Luật Giang Hồ

Chương 15



Scott cầu nguyện cho bà vợ viên đại sứ sẽ không thể đi vào ngày thứ năm, hoặc vần còn ở Geneva.

Anh nhớ Dexter Hutchins từng nói: "Kiên nhẫn không phải là một đức tính khi anh làm việc cho CIA, đó là chín phần mười của công việc".

Khi anh ngừng lại ở cuối hồ bơi, Hannah cho anh hay là bà vợ của viên đại sứ vẫn chưa trở về từ Thuỵ sĩ. Họ không bận tâm tới việc bơi thêm một chiều dài hồ nữa mà đồng ý gặp nhau sau đó tại công viên giải trí trong rừng Vincennes.

Lúc anh trông thấy nàng bước qua đường, anh chỉ muốn chạm vào người nàng. Không có một chỉ dẫn trong bất kỳ một cuốn cẩm nang nào của CIA về cách xử trí với một tình thế như vậy, và không một nhân viên từng nêu vấn đề đó ra với anh trong chín năm qua.

Hannah thông báo cho anh mọi việc đang xảy ra tại Toà đại sứ, kể cả "một sự việc lớn lao" đang diễn ra ở Geneva mà nàng vẫn còn chưa biết chi tiết. Scott cho nàng hay, để đáp lại vấn đề của nàng, anh đã báo cáo lại với Kratz, và không còn bao lâu nữa, nàng sẽ được rút đi. Nàng có vẻ vui lòng.

Khi họ bắt đầu nói sang chuyện khác, kinh nghiệm của Scott cảnh giác anh phải yêu cầu nàng quay về Toà đại sứ.

Nhưng lần này anh để cho Hannah tự quyết định khi nào nàng nên đi. Nàng có vẻ thư thái lần đầu tiên, và thậm chí bật cười khi nghe Scott kể chuyện về những người Paris đầy nam tính mà anh đã bắt gặp trong phòng tập thể dục mỗi buổi tối trong lúc họ tản bộ quanh công viên giải trí. Scott khám phá ra chính Hannah là người đã đoạt những con gấu nhồi bông ở phòng tập bắn và đã không cảm thấy khó chịu lúc uống một ly rượu lớn trước khi lặn.

- Tại sao cô mua kẹo bông gòn? - anh hỏi.

- Bởi vì như thế sẽ không có ai nghĩ mình là điệp viên, - nàng trả lời. - Họ sẽ tưởng mình là một cặp tình nhân.

Khi họ chia tay hai giờ sau đó, anh hôn lên má nàng. Hai kẻ chuyên nghiệp xử sự như những tay nghiệp dư. Anh xin lỗi. Nàng bật cười và bỏ đi.

° ° °

Sau mười giờ một chút, Hamid Al Obaydi gia nhập vào một đám đông nhỏ đã tụ tập lại trên lề đường đối diện với một cổng bên của Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ông ta phải đợi hai mươi phút trước khi cửa mở lại và Cavalli chạy lên đoạn đường dốc ngay lúc đoàn xe hộ tống lại hiện ra ở góc đường 7. Cavalli ra hiệu và tất cả bọn họ vội vã tới nhưng chiếc xe hơi đang chờ đợi. Al Obaydi không thể tin tưởng mắt mình. Sự dối trá hoàn toàn lừa gạt dám đông nhỏ đang bắt đầu vẫy tay và hoan hô.

Trong lúc chiếc xe hơi thứ nhất biến mất quanh góc đường, một người đàn ông đã đứng đó suốt từ đầu giải thích rằng đó không phải là Tổng thống mà chỉ là cuộc diễn tập cho một bộ phim.

Al Obaydi mỉm cười với sự dối trá hai lần liên tiếp trong lúc đám đông chán nản lần lượt bỏ đi. Ông ta băng qua đường 7 và đứng vào một hàng dọc dài gồm những du khách, học sinh và những kẻ chỉ hiếu kỳ đã sắp hàng để xem bản Tuyên ngôn Độc lập.

° ° °

Ba mươi chín bậc thang của Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải mất nhiều phút mới lên hết và lúc viên Phó Đại sứ bước vào bên trong toà nhà, dòng người đã trở nên thưa thớt như một con sông chảy qua gian tiền sảnh lát đá hoa cương tới một đường đi lên từng người với chín bậc thang nữa, cuối cùng là một khoảng nhỏ với ánh mắt của Thomas Jefferson và John Hancock 1 nhìn xuống. Phía trước ông ta là cái khung đồ sộ bằng đồng đóng khung bản Tuyên ngôn Độc lập.

Al Obaydi nhận thấy rằng khi một người tới trước tấm giấy da, người đó chỉ có thể nhìn vào bản tài liệu lịch sử đó trong giây lát. Lúc chân ông ta chạm vào nấc thang đầu tiên, tim ông ta bắt đầu đập nhanh hơn, nhưng vì một lý do khác hẳn với mọi người khác đang sắp hàng chờ đợi.

Ông ta lấy từ trong túi ra một cặp kính mà mặt kính có thể phóng đại nét chữ nhỏ nhất lên bốn lần.

Viên Phó đại sứ bước tới giữa nấc thang trên cùng và chăm chú nhìn vào bản Tuyên ngôn Độc lập. Phản ứng lập tức của ông ta là một nỗi khủng khiếp. Tấm giấy da hoàn hảo đến mức chắc chắn đây là bản gốc. Cavalli đã lừa gạt ông ta. Tồi tệ hơn nữa, y đã thành công trong việc cuỗm mất mười triệu đô la bằng một sự dối trá khéo léo. Al Obaydi kiểm tra thấy những người bảo vệ ở cả hai bên cái khung tỏ ra không hề để ý tới ông ta trước khi mang kính.

Ông ta cúi xuống cho mũi mình chỉ cách mặt kính vài phân, trong lúc ông ta tìm một chữ đã được sửa lại đúng chính tả nếu họ trông mong được trả thêm một xu nữa.

Đôi mắt của ông ta mở lớn ra với vẻ hoài nghi khi ông ta đọc tới câu: "Nor have We been wanting in attentions to our British brethren".

° ° °

Bà vợ của viên đại sứ trở về từ Geneva với chồng bà ta vào ngày thứ sáu. Hannah và Scott đã thu xếp để lén lút gặp nhau mấy giờ buổi sáng hôm ấy.

Đã gần ba tuần lễ, kể từ khi anh trông thấy nàng lần đầu tiên trong nhà tắm công cộng ở đại lộ Lennes. Chỉ mới hơn nửa tháng trước. kể từ buổi gặp gỡ được thu xếp một cách vội vã ở quán ăn trên đại lộ Bugeaud. Đó là lúc những lời nói dối bắt đầu, thoạt tiên chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, rồi mỗi lúc một to lớn hơn cho đến lúc họ đã thêu dệt với nhau thành một màn lường gạt phức tạp. Giờ đáy Scott ước ao nói hết sự thật với nàng, nhưng mỗi ngày trôi qua, việc đó lại càng trở nên khó khăn hơn.

Langley đã thích thú với những bản tin mã hoá và Dexter đã chúc mừng anh vừa làm được một công việc xuất sắc như thế. "Giỏi như một sĩ quan cấp uý ngoài tiền tuyến mà tôi có thể nhớ", Dexter công nhận. Nhưng Scott đã không tìm được một cách nào để cho vị Phó giám đốc biết là anh đang yêu.

Anh đã dọc hồ sơ của Hannah từ đầu đến cuối, nhưng vẫn không thấy manh mối nào về tính cách của nàng. Cái cách nàng cười - nụ cười khiến cho người khác phải cười theo, dù đang buồn rầu hay thức giận. Một tâm hồn luôn luôn quyến rũ và được quyến rũ bởi những gì đang xảy ra quanh nàng. Nhưng tuyệt nhất là một mối tình vừa nồng nhiệt, vừa dịu dàng khiến cho quãng thời gian hai người xa cách tưởng chừng như dài vô tận.

Và mỗi lần anh ở bên cạnh nàng, anh lại đột nhiên không còn trưởng thành, chẳng khác gì các sinh viên của anh. Những buổi gặp gỡ bí mật của họ ít khi kéo dài quá một giờ, có lẽ hai, nhưng mỗi lần lại cuồng nhiệt hơn.

Nàng tiếp tục kể cho anh nghe mọi điều về bản thân nàng với một sự thành thực và thẳng thắn tin vào sự lừa gạt của anh, trong lúc anh chẳng nói gì với nàng khác hơn một chuỗi dối trá về việc anh là một nhân viên Mossad mà bề ngoài, trong thời gian anh ở Paris là viết một cuốn sách, một cuốn sách sẽ không bao giờ được xuất bản. Đó là sự rắc rối của những lời dối trá - mỗi lời lại tạo ra lời kế tiếp trong một đường xoắn ốc vô tận. Và đó cũng là sự rắc rối của niềm tin; nàng tin tưởng lời nói của anh.

Khi anh trở về nhà buổi tối hôm ấy, anh đã lấy một quyết định mà anh biết Langley sẽ không đồng ý.

Trong lúc chiếc xe hơi di chuyển một cách chậm chạp qua làn đường nên ngoài của đại lộ Washington Memorial về phía phi trường, viên tài xế kiểm tra kính chiếu hậu và xác nhận không có ai theo dõi họ. Cavalli thở ra một hơi dài nhẹ nhõm, mặc dầu y đã vạch ra hai phương án nếu họ bị bắt với bản Tuyên ngôn. Y đã nhận thức từ lúc đầu rằng cần phải tránh xa nơi gây án càng nhanh càng tốt. Phần quan trọng của kế hoạch là y phải chuyển giao bản Tuyên ngôn cho Nick Vicente trong vòng hai giờ, sau khi rời khỏi Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

- Ta hãy tiếp tục công việc đi, - Tony nói, hướng sự chú ý sang Angelo đang ngồi đối diện với y.

Angelo liền tháo cây kiếm ra khỏi thắt lưng. Hai người nhìn vào mặt nhau như những lực sĩ đấu vật sumo Nhật bản, mỗi người chờ đợi người kia có cử động đầu tiên.

Angelo kẹp chặt cây kiếm giữa hai chân, cán chỉ về phía ông chủ. Cavalli cúi xuống, bật phần trên ra phía sau. Rồi với móng ngón tay cái và ngón trỏ, y bắt đầu lôi cái ống bằng nhựa đen ra vỏ kiếm. Angelo ấn cái cán trở về chỗ cũ và đeo cây kiếm vào thắt lưng.

Cavalli giữ cái ống nhỏ dài sáu mươi lăm phân bằng nhựa trong cả hai tay.

- Nó đáng cho ta xem một cái, - Angelo nói.

- Có bao nhiêu việc quan trọng hơn cần phải làm vào lúc này, - Cavalli vừa nói vừa đặt cái ống lên chỗ ngồi bên cạnh y.

Y nhấc máy điện thoại trong xe lên, chỉ bấm một chữ số rồi nút "Send", và đợi trả lời.

- Vâng? - một giọng nói quen thuộc vang lên.

- Tôi đang trên đường đi và tôi sẽ có một món cần xuất khẩu khi tôi đến.

Im lặng một lúc lâu và Cavalli tự hỏi có phải y đã mất liên lạc.

- Ông làm tốt lắm, - cuối cùng tiếng nói trả lời. - Nhưng ông đang theo đúng thời biểu đấy chứ?

Cavalli nhìn ra khung cửa sổ. Bảng hiệu rẽ sang đường 395 phía Nam lóe sáng chạy qua.

- Tôi cần nói chúng tôi đang cách phi trường chừng hai phút. Miễn là chúng tôi kiếm được chỗ đậu xe, tôi vẫn còn hy vọng sẽ đến gặp ông khoảng một giờ.

- Tốt, thế thì tôi sẽ gọi Nick gặp chúng ta để cho hợp đồng có thể thanh toán và gửi tiếp cho khách hàng của chúng ta. Chúng tôi sẽ chờ ông khoảng một giờ.

Cavalli đặt điện thoại xuống và tức cười khi nhận thấy Angelo chỉ mặc một chiếc áo vét và quần lót. Y mỉm cười và định có ý kiến thì chuông điện thoại reo. Cavalli nhấc máy lên.

- Vâng, - y nói.

- Andy đây. Tôi nghĩ ông muốn biết nó lại được trưng bày cho công chúng xem và người ta lại sắp hàng dài dằng dặc như thường lệ. Nhân đây, tôi xin cho ông biết, một người A rập đã đứng quanh quẩn trong đám đông suốt thời gian ông ở trong Viện Bảo tàng, rồi ông ta nhập bọn với những người muốn xem bản Tuyên ngôn.

- Tốt lắm, Andy. Anh hãy trở về New York và có thể kể chi tiết cho tôi nghe ngày mai.

Cavalli đặt máy điện thoại xuống và xem xét mẩu tin mới của Andy, trong lúc Angelo vừa thắt xong một cái nút trên chiếc cà vạt mà không một viên trung uý nào từ chối. Anh ta vẫn còn chưa mặc quần dài.

Tấm kính mờ giữa tài xế và hành khách chợt trượt xuống.

- Chúng ta sắp sửa đến phi trường, thưa ông. Không có ai theo dõi chúng ta suốt thời gian qua.

- Tốt, - Cavalli nói trong lúc Angelo vội vàng mặc quần. - Sau khi đổi bảng số xe, anh hãy lái trở lại New York.

Viên tài xế gật đầu trong lúc chiếc xe hơi dừng lại bên ngoài Signature Flight Support.

Cavalli chộp lấy cái ống nhựa, nhảy ra khỏi xe, chạy qua phòng đón khách và ra thẳng phi đạo. Mắt y liếc tìm chiếc Learjet. Rồi y trông thấy nổ. Một cánh cửa mở ra và các nấc thang được thả xuống tận mặt đất. Cavalli chạy về phía đó trong lúc Angelo vừa theo sau vừa cố mặc chiếc áo vét trong cơn gió mạnh.

Viên trưởng phi hành đoàn đang chờ họ ở bậc thang trên cùng.

- Các ông vừa đến kịp để chúng tôi giữ được chỗ, - viên trưởng phi hành đoàn nói.

Cavalli mỉm cười, và khi hai người đã buộc dây an toàn, viên trưởng phi hành đoàn ấn một nút để cho các nấc thang cuốn trở lại vào vị trí.

Máy bay cất cánh mười bảy phút sau đó, nghiêng cánh phía trên trung tâm Kennedy, trước khi cô chiêu đãi viên mời mỗi người một cốc sâm banh. Cavalli từ chối ly thứ hai trong lúc y tập trung vào việc y cần phải làm trước khi y có thể xem vai trò của mình trong vụ này đã chấm dứt. Tư tưởng của y hướng về Al Obaydi một lần nữa và y bắt đầu tự hỏi phải chăng mình đã đánh giá thấp ông ta.

Khi chiếc Learjet đáp xuống La Guardia năm mươi bảy phút sau đó, viên tài xế của Cavalli đang chờ đợi bên cạnh xe, sẵn sàng đưa họ vào thành phố.

Trong lúc viên tài xế liên tục đổi làn đường và đổi hướng trên xa lộ cuối cùng chở họ về phía Tây, qua cầu Tribrough, Cavalli xem đồng hồ. Lúc này họ đã lạc vào một biển xe cộ hướng về Manhattan, chỉ tám mươi bảy phút, sau khi rời khỏi Calder Marshall bên ngoài cổng giao hàng của Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Khoảng chừng thời gian một chủ ngân hàng ở Wall Street mất cho một bữa ăn trưa, Cavalli nghĩ.

Cavalli được thả xuống bên ngoài ngôi nhà của bố y ở đường 75 lúc chưa đầy một giờ, để Angelo đi tiếp đến văn phòng ở Wall Street và kiểm tra các cú điện thoại trong lúc mỗi thành viên của đội điều hành nộp báo cáo.

Viên quản gia giữ cho cửa trước cửa số 23 mở, trong lúc Tony bước ra khỏi xe.

- Tôi có thể cầm cái đó cho ông, thưa ngài? - Anh ta vừa hỏi vừa chăm chú nhìn cái ống nhựa.

- Không, cám ơn anh, Martin, - Tony nói - Tôi sẽ giữ nó trong lúc này. Bố tôi ở đâu?

- Ông cụ đang ở trong phòng tắm với ông Vicent vừa mới đến cách đây mấy phút.

Tony chạy xuống cầu thang dẫn tới tầng hầm và tiếp tục băng qua hành lang. Y sải bước vào phòng họp ban điều hành và trông thấy bố y đang ngồi ở đầu bàn, mải mê trò chuyện với Nick Vicente. Vị chủ tịch đứng lên để chào đón con trai và Tony đưa cho ông cái ống nhựa.

- Hoan hô anh hùng chiến thắng, - Đó là những lời đầu tiên của bố y. - Nếu con thành công như thế đối với George III 2 , ông ta sẽ phong con làm hầu tước. "Xin mời ngài Antonio đứng lên". Nhưng theo tình hình này thì con sẽ phải hài lòng với số tiền đền bù một trăm triệu đô la. Một ông già có được phép xem qua bản gốc trước khi Nick đưa đi hay không?

Cavalli bật cười và mở nắp trên đầu ống nhựa trước khi từ từ kéo tấm giấy da ra và nhẹ nhàng đặt lên bàn phòng họp. Đoạn y trải hai trăm năm lịch sử ra. Ba người chăm chú nhìn xuống bản Tuyên ngôn Độc lập và nhanh chóng kiểm tra lỗi chính tả của chữ "Brittish".

- Tuyệt diệu, - Ông bố của Tony chỉ biết nói như thế trong lúc ông bắt đầu liếm môi.

- Đáng chú ý nhất là mấy chữ ký ở phía cuối sao mà quá sát vào nhau như vậy, - Nick Vicent nhận xét sau khi nghiên cứu tấm tài liệu trong mấy phút.

- Nếu tất cả bọn họ ký tên lớn như John Hancock, thi chắc là bản Tuyên ngôn phải dài gấp đôi, - vị chủ tịch nói thêm trong lúc máy điện thoại trong phòng họp bắt đầu có chuông.

Vị chủ tịch bật một nút tên tổng đài liên lạc.

- Gì thế Martin?

- Có một ông Al Obaydi trên đường dây nóng muốn được nói chuyện với Tony.

- Cám ơn anh Martin, - vị chủ tịch nói, trong lúc Tony cúi xuống để nhấc ống nghe lên. - Sao con không lấy máy trong văn phòng của ba, để cho ba nghe bằng máy phụ.

Tony gật đầu và rời khỏi phòng để đi tới cửa bên cạnh, nơi đây y cầm lấy ống nghe trên bàn viết của bố y.

- Antonio Cavalli đây, - y nói.

- Tôi là Hamid Al Obaydi. Bố ông đề nghị tôi gọi lại vào giờ này.

- Chúng tôi đang giữ bản tài liệu mà ông cần, - Cavalli chỉ nói như thế.

- Tôi xin chúc mừng ông, ông Cavalli.

- Ông sẵn sàng trả hết số tiền còn lại như đã thoả thuận chứ?

- Tất cả vào lúc thích hợp, nhưng phải chờ cho tôi khi ông đã giao bản tài liệu tới chỗ chúng tôi chọn. Ông Cavalli, chắc ông vẫn còn nhớ đó cũng là một phần của sự thoả thuận.

- Và chỗ đó là ở đâu? - Cavalli hỏi.

- Tôi sẽ đến văn phòng của ông lúc mười hai giờ trưa mai, khi đó ông sẽ nhận được các chỉ dẫn.

Ông ngừng lại một lát rối nói tiếp:

- Trong số những sự việc khác.

Đường dây im bặt.

Cavalli đặt điện thoại xuống và cố nghĩ Al Obaydi có thể ngụ ý gì qua mấy từ "Trong số những sự việc khác". Y chầm chậm bước trở lại phòng họp và trông thấy bố y cùng với Nick đang mải mê nghiên cứu bản Tuyên ngôn. Tony lưu ý tấm giấy da đã được phục chế.

- Ba ơi, ông ta ngụ ý gì với câu "Trong số những sự việc khác" - Tony hỏi.

- Ba không có ý kiến, - bố y trả lời trong lúc ông ta nhìn tấm giấy da một lần cuối rối bắt đầu tử từ cuốn lại.

- Rất có khả năng con sẽ hiểu ra vào ngày mai, - Tony nói trong lúc vị chủ tịch đưa bản tài liệu cho con trai và Tony lại đút vào trong ống nhựa.

- Như vậy nó sẽ được đưa tới đâu? - Tony hỏi.

- Tôi sẽ được cho biết các chi tiết lúc mười hai giờ trưa mai, - Tony nói, hơi ngạc nhiên vì bố y không kể lại cuộc nói chuyện bằng điện thoại với Al Obaydi cho người bạn lâu đời nhất của ông.

--- ------ ------ ------ -------

1 John Hancock (1737-1793): Chủ tịch Quốc hội Mỹ (1775-1777), người ký tên đầu tiên trong bản Tuyên ngôn Độc lập.

2 George III (1738-1820): vua nước Anh và Ái Nhĩ Lan (1760-1820).
Chương trước Chương tiếp
Loading...