Kính Vạn Hoa - Tập 54 - Cà Phê Áo Tím

Chương 01



Chương 1.

Nếu mở cuộc bầu chọn xem học sinh nào ở lớp 10A9 trường Đức Trí mê môn công nghệ nhất, đứa xếp hàng đầu chắc chắn phải là nhỏ Quỳnh Như.

Quỳnh Như có thể không giỏi toán bằng Quý ròm hay giỏi văn như nhỏ Hạnh, nhưng riêng về môn công nghệ, Quý ròm và nhỏ Hạnh buộc phải đồng ý rằng con nhỏ này là một "hiện tượng".

Quỳnh Như tính tình hiền lành, bao năm nay nó ngồi giữa Lan Kiều và Duy Dương vẫn không hề gây ra một xích mích nhỏ. Nó lại là đứa không có thói quen bộc lộ tình cảm ra ngoài, nhìn mặt nó khó mà biết nó đang vui hay đang buồn. Nhưng đó là nói lúc thầy Khuê dạy môn công nghệ chưa bước chân vô lớp kia. Cứ tới tiết công nghệ là mặt nó hơn hớn như trẻ được quà. Má nó ửng lên, mắt nó long lanh, đặc biệt là thầy Khuê hỏi bất cứ câu gì nó cũng đáp ro ro.

Đó cũng có thể kể là một điều lạ, vì công nghệ là môn học mà hầu hết học trò chẳng thấy hứng thú gì. Đầu năm nghe thầy Khuê giới thiệu về môn học, tụi học trò đã thấy buồn ngủ "Công nghệ là môn khoa học ứng dụng, nghiên cứu việc vận dụng những quy luật tự nhiên và các nguyên lý khoa học nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người". Đã thế, chương trình công nghệ lớp mười lại nghiên cứu những chuyện mà tụi học trò cho là xa vời như "ứng dụng của công nghệ sinh học, hóa học, kinh tế học trong các lãnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch và trong tạo lập doanh nghiệp".

Hôm đầu năm, trong khi thầy Khuê đứng trên bảng hăng hái quảng cáo môn công nghệ của thầy thì ở dưới lớp đám học trò ì xèo như cái chợ.

- Ba mươi tuổi tao mới lập công ty, học làm gì sớm thế! - Thằng Tần eo éo nói.

Nhỏ Hiền Hòa lập tức phụ họa:

- Ờ, học bây giờ, mai mốt quên sạch trơn.

Thằng Dưỡng đập tay lên ngực:

- Lớn lên tao chẳng thèm lập doanh nghiệp, cũng chẳng khai thác nông, lâm, ngư nghiệp làm gì cho mệt. Tao chỉ thích làm ca sĩ thôi!

Giọng ca "khủng bố" của thằng Dưỡng xưa nay đã là một "thương hiệu". Nghe nó trình bày nguyện vọng, mặt thằng Tần xanh lè:

- Mày định "ám sát" nền âm nhạc nước nhà hả Dưỡng?

Không chỉ mấy đứa tổ 1, bọn học trò tổ 2 cũng chê môn công nghệ tơi bời. Thằng Oánh vốn hiền như cục đất cũng nhún vai, giọng bai bải:

- Mình chẳng thấy môn này có tí gì hấp dẫn.

Hải quắn hùa theo ngay:

- Tao nói trước. Mai mốt cứ tới giờ thầy Khuê là tao ngủ. Tụi mày nhớ quạt cho tao ngủ nha!

Lan Kiều là tổ trưởng tổ 2, nghe Hải quắn nói năng ngang phè như vậy lẽ ra phải phê bình mới phải, đằng này nó bụm miệng cười khúc khích khiến Quỳnh Như tức điên.

Tần, Hiền Hòa, Dưỡng ngồi trước mặt, nhỏ Lan Kiều ngồi bên trái, Hải quắn và thằng Oánh ngồi ngay sau lưng, Quỳnh Như có cảm tưởng mình lọt thỏm giữa vòng vây của những lời nhạo báng mà thực tâm nó chẳng muốn nghe chút nào.

Tần, Hiền Hòa, Dưỡng ngồi trước mặt, nhỏ Lan Kiều ngồi bên trái, Hải quắn và thằng Oánh ngồi ngay sau lưng, Quỳnh Như có cảm tưởng mình lọt thỏm giữa vòng vây của những lời nhạo báng mà thực tâm nó chẳng muốn nghe chút nào.

Tự nhiên nó thấy tội nghiệp thầy Khuê quá. Thầy nho nhã thư sinh, giọng nói dịu dàng, đôi kính trắng trên sống mũi khiến thầy nom thông thái và lịch lãm. Một giáo viên như thế chọn dạy môn công nghệ hẳn môn học này phải có chỗ khác thường. Thế mà tụi bạn chưa học thầy lấy một buổi đã bày đặt chê ỏng chê eo.

Tự nhiên Quỳnh Như thấy bất bình giùm cho thầy.

Cho nên khi Hải quắn lại cất giọng léo nhéo sau lưng:

- Có ai cho tao cả đống vàng bảo tao học thuộc một bài công nghệ, chắc tao cũng vái cả nón.

Quỳnh Như không kềm nổi, quay phắt lại:

- Đó là do bạn học dốt thôi!

Phản ứng bất ngờ của Quỳnh Như khiến tụi bạn ngơ ngác nhìn nhau. Hải quắn giận tím mặt:

- Bạn nói gì thế hả?

Quỳnh Như chưa hết bực:

- Nói gì bạn biết rồi đó.

- Bạn nói gì nói lại lần nữa coi! - Hải quắn gầm gừ, người chồm tới trước, quai hàm bạnh ra, trông bộ tịch thì có vẻ nó sắp sửa nuốt sống đối phương.

Nhưng Quỳnh Như chẳng coi vẻ đe dọa của thằng này ra củ khoai tây gì. Nó cong môi "xì" một tiếng:

- Tôi không rảnh. Nói một lần đủ rồi!

Hải quắn ấm ức lắm. Nhưng nó không làm gì được. Quỳnh Như là con gái, đường đường một "hảo hán" trong băng "tứ quậy" thì không thể đánh nhau với con gái. Quỳnh Như lại không thèm nhắc lại hai từ "học dốt", nó chẳng có cớ để gây sự.

Trong ba mươi sáu cách, Hải quắn chọn cách tốt nhất là ngồi xuống. Ngồi xuống nhưng không ngồi im. Ngồi im thì tức lắm. Nhục nữa. Cho nên nó bắt chước Quỳnh Như cong môi "xì" một tiếng vào lưng đối phương (tại lúc này Quỳnh Như đã quay lên rồi mà):

- Không biết ai học dốt à.

Hải quắn nói trống không nên Quỳnh Như chả buồn nhúc nhích. Con nhà Hải quắn càng tức, lại lằm bằm:

Hải quắn nói trống không nên Quỳnh Như chả buồn nhúc nhích. Con nhà Hải quắn càng tức, lại lằm bằm:

- Được rồi! Sắp tới tôi cố chống mắt lên coi bạn trả bài môn công nghệ ra làm sao!

Giọng Hải quắn rõ là giọng thách thức. Từ hôm đó, nó chỉ mong chóng đến ngày con nhỏ Quỳnh Như bị thầy Khuê kêu lên trả bài. Nó đợi dịp trả thù. Quân tử báo thù mười năm chưa muộn. Nó không cần tới mười năm, chỉ cần tối đa một tháng thôi. Hằng tháng học trò phải trả bài hoặc làm bài để thầy cô ghi vô sổ điểm. Con nhỏ Quỳnh Như đừng hòng thoát. Nó làm bài bị điểm kém hoặc lên bảng trả bài mà ấp a ấp úng là chết với Hải quắn.

Hải quắn chờ và chờ.

Có công mài sắt có ngày nên kim, khoảnh khắc tươi đẹp nhất trong đời Hải quắn rốt cuộc cũng đã tới: Quỳnh Như bị thầy Khuê kêu lên bảng.

Trước khi Quỳnh Như bị gọi tên, khối đứa trong lớp đã bị môn công nghệ "làm khổ" rồi. Chẳng đứa nào được điểm 10. Siêu học sinh như Quý ròm cũng chỉ được điểm 8. Còn hầu hết đều điểm 5, điểm 6. Học hành làng nhàng cỡ con nhỏ Quỳnh Như chắc điểm 3, điểm 4 là cùng! Hải quắn sung sướng nghĩ bụng.

Như muốn làm cho Hải quắn sung sướng hơn nữa, thầy Khuê kêu Quỳnh Như vẽ biểu đồ về cơ cấu tổng sản phẩm quốc gia trong các ngũ niên gần đây. Thầy Khuê "ác" thật! Hải quắn reo thầm trong đầu. Gì chứ môn công nghệ, chỉ trả lời bằng miệng thôi tụi học trò đã muốn khóc thét, đằng này thầy bắt vẽ biểu đồ, chi chít toàn số liệu, có tài thánh mới hòng nhớ nổi!

Nhưng Hải quắn chỉ reo thầm một chút thôi. Rồi đột nhiên nó thấy mình không sung sướng nữa. Tự dưng nó đâm lo cho Quỳnh Như. Hải quắn ngạc nhiên về mình quá. Ấm ức suốt mấy ngày, đến khi sắp trả được thù, nó bỗng đâm ra tồi tội "kẻ thù". Hình dung cảnh Quỳnh Như đứng thộn mặt trước bảng đen, tay chân lóng ngóng, lòng nó bất chợt chùng xuống. Ờ, con trai học dốt không sao, con gái mà học dốt thì đáng thương thật! Hải quắn nhìn lên chỗ Quỳnh Như đứng bằng ánh mắt lo lắng, hết chép miệng lại thở dài, không biết mình đang đột ngột "từ bi Phật Tổ".

Nhưng Hải quắn đã bé cái nhầm. Chỉ cần ba mươi giây, nó đã kịp nhận ra nó quá lo xa cho "kẻ thù" của nó. Và không chỉ Hải quắn, cả lớp đều trợn mắt lên khi Quỳnh Như ung dung bước tới trước bảng đen, tay cầm viên phấn vẽ nhoáng một cái đã xong ba hình tròn, động tác hết sức tự tin và dứt khoát.

Xong, nó nhanh nhẹn chia mỗi hình tròn thành 3 ô rồi thản nhiên điền vào các con số mà không đứa nào biết làm sao nó nhớ nổi: 28,7% - 27,25% - 44,1% - 36,7% - 24,5%...

Trước những cái miệng há hốc của tụi bạn, Quỳnh Như tiếp tục dùng phấn màu tô vào các ô. Công nghiệp và xây dựng thì tô màu vàng, Dịch vụ tô màu xanh, Nông - lâm - ngư nghiệp tô màu đỏ.

- Thưa thầy, xong rồi ạ.

Quỳnh Như quay lại nhìn thầy Khuê, lễ phép nói, hai tay đập khẽ vào nhau để làm bay đi bụi phấn, không biết nó có cố tình làm điệu hay không mà động tác của nó trông thật duyên dáng.

Thầy Khuê, cũng giống như lũ học trò đang ngồi nghệt mặt bên dưới, hoàn toàn không chờ đợi những biểu đồ hoàn hảo đến thế nơi cô học trò nhỏ. Từ nãy đến giờ, thầy sung sướng theo dõi những hình vẽ của Quỳnh Như với vẻ ngạc nhiên không giấu giếm. Đến mức khi Quỳnh Như vẽ xong rồi thầy vẫn chưa thoát khỏi những cảm xúc lâng lâng trong đầu.

Thầy ngẩn ngơ mất một lúc rồi gục gặc đầu và nhìn Quỳnh Như bằng ánh mắt long lanh sau tròng kính, cất giọng xúc động:

- Giỏi lắm em! Thầy không ngờ em học bài kỹ lưỡng đến thế!

Thầy Khuê xúc động cũng dễ hiểu thôi. Trước khi Quỳnh Như lên bảng, đám học trò của thầy trả bài cứ ngắc nga ngắc ngứ như xe lọt ổ gà làm thầy buồn quá.

Đang lúc thất vọng, sự xuất hiện của Quỳnh Như chẳng khác gì mặt trời đột ngột mọc lên giữa mùa đông khiến thầy thấy lòng mình ấm áp hẳn.

Thầy nhìn cô học trò cưng, vui vẻ hỏi:

Thầy nhìn cô học trò cưng, vui vẻ hỏi:

- Nhìn vào biểu đồ trên bảng, em có nhận xét gì về đóng góp của ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm cả nước không?

- Thưa thầy, mặc dù đứng sau các ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nhưng với tỉ lệ trên 20%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp đã có đóng góp không nhỏ vào cơ cấu tổng sản phẩm của cả nước ạ.

- Em có nhận xét gì nữa không?

- Thưa thầy, trong mười lăm năm qua, tỉ lệ đóng góp vào cơ cấu tổng sản phẩm cả nước của ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm 7% trong khi tỉ lệ đóng góp của ngành công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 12%, điều đó cho thấy nền kinh tế nước ta đang trên đà công nghiệp hóa ạ.

- Giỏi lắm, em! - Một lần nữa, giọng thầy Khuê lại rưng rưng, nếu không đang đứng ở giữa lớp chắc thầy rút khăn tay ra chậm lên mắt rồi.

Thầy nhìn Quỳnh Như, giọng âu yếm:

- Em về chỗ đi! Thầy cho em mười điểm.

Khỏi phải nói ai cũng biết nhỏ Quỳnh Như hân hoan như thế nào trước ánh mắt thán phục của tụi bạn. Nó càng bay bổng hơn nữa khi trên đường về chỗ ngồi, nó nghe rõ giọng nói phấn khích của thầy Khuê sang sảng sau lưng:

- Tôi tiếc là thang điểm của ngành giáo dục cao nhất là 10, nếu không tôi sẽ cho em điểm cao hơn nữa!

Khi nói như vậy thầy Khuê tin rằng nếu thầy cho nhỏ Quỳnh Như 15 điểm hay 20 điểm cũng không có gì quá đáng, vì nó trả bài xuất sắc là một chuyện, còn chuyện khác quan trọng hơn: Nhờ sự tỏa sáng của Quỳnh Như, thầy mới có dịp quay xuống cả lớp, lướt mắt qua từng dãy bàn, hồ hởi nói:

- Các em thấy chưa! Công nghệ không phải là môn khó học. Điều quan trọng là các em phải đặt tâm trí vào nó. Các em phải xem môn công nghệ như một công cụ hữu ích để khám phá về đất nước, về cuộc sống chung quanh...

Thầy lại nhìn về phía Quỳnh Như lúc này đã ngồi vào chỗ, mặt chưa hết ửng lên vì sung sướng:

- Thầy nghĩ Quỳnh Như xứng đáng là một tấm gương cho các em noi theo...

Sau khi nhiệt liệt biểu dương "người tốt việc tốt", thầy cất cao giọng:

- Các em lật tập ra. Hôm nay chúng ta học bài "Khảo nghiệm giống cây trồng"...
Chương tiếp
Loading...