Lá Cờ Ma

Chương 9: Bí mật ẩn sâu dưới lòng đất



Trở về tòa soạn, tôi bắt tay ngay vào viết bài, ý văn ào ạt xuất hiện. Tôi kể lại tỉ mỉ lịch sử “khu ba tầng”, tất nhiên sự thật đã bị tôi thay hình đổi dạng: bốn anh em nhà họ Tôn trở thành người sưu tập lá cờ và vác nó đi diễu phố mọi lúc mọi nơi; bậc đại học giả Chung Thư Đồng là chứng nhân lịch sử, đã từng mục sở thị bốn anh em nhà họ Tôn mà người đời cứ ngỡ là người nước ngoài vẫy một lá cờ vào đúng thời điểm quân Nhật ném bom oanh tạc; máy bay quân Nhật cho rằng đó là những người ngoại quốc vẫy lá cờ nước ngoài nên họ tránh không ném bom, nhờ vậy “khu ba tầng” được bảo vệ vẹn nguyên trong bom đạn như một huyền thoại.

Bởi có quá nhiều chi tiết tôi không thể đề cập đến nên bài viết của tôi thiếu sức hấp dẫn, may mà sự kiện “khu ba tầng” may mắn thoát nạn trong mưa bom bão đạn một cách li kì bản thân nó khá có sức hút, nhờ thế mà bài viết của tôi cũng khiến độc giả có thể chấp nhận được. Lẽ dĩ nhiên là nó không thể làm thỏa mãn lòng kì vọng của sếp Lam, vì thế tôi chẳng hề nghe thấy anh ta nhắc đến chuyện thưởng này thưởng nọ như anh ta vẫn nói.

Bác Chung Thư Đồng đồng ý sẽ không căn vặn tôi. Tôi cũng không lo lắng những người thấu tỏ sự tình như ông lão Dương Thiết và bác Phó Tích Đệ sẽ ra mặt nói rằng tôi đăng tin giả. Mà giả sử các bác ấy nghĩ thế thì tôi e, người đầu tiên ngăn cản hành động của họ chính là đám con cháu. Tôi tin chắc, không một người bình thường nào có thể tin lời các bác ấy, độc giả sẽ tin những điều tôi viết trong bài báo là gần với sự thật nhất.

Có một lá cờ ma ư? Ai tin được?

Nhiệm vụ mà sếp Lam giao phó coi như đã hoàn thành, nhưng công cuộc điều tra về “khu ba tầng” thì chỉ mới bắt đầu. Không chỉ vì tôi hứa với bác Chung Thư Đồng mà còn vì một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là mỗi khi trí tò mò bị kích thích, tôi không bao giờ dễ dàng bỏ cuộc khi chưa làm rõ sự thật.

Bởi thế tôi quyết định buổi chiều hôm tòa soạn ra số báo có đăng bài viết của tôi về “khu ba tầng”, tôi sẽ trở lại tòa nhà ba tầng trung tâm một lần nữa, ghé thăm người dở dại dở điên là bác Tiền Lục. Mặc dù bác Chung Thư Đồng đã nói, tôi không thể hỏi được điều gì, nhưng chỉ cần có một tia hi vọng tìm ra một chút manh mối nào đó, tôi sẽ không dễ dàng đầu hàng.

Tôi định bụng như thế thì buổi tối nhận được điện thoại của mẹ, mẹ bảo gần đây sức khỏe của bố mẹ đều kém đi, mẹ mong tôi có thể tới chùa Long Hoa thắp hương cầu phúc cho bố mẹ. Mẹ tôi vốn là người tín Phật.

Tôi đứng bên ngoài đại điện Bảo Hùng châm hương rồi bước vào trong điện, tới trước tượng Phật Tổ Như Lai bái lạy. Tuy tôi không phải là Phật Tử, nhưng tôi đứng trước Phật đài để cầu phúc cho bố mẹ nên tôi nghĩ, phải thật cung kính và chí tâm chí thành cầu nguyện.

Lúc ra khỏi chùa, đang đi tới tiền viện, tôi bất ngờ trông thấy một người làm tôi sững sờ. Nhưng người ấy đã mỉm cười và lên tiếng gọi tôi.

“Na Đa”.

Tôi vốn không có ý làm phiền vị trụ trì trẻ tuổi của chùa Long Hoa, không ngờ lại vừa hay gặp mặt.

“Tới đây rồi thì qua phòng thầy uống chén trà nhạt đã”, sư thầy Minh Huệ cười nói.

Sư thầy Minh Huệ mời tôi vào ngồi trong gian tiếp khách ngay cạnh phòng phương trượng. Đây không phải lần đầu tiên tôi tới gian phòng sáng sủa này.

Nguồn ebook:

Tôi quen biết sư thầy Minh Huệ cũng là do công việc. Tuy tôi vẫn luôn nói mình là một phóng viên không có mối dây liên hệ nào, nhưng trên thực tế vẫn có một mối dây liên hệ, ấy là Ban Tôn giáo thành phố. Có điều, mối dây liên hệ này có hay không có cũng thế cả, vì tòa soạn có không ít quy định về vấn đề tôn giáo nên dường như cả năm không có tin bài liên quan, mà dẫu có cũng là những tin bài thống nhất đăng tải được duyệt đi duyệt lại nhiều lần, cứ sao chép lại cũng được. Hồi đầu, khi mới tiếp nhận mối dây liên hệ này, tôi vẫn thật thà tới phỏng vấn các mắt xích trên sợi dây đó. Tôi không những được chụp ảnh với các vị lãnh đạo của Ban Tôn giáo thành phố mà còn được coi là người nhà của nhiều chùa, miếu và nhà thờ lớn ở Thượng Hải. Tôi đã quen sư thầy Minh Huệ trong hoàn cảnh đó. Chúng tôi nói chuyện khá hợp nhau nên về sau cũng hay đi lại, thỉnh thoảng đi qua chùa Long Hoa, tôi qua chỗ sư thầy ngồi chơi. Những người tu hành tuổi dưới bốn mươi thường rất khó trở thành người đứng đầu của một ngôi chùa hay nhà thờ lớn, tuy những năm gần đây có xu hướng trẻ hóa lãnh đạo, nhưng trở thành trụ trì một ngôi chùa lớn ở tuổi ba mươi lăm như sư thầy Minh Huệ thật sự không có nhiều.

“Biết là thầy bận nên con không có ý định làm phiền tới thầy”. Tôi nói lời thực từ đáy lòng, vì tôi biết trụ trì một ngôi chùa lớn như chùa Long Hoa có tới trăm công nghìn việc phải nhọc tâm, ngay một chút thời gian tĩnh tâm để nghiên cứu Phật pháp cũng không có nhiều, nói chi đến uống trà.

Sư thầy Minh Huệ mỉm cười: “Cũng bởi bận bịu suốt nên gặp con thầy mới có lý do để dừng lại uống trà đấy. Có điều, tuy nói là thầy bận nhưng thầy lại thấy con có việc đấy, vì thế mới không có lòng nào ngồi uống trà với thầy chứ”.

Tôi cười, sư thầy Minh Huệ nói cũng đúng.

Trong lúc uống trà, tôi kể qua câu chuyện về “khu ba tầng” với sư thầy Minh Huệ. Những người tôi có thể chia sẻ câu chuyện dị thường này có lẽ không nhiều và sư thầy Minh Huệ là một trong số những người hiếm hoi đó. Hoàn cảnh và địa vị của sư thầy khiến nhãn giới và tư tưởng của sư thầy khác hẳn với những người thường.

“Ồ, chuyện này đúng là một kì án đang còn dang dở đấy, khi nào con điều tra có kết quả, đừng quên tới đây uống trà với thầy lần nữa nhé”, sư thầy Minh Huệ tràn trề cảm hứng với câu chuyện.

Tôi nhận lời và bất giác nhớ tới một chuyện. Tuy sư thầy Minh Huệ chưa chắc đã biết nhưng gặp rồi thì cứ thử hỏi xem sao.

“À đúng rồi, thầy có biết một người tên là Viên Thông không ạ?”

“Viên Thông à?”

“Con tiện thì bạch thầy thế thôi. Ông ấy là khách cũ của ‘khu ba tầng’, hiện nay đã hoàn tục rồi. Viên Thông là pháp danh của ông ấy từ hơn 60 năm trước, khi chưa hoàn tục”.

Sư thầy Minh Huệ tỏ vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi: “Nếu quả đúng là ông ấy thì con người này là một nhân vật không tầm thường đâu đấy”.

“Ồ, vậy hả thầy?”, tôi khấp khởi mừng thầm, vội vã dỏng tai lên nghe.

“Khoảng 70 năm về trước, trong chùa Ngọc Phật có một tăng nhân tên là Viên Thông”.

“Chuyện qua lâu như vậy làm sao mà thầy biết được, không lẽ khả năng thiên phú của thầy đã đạt tới trình độ cao siêu đó rồi ạ?” Tôi mỉm cười hỏi. Sư thầy Minh Huệ được mệnh danh là thiên tài trong giới Phật học, tuy còn trẻ tuổi nhưng đã cực kì tinh thông giáo lý nhà Phật, ngộ tính rất cao, nếu không sư thầy đã không ngồi ở ngôi cao như bây giờ.

“Khà khà, so với Viên Thông, thầy chẳng thấm vào đâu. Năm mười hai tuổi Viên Thông đã thuộc làu Phật điển trong chùa, năm mười bốn tuổi được phương trượng vinh danh là Đệ nhất Phật pháp chùa Ngọc Phật, năm mười bảy tuổi, tại Đại hội Phật giáo được tổ chức tại Ngũ Đài Sơn, Viên Thông tỏ rõ tài năng hơn người. Các vị cao tăng tham gia Đại hội đều hết lời khen ngợi Viên Thông, tán xưng Viên Thông là tăng nhân có Phật pháp cao nhất thời đó. Không những thế, Viên Thông còn có một khả năng siêu phàm”.

“Ồ”, thật không ngờ ông lão Tô Miễn Tài năm xưa lại nổi danh thiên hạ đến thế. Cũng đúng thôi, ba người mà bốn anh em nhà họ Tôn mời về hẳn nhiên là những bậc kì tài xuất chúng, có điều tôi không biết ông lão Trương Khinh có tiểu sử thế nào. Còn nữa, bốn anh em nhà họ Tôn mời một cao tăng trẻ tuổi như Viên Thông với mục đích gì?

Trong lúc tôi băn khoăn với những câu hỏi trong đầu thì sư thầy Minh Huệ đã tiếp tục và thắc mắc của tôi từ từ được giải đáp theo lời kể của ngài.

“Khả năng siêu phàm đó là biểu hiện cao nhất của Phật tính trong con người Viên Thông. Người ta kể lại rằng, khi Viên Thông ngồi tham thiền nhập định tới tầng sâu nhất, vị cao tăng này có thể giao lưu với chư Phật, không những tinh tấn giáo lý nhà Phật mà còn có thể tiên đoán một số sự việc”.

“Tiên đoán một số sự việc ư?” Ra là thế. Bốn anh em nhà họ Tôn mời Viên Thông tới ở trong “khu ba tầng” đương nhiên không phải vì muốn cùng bậc cao tăng đàm đạo Phật pháp, mà rõ ràng là vì họ có việc cần tới khả năng tiên đoán của ngài. Có điều, tại sao một vị cao tăng có Phật pháp cao nhất một thời cuối cùng lại hoàn tục, không biết năm đó ngài ấy đã tiên đoán được điều gì?

Qua cuộc trò chuyện với sư thầy Minh Huệ, tôi biết được thân phận thật sự của Tô lão tiên sinh Tô Miễn Tài. Buổi chiều, tôi tới tòa nhà trung tâm và thay đổi ý định ban đầu, tôi lên tầng ba, gõ cửa nhà bác Tô Miễn Tài trước.

Bác Tô Miễn Tài mở cửa, trông thấy tôi, bác ngỡ ngàng một lúc, nhưng bác vẫn lịch thiệp mời tôi vào trong phòng.

“Cháu chào bác ạ, cháu đã tới thăm bác Chung Thư Đồng, bác ấy có kể cho cháu nghe về mối quan hệ của bác ấy với bốn anh em nhà họ Tôn năm xưa và bảo, bản thân bác ấy rất muốn biết sự thật của câu chuyện ngày ấy, cháu cũng rất hiếu kì, vì thế, hôm nay cháu lại tới làm phiền bác”.

“Ồ…”, bác Tô Miễn Tài trầm ngâm không nói.

“Đại sư Viên Thông, phong thái của ngài trong Đại hội Phật giáo tại Ngũ Đài Sơn năm xưa khiến cho các bậc tiền bối trong giới Phật học tới tận bây giờ vẫn còn thở dài tiếc nuối khôn nguôi”, tôi nói thẳng tuột thân phận của người đứng trước mặt rồi thôi không cất lời nữa.

“Không ngờ tới tận bây giờ vẫn còn có người nhớ tới tôi”, gương mặt ông lão Tô Miễn Tài lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Có lẽ, ông lão không sao tưởng tượng nổi, chỉ sau mấy ngày, tôi đã biết được nhiều sự thật như thế.

“Việc ngài bất ngờ hoàn tục khiến không biết bao nhiêu vị cao tăng đại đức phải ngậm ngùi tiếc nuối”. Tôi không hề đả động tới chuyện bốn anh em nhà họ Tôn hay lá cờ ma, mà chọn chủ đề này trước, vì nếu tôi đoán không nhầm thì việc đại sư Viên Thông hoàn tục chắc chắn có liên quan tới bốn anh em nhà họ Tôn, hoặc chủ đề này có lẽ là một điểm đột phá tốt hơn hai chủ đề kia.

Ông lão Tô Miễn Tài khép hờ đôi mắt, thở dài: “Sáu mươi bảy năm về trước, cõi lòng tôi đã vương bụi trần tục, bao nhiêu ngày tháng qua, không một giây phút nào tôi không phản tỉnh về sai lầm của mình năm xưa, những mong có thể gột rửa thật sạch tâm hồn mình”.

Điểm đột phá đã mở, ông lão Tô Miễn Tài thôi không giữ bí mật nữa, kể cho tôi nghe tất cả những điều ông biết.

Đầu năm năm 1937, bốn anh em nhà họ Tôn tới chùa Ngọc Phật gặp riêng nhà sư Viên Thông. Bốn anh em bày tỏ nguyện vọng có thể thỉnh mời cao tăng Viên Thông tới “khu ba tầng” tu hành một năm, để báo đáp ân tình của ngài, họ nguyện công đức tiền đúc tượng Phật bằng vàng trong chùa và trùng tu lại chùa.

Đó là một việc làm đại công đức, hơn nữa bản thân nhà sư Viên Thông cho rằng, tu trì ở nơi nào cũng như nhau nên ngài nhận lời sau khi xin ý kiến của phương trượng.

Sau khi Đại sư Viên Thông tới sống trong “khu ba tầng”, bốn anh em nhà họ Tôn hi vọng đại sư mỗi ngày có thể ngồi trong phòng thiền định một lần và thông báo với họ dự cảm trong ngày của đại sư. Với Đại sư Viên Thông, tham thiền nhập định là việc phải làm mỗi ngày, bởi thế ngài hoàn toàn đồng ý với lời đề nghị này. Từ đó, mỗi ngày bốn anh em nhà họ Tôn đều cử một người tới thăm viếng Đại sư Viên Thông, hỏi ngài tình hình nhập định trong ngày, để biết ngài có dự cảm gì hay không.

Đại sư Viên Thông không có bất kì yêu cầu nào đối với việc ăn ở hàng ngày. Thời gian cứ thế trôi, Đại sư Viên Thông ngồi trong phòng tu hành, so với lúc ở trong chùa Ngọc Phật, ngài chỉ thấy mình thay đổi chốn nương thân mà không có bất kể sự khác biệt nào trong việc tu hành Phật pháp.

Tuy Đại sư Viên Thông mang theo tâm thái đó tới ở và tu hành trong “khu ba tầng” nhưng ngài nhận ra, dự cảm của mình sau mỗi lúc nhập định ngày một ít dần. Ở nơi này dường như có một thứ gì đó khiến ngài không thể dễ dàng tham thiền nhập định tới tầng sâu nhất giống như ở trong chùa Ngọc Phật lúc trước, hoặc giả có một sức mạnh nào đó chi phối sự giao lưu của ngài với những sự vật chưa được biết trong thế giới Âu Minh.

Lâu dần, ngài cảm nhận sức mạnh ngăn trở sự giao lưu của ngài xuất phát từ mảnh đất nơi ngài đang gửi mỉnh. Một đôi lần, sau khi nhập định, ngài mơ hồ cảm nhận, dưới lòng đất có một thứ gì đó khiến ngài run sợ.

Khi ngài chia sẻ cảm nhận với bốn anh em nhà họ Tôn, bốn anh em không có biểu hiện bất ngờ nào, họ chỉ hỏi ngài về cảm nhận cụ thể của ngài, nhưng ngay cả bản thân ngài cũng cảm thấy, dự cảm ấy rất mờ mịt.
Chương trước Chương tiếp
Loading...