Liêu Trai Chí Dị

Chương 78: Lâm tứ nương



(Lâm Tứ Nương)

Người ở tỉnh Mân (tên gọi tắt của tỉnh Phúc Kiến, tên cổ), Trần công tên là Bảo Thược, làm quan đạo Thanh Châu (địa hạt tỉnh Sơn Đông). Có đêm ngồi một mình, có người con gái vén bức màn che đi và, nhìn coi thời không quen, mà đẹp quá lắm, tay áo dài ra lối ăn mặc trong cung. Cười nói rằng: “Đêm thanh ngồi suông một mình vậy, khỏi buồn được sao?”

Ông giật mình hỏi là người nào?

Nói rằng: “Nhà thiếp không xa đây, chỉ gần ở xóm Tây”.

Ông đoán hẳn là ma, mà lòng yêu thích lắm, nắm vạt áo, kéo mời ngồi. Chuyện nói rất phong nhã. Thích ý quá, ôm lấy, cũng không chống cự.Rồi bên gối cùng trò chuyện, tự nói là Lâm Tứ Nương. Ông lại hỏi kỹ đến nơi. Nói rằng: Một đời kiên trinh, đã để cho anh làm khinh bạc đến chết! Có lòng yêu thiếp, chỉ nên tính sự ái tình với nhau về lâu! Chớ hỏi lôi thôi mãi làm gì!

Không bao lâu gà gáy, vội dậy mà đi. Từ đó đêm nào cũng đế. Thường thường đóng kỹ cửa cùng uống rượu chơi, nói đến việc âm nhạc, thời ra thấu hết các cung bực. Ông bèn đoán là có khi hát cũng hay. Nói rằng: “Chính là cái việc có học từ lúc bé.” Ông xin cho nghe một khúc. Cô gái nói: “Đã lâu không nhắc đến việc tiếng nữa, cung điêu mất đến quá nửa, chỉ sợ để tri âm cười thôi!”

Cố nài ép nữa. Bèn cúi đầu đánh nhịp, hát giọng châu Y, châu Lương (1). Tiếng nghe thảm thương; hát xong rồi khóc. Ông cũng bùi ngùi đau đớn thay; nhân ôm lấy cô gái mà có câu an ủi rằng: “Mình đừng có đem cái giọng mất nước ra mà hát như thế, làm cho người ta buồn mất vui”.

Cô gái nói: “Tiếng của người ta, là để đem ý chí của mình ra. Kẻ có sự thương, không thể bảo làm vui; cũng như người đương vui, không hát cho thương được.”

Hai người thân mật nhau hơn là đạo cầm sắt. Lâu lâu những người nhà nghe trộm; ai nghe thấy tiếng hát, cũng đều phải chảy nước mắt cả. Phu nhân nhìn thấy dung mạo, ngờ là trên đời người không có của đẹp quái đến thế, vậy không phải ma, thời tất cũng là hồ. Sợ sẽ làm tai vã cho, khuyên ông nên tuyệt. Ông không theo được lời khuyên của phu nhân, mà chỉ hỏi cặn kẽ tích gốc của người con gái. Cô gái buồn bã nói:

-“Thiếp là cung nhân trong phủ Hành, gặp tai biến mà chết, kể đã đến mười bảy năm nay. Nghĩ ông là bậc người cao nghĩa nên mong gửi than làm vui; nhưng thực không có dám làm hại nhau. Nên có sự e ngờ nhau,thời liền xin từ nay từ biệt”.

Ông nói: “Tôi không lấy làm sao cả; nhưng đã yêu đương nhau như vậy, thời cũng phải nên biết đến thật mà thôi”.

Bèn hỏi đến việc ở trong cung thuở xưa. Cô gái tỉ mỉ kể hết. Nghe lẩm nhẩm thấy hay lắm. Nói đến câu chuyện trong lúc biến cố, thời nức nở không thành tiếng được nữa.

Cô gái không ngủ lắm, mỗi đêm tất dậy đọc những lời chú trong các kinh “Bồ Đề, Kim Cương”.

Ông hỏi: “ở nơi chín suối, cũng có thể tự sám hối được à?”

Nói rằng: “Cũng một lẽ thế cả. Thiếp nghĩ suốt đời luân lạc, muốn cho kiếp sau được giãi thoát đó thôi”.

Lại cùng ông bình luận thơ từ, chỗ nào không hay thời chê ngay; đến câu nào hay thời ngâm tiếng ngâm nga, khiến cho người nghe quên hết cả sự mệt mỏi.

Ông hỏi: “Có hay thơ không?”

Nói: “Lúc còn sống ngẫu nhiên có làm”.

Ông đòi xin làm cho một bài.

Cười, cho rằng: “Lời thơ của đàn bà con trẻ, đâu đủ đến tai bậc cao nhân”.

Cùng đi lại được ba năm, một tối bỗng ảm đạm xin chào từ biệt. Ông phải giật mình hỏi.

Cười, nói rằng: “Vua dưới âm phủ nói rằng thiếp trong lúc sống trước không có tội gì, mà vẫn còn chăm chỉ không quên việc đọc kinh, vậy cho sinh vào một nhà vua; sự biệt nhau ở đêm nay, không bao giờ cùng gặp mặt nữa”.

Nói xong rồi mà buồn rầu. Ông cũng hơi rỏ nước mắt. Bèn làm rượu cùng uống thật say. Cô gái khảng khái mà hát, làm ra giọng thương mà khoan thai. Mỗi tiếng nhắc đi nhắc lại đến nhiều lần; đến chỗ thương tâm thời liền cho nghẹn hơn không thể hát đi được. Dừng mấy bận, hát mấy bận, như thế mới hát xong một bài. Rượu uống cũng không vui được, bèn đứng dậy xum xoe thong thả muốn đi. Ông cố lôi lại, mời lại ngồi thêm chút nữa.

Tiếng gà gáy động, bèn nói rằng: “Thôi, tất không thể ở lại lâu thêm nữa rồi. Những ông vẫn thường lạ vì thiếp không đem lời thơ dốt để trình hiến; nay đến lúc sắp vĩnh biệt, xin thao lượt làm nên một bài”.

Rồi đòi lấy bút, nghĩ nên thơ. Nói rằng: “Trong lòng thương xót, ý nghĩ rối loạn, không đắn đo được từng chữ. Vậy những tiếng dở luật sai, xin rằng chớ có đưa cho người khác biết chi”.

Xong, che vạt áo mà đi. Ông tiễn ra đến ngoài cửa, tan hình ra như khói mà mất.

Ông ngậm ngùi hồi lâu; coi đến thơ, thời chữ viết ngay ngắn đẹp đẽ, lấy làm quý mà cất đi.

Thơ rằng:

Mười bảy năm trời khóa chặt ai

Ai đem nước cũ hỏi: Trời ơi!

Cây trùm máy điện làn thu mỏi;

Cuốc hóa hồn vua, giọt lụy rơi!

Nước bể (2) sóng dồn, ô xế bóng;

Nhà Lưu (3) trống vỗ, khói lan hơi.

Má hồng sức yếu, làm ma khó (4)

Chất huệ lòng đau, hỏi Phật thôi.

Ngày đọc Bồ Đề (5) muôn chữ thuộc;

Nhàn xem Bối Diệp (6) mấy thiên chơi.

Hát khúc Lê Viên (7) thay tiếng khóc;

Nghe chơi rơi lệ một mình ai.

Nguyên văn chữ Hán (dịch âm)

Tỉnh tỏa thâm cung thập thất niên,

Thùy tương cố quốc vấn thanh thiên.

Nhân khang điệu vũ phong kiều mộc,

Khắp vọng quân vương hóa đỗ quyên.

Hai quốc ba đào là tịch chiếu,

Hán gia tiêu cổ tĩnh phong yên.

Hồng nhan lực nhược nan vi lệ,

Huệ thất tâm bi chỉ vấn Thiền.

Nhật tụng Bồ Đề thiên bách cú,

Nhàn khan Bối Diệp lưỡng tam thiên.

Cao xướng Lê Viên ca đại khốc,

Thỉnh quân độc thinh diệc san thiên!

( Lời thơ lăng băng trùng điệp, không đúng niêm luật lắm, hoặc kẻ truyền đạt có sai lầm.

Xét ở bộ Chi Bắc Ngẫu Đàm của Vương Ngư Dương tiên sinh cũng chép việc này, thơ thời làm ra Đường luật; Lư Nhã Vũ tiên sinh có lấy đem vào tập thơ “Sơn Tả”. Nay phụ chép như sau để thêm sự so xét).

TẢN ĐÀ dịch.

___________________

(1) châu Y: từ đời Đường đặt ra, thành cũ ở huyện Cáp mật, tỉnh tân Cương nay- Khúc hát Châu Y, thời trong đời vua Minh Hoàng nhà Đường, qua tiết độ sứ Tây Hương là Cáp Gia Vận dâng lên vua.

Châu Lương, từ đời nhà Hán đặt, nay thuộc đất tỉnh Cam Túc- Khúc hát châu Lương thời từ cuối nhà Tấn, người châu Tây Hương truyền khúc cũ của TQ, hợp với giọng ca của rợ Khương Hồ mà chế ra. Đời vua Đường Minh Hoàng, quan Đô Đốc Tây Hương phủ là Quách Tri Vận dâng lên vua.

(2) nước bể: là một quốc gia nhỏ ở mạn bể, do hai chữ hải quốc dịch ra.

(3)Nhà Lưu: do hai chữ Hán gia, vì nhà Hán họ Lưu.

(4) Câu này là ý nói không có sức để báo thù cho nước.

(5) (6)Bồ Đề, Bối Diệp đều là tên sách kinh nhà Phật.

(7)Lê Viên là cảnh chơi vui hát của vua Minh Hoàng nhà Đường.
Chương trước Chương tiếp
Loading...