Kỳ Sử Dương Hậu

Quyển 1 - Chương 33



Những chuyện xảy ra trong năm nay đối với tôi thật là vui nhộn. Vân Nga rất ngạc nhiên khi thấy tôi trở về trong bộ dáng chật vật: quần áo bẩn, đầu bù tóc rối, mặt mày ngu ngơ. Chị hoảng lên hỏi đông hỏi tây, xem tôi có bị ai ăn hiếp. Tôi ấm ức mách lẻo:

- Có ạ. Muội bị một con ngựa bắt nạt! Chủ của nó cũng rất xấu xa!

Và thế là đề tài chấm dứt ở đó. Vân Nga kết luận đầu óc tôi không bình thường, gọi ngự y vào bắt mạch. Chiều hôm đó tôi ngủ thẳng cẳng tới đêm, chả hay biết sự tình ở cung Thiên Long diễn biến ra sao, cho tới khi tiểu đại gia bò lên người tôi, tè một bãi nước ấm =)) Tôi buồn bực xách nó đi mách với tỉ tỉ, nào ngờ chị ôm Tiểu Toàn vào lòng rồi thủ thỉ với thằng bé

- Toàn nhi ngoan, dì con bị loạn não, dùng cách này không hết được đâu, thử cách khác con nhé!

Giờ thì cả chị gái ruột cũng bắt nạt tôi. Tôi sai A Mẫn tháo hết đinh trên cửa sổ ra, tên nô tài nhìn tôi bằng cặp mắt cún con.

- Dương quyến nữ, trên đó có tất cả 293 cái đinh ạ!

- Thì gỡ hết ra, còn không mau làm?

Tên nô tài ngước đầu nhìn cái cửa sổ đầy đinh y như một con nhím mà khóc không ra nước mắt. Cuối cùng được tôi thương xót mà huy động thêm A Bách, A Quân và mấy tên thị vệ trong điện Vân Sàng. Cảnh tượng ngày hôm đó rất đặc sắc. Một đám thanh niên trai tráng, kẻ ốm người gầy, kẻ to con ngươi lực lưỡng bu lại quanh cái cửa sổ, hỳ hục nhổ đinh. Ôi… nhân sinh thật là đáng thương!

Và đêm hôm đó, cửa sổ được khai thông, hẹn hò trên ban công (à không, trên nhánh bạch đàng) lại diễn ra như mọi khi.

- Ngài đến muộn!

Lê Hoàn đủng đỉnh nhảy từ cành này qua cành khác, còn thông thả hơn đi trên đất. Rồi ngồi xuống nhánh cây rắn chắc ở gần tôi nhất

- Uhm, có vài chuyện cần xử lý…

Chẳng biết anh đã được ngủ chưa mà mặt mày vẫn nhợt nhạt

- Sao vậy? Thành Tràng An xảy ra chuyện?

- Không, là chuyện nhà…

- Hứ, mấy cô vợ bé nhỏ của ngài đánh ghen à? Hay lũ trẻ có đứa bị ốm?

Tôi thừa nhận mình khá là “chanh”, dẫu sao tôi cũng mang tư tưởng thời đại. Gia đình hạnh phúc phải là một vợ một chồng. Nơi này chuyện đa thê đa thiếp là một lẽ hiển nhiên. Tôi thật sự không mong muốn bước vào cái vòng lẩn quẩn vợ lớn – vợ nhỏ – vợ vừa vừa. Tôi thích anh là một chuyện, còn hôn nhân là chuyện khác, muốn tôi đi tranh giành với đám phụ nữ cổ đại, còn lâu!

Lê Hoàn uể oải tựa vào thân cây, một chân gác lên nhánh cây, một chân thòng xuống nhàn nhã đung đưa

- Ta cũng không biết nữa… dạo này cứ làm sao ấy. Ngọc Lâm hay gắt gỏng, Nghi Lan luôn không vui, Thúy Diệu hễ tí là khóc… bọn trẻ không thích chơi với nhau. Trong phủ rất nặng nề… riết rồi ta không muốn về đó nữa…

Tôi không biết là Lê Hoàn xem tôi như “đồng loại” hay là anh quá ngây thơ cho rằng bàn chuyện vợ con với “tình nhân” là vô cùng hợp lý. Mới có 3 bà và 4 tiểu quỷ đã rối như mớ bòng bong rồi sao? À quên nói tới tứ thiếu gia Lê Long Kính – con của Phương Thúy Diệu cũng đã sinh rồi. Lại thêm một đứa con trai, hình như Lê Hoàn không có XX, chỉ có XY thì phải.

Mặc dù tôi chẳng thích thú gì với đề tài này nhưng thấy anh có vẻ chán chường liền mở lòng làm một chuyên gia tư vấn Tình yêu – hôn nhân – gia đình.

- E hèm… cái này gọi là căng thẳng trong hôn nhân, nguyên nhân có thể xuất phát từ một phía nào đó. Theo như ngài nói thì ba vị phu nhân không ai vui vẻ, như vậy không phải là họ ghen ghét nhau. Nếu ngài chỉ thiên vị một vợ thì cô ta sẽ được nước lên trời, mặt mày phơi phới ra… Như vậy, kết luận lại là do ngài bất trắc. Ngài không thích về phủ tướng vậy cho hỏi tần suất ngài ở lại nhà là bao nhiêu?

Từ ngữ tôi nói dĩ nhiên có vài chỗ Lê Hoàn mờ mịt nhưng anh vẫn hiểu đại khái, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Ta thường ở hậu sảnh phủ Điện tiền chỉ huy sứ trong thành Tràng An. Lúc rỗi sẽ về nhà một lần.

- Như vậy lịch trình thế nào? Ngày chẳn và ngày lẻ à?

- Không, chỉ thỉnh thoảng.

- Xin trả lời rõ hơn, “thỉnh thoáng” này là bao lâu?

- À… nhanh thì 2 -3 tuần, lâu thì vài tháng, nửa năm…

- Hả??? Ngài bỏ nhà bỏ cửa nửa năm sao?

Lê Hoàn nhìn tôi nhíu mày

- Làm gì có chuyện “bỏ nhà bỏ cửa”. Bạc mỗi tháng vẫn đều đặn chuyển về, mọi vật phẩm các nàng và bọn trẻ cần chưa bao giờ chậm trễ… Sổ sách giao cho Ngọc Lâm, sau này Thúy Diệu cũng giúp một chút. Các nàng đều có ăn học, tự tính toán chi tiêu không vấn đề gì. Ta chưa bao giờ để phủ tướng phải túng thiếu!

Tôi đã hiểu ra cái khái niệm “phủ tướng” mà anh nói. Đại khái giống như trang trại nuôi heo. Thức ăn nước uống tới tấp, vỗ béo no tròn. Lâu lâu ông chủ về xem sơ qua tình hình, không con nào bị sụt cận liền vỗ tay tự khen mình giỏi, rồi tiếp tục bỏ mặt đàn heo tự sinh tự diệt!?

Ba người vợ ở trong tòa trang viên lạnh ngắt, chồng biệt tăm biệt tích, tối cũng không về nhà, thử hỏi ai mà chịu nổi. Tôi cũng mủi lòng cảm thương cho những đóa hoa nhài, tưởng đời sung sướng ai dè cắm phải bãi phân trâu! Phát huy tinh thần bảo vệ hội phụ nữ, tôi nghiêm khắc dạy dỗ gã làm chồng không trách nhiệm:

- Lê đại tướng quân! Ngài trên chiến trường giỏi giang như vậy mà chuyện gia đình không biết tí gì. Các phu nhân ngoài vật chất cũng cần tình cảm chứ. Ngài vắng nhà chính là bỏ bê vợ con, họ không vui là phải.

Lê Hoàn mờ mịt phản bác

- Tại sao chứ? Ta đã làm tròn bổ phận, các nàng về nhà họ Lê chưa bao giờ bị ai xem thường, cuộc sống sung túc đầy đủ. Họ muốn con cái, ta cũng cho rồi. Như vậy là toàn vẹn hết mức rồi…

Tôi khẽ lắc đầu

- Nếu em là họ, em cũng không hạnh phúc.

Lê Hoàn sững sốt nhìn tôi, đôi mắt trong veo, đầy nghi vấn mà lẽ ra một vị lãnh tướng không nên có. Sau một hồi im lặng, tôi nghe anh nói:

- Không đâu… nàng không giống họ. Nghi Lan, Ngọc Lâm, Thúy Diệu… các nàng đều cần sự che chở của ta, có thể sống an lành dưới danh phận Lê phu nhân. Ta không bạc đãi, luôn chiều chuộng, ta cho họ những đứa con và sẵn sàng nuôi dưỡng bọn trẻ. Đó là những nữ nhân ta mang ơn, ta phải lấy thân báo đáp mới trả hết ân nghĩa… Còn nàng, Kiều Nga. Ta không nợ nàng điều gì cả, dù rằng ta rất muốn mang một ân huệ nào đó. Nàng sống tự do, không cần nép dưới cánh tay ta, cũng vì thế mà ta không thể nắm bắt, không thể khống chế. Phú quý nàng không thiếu, địa vị nàng có thừa… ta chỉ thấy mình bất lực. Đàn ông chỉ có hai chí hướng là thành gia, lập nghiệp. Nữ nhân của ta, không ai được phép làm tổn thương, ta sẽ bảo vệ các nàng bằng tất cả sức mạnh. Đất nước của ta, cũng không kẻ nào được phép xâm phạm hoàng triều, xúc phạm hoàng đế. Bờ cõi này, một tấc đất cũng không ai được chiếm! Dường như mọi thứ ta đều có thể nắm trong nay, chỉ riêng nàng! Với mọi người, ta luôn là kẻ cho, còn với nàng ta luôn là người nhận. Có lẽ đó là thứ duyên phận diệu kì mà hồng trần ngợi ca. Cái ngày cùng Nam Việt Vương đến Nga My, ta vốn dĩ chẳng để ý tới. Lúc Hoàng hậu và vương gia tranh cãi, ta chỉ thuận miệng nói chi bằng để nàng đi ngựa. Ai ngờ nàng vừa nghe đã mặt mày hớn hở, tự động tìm tới Phong. Thật ra ta định xuống đổi con ngựa. Nhưng nào ngờ nàng đến gần, sờ lông nó, vỗ yên nó mà nó cứ đứng im. Ta thấy lạ cũng muốn thử một phèn, bế nàng lên lưng nó, nó cũng không giẫy giụa. Ta đem theo một cảm giác kinh ngạc mà đưa nàng về Hoa Lư. Nàng suốt dọc đường nhìn trái nhìn phải, lúc nào mắt cũng sáng ngời. Khi mỏi lưng còn tùy tiện dựa vào người ta. Đến cung Chính Nghiêm nàng đòi tự mình xuống, nói thật ta rất khó hiểu. Cưỡi trên người Phong thì chưa từng nhưng cưỡi trên con ngựa khác thì ta đã từng đưa Nghi Lan và Ngọc Lâm đi. Các nàng ấy luôn mong ta bế xuống… họ thích được nâng niu như vậy… Kiều Nga, vì sao nàng lại tự nhảy xuống? Lúc đó ta rất muốn được ôm nàng xuống kia mà!

Một câu chuyện thật dài…

Tôi hoài nghi không biết anh có từng nói liên tục nhiều lời lẽ như vậy chưa.

Trái tim tôi bị anh làm mềm nhũng. Lê Hoàn là người đàn ông phong kiến, anh có những quan niệm riêng về chí làm trai, anh có lòng cao ngạo hiếm ai sánh bằng, xem trọng trách nhiệm với gia đình và quê hương.

Nhưng bên cạnh một Lê Hoàn như thế còn có một Lê Hoàn chân thành và giản dị trong tình yêu, một chút ngây ngô lẫn ngờ nghệch.

Lê Đại Hành với những âm mưu và thủ đoạn, người anh hùng rong ruổi và trưởng thành từ chốn sa trường, đi dọc bờ cõi nước non, đánh Bắc phạt Nam… vị hoàng đế huyền thoại của lịch sử đất nước… anh được nhắc tới với những chiến tích oanh liệt như vậy. Nhưng hiện tại, tôi đã phát hiện một bộ mặt khác của Lê Hoàn. Có lẽ anh chưa thực sự hiểu tình yêu là gì, nhưng lại vô thức trao nó cho một người con gái.

Cuối cùng tôi đã tìm ra câu trả lời.

Tôi – Trần Thị Vân Nga – từ thế kỉ 21 xa xôi về đến đây là để gặp và yêu người đàn ông trong định mệnh!
Chương trước Chương tiếp
Loading...