Kỳ Hiệp Côn Lôn Kiếm

Chương 15: Cương phong địch chúng Tử Dương tẩu hào hùng, Ác hổ thương nhân Xuyên Bắc lai cường đạo



Tiểu Nhạn thúc ngựa một mạch ra đi, qua Hán Trung phủ cũng không dừng lại. Càng đi đường càng thu ngắn lại, giờ cách thành không xa nhưng lòng chàng nổi lên sự bi thương thống hận.

Chiều hôm nay, chàng đã đến Trấn Ba huyện. Có lẽ vì chàng đã đi qua Hán Trung, Trường An cho nên chàng cảm thấy cố hương nhỏ hẹp nhiều so với ngày trước.

Vì không muốn mọi người chú ý nên chưa vào thành đã xuống ngựa. Chàng vừa xuống ngựa dắt vào thành thì cảm thấy hai chân nặng trĩu dường như chàng đang mang vác một vật gì quá ư to lớn nặng nề, tâm can như bị dao cứa vào, hai mắt cũng cảm thấy cay cay.

Trên đường đi Tiểu Nhạn bắt gặp vài người quen trước kia nhưng giờ trông họ có vẻ già nua ốm yếu và như nghèo khổ đi nhiều nên hình dáng đổi thay không ít. Họ không nhận ra Tiểu Nhạn mà chàng cũng không tiện chào hỏi, chàng nghĩ có lẽ mười năm qua mình cũng khác xưa quá nhiều.

Chàng nén cơn xúc cảm đang dâng trong lòng, nỗi cảm động chua xót của một kẻ ly hương lưu lạc giờ trở lại thăm quê xưa, chàng chạy nhanh đến tiệm sắt Mã gia.

Đến đây, nước mắt chàng không ngăn được lăn dài. Chàng cột ngựa vào cổng rồi đi vào trong nhà.

Chỉ thấy bên trong tối âm u, lặng lẽ không có tiếng đập sắt “đinh đinh” như ngày nào. Trên tiệm cũng không có người. Chàng cảm thấy kinh ngạc, nặng nề đi vào trong tiệm, bi thống kêu lên :

- Di phụ! Di phụ!

Có một tiểu đồ đệ ngồi ở góc tường ám khói mà ngủ được. Tiểu đồ đệ này không quá mười hai mười ba tuổi cũng khoảng tuổi chàng trước đã ở đây. Lúc đó tên tiểu đồ đệ sực tỉnh giật mình hỏi :

- Khách quan mua gì?

Tiểu Nhạn nói :

- Ta không mua gì cả. Ta đến tìm Mã chưởng quỹ ở đây.

Tiểu đồ đệ đứng lên gọi vào trong :

- Chưởng quỹ có người tìm.

Bên trong dường như có tiếng đáp lời, Tiểu Nhạn đứng đó chờ đợi.

Chàng nhìn chung quanh thấy hàng hóa tiêu điều, cửa tiệm có vẻ suy sụp xơ xác, trên tường chỉ treo vài ba cái nồi. Trên nồi phủ một lớp bụi dầy.

Nhìn cảnh này, Tiểu Nhạn biết mấy năm nay cuộc sống của Mã Chí Hiền có vẻ khó khăn, lòng chàng càng thêm buồn bã.

Chờ một lát, bên trong bước ra một người vừa ốm vừa vàng, mặc chiếc áo đầy mảnh vá, bím tóc trên đầu cũng đầy bụi bặm. Tiểu Nhạn cơ hồ không còn nhận ra di phụ của mình. Nhìn giây lâu mới thấy mường tượng dáng dấp của Mã Chí Hiền xưa kia, nước mắt chàng rơi lã chã. Chàng khom mình thi lễ miệng gọi :

- Di phụ!

Chí Hiền vô cùng kinh ngạc, tròn xoe mắt hỏi :

- Mi phải chăng là Tiểu Nhạn?

Mặt còn đầy lệ, Tiểu Nhạn nghẹn ngào :

- Vâng! Điệt nhi là Giang Tiểu Nhạn đây. Di phụ, đã mười năm qua chúng ta chưa gặp.

Chí Hiền vui mừng, hoan hỷ reo lên, đến nắm cánh tay to khỏe chắc nịch của Tiểu Nhạn nói :

- Ây da! Mi đã về rồi. Hảo hài tử, con thực là có chí khí, ta bái phục, bái phục, bái phục. Nào, vào đây chúng ta chuyện trò.

Chí Hiền lôi Tiểu Nhạn vào trong, xem chừng hắn có vẻ khẩn trương. Vào trong phòng, hắn nhìn Tiểu Nhạn vui vẻ, mỉm cười thân ái.

Lúc này, Lý thị thê tử của Chí Hiền đang dọn cơm. Lý thị giờ đây trông cũng ốm yếu xanh xao hơn mười năm trước, quần áo cũng vá víu trông dáng vẻ như một lão phụ trung niên.

Nhìn thấy trượng phu dẫn một thanh niên cường tráng, vạm vỡ vào phòng, thập phần kinh ngạc. Chí Hiền rạng rỡ nói :

- Nội tử xem đây là ai, có nhận ra không?

Tiểu Nhạn vội vã khom người gọi :

- Di mẫu!

Lý thị giờ mới biết nhưng vẫn còn kinh ngạc hỏi :

- Đây là Tiểu Nhạn sao?

Chí Hiền cười đáp :

- Không phải nó thì là ai. Nội tử xem thật là một trang hảo hán. Không ngờ biểu di phu cũng có người điệt nhi tốt như vậy.

Nói đến đây trên mặt Chí Hiền hiện ra nét bi thương, nước mắt lưng tròng. Chí Hiền bảo :

- Nhạn nhi, con hãy ngồi xuống đây.

Tiểu Nhạn ngồi xuống chiếc giường xiêu vẹo chùi nước mắt hỏi :

- Gia cảnh di phụ mấy năm nay gần đây thế nào?

Chí Hiền khoát khoát tay thở dài :

- Đừng nhắc đến? Mấy năm nay hương thôn mất mùa, không hạn hán thì mất mùa, việc mua bán trong thành thì thật tiêu điều. Có lúc tiệm sắt này hai ba tháng không có mở lò. Mấy tên đồ đệ cũng đi hết rồi chỉ còn một tên coi nhà giùm. Ta suốt ngày ở nhà, ăn xong thì ra ngoài thành đến nhà Cung cử nhân Cung gia trang hộ vệ, như vậy mới có đủ bát cơm ăn không đến nỗi đói khát nhưng ta mấy năm nay thường bệnh hoạn tiền thuốc cũng hết sạch rồi.

Chí Hiền than thở một hồi rồi mới ngẩng đầu nhỏ giọng hỏi :

- Cuối cùng điệt nhi đã nhận ai làm sư phụ? Hiện giờ từ đâu mà đến đây? Có gặp Kỷ Quảng Kiệt, Bao lão đầu và Bào A Loan không?

Tiểu Nhạn gật đầu nói :

- Tiểu điệt có gặp qua rồi.

Chàng thê lương kể lại sơ lược tình hình mười năm nay mình đã trải qua.

Chí Hiền nghe qua, giơ tay lên tỏ ý bái phục chàng và nói :

- Hiện nay chốn võ lâm, anh hùng số một là Giang Tiểu Nhạn. Từ ngày tiểu nhi được lão sư phụ đó cứu thoát và nhận làm đồ đệ khiến Bào sư phụ ta và bọn môn đồ Côn Lôn phải đều nghiêm trang đề phòng sợ cháu học võ nghệ trở về báo thù. Sở dĩ Bào Côn Lôn gả A Loan cho Quảng Kiệt cũng chỉ vì muốn dựa vào tôn tử của Long Môn Hiệp mà đối địch với điệt nhi.

Tiểu Nhạn cũng thở dài nói :

- Việc này hiện giờ tiểu điệt chưa gấp. Cháu tin rằng Bào Chấn Phi, huynh đệ họ Long và tên Cổ Chí Minh họ không thoát khỏi mạng vong dưới kiếm của điệt nhi. Cháu thủng thẳng hành sự cũng được.

Chí Hiền lại chau mày nói :

- Nhưng ta khuyên cháu cũng đừng nên hạ độc thủ.

Tiểu Nhạn lặng thinh không nói, giây lâu chàng nói :

- Điệt nhi về đây một là để thăm di phụ, hai là cháu muốn gặp mẫu thân cùng bào đệ Tiểu Lộc.

Nói đến đây chàng lại chảy nước mắt. Mã Chí Hiền thở dài nói với thê tử :

- Mấy hôm trước nàng gặp biểu tỷ như thế nào?

Lý thị đáp :

- Bệnh tình không thuyên giảm, ho nhiều lắm. Tiểu Lộc cũng không nghe tin tức. Việc mua bán của Đổng Đại không trôi chảy, Phúc nhi, Thọ nhi đều ốm yếu xanh xao.

Chí Hiền thở dài an ủi :

- Điệt nhi đừng có buồn. Mẫu thân cháu cải giá với Đổng Đại là vạn bất đắc dĩ. Vì mấy mẫu đất mà phụ thân cháu lưu lại và một gian nhà nhỏ đều đã bị bà con chiếm đoạt bán hết rồi. Mẫu thân cháu lúc đó không thể nào chịu nổi sự cùng khổ.

Tiểu Nhạn gật đầu nước mắt rưng rưng.

Chí Hiền lại nói :

- Tiệm lụa của Đổng Đại đã đóng cửa mấy năm về trước. Lão phải cùng mấy đồng bạn buôn bán ven đường cũng kiếm đủ cơm ăn. Còn Tiểu Lộc giờ cũng khoảng mười hai, mười ba tuổi rồi. Một năm trước có người đã nhận đưa Tiểu Lộc sang Hà Đông đi buôn bán. Nghe nói người khách bán gạo này họ Khuất. Năm rồi có người mang thư nhưng giờ đã bặt tin. Mẫu thân cháu sau khi đến nhà họ Đổng lại sinh ra ba hài tử, chết mất một, còn lưu lại hai trẻ một là nữ tên A Phúc năm nay cũng được tám, chín tuổi. Lúc mẫu thân cháu mới cải giá, tính tình còn dễ chịu, sau đó ngày thêm âu sầu và tính khí Đổng Đại hung hăng khiến mẫu thân cháu bi thương đến sinh bệnh cũng đã hai, ba năm rồi. Nếu điệt nhi gặp chắc chẳng nhận ra. Nửa tháng trước mẫu thân cháu có đến đây, nghe ta nói cháu giờ học võ đã thành định trở về Trấn Ba để báo thù. Mẫu thân cháu chỉ khóc nói là muốn gặp tiểu điệt.

Nghe Chí Hiền kể qua tình cảnh mẫu thân, Tiểu Nhạn lòng đau như cắt, nước mắt như mưa đến nỗi hai tay áo ướt cả.

Lý thị đứng cạnh cũng khóc nói :

- Mẫu thân cháu cũng thật đáng thương, điệt nhi cũng đừng nên trách người mười năm nay không quan tâm đến cháu. Lúc đó, Bào lão đầu hại các ngươi, tuy mẫu thân cháu đã gả cho Đổng Đại nhưng người thường nằm mộng thấy phụ thân cháu. Mẫu thân cháu nói hồn phụ thân cháu hiện giờ ở trong Nam Sơn còn chưa siêu thoát, vẫn thường tìm mẫu thân cháu ở trong mộng van cầu cơm ăn vì bị đói khát lạnh lẽo.

Tiểu Nhạn khóc lớn lên. Chí Hiền cũng khóc theo nhưng rồi khoát tay nói :

- Chuyện này khó tin, vì người đã chết mười hai năm rồi lẽ nào còn chưa siêu thoát. Mộng mị là do mình nghĩ ra thôi. Vì mẫu thân cháu không quên được tình cảnh lúc phụ thân cháu đào thoát đã bốc cơm nguội mà ăn nên mới nằm mộng như vậy.

Tiểu Nhạn cố nén tiếng khóc nói :

- Điệt nhi mong cầu di phụ tìm mẫu thân cháu đến đây giùm để mẫu tử tương hội.

Chí Hiền nói với thê tử :

- Nàng đi mau, thừa lúc Đổng Đại không có ở nhà nói biểu tỷ đến đây.

Lý thị chùi nước mắt rồi vội vã đi. Chí Hiền tìm dưới gầm bàn một bình rượu nhỏ nói :

- Tiểu Nhạn chờ ở đây để ta đi mua rượu chúng ta cùng uống.

Tiểu Nhạn vội lấy trong người ra một ít ngân lượng nói :

- Tiểu điệt có tiền đây, di phụ cầm lấy mua rượu.

Chí Hiền tiếp lấy ngân lượng cầm bình mà đi. Tiểu Nhạn bước ra ngoài dẫn ngựa vào trong hậu viện, hành lý để nguyên trên yên, chỉ lấy ra mấy tờ ngân phiếu. Đây là những tờ ngân phiếu chàng đã thắng bạc ở Lang Trung mười năm trước. Vì Lợi tiền trang có danh tiếng lớn nên bây giờ vẫn có thể dùng được.

Chờ giây lát, Chí Hiền mang rượu về còn mua thêm thịt và bánh nướng đặt lên bàn nói :

- Tiểu Nhạn, cháu uống rượu đi.

Tiểu Nhạn gật đầu, nhưng vì nóng lòng gặp mẫu thân nên chàng không thể nuốt trôi thức ăn. Chí Hiền một mặt uống rượu, một mặt kể chuyện thăm hỏi Tiểu Nhạn.

Chẳng bao lâu sau, ngoài cửa chợt vang lên tiếng khóc thê thảm của phụ nhân. Lý thị và Hoàng thị mẫu thân Tiểu Nhạn vừa đi vào vừa khóc nức nở.

Hoàng thị vừa thấy Tiểu Nhạn hai tay đã ôm chặt lấy chàng khóc không thành tiếng, ho sặc sụa vừa nói :

- Hài tử, mẫu thân không ngờ còn gặp mặt hài nhi. Hài tử của ta, mẫu thân thực có lỗi với con. Hài tử đừng nên nhận mẫu thân này nữa mà đi mau báo thù cho phụ thân con. Phụ thân của hài nhi bị Bào lão đầu giết thảm, oan hồn không tiêu tán thường thường thác mộng với ta. Hài tử mau đi giết Bào lão đầu báo phụ cừu thì phụ thân con mới có thể thác sinh. Để đệ đệ của con cũng theo người học buôn bán, nó cũng thực đáng thương. Sau khi báo thù xong, hài nhi nên đến Hà Đông mà tìm bào đệ. Còn mẫu thân... mẫu thân... hài nhi đừng màng đến làm chi nữa. Ta không đáng được coi là hiền mẫu. Mẫu thân giờ bệnh cũng sắp chết rồi. Hôm nay được gặp lại hài tử, mẫu thân mãn nguyện rồi dẫu có chết cũng cam tâm.

Nói chưa dứt, ho khùng khục rồi phun ra một ngụm đờm, Tiểu Nhạn đưa mắt nhìn mẫu thân dáng vẻ yếu đuối tiều tụy như vậy, chàng nghẹn ngào, nước mắt cứ tuôn rơi mà không khóc thành tiếng, chàng cố nén đau buồn, quẹt nước mắt khảng khái nói :

- Mẫu thân bất tất phải lo lắng. Hài nhi có năm mươi lượng, mẫu thân để dành mà thuốc thang trị liệu. Mẫu thân không thể chết, phải sống để sau này hài nhi và đệ đệ báo hiếu cho mẫu thân. Còn thù hận nhất định phải báo, mẫu thân không phải bận tâm.

Tiểu Nhạn lại lấy năm mươi lượng giao cho Chí Hiền. Rồi chàng quỳ xuống đất hướng về phía mẫu thân, Chí Hiền, Lý thị khấu đầu bái lạy, xong chàng đứng lên từ tạ ba người bước ra ngoài.

Chí Hiền đi theo giữ lại :

- Tiểu điệt vội gì, ngồi lại chuyện trò với mẫu thân vài câu hãy đi.

Tiểu Nhạn lắc đầu :

- Không lâu đâu, điệt nhi sẽ trở về.

Mặt chàng trắng bệch, nghiến răng nhảy lên lưng ngựa đi. Chí Hiền chạy theo gọi lớn :

- Tiểu Nhạn, ta còn mấy câu muốn nói.

Tiểu Nhạn không ngoảnh đầu lại, nghiến răng vung roi ngựa phi vụt đi. Ra khỏi Nam môn, chàng cho ngựa chạy thẳng đến Bào gia thôn.

Mười hai năm nay, cố hương đã có nhiều thay đổi, nhà cửa phần lớn đều rách nát, xiêu vẹo lộ rõ sự nghèo khổ.

Đến trước cửa Bào gia thấy cảnh vật cũng khác xưa nhiều. Khoảng sân luyện võ trước cửa vắng vẻ.

Nhìn nơi đây bao nhiêu nỗi nhục nhã, đau đớn bi thiết khó nén ngọn lửa căm thù bừng bừng trỗi dậy như muốn trào ra ngoài thiêu đốt hết dãy nhà kia.

Chàng nhảy xuống ngựa, tuốt kiếm chạy nhanh đến trước cửa dùng nắm tay đấm mạnh mấy cái, bên trong có tiếng nói của một nam nhân :

- Ai đó?

Tiểu Nhạn nghiến răng nói :

- Ta đây.

Người bên trong lại hỏi :

- Mi là ai?

Tiểu Nhạn ngửa mặt cười lạnh lẽo :

- Ta họ Giang. Mau mở cửa.

Người bên trong không đáp cũng không mở cửa. Tiểu Nhạn bước lùi hai bước cầm kiếm đứng đó.

Thoáng đã thấy có người leo lên đầu tường. Người này ước khoảng ba mươi, mặt vàng, thân mặc áo màu trắng, tay cầm một khẩu Côn Lôn đao hỏi văng xuống :

- Mi đến đây làm gì?

Tiểu Nhạn lớn tiếng :

- Ta là Giang Tiểu Nhạn. Mau bảo Bào Chấn Phi ra đây.

Người trên tường sợ hãi biến sắc nói :

- Ở đây không còn ai. Lão sư phụ rời nhà đã hai tháng rồi.

Tiểu Nhạn lại hỏi :

- Ngươi làm gì ở đây?

Người đó trả lời :

- Ta là Trương Chí Tài, môn đồ của Côn Lôn. Sư phụ bảo ta ở đây trông nom nhà cửa.

Tiểu Nhạn thấy người này có chút đởm lược nên nói :

- Được! Ngươi chỉ là người xem chừng nhà, vậy thì vô can với ngươi nhưng mau mau mở cửa cho ta vào trong khám nhà.

Chí Tài đứng trên đầu tường lấy lại bình tĩnh hoành đao cười nhạt :

- Tiểu Nhạn, mi không xem vương pháp ra gì? Mi cầm kiếm đến đây tìm người mang lòng bất thiện. Nếu ta kêu quan nhân đến, lập tức mi có thể bị bắt giữ vào nha môn. Ta báo trước cho mi biết hãy đi mau cho. Có Trương Chí Tài ở đây, mi muốn vượt tường vào Bào gia không dễ đâu.

Tiểu Nhạn nghe lời này tức thời biến sắc, cầm kiếm nhảy vọt lên tường. Chí Tài vội vung đao phạt ngang chân chàng. Tiểu Nhạn đưa kiếm ra đỡ đồng thời đá một cước. Chí Tài té lăn xuống đất, đao rời khỏi tay.

Tiểu Nhạn thoáng nghe phòng phía bắc có tiếng phụ nhân hét chói tai, nên chạy đến hét lớn :

- Bào Chí Lâm, mau ra đây. Tiểu đại gia chờ mi.

Lúc này phía sau lại có tiếng gió nổi lên. Tiểu Nhạn vội vã quay người vung kiếm, chỉ nghe “keng” một tiếng thì kiếm và Côn Lôn đao chạm nhau. Thì ra Chí Tài từ dưới đất đứng lên cầm đao đánh lén.

Thế là hai người giao thủ với nhau.

Chí Tài vốn là nhân tài đời sau, gần đây không ngừng khổ luyện võ công, tài nghệ đã vượt khỏi Chí Cường và huynh đệ họ Long nên hắn triển khai đao pháp không để một kẽ hở, loang loáng dũng mãnh chém vào Tiểu Nhạn.

Tiểu Nhạn không muốn giết hại hắn nên thường tránh né, chỉ thỉnh thoảng đá ngã hắn mà thôi. Còn kiếm pháp chàng sử dụng chừng mực, bình thường không có chút ác hiểm, kiếm quang lạnh lẽo chỉ ngăn đỡ khiến Chí Tài khó có thể tấn công.

Nhưng trao đổi năm, sáu hiệp, Tiểu Nhạn không còn nhẫn nại được nữa, vung bảo kiếm phi thân lên trước. Kiếm thứ nhất đã áp chế đao đối phương, kiếm thứ hai nghiêng nghiêng đâm xuống phía dưới nhanh như chớp, Chí Tài khó bề tránh được, chân trái hứng chịu một kiếm, máu tuôn xối xả ngã nhào xuống đất.

Tiểu Nhạn nói :

- Đừng trách ta độc ác chỉ vì mi tự chuốc lấy khổ thôi.

Chí Tài nghiến răng muốn đứng lên liều mạng với Tiểu Nhạn, nhưng đã bị Tiểu Nhạn đá một cước văng đi rất xa. Thuận thế, Tiểu Nhạn đá thanh đao bay lên nóc nhà, sau đó chàng cầm kiếm chạy về phía phòng của Bào Chí Lâm hét :

- Chí Lâm! Mau ra đây!

Nữ nhân trong phòng kêu thét thất thanh, Tiểu Nhạn đứng dừng lại thở dài nói vào bên trong :

- Nữ nhân bên trong phòng đừng sợ, ta không đả thương đâu. Chí Lâm, mau ra đây. Chí Lâm, mi có còn nhớ ngày xưa mi đã từng lăng nhục ta như thế nào không, giờ đây rồi cũng có ngày này mi sợ rút đầu rút cổ. Mau chui ra đây.

Tiếng nữ nhân bên trong khóc nói :

- Tiểu Nhạn, tha cho hắn đi.

Tiểu Nhạn rít lên :

- Không thể tha, lúc nhỏ hắn đối xử tàn tệ với ta hơn cả chó mèo, ta nhất định không tha thứ cho hắn.

Dứt lời, chàng phóng một cước đá bật cánh cửa phòng vào bên trong. Nữ nhân kinh sợ nhảy lên giường, trợn mắt nhìn Tiểu Nhạn thất thần kêu.

Dưới gầm giường lộ ra một đôi chân mang hài lụa, Tiểu Nhạn đưa tay chụp lấy chân Chí Lâm kéo lôi ra. Chí Lâm mặt không còn chút huyết sắc run lập cập, rên rỉ van cầu :

- Tiểu Nhạn, tiểu gia gia tha mạng cho tiểu nhân đi. Trước kia ta ngu muội muốn giết gia gia nhưng không dám. Ây da, ây da xin tha mạng, xin tha mạng.

Bảo kiếm của Tiểu Nhạn căm hận khoa lên, đột nhiên chàng thấy y phục của Chí Lâm vẫn ăn mặc như xưa nhưng lưng còng lên vì hắn đang bò dưới đất nếu nhìn chẳng khác chi lạc đà. Nhìn thấy hắn tàn phế như vậy, Tiểu Nhạn không nhẫn tâm hạ độc thủ bèn đá hắn một cước nói :

- Giết mi chỉ làm bẩn kiếm ta.

Chí Lâm bị đá không ngừng xuýt xoa đau đớn nhưng không dám lên tiếng. Lữ thị, thê tử của hắn ngồi sát góc tường không ngừng khấu đầu xin tha mạng.

Tiểu Nhạn khoát tay nói :

- An tâm. Ta không hành động ác độc với người khác. Mười năm trước, mi cũng biết Bào gia phụ tử họ đối xử với ta tàn độc như thế nào.

Lúc này, Chí Tài ở bên ngoài thọ thương không đứng dậy được nhưng không ngừng lớn tiếng mắng vào, khiến Tiểu Nhạn không nhịn nổi, nhảy ra khỏi phòng, thì thấy một bóng người từ trên tường nhảy xuống, đó là Chí Hiền.

Chí Hiền mặt đẫm mồ hôi, thở hổn hển nói :

- Tiểu Nhạn, đừng quá đáng như vậy. Giết chết phụ thân cháu chỉ có mình Bào Chấn Phi còn gia quyến của lão vô can. Cháu không nên giết người bừa bãi như vậy.

Tiểu Nhạn hòa dịu nói :

- Đương nhiên điệt nhi không thể cuồng sát người vô tội. Chí Tài vì cố chấp cứ theo hạ độc thủ tiểu điệt mới hạ độc thủ với hắn.

Chí Hiền đến gần nhẹ nhàng khuyên Chí Tài đừng nên chửi rủa nữa, rồi Chí Hiền bước vào phòng. Bào Chí Lâm lúc này bò dưới đất không ngừng van lạy :

- Mã sư ca, mau xin Giang gia gia tha mạng cho đệ. Trước kia là đệ sai đáng chết, từ nay không dám điên rồ như vậy nữa.

Tiểu Nhạn cầm kiếm cười nhạt nói :

- Nếu ta giết người tàn phế như ngươi ta thực lấy làm xấu hổ nhưng ngươi phải báo rõ năm đó kẻ nào sát tử phụ thân ta.

Bào Chí Lâm nói :

- Cũng khó nói rõ. Có người nói đao đó là của Long Chí Khởi nhưng Chí Khởi về sau lại nói giết Giang Chí Thăng là phụ thân ta tự thân hạ thủ, còn hắn vô can.

Chí Hiền nói :

- Ta nghĩ sư phụ sau này rất là nhân ái từ thiện, lão quyết không đích thân giết người.

Tiểu Nhạn nghiến răng nói :

- Bất luận thế nào ta cũng không thể tha mạng chúng.

Lúc này Chí Tài bị thương ngồi trong viện, cười nhạt nói với Tiểu Nhạn :

- Họ Giang kia hành sự đừng quá tàn độc. Nếu mi giết sư phụ ta sau này cũng có người thay lão nhân gia mà báo thù.

Chí Hiền cũng chạy theo vội nói :

- Điệt nhi khoan đi, ta có vài lời muốn nói. Nếu cháu gặp sư phụ ta chỉ cần hỏi lão là được rồi, ngàn lần không được...

Tiểu Nhạn khoát tay nói :

- Di phụ yên tâm, điệt nhi biết xử sự.

Nói xong, chàng thu kiếm vượt tường nhảy ra khỏi viện. Ra khỏi Bào gia thôn phi ngựa về phía nam. Mới đi không xa chợt nghe có thanh âm trong trẻo, tươi vui vang lên. Tiểu Nhạn dừng cương ngựa ngoảnh đầu nhìn xem.

Thì ra trên đường có mấy nữ hài đang tung tăng hát mấy bài sơn ca lưu hành nơi đó. Tiểu Nhạn bất giác thẫn thờ. Bọn nữ hài có năm người, y phục đều màu xanh, tay mỗi người xách một giỏ trúc. Tiểu Nhạn gặp chúng như nhìn thấy A Loan trong đám đó.

Năm nữ hài tử đã từ đường nhỏ bước lên mộc kiệu. Bọn chúng nắm tay vừa cười vừa hát. Có đứa ngẩng đầu có đứa nghiêng đầu, cúi mặt trông đều có vẻ hoan hỷ nhưng chẳng ai trong bọn chúng nhìn thấy Tiểu Nhạn. Chàng xuống ngựa cười nói :

- Hát hay lắm.

Bọn chúng đều dừng lại, đưa mắt ngây thơ nhìn Tiểu Nhạn có vẻ ngạc nhiên. Tiểu Nhạn cười dắt ngựa đến gần. Có hai tiểu nữ hài sợ quá cầm giỏ mà chạy còn lại ba tiểu hài đứng bất động nhưng cũng sợ đến tái cả mặt mày. Riêng Tiểu Nhạn càng tỏ ra hòa nhã dịu dàng nói :

- Các tiểu cô nương đừng sợ. Ta chỉ muốn thăm hỏi chút chuyện. Ta cũng là người của thôn này.

Ba tiểu hài đồng thanh nói :

- Không phải, bọn ta không biết mi.

Tiểu Nhạn nói :

- Ta là người ở Bào gia thôn nhưng đã ra ngoài hơn mười năm giờ mới trở về. Ta muốn hỏi thăm lão già râu bạc ở Bào gia giờ ở đâu?

Mấy tiểu hài vừa nghe đến Bào Côn Lôn tất cả dường như đều nổi nóng. Có hai đứa nói :

- Ai biết lão. Bọn ta không biết lão.

Một nữ hài khác nói :

- Bào Côn Lôn đã đi khỏi rồi. Ngay tôn nữ của lão cũng đi luôn. Lão không phải là người tốt nhưng tôn nữ của lão thì tốt.

Hai tiểu hài kia nắm tay cô bé này giựt giựt ý muốn ngăn không cho nói Bào Côn Lôn không tốt, dường như nếu gặp Bào Côn Lôn thì sẽ gặp nạn vậy. Bắt gặp tình hình như vậy, Tiểu Nhạn bất giác nổi giận. Mười năm nay Bào lão đầu quyết vẫn hung hãn, bọn đồ đệ của lão vẫn hoành hành. Lại nghe mấy nữ hài này nhắc đến Bào A Loan khiến chàng vừa nhớ vừa đau lòng liền hỏi :

- Tôn nữ của Bào Côn Lôn không phải là A Loan sao? Nàng ta thế nào? Các ngươi có thể nói với ta không?

Dù Tiểu Nhạn cười thân thiện nhưng ba nữ hài nắm tay nhau nhìn chàng như muốn hoài nghi, đưa đôi mắt trong trẻo nhìn chàng không đáp một câu. Tiểu Nhạn chỉ thầm thở dài nhìn chung quanh dường như đang tìm kiếm một vật gì xa xưa. Chàng cảm thấy mười năm ly hương không những người nơi này cũng khổ hơn trước mà phong cảnh cũng biến đổi nhiều.

Chàng tìm kiếm hồi lâu mới thấy về phía bắc một gốc liễu già nằm ven đường, dưới ánh tịch dương nhành liễu rủ nhẹ nhàng. Tiểu Nhạn dẫn ngựa đi đến gần xem xét thì quả nhiên không sai. Đây chính là gốc liễu mà năm xưa mình đã từng leo lên lấy con diều giấy xuống cho A Loan.

Cây cao nhưng đã già rồi, đất cũng cằn rồi.

Điều khiến chàng kinh ngạc là trên thân cây có nhiều vết đao chém. Rõ ràng đây không phải là vết tích của tiều phu lưu lại mà do người cầm đao hay cầm kiếm chém, chàng giật mình.

Lúc này năm tiểu nữ hài nắm chặt tay nhau đứng một bên nhìn Tiểu Nhạn như nhìn một người dường như không tốt. Bọn chúng cẩn thận đề phòng, muốn chạy vào trong thôn.

Tiểu Nhạn lại cười với bọn chúng, ôn tồn nói :

- Các ngươi đừng sợ. Ta trước kia đã từng là hài tử ở thôn này. Khi trở về ta sẽ đến nhà thăm các ngươi. Có lẽ sẽ có người nhìn ra Giang Tiểu Nhạn này.

Bọn tiểu hài vừa nghe danh tánh Tiểu Nhạn đều kinh ngạc vây chặt lấy chàng, ngẩng mặt lên hỏi :

- Người là Tiểu Nhạn sao?

Tiểu Nhạn gật đầu cười nói :

- Đúng rồi. Ta ly hương đã hơn mười năm, giờ mới trở về. Hầu hết phụ thân các ngươi lúc nhỏ đều chơi đùa với ta.

Có một nữ hài nhảy lên nói :

- Người trong thôn đều biết thúc thúc. Nghe nói sư thúc ra ngoài tìm người học võ muốn trở về báo thù giết hết bọn Bào lão đầu. Bọn chúng đều rất sợ nên Bào lão đầu mới chạy như vậy.

Tiểu Nhạn trong lòng vô ngần cảm khái, cười hỏi :

- Người trong thôn nói ta tốt hay là xấu?

Nữ hài đó nói :

- Ai cũng nói thúc thúc là người tốt, đều mong mỏi thúc thúc mau trở về. Bọn họ Bào cùng nhi tử và đồ đệ của lão đáng căm hận dựa thế ép người.

Lòng Tiểu Nhạn lại phẫn hận thầm nghĩ :

“Thì ra Bào gia phu tử ỷ thế hiếp người thọ hại bởi chúng không chỉ mình gia đình ta. Đáng ra ta phải giết cả nhà lão để trừ hại cho dân lành”.

Vì thế, chàng muốn tức khắc quay lại Bào gia thôn giết chết Bào Chí Lâm. Có một tiểu hài phẫn hận nói :

- Đáng căm hận nhất là họ Long. Hắn chính là Thôi Sơn Hổ được Bào lão đầu bảo hộ. Họ Long đó thường đến đây cưỡi ngựa nghênh ngang. Năm rồi, vì mua đất, lão đã đánh Trần thúc thúc còn không cho la lên.

Một nữ hài khác mặt âu sầu nói :

- Phụ thân bị Long lão tặc đánh cho tàn phế. Sau đó Bào lão đầu hỏi tại sao lại như vậy. Phụ thân nói vì ngồi trên lưng lừa không cẩn thận bị té xuống chứ không dám nói họ Long đánh đập.

Tiểu Nhạn đứng đó tức giận mặt trắng bệch nói :

- Trở về báo với phụ mẫu của các cháu Giang Tiểu Nhạn ta sẽ giết chết Bào lão đầu và huynh đệ họ Long trừ hại cho mọi người.

Rồi chỉ gốc liễu hỏi dò :

- Gốc liễu này ai chém vậy? Cây to thế này để người qua đường có nơi dừng chân nghỉ mát có phải tốt không? Vì sao lại cầm đao chém ngang chém dọc như thế?

Bọn nữ hài đồng loạt nói :

- Đó là do Bào A Loan tôn nữ của Bào lão đầu chém đó. Cô nương ấy mỗi ngày cưỡi ngựa đến đây chém một đao vào gốc liễu có lúc chém đến hai, ba đao. Nàng ta hận ghét nhất gốc liễu này.

Tiểu Nhạn nghe nói thình lình lòng nhạt lại, trán nổi gân xanh, thầm nghĩ :

“Ây da! Thì ra A Loan luôn luôn hận ta, không chỉ hận ta mà còn hận luôn cả gốc liễu. Hận ghét thuở thiếu thời của hai đứa, vậy thì ta còn mãi nghĩ đến nàng làm gì? Nàng ở Thái Lãnh sống chết ta thực không nên màng tới”.

Thế là chàng tự cười lấy mình rồi phóng lên tuấn mã, mỉm cười với mấy nữ hài rồi vung roi phi ngựa về hướng nam.

Bọn nữ hài vẫn đứng phía sau mà nhìn theo bóng chàng. Tiểu Nhạn càng lúc càng xa lòng càng lúc càng nóng nảy.

Hoàng hôn. Mây như nhuộm đỏ một màu máu, gay gắt chiếu sáng cả một góc núi.

Chàng từ Trấn Ba đi Tử Dương phải qua Ba Sơn không xa quá bảy, tám chục dặm đường đi. Tiểu Nhạn có thể đi thẳng nhưng vì trời đã muộn rồi. Vả chăng cả ngày hôm nay chàng trải qua bao nỗi bi thống, khích động, phẫn hận khiến cho đầu óc nặng nề, tâm can nóng nảy.

Tiểu Nhạn nghĩ thầm :

“Hôm nay phải nhẫn nại tìm một chỗ dưỡng thần, ngày mai hãy đến Tử Dương kết liễu tính mệnh huynh đệ họ Long và Cổ Chí Minh. Sau đó hãy tìm Bào Côn Lôn”.

Ý đã định, chàng đến một thị trấn nhỏ tìm một khách điếm, dắt ngựa đi vào. Chàng lấy hành lý và bảo kiếm còn con ngựa giao cho tiểu nhị chăm sóc. Chàng chọn lấy một đơn phòng để nghỉ qua đêm. Điếm nhị đem cơm rượu và thức ăn lên. Tiểu Nhạn dùng cơm xong vì trong phòng rất nóng nên cởi áo ra. Đột nhiên từ trong áo rớt ra một vật, thì ra đó là chiếc tú hài mà chàng nhặt được ở trong khe suối, chàng giận dữ ném xuống đất, mắng :

- A Loan, nàng là một nữ nhân không có lương tâm.

Chàng tức tối ngồi trên giường một hồi, âm thầm nghĩ :

“Ta là thù nhân đối nghịch với nhà nàng, nàng không tốt với ta. Đáng lý ta phải hận nàng mới đúng. Hơn nữa...”.

Tiểu Nhạn lại nhớ đến ba, bốn lần gặp nàng gần đây. Một lần trên Bá Kiều, một lần ở Trường An, lần cuối cùng là ở Thái Lãnh. Việc khiến chàng khó quên nhất là tình cảnh đêm đó, chàng vào ngục cứu nàng và nói :

- A Loan mau theo ta đi.

Nàng đã thê thảm nói :

- Ta theo mi đến đây. Nếu không phải vì mi, ta đâu đến nỗi lưu lạc đến chốn này.

Sau đó mình đã kẹp chặt lấy nàng đem lên núi đặt trên tảng đá đó, nàng chỉ một mực khóc lóc mà thôi. Nàng đâu phải là người không có lương tâm. Nàng đâu quên sự tình hai đưa lúc nhỏ nhưng việc đã đến như vầy thực ra nàng cũng không còn cách nào nữa cả.

Nghĩ như vậy, chàng cảm thấy được an ủi. Nỗi căm hận A Loan hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại nỗi buồn. Chàng nghĩ A Loan chưa chết nên chàng hận mình không thể trở về Thái Lãnh mà cưới nàng.

Tiểu Nhạn âu sầu mắt chăm chăm nhìn ngọc đèn leo lét trên tường không kìm được mấy giọt nước mắt, bèn nghĩ :

“Thật hết phương giải quyết, giữa ta và nàng không tròn nợ duyên, kiếp này không thể chung thân. Bất kể nàng sống hay chết, cả đời này ta không lấy vợ”.

Chàng bước xuống giường, lượm chiếc tú hài vừa rồi đến ngọn đèn xem xét cẩn thận. Thấy tú hài màu hồng thêu rất tinh xảo, có lẽ do đích thân A Loan thêu.

Tiểu Nhạn cảm thấy ái mộ và nhớ nhung tha thiết nàng, tâm niệm biến chuyển tự nghĩ :

“Như vậy không xong rồi. Đại trượng phu hành sự phải quyết đoán, huống hồ A Loan đã gả cho Kỷ Quảng Kiệt. Dù A Loan chưa chết ta cũng không thể cưỡng chiếm nàng. Bằng như nàng mất rồi, ta phải nghĩ cách giao trả tú hài này cho Kỷ Quảng Kiệt”.

Thế là, chàng đặt tú hài trở vào bao hành lý, rồi lên giường nằm ngủ.

Đến hôm sau, Tiểu Nhạn dậy sớm, tinh thần sảng khoái, nỗi thù hận trong lòng đã giảm bớt.

Dùng cơm sáng xong, chàng thu dọn hành lý, trả tiền phòng dắt ngựa thuận theo đường Triều Dương mà đi.

Năm đó chàng đã từng theo Lang Trung Hiệp đến Tử Dương, nên đường phố nơi này chàng rất thông thuộc. Ngựa chạy rất nhanh, không đến ba giờ đã tới Tử Dương. Chàng biết Thanh Viễn tiêu điếm của họ Long là ở cửa thành tây. Chàng đến nam môn trước tìm một khách điếm, chàng dặn điếm gia đừng lấy yên cương xuống, chỉ cho ngựa ăn uống là được, còn chàng có việc phải làm lát sau quay lại. Điếm gia nghe vậy đồng ý.

Tiểu Nhạn lấy bảo kiếm đi ra khỏi điếm. Tiểu nhị rất chú ý đến chàng, còn Tiểu Nhạn lại có vẻ thong dong không giống dáng dấp của người có việc gấp.

Rời khỏi nam môn đi về phía tây, thoáng chốc đã đến trước cửa Thanh Viễn tiểu điếm. Thấy nơi đây thực là náo nhiệt, xe ngựa ngừng rất nhiều, có kẻ nhân dạng như tiêu đầu tới lui ra vào.

Tiểu Nhạn cầm bảo kiếm hiên ngang tiến vào, có mấy người chặn lại hỏi :

- Mi muốn làm gì? Có chuyện gì?

Tiểu Nhạn đẩy giạt mọi người ra, bước vào trong. Thấy có một người đi ra, Tiểu Nhạn nhận ra người này chính là Cổ Chí Minh, là một trong những kẻ thù sát phụ. Mười năm trước Lang Trung Hiệp đến đây đã từng đả thương hắn. Hiện giờ nhìn thấy dáng vẻ thì biết thương thế hắn đã lành rồi.

Tiểu Nhạn phóng lên trước, muốn giết chết Cổ Chí Minh. Chàng cầm kiếm mắng :

- Họ Cổ kia, mi nhận ra ta không?

Cổ Chí Minh nghe hỏi đột ngột, chợt biến sắc mặt. Quan sát hồi lâu, bủn rủn chân tay nói :

- Ây da! Giang Tiểu Nhạn!

Lúc này những người bên cạnh đã vây lấy Tiểu Nhạn, tay lăm lăm cương đao.

Còn Chí Minh sợ hãi biến sắc khoát tay ra hiệu mọi người.

Tiểu Nhạn đưa cao bảo kiếm, cười nhạt nói :

- Tùy các ngươi, có bao nhiêu cứ xông hết lên, ta không sợ đâu. Nhưng ta cũng báo cho biết, ta đến đây để tìm Long Chí Đằng, Long Chí Khởi và Cổ Chí Minh vô can đến người khác. Ta quyết không hại đến kẻ vô oán vô thù. Nhưng nếu các ngươi không nhìn ra tốt xấu, cứ ngoan cố ngăn kiếm của ta, thì đó là tự mình tìm đến cái chết.

Bọn này vốn là đồ tử đồ tôn của Côn Lôn phái vừa rồi không biết người cầm kiếm xông vào là ai, giờ nghe nói là Giang Tiểu Nhạn thì cả bọn không dám tiến gần, chỉ trợn mắt nhìn chàng, dường như muốn nhìn rõ dung mạo của nhân vật làm cho Côn Lôn phái mất ăn mất ngủ có chỗ nào khác thường.

Mặt Chí Minh vẫn tái mét, lắp bắp nói :

- Giang gia, đừng vội! Muốn báo thù cũng để ta nói đã. Mấy hôm trước ta biết Giang gia đến đây, người khác đã chạy hết nhưng ta không trốn chạy vì ta tự vấn lương tâm không có gì hổ thẹn. Giang Chí Thăng là phụ thân của thiếu gia, cũng là sư đệ của ta. Hắn phạm lỗi, Bào lão sư phụ bảo Chí Hiền tìm chúng ta. Mệnh lệnh sư phụ ta không dám không tuân nhưng lòng ta thực bất nhẫn. Đuổi kịp Giang Chí Thăng đến Bắc Sơn, ta dám thề với trời đất, ngay một roi ta cũng không chạm đến hắn. Khi hắn chết rồi, ta có oán trách Chí Khởi, thế nhưng Long huynh muốn ẩu đả cùng ta.

Tiểu Nhạn trợn mắt nói :

- Giết phụ thân ta chỉ mình Chí Khởi thôi sao?

Chí Minh nói :

- Sự tình đã như vậy, ta cũng không ngại mà nói rõ. Oan có đầu, nợ có chủ. Thiếu gia đừng loạn sát người khác. Lúc đó, tuy lão sư phụ dặn dò chúng ta gặp Chí Thăng thì giết, tuy nhiên lòng ta bất nhẫn, ở Nam Sơn đuổi mấy ngày không gặp. Có một buổi tối chợt nghe Bào Chí Lâm nói Chí Thăng lén về nhà và đã đi rồi. Bọn ta tìm kiếm khắp nơi, đến hôm sau sư phụ còn chưa nói câu nào, Chí Đằng đã dùng roi đánh trúng Chí Thăng còn Chí Khởi tính tình nóng nảy, một đao...

Lúc này chợt thấy Chí Đằng mặt mày xanh mét, râu tóc dựng ngược, tay cầm Côn Lôn đao dẫn một đám người chạy vào trong cửa. Lão hung hăng chỉ Chí Minh mắng :

- Cổ Chí Minh, mi đã mất hết lương tâm. Chỉ vì sợ Tiểu Nhạn, sự tình lúc đó mi đã khai báo hết rồi.

Tiểu Nhạn vội buông tay Chí Minh, quay người cầm kiếm chém Chí Đằng. Lão dùng đao ngăn đỡ, những người xung quanh nhất tề xông lên.

Chí Minh vội vã la lên :

- Mọi người đừng loạn sát. Thiếu gia mau đến Xuyên Địa mà tìm Long Chí Khởi, phụ thân người chỉ một mình hắn giết. Ngay cả sư phụ ta cũng không có hạ thủ.

Lão còn chưa nói xong, thì đã thấy Tiểu Nhạn như một mãnh hổ trong đám heo rừng, bảo kiếm tung hoành ngang dọc chém ngã mấy người.

Long Chí Đằng thân thể vạm vỡ như con gấu, đao pháp cũng linh hoạt, tinh xảo tuyệt luân, nhưng chỉ đánh nhau chưa đầy mười hiệp, Chí Đằng đã bị chém ngã.

Lúc này mọi người đều la lớn :

- Liều mạng tiến lên, đừng để hung thủ chạy thoát.

Tiểu Nhạn lại không muốn giết người vô cớ, nên dùng kiếm mà bảo hộ thân người xông ra cửa. Bên ngoài cũng thập phần hỗn loạn, người của các tiêu điếm khác và quan nhân toàn bộ đều kéo đến nhất tề cầm binh khí đuổi theo Tiểu Nhạn.

Tiểu Nhạn không muốn sát thương người, nên giơ cao kiếm, chạy vội ra khỏi tiêu điếm, nhảy lên nóc một chiếc xe đậu gần đó. Bọn người này vây chặt chiếc xe lại rồi chém, bổ, chặt Tiểu Nhạn nhưng chàng dùng kiếm đẩy dạt những binh khí này, rồi bắt đầu từ nóc xe chàng trổ thuật khinh công phi thân lướt trên đầu bọn họ nhảy lên mái nhà gần đó.

Có mấy người biết khinh công cũng rượt theo, nhưng vừa đến gần đã bị Tiểu Nhạn dùng kiếm gạt rơi binh khí, khiến họ không lên được. Tiểu Nhạn lại như con báo vọt qua nhiều dãy nhà đến khách điếm ở Nam Môn nhảy xuống, dắt ngựa ra.

Mấy người trong quán thình lình thấy một bóng người từ trên mái nhà nhảy xuống, bọn họ sợ quá la lên nhốn nháo :

- Chuyện gì vậy?

Tiểu Nhạn ném mấy trăm quan tiền vào cho điếm gia, tra kiếm vào vỏ, dắt ngựa đi ra khỏi cửa nhảy lên mình ngựa chạy vọt về phía nam.

Không xa, đã nghe tiếng chân ngựa dồn dập phía sau. Mười mấy con ngựa đã kịp đuổi đến. Tiểu Nhạn mỉm cười vút roi cho ngựa phi nhanh, khiến lũ ngựa phía sau không sao đuổi kịp.

Tiểu Nhạn chạy ước khoảng bảy, tám dặm, trước mặt ngang một dòng sông nhỏ, nước cạn. Tiểu Nhạn thúc ngựa vượt qua sông đến bờ bên kia. Chàng nhảy xuống cho ngựa nghỉ ngơi, còn chàng đứng trên bờ sông mà nhìn về phía bắc, thấy bọn ngựa từ phía xa đã dần hiện rõ, trong đám có cả quan nhân, đầu đội nón đỏ.

Thế là Tiểu Nhạn nhảy lên lưng ngựa phóng đi. Hai bên đều là ruộng lúa, chính giữa là một con lộ nhỏ, chàng lại thúc ngựa đi ba, bốn dặm thì đi đến Ba Sơn, cây cối xanh biếc.

Chàng đi trong sơn lộ thật lâu mới ra khỏi sơn khẩu. Đến đây là thuộc địa giới của Xuyên Bắc, nơi này chàng đã từng đi qua. Ở đây chàng có rất nhiều bằng hữu, nhưng khi đó chàng chỉ là một tiểu hài tử đang trên đường đào thoát mà giờ chàng đã trở thành một đại hán khôi ngô vạm vỡ, võ nghệ tuyệt luân.

Chàng ngửa mặt cho ngựa chầm chậm đi tới. Mục đích là Tiểu Nhạn muốn đi đến Lang Trung Phủ thăm hỏi Lang Trung Hiệp, đồng thời cũng hy vọng trên đường gặp một, hai người quen biết để từ họ có thể thám thính tin tức, nơi trú ẩn của Bào Côn Lôn và Long Chí Khởi.

Tiểu Nhạn cứ đi thẳng về phía tây, mỗi lần vượt qua một sơn lộ, chàng liền đem chiếc chuông mà năm đó Lang Trung Hiệp cho mình treo lên cổ ngựa. Bọn cường đạo trên núi tuy không biết chàng là Giang Tiểu Nhạn, nhưng thấy chàng thân thể cao lớn, tuấn mã khôi vĩ, khí chất hiên ngang lại thân mang trường kiếm mà độc hành thì biết đây là người liều lĩnh nên không dám hạ sơn cướp bóc.

Vùng đất đai Xuyên Bắc lúc này đang cuối hạ vào thu. Tuy khí trời còn đang nóng bức, nhưng lá cây rừng trong núi từ màu xanh đã dần chuyển sang vàng úa.

Mười năm nay khi Lang Trung Hiệp Từ Lân đến Trấn Ba giao thủ cùng Bào Côn Lôn thất bại bèn tuyệt tích giang hồ. Vì vậy vùng Xuyên Bắc không còn người võ nghệ cao cường, giống như nhà không có chủ, sơn tặc khắp núi nổi dậy, người biết chút võ công có thể cậy thế hiếp yếu.

Hoành hành bạo ác nhất là tên Trương Hắc Hổ. Hắn ở vùng Ba Trung, học võ với một hiệp khách nổi tiếng ở Xuyên Nam. Sau đó, hắn đi lại trên giang hồ gặp được quái kiệt Thiết Trượng Tăng học qua mấy bài thiết côn. Hắn kết giao với nhiều sơn tặc, cường đạo, không việc ác nào không làm. Vì thế sáu, bảy năm nay hắn đã thành bá chủ vùng Xuyên Bắc.

Lúc này, vùng Xuyên Bắc lại có thêm một ác tặc chính là một trong Tử Dương Tam Kiệt Long Chí Khởi, lão đã cùng Chí Đằng, Chí Minh mở Thanh Viễn tiêu điếm. Hai mươi năm nay không những giành được danh tiếng Tử Dương Tam Kiệt mà còn phát tài lớn. Lão cùng huynh trưởng chia ra, Chí Khởi trấn giữ Trấn Ba, Hán Trung, Tử Dương. Những nơi này đều có sản nghiệp của lão, đã trở thành phú ông cự phách.

Trừ thê tử ở nhà, bên ngoài lão còn đèo bồng thêm mấy nữ nhân, có người chỉ mười sáu, mười bảy tuổi. Việc này lão giấu kín, chỉ có Chí Minh biết được, nên lão từng cầm đao uy hiếp Chí Minh nói :

- Chỉ cần mi đem việc của ta mà báo cho sư phụ biết, trước tiên ra sẽ lấy mạng mi.

Vì thế, giữa lão và Chí Minh không hợp nhau. Lần này, bị Tiểu Nhạn truy bức đến vùng Xuyên Bắc, lão đem theo bảy, tám trăm lượng không muốn về Tử Dương, lão cũng không màng đến đám nữ nhân thê thiếp ở nhà. Lão định đến Xuyên Bắc sẽ tìm người khác.

Nhưng muốn đến Xuyên Bắc lập thân, lão phải kết thân với Trương Hắc Hổ, nhưng đối với lão thì không đáng ngại. Theo lão có tiền là có thể kết giao.

Long Chí Khởi đến Xuyên Bắc trước Tiểu Nhạn chừng nửa tháng, lão cưỡi hắc mã, mặc áo lụa xanh, dùng khăn đen vấn đầu. Bộ râu xồm xoàm của lão, giờ đã cạo sạch khiến gương mặt đen to bóng lên, nhưng có lúc nó lại mở một màn âm u, đó là lúc lão nghĩ đến Giang Tiểu Nhạn đã đến rồi.

Lão thường thầm mắng :

“Giang Tiểu Nhạn, đồ cẩu tặc. Một hài tử đào vong có gì đáng sợ, nhưng sư phụ của ta lại sợ hắn. Tổ bà nó, đã biết như vậy mười năm trước ở Bắc Sơn, ta phải chém cho Chí Thăng thêm nhiều đao nữa mới phải”.

Trên đường lão thường tầm hoa vấn liễu, uống rượu đánh bạc. Chỉ cần phụ nữ có dung nhan, lão đã liếc mắt đưa tình, buông lời trăng gió ong bướm. Lão quả là một kẻ tàn bạo cuồng dâm.

Hôm nay, lão đi đến một nơi gọi là Loa Sư lãnh. Núi rất dốc, đường đi khó khăn hiểm trở, có lúc phải lần theo vách núi, phía sau là vực sâu ngàn trượng.

Trên đường, lão gặp một chiếc xe ngựa cùng hai con ngựa hộ tống. Vì trời nóng, rèm treo ở xe ngựa vén lên.

Ngựa Chí Khởi đi phía trước, lão ngoảnh đầu lại nhìn thì thấy trong đó là hai phụ nữ. Ngồi phía ngoài là một phụ nhân trung niên khoảng trên bốn mươi, bên trong là một thiếu phụ mỹ lệ, mặc áo lụa hồng, mái tóc dài đen mượt, đeo bông tai lấp lánh, khiến Chí Khởi nổi tà tâm.

Chí Khởi bèn ghìm cương ngựa lại cùng đi. Còn hai quan nhân đi hộ tống cầm tẩu thuốc. Bọn họ trò chuyện với nhau không chút chú ý đến một lão hắc tử dừng ngựa phía trước. Còn phu nhân trong xe vội buông rèm trước xe lại.

Chí Khởi vẫn hai mắt đăm đăm nhìn vào trong rèm. Thoáng chốc, xe đến gần, Chí Khởi ôm quyền nói với hai quan nhân :

- Nhị vị đại ca, tại hạ đã lạc đường, muốn về Trấn Ba đi đường này được không?

Bốn mắt của hai quan nhân cùng nhìn Chí Khởi dò xét. Quan nhân cầm tẩu thuốc khoảng trên bốn mươi nói :

- Cũng được, nhưng đi vòng hơi xa. Ngươi làm gì vậy? Bảo tiêu chăng?

Chí Khởi gật đầu chau mày nói :

- Thật xúi quẩy! Đoàn bảo tiêu từ Tây An phủ đến Thành Đô, giữa đường tại hạ bị bệnh ở lại nhưng người khác đã đi hết rồi. Tại hạ ở Vạn Nguyên huyện đã mười ngày may mà không chết, giờ phải đuổi kịp họ, nếu không sẽ bị mất việc cơm không có mà ăn.

Quan nhân ốm yếu khoảng trên ba mươi cười nói :

- Thời vận mi không tốt rồi. Năm nay thời tiết ở Xuyên Bắc tệ hại. Ai ra ngoài vào mùa hạ rất dễ trúng nắng. Bọn ta đi hơn trăm dặm, bắt gặp những khách điếm ven đường, khắp nơi đều có đặt quan tài.

Chí Khởi gầm đầu ho mấy tiếng sóng ngựa đồng hành với hai quan nhân. Vừa đi vừa thăm dò, lão mới biết trong xe là gia quyến của Phùng An huyện Chính Đường. Hai vị này là quan nhân của huyện nha, từ Hưng An phủ đón gia quyến của huyện quan trở về.

Hai quan nhân này đường núi thông thuộc, nhưng dường như đã lâu đi lại trên giang hồ. Tuy họ gặp Chí Khởi là người lạ mặt, tướng mạo hung ác, lại không chút đề phòng lo sợ, mà còn thăm hỏi lai lịch, gia thế.

Chí Khởi nói :

- Tại hạ là tiêu đầu ở Tây An phủ, Lợi Thuận tiêu điếm.

Quan nhân trẻ tuổi hỏi :

- Tây An phủ, Lợi Thuận tiêu điếm phải chăng là của Ngân Tiên Kim Đao Thiết Bá Vương Cát Chí Cường không? Lão ca là người Côn Lôn phái?

Chí Khởi vừa nghe, thấy quan nhân này hiểu biết như vậy có chút giật mình, hàm hồ nói :

- Nếu tại hạ là người Côn Lôn phái như vậy thì tốt rồi. Mấy tên đồng bọn kia thấy tại hạ như vậy thì đâu có bỏ đi.

Quan nhân trẻ tuổi hỏi tên tuổi lão. Chí Khởi đáp :

- Tại hạ là Giang Tiểu Nhạn.

Hai người này cũng không chú ý. Vừa đi vừa nói chuyện, cả đoàn đã chuyển đến một nơi địa hình như một xoáy ốc của Loa Sư lãnh. Xe ngựa đi trước hai con ngựa đi sau, còn Chí Khởi rơi lại phía sau cùng, lão vẫn tiếp tục đi theo họ.

Sơn lộ trước mặt rất hẹp. Xe chỉ có thể đi một chiếc, ngựa chỉ có thể đi hai con.

Hai quan nhân cơ hồ có chút nghi ngờ đối với Chí Khởi. Họ vội thúc ngựa đi nhanh, vì chỉ cần vượt qua xoáy núi hiểm trở này thì đi một lát sẽ ra khỏi núi. Sơn lộ này một bên là vách cao thăm thẳm, một bên là khe sâu vạn trượng, ngay cả một phi điểu cũng không, chung quanh hoang vắng trơ trọi.

Lúc này Chí Khởi đã bộc phát hung tính, thúc ngựa rượt theo, lão gọi :

- Nhị vị lão ca, xin chờ. Tại hạ muốn đi chung đường. Tại hạ không biết đường mà.

Người trẻ tuổi thúc ngựa lên trước, người lớn tuổi đi cùng Chí Khởi. Ngựa hắn ở phía ngoài, ngựa Chí Khởi bên trong. Sắc mặt của hắn có thoáng nét kinh sợ, nhưng vẫn cười với Chí Khởi. Hắn cầm lấy tẩu thuốc rít một hơi, rồi đưa cho Chí Khởi nói :

- Lão huynh, hút thuốc đi.

Chí Khởi trợn mắt, vung tay đẩy một cái. Quan nhân lớn tuổi hét lớn một tiếng, từ trên lưng ngựa ngã nhào rơi xuống vực sâu, con ngựa kinh sợ dựng ngược vó lên, hí vang, ngựa của Chí Khởi cũng hoảng hốt nhảy loạn. Chí Khởi vội nhảy khỏi ngựa, cầm đao chạy nhanh theo xe.

Đuổi đến gần quan nhân trẻ tuổi, người này tuốt cương đao mắng lớn :

- Hay cho cường đạo. Mi muốn đánh cướp quan quyến.

Chí Khởi long mắt lên :

- Hừ! Quan quyến. Đó là nữ nhân của ta thôi.

Lập tức, hai đao chạm nhau chát chúa. Chí Khởi tuy hung mãnh, nhưng quan nhân võ nghệ cũng không kém. Hai người trên sơn đạo ác chiến hơn mười hiệp. Vai trái của Chí Khởi bị chém trúng một đao, nhưng lão vẫn hung hăng đối địch. Đánh thêm mấy hiệp, Chí Khởi lựa thế đá văng quan nhân xuống khe.

Lão thấy xe ngựa đã chạy xa, vội phóng lên lưng ngựa đuổi theo hét lớn :

- Xà ích, mau dừng lại! Mi hết muốn sống sao?

Xe ngựa phía trước ngừng lại, xà ích bước xuống. Chí Khởi đuổi đến dùng sống đao chặt mạnh hai cái vào lưng xà ích. Tên này đau quá kêu thảm thiết. Chí Khởi lại chạy lên vén rèm xe, hai nữ nhân trên xe sợ quá mặt mày xanh mét.

Chí Khởi xòe bàn tay hộ pháp của mình nắm người hầu lôi ra ngoài, rồi vuốt tóc của thiếu nữ mỉm cười nói :

- Tiểu nương, về với ta thôi!

Thiếu phụ sợ hãi khóc nức nở. Chí Khởi sầm mặt, giơ tay tát mạnh vào mặt thiếu phụ :

- Tiểu cẩu, về với ta!

Thiếu phụ càng kinh hoảng khóc ngất. Chí Khởi lại tát thêm mấy cái mắng :

- Tiện phụ. Mi dám la lên, lão chính là Giang Tiểu Nhạn anh hùng vang danh bốn bể. Tiện phụ mi nếu thuận theo ta, ta đối đãi không tệ. Bằng như mi muốn kêu lên, lão tử sẽ lấy mạng mi.

Lão lại lấy bao hành lý ném vào trong xe, rồi mở ra. Một đống ngân lượng chạm nhau canh cách, lão nói :

- Lão tử ta có ngân lượng đây. Tặc phụ xem đi. Theo lão tử thì không chịu khổ muốn gì có nấy, có phải hơn hẳn khi mi làm Chính Đường thái thái sao?

Chí Khởi lại chém thị uy người hầu đang quỳ dưới đất xin tha mạng, rồi nắm tay tên xà ích lôi dậy kề đao dọa :

- Mi đánh xe chạy mau lên. Nghe lão tử nói đây, nếu mi để lộ ra một chút hình tích, ta sẽ lấy mạng mi.

Tên xà ích nào dám kháng cự, rồi vun vút ra roi ngựa. Chí Khởi cầm bao ngân lượng nhảy lên lưng ngựa, xé miếng vải băng bó vết thương, rồi hầm hầm bảo tên xà ích đi mau, còn lão cưỡi ngựa phía sau áp chế.

Thiếu phụ ngồi trong xe vẫn không ngừng thút thít khóc. Chí Khởi dùng đao rút rèm cửa sau xe thị uy gằn giọng :

- Không được khóc. Ra khỏi núi tìm đến một tửu điếm, lão tử ta sẽ bái thiên địa với mi.

Lão đắc ý cưỡi ngựa nhơn nhơn, mặc dầu vết thương trên vai đau, nhưng lão vô cùng thích thú, vui vẻ thầm nghĩ :

“Hay chờ ra tỉnh ngoài hay hơn. Nếu ở đây sợ sư phụ biết được việc này, lại phải đề phòng tên cẩu tặc Giang Tiểu Nhạn”.

Lão giận quá mắng lớn quên vừa rồi mình đã mạo xưng là Giang Tiểu Nhạn. Lão mắng rồi sầm mặt nhìn chung quanh dường như sợ đâu đây có người nhìn thấy việc lão làm, nhưng núi non chập chùng không một bóng người.

Lão thấy trên nóc xe có một cái rương, hai bao hành lý dùng dây buộc lại, lòng nghĩ :

“Mẹ nó! Xem như hôm nay người của ta nhận trọn hai phần. Gia quyến Phùng An huyện chính đường trong rương có thể còn châu báu vàng ngọc nữa. Cẩu tắc Tiểu Nhạn ơi! Coi như lão tử phát tài rồi, nếu không có mi bức ta, lão tử này đâu đến Xuyên Bắc, đâu gặp của quý trời cho thế này”.

Thiếu phụ trong xe không còn khóc nữa. Còn xà ích luôn luôn đưa mắt nhìn trộm Chí Khởi, rồi cứ vun vút ra roi không dám lơ là.

Chí Khởi an tâm tra đao vào vỏ. Lúc này vết thương trên vai đau nhức không chịu nổi, máu không ngừng rơi, lão lại tức giận không ngừng mắng chửi tên quan nhân trẻ tuổi đã bị đá xuống núi rồi lại mắng Tiểu Nhạn.

Tiếng xe chuyển bánh kèn kẹt, tiếng vó ngựa cồm cộp cứ đều đặn vang lên. Lại vòng qua một đường núi hình xoắn ốc, đường lộ đã rộng rãi hơn một chút.

Chí Khởi trợn mắt dọa thiếu phụ trên xe bảo không được manh động.

Đi chẳng bao xa thấy trước mặt một đoàn nhân mã đông đảo đi đến. Chí Khởi sợ biến sắc, vội vã nói với thiếu phụ trong xe :

- Bọn mi khôn hồn thì im mồm để giữ tính mạng. Nếu lớn tiếng thì lão tử sẽ giết chết bọn mi rồi thoát thân.

Lão ghìm cương ngựa lại, rồi bảo xá ích dừng xe. Chờ đoàn xe ngựa đến nơi, lão mới nhìn xem, thì ra đây là một đoàn xe hàng tiêu cờ viết mấy chữ: “Lang Trung Phủ”.

Lão giật mình thầm nghĩ :

“Nơi đây lẽ nào thuộc Lang Trung Hiệp”.

Nhưng lão quan sát tỉ mỉ thấy không phải là người quen biết lão, liền giả giọng đáng thương khóc nói :

- Chư vị đừng đi lên phía trước, nơi đó có cường đạo, hắn chém ta một đao may mà chạy thoát.

Bọn tiêu đầu biến sắc hỏi :

- Có cường đạo, tổng cộng bao nhiêu?

Chí Khởi nói :

- Chỉ có một tên, nhưng hắn rất hung hăng. Hắn xưng là Giang Tiểu Nhạn.

Bọn tiêu đầu đều trợn mắt. Có người mặt đen râu rậm thân thể cường tráng hơn cả Chí Khởi, dường như là đại tiêu đầu, khoát tay nói :

- Giang Tiểu Nhạn là lão huynh đệ của bọn ta. Đã hơn mười năm ta chưa gặp hắn, nếu hắn gặp bọn ta quyết không thể không nhường đường. Trước kia ta đối đãi với hắn tốt lắm.

Dứt lời, gã râu rậm đưa đoàn xe ngựa đi.

Chí Khởi ngoảnh đầu nhìn lá cờ cắm trên xe, thì ra đó là lá cờ của Lang Trung Phủ Phúc Lập tiêu điếm, bất giác lão thở dài kinh sợ nói :

- Không xong rồi. Giang Tiểu Nhạn ở Xuyên Bắc cũng có danh tiếng. Hắn quen rất đông, tên tuổi hắn không thể mạo xưng được.

Lão trợn mắt, thúc xe ngựa chạy mau. Thoáng chốc đã ra khỏi sơn khẩu, tên xà ích run run hỏi :

- Lão gia, phải đi về đâu?

Long Chí Khởi chăm chăm nhìn đường, khắp nơi đều là ruộng lúa nông. Trước mặt có hai con đường, nhưng đường nào cũng có người qua lại. Chí Khởi có chút lo sợ, lão vén rèm xe nhìn vào bên trong thấy thiếu phụ đang ngồi bên trong gục đầu rấm rức khóc, đầu tóc rối bời như một hình nhân. Lão cũng cảm thấy không có thú vị gì, thầm trách mình ở trong núi là vì mắt hoa, đầu óc hôn mê nên mới gây ra những việc như vậy. Lão muốn hạ sát thiếu phụ giấu ở đâu đó, để giấu nhẹm chuyện này, nhưng rồi lão cảm thấy không cam tâm, ít phải tìm một nơi nào đó để bá chiếm thiếu phụ một đêm.

Lúc này, lão cũng không biết phương hướng nên chỉ bừa về một phía, nói :

- Đi về hướng này.

Vết thương trên vai trái lão lúc này lại đau nhói lên. Lão dùng tay phải vung roi vút vào xà ích hai cái, giục giã :

- Đi mau lên! Nếu mi làm bại lộ hành tích thì Long nhị thái gia này lập tức lấy mạng mi.

Xà ích nghe Long Chí Khởi lần tự xưng là Giang Tiểu Nhạn, một lần mắng là Giang Tiểu Nhạn, bây giờ lại xưng là Long nhị thái gia, gã thật không biết Chí Khởi là loại cường đạo gì, đành phải vâng lời chạy thẳng về phía nam ba, bốn mươi dặm. Chí Khởi vừa thấy thành đô đã hét lớn, kêu xe ngừng lại rồi vung ra đánh vào xà ích, mắng lớn :

- Ngươi có mưu kế gì? Muốn vào thành báo quan sao?

Tên xà ích sợ hãi, run bần bật. lập cập cơ hồ muốn khóc, nói :

- Lão gia bảo tiểu nhân mà. Đoạn đường này là đến Giang Khẩu trấn đó.

Chí Khởi chợt nghe tiếng xe ngựa ngoảnh đầu nhìn xem, thì thấy phía sau có ba chiếc xe. Lão bèn trợn mắt, nghiến răng nói với xà ích :

- Nói nhỏ, nói nhỏ. Chạy mau, chạy mau!

Xà ích đành vung roi chạy về phía nam. Chạy không xa đã đến Giang Khẩu trấn. Thành trấn này thực sầm uất, đông đúc giống như một tòa tiểu thành trì.

Vừa đến đầu đường, Chí Khởi đã vội tìm một khách điếm, bảo xà ích đánh xe vào trong cửa, lão vén rèm nói vào bên trong :

- Xuống xe.

Nước mắt của thiếu phụ lúc này còn chưa khô, nàng cúi thấp đầu chầm chậm xuống xe.

Chí Khởi lúc này mới nhìn kỹ, thì ra dung mạo của thiếu phụ này cũng khá xinh đẹp. Nàng mặc áo hồng, mang giày hồng, gót chân nhỏ nhắn. Chí Khởi không nén được, bừng bừng nổi dậy dục tâm quên hẳn vết thương đau.

Lão cười xòe tay định đỡ thiếu phụ nhưng nàng ta đã vội phủi tay. Chí Khởi sợ người ta nhìn thấy, bèn vội vã tránh sang một bên.

Lão tìm một phòng cạnh bên, đưa thiếu phụ vào bên trong. Chí Khởi bảo xà ích mang rương hành lý xuống đưa vào trong phòng.

Lão dùng cánh tay không bị thương ôm lấy bao hành lý lớn, cầm đao rồi tiến vào trong.

Lúc này tên xà ích vừa đặt rương xuống đất, vừa thấy Chí Khởi bước vào trong, hắn dợm bước đi nhưng Chí Khởi đã trợn mắt nhìn hắn một cái.

Thiếu phụ ngồi trên giường nức nở nói với Chí Khởi :

- Mi mau đưa ta về Phùng An huyện, ta sẽ không nói gì hết. Nếu không ta la lên nha môn bắt được, sẽ gia tội tử.

Chí Khởi toét miệng mỉm cười, nhỏ giọng nói :

- Tiểu cẩu tử, đừng dọa ta! Lão tử đã sớm nhìn ra mi cũng không phải là loại hàng hóa tốt gì. Long nhị thái gia đem mi theo là cất nhắc mi lắm rồi. Mi không biết còn cho Long nhị gia là cường đạo sao? Nhị thái gia này là kẻ vang danh thiên hạ, hạng người như mi, ta chỉ xuất mấy trăm đồng thì mua được rồi. Hôm nay, đi trên sơn lộ gặp phải mi lại không có người nào khác, ta mới biết chúng ta có duyên phận. Nếu mi phục tùng nhị thái gia mi hưởng phúc bất tận, còn như mi không quên tên tham quan kia. Hừ! Tánh lão tử dễ nổi nóng lắm, mà khẩu đao của lão tử càng nổi nóng hơn.

Vừa nói, hắn vừa đưa tay vuốt mặt thiếu phụ. Nàng ta muốn kêu lên, Chí Khởi trợn mắt định hành hung, đột nhiên nhớ đến hình dạng tên xà ích vừa rồi đáng nghi, vội vã chạy ra tìm.

Chạy thẳng ra ngoài viện, nhìn khắp đông tây cũng không thấy hắn, mà đồ đạc vẫn còn đó. Chí Khởi không nén được sợ hãi nghĩ thầm nghĩ :

“Cẩu tặc này chắc đi báo quan rồi”.

Thế là lão kinh hoảng chạy ra khỏi cửa, hai mắt láo liên nhìn chung quanh. Đứng một lát, thình lình thấy trên đường bụi bốc mịt mù thì thấy bọn quan nhân trong tay đều cầm đao côn xông về phía này. Chí Khởi biến sắc vội vã quay đầu chạy vào trong phòng định lấy đao.

Một sự việc kinh hãi khiến lão thất thanh kêu lên. Thì ra thiếu phụ đó đã lấy một dải khăn cột trên vách tường thắt cổ tự vẫn, hai chân còn đang giãy giụa. Chí Khởi không còn kịp nghĩ việc gì, chỉ vác vội bao hành lý của lão lên vai, tay cầm Côn Lôn đao xông ra phía ngoài để chạy. Mới chạy đến viện ngoài, còn chưa lấy được ngựa, mười mấy quan nhân đã đến, dẫn đầu là tên xà ích chỉ Chí Khởi nói :

- Chính là lão đó.

Bọn quan nhân tức thì xông lên vây bắt. Chí Khởi ngay cả bao tiền cũng phải ném xuống đất, vung đao mà chém bọn quan nhân.

Thoáng chốc, lão đã đả thương mấy người nhưng trên đầu cũng lãnh mấy côn.

Lão hùng hổ điên cuồng đoạt cửa mà chạy. Bọn quan nha phía sau hét to đồng thời đuổi theo.

Chí Khởi như một con chó điên chạy bất kể, gặp người cản đường thì chém, ra đến đường lão cứ chạy mãi, chạy không kịp thở. Chạy hồi lâu, lão cơ hồ không chịu đựng nổi, nên lăn người trong bờ cỏ ven đường tìm hớp một ngụm nước bùn, nhưng không uống được, nên lão phun ra, rồi đưa mắt nhìn xung quanh, thấy bọn quan nhân không đuổi theo, lão vội thở mấy hơi, phẫn hận nghĩ :

“Tiền bạc, y phục của ta đều ném lại trong điếm, vậy đành bỏ sao? Không được, ta phải trở về trấn, đại sát một trận lấy lại đồ vật”.

Nhưng rồi lão lại nghĩ :

“Trên trấn quá náo nhiệt, người cũng quá đông, tất có nha môn, quan binh rất nhiều. Nếu ta bị chúng bắt được ắt chịu tội chết”.

Thế là, lão cũng không dám ngừng chân nghỉ nơi đây, mà vòng qua mấy miếng ruộng chạy về phía thôn làng. Có mấy thiếu nữ đang làm việc trên ruộng thấy lão mặt mũi hung ác, thân thể dính đầy bùn,tay cầm một khẩu đao to đều đồng thanh la lên kinh sợ, mấy cô nông phu tay cầm cào, cầm cuốc định đuổi theo lão.

Chí Khởi muốn vung đao chém chết mấy tên, nhưng lúc này vết thương trên vai đau nhức, lại thêm thấm nước vào khiến lão nhức nhối đến nỗi muốn hôn mê. Chân lão run run, thân thể suy nhược yếu ớt không còn chút dũng khí.

Chí Khởi lảo đảo đi hồi lâu, nhưng không rõ thời gian bao lâu, chỉ thấy trước mặt là một dãy núi cao, lão bèn gắng sức trèo lên núi, tìm một nơi yên tĩnh, đặt đao bên mình, mệt mỏi nằm phịch xuống, mắng thầm :

“Mẹ nó, đều là cẩu tặc Tiểu Nhạn hại ta đến khổ sở như vậy”.

Lão nằm trên đá nghỉ ngơi hồi lâu, lại bị kiến cắn mấy chỗ khiến lão ngứa ngáy phải dùng hai tay để xoa xoa, nhưng tay phải không sao, chỉ cần tay trái nhúc nhích là đau nhói lên.

Lão không ngớt rên rỉ, nghĩ :

“Lúc này nếu ở nhà đã có dược liệu tùy tiện dùng, có thê tử hầu hạ. Vết thương này đôi ba ngày là đã lành lặn. Còn hôm nay ta có thể chết nơi này, tất cả là do Tiểu Nhạn hại ta”.

Lão lại oán hận sư phụ, mắng lớn :

- Lão đầu chết tiệt kia, năm đó giết Chí Thăng cũng là chủ ý của mi. Giết chết Chí Thăng rồi mi lại còn nuôi dưỡng nhi tử của hắn, để khi nó lớn lên mi lại sợ mà tránh né, bỏ mặc ta khiến ta phải lao đao.

Mắng chửi hồi lâu, trước mặt lão phảng phất cảnh tượng nữ lang thắt cổ trong điếm dường như còn chưa chết. Lại nghĩ đến bao ngân lượng của mình, càng nghĩ càng giận tên xà ích nên mắng :

- Đồ chó má!

Lão muốn về trấn giết người cho hả tức một phen, nhưng lại nghĩ :

“Ta chỉ nên đi trên mái nhà. Bao nhiêu năm nay ta đã không luyện tập, thân thể lại mập mạp, ngay cả hàng rào cũng không nhảy khỏi làm sao có thể phi hành trên mái nhà?”.

Càng nghĩ lão càng tức. Trời giờ đã tối, bụng lão đói cồn cào, lão bèn nghĩ tìm đến một nơi nào đó cướp lấy ít tiền ít vật phẩm, tốt nhất là cướp một con ngựa. Ý đã định thế, lão chầm chậm đi xuống núi. Bước cao bước thấp, lầm lũi đi dưới bóng trăng mờ ảo. Lão đi qua mấy thôn xá, thấy nhiều nóc nhà cao lớn đều là nhà phú hộ được canh phòng cẩn mật, khiến lão hết cách trộm đạo. Ngay cả mấy căn nhà nhỏ cũng sát vách nhau có chó dữ canh chừng, không để lão đến gần. Một con chó tru lên, thì bao nhiêu con chó đồng tru theo, nên lão đâu dám hạ thủ, lại còn phải vội vàng tránh né.

Cứ thế lão đi suốt một đêm, đến gần sáng mới thấy một tòa núi cao, núi rất dốc, đường lại hẹp, lão tìm một chỗ vắng vẻ nằm xuống, cơn buồn ngủ ập đến tức thì. Lão ngủ một giấc say sưa, đến khi tỉnh dậy sự mỏi mệt và vết thương đã giảm bớt. Lão mài đao trên đá, rồi tìm một chỗ cao nhìn xuống chờ đợi người qua lại để cướp của.

Lão ẩn nấp trong núi này hơn ba ngày, tài vật cướp được đều của bọn bẻ dưa hái rau. Kiếm được chút tiền, lão đi tìm mua thức ăn và rượu uống, sau đó lại vào trong núi nằm ngủ.

Đến ngày thứ tư, lão mới nhìn thấy một thư sinh đi ngang núi, mang theo một tiểu đồng cùng hai con ngựa. Trên lưng ngựa có vắt ngang bao hành lý cùng sách vở.

Chí Khởi vội chạy xuống núi chặn đường. Thư sinh và tiểu đồng như dê con trước hổ dữ, vừa thấy cường đạo như ác quỷ, đã thất kinh hồn vía, bò dưới đất cầu xin tha mạng.

Chí Khởi chém mỗi người một đao rồi không màng họ sống chết thế nào, lão cướp ngựa mà chạy.

Chạy ra khỏi sơn khẩu, lão lấy bao sách trên lưng ngựa ném đi, mở bao hành lý ra xem, thấy trong ngoài hai bộ phục ra, chỉ có khoảng hơn mười lượng bạc.

Chí Khởi lại mắng “Mẹ nó!”, rồi cởi bộ quần áo vừa dơ bẩn vừa rách rưới của lão xuống, mặc bộ quần áo vừa cướp được, nhưng y phục vừa chật vừa ngắn, lão cố gắng kéo vào nhưng không thể cài khuy được, để lộ bộ ngực to đen vạm vỡ. Lão cất đao vào bao hành lý, cưỡi ngựa chạy đi.

Lão không biết đường nên đi bất kể phương hướng, chỉ tránh né thành lớn, chuyên đi về thôn xóm.

Lại đi hết một ngày. Trời đã hoàng hôn. Mơ hồ đi đến một thôn làng, tứ bề đã mờ tối.

Thôn làng tuy có, nhưng lại không có khách điếm, hai bên đường chỉ toàn là ruộng nước. Đường chính lại rất hẹp.

Đột nhiên có tiếng chuông ngân. Chí Khởi kinh hãi nghĩ thầm :

“Ây da! Hay là Lang Trung Hiệp đã đến. Nếu gặp phải tên cẩu tặc này ta hết còn mong sống nổi”.

Lão dừng cương đứng lại, mắt nhìn trước nhìn sau. Lúc này tiếng chuông ngân đã đến gần. Thì ra phía sau có hai con lừa nhỏ, một trước một sau đi đến. Chú lừa trước màu đen, con sau màu xám nhạt. Cưỡ? trên lưng lừa là hai phụ nhân.

Vừa thấy nữ nhân là Chí Khởi đứng đó, không thèm đi nữa, nhìn chăm chú ra phía sau, chờ hai con lừa đến gần.

Chí Khởi ghìm cương ngựa nhường đường, hai con lừa đi lướt ngang Chí Khởi. Lão nhìn thấy phía trước là một lão bà bà niên kỷ ước độ sáu, bảy mươi. Phía sau là một thiếu phụ vận toàn màu xanh. Trong bóng tịch dương chập choạng, Chí Khởi nhìn thấy rõ cô nương này trẻ tuổi, lại xinh đẹp hơn thiếu phụ mà lão bức đến tự tận ở trong điếm.

Chí Khởi liền nổi tà tâm. Nơi đây hoang vắng, không người lại chập choạng tối, lão muốn ngay tức thì cưỡng đoạt nàng ta. Nhưng thấy lão bà bà chỉ liếc nhìn lão với ánh mắt có vẻ khinh thị, còn thiếu nữ đó thì bình thản không chút lo lắng, sợ sệt. Chú lừa nhỏ đi rất nhanh, tiếng chuông vang đã xa dần.

Thiếu nữ này có chút giống A Loan, sư điệt nữ của lão. Chí Khởi ưỡn ngực, thúc ngựa chạy theo hai con lừa nhỏ. Khi còn cách khoảng hai mươi bước, lão cất tiếng hát một bài hát dâm tình. Sau đó, lão lại buông lời chọc ghẹo, nhưng hai phụ nhân trước mặt làm như không nghe thấy vậy, chẳng màng đến lão, ngay cả đến quay đầu nhìn cũng không có.

Chí Khởi lại tự xưng :

- Lão tử là Giang Tiểu Nhạn, lần này đến Xuyên Bắc là muốn tìm một hiền nương, nhưng thật không may đã bao ngày rồi vẫn chưa tìm được.

Thiếu phụ trước vẫn không quay đầu lại. Chí Khởi thúc ngựa phóng lên phía trước, nhưng hai con lừa chạy quá nhanh, ngựa lão theo không kịp.

Đi không xa, thấy phía trước là một thôn nhỏ, chung quanh có tường thấp, trong đó có khoảng ba, bốn gian nhà tranh vách đất. Hai phụ nhân đi vào trong thôn. Có tiếng sủa mừng rỡ của một con chó, dường như mừng chủ nhân đã về, lại nghe thanh âm trong trẻo của một hài tử :

- Tỷ tỷ, ngoại bà các người về trễ vậy?

Hai phụ nhân đáp mấy câu Chí Khởi không nghe rõ. Lão đứng bên ngoài tìm một gốc cây cột ngựa vào, rồi tuốt đao rón rén đi vào thôn.

Giờ này trong thôn tối mịt, có mấy gốc cây lá reo xào xạc. Hai con lừa và chó đã khuất trong tường đá. Chí Khởi bước đến nhìn xem, tường này vốn rất thấp.

Chí Khởi đứng bên ngoài đưa mắt nhìn vào bên trong, thấy mấy gian phòng đã sáng đèn, có tiếng người nói lao xao, có tiếng cười trong trẻo. Khung cảnh có vẻ ấm cúng.

Chí Khởi định bò qua tường, nhưng hai tay vừa đặt lên bờ tường, không ngờ chó đã đánh hơi sủa vang, đồng thời đèn đuốc trong phòng cũng tắt ngấm, khiến Chí Khởi giật mình, còn chưa quay đầu lại, chợt nghe phía sau “bụp” một tiếng, lưng lão đã lãnh trọn một côn.

Lão đau quá kêu lên rồi vội quay nhìn, chỉ thấy một bóng thấp như một tiểu hài cầm côn đập vào lão. Chí Khởi giận quá tung đao chém vào tiểu hài, nhưng hài tử đó tránh được, Chí Khởi cầm đao rượt theo.

Bất chợt trên tường đá nhảy xuống một người, trong tay người đó dường như đang cầm thanh bảo kiếm loang loáng chém vào Chí Khởi.

Chí Khởi vội vung đao ngăn cản “Keng” một tiếng, kiếm của đối phương bị đao lão bạt ngang, nhưng đối phương vẫn tiến lên một bước đâm nghiêng mũi kiếm. Chí Khởi vội đưa đao ngăn đỡ, nhưng kiếm thế đối phương cực nhanh, tay phải của lão đau nhói không kềm được lão hét lên một tiếng buông rơi cương đao. Đối phương lại hoành kiếm chém vào lưng Chí Khởi.

- Ai da!

Lão nằm dài xuống đất, cơ hồ muốn ngất lịm, tiểu hài tử lại không ngừng dùng gậy đập vào đầu lão. Chí Khởi đau quá ôm đầu lăn lộn, van xin. Người dùng kiếm nói :

- Đệ đệ, đừng đánh nữa. Vào nhà thôi.

Thì ra đó là thanh âm của thiếu nữ. Lát sau, dường như tỷ đệ họ vào trong. Lại bước ra một nam tử kéo hai chân Chí Khởi lôi đi như một xác chó chết, bỏ ra ngoài thôn không màng đến nữa.

Chí Khởi hôn mê lâu lắm mới tỉnh, cảm thấy mình đang nằm dài trên mặt đất. Trên trời tinh tú sáng lấp lánh, bốn bề vắng lặng như tờ, Chí Khởi cảm thấy tay và lưng vạn phần nhức nhối, đau đớn. Lão tự mắng :

“Ta mù rồi. Gặp phải con ác phụ này, hiện giờ phải làm sao đây? Nếu giờ đây chết nơi này không sao, chứ để ngày mai bọn quan nhân bắt được thật là chết oan”.

Rồi lão lại mắng :

“Giang Tiểu Nhạn, đồ cẩu tặc! Mi đã hại lão gia”.

Lão nén đau, bò mấy bước, chợt nghe tiếng ngựa hí, lão nhớ đến con ngựa của mình, vội chầm chậm bò đến tháo dây cột ngựa ra. Lão vừa rên rỉ vì đau đớn, vừa gắng gượng leo lên lưng ngựa, tay cố giữ dây cương rồi để mặc cho ngựa đi. Với thân thể đầy những vết thương trầm trọng, Chí Khởi nằm trên lưng ngựa cơ hồ hôn mê, nhưng vì lão biết đang trên đường đào tẩu, nên lấy hết sức tàn giữ chút tỉnh táo, tuy nhiên miệng lão không ngớt rên rỉ.

Con ngựa chạy cũng chẳng biết bao xa, thì đến một thị trấn. Chí Khởi nhìn thấy nơi đây rất sầm uất đông đảo, phòng điếm rất nhiều. Lão tuy phạm án chốn này nhưng cũng chẳng còn có cách nào khác. Lúc này chỉ có người tuần canh gõ ba tiếng mõ, Chí Khởi nằm trên mình ngựa, miệng kêu :

- Cứu mạng!

Người điếm canh chạy đến hỏi :

- Ngươi bị thế nào?

Chí Khởi thều thào nói :

- Ta đã gặp cường đạo. Ây da! Trên người ta đang bị thương mấy chỗ.Xin cứu mạng với. Đưa giùm ta đến khách điếm. Ngay cả xuống ngựa, ta cũng không xuống được.

Chí Khởi nói cố lớn tiếng nên có vài người nghe được, quan tâm mở cửa ra nhìn. Chí Khởi lại kêu cứu mạng. Lão lại nói gặp phải một nữ cường đạo tổng cộng chém lão ba đao. Có người hỏi lão gặp cường đạo ở đâu, lão nói không rành địa phương. Có người đứng cạnh truy vấn, lão giả vờ xuýt xoa đau đớn, nói đêm khuya trên đường đột nhiên xảy ra việc này.

Quan nha cũng có đến. Chí Khởi vừa thấy càng ra vẻ đau đớn, nói chẳng ra tiếng để quan nhân không chú ý, rồi có người đưa lão vào khách điếm, xoa thuốc và đỡ lão lên giường, nằm nghỉ ngơi. Mọi người xúm xít lo cho lão, có người thở dài nói :

- Người ra khỏi cửa, sợ nhất gặp phải việc này.

Có mấy người xôn xao thắc mắc :

- Gần đây không có cường tặc lại có nữ sơn tặc thì thật quái dị hơn!

Chí Khởi nằm nghiêng trên giường rên rỉ, lão gắng giấu bớt gương mặt để không có người nhìn ra, thầm mắng :

“Mẹ nó! Lũ chúng nó còn lắm chuyện không chịu cút ra ngoài cho lão gia nghỉ ngơi”.

Đám người này còn bàn tán hồi lâu mới tản đi để một mình Chí Khởi ở lại trong phòng. Lúc này, Chí Khởi thở dài, mới cảm thấy mình vừa thoát chết, nhưng nghĩ :

“Nơi này thật không ổn. Một là đây thuộc thị trấn người đông, hai là cách nơi ta gây án không xa. Nếu bọn quan nhân điều tra ra, nhất định không để ta dưỡng thương yên ổn, mà bắt đến nha môn giam giữ”.

Lão lo sợ than thở cả đêm, nhưng tâm địa lão ác độc, nên không cảm thấy hối hận, mà chỉ thấy giận tức, đau đớn. Lão cứ mắng thầm Tiểu Nhạn, mong cho Tiểu Nhạn cũng trọng thương như lão.

Lão ở đây liên tiếp bốn, năm ngày. May mà chẳng một ai phát giác lão là thủ phạm hại người, Chí Khởi ở đây ngoài vết thương đau và buồn bã còn các thứ đều rất dễ chịu. Thế là, lão dần dần khôi phục lại dưỡng khí.

Hôm nay lão nhờ điếm gia tìm một người biết viết chữ đến. Chí Khởi nằm trên giường đọc cho người đó viết một phong thư dặn dò điếm gia nếu gặp một người đi về Hán Trung nhờ họ đưa phong thư này đến Tử Dương Thanh Viễn tiêu điếm, bảo tiểu tốt mang ngân lượng đến đây. Người đưa thư đến được Tử Dương Thanh Viễn tiêu điếm quyết sẽ được thưởng ba chục lượng vì trên thư đã căn dặn rồi. Chí Khởi lại nói :

- Nửa tháng sau, tiểu tốt của ta đến đây, trừ tiền phòng ra, ta còn thưởng cho điếm gia nhiều tiền, nhưng phải cẩn thận dặn dò người đưa thư chưa đến Tử Dương thì không được lộ phong thư này giữa đường cũng không được nói ra ta trú ngụ nơi này, vì ta vốn có thù nhân là cường đạo. Nếu cường đạo đó tìm được ta, thì ta tất chết.

Hai ngày sau, điếm gia gửi được phong thư đó cho khách thương đi về Thiểm Nam.

Chí Khởi vẫn ở nơi này dưỡng thương, lão không dám bước chân ra khỏi phòng. Trong hành lý, lão còn hai mươi mấy lượng cướp được, lại có con ngựa có thể trả cho điếm chủ tiền cơm phòng. Thế nên tiểu nhị cũng đúng giờ đưa cơm nước vào phòng cho lão.

Chí Khởi là kẻ phạm tội, nên lòng cứ thấp thỏm lo âu, ngày ngày sợ quan nhân đến bắt lão, lại hồi hộp ngại rằng thiếu phụ ở thôn trang nọ đến giết lão. Còn sợ Tiểu Nhạn cũng đã đến Xuyên Bắc rồi, nên lão chỉ cần nghe ngoài cửa có chút động tĩnh là cả người đã toát mồ hôi.

Hôm nay mới dùng cơm trưa xong, đang nằm trên giường lo lắng, lòng nghĩ :

“Ta đến đây đã năm, sáu ngày rồi mà thương thế vẫn còn chưa thuyên giảm. Cả ngày trong phòng không dám gặp ai, thật lòng ta như lửa đốt”.

Lão đang dùng quyền đấm mạnh xuống bàn cho đỡ tức, chợt nghe ngoài cửa có người cao giọng gọi :

- Long Chí Khởi! Chí Khởi!

Chí Khởi lạnh mình, vì cho rằng có người nào đó đến bắt lão, bèn giơ tay tuốt đao. Không gặp gì, mới nhớ lại bên mình ngay cả đoản đao cũng không có. Lúc này, lại nghe thấy người đó nói mấy câu với điếm gia. Chí Khởi đến cạnh cửa lắng nghe, chỉ nghe được âm thanh đó rất già nua và quen thuộc, lão theo khe cửa sổ nhìn trộm ra ngoài.

Thì ra, kẻ dẫn ngựa đứng ngoài điếm thân thể cao lớn, tóc râu bạc trắng, không ai khác chính là Bào Chấn Phi, sư phụ của lão.

Chí Khởi nhìn thấy lòng vô cùng hoan hỷ, thầm nghĩ :

“Sư phụ đã đến rồi, ta không còn sợ ai”.

Nhưng rồi lão sợ hãi vì nhớ đến mấy việc lão làm gần đây là đại phạm vào giới cấm của Côn Lôn phái, nhất định là sư phụ trên đường đi nghe nói mới đến đây tìm bắt lão.

Vì thế, Chí Khởi run cầm cập, không dám lên tiếng, vội vã lên giường nằm giả vờ ngủ say.

Bào Côn Lôn nghe điếm gia kể rõ đầu đuôi, biết người trong phòng là họ Long. Mấy hôm trước đến đây bị cường đạo đả thương rất nặng, nên vẫn nằm ở trên giường.

Bào lão sư bước đến đẩy cửa vào trong gọi lớn :

- Chí Khởi! Chí Khởi!

Chí Khởi lúc này hồn phi phách tán, muốn lăn mình xuống đất van cầu lão sư đừng giết lão.

Chí Khởi nghĩ :

“Ta cướp đoạt một phụ nhân, còn đuổi theo một thiếu phụ, nhưng một chút cũng chưa chiếm được lại còn mất một bao ngân lượng và hai thanh đao”.

Chợt nghe lão sư phụ gọi :

- Chí Khởi! Chí Khởi! Tỉnh dậy. Ta đến đây. Mi để ta xem thương thế ra sao?

Chí Khởi cảm thấy có điều kỳ quái. Tại sao thanh âm này vô cùng từ bi, ôn hòa. Chí Khởi cảm thấy không phải sư phụ đến đây để lấy mạng mình. Lão giả vờ như vừa tỉnh dậy, hé cặp mắt gian giảo nhìn sư phụ, rồi giả dạng kinh ngạc, mừng rỡ nói :

- Ái chà! Sư phụ!

Lão làm như muốn bước xuống hành lễ, nhưng Bào lão sư ngăn lại nói :

- Con cứ nằm đi, không cần động đậy, để ta xem thương thế cho.

Chí Khởi vội đưa mấy vết thương trên tay, trên lưng trên vai cho sư phụ xem, rồi lão khóc lớn :

- Sư phụ. Côn Lôn phái chúng ta thảm rồi, để người ta bức mình đến phải xa lìa cố hương, có nhà cũng không dám về, có người thân cũng không dám gặp. Đệ tử đến Xuyên Bắc là ý muốn đào vong. Nào ngờ...

Lão nói đến đây, chợt đổi giọng nghẹn ngào nói :

- Sư phụ, suýt chút nữa sư đồ ta đã không còn gặp mặt nhau nữa rồi.

Bào lão sư thở dài một hơi, một tiếng cũng không nói. Thân thể khôi vĩ của lão đứng đó sầm mặt lạnh ngắt, râu tóc dựng ngược, cười lạnh một tiếng. Tiếng cười lạnh này cực kỳ đáng sợ khiến Chí Khởi toàn thân phát lạnh. Bào lão sư lại hỏi :

- Cường đạo như thế nào mà đả thương mi đến nông nỗi như vầy. Theo ta học võ bao nhiêu năm, lại là đồ đệ xuất chúng nhất, tại sao lại bất tài quá thế. Võ nghệ mà mi đã học ở ta bao nhiêu năm ném ở đâu rồi?

Chí Khởi không biết đối đáp thế nào. Nghĩ hồi lâu mới ra chủ ý, lòng nghĩ :

“Ở đây đã không tiện cho ta dưỡng thương, nếu sự tình bại lộ ra, hoặc quan nhân lấy mạng ta hoặc sư phụ cũng giết chết ta. Hay là phải chạy mau đi nơi khác”.

Thế nên, Chí Khởi nói :

- Sư phụ, xin lão nhân gia hãy đưa đệ tử đi đến nơi khác ẩn náu, tốt nhất là Xuyên Nam hay Hồ Bắc. Nơi đây không được rồi. Tiểu Nhạn đã đuổi đến đây, mấy vết thương này đều do hắn hại. Đệ tử thọ thương không dám nói thật chỉ do bọn cường đạo đả thương, vì bọn ta không đánh lại Tiểu Nhạn. Bằng hữu của Tiểu Nhạn ở phương bắc rất đông. Sư phụ, chúng ta hãy ẩn tránh đi.

Lão nói những lời này tin rằng sắc diện sư phụ sẽ kinh sợ mà trắng bệch, cũng có thể vì sợ mà hôn mê, sau đó sẽ mau mau đưa lão trốn thoát. Không ngờ sao lão sư vẫn thản nhiên mà như ẩn tàng sự giận dữ, trợn hai mắt hỏi :

- Tiểu Nhạn có nhắc ta với mi không?

Chí Khởi đặt điều :

- Hắn không nhắc. Hắn chỉ mắng và nói chỉ cần bắt được sư phụ, hắn bắt sư phụ...

Bào lão sư giận quá giậm chân một cái “Bùng” một tiếng như thiết côn dộng xuống đất. Lão đấm ngực :

- Tiểu Nhạn ép ta quá mức, đến lánh mặt ở Xuyên Bắc hắn cũng tìm ra. Tiểu tử đó nghĩ là Bào Côn Lôn này sợ ư? Ta chưa già đến độ tránh mặt hắn. Bảo hắn đến đây.

Chí Khởi không biết sư phụ đã nói ra chuyện gì, vội vã ngồi xuống nói :

- Sư phụ, người đừng giận!

Bào lão sư khoát tay có vẻ hòa hoãn một chút, rồi hậm hực nói :

- Chí Khởi, con không biết sao? Phụ thân Tiểu Nhạn là do ta bảo con giết, nhưng ta đối đãi với hắn không tệ, nếu không mười năm trước hắn ở nhà ta, không cần phí sức ta đã trừ tuyệt gốc đâu để hắn sống đến bây giờ học thành võ nghệ mà bức ta. Thật ra, khi đó ta chỉ muốn trở thành một người lương thiện, không như thời trẻ tuổi, bằng không đâu lưu lại hậu hoạn như vậy. Hắn làm ta tổ tôn phải ly tán, phải vội vã gả A Loan cho Kỷ Quảng Kiệt. Hiện giờ, phu phụ chúng không biết sống chết ra sao? Ta niên kỷ đã cao, ẩn lánh ở nhà của Hạ Thiết Tùng Sơn Âm cốc bị sự dằn vặt của bọn tử tôn của lão, kết quả là ta phải đơn thân độc mã ra đi, lặn lội đến Xuyên Tây. Lúc ra đi, Chí Trung còn đưa ta đi nửa đoạn đường, muốn theo ta mà lo lắng trên đường, nhưng vì ta nổi giận bảo hắn mới ra về. Ây! Khi Chí Trung đi rồi, ta đã khóc cả nửa ngày. Ta một đời anh hùng, giờ tuổi hạc đã cao, hôm nay gặp phải bước đường cùng thật đáng thương!

Nói đến đây, tâm tính bị kích động, lão tiếp :

- Nhưng mà khi ta đến Xuyên Bắc, ta mới biết ta vẫn chưa già. Chí Khởi, con xem ta có già không? Đao pháp ta vẫn còn thuần thục. Ta qua núi Kim Ngưu gặp phải đám sơn tặc hơn ba mươi tên, chúng muốn cướp của ta. Lúc đầu, ta nói chuyện ân tình, nhưng chúng không chịu, buộc ta giao thủ, ta liền đả thương mười mấy tên khiến chúng đại bại. Sau đó, thêm năm, sáu mươi đồng bọn của chúng kéo đến, dẫn đầu là một nam tử trẻ tuổi, tay cầm trường côn tự xưng là Hắc Kim Cương, ta xưng danh tánh là Bào Côn Lôn. Bọn chúng cười ta là đã bị Giang Tiểu Nhạn bức đến kinh hãi mà phải chạy đi. Ta phẫn nộ hết sức, đánh được bốn hiệp đã hạ sát tên Hắc Kim Cương và mấy mươi tặc nhân xông khỏi trùng vậy mà trên người không mang chút thương tích sức lực vẫn như thường. Nhờ đó ta mới biết Bào Côn Lôn này chưa già, võ nghệ vẫn không sút giảm.

Chí Khởi thấy sư phụ khí phách hiên ngang, ngạo khí ngất trời, chẳng khác ba mươi năm trước. Bào lão sư lại nói :

- Ta biết mười năm nay ta âu lo sợ hãi không phải là sợ Giang Tiểu Nhạn mà là sư phụ của hắn. Nếu Tiểu Nhạn tìm đến thì ta sẽ lấy dũng khí đối địch cùng hắn, cũng chưa biết ai chết về tay ai. Ta đang muốn lộ diện đây, còn các con cũng không thể bị người ép bức khuất phục. Ta đến Thông Giang huyện muốn trở về Trường An để tìm Tiểu Nhạn, nhưng dọc đường gặp được khách thương mới biết con bị khốn ở đây mới vội vã đến thăm. Hiện giờ thì tốt rồi, Tiểu Nhạn lại sắp đến Xuyên Bắc như vậy ta không cần phải đi tìm hắn, mà cứ ở đây chờ đợi. Gặp mặt quyết một trận sống chết.

Nói rồi lão cười ha hả nói với Chí Khởi :

- Con an tâm dưỡng thương, xem sư phụ tuy đã già rồi nhưng sẽ làm nên những chuyện kinh người, để Giang Tiểu Nhạn hiểu Côn Lôn phái không phải đến đây là dứt!

Bào lão sư bước ra ngoài, cao giọng gọi bảo tiểu nhị dọn một đơn phòng cho lão và đem hoàng mã đi cho ăn. Lão một tay kẹp lấy bao hành lý nặng nề, một tay cầm lấy Côn Lôn đao đem vào phòng, ném toàn bộ lên giường, đứng vuốt râu một hồi, ngạo nghễ ưỡn ngực bước ra khỏi phòng. Ra khỏi điếm, thản nhiên đi lại trong trấn, trông lão hùng hổ như cọp vậy, thỉnh thoảng lão còn cố ý chạm vào người ta.

Đi một lát, gặp một tửu điếm lão phanh ngực áo cao giọng gọi :

- Tiểu nhị, đem rượu đến!

Lão ngồi đó uống rượu ừng ực giống như hào khí thuở thanh niên bốn mươi năm trước khi Bào Côn Lôn còn qua lại chốn võ lâm giang hồ. Lúc đó, chỉ một cái trợn mắt đã vung đao giết người. Ngày nay lão đã hơn bảy mươi nhưng khí phách ngang tàng cũng giống như xưa kia.

Bào lão sư cả ngày đi tìm Giang Tiểu Nhạn, còn Chí Khởi ở trong phòng thì ngày ngày lo lắng. Không phải lão sợ Giang Tiểu Nhạn vì vẫn chưa có tin tức gì cho biết Tiểu Nhạn đã lên Xuyên Bắc, mà lão chỉ sợ những việc bất hảo của mình đã làm như cướp quan quyến, bức tử người làm cường đạo sát hại quan nhân, leo tường trêu chọc thiếu phụ. Những việc này lão gây ra cách đây không xa, chỉ cần có một chút phong thanh lọt đến tai Bào lão sư, hơn nữa lúc này sư phụ lão đang nóng nảy nhất định sẽ không tha cho lão. Vì thế Chí Khởi cứ ngày ngày khuyên sư phụ mang lão rời khỏi nơi đây, nhưng lão sư quyết không chịu.

Ở nơi này bốn ngày, Bào lão sư vẫn chưa tìm thấy Tiểu Nhạn cho nên lão sư càng thêm tức giận, thường uống rượu đòi đánh mấy tên côn đồ.

Bọn côn đồ này tuy tuổi khoảng hai, ba mươi thân thể rắn chắc mạnh khỏe, tay tên nào cũng cầm cương đao, nhưng chỉ cần Bào lão sư đá nhẹ một cước đã khiến bọn chúng nằm bò xuống đất. Chân tay chúng đều bị lão sư bẻ gãy hết. Sau đó lão còn phanh ngực chúng viết danh hiệu mình lên đó.

Trên trấn cũng có mấy tiêu điếm, trong tiêu điếm cũng nghe nói Bào Côn Lôn mà mười năm trước đã đánh bại Lang Trung Hiệp cũng đến vùng này, bèn rủ nhau đến bái kiến.

Bào lão sư khách sáo nói với bọn này :

- Lão đã hai mươi năm chưa đến Xuyên Bắc rồi, hiện giờ vì thù nhân Giang Tiểu Nhạn ép ta thái thậm, khiến ta không thể nhẫn nhịn mới đến Xuyên tỉnh mà tìm hắn. Gặp nhau quyết đấu một trận sống chết.

Mấy tiêu đầu ở đó nói :

- Bọn ta có nghe nói đến Giang Tiểu Nhạn này nhưng mà chưa nghe nói hắn đã đến Xuyên Bắc.

Lão sư cười lạnh nói :

- Hắn vốn quen biết với Lang Trung Hiệp, sớm muộn gì hắn cũng đến. Ta ở đây chờ đợi hắn cũng được. Ta có một đồ đệ là Thôi Sơn Hổ Long Chí Khởi, lúc ở Loa Sư lãnh đã bị Tiểu Nhạn đả thương nhưng thương thế không trầm trọng, mấy ngày nữa có thể lành lặn.

Thế là mấy tiêu đầu lại vào phòng Chí Khởi mà thăm hỏi. Chí Khởi gần như úp mặt hẳn vào gối, để khó có ai nhìn ra lão, nhưng bọn này chỉ vì muốn tỏ vẻ thân thiện với Bào Côn Lôn chứ không quan tâm đến diện dung của Chí Khởi. Họ nào ngờ tên bị thương không muốn lộ diện này chính là tên cường đạo sát nhân.

Sau khi mấy tiêu đầu đi khỏi, Chí Khởi ngồi dậy nói :

- Sư phụ có nghe được Tiểu Nhạn đi về đâu không?

Bào lão sư lắc đầu nói :

- Tiểu Nhạn là vô danh tiểu bối, ít người biết hắn. Ta muốn tìm Lang Trung Hiệp để hỏi tin tức của Tiểu Nhạn. Hơn nữa, ta muốn nói với Lang Trung Hiệp là lần này ta quyết đấu với Tiểu Nhạn, bảo hắn không được xuất đầu tương trợ họ Giang.

Chí Khởi chợt nghĩ đến một điều, hắn khoái trá nói :

- Đúng! Đúng! Đồ đệ nghĩ hiện giờ là Tiểu Nhạn ở Lang Trung. Sư phụ, ngày mai chúng ta rời khỏi nơi này được không?

Bào lão sư chau mày nói :

- Thương thế của con hiện giờ chưa khỏi.

Chí Khởi lập tức bò dậy, nhảy xuống giường nói :

- Không sao. Vết thương trên lưng đệ tử đã lành rồi, còn trên vai và cánh tay không trở ngại cho việc đi đường. Sư phụ, con thật chẳng muốn ở nơi này chút nào.

Bào lão sư xem xét lại thương thế của Chí Khởi, rồi gật đầu nói :

- Được! Con có thể đi được. Sáng sớm ngày mai chúng ta sẽ khởi hành. Thứ nhất con không cần theo ta. Bất luận gã Giang Tiểu Nhạn hay Lang Trung Hiệp giao đấu với ta, con cũng không cần phải ra tay, vì con ra tay cũng vô dụng thôi.

Chí Khởi nghe nói vô cùng hoan hỷ nhưng làm ra vẻ chau mày nói :

- Nếu vậy khi đến Lang Trung, lão nhân gia một mình đi gặp Lang Trung Hiệp, còn con muốn đến Thành Đô để thăm viếng Nga Mi Hổ Lý Đại Thành. Đệ tử không muốn gặp Lang Trung Hiệp, vì hắn hận đồ đệ còn hơn Tiểu Nhạn căm hận sư phụ nữa.

Bào lão sư suy nghĩ một hồi, bèn gật đầu nói :

- Đêm nay con hãy nghỉ ngơi đi. Ngày mai chúng ta sẽ lên đường.

Chí Khởi mau lẹ đáp :

- Vâng!

Bào lão sư vội trở về phòng của mình, ngồi trầm tư, nhìn ngọn đèn leo lét một hồi, mới thở dài lên giường nằm ngủ.

Sáng sớm, Long Chí Khởi đã dậy rồi. Trời vẫn còn mờ tối, lão đã sốt sắng gọi tiểu nhị cho ngựa ăn, chuẩn bị sẵn hành lý, xong vào phòng gọi sư phụ.

Bào lão quyền sư cũng đã tỉnh giấc. Bào lão sư bước ra sân viện nhìn lên trên thấy tinh tú vẫn còn lấp lánh, lão vươn vai đi một bài quyền. Chí Khởi đứng bên cạnh nhìn xem thấy sư phụ tuy thân thể có mập mạp, dáng dấp không còn nhanh nhẹn nhưng mà quyền cước thì còn rất là lợi hại.

Chí Khởi cũng cảm thấy tay chân ngứa ngáy, lòng nghĩ :

“Ta theo sư phụ ra đi, trên đường tuy có người bảo hộ, nhưng không có binh khí cũng không được”.

Thế là Chí Khởi đến bên sư phụ nói :

- Sư phụ, đao của đồ đệ đã mất rồi, lại nữa sư phụ xem y phục vừa chật vừa ngắn thế này. Đây không phải là của đệ tử mà là của một thư sinh đọc sách đi trên đường thấy thương hại cho hoàn cảnh của đệ tử mà tặng cho. Y phục của đệ tử vừa dính bùn vừa rách rưới lại dính đầy máu. Từ khi tới Tử Dương, đệ tử mang theo mười mấy bộ y phục, mấy trăm ngân lượng đều bị Tiểu Nhạn cướp hết.

Lão sư bất giác cười lạnh khiến Chí Khởi sợ đến phát run, còn lão sư lại gật đầu nói :

- Tiểu Nhạn thật không hổ là nhi tử của Giang Chí Thăng. Phụ thân hắn là một dâm đồ, còn hắn là một đạo tặc đều là đồ bại hoại đáng để cho Côn Lôn đao ta hạ thủ.

Lão sư nghiến răng căm hận nói như vậy, rồi hòa hoãn nói với Chí Khởi :

- Chúng ta khởi hành thôi. Trên đường gặp nơi bán đao, ta sẽ mua cho con, còn y phục cũng thế.

Chí Khởi luôn miệng vâng dạ. Lúc này tiêu điếm dẫn đến hai con tuấn mã, hành lý đều đã cột trên lưng.

Lão sư thanh toán tiền trọ, tiền ăn xong, dẫn ngựa ra cửa. Chí Khởi ra khỏi cửa không ngừng nhìn đông ngó tây, trong lòng thấp thỏm, tim đập thình thịch. Lão nằm nhiều ngày trên giường, ngay cả ngựa cũng leo lên không nổi. Còn Bào lão sư nhìn đồ đệ mà lòng hết sức cảm thương bèn đến đỡ hắn lên lưng ngựa.
Chương trước Chương tiếp
Loading...