Làm Dâu Nhà Hội Đồng

Chương 54



Tôi không biết mình đã thiếp đi bao lâu, cũng không biết trong thời gian đó xảy ra những chuyện gì, tôi chỉ biết lúc tôi tỉnh lại… cậu Cả vẫn còn bên cạnh!

Trời bên ngoài mưa rất lớn, cậu Cả nắm chặt lấy tay tôi, giọng cậu khàn đi:

– Em thấy sao rồi, có thấy đói bụng hay là khát nước gì không?

Tôi nhìn cậu, khẽ lắc đầu:

– Không, em không đói…

Cậu lại gấp gáp hỏi:

– Vậy em có thấy mệt mỏi ở đâu không? Cậu kêu thầy Đồ tới bắt mạch cho em nghen?

Vốn là định lắc đầu nhưng nghĩ lại cũng thấy lo lo nên tôi mới gật đầu đồng ý. Sau khi thầy Đồ khám xong, ông ấy bảo tôi suy nhược cơ thể rồi kê thuốc cho tôi uống chứ cũng không có bệnh gì nguy hiểm. Tôi cũng biết rõ bản thân mình không bệnh nhưng để làm cho cậu Cả và cho cả tôi yên tâm, cứ để thầy Đồ bắt mạch cho an toàn.

Khám xong, bé Thảo bưng lên một chén cháo nóng hổi thơm phức, cậu Cả đỡ tôi ngồi dậy, cậu kê cái gối sau lưng cho tôi, vừa thổi cháo nóng, cậu vừa nói:

– Em ăn một chút đi, mấy bữa rồi em không có cái gì trong bụng hết.

Tôi nhìn cậu, có hơi ngạc nhiên, khẽ hỏi:

– Mấy bữa rồi? Bộ em ngủ lâu lung hả cậu?

Cậu Cả đút một muỗng cháo, cậu gật gù:

– Ờ… hai ngày hai đêm rồi.

Hai ngày hai đêm… sao tôi có thể ngủ lâu đến như vậy nhỉ?

Thấy tôi cứ ngẩn người ra nhìn, cậu lèm bèm:

– Em ăn cái gì vào bụng trước đi rồi nghĩ tiếp, không ăn không uống chi hết… sống sao đặng.

Mặc dù có hơi kinh ngạc về khả năng ngủ phi thường của tôi nhưng tôi vẫn không gấp gáp hỏi ngay, đợi cho cậu Cả đút hết chén cháo, ăn xong xuôi, tôi mới hỏi:

– Bộ em ngủ lâu vậy thiệt hả cậu?

Cậu Cả ngồi bên cạnh lau tay cho tôi, cậu thở dài, nói:

– Ừ, cậu cũng hết hồn nhưng không biết làm sao cho em tỉnh dậy, em mà ngủ lâu thêm chút nữa là cậu đưa em đi nhà thương rồi.

Tôi có hơi hoang mang nhẹ một chút, trong đầu thầm nhớ lại những chuyện trước đó. Tôi nhớ, sau khi tôi bước ra khỏi đình nghỉ mát, tôi chạy tới ôm cậu Cả rồi đột nhiên có một thứ gì đó như là điện giật thẳng vào tim tôi khiến cho tôi cứng người rồi cứ như thế mơ màng thiếp đi không còn biết gì cả. Mà trong thời gian tôi thiếp đi đó, tôi cũng không thấy gì hay là nghe được gì ngoài mơ mơ màng màng nhớ lại những hình ảnh ký ức rời rạc. Tôi nhớ lại tôi của thời hiện đại và cả tôi ở thời này, rất nhiều hình ảnh tua đi tua lại như nhắc tôi phải nhớ, không được quên.

– Út Quân, bộ có chuyện gì sao em?

Nghe cậu Cả hỏi, tôi mím môi trả lời:

– Cũng không có gì, em chỉ là thấy hơi lạ thôi, không biết tại sao em lại ngủ nhiều như vậy, em cứ tưởng… em không còn gặp lại cậu nữa rồi.

Cậu Cả nhíu mày, thần sắc cậu thay đổi:

– Nói hươu nói vượn gì nữa vậy, thầy Đồ nói em không sao… sức khỏe em hơi yếu nên xỉu thôi. Bữa em xỉu trên tay cậu, tim cậu như muốn rớt ra ngoài, cũng hên là thầy Đồ chẩn mạch thấy không có gì đáng lo. Em đó, chuyện gì thì chuyện, phải lo cho sức khỏe của em trước, nhọc công chuyện của người khác rồi làm khổ mình.

Tôi bĩu môi:

– Ý cậu nói là em lo cho chuyện của mụ Dung quá mức đó hả?

– Em còn phải nói, mà cũng tại cậu quên nghĩ cho em, thả cho em muốn làm chi thì làm nên em mới kiệt sức tới như vậy. Thôi, không có lần sau đâu, cậu không để em một mình tự tung tự tác nữa đâu.

Tôi nhìn cậu, lại thấy lời cậu nói cũng đúng, chắc là do tôi kiệt sức thật nên mới xảy ra chuyện lạ lùng như thế. Từ lúc Kim Chi chết, tôi có đêm nào ngủ ngon, ngày nào là ăn ngon đâu. Giải quyết xong chuyện của Kim Chi lại tới Bích Hà và mụ Dung, nhiều chuyện dồn dập quá cộng thêm ức chế dồn nén, mãi tới khi mụ Dung chịu nhận tội, tôi mới coi như nhẹ được hai vai. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn thấy có gì đó lạ lạ, cái dòng điện chạy qua người tôi lúc đó… không phải là do tôi hoang tưởng mà tưởng tượng ra đâu, rõ ràng là có thật, tôi cảm nhận đuợc mà.

Ngước lên thấy cậu Cả đang chăm chú lo lắng nhìn tôi, bao nhiêu lời thắc mắc muốn nói ra đều như nước bọt mà nuốt hết vào trong lại. Tôi ngủ hai ngày hai đêm thì tức là cậu Cả hai ngày hai đêm không được chợp mắt vì lo cho tôi. Đằng nào thì giờ tôi cũng tỉnh dậy được, lại không có chuyện gì xảy ra, tốt nhất đừng nói gì làm cho cậu thêm lo lắng. Nhìn gương mặt bơ phờ của cậu, cộng thêm hai quầng mắt thâm đen, nhìn sơ thôi cũng đủ biết là cậu đã mệt lắm rồi. Thôi, chuyện gì qua rồi thì thôi, miễn tôi không sao là được, thắc mắc nhiều cũng có câu trả lời chính xác đâu. Cơ bản tôi đến được đây đã là một chuyện kỳ quái rồi, chắc chẳng còn chuyện nào kỳ quái hơn chuyện này nữa đâu.

……………………..

Sau khi tôi tỉnh dậy thì đến phiên cậu Cả ngủ, cậu ngủ phải gần một ngày, ngủ như là ngủ bù của những ngày không ngủ trước đó. Khó khăn lắm cậu Cả mới được ngủ yên giấc, tôi dặn dò người làm đi nhẹ nói khẽ, tránh làm phiền đến giấc ngủ của cậu.

Đến trưa, bên nhà dì Nguyệt có người chạy qua báo tin… mụ Dung bên đó đã chết. Lúc tôi nghe tin thì ngoài thấy hơi ngạc nhiên ra, tôi hoàn toàn không có lấy một chút thương xót. Bé Nhỏ kể lại, sau khi tôi ngất đi, mụ Dung vẫn bị giữ ở lại ngoài đình nghỉ mát. Cả đêm đó không sao, đến gần sáng, mụ ta tự dưng phát điên la hét kêu khóc rồi nhảy ùm xuống sông. Mặc dù cứu được nhưng vì trời tối, mụ ta cơ hồ cũng bị uống kha khá nước dưới sông. Cứu được mạng, mụ ta sống lay lắt hai ngày, đến ngày hôm nay cuối cùng cũng không trụ nổi nữa.

Người làm bên nhà dì Nguyệt vừa nhìn tôi vừa sợ sệt nói:

– Mợ Cả, có chuyện này… trước lúc mà bà nhỏ chết… con nghe rõ mồn một bà nhỏ khóc kể van xin ai á… Mà con áp tai nghe kỹ thị nghe bà kêu tên mợ quá chừng…

Tôi cau mày, hỏi:

– Kêu mợ rồi có nói chi nữa không?

Người kia gật đầu:

– Vừa kêu vừa khóc lóc từa lưa hết á mợ, còn nói cái chi mà không cố ý… nói quá trời một hồi rồi mới tắt thở chết…

– Mà lạ lung lắm, bà nhỏ chết le lưỡi, mặt mày tím tái… giống như bị ai bóp cổ tới chết vậy đó mợ…

Tôi gật gù, mụ Dung làm nhiều chuyện ác quá, đây là cái giá mà mụ ta phải trả. Mụ ta gϊếŧ Út Quân, gϊếŧ Kim Chi, lấy mạng oan uổng của hai cô gái trẻ, tôi thấy mụ ta chết như vậy đã là quá nhẹ nhàng rồi. Cũng vì sự ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân mình mà mụ ta nhẫn tâm gϊếŧ tới hai mạng người. Thương nhất là Út Quân, cô ấy vốn còn chẳng biết vì sao mình chết và chết vì điều gì. Mụ Dung chết le lưỡi như bị ai bóp ngạt… âu cũng đáng đời mụ ta!

Người làm kia vẫn còn đứng nhìn tôi, thấy vậy, tôi mới hỏi:

– Còn chuyện gì nữa hả?

Người kia cúi đầu cung kính nói:

– Dạ mợ, Bà Lớn biểu con hỏi mợ… xác của bà nhỏ… chôn hay là hoả thiêu?

Tôi suy nghĩ một chút rồi mới trả lời:

– Thiêu đi, thiêu xong lấy tro cốt rãi sông, người làm nhiều chuyện ác quá không nên để lại gì ở trần gian này hết.

– Dạ con biết rồi mợ.

Đợi người kia đi rồi, bé Nhỏ mới nói với tôi:

– Mợ… có chuyện này… con thiệt muốn hỏi mợ…

Tôi ngước lên nhìn con bé, tôi cười nhẹ:

– Em hỏi đi.

Bé Nhỏ lúng túng, nó ú ớ nửa ngày mới hỏi được một câu:

– Mợ… mợ có phải… cô Út Quân… cô Út…

Thấy con bé ăn nói loạn xì ngầu hết lên, tôi liền tranh nói:

– Ý em có phải muốn hỏi… mợ có phải là cô Út Quân không… có đúng không?

Bé Nhỏ cau mày, thần sắc nghiêm túc, nó gật đầu chắc nịch. Tôi nhìn nó, cũng không thấy lo lắng hay sợ hãi gì, tôi khẽ hỏi:

– Nếu mợ không phải là Út Quân… em có sợ mợ hay không?

Bé Nhỏ nhìn tôi, ánh mắt nó dao động qua lại một hồi rồi mới nghiêm túc trả lời:

– Dạ… em không sợ, em chỉ tò mò thôi chớ em thiệt lòng không sợ…

Dừng một lát, con bé nói tiếp:

– Hôm bữa khuya ở ngoài đình mát, em nghe bà nhỏ nói chuyện với mợ, em sợ lung lắm nhưng mà em nghĩ kỹ rồi, mợ hiền khô hà còn thương người nữa, có cái chi đâu mà sợ. So với trước kia, em thích mợ của bây chừ nhiều hơn. Em cũng hông biết là có chuyện chi xảy ra nhưng phận tôi tớ, em hông có quyền nhiều chuyện chuyện riêng của mợ. Em chỉ biết mợ tốt với em là được rồi, coi như em biết thì để bụng, chết mang theo, vậy á mợ.

Tôi nghe con bé bộc bạch mà buồn cười, đúng là tuổi đời còn nhỏ mà suy tính như người lớn. Hớp một hơi trà đã nguội, tôi cười nói:

– Dù mợ có là ma hay là người, mợ cũng không hại em, em yên tâm.

Bé Nhỏ thoáng sững sờ, con bé nhìn tôi dao dao mấy giây rồi mới gật đầu thể hiện thái độ tin tưởng toàn phần. Nó nói cứ như là thề non hẹn biển:

– Dạ, em thề… em hông bao giờ phản bội lại cậu với mợ.

…………………………

Đợi cậu Cả tỉnh lại, tôi liền nói chuyện mụ Dung chết cho cậu nghe, nghe xong cậu cũng không có phản ứng gì quá mức ngoài nhướn mày lên một cái. Cậu nói:

– Chết rồi thì coi như hết nợ trần gian đi, xuống dưới địa ngục, bà ta kiểu gì cũng bị trừng trị, không cần lo.

– Em cũng không lo, chỉ thấy mọi chuyện… nhanh quá.

Cậu Cả nhìn tôi, cậu nói:

– Là quả báo tới nhanh, em theo không kịp thôi, không có chi phải hoang mang, hiểu chưa?

Tôi đưa tới cho cậu ly nước, tôi gật đầu cười mỉm:

– Em hiểu rồi, mọi chuyện cũng đã qua… người xấu cũng đã chết, em cũng không còn thấy khó chịu uất ức ở trong lòng nữa. Trả thù được cho Út Quân, em thiệt sự thấy nhẹ trong lòng, mong cho cô ấy có thể yên lòng mà đi đầu thai chuyển kiếp…

– Cậu nghĩ chắc cũng sắp tới lúc đó rồi… thôi, đi ra ngoài ăn cơm, cậu đói lung rồi đây nè.

……………………….

Kim Chi chết, mụ Dung chết, Bích Hà điên điên dại dại, tên Bảo bị bắt tù đày, lão Trầm được thả nhưng bị cách chức kèm theo tịch thu của cải. Nhưng may là nhà ở hiện tại và một số giấy tờ ruộng đất đều do cậu Cả đứng tên nên quan trên có tịch thu cũng chỉ tịch thu phần của lão Trầm chứ tuyệt nhiên không dám động tới của cải của cậu Cả. Sau khi phát mãi tịch thu của cải, lão Trầm được thả về, ẩn sau thân xác hoang tàn kia là hình hài của một con nghiện thuốc phiện. Dì Nguyệt buồn lung lắm nhưng vẫn nhất quyết không bỏ lão Trầm, dì nói hết tình thì còn nghĩa, dì bỏ lão ta không được. Mà lão Trầm ngoài nghiện thuốc phiện ra thì cơ thể lão còn bị thương khắp người, nghe đâu là bị lính cai đánh, người cứ dở dở ương ương không được sáng suốt như trước kia. Nhà ông hội đồng Trầm uy danh một thời, nhanh như chớp sụp đổ tan tành. Người thì chết, của cải quyền lực cũng tiêu tan, đế chế ông hội đồng Trầm… bị xóa sổ vĩnh viễn.

Dân trong làng cũng có người tiếc thương bởi ông hội đồng Trầm cũng không đến mức hà khắc với dân. Mặc dù quyền uy không còn nhưng dân làng vẫn thay phiên nhau đến thăm hỏi, coi như cũng là ân tình một thời. Dì Nguyệt cho tiếp đón dân làng rất nồng hậu, dì trước sau vẫn y như vậy, không bao giờ hà khắc chê bai người nghèo. So với trở thành bà hội đồng, dân làng lại ưng bà thành bà phú hộ nhiều hơn.

Tài sản của lão Trầm tuy không còn nhưng tài sản của cậu Cả thì còn, cậu Cả chia một nửa của cải của cậu đang có sang tên lại cho dì Nguyệt và Thái Ngọc. Công việc làm ăn kinh doanh cửa hàng gạo và cho thuê mướn ruộng lúa vẫn tiếp tục, cậu Ngọc lấy đó phấn đấu phát triển rộng vốn kinh doanh để nuôi mẹ và gia đình. Nói thì nói là ông hội đồng bị cách chức tịch biên nhà cửa ruộng vườn nhưng cuộc sống giàu sang của nhà ông hội đồng vẫn không có gì thay đổi, hay nói đúng ra là ngày càng tốt hơn bởi có thể tự do kinh doanh. Thay mác nhà hội đồng Trầm thành nhà ông phú hộ Ngọc, dân trong tỉnh không ai là không biết tới.

……………………………

Một ngày đẹp trời của sớm mùa thu, đám cưới của tôi và cậu Cả… chính thức diễn ra.

Đúng giờ lành, đoàn người rước dâu được ba má Út Quân mở cổng cho vào nhà, tôi thì đứng nép ở trong buồng, nửa muốn vén màn ra nhìn lén cậu Cả nhưng lại bị má Út Quân kéo lại. Bà giữ chặt tay tôi, càm ràm:

– Con ở yên đây cho má, bên ngoài chưa kêu là chưa có được đi ra.

Tôi gấp gáp:

– Nhưng con muốn nhìn cậu Cả chút… hai bữa rồi con có gặp cậu đâu.

Má Út Quân nhíu mày:

– Mồ tổ cha cô, sắp thành vợ thành chồng rồi mà còn kêu cậu cậu cái chi nữa, sửa miệng lại đi con, hông để người ta cười thúi cái đầu.

– Tại… con quen miệng mà, giờ sửa lại… kỳ lắm má.

Má Út Quân kéo tôi lại giường ngồi xuống, bà dạy:

– Con bây chừ đã là Mợ lớn trong nhà rồi, xưng hô với chồng cũng phải đổi lại. Lúc trước thì kêu cậu được bị mình chưa cưới, còn bây chừ… đổi lại thành “mình” đi.

Tôi trố mắt nhìn bà:

– “Mình”? Ý má là con kêu cậu Cả bằng… “mình”?

– Ờ, mình với em, kêu y rang như má dặn là đúng. Con đó, cái chi cũng không biết, rồi về nhà chồng làm vợ người ta cái kiểu gì đây. Hên là không phải làm dâu, cỡ mà làm dâu má chồng… chắc người ta trả mày về cho tao với cha mày quá.

Nói tới đây, bà lại nhìn xuống bộ váy trên người tôi, thở dài bất lực:

– Cô dâu chi mà hông mặc áo dài đỏ, mặc cái giống gì đầm điếc của mấy bà đầm vậy hả con? Coi kìa… mày mặc cái đầm đưa hết cặp giò ra ngoài cho người ta ngó… tao thiệt nói hết nổi mày.

Tôi le lưỡi cười trừ:

– Cậu Cả khen đẹp, cậu có chê giống má đâu. Tại má hông biết thôi, cái đầm như vầy là còn dài rồi á.

Má Út Quân chịu thua:

– Thôi, con gái lớn tướng rồi, nói hổng nghe, mày muốn mặc cái chi đó thì mặc. Biểu mặc áo dài rước dâu đi rồi về bên bển muốn mặc chi thì mặc mà hông nghe, tao tức tao chết…

– Bậy bậy bậy, ngày vui mà má nói chết chóc hà.

– Ờ má lỡ lời… thôi thì…

– Út Quân… ra ngoài… chị Quảng dẫn con nhỏ ra đi… mau chị.

Nghe có người kêu, má Út Quân lật đật kéo tôi ngồi dậy rồi chỉnh trang lại tóc tai váy vóc cho tôi, sau đó mới từ từ nắm tay tôi dắt ra ngoài trước. Màn cửa vừa được vén lên, tôi nhịn không được mà tìm ngay gương mặt của cậu Cả. Lúc thấy cậu nhìn tôi cười thật tươi, hai mắt cậu sáng ngời… tôi kìm lòng không được mà khẽ cười thật duyên. Chu choa, chồng tôi hôm nay soái ca quá đi mất, áo sơ mi trắng, quần tây đen phẳng phiu cùng đôi giày da bóng loáng, cộng thêm gương mặt nam thần góc cạnh… chết… tôi muốn chảy máu mũi luôn rồi đây này.

Tôi cứ lo nhìn cậu mà quên mất luôn là mình cần làm gì làm gì, mấy cái chiêu trò má Út Quân dạy ban nãy như là hái trái cau trước rồi bước ra ngoài trước… tôi quên sạch hết. Mà kể ra thì buồn cười, tôi với cậu Cả lúng ta lúng túng đến mức xoay qua xoay lại cũng đụng phải nhau mấy lần. Đoàn người rước dâu đưa dâu cười rần rần lên chọc ghẹo đủ trò, mặt hai đứa đỏ lên hết, ngượng muốn chui xuống đất luôn ấy. Đến lúc trao nhẫn, hai đứa cứ cười tủm tỉm nhìn nhau, cậu Cả bình thường gai góc khó gần vậy mà cũng có lúc trẻ con ngại ngùng phải biết. Nhấc tay tôi lên, cậu đeo nhẫn vào cho tôi, mắt cậu nhìn tôi đầy thâm tình, giọng khàn khàn:

– Gả cho anh… đừng có khóc… đừng khóc…

Tôi cũng không hiểu sao, đang giờ phút thiêng liêng này, mắt tôi tự dưng nhòe lệ. Tôi nhớ lại tất cả những gì đã trải qua, những khó khăn khổ sở, càng dặn lòng mình đừng khóc thì nước mắt lại cứ tuôn ra. Cậu Cả lau vội nước mắt cho tôi, cậu đau lòng nỉ non:

– Đừng mà… anh ở đây với em… sao phải khóc… khóc xấu như con mèo…

Tôi mếu mặt, má Út Quân cũng nghẹn ngào giúp tôi lau nước mắt, bà ôm vai tôi khuyên nhủ:

– Đừng khóc con… ngày vui mà… nín đi con còn làm lễ nữa.

Tôi gật đầu, tôi biết là mình không nên khóc nhưng cảm xúc tràn trề quá, không khóc thì không đuợc. Cậu Cả thấy tôi khóc, cậu lo tới nhíu mày, đứng bên cạnh cứ an ủi tôi bảo tôi đừng khóc nữa, nếu mà mệt quá thì không cần làm lễ rườm rà cũng được. Tất nhiên là tôi không chịu rồi, ai lại không làm lễ đàng hoàng kia chứ, đời người con gái có một lần chứ mấy.

Trao nhẫn xong, thắp hương cho ông bà, đoàn người mới chính thức rước dâu về nhà chồng. Dì Nguyệt suốt buổi cứ cười rồi lại len lén chấm nước mắt, dì cũng xúc động giống như tôi, xúc động khi nhìn thấy em trai mình được hạnh phúc. Đoàn người trùng trùng điệp điệp nối thành một hàng dài đi ra khỏi cổng nhà, theo như lịch trình, đi một đoạn mới lên xe ngồi đến bến đò rồi qua sông. Dân làng từ sớm đã tập trung hai bên đường để nhìn mặt cô dâu chú rể, lại thấy tôi và cậu Cả ăn mặc quá mức khác thường, dân trong làng càng lúc càng kéo nhau đến xem đông thật đông. Người người xì xầm bàn tán, mấy cô gái thì nhìn chằm chằm chú rể của tôi, người khen cô dâu chú rể xứng đôi, người lại tò mò về chiếc váy tôi đang mặc. Mà cả tôi và cậu Cả đều không nghĩ là người dân sẽ tò mò đông đến như vậy, đông muốn nghịt đường.

Thấy tình hình không ổn, cậu Cả lệnh cho sốp phơ lái xe đến rồi đưa tôi vào trong xe ngồi cho an toàn. Dì Nguyệt, Thái Ngọc với cha má Út Quân thì đi xe sau, bà con theo rước dâu ngồi xe ngựa kéo dài thành đoàn, cậu không để ai phải đi bộ lộc cộc.

Ngồi trên xe, cậu Cả nhìn tôi, tôi nhìn cậu, cả hai cùng nhau phá lên cười. Cậu nắm tay tôi, ung dung cười nói:

– Chà, cái đầm cưới này của em… sắp nổi danh rồi nghen.

Tôi nhướn vai:

– Em cũng chịu rồi, người dân coi đông quá.

Cậu Cả kề sát tai tôi, cậu thầm thì:

– Anh nghe có người khen chân cô dâu… trắng đẹp…

Tôi liếc nhìn cậu:

– Vậy… anh thấy sao?

Cậu Cả cười gian:

– Trắng thì có trắng, đẹp thì có đẹp… còn mà có đúng như lời đồn không thì để tối nay… mới biết.

Hai má tôi nóng ran lên, ngại đến chín hết mũi, cậu Cả thấy vậy càng khoái chí cười lớn. Không chịu thua, đến lượt tôi phản công:

– Em cũng nghe người ta nói… chân chú rể dài quá… tướng tá bảnh bao…

Cậu Cả nháy mắt thích thú:

– Vậy chứ… bà xã thấy sao?

Tôi nhướn mày, ranh mãnh nói:

– Chân thì có dài, tướng tá bảnh tỏn thiệt nhưng… sức lực thế nào… để tối mới biết.

Cậu Cả cau mày nhìn tôi, cậu lại kề sát tai tôi, cậu thì thầm:

– Em không muốn sống yên ổn nữa à? Có muốn ở đây… thử sức khoẻ của anh không?

Tôi cười khẩy:

– Cũng được… em vén váy… anh nhào vô.

Cậu Cả thần sắc bất lực trước câu nói của tôi, cậu vỗ vỗ vào trán tôi vài cái rồi liếc ngang liếc dọc cảnh cáo tôi. Anh sốp phơ ngồi ghế trước sợ tới xanh mặt, mồ hôi đổ ướt hết tóc… tội nghiệp, tôi quên mất là còn có người lạ đang ngồi trong xe.

Xe đến bờ sông thì dừng lại, cậu Cả đỡ tôi xuống, đoàn người lại tiếp tục kéo nhau qua đò về nhà trai. Tôi với cậu Cả đi riêng một con đò được trang trí hoa cưới, bé Nhỏ đứng phía sau che dù cho tôi, con bé vui mừng cười khúc khích. Cậu Cả nắm tay tôi rất chặt, cậu khẽ hỏi:

– Sáng em ăn gì chưa? Có mệt không?

Tôi lắc đầu cười nhẹ:

– Không mệt lắm đâu.

Nghe tôi bảo là không mệt, cậu Cả tự dưng kề tai tôi nói nhỏ:

– Ừm, lát nữa anh nói bé Nhỏ lấy chút gì cho em ăn đỡ. Anh cũng nhịn lâu rồi… cũng cần phải ăn no… ăn thật no!

Nói xong cậu lại nhìn tôi cười, nụ cười nửa có nửa không trông đểu đểu vô cùng. Không hiểu sao tôi lại thấy chột dạ trong lòng, cảm giác hoang mang dần dần ập tới…

Mẹ kiếp, cậu Cả là con ma thù dai, cậu là con ma thù dai… á!
Chương trước Chương tiếp
Loading...