Kỳ Sử Dương Hậu

Quyển 1 - Chương 2



Ngày tôi chào đời, bà nội đã giành được quyền đặt tên trong cuộc PK rất ác liệt với bà ngoại. Theo ý nội, tờ giấy khai sinh của tôi ghi rõ: Trần Thị Vân Nga. Bà còn nói là cái tên này sẽ khiến cuộc đời tôi chói lọi như Dương hậu. Ngày trước tôi không biết Dương hậu là ai. Bây giờ nhờ có em Google tôi mới phát hiện ra 2 chuyện lớn liên quan tới cái tên này:

Thứ nhất, đó là nhân vật chính trong vở Thái hậu Dương Vân Nga, một nhân vật có thật vào triều Đinh-Tiền Lê.

Thứ hai, Idol Thanh Nga của bà đã bị ám sát sau khi hoàn thành tuồng cải lương này.

Chuyện này xảy ra năm 1978, tại đường Ngô Tùng Châu, quận 1, TP.HCM, tới nay vẫn chưa có kết luận của Cục cảnh sát. Thật ra chuyện này cũng không liên quan tới tôi nhưng vì Kudo Shinichi, tôi đã bỏ 1 giờ xem qua các bài báo cũ. Án mạng kì bí thách thứ thám tử gia không chuyên mới nổi Trần Thị Vân Nga, mật danh là Conan1994 (nickname của tôi trên diễn đàn truyentranh.info).

Kể từ đó tôi bắt đầu ấn tượng với cái tên Dương Vân Nga. Cùng với những nữ anh kiệt thời xưa, Dương thái hậu quả là xuất chúng. Bà chính là cầu nối từ triều Đinh sang triều Lê. Một con người thông minh xinh đẹp lại còn thức thời. Hai lần làm Hoàng hậu, một lần làm Thái hậu, Dương Vân Nga không thua kém gì Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Chiêu Hoàng hay công chúa Huyền Trân. Người là một nữ nhân đầy bản lĩnh, một nhân vật lớn và cũng là người có công lao bảo vệ đất nước trước họa xâm lược của nhà Tống thế kỉ X.

Đó là tất cả những gì tôi biết về Dương hậu cho tới lúc này. Có một chút ngưỡng mộ và một chút hài lòng vì tôi cũng mang tên của bà ấy. Tuồng cải lương Thái hậu Dương Vân Nga cứ vài ba tuần là bà nội lại mở một lần. Chiếc DVD xem nhiều tới nổi chi chít vết xước. Thỉnh thoảng tôi cũng có ngồi lại sofa một lúc để xem cùng bà nhưng chưa bao giờ tôi coi hết cả bộ và cũng không ghi nhớ bao nhiêu tình tiết. Chỉ ấn tượng mỗi cảnh Dương thái hậu khoác long bào lên người Lê Hoàn, tôn ông ta lên làm Hoàng đế. Hóa ra triều Lê bắt đầu như vậy đó! Phải chi tôi coi vở cải lương này sớm hơn một tí thì chắc đã trả lời được câu số 3 trong cuộc thi “Đố vui Lịch sử” ở trường rồi.

Dạo này tôi có sở thích xin bà cho xem đồ kỉ vật. Bà có cả một kho báu khiến tôi ngạc nhiên. Bà là người phụ nữ của thời đại phong kiến. Tóc bà đã bạc trắng nhưng rất dài, dài tới mức nằm la liệt trên đất. Mỗi khi xem phim Tangled tôi lại bật cười nhớ tới mái tóc của bà. Bà nội là phiên bản “old lady” của công chúa tóc rối.

Vì tóc quá dài nên bà luôn bới thành một búi cuộn to sau gáy, cố định bằng một cây trâm. Nội có tất cả 4 chiếc trâm: Một cái bằng gỗ lim bóng loáng chạm trổ công phu, một cái mạ bạc có cẩn hai hạt trai, một cái mạ vàng và trang trí hoa mai mà bà chỉ dùng trong cái sự kiện trọng đại. Cuối cùng là một cái bằng đá đẽo thô sơ y như hiện vật thời đồ đá, bà nội thường dùng chiếc trâm này hàng ngày. Ba chiếc còn lại luôn được bà giữ kỹ trong cái hộp gấm. Tôi đang có âm mưu gạ gẫm để xin bà bộ trâm làm của hồi môn.^^

Sau bộ trâm cài tóc là bộ lọ hoa 10 chiếc bằng sứ quý giá. Mỗi cái một kiểu dáng, một màu sắc. Nhưng vì tôi không có hứng thú với gốm sứ nên cũng chỉ nhìn sơ qua, có vẻ như chúng là bạn bè của những hiện vật trưng bày trong bảo tàng.

Cuối cùng trong cái kho báu ấy chính là sách. Có rất nhiều sách nhưng tôi không tài nào đọc được. Một ít viết bằng chữ Hán, một ít viết bằng chữ Nôm và một ít dùng chữ quốc ngữ bằng kí tự Latinh như thời của Bác Hồ viết “Đường Kách Mệnh”.

Về mặt nội dung thì tôi xin chịu. Chúng có vẻ giống như thơ nhưng cũng có cuốn giống tiểu thuyết. Hai chị em tôi lấy làm kinh ngạc lắm khi nghe bà vừa chỉ vừa phát âm những con chữ tượng hình. Có lẽ bà là một trong số ít những người còn lại trên bờ cõi Việt Nam này, biết đọc tiếng Hán và tiếng Nôm. Bà đã cao tuổi rồi mà đầu óc minh mẫn thế? Tuy nhiên tôi không có ý định khai thác trí nhớ của bà, tôi sắp là sinh viên ngành Kinh Tế chứ không phải khoa Đông phương học.

Vốn dĩ mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó nhưng số của tôi là kiểu khác người. Lúc mẹ tôi vừa mang thai 6 tháng, có một bà già ăn xin ghé lại cổng nhà. Sau khi ăn hết tô cơm nguội thịt kho mẹ tôi cho, bà lão nhìn vào cái bụng to của mẹ mà lẩm bẩm: “Con cô là đứa bé thông minh lanh lợi, nếu cẩn thận một chút thì sẽ có cuộc sống suôn sẻ, hưởng đại thọ, an nhàn, nếu không may chỉ tay bị đứt thì sẽ hưởng thêm một kiếp quỷ dị”.

Mẹ tôi không phải người mê tín nhưng lại nhạy cảm với những hiện tượng lạ. Mẹ đem câu chuyện kể cho bố. Bố kể cho các bác, các cô. Các bác, các cô kể cho các chú, các thím. Các chú, các thím kể cho các cháu trai, cháu gái nội ngoại. Tóm lại là tôi đã mang tiếng “đứa bé đặc biệt” trước khi chào đời. Khi lớn lên, mọi người trong nhà vẫn thỉnh thoảng nhắc lại “lời tiên tri” của bà lão ăn xin. Tôi cũng vì thế mà đề cao cảnh giác với hai bàn tay.

Năm bước vào lớp 8, tôi tự đi xe đạp tới trường. Có một ngày không may gặp phải một gã say xỉn. Tôi bị tai nạn giao thông phải nằm viện hết một tuần, toàn thân có không ít vết bầm. Nặng nhất là cánh tay phải bị gãy. Lòng bàn tay ma sát xuống lòng đường nên trầy trụa rướm máu. Sau khi kéo da non thì tôi kinh hoàng nhận ra chỉ tay đã thay đổi. Đường sinh mệnh bị đứt mất khúc cuối. Như vậy có phải sẽ chết sớm không? Tôi phập phồng lo sợ nhưng không nói với ai. Tôi cảm thấy mình hơi ngớ ngẩn. Cứ ôm ấp hoài nghi như thế cho tới lên cấp 3 tôi mới an tâm cho rằng đó chỉ là suy nghĩ trẻ con. Chuyện này cũng nhanh chóng bị lãng quên…

Về sau tôi mới hiểu ra, chút tai nạn bất ngờ đó đã thay đổi cả vận mệnh của mình. Cũng không rõ là nên vui hay buồn. Có lẽ ban đầu rất tồi tệ nhưng về sau lại thấy mãn nguyện. Tôi là đứa trẻ đặc biệt và tôi cũng lấy làm tự hào về cái “đặc biệt” của mình.
Chương trước Chương tiếp
Loading...