Lá Thư Không Gửi

Chương 3-1



Buổi chiều hôm ấy là một chiều đẹp trời. Đã bước sang tháng năm, những cơn gió không còn lạnh nữa nhưng cái nóng của mùa hè vẫn chưa kịp bao phủ không gian. Thời tiết khá dễ chịu. Nơi phòng học của mình, thằng Quang đang hỳ hục giải mấy đề tiếng anh trong quyển sách luyện thi đại học. Bên cạnh nó cái quạt máy được bật số nhẹ nhất đang chậm rãi quay đều đều.

Mấy hôm nay tuy lấn cấn về chuyện lá thư nhưng thằng Quang biết phân biệt nặng nhẹ, biết chuyện nào quan trọng hơn chuyện nào. Với nó bây giờ quan trọng nhất là hai kỳ thi sắp tới đặc biệt là thi đại học, năm nay nghe nói thi tốt nghiệp sẽ khó khăn nhưng tốt nghiệp vẫn là tốt nghiệp, kiểu gì chẳng qua, chủ yếu là thi đại học kìa. Còn chuyện lá thư dù có khó nhưng không gửi nay thì gửi mai, nó đã tính đến cả trường hợp xấu nhất rồi mà. Cứ để đấy đã. Vả lại không để đấy cũng đâu biết làm sao.

Thằng Quang đặt bút xuống bàn khẽ vươn vai, nhìn đồng hồ đã gần bốn giờ. Nó đứng dậy định lên nhà uống cốc nước, chợt nghe tiếng dép loẹt quẹt ngoài sân; ngoảnh ra cổng nó thấy thằng Toản đang phờ phạc đi vào. Thằng Toản là bạn chí thân của thằng Quang, sinh cùng năm với nó, nhà ở sát đường, cách nhà thằng Quang khoảng hơn hai chục mét. Hai thằng học cùng lớp từ nhỏ; suốt hồi cấp một, cấp hai chẳng khi nào thằng Quang đi học mà thiếu thằng Toản và ngược lại. Nhưng đến trung học phổ thông do mỗi đứa thi một khối khác nhau nên không tiếp tục học chung được, thằng Quang thi khối D nên vào A4, thằng Toản học khối A nên vào A8. Giống thằng Quang, dạo này thằng Toản đang cày ghê lắm. Trước kia cứ chiều đến, thằng Toản lại xuống nhà thằng Quang rồi hai thằng chạy ra bờ sông đá bóng đến gần sáu giờ mới về cơm nước, nhưng mấy tháng gần đây chuyện đó không còn xảy ra, thằng nào thằng nấy cắm đầu vào ôn thi. Hôm nay chẳng hiểu sao thằng Toản lại ủ rũ dẫn xác xuống. Nó bước vào đặt mông lên bàn học của thằng Quang, nói với vẻ mệt mỏi:

- Ra sông đá bóng đi mày, học mãi mệt quá, xả hơi tí, tối về cày tiếp.

Nghe vậy, tự nhiên thằng Quang thấy… hơi mệt và ngứa ngáy tay chân, mấy tháng nay nó và thằng Toản không được sờ vào quả bóng. Hôm nay chắc oải quá, thằng bạn mới xuống rủ nó đi chơi. Nhìn xuống quyển sách, nó tặc lưỡi:

- Ừ đi, tối về ôn tiếp.

Nhưng thằng Quang vừa thu dọn sách vở xong, dợm đứng lên thì tiếng mẹ nó từ trên nhà vọng xuống:

- Thằng Quang xuống chợ Xuân La mua cho mẹ bó rau, chiều hết rau ăn rồi.

Thằng Toản nghe vậy liền nhìn thằng Quang nhún vai sau đó chạy thẳng ra cổng. Thằng mất dạy, vừa nãy rõ ràng nó lù đà lù đù bây giờ lại chạy nhanh thế, có ai nhờ nó đi hộ đâu. Thằng Quang vừa nghiến răng chửi theo cái bóng xa dần của thằng bạn, vừa ủ rũ dắt xe máy ra sân.

Trước giờ, đi chợ vốn là việc độc quyền của mẹ nó. Nhà toàn đàn ông nên mẹ nó chẳng biết nhờ ai, cũng không thèm nhờ. Mẹ nó bảo đàn ông không biết gì vào chợ dễ bị lừa, đã mua đắt lại dễ dính đồ lởm, nên mẹ nó không bao giờ nhường việc đi chợ cho ai. Khổ nỗi hôm kia đi làm về lúc lái con su-pơ cúp vào cổng chẳng biết vòng xe kiểu gì, chắc vòng sát quá hay sao đó, bàn chân phải mẹ nó va vào cổng chảy bao nhiêu máu, móng chân út còn suýt bung ra. Nên hai hôm nay mẹ thằng Quang phải nghỉ làm, ở nhà, chợ búa không đi được, toàn phải nhờ mấy bà chủ hàng đưa đồ đến tận nơi hoặc gửi người quen đi chợ mang về hộ. Chỉ có rau cỏ vẫn phải đi mua, mẹ nó bảo rau trên chợ xã nó không ngon nên trước giờ toàn chờ đến chiều xuống chợ Xuân La mua của mối quen. Giờ mẹ thằng Quang đau chân bởi thế việc rau cỏ giao cho nó như một lẽ dĩ nhiên, chợ Xuân La khá xa đâu thể bảo người ta mang lên hay gửi ai được. May là mẹ nó đã điện thoại cho mối quen dặn kỹ rồi, thằng Quang chỉ việc xuống lấy rau rồi trả tiền chứ không phải chọn lựa gì cả, chứ không chắc nó đem về toàn rau dại mất.

Thằng Quang phóng ào xuống chợ trong lòng vẫn nghĩ đi ù cái xong về ra bờ sông đá bóng với bọn thằng Toản. Nhưng cuộc đời không ai nói trước được chữ ngờ. Quang không biết rằng chỉ mấy phút sau, nó lại muốn chuyến đi hôm nay kéo dài thật dài và nó chẳng còn nhớ gì đến đám bạn đang quần nhau ngoài sông.
Chương trước Chương tiếp
Loading...