Kính Vạn Hoa - Tập 44 - Quà Tặng Ba Lần

Chương 06



Chương 6

Thằng Tùng trước nay đâu có chơi thân với Hưng Sún. Thế mà đùng một cái, hai đứa cứ chạy lên chạy xuống, thì thà thì thào một ngày những mấy lần, bảo làm sao nhỏ Hạnh không thắc mắc cho được!

Hôm trước, nhỏ Hạnh có hỏi em nhưng thằng Tùng chỉ trả lời qua quít rồi lẳng lặng chuồn mất.

Thái độ của thằng nhóc khiến nhỏ Hạnh sinh nghi. Từ bữa đó, nó cố tâm dò xét.

Càng dò xét, nhỏ Hạnh càng nghe đầu mình ong ong u u. Vì nó thấy thằng Tùng dạo này cặp kè với Hưng sún nhiều quá. Thằng Tùng cứ đứng chỗ hành lang sau nhà, nhoài người xuống nhà Hưng sún réo inh ỏi suốt ngày.

Có chuyện gì vậy nhỉ? Nhỏ Hạnh nghĩ cả buổi không ra, liền gõ ngón tay lên trán:

- Tùng!

Đang chạy ngang, bị gọi thình lình, Tùng giật bắn người. Nó đứng phắt lại:

- Dạ.

- Em đi đâu thế?

- Em có đi đâu đâu!

Nhỏ Hạnh lừ mắt:

- Lại xuống nhà Hưng sún nữa phải không?

Xuống chơi với Hưng sún chẳng có gì sai, nhưng không hiểu sao thằng Tùng lại không muốn thừa nhận. Chắc tại giọng điệu của nhỏ Hạnh có vẻ đe dọa quá.

- Đâu có! – Nó chà tay lên mũi, ấp úng.

Nhưng nhỏ Hạnh chẳng xem lời phủ nhận của ông em có chút xíu giá trị gì. Nó nhíu mày:

- Tụi em đang bày trò nghịch ngợm gì đấy?

- Tụi em có bày trò gì đâu! – Tùng nhăn nhó đáp, cảm thấy oan ức quá đỗi.

- Thế sao em và Hưng sún ngày nào cũng túm tụm với nhau thế?

Tùng chép miệng:

- Em và nó chỉ trao đổi chuyện bài vở thôi.

Nhỏ Hạnh hừ giọng:

- Bộ em tưởng chị là con nít hở?

Cặp mắt của nhỏ Hạnh xoáy vào mặt Tùng khiến thằng nhóc thấy nhột nhạt không thể tả. Thực ra, Tùng cũng định thú thật hết mọi chuyện cho rồi. Nó thấy việc nó xui thằng Hưng sún gửi thư xin quà Ông già Noel chẳng có gì sai quấy. Kẹt nỗi, mấy ngày vừa qua nó sai khiến con nhà Hưng sún ghê quá. Tuy nói là để giúp bạn, nhưng thực tình nó cũng cảm thấy mình “nhờ vả” có phần quá đáng, mặc dù vào giờ chót nó đã cố tỏ ra là người tử tế. Vì vậy mà bây giờ nó đành phải nói trớ chứ có gì đâu!

Tất nhiên bộ mặt ngây thơ thằng Tùng cố ý nặn ra không đánh lừa được chị nó. Thằng nhóc nói thì nhỏ Hạnh buộc phải vểnh tai nghe nhưng nó chẳng tin mảy may nào.

- Khai thật đi! Tụi em làm gì mấy ngày nay?

Vừa gặng hỏi, nhỏ Hạnh vừa đứng lên khỏi ghế và bước về phía thằng Tùng với bộ tịch rõ ràng là không báo điều gì tốt lành.

Tùng đáp lời chị trong khi chân nhích dần ra cửa:

- Em phải đi đằng này chút!

- Em phải đi đằng này chút!

- Đứng lại! – Nhỏ Hạnh bước ngang một bước, người đã chặn ngay cửa – Chưa trả lời thì không đi đâu cả!

Cặp mắt thằng Tùng đảo lia. Đảo một vòng, mắt nó đột ngột lóe lên:

- Không đi thì không đi!

Trong khi nhỏ Hạnh ngơ ngác không hiểu thằng nhóc nói vậy là thực lòng muốn đầu hàng hay là có âm mưu gì thì “vù” một cái, thằng Tùng đã phóng lại chỗ hành lang dẫn xuống bếp.

- Em đi đâu đó? Có chịu trả lời …

Tùng ôm bụng, gập người xuống, cắt ngang lời bà chị:

- Em đau bụng quá!

- Em đừng có mà …

Nhưng ngay cả lần này nhỏ Hạnh cũng không có dịp nói hết câu. “Vù” thêm một cái nữa, thằng Tùng đã biến mất đằng sau cánh cửa thông.

Nhỏ Hạnh chạy tới đầu hành lang thì không thấy thằng nhóc đâu nữa. Còn cửa phòng vệ sinh thì đang đóng chặt.

Nhỏ Hạnh vừa tức vừa buồn cười. Nó đứng tha thẩn chỗ hành lang một lúc, rồi biết có đợi đến chiều tối cũng đừng hòng thấy thằng em ló mặt ra, nó chán quá, bỏ lên gác lôi bài ra ngồi học.

Nhỏ Hạnh không biết khi nó vừa khuất bóng, cửa phòng vệ sinh liền từ từ hé mở và từ bên trong thằng Tùng tươi tỉnh thò đầu ra. Tại nãy giờ nó leo lên bàn cầu nhón gót theo dõi chị nó qua ô cửa tò vò chứ đâu!

Số thằng Tùng đúng là số hên. Nếu dì Khuê không ra chợ thì cái trò thậm thà thậm thụt của nó chắc chắn đã bị dì phát giác và thế nào nó cũng bị dì bẹo tai đến khóc thét chứ không phải chơi.

Nhưng Tùng cũng chỉ giấu giếm được mỗi hôm đó thôi. Hôm sau, nhỏ Hạnh không thèm tra hỏi nó nữa.

Nhỏ Hạnh nghĩ kế khác.

Ăn trưa xong, nhỏ Hạnh ra đứng hành lang trước nhà đứng canh. Nó đứng chừng mười phút thì Hưng sún lò dò đi lên.

- Tùng có nhà không chị?

Hưng sún không nghĩ nhỏ Hạnh đứng đợi mình, tỉnh queo hỏi.

- Có.

Hưng sún chưa kịp quẹo vào cửa đã bị nhỏ Hạnh níu áo:

- Này, em tìm Tùng chi vậy?

- Dạ, tìm chơi thôi.

- Xưa nay em và Tùng đâu có chơi với nhau.

- Dạ.

Nhỏ Hạnh nhướn mắt:

- Nhưng bây giờ thì chơi thân?

- Dạ.

Nhỏ Hạnh nhún vai:

Nhỏ Hạnh nhún vai:

- Chị không hiểu gì cả!

Hưng sún thật thà giải thích:

- Tùng bày cho em cách viết thư cho Ông già Noel.

Lời giải thích của Hưng sún phải nó là quá vắn tắt. Nhưng bộ óc thông minh của nhỏ Hạnh chỉ cần có thế.

- Bày như thế nào? – Nhỏ Hạnh thấp thỏm.

Như thế này này …

Hưng sún tuôn một lèo, không giấu một chi tiết cỏn con nào. Tại nó thấy đâu có gì phải giấu.

Nhỏ Hạnh nghe tới đâu, mồ hôi tươm ra tới đó. Vì hơn ai hết, nhỏ Hạnh đã từng sống trong thế giới mơ mộng của Tùng và Hưng sún. Nó từng trải qua những đêm Giáng Sinh thao thức, cố chong mắt để được nhìn thấy Ông già Noel trèo qua bệ cửa sổ, nhưng rồi vẫn bị tiếng chuông lễ vang lên ru vào cơn thiếp ngủ để sáng mai ra hân hoan nhận thấy quà đã cột vào sợi dây giày của mình tự lúc nào rồi.

Nhỏ Hạnh đã từng ở vào lứa tuổi của hai thằng nhóc. Nó nhớ lại nó đã bao lần hồi hộp chờ đợi, đã từng bao lần hét lên sung sướng như thế nào. Bằng tuổi Tùng và Hưng sún bây giờ, nó đã luôn tin trên thế giới này có những bà tiên dịu hiền chỉ chờ dịp là hiện ra bên cạnh những kẻ khốn khó, hoạn nạn, những ông Bụt không bao giờ bỏ rơi cô Tấm, cũng như đã là trẻ em ngoan dĩ nhiên sẽ nhận được quà của Ông già Noel, không thể nào khác được.

Bây giờ thì nhỏ Hạnh hiểu rằng đó là thế giới lung linh của tuổi thơ, cái thế giới gìn giữ và nuôi nấng nơi trẻ em trí tưởng tượng bay bổng, thông qua những câuó chuyện cổ tích luôn luôn kết thúc có hậu, cái thế giới trong đó nó đã từng mơ sẽ có ngày nhặt được quyển sách ước dọc đường đi học và bây giờ đến lượt thằng Tùng tin chắc sớm muộn gì cũng sẽ tìm thấy đôi hia bảy dặm ai đó đãng trí đánh rơi ở công viên nằm kế bên nhà.

Nhỏ Hạnh cũng không nhớ chính xác từ lúc nào nó đã bước ra khỏi bờ cõi của thế giới hồn nhiên đó, đã hiểu ra những ông Bụt tốt bụng, những bà tiên nhân hậu kia chỉ là những biểu tượng nhằm thể hiện nỗi khao khát muôn đời của nhân loại hướng tới cái Thiện, là những trụ đỡ tinh thần quan trọng giúp con người vượt qua bao thác cao vực sâu trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Chỉ nhớ rằng đến một ngày nó không còn hồi hộp trước tiết trời se se lạnh báo mùa Giáng Sinh sắp về nữa, không còn háo hức treo chiếc giày ở đầu giường, không còn nắn nót viết thư cho Ông già Noel như những năm còn bé.

Nhỏ Hạnh lẳng lặng giã từ niềm tin thơ ngây. Cả nhà không ai nhắc nhở, cũng không thắc mắc gì về sự thay đổi đột ngột đó. Ba mẹ và dì Khuê lẳng lặng đồng tình với nó. Trong thâm tâm, mọi người đều hiểu rằng đứa bé năm nào đã lớn. Rằng đối với nhỏ Hạnh bây giờ, giàn thiên lý tuổi thơ thực sự đã lùi xa. Hình như điều đó xảy ra vào năm lớp sáu.

Bây giờ nhỏ Hạnh vẫn ngoan, vẫn chăm nhưng tất nhiên không phải để vòi quà của Ông già Noel như Tùng hay Hưng sún.

So với một học sinh lớp chín như nó, tuổi thơ của những đứa trẻ như Tùng và Hưng sún vẫn chưa chấm dứt và nó hoàn toàn có thể nhìn thấy điều đó trong ánh mắt long lanh và cả trong cách vung tay múa chân của Hưng sún khi thằng nhóc hào hứng thuật lại câu chuyện những ngày qua.

Nhỏ Hạnh lắng tai nghe, mắt chớp chớp, vừa cảm động vừa buồn cười. Cả lo lắng nữa.

Tất nhiên nhỏ Hạnh không bận tâm lắm đến món quà Noel của Tùng. Nhưng với Hưng sún thì nó không thể không lo.

Nó nhìn Hưng sún bằng cặp mắt băn khoăn:

- Thế em đã đưa thư cho Tùng chưa?

- Dạ rồi.

Nhỏ Hạnh cắn môi:

- Mẹ em có biết chuyện em viết thư cho Ông già Noel không?

- Dạ không. Em chưa nói.

- Em nên nói cho mẹ biết.

- Sao vậy hở chị? – Hưng sún ngạc nhiên.

Dĩ nhiên nhỏ Hạnh không thể nói tại sao. Nó đẩy gọng kính trên sống mũi, cố nghĩ ra một lý do:

- Nếu không, mẹ em sẽ không hiểu tại sao em lại treo giày lên cửa sổ và đêm Giáng Sinh.

- Ờ há! – Hưng sún nhe răng cười – Nếu em không nói, chắc mẹ em tưởng em điên.

Hưng sún lật đật quay mình chạy về nhà. Nó quên phắt nó lên đây để kiếm thằng Tùng.

Hưng sún lật đật quay mình chạy về nhà. Nó quên phắt nó lên đây để kiếm thằng Tùng.

- Mẹ ơi! – Vừa đặt chân qua ngưỡng cửa, Hưng sún đã hớn hở gọi.

- Gì thế con? – Tiếng cô Bốn Loan vọng lên từ nhà sau.

Hưng sún chạy ào xuống bếp. Mẹ nó đang rửa chén, ngẩng lên:

- Ăn trưa xong, con không nghỉ ngơi mà chạy đi đâu thế?

Hưng sún huơ tay khoe, không để ý đến câu trách mắng của mẹ:

- Tối mai, con sẽ treo chiếc giày bata của con lên cửa sổ.

Mẹ nó góp ý, vừa cúi xuống đống chén bát, tiếp tục cọ rửa:

- Mẹ nghĩ con nên phơi giày vào buổi trưa. Hơn nữa treo giày lên cây ổi sẽ mau khô hơn.

Thấy mẹ hiểu lầm ý mình, Hưng sún toét miệng cười:

- Đây không phải là phơi giày. Con treo giày là để Ông già Noel bỏ quà vào ấy mà.

- Con nói gì thế? – Cô Bốn Loan ngơ ngác – Ông già Noel nào?

- Ông già Noel chứ Ông già Noel nào! Hưng sún chớp mắt – Mẹ không biết Ông già Noel sao?

- Tất nhiên là mẹ biết! – Cô Bốn Loan lại ngẩng lên, lần này cô ngừng tay hẳn, chăm chú nhìn Hưng sún – Nhưng ai bảo con là Ông già Noel sẽ đặt quà vào chiếc giày của con?

- Bạn Tùng bảo. Chính bạn Tùng đã làm như thế và năm nào cũng nhận được quà.

Cô Bốn Loan phì cười:

- Bạn Tùng phịa đấy!

- Bạn Tùng không phịa! – Hưng sún đỏ mặt tía tai – Chính chị Hạnh cũng nói như thế.

Cô Bốn Loan lắc đầu:

- Chị Hạnh trêu con đó thôi.

- Chị Hạnh không trêu! – Hưng sún lại gân cổ.

Thấy thằng con bướng bỉnh quá, cô Bốn Loan hết ham cãi. Cô thở dài đánh thượt:

- Thôi được. Tối mai con cứ treo chiếc giày của con lên cửa sổ đi. Rồi con sẽ biết là con khờ như thế nào.

Nói xong, cô quyết định chấm dứt cuộc tranh luận với con trai bằng cách tiếp tục chui vào đống chén.

Hưng sún đứng ngẩn ngơ một lúc rồi ba chân bốn cẳng tót ra khỏi nhà.

- Này này, lại đi đâu nữa thế ông tướng con?

Hưng sún nghe rõ tiếng mẹ gọi với theo. Nhưng điều đó càng khiến nó phóng nhanh hơn.
Chương trước Chương tiếp
Loading...