Lời Nguyền Lỗ Ban

Quyển 2 - Chương 23: Xuống mũi rồng



Khảm diện vẫn động. Lỗ Thiên Liễu cũng rất bất ngờ, không hiểu tại sao đã tháo xích ra mà gã kia vẫn không đứng vững. Chính vì gã đã phản ứng quá nhanh, sợi dây xích chưa rời khỏi tay, đã vội đạp chân ngã người, chuẩn bị dốc toàn lực ghim lại cú lôi của Ngũ Lang. Ngờ đâu sợi xích thình lình bung ra khiến gã ngã bật ngửa, bàn chân tung khỏi mặt thềm.

Lỗ Thiên Liễu nằm dán người xuống đất, từ chấn động dữ dội trên mặt đất và dòng sức ép xuyên qua khe cửa, cô đã cảm nhận rất rõ uy lực của khảm diện. Mặc dù sức công phá rất lớn, nhưng nó vẫn khác xa so với tưởng tượng của cô, chí ít nó cũng không hề tương xứng với cánh cửa kim loại dày nặng phía sau. Nếu sức công phá chỉ có thế, căn bản là không cần phải thiết kế một đế chắn nặng nề nhường kia để chống đỡ và giảm áp. Hơn nữa, tiếng nổ có vẻ rất bình thường, dường như cú nổ được dùng để khởi động một cơ quan cỡ lớn nào khác nữa. Không lẽ nào…

Chưa để Lỗ Thiên Liễu tiếp tục suy nghĩ, các giác quan đặc biệt mẫn cảm đã nhất loạt phủ định phán đoán ban đầu của cô. Lúc này, từ dưới lòng đất truyền lên một loạt tiếng vang rền dữ dội, trong đó còn kèm theo những âm thanh quái dị cô đã nghe thấy bên dưới giếng trời. Lẫn trong mùi thuốc nổ khét lẹt, mũi cô đã ngửi thấy những luồng khí âm hàn, u ám. Luồng khí âm hàn có thể trộn lẫn trong cái rừng rực dữ dội của vụ nổ, chứng tỏ nguồn phát ra luồng khí đang ẩn tàng một năng lượng khủng khiếp. Một loạt các hiện tượng đã buộc Lỗ Thiên Liễu phải thay đổi phán đoán. Không phải thuốc nổ có sức công phá yếu, mà là sức công phá của nó đã được phân tán xuống phía dưới. Nền đất phía dưới khối thuốc nổ chắc chắn đã lở ruỗng từ trước, cú nổ sẽ tạo ra một kích thích dữ dội để thức tĩnh một sức mạnh quái dị nào đó ở dưới kia. Nơi này có lẽ sắp sửa giống như giếng trời, trở nên nguy hiểm khó lường, cần phải rời đi càng nhanh càng tốt.

Lỗ Thiên Liễu không kịp nói gì, lập tức nhổm dậy kéo Ngũ Lang đi thẳng. Ngũ Lang cũng không dám lên tiếng, anh chưa bao giờ thấy Lỗ Thiên Liễu có vẻ nghiêm trọng đến thế.

Những diễn biến vừa phát hiện ra trước mắt đã khiến Lỗ Thiên Liễu ngộ ra rất nhiều điều. Nhưng vẫn có một vài chi tiết mà cô không hay biết, đó là khi khối thuốc phát nổ, vừa hay chiếc lá vàng trước mặt Lỗ Thịnh Nghĩa chạm xuống mặt ao; cô cũng không ngờ, vụ nổ đã kéo sập toàn bộ khu nhà Ngự long cách.

Phía cuối con đường nhỏ nối với một hành lang dài, đi qua chỗ ngoặt của hành lang là đến trước một tòa kiến trúc trông giống như một hiên đọc sách. Mặt phía trước có bố cục mở hoàn toàn, nóc nhà cong hình cánh võng, bên trong thư hiên cách cục chỉnh tề, cột tường đối xứng, có vẻ như theo bố cục ba gian, mặc dù không có tường ngăn cách. Ông Lục đã đứng đợi sẵn ở phía trước thư hiên.

Lúc nãy, sau khi lách qua cánh cửa kim loại, ông Lục đã đi thẳng về phía trước. Ông sợ nếu mình ở lại sẽ gây vướng víu cho hai đứa trẻ. Còn lúc này, ông đang lặng lẽ đứng trước cửa thư hiên, quay lưng vào cửa, mắt nhìn về phía xa xăm. Phía trước cửa thư hiên là một rặng cây cao lớn chắn ngang, cũng rậm rạp y như rặng cây ở bên ngoài tường bao, không thể nhìn qua. Mé bên kia của thư hiên cũng nối liền với một hành lang dài.

Lỗ Thiên Liễu và Ngũ Lang bước gấp đến bên ông Lục, chỉ thấy miệng ông mấp máy, nhưng không biết đang muốn nói gì.

- Tiên sinh, đây là đâu thế? – Lỗ Thiên Liễu khẽ hỏi.

“Cây không cao, không che khuất được những chỗ cao, nhưng đứng ở đây lại không nhìn thấy gì!” – Ông Lục dùng ngón tay viết thật nhanh lên mặt cát trong một chậu cảnh đựng hòn giả sơn, khi viết kín chữ lại dùng tay san phẳng rồi viết tiếp – “Chỗ này có lẽ là bờ ao, xét về vị trí hẳn là ao nước, cũng là phần miệng rồng trong cách cục.”

Không phải ông Lục không muốn nói, mà ông thực sự không nói nên lời. Ông bắt đầu ý thức được rằng chỉ lát nữa thôi, không chỉ không nói được, mà tình hình có lẽ còn bi đát hơn nữa. Vì cần cổ tê liệt ông đã bắt đầu đau đớn, một nỗi đau đớn thấu suốt trong ngoài, mà trung tâm của cơn đau chính là chỗ bị phần cù thư dính phải. Lúc này ông Lục mới nhận ra phân của giống quái điểu này có độc, một chất độc phát tác từ từ.

Ngón tay bên trái của ông Lục có chạm phải phân chim lúc này cũng đã bắt đầu đau nhức. Ông dùng những ngón không đau viết một cách vội vã: “Hành lang kéo dài không dứt, là râu rồng”. Ông dừng lại, đưa ngón tay đang đau đớn đến run rẩy chỉ về phía hành lang, rồi viết tiếp: “Trong phòng có hai hai cái giếng, là mũi rồng. Quả thực là Ngự long cách, đến mũi rồng cũng bị xây nhà che kín, tuy không cắt đứt hơi thở của rồng, nhưng không thể trực tiếp hấp thu được linh khí của nhật nguyệt mưa móc, khiến long tính khó tụ mà bị chế ngự”.

- Tiên sinh, vậy bây giờ phải làm gì? – Lỗ Thiên Liễu hỏi thật khẽ. Những phân tích tuyệt diệu của ông Lục về cách cụ phong thủy không khiến cô kinh ngạc, vì bản thân cô cũng đã cảm nhận ra đến tám chín phần. Lỗ Thiên Liễu cũng đã biết thư hiên kia chính là căn phòng giếng, có hai cái giếng bên trong. Vì ba giác dị thường của cô đã nhận ra, trong phòng có hai luồng hàn khí đậm đặc phun trào lên như hai cây cột, tầng tầng lớp lớp trùm kín cả căn phòng.

“Xuống mũi rồng” – Ông Lục viết liền ba chữ, đường nét cứng cáp, nét chữ bay bổng, khiến cát văng tung tóe. Không phải là do ý chí sôi nổi, mà trong ông đang trào dâng một nỗi chua chát bất đắc dĩ của cú liều mạng cuối cùng. Ông biết chuyến đi này của nhà họ Lỗ có mối liên quan rất lớn tới long bảo trong Ngự long cách. Nhưng giờ đây, nếu chỉ cần có được năm sáu phần chắc chắn để đưa hai đứa trẻ kia thoát thân toàn mạng, ông tuyệt đối sẽ không để chúng phải xuống mũi rồng. Có điều, từ khi phát hiện ra chất độc trong phân của chim mỏ sáp, ông đã hoàn toàn tỉnh ngộ: ngay từ đầu đối phương đã quyết tâm tận diệt không sót một người, kể cả ông. Bây giờ cho dù họ có chạy đi đâu, chắc chắn cũng bị truy sát đến cùng, chừng nào còn chưa chết hết, đối thủ quyết không tha. Chỉ còn một cách xuống mũi rồng, tiến thẳng tới miệng rồng, đoạt lấy long bảo, lấy đó để ép đối phương, như vậy mọi người mới có thể toàn mạng trở về.

Lỗ Thiên Liễu không nói lời nào. Mặc dù ông Lục chỉ viết có ba chữ, nhưng dường như cô có thể nghe thấy tất cả nỗi niềm mà ông muốn nói. Lỗ Thiên Liễu cũng không suy nghĩ gì thêm, lập tức quay người đi vào trong thư hiên, tiến thẳng tới cái giếng bên trái.

Trong “Cửu châu kiến long”(*) đời Hán có viết: “Lưu Khê có rồng ẩn tàng, thích vờn ngọc. Ngọc đó là mệnh bảo của rồng, thường tuần hoàn liên tục giữa miệng và mũi trái”.

(*) Đây là trước tác chuyên miêu tả về rồng xuất hiện sớm nhất. Thời đó, sách được viết lên thẻ tre, nên nội dung không nhiều, trong đó miêu tả khoảng tám loại rồng. Hiện nay vẫn còn thẻ tre rời rạc, nhưng nét chữ đã mờ, muốn đọc được toàn bộ là rất khó, có rất nhiều chữ chỉ còn có thể phỏng đoán.

Đương nhiên Lỗ Thiên Liễu chưa hề đọc cuốn sách này, nhưng lúc ở núi Long Hổ, cô từng nghe một lão đạo sĩ đầu hói mũi cam sành nói rằng, thời viễn cổ có Hàng Long Tôn Giả chuyên giúp dân gian hàng phục rồng, giao long yêu nghiệt. Ông chỉ hàng phục rồng chứ không giết rồng, nên phương pháp thường dùng là một tay kẹp chặt hàm rồng, khiến nó không thể mở miệng; tay còn lại chọc thẳng vào lỗ mũi trái đến ngập lút cánh tay, vươn vào tận miệng rồng lấy ngọc rồng ra, như vậy yêu long sẽ bị khống chế. Vì vậy, sau khi thấu hiếu ý đồ của ông Lục, cô đã nhớ lại phương pháp hàng long xưa kia: xuống mũi rồng lấy long bảo, sẽ phải theo lỗ mũi trái.

Lỗ Thiên Liễu thu Phi nhứ bạc vào trong tay áo. Cô biết đi xuống lần này nhất thiết phải mang theo vũ khí, Phi nhứ bạc không thể không mang. Cô còn phải để lại cho mình một con đường lui, vì không ai biết được bên dưới giếng có thứ gì đang rình rập. Vì thế, cô liền bảo Ngũ Lang tháo sợi dây thừng gân trâu buộc quanh lưng ra, tách rời ba sợi, khiến sợi dây thừng dài gấp ba lần lúc đầu. Ở gần dây, Lỗ Thiên Liễu kết một nút thắt “rung gỡ”. Nút thắt này khi buộc lại chắc chắn dị thường, nhưng khi cần tháo ra, chỉ cần lắc nhẹ mấy cái theo vài góc độ nhất định sẽ tự bung ra. Cô tròng nút thắt lên cổ tay trái, đầu còn lại buộc vào cán đao của Ngũ Lang.

Lỗ thiên liễu cởi bỏ bộ quần áo bông hoa lam bên ngoài, trên người chỉ còn lại bộ quần áo trong màu lục sẫm. Đôi chân mang tất sợi bông đã giẫm lên thành giếng, cô đứng vươn người, chuẩn bị nhảy thẳng xuống. Đây là phương pháp chính xác, không phải nhảy bừa.

Nhớ năm xưa, trong một lần đi cùng cha ra ngoài tìm gỗ quý, khi đến Thần Nông Giá(*), cô đã được một người thợ săn kỳ tài tên là Trác Bách Thú dạy cho phương pháp này. Khi buộc phải tiến vào một nơi mình hoàn toàn không biết hoặc vô cùng nguy hiểm, tuyệt đối không được từ từ tiến vào, như vậy chưa biết chừng sẽ khiến cho quái thú hay những thứ đáng sợ khác bên trong có thời gian chuẩn bị, bản thân vừa tiến vào sẽ lập tức bị tấn công. Cần phải xông thẳng vào một cách bất ngờ, như vậy vào khoảnh khắc đột nhập, đối thủ sẽ sợ hãi hoảng loạn, còn bản thân sẽ tận dụng thời khắc đó để kịp quan sát mọi thứ xung quanh, nhanh chóng đưa ra quyết định tấn công hay tẩu thoát.

(*) Là tên một khu rừng ở phía tây bắc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Lúc này, Ngũ Lang chợt nói khẽ, giọng kiên quyết:

- Để tôi!

Lỗ Thiên Liễu dùng ánh mắt cản anh ta lại. Trước ánh mắt ấy, sự kiên quyết của Ngũ Lang đã biến thành một tiếng thở dài.

Lỗ Thiên Liễu đã đưa một chân vào trong giếng, nhưng rồi lại thu về. Cô ngoảnh đầu nhìn ông Lục nãy giờ vẫn đứng quay lưng lại, dịu dàng nói khẽ:

- Tiên sinh, ông nhớ tự bảo trọng nhé!

Tiếp đó là một tiếng “Ùm!”

Kỳ thực âm thanh không hề lớn, chỉ là một tiếng vọng khẽ vẳng lên từ dưới giếng.

Ông Lục đứng trước cửa, đầu hơi ngẩng, mái tóc bạc trắng bay lòa xòa trong gió lạnh, phần đỉnh đầu bị chiếc chuông Tử phong gọt mất một mảng da lớn, trơ ra lớp thịt đỏ bầm. Tiếng va chạm giữa Lỗ Thiên Liễu và mặt nước vừa vang lên, cũng là lúc cơ thể ông không còn gắng gượng được nữa, toàn thân run lên lẩy bẩy.

Lỗ Thiên Liễu đã nhảy xuống giếng nước. Mặc dù cảm giác mẫn tiệp của cô thấy rất bất an, nhưng cô vẫn bất chấp tất cả mà lao mình xuống.

Vừa rơi xuống nước, toàn thân Lỗ Thiên Liễu lập tức cứng đờ, cơ bắp gần như không thể cử động, máu như ngừng chảy, các khớp đông cứng. Nước giếng lạnh ngoài sức tưởng tượng, tựa như hàng trăm mũi kim bằng đá đâm xuyên khắp cơ thể. Nước giếng đáng ra phải là đông ấm hè mát, nhưng ở đây lại hoàn toàn trái ngược, chẳng những không ấm, mà còn giá lạnh gấp mấy lần nước giếng mùa hè. Lỗ Thiên Liễu không khỏi kinh sợ, theo lý mà nói, nước giếng lạnh buốt thế này, xúc giác đặc biệt của cô đã phải cảm nhận được ngay từ khi đứng trên thành giếng mới đúng. Nhưng cô lại không hề phát giác ra. Cũng may nước chỉ buốt giá ở tầng trên cùng. Khi chìm sâu xuống, nhiệt độ đã dần bình thường trở lại.

Lỗ Thiên Liễu nhanh chóng quan sát xung quanh. Lòng giếng đen đặc một màu, không nhìn thấy thứ gì, nhưng cô có thể nghe thấy. Có tiếng rẽ nước ở khá gần. Xúc giác đã nói với cô, trong nước đang nổi sóng, có thứ gì đó đang tiến lại gần cô, mang theo một thứ mùi mốc meo hôi hám.

Những chuyện khiến cô kinh tâm động phách mới chỉ bắt đầu. Đúng vào lúc cô bắt đầu thích ứng với nhiệt độ của nước, cơ bắp xương khớp trên cơ thể mới hoạt động lại bình thường, cô đột ngột phát hiện ra rằng hình như không phải mình rơi xuống giếng, mà là lạc vào một bầu trời chi chít ánh sao…
Chương trước Chương tiếp
Loading...