lại đem con Tai To về nhà? – Nhỏ Hạnh trố mắt Ba mỉm cười: - Đây không phải là mê tín dị đoan mà là một “liệu pháp tâm lý”! - “Liệu pháp tâm lý” là sao hả ba? – Nhỏ Hạnh đi từ thắc mắc này đến thắc mắc khác. - Như thế này này! – Ba buông tờ báo đọc dở xuống bàn, khoa tay giải thích – Tất nhiên cả ba lẫn mẹ không ai tin con Tai To sẽ làm được điều kỳ diệu là giúp cho ba mẹ bớt cãi nhau. Nhưng một khi đã có nó trong nhà, cái ý nghĩ về điều kỳ diệu đó sẽ ám ảnh và chi phối hành động của ba mẹ, giúp ba mẹ lúc nào cũng kiểm soát được những gì sắp sửa xảy ra, con hiểu không? - Con chỉ hiểu sơ sơ! – Nhỏ Hạnh bẽn lẽn thú nhận. - Hiểu sơ sơ là được rồi! – Ba nheo mắt gật gù - Khi nào lớn lên con sẽ hiểu rõ hơn! Quả thực nhỏ Hạnh dù rất thông minh cũng không thể hiểu hết những điều ba nói. Nhưng nó cũng chả cần hiểu hết. Nó chỉ cần biết hai điều quan trọng nhất: một, ba mẹ không phải là những người mê tín dị đoan; hai, sự có mặt của con Tai To trong nhà rõ ràng giúp cho quan hệ giữa ba mẹ nó tốt hơn. Và chỉ cần điều thứ hai thôi nhỏ Hạnh đã thấy yêu quí con Tai To gấp bội. Thằng Tùng tất nhiên chẳng biết gì về “sứ mệnh trọng đại” của Tai To. Mà nếu nhỏ Hạnh có giải thích đến ráo nước bọt, chắc nó cũng không hiểu, có khi nó còn lên án nhỏ Hạnh nhiễm cái thói “mê tín dị đoan” của ba mẹ nữa không chừng! Nghĩ vậy nên nhỏ Hạnh chẳng hó hé gì với em về chuyện của ba mẹ nữa. Còn Tùng vẫn tiếp tục liên kết với Đạt trong việc nghĩ ra hết trò này đến trò khác để trừng phạt đủ thứ tội vớ vẩn của Tai To. Chiều thứ tư mới đây, Tùng rủ Đạt về nhà. Thừa lúc ba mẹ đi làm, nhỏ Hạnh đi “dạy kèm” đằng nhà Tiểu Long còn dì Khuê mải lục đục dưới bếp, hai đứa lôi con Tai To ra tập bò. Tùng ngồi bệt dưới sàn nhà. Cách một quãng, Đạt ngồi xổm, hai tay giữ con Tai To. - Khi nào tao thả tay ra, mày kêu nó bò lại! Đạt dặn và từ từ buông tay. Tùng liền chúm môi huýt sáo: - Tai To! Bò lại đây! Nghe kêu, Tai To vẫy đuôi phóng vụt lại. Nhưng nó mới chạy được vài ba bước đã bị Đạt chồm tới kéo lại. Đạt cốc lên đầu nó một phát: - Đồ ngốc! Bảo mày bò chứ đâu phải bảo mày chạy! Tai To không hiểu vì sao mình bị ăn đòn, liền co rúm người lại. Tùng lại kêu, lần này nó không huýt sáo mà đập đập tay xuống đất: - Bò lại đây, Tai To! Tai To lấm lét nhìn Tùng, mặt lộ vẻ phân vân, đuôi cụp xuống. Vừa rồi nghe kêu vội vã chạy lại liền bị ngay một cái cốc vào đầu, bây giờ nó vẫn còn hoang mang. Nghe tiếng gọi của cậu chủ nhỏ, Tai To cảm thấy ngứa chân ngứa cẳng vô vùng nhưng không dám bước, cứ đứng đực tại chỗ giương mắt nhìn. Tai To lấm lét nhìn Tùng, mặt lộ vẻ phân vân, đuôi cụp xuống. Vừa rồi nghe kêu vội vã chạy lại liền bị ngay một cái cốc vào đầu, bây giờ nó vẫn còn hoang mang. Nghe tiếng gọi của cậu chủ nhỏ, Tai To cảm thấy ngứa chân ngứa cẳng vô vùng nhưng không dám bước, cứ đứng đực tại chỗ giương mắt nhìn. - Bò lại đây đi nào! – Tùng lại gọi. Bây giờ thì Tai To đã chồn chân lắm. Mắt vẫn dán chặt vào Tùng, nó nhích chân lên trước một tí để thăm dò, đuôi ngập ngừng ve vẩy. Nó biểu lộ thái độ một cách dè dặt, vẻ như sẵn sàng thu người lại nếu chẳng may có biến. Đến khi thấy chẳng có ai nói gì, mặt nó rạng lên, đuôi ngoáy lia và bốn chân chụm lại lấy đà phóng tới. Nhưng đúng vào lúc lòng nó đã hoàn toàn cởi bỏ mọi ngờ vực và sợ hãi thì có một bàn tay nắm chặt lấy cổ nó và tiếng Đạt gầm gừ: - Cái đồ đần độn này! Bò là như thế đấy hả? Tai To chưa kịp hiểu ra chuyện gì đã ăn thêm một cái cốc nữa. Nó sợ hãi nằm bẹp người xuống. - Đúng rồi! – Tùng reo lên – Bò là phải nằm sát xuống như thế đấy! Rồi nó vẫy tay: - Nào! Cứ thế mà bò lại đây! Nhưng lần này thì Tai To chẳng buồn nhúc nhích. Nó đã hãi lắm rồi. Hãi nhất là nó chẳng biết hai cái thằng người bé tí lúc nào cũng sẵn sàng gõ vào đầu nó những cú đau điếng kia thực sự muốn gì ở nó. Cậu chủ nhỏ thì vẫy vẫy, gọi gọi nhưng bạn của cậu dường như lại không muốn nó vâng lời. Rõ khổ! Tai To cứ nằm dán người xuống sàn nhà, mõm đặt trên hai chân trước, mắt sợ sệt nhìn quanh. - Nhìn cái gì! Có bò lại đây không thì bảo! – Tùng sốt ruột gắt. Tai To không bò mà cũng không “bảo”. Nó vẫn tiếp tục nhìn dáo dác và có một lúc nó chồm người dậy nhưng lập tức bị Đạt ấn xuống: - Nằm yên đấy! Tai To vội nằm yên. Nhưng Đạt vẫn không hài lòng. - Làm gì mà không động cựa thế! – Nó hừ giọng – Bò đi chứ! Vừa hô nó vừa đét mạnh vào mông Tai To. Tùng lập tức hùa theo : - Bò đi! Bò đi! Nhưng mặc cho cả hai hò hét, Tai To vẫn không chịu bò. Nó láo liên nhìn sang phải sang trái và thoắt một cái nó phóng vụt qua dưới nách Đạt chuồn ra phía sau. Diễn biến bất ngờ khiến cả Tùng lẫn Đạt điều tái mặt gầm lên: - À, mày muốn chết hả? Và cả hai lập tức nhỏm dậy đuổi theo kẻ chạy trốn. Thoạt đầu, Tai To định phóng xuống nhà sau, hy vọng vào sự che chở của dì Khuê, nhưng cánh cửa dẫn ra hành lang không biết bị ai khép chặt, nó đành luồn vào dưới gầm tủ quần áo. - Mày tưởng chui vào đấy là an toàn rồi hả – Tùng bò lom khom dưới đất, cúi đầu nhìn vào gầm tủ, hỏi với giọng hăm dọa. Đạt chân quì chân ngồi bên cạnh Tùng xúi: - Lôi nó ra nện cho nó một trận! - Đúng đấy! – Tùng nhanh chóng hưởng ứng – Phải đánh đòn nó về tội chạy trốn! Rồi nó nhìn Đạt: - Mày thò tay vào lôi nó ra đi! Vẻ hăm hở trên mặt Đạt biến mất. Nó liếm môi: - Mày lôi đi! Tùng khăng khăng: - Mày lôi! Đạt khịt mũi: - Sao mày không lôi? Con Tai To là của mày mà? Tùng chìa tay ra: - Nhưng tay tao ngắn, tao thò không tới! Đạt “xì” một tiếng: - Tay tao cũng vậy! Tay tao còn ngắn hơn tay mày! Nói xong, nó cũng chìa tay ra như để chứng minh cho lời nói của mình. Tùng quên béng mất mục tiêu chính là con Tai To đang nằn cố thủ dưới gầm tủ. Nó duỗi sát cánh tay nó vào cánh tay Đạt, nheo mắt so đọ một hồi rồi khinh khỉnh bảo: - Mày ăn gian! Tay mày đâu ngắn hơn tay tao! Đạt nuốt nước bọt: - Có ngắn hơn một tí! Một tí tẹo thôi! - Một tí tẹo cũng không có! – Tùng hừ giọng – Rõ ràng tay tao và tay mày bằng y nhau! Nghe Tùng nói vậy, mắt Đạt liền sáng lên: - Nếu hai tay bằng nhau thì mày thò không tới, tao cũng đâu có thò tới! - Nếu hai tay bằng nhau thì mày thò không tới, tao cũng đâu có thò tới! Lợi dụng sơ hở của đối phương, Đạt chơi một cú “phản đòn” độc địa khiến Tùng bật ngửa. Thật ra vấn đề ở đây chẳng phải là tay ngắn hay tay dài, mà cái chính là không ông nhóc nào dám thò tay vào gầm tủ lôi con Tai To ra, sợ nó cắn bậy. Một con chó lâm vào cảnh cùng đường thường dễ trở nên dữ tợn và có những phản ứng không thể nào đoán trước được. Vì vậy mà ông nhóc nào cũng ngán, tìm cách đùn đẩy cho nhau. Giả dụ dưới gầm tủ là một con chó nhồi bông thì có khi nãy giờ hai ông nhóc đã đánh nhau đến bươu đầu sứt trán để giành được thò tay vào rồi! Trước “lý do chính đáng” của thằng bạn, Tùng biết mình chẳng thể gây sức ép được nữa. - Ừ nhỉ! – Nó lúng túng nói, rồi sau một thoáng nhíu mày, nó chợt reo lên – A, tao nghĩ ra cách rồi! - Cách gì vậy? – Đạt tò mò. Tùng phẩy tay: - Mày ngồi đây canh con Tai To! Để tao chạy đi kiếm một khúc cây! Nói chưa dứt câu, Tùng đã lật đật chạy bổ xuống nhà sau. Dì Khuê đang mải chiên xào món gì đó trên bếp nên không trông thấy nó. Thừa cơ, Tùng rón rén lần về phía đống gỗ tạp đằng góc nhà. Đang lui cui sục sạo, bỗng nó vô ý đụng rớt một thanh gỗ xuống sàn nhà. Nghe tiếng động lịch kịch, dì Khuê vội vàng quay lại. - Cháu tìm gì thế? – Thấy trằng cháu đang loay hoay nơi góc bếp, gì ngạc nhiên hỏi. Tùng ấp úng: - Dạ, cháu định tìm cái này! - Cái này là cái gì? Thấy dì Khuê hỏi dồn, Tùng đành bối rối thú nhận: - Dạ cháu định tìm một khúc cây! – Rồi nó chép miệng nói thêm – Nhưng chỉ một khúc nho nhỏ thôi! - Lớn nhỏ gì cũng không được! – Dì Khuê bất thần nghiêm mặt – Cháu định chơi trò đánh nhau với ai phải không : - Đánh nhau đâu mà đánh nhau! – Tùng nhăn nhó – Cháu chỉ tìm khúc cây để khều... trái bóng dưới gầm tủ thôi! Dì Khuê hỏi lại bằng giọng ngờ vực: - Cháu nói thật không đấy? Tùng gãi đầu: - Cháu lúc nào mà chẳng nói thật! - Hứ! Làm như ngoan lắm đấy! Dì Khuê lườm Tùng một cái. Nhưng dì vẫn bước lại chỗ đống gỗ nhặt một thanh nho nhỏ đưa cho nó: - Cầm lấy nè! Nhưng khều quả bóng xong nhớ mang xuống trả đấy! Tùng hớn hở cầm lấy thanh gỗ, “dạ” một tiếng rõ to rồi quay mình chạy vụt đi. Lên tới nhà trên, thấy Đạt vẫn còn ngồi chồm hổm bên chiếc tủ, Tùng nhướn mắt: - Con Tai To còn ở đó không? - Còn! Nãy giờ nó cứ im thít! - Để tao khều nó ra! Vừa nói Tùng vừa bò toài ra sàn, thò thanh gỗ vào dưới gầm tủ khua khoắng. Nhưng Tai To vẫn không chịu động cựa. Mặc cho thanh gỗ trên tay Tùng quất vào mông nó “bôm bốp”, Tai To vẫn lì ra. Đối với nó, trốn trong gầm tủ kím mít này dù sao cũng an toàn hơn là chui ra ngoài nộp mình để hai ông nhóc mặc sức hành hạ. Nghĩ vậy nên Tai To cứ gồng mình chịu trận, mặc Tùng đập lấy đập để thanh gỗ vào người nó và bên cạnh ông tướng Đạt đang khản cổ hò hét trợ oai. Tùng tay nhỏ sức yếu, thanh gỗ lại quơ ngang nên Tai To chẳng nghe đau đớn gì. Nó cảm giác như đang được cậu chủ nhỏ... gãi ngứa. Nếu nói được tiếng người, nó đã nhe răng cười hì hì rồi. Tùng khua một hồi mỏi tay bèn quay sang Đạt, chán nản: - Làm sao giờ? Nó cứ nhất định nằm im trong đó! - Mày đập mạnh hơn nữa vào! Tùng quệt mồ hôi trán: - Chẳng thể nào mạnh hơn nữa! Tao đã cố hết sức rồi! Đạt bĩu môi: - Mày dở quá! Đưa đây tao! Đạt đón lấy thanh gỗ trên tay Tùng và nằm bẹp xuống sàn nhà. Đạt quả là “dân có nghề”. Nó không đập lia lịa theo kiểu “đuổi ruồi” của Tùng mà dang thanh gỗ ra thật xa, nheo mắt ngắm nghía cẩn thận rồi quất vụt một phát. Quả nhiên dưới cú đánh của Đạt, Tai To giật nảy người kêu đánh “ẳng” một tiếng. Đạt quay nhìn Tùng, mặt vênh lên: - Thấy chưa? - Ừ, mày đánh hay ghê! – Tùng xuýt xoa thán phục. Đạt lại cuối xuống, lại ngắm nghía và quất thêm một phát nữa. Tai To đau quắn đít. Nó kêu “ẳng ẳng” và mắt láo liên tìm đường tháo chạy. Tai To đau quắn đít. Nó kêu “ẳng ẳng” và mắt láo liên tìm đường tháo chạy. - Mày giữ chặt đầu kia! – Đạt la lên – Nó định chạy đấy! Đạt vừa hạ lệnh cho Tùng vừa cúi nhìn vào gầm tủ định nện tiếp cú thứ ba. Nhưng lần này nó chưa kịp ra tay thì dì Khuê ở nhà sau hấp tấp chạy ra, mặt mày dáo dác: - Con Tai To ở đâu mà kêu ăng ẳng thế các cháu? Sự xuất hiện đột ngột của dì làm hai ông nhóc điếng hồn. Đạt vẫn tiếp tục quờ quạng thanh gỗ dưới gầm tủ, vờ như nãy giờ vẫn đang khều một thứ gì đó vất vả đến toát mồ hôi mà vẫn chưa được. Tất nhiên nó chỉ khua vớ vẩn thôi chứ lúc này có cho vàng nó cũng đố dám để thanh gỗ chạm vào người Tai To. Còn Tùng, trước câu hỏi của dì, nó giả bộ ngơ ngác nhìn quanh: - Con Tai To đâu có ở đây! Từ nãy đến giờ cháu đâu có trông thấy nó! - Dì mới nghe thấy tiếng nó kêu trên này mà! – Dì Khuê cau mày, vẻ lạ lùng. - Chắc tai dì bị sao rồi ấy! – Tùng khụt khịt mũi – Chứ tụi cháu chơi trên này cả buổi mà có nghe thấy gì đâu! - Cháu đừng có nói bậy! – Dì Khuê nạt – Tai dì chẳng bị gì cả, ngược lại còn thính hơn tai mèo ấy! Rồi liếc Đạt vẫn đang dán người xuống sàn nhà khều khều chọc chọc trong gầm tủ, dì nheo mắt hỏi: - Cháu khều cái gì trong đó thế, Đạt? Bị kêu đích danh, Đạt giật thót. Biết không thể tiếp tục “giả chết”, nó ậm ừ lên tiếng: - Dạ, cháu khều... cái này! - Cái này là cái gì vậy? Sợ Đạt nói hớ, Tùng vọt miệng: - Thì quả bóng chứ là cái gì! Cháu đã bảo với dì khi nãy rồi mà! Giọng dì Khuê đượm nghi hoặc: - Quả bóng gì mà khều cả buổi chưa xong? - Khó lắm! – Đạt than vãn – Nó cứ lăn qua lăn lại hoài! Dì Khuê thình lình chìa tay ra: - Đưa thanh gỗ đây gì khều cho! - Không cần đâu dì! – Đạt hốt hoảng – Cháu khều sắp được rồi! Dì cứ xuống bếp làm cơm đi! Sự thoái thác vội vã của Đạt càng khiến dì thêm ngờ vực, nhất là nó có vẻ muốn dì rời khỏi nơi đây sớm phút nào hay phút ấy. Thế là không nói không rằng, dì nằm nhoài ra sàn, trố mắt nhìn vào gầm tủ. - Này, này, dì làm gì thế! Dơ quần áo hết! – Tùng hớt hải kêu. Nhưng tiếng kêu thất thanh của Tùng chẳng cứu vãn được gì. Dì Khuê vừa nhoài xuống đã nhỏm ngay dậy. - Thế đấy! – Dì Khuê hừ mũi – Thế mà dám bảo tai dì bị làm sao! Có mắt cháu bị làm sao thì có! Tùng chớp chớp mắt: - Mắt cháu có bị làm sao đâu ạ! - Nhìn con Tai To thành quả bóng mà không bị làm sao à? – Dì Khuê nhếch môi – Mắt cháu là phải đem đến bệnh viện giải phẩu đi thôi! Rồi dì Khuê đá vào chân Đạt: - Thôi, dậy đi ông tướng con! Quả bóng “lăn qua lăn lại” thế là đủ rồi! Giọng điệu chế giễu của dì Khuê làm Đạt nóng bừng mặt. Nó lồm cồm đứng lên và bối rối đưa mắt nhìn đi chỗ khác. Còn Tùng, ngượng ngập vì bị bắt quả tang về tội nói dối, cứ đứng dí dí chân xuống sàn nhà như muốn xoi thủng mấy tấm gạch bông rắn chắc. - Hùa vào bắt nạt một con vật bé bỏng! – Dì Khuê lắc đầu – Thật không thể nào hiểu nổi! - Tụi cháu không bắt nạt Tai To! – Tùng rụt rè phân bua – Tụi cháu chỉ muốn gọi nó ra ngoài này thôi! Dì Khuê quắc mắt: - Cháu còn cãi bướng nữa hả? Người ta gọi bằng miệng chứ chẳng ai lại gọi bằng một khúc cây! – Rồi dì nhún vai – Nhưng điều quan trọng là các cháu đã làm gì Tai To đến nỗi nó phải chạy trốn vào gầm tủ như thế? Tùng liếm môi: - Tụi cháu có làm gì nó đâu! Tụi cháu chỉ tập nó bò thôi! - Hay lắm! Chỉ tập bò thôi! – Dì Khuê gật gù - Chiều nay mẹ cháu về, dì méc lại chuyện này, thế nào rồi cháu cũng sẽ được mẹ cháu “tập bò” như cháu đã tập cho Tai To thôi! Lời hăm dọa của dì Khuê làm Tùng xanh mặt. - Đừng, dì! – Nó nói, miệng méo xệch – Dì đừng méc lại với mẹ cháu! Cháu hứa... - Chả hứa hiếc gì cả! Dì sẽ méc! – Dì khuê cắt ngang – Trước nay cháu đã hứa cuội bao nhiêu lần rồi! Nói xong, không để Tùng kịp nài nỉ thêm, dì quay ngoắt người đi xuống bếp. Tai To nãy giờ nằm im dưới gầm tủ khoái trá, thưởng thức cảnh Tùng và Đạt bị mắng, nay thấy vị cứu tinh bỏ đi, liền nhanh nhẹn luồn ra khỏi chỗ nấp lẽo đẽo chạy theo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương