Kính Vạn Hoa - Tập 42 - Gia Sư
Chương 03
Chương 3:Thế là Quý ròm làm thầy, Quỳnh Dao làm trò. Thầy giáo Quý ròm kèm học trò Quỳnh Dao mỗi tuần ba buổi chiều, từ ba giờ đến năm giờ. Ba Quỳnh Như lái tàu, quanh năm ở ngoài khơi. Mẹ Quỳnh Như là công nhân dệt, suốt ngày ở xưởng. Những khi Quý ròm tới, nhà chỉ có hai chị em. Có hai chị em mà như có một người. Trước khi chính thức thọ giáo Quý ròm, Quỳnh Dao ngoắt bà chị, giao hẹn: - Lúc em ngồi học, chị không dược ngồi gần đấy nhé! - Sao kỳ vậy? Quỳnh Dao tuyên bố thẳng thừng: - Có mặt chị, em không học được! Hôm dạy học đầu tiên, Quý ròm ngạc nhiên khi không thấy Quỳnh Như đâu: - Chị em đi vắng hở? - Chỉ ở nhà sau. - Sao chỉ không lên trên này? - Em không cho lên đó thầy! - Quỳnh Dao chúm chím. Quý ròm lắc đầu, nhìn đống bút thước Quỳnh Dao vừa bày ra bàn, ngạc nhiên lần thứ hai: - Những thứ này sao mới tinh vậy? Quỳnh Dao khoe: - Dạ, chị em mới mua cho em. Nó láu lỉnh nói thêm: - Hôm nay khai giảng mà thầy. - Bút thước nào mà chẳng học được! Bày vẻ cho cho tốn kém! Quý ròm tặc tặc lưỡi, bắt chước câu nói cửa miệng của bà nó. Vừa nói nó vừa gật gà gật gù ra dáng một bậc sư phụ đạo cao đức trọng, bụng tiếc hùi hụi không có râu để vuốt. Nhưng học trò Quỳnh Dao làm sư phụ Quý ròm cụt hứng quá xá. Sư phụ đang thuyết giảng về lối sống giản dị, tiết kiệm nghe cao xa, sâu sắc là thế, nào ngờ học trò trả lời nghe trớt quớt: - Không mua lấy chi mà học, thầy? Quỳnh Dao làm Quý ròm ngẩn tò te: - Chứ bút thước của em đâu? - Hôm trước em làm mất hết rồi. Quỳnh Dao giải thích nghe nhẹ như không. Cứ theo cái giọng của nó thì nếu không thường xuyên đánh mất những thứ trong cặp của mình thì dứt khoát chẳng phải là học trò. Thái độ thản nhiên đó càng khiến Quý ròm thêm bực mình. Nó nhịp tay xuống bàn, hừ giọng: - Hôm trước em làm mất sách, bây giờ lại tới bút thước, như thế là không được! Có lẽ từ trước đến giờ Quỳnh Dao đã nghe những lời quở trách như thế quá nhiều lần nên nó chẳng tỏ vẻ gì lưu ý lắm. Mặc cho thầy giáo lớn tiếng phê bình, nó cứ ngồi chăm chú cắn móng tay, ra cái điều những chuyện nhảm nhí đó ta đây đã biết từ khuya rồi, ngươi đừng lải nhải nữa điếc tai ta lắm. Quý ròm liếc vẻ lơ đãng của cô học trò, bụng tức sôi: - Người học trò muốn giỏi thì phải giữ gìn, yêu quí dụng cụ học tập của mình, em biết không Quỳnh Dao? - Biết chứ thầy! - Biết chứ thầy! Lần này thì Quỳnh Dao vừa đáp vừa ngọ ngoạy người và thò tay ra sau lưng gãi sồn sột. Cho nên nó nói biết mà Quý ròm cảm tưởng là nó chẳng biết gì cả. Thế là Quý ròm lại tiếp tục gân cổ: - Thế em có biết bút thước tập vở đối với học trò cũng quan trọng như vũ khí đối với người lính không hả? - Dạ, cái này em cũng biết. Quý ròm mím môi: - Thế theo em người lính sẽ làm được gì nếu ra trận mà không đem theo vũ khí? Quỳnh Dao tỉnh rụi: - Dạ, làm chỉ huy ạ. Quỳnh Dao buông một câu khiến Quý ròm chết diếng. Bài giáo huấn nhập môn đầy hình ảnh bóng bẩy của nó bỗng chốc bị con oắt làm cho sụp đổ tan tành. Quý ròm như không tin vào tai mình. Có đến một lúc lâu, nó nhìn sững cô học trò đang ngồi trước mắt, không dời mắt đi đâu được. - Làm gì thầy nhìn em chằm chàm vậy? - Quỳnh Dao giương cặp mắt đen láy - Bộ em nói không đúng hở thầy? - Ðúng cái mốc xì! - Quý ròm tức muốn xịt khói ra đằng mũi - Ai bày em trả lời như vậy? - Ðâu có ai bày, thầy! - Quỳnh Dao hồn nhiên - Em xem tiết mục "Thư giãn" trên tivi, thấy người ta nói vậy đó thầy! Trong một thoáng, Quý ròm bỗng muốn khóc quá. "Thư giãn" là tiết mục hài hước, con quỷ con lại đem ra "vận dụng", bảo Quý ròm không dở khóc dở cười sao được. - Người ta nói đùa đó em! - Quý ròm thở đánh thượt, rồi chẳng tha thiết gì đến bài thuyết giảng dang dở kia nữa, nó vội vã chuyển đề tài - Thôi, em giở tập ra học đi! Quý ròm đã kịp kết luận rồi: tốt nhất là đừng dại dột lý sự với con nhỏ ưa lý sự này. Nó khờ thật hay giả bộ khờ để trêu chọc sư phụ nó, có trời mới biết. Quỳnh Dao dường như chẳng để ý đến tâm trạng rối bời của thầy nó. Nó vừa lật tập soàn soạt vừa bô bô: - Thầy dạy làm sao cho em được điểm cao nha thầy. Ở lớp em toàn được điểm 4, điểm 5 không hà. Quý ròm nheo mắt nhìn cô học trò: - Em kém nhất môn gì? - Dạ, môn gì em cũng kém. Quý ròm nhíu mày: - Môn đạo đức, môn sức khỏe, môn khoa học cũng kém? Quỳnh Dao chép miệng: - Những môn đó em càng tệ. Quý ròm ngạc nhiên: - Ðây là những môn chỉ cần học thuộc lòng thôi mà. - Dạ. - Có nghĩa là tối về em không học bài? - Ðừng nói oan nha thầy! - Quỳnh Dao nghinh mặt - Thầy hỏi chị Quỳnh Như coi, tối nào em cũng học bài đến khuya lơ khuya lắc. Học đến đỏ kè con mắt luôn. - Vậy sao khi trả bài em lại bị điểm kém? - Em cũng không biết nữa. Khi thầy cô hỏi, tự nhiên em quên sạch sành sanh. - Em cũng không biết nữa. Khi thầy cô hỏi, tự nhiên em quên sạch sành sanh. Quỳnh Dao đáp. Và nó vui vẻ nhận xét: - Lạ quá hén thầy? Quý ròm không nói gì, nhưng rõ ràng nó cũng cảm thấy rất lạ. Tuy nó chỉ gặp cô học trò nhỏ của mình mới có hai lần nhưng nó vẫn tin Quỳnh Dao là cô bé thông minh. Ðôi mắt tinh anh, láu lỉnh trên gương mặt lúc nào cũng rạng ngời của nó không cho phép bất cứ ai hoài nghi điều đó. Nhưng niềm tin đó bây giờ bắt đầu bị lung lay. Một học trò thông minh thì không thể học bài vất vả đến thế. Hy con quỷ con này chỉ liến láu mồm miệng còn đầu óc thực ra lại mít đặc? Ðể kiểm tra sự phỏng đoán của mình Quý ròm quên phắt mình đến đây để dạy toán. Nó lật cuốn sách khoa học, dở đại một trang, hỏi: - Em học tới bài "Ong mật" chưa? - Dạ, chưa, thầy. - Vậy để anh đọc em nghe một đoạn nhé. - Nghe chi vậy, thầy? - Em chú ý lắng nghe. Một lát anh hỏi, em ráng trả lời cho được. Rồi không để Quỳnh Dao hỏi tới hỏi lui, Quý ròm nâng cuốn sách lên ngang tầm mắt, đọc thao thao một đoạn dài: "Con ong có 6 chân, 4 cánh, sống trong tổ rất có trật tự. Tổ ong có đến hàng vạn con nhưng chỉ có một ong chúa chuyên đẻ trứng..." Ðọc một hơi, Quý ròm đặt cuốn sách xuống, ngó cô học trò: - Em nghe kịp không? - Dạ kịp, thầy. - Vậy bây giờ anh hỏi em nhé! - Dạ, thầy cần gì cứ hỏi. Cứ tự nhiên đi, thầy! Quỳnh Dao đáp bằng cái giọng như thể Quý ròm là học trò còn nó mới là cô giáo. Quý ròm vờ như không để ý đến giọng điệu của con quỷ con cúi nhìn vào sách hắng giọng: - Em hãy cho biết ong đực và ong thợ làm những công việc gì? - Dạ, ong đực và ong thợ chuyên việc hút nhuỵ hoa làm mật, xây tổ bằng sáp, canh gác và nuôi ong non ạ. - Giỏi lắm! - Quý ròm gật đầu - Thế em có nhớ quá trình biến hình của ong không? - Dạ, nhớ chứ ạ, khi nãy thầy có đọc qua rồi mà! - Quỳnh Dao lại thao thao. Ong đẻ trứng, trứng nở ra sâu ong, sâu hóa nhộng và nhộng lột xác thành ong. Quỳnh Dao làm Quý ròm ngạc nhiên quá. Nó mới đọc qua có một lần, không ngờ Quỳnh Dao lại nhớ vanh vách, không sai một mảy. như vậy là con nhỏ này đầu óc thông minh sáng láng thật chứ đâu chỉ giỏi mồm mép. Quý ròm liếm môi, hỏi tiếp: - Thế người ta nuôi ong làm gì? Quỳnh dao lại đáp ro ro: - Dạ, người ta nuôi ong để lấy mật và sáp. Mật ong rất bổ, dùng làm thuốc, sáp ong dùng làm đèn thắp... - Thôi, đủ rồi em.! Quý ròm thình lình cắt ngang. Rồi nó nhìn thẳng vào mặt cô học trò, ngờ ngợ hỏi: - Em chưa học qua bài này thật à? Quỳnh Dao thô lố mắt: - Ủa, khi nãy em nói với thầy rồi mà. Bộ thầy không tin em hả? Quý ròm chìa tay ra: Quý ròm chìa tay ra: - Em đưa tập cho anh xem nào! Quỳnh Dao đẩy cuốn tập khoa học đến trước mặt Quý ròm: - Thầy xem đi! Ai nói dóc với thầy làm chi! Quý ròm cầm lấy cuốn tập, cẩn thận lật từng trang. Quả nhiên, lớp Quỳnh Dao chưa học tới bài "Ong mật". Bài mới nhất trong tập là bài "Tằm". Phát hiện đó khiến Quý ròm ngẩn ngơ. Bây giờ thì nó tin rằng trí nhớ của Quỳnh Dao không thua gì nhỏ Hạnh, bạn nó. Nhỏ Hạnh có trí nhớ siêu phàm, từ năm lớp sáu đã được bạn bè dặt cho những biệt danh mỹ miều như "Nhà thông thái", "Cuốn từ điển biết đi"... Nhưng "nhà thông thái" Hạnh mỗi lần lên bảng đều kiếm điểm chín, điểm mười ngon ơ, chứ có đâu lẹt đẹt như "nhà thông thái " Quỳnh Dao này. Quý ròm băn khoăn nhìn cô học trò trước mắt: - Em sáng dạ như thế mà trả bài không thuộc thi khó hiểu thật! Quỳnh Da toét miệng cười: - Thầy cô trên lớp cũng nói giống y như thầy. - Thế khi thầy cô dò bài thì em quên sạch thật à? - Quý ròm nhíu mày. - Nói đúng ra thì em vẫn còn nhớ lõm bõm được mấy câu. - Lạ thật đấy! - Quý ròm nhún vai - Mới học đêm hôm trước, sáng hôm sau chỉ còn nhớ có vài câu! - Không phải đâu thầy! - Quỳnh Dao cãi - Ðêm hôm trước em đâu có học bài dó! - Em nói sao? - Quý ròm hỏi lại, cảm thấy đầu óc càng lúc càng mơ hồ. - Em nói là đêm hôm trước em học bài khác. - Bài khác là bài nào? - Là những bài thầy cô dạy ban sáng đó thầy. Quỳnh Dao càng giải thích, Quý ròm càng thấy rối rắm. Phải mất thêm một hồi dò hỏi cặn kẽ, Quý ròm mới hiểu ra. Và khi đã hiểu ra, suýt chút nữa nó té xỉu ngay giữa nhà. Thì ra từ trước đến nay, Quỳnh Dao không học bài theo thời khoá biểu. Buổi sáng thầy cô dạy bài nào, tối về nó cặm cụi học thuộc ngay bài đó. Nó không bao giờ học bài cho ngày hôm sau. Cho nên dù có trí nhớ tột đỉnh, nó không thể nào nhớ được những gì đã học một tuần trước đó. Quỳnh Dao đã chứng minh cho Quý ròm thấy những kẻ thông minh đôi khi vẫn tỏ ra khờ khạo một cách khác thường. Hồi học lớp hai, chỉ một lần nghe được lời dặn dò bình thường của cô giáo "Các em về nhà nhớ xem kỹ và học thuộc bài cô dạy hôm nay nhé", Quỳnh Dao đã nhớ như in, đã về nhà học ngay bài học hôm đó và đã áp dụng một cách sai lệch câu nói đó cho đến tận ngày hôm nay. Cũng may Quỳnh Dao là một đúa có trí nhớ đặc biệt, nếu không, với kiểu học bài lạ đời kia, nó đã ở lại lớp hết năm này qua năm khác rồi. - Em nhìn vào đây nè! - Quý ròm chỉ tay vô thời khoá biểu - Ngày mai thứ tư phải không? Thứ tư có những môn gì, tối nay em phải học môn đó, hiểu chưa? Quỳnh Dao ngước nhìn Quý ròm với vẻ ngỡ ngàng: - Ủa, phải học theo kiểu vậy hả thầy? - Phải học vậy chứ! Ai lại học như em! Quỳnh Dao gãi cổ: - Em đâu có biết! Trước nay có ai nói với em chuyện này đâu! Buổi dạy đầu tiên, Quý ròm chẳng dạy cho Quỳnh Dao được chữ nào. Nhưng việc nó khám phá và điều chỉnh cách học hành ngược đời của cô học trò có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì vậy, Quý ròm chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi hai ngày sau, nó vừa lò dò dắt xe qua cái cổng rào bằng gạch, đã thấy Quỳnh Dao chạy ùa ra, mặt mày hí hửng: - Thầy chỉ em cách học bài hay ghê! Hôm qua em được một con mười. Hôm nay được con mười nữa là hai.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương