Liêu Trai Chí Dị

Chương 6: Vương thành



Vương Thành, con nhà thế tộc lâu đời ở Bình Nguyên, tính lười biếng, sinh nhai ngày càng sa sút, chỉ còn mấy gian nhà nát, vợ chồng đêm nằm đắp mảnh vải bố, nhiếc móc nhau đũ điều. Bấy giờ là tiết đại thử, khí trời nung nấu. Trong làng có cái vườn cũ của họ Chu, tường vách đã đổ nát, chỉ còn một cái đình, người làng vẫn đến đấy ngủ nhờ, Vương cũng thế. Một hôm trời sáng, mọi người đi cả rồi, mặt trời đã lên cao ba con sào, Vương mới dậy, quanh quẩn muốn về, chợt thấy trong đám cỏ có chiếc thoa vàng, nhặt lên xem thấy có khắc mấy chữ nhỏ Phủ Nghi Tân chế tạo. 

Ông nội của Vương là Nghi Tân trong phủ Hành. Những vật cũ trong nhà phần nhiều đều có dấu hiệu ấy, nên chàng nhân cầm chiếc thoa có dáng chần chừ. 

Bỗng có một bà cụ đến tìm thoa. Vương tuy nghèo nhưng tính vốn liêm khiết, liền đưa trả lại. 

Bà cụ mừng lắm, hết sức khen ngợi tấm lòng cao thượng, bà nói rằng: 

- Chiếc thoa có đáng giá trị là bao, nhưng là chút kỷ vật của ông nhà tôi ngày xưa để lại. 

Vương hỏi: 

- Cụ nhà xưa là ai? 

Ðáp rằng: 

- Ðó là quan Nghi Tân, họ Vương tên Giản Chi đã quá cố. 

Vương kinh ngạc, nói rằng: 

- Ông nội tôi đấy! Sao mà gặp nhau với bà được? 

Bà cụ cũng kinh ngạc nói: 

- Anh là cháu cụ Vương Giản Chi đó sao? Ta là hồ tiên một trăm năm trước đây có trao duyên gắn bó với cụ cố nhà anh. Cụ cố mất đi, già này tu ẩn, đi qua đây đánh rơi chiếc thoa lại vào tay anh, đó chẳng phải là số trời hay sao? 

Vương cũng đã nghe nói ông nội mình có vợ hồ, cho nên tin lời bà cụ, bèn mời bà hạ cố đến nhà. Bà cụ theo về, Vương gọi vợ ra chào; áo rách bù đầu, sắc mặt đói ăn tối sầm. 

Bà cụ than rằng: 

- Ôi! Con cháu Vương Giản Chi mà nghèo khổ đến thế này sao? 

Lại nhìn về phía cái bếp lạnh tanh không có khói lửa mà nói: 

- Gia thế như thế này thì lấy gì mà sống? 

Người vợ bèn kể hết nỗi khổ, nghẹn ngào sướt mượt. 

Bà cụ đưa chiếc thoa cho chị vợ, bảo hãy cầm cho người ta lấy tiền để đong gạo, rồi ba ngày nữa bà sẽ đến thăm. Vương cố giữ lại, bà nói: 

- Anh có một vợ mà nuôi không nổi; ta ở lại đây thì chỉ ngồi mà ngắm xà nhà chứ có ích gì? 

Nói xong đi liền. Vương kể lại đầu đuôi, người vợ sợ quá. 

Vương ngợi khen tấm lòng ân nghĩa của cụ và bảo vợ phải thờ bà như mẹ. Người vợ xin vâng. 

Qua ba ngày, quả nhiên bà già lại đến, đưa ra mấy đồng vàng để đong lúa và mạch, mỗi thứ một thạch. 

Tối đến, bà cụ và người vợ nằm chung một cái giường bé. Chị vợ lúc đầu còn sợ, nhưng xét thấy tình rất mực ân cần, nên cũng không ngờ nữa. 

Ngày hôm sau, bà cụ bảo Vương rằng: 

- Cháu đừng lười, nên tìm một nghề mọn mà làm, chứ ngồi không mà ăn thì lâu thế nào được? 

Vương nói mình không có vốn liếng gì cả. Bà đáp: 

- Khi ông nội nhà anh đang còn, thì vàng lụa tha hồ mà lấy, vì ta không phải là người trần, không dùng đến những thứ ấy, nên cũng không lấy nhiều, chỉ dành giữ món tiền phấn sáp được bốn mươi lạng vàng, đến nay vẫn còn, tàng trữ cũng chẳng làm gì. Anh hãy đem đi mà mua vải cát cho hết, rồi mang gấp vào kinh thành, có thể có chút lãi. 

Vương theo lời, đi mua hơn năm mươi tấm mang về. 

Bà cụ giục thu xếp hành trang, tính rằng sáu, bảy ngày có thể đến Yên Kinh. Dặn rằng: 

- Chớ lười, nên siêng! Chớ hoãn nên kíp! Chậm trễ một ngày ăn năn chẳng kịp. 

Vương xin kính vâng, xắp hàng vào bao tải rồi lên đường. 

Giữa đường đi gặp mưa, áo giày ướt sũng. Suốt đời Vương chưa từng dầu dãi gió dầm sương. Vì vậy mệt rũ, chịu không thấu bèn vào nhà trọ tạm nghỉ. 

Ngờ đâu mưa cứ tầm tã mãi đến chiều hôm, nước trên rèm chảy xuống như thừng. Qua một đêm, đường càng lầy lội, người đi ngập đến cổ chân. 

Vương trong lòng nản lắm. Chờ mãi đến giờ ngọ, đường mới hơi khô, nhưng mây đen lại kéo lên, rồi trời lại mưa to. Phải ngủ đến hai đêm ở nhà trọ mới đi được. 

Gần đến kinh, nghe đồn giá vải lên cao vọt, trong lòng mừng thầm. Vào kinh nghỉ ở quán trọ. 

Chủ quán lấy làm tiếc là Vương đến chậm. Trước đó đường giao thông với phía Nam vừa mới được mở, vải cất đến rất ít, các nhà buôn lớn ở kinh đô mua khá nhiều, giá cao gấp ba so với thường ngày, nhưng một ngày trước thì hàng vải ùn đến giá bỗng xuống rất thấp, những người đến sau thất vọng. 

Chủ quán nói rõ đầu đuôi cho Vương biết, Vương ưu uất không vui. Qua một ngày qua, vải cát đến càng nhiều, giá càng xuống. Vương cho là không có lãi, không chịu bán. Nấn ná đến hơn mười ngày, tiền cơm chưa tính ra đã tốn nhiều, nghĩ càng thêm lo buồn. 

Chủ quán khuyên Vương nên bán rẻ đi, để xoay cách khác. 

Vương nghe theo bán tháo hết, lỗ vốn mười lượng. Sáng dậy, soạn sửa ra về, mở đẫy ra xem thì bạc đã mất rồi. Hoảng loạn lên báo với chủ quán. Chủ quán không biết làm thế nào. Có kẻ bảo Vương lên kêu quan, bắt chủ quán bồi thường, Vương than rằng: 

- Ấy là cái số của ta, chứ chủ quán có lỗi gì? 

Chủ quán nghe vậy, rất mến tấm lòng trung hậu của Vương, tặng năm lạng vàng, kiếm lời an ủi, khuyên về. 

Vương nghĩ bụng, không còn mặt mũi nào gặp lại bà tổ mẫu, loanh quanh hết ra lại vào, tiến thoái đều khó. Chợt thấy có người chọi chim Thuần, mỗi lần chọi đặt cuộc đến mấy ngàn, mua mỗi con chim Thuần nhiều khi hơn một trăm đồng tiền. 

Chàng bỗng nảy ra một, tính nhẩm tiền còn trong đáy, may ra chỉ đủ buôn chim Thuần, bèn đem cái này bàn với chủ quán. Chủ quán khuyến khích tận tình, lại hứa cho ở nhờ nhà trọ, ăn uống không phải trả tiền, Vương mừng lắm, bèn ra đi, mua đầy một gánh chim Thuần đem về trong thành. Chủ quán cũng mừng, chúc cho bán được nhanh. Ðến đêm, mưa to mãi đến mờ sáng. Khi trời đã sáng hẳn, nước trên đường cái như sông, mà trời vẫn rả rích mưa. Ngồi chờ tạnh liên miên mấy ngày, mưa không ngớt hột. Dậy nhìn chim Thuần trong lồng thì đã chết mất nhiều. Vương sợ lắm, không biết làm thế nào. Sang ngày sau, chết càng nhiều, chỉ còn được mấy con, đem bỏ chung vào một lồng để nuôi. Qua đêm, lại ra thăm thì vẻn vẹn còn được một con, bèn chạy vào nói với chủ quán, bất giác ứa nước mắt, chủ quán cũng thương cảm. Vương tự liệu, tiền hết không về được, chỉ muốn tìm đường chết. Chủ quán khuyên giải an ủi, rồi cùng nhau ra xem con chim còn lại, ngắm nghía rất kỹ, nói rằng: 

- Ðây hình như là một con chim quí! Những con kia mà chết biết đâu không phải là bị con này chọi chết? Anh bây giờ cũng rỗi không có việc gì, hãy chăm chút tập tành cho nó. Nếu quả là con chim hay, thì mang nó đi đánh cũng mưu sinh được. Vương nghe theo. Khi con chim đã thuần thục, chủ quán bảo đem ra đường phố, đánh cuộc lấy rượu thịt. Chim khoẻ lắm, luôn luôn thắng. Chủ quán mừng, đưa tiền cho Vương, bảo đem ra quyết ăn thua với đám con em trong làng chơi chim Thuần ở kẻ chợ. Ba lần chọi ba lần đều thắng. Chừng nửa năm, góp nhóp được hai mươi lạng vàng, trong lòng cũng được an ủi, xem con chim như tính mệnh của mình. 

Thuở đó có một vị Thân Vương rất thích chim Thuần; mỗi năm gặp tiết thượng nguyên, thách dân gian ai có nuôi chim Thuần thì đem đến phủ đệ để chọi. Chủ quán bảo Vương rằng: 

- Giờ đây, cái cơ đại phú đã có thể đến ngay rồi đấy. Chỉ có điều không biết vận may của anh như thế nào thôi! 

Bèn nói rõ sự tình và đem Vương cùng đi, dặn rằng: 

- Ví thử có thua thì nín hơi mà đi ra thôi! Còn như vạn nhất con Thuần mình đấu thắng thì Thân Vương thế nào cũng hỏi mua, anh đừng nhận bán; nếu gạn hỏi thì cứ nhìn vào cái đầu của tôi, chờ khi nào đầu tôi gật thì hẵng ngả giá! 

Vương nói: 

- Ðược! 

Vào đến phủ thì thấy những người chọi chim sát vai nhau đứng cả ở dưới thềm. Chốc lát Thân Vương ngự ra trên điện, tả hữu truyền rằng có ai muốn chọi thì cho lên. Liền có một người xách lồng bước bậc mà lên trên điện. Thân Vương sai thả chim Thuần ra. Khách cũng thả. Mới nhảy đá qua loa, con chim của khách đã thua chạy. Thân Vương cả cười. Chỉ một lúc, người đến chọi mà thua đã có đến mấy vị. Chủ quán nói: 

- Ðến lúc rồi! 

Bèn cùng nhau bước tới bậc mà lên. Thân Vương xem tướng con chim của Vương mà nói: 

- Tròng mắt có vằn máu giận dữ,cũng là một cánh hùng kiện đây! không nên khinh địch. 

Bèn truyền lệnh cho đem con Mỏ Sắt ra nghênh chiến. Mới nhảy vọt đấu đá vài lần mà con chim của Thân Vương đã sả cánh. Lại chọn một con chim giỏi hơn đem ra, hai lần đổi, hai lần thua. Thân Vương cấp tốc truyền lệnh vào lấy con Ngọc Thuần của nội cung. Một lát mới thấy đem ra, lông trắng như cò, thần khí hùng dũng khác thường. 

Vương Thành thấy thế, trong lòng nao núng, bèn quỳ xuống xin thôi, nói rằng: 

- Con chim của Ðiện Hạ là chim thần, sợ đánh giết mất chim tôi thì tôi sạt nghiệp mất! 

Thân Vương cười rằng: 

- Cứ thả ra cho nó chọi, chẳng may nó chết thì ta sẽ đền bù cho thật hậu. 

Thành bèn thả chim mình ra. Con Ngọc Thuần xông thẳng đến. Nhưng khi Ngọc Thuần đang chạy tới thì con Thuần của Vương nằm phục xuống như con gà dữ để đợi. Con Ngọc Thuần mổ vào nó thật mạnh, nó liền nhảy phắt lên như con hạc bay liệng để đánh lại. Khi tiến, khi lui, khi trên, khi dưới, cầm cự với nhau áng chừng một khắc, thì con Ngọc Thuần lơi dần, mà con Thuần của chàng giận càng sôi, đánh đá càng gấp. Chẳng mấy chốc bộ lông tuyết của Ngọc Thuần rụng xơ ra, rồi sã hai cánh chạy trốn. Cả ngàn người đứng xem, không ai là không tấm tắc khen ngợi. Vị Thân Vương bèn bảo bắt nó lên, thân hành cầm lấy xem xét một lượt từ đầu mỏ đến móng chân, rồi hỏi Thành rằng: 

- Con chim này anh có bán không? 

Thành đáp: 

- Tiện nhân nghèo khó, phải nương nhờ vào nó mà sống, không dám bán. 

Thân Vương nói: 

- Ta trả giá cao, anh sẽ có một gia tư bậc trung, có bằng lòng không? 

Thành cúi đầu suy nghĩ giây lâu mới nói: 

- Thật quả không muốn để lại, nhưng nay Ðiện Hạ đã yêu thích nó; nếu khiến cho tiện dân được có ăn mặc, thì còn đòi gì hơn. 

Thân Vương hỏi giá, Thành xin ngàn lạng vàng. Thân Vương cười rằng: 

- Cái anh ngốc này, nào có phải châu ngọc gì mà giá ngàn vàng? 

Vương nói: 

- Ðiện hạ không cho nó làm báu, nhưng với hạ thần thì ngọc bích liên thành cũng chẳng bằng! 

Thân Vương hỏi: 

- Thế nào? 

Thành đáp: 

- Tiện dân đem nó ra chợ, mỗi ngày được vài đồng, đổi thưng đấu gạo, một nhà mười miệng ăn, nhờ đó mà không đến nỗi đói rét, còn của báu nào bằng? 

Thân Vương nói: 

- Tôi không để anh thiệt đâu, thôi trả anh hai trăm đồng. 

Thành lắc đầu; lại trả thêm một trăm. Thành đưa mắt nhìn chủ quán. Chủ quán không động đậy. Thành bèn nói: 

- Thưa mệnh Ðiện Hạ, xin bớt một trăm. 

Thân Vương nói: 

- Thế thì thôi vậy, ai đời lại đem chín trăm lạng đổi lấy một con chim Thuần bao giờ? 

Thành xách lồng chim lên định đi thì Thân Vương gọi: 

- Này anh chọi chim, lại đây! Lại đây! Tôi dứt khoát trả anh sáu trăm đồng. Bằng lòng thì để, không bằng lòng thì thôi vậy! 

Thành lại đưa mắt về phía chủ quán. Chủ quán vẫn điềm nhiên. Ý nguyện của Thành đã hoàn toàn thoả mãn, chỉ sợ nhỡ mất thời cơ, bèn nói: 

- Với cái giá của Ðiện Hạ, thật không hài lòng, nhưng đã y ước với nhau mà lại không xong, sợ mắc lỗi thất kính càng lớn cực chẳng đã, xin y theo mệnh lệnh của Ðiện Hạ. 

Thân Vương mừng rỡ, cho người cân vàng đưa ngay, Thành nhận vàng, lạy tạ mà đi ra. Chủ quán giận, trách rằng: 

- Tôi bảo anh thế nào mà đã vội vã bán đi như thế? Nếu kéo thêm một chút nữa thì đã có tám trăm cầm tay rồi! 

Thành về nhà trọ, đặt vàng lên án mời chủ quán tự lấy. Chủ quán không chịu, Thành ép mãi mới đem bàn tính ra, tính toán đủ tiền phí tổn ăn uống mà nhận. 

Thành xắp đặt hành lý ra về. 

Ðến nhà, thuật lại những việc đã làm, bỏ vàng ra cùng mừng với nhau. 

Bà cụ bảo tậu ba trăm mẫu ruộng tốt, dựng nhà cửa, sắm đồ đạc, nghiễm nhiên là một thế gia. 

Bà cụ dậy sớm, đôn đốc cho Thành trông nom việc cày bừa, vợ trông nom việc canh cửi, hơi lơ là thì quát tháo, mà vợ chồng vẫn không hề oán thán. 

Qua ba năm, nhà càng giàu, bà cụ ngỏ ý muốn đi, vợ chồng cố giữ lại, đến chảy nước mắt. Bà bèn ở lại. 

Sáng ngày vào hầu, thì đã mất hút.
Chương trước Chương tiếp
Loading...