Martin Eden
Chương 28
Nhưng thành công đã để lạc mất địa chỉ của Martin, những vị sứ giả của nó không còn đến cửa nhà gã nữa. Trong hai mươi nhăm ngày liền, làm việc cả ngày chủ nhật và ngày lễ, gã vùi đầu vào viết một bài luận văn dài ước độ ba mươi ngàn từ, nhan đề là "Sự hổ thẹn của mặt trời." Đó là một cuộc tấn công có chủ định vào thuyết thần bí của trường phái Maeterlinck 1 - một cuộc tấn công từ dinh lũy của khoa học thực nghiệm đánh vào những kẻ mơ những điều kỳ diệu; tuy nhiên, trong cuộc tấn công này gã vẫn còn giữ lại rất nhiều cái đẹp, cái kỳ diệu, những cái phù hợp với thực tế đã được xác định. Ít lâu sau, gã lại tiếp tục cuộc tấn công bằng hai bài luận văn ngắn "Những kẻ ước mơ những điều kỳ diệu" và "Cái thước của tôi." Và cả bài dài lẫn bài ngắn gã lại bắt đầu bỏ tiền chi phí du hành cho chúng từ tạp chí này đến tạp chí khác. Trong thời gian hai mươi nhăm ngày viết bài "Sự hổ thẹn của mặt trời," gã có bán được một số bài lặt vặt được sáu đô la năm mươi xu. Một truyện khôi hài được năm mươi xu, một truyện khác bán ột tờ báo trào phúng hàng tuần được một đô la. Rồi hai bài thơ trào phúng, một bài được hai, một bài được ba đô la. Kết quả là sau khi đã trả hết nợ ấy ông chủ hiệu (tuy số tiền gã nợ lão chủ hiệu thực phẩm đã tăng lên tới năm đô la), chiếc xe đạp và bộ quần áo lại phải quay lại hiệu cầm đồ. Hiệu cho thuê máy chữ cũng lại thúc tiền, khăng khăng nói rằng theo đúng hợp đồng thì tiền thuê bắt buộc phải trả trước.Bán được một số bài cò con ấy, gã thêm hăng hái, lại quay lại viết những bài lặt vặt. Không chừng rốt cuộc, viết thế hóa ra lại sống được. Còn chất đống dưới gầm bàn là một lô đến hai mươi truyện bị Nghiệp đoàn cung cấp truyện ngắn cho các báo "trả về." Gã đọc kỹ lại cả một lượt cốt để xem xem viết truyện ngắn cho các báo thì nên tránh cái gì, và làm như vậy gã đã luận ra một công thức hoàn hảo. Gã thấy rằng viết truyện ngắn cho các báo thì không nên bi thảm quá, không bao giờ được kết thúc không có hậu; ngôn ngữ không được đẹp quá; tư tưởng tình cảm không được tế nhị quá. Tất nhiên là phải có tình cảm, có nhiều, nhưng phải là những tình cảm trong trắng, cao quý theo cái kiểu mà hồi còn trẻ ngồi xem trên "lô thượng tầng của rạp hát" gã thường tán thưởng, loại tình cảm "Vì-chúa-vì-Tổ-quốc-và-Sa-hoàng" hay "Tôi-có-thể-nghèo-nhưng-lương-thiện."Sau khi đã thấy được những điều cần phải phòng ngừa đó, gã đọc lại truyện "Bà quận chúa," sửa lại giọng văn, thêm thắt pha trộn cho đúng với công thức. Công thức gồm ba phần: 1. Hai người yêu nhau, bị chia lìa - 2. Nhờ một hành động hay biến cố gì đó, lại đoàn tụ - 3. Hồi chuông lễ cưới. Phần thứ ba thì khối lượng không được thay đổi. Còn phần thứ nhất và phần thứ hai thì tha hồ kéo dài chừng nào cũng được. Thế đấy, đôi người yêu có thể bị chia lìa vì hiểu nhầm nhau, vì số phận rủi ro, vì có kẻ tình địch ghen tuông, vì bố mẹ nổi giận, vì người giám hộ xảo trá, vì họ hành mưu đồ xấu, vân vân và vân vân... Họ có thể được đoàn tụ nhờ một hành động nào của chàng hay một hành động tương tự của nàng, hoặc ý chàng hay ý nàng đã thay đổi, hoặc người giám hộ xảo trá bị bắt buộc phải thú nhận, hoặc kẻ tình địch ghen tuông, họ hàng mưu đồ xấu xa phải tự nguyện nhận hết tội lỗi, hoặc đã khám phá ra một âm mưu bí mật nào đó, hoặc chàng đã kiên trì tấn công trái tim nàng, hoặc chàng có những hành động quên mình vô cùng cao cả vân vân... Không kể hết được. Lúc đoàn tụ mà để cho nàng ngỏ ý trước thì lại càng hấp dẫn lắm. Dần dần Martin khám phá thấy những mánh lới làm cho truyện nhất định phải gay cấn, hấp dẫn. Nhưng hồi chuông lễ cưới ở đoạn kết là điều duy nhất gã không được tùy tiện, dù trời có nghiêng, đất có lệch, trăng sao có sa xuống đi nữa thì chuông đám cưới ở nhà thờ cũng chỉ rung đúng như thế thôi. Còn về khối lượng thì công thức quy định là ngắn nhất thì cũng phải là một ngàn hai trăm từ, mà dài nhất thì cũng chỉ đến ngàn rưởi là cùng.Trước khi đi sâu vào nghệ thuật viết truyện ngắn, Martin còn tìm ra được một số hình thức thông thường khác, và cứ mỗi lần viết gã lại đem ra tham khảo. Những hình thức này giống như những bảng tổng hợp tài tình mà các nhà toán học thường dùng, nhờ chúng mà có thể đi từ đầu đến cuối, từ phải sang trái; vào truyện bao nhiêu dòng, bao nhiêu cột, chẳng cần phải lý luận, chẳng cần phải suy nghĩ cũng có thể rút ra hàng trăm hàng ngàn kết luận khác nhau, kết luận nào cũng rõ ràng; cũng đúng không còn cãi vào đâu được. Như vậy, với những hình thức đó, trong nửa tiếng đồng hồ, Martin có thể dựng lên mươi mười hai truyện ngắn, cứ để sẵn đấy, lúc nào tiện thì viết. Gã thấy, gã có thể viết một mạch xong một truyện theo hình thức ấy vào lúc trước khi đi ngủ, sau một ngày liền vùi đầu vào những công việc quan trọng hơn. Sau đấy, có lần gã thú nhận với Ruth, hầu như ngay trong lúc ngủ, gã cũng có thể viết được. Công việc chính chỉ là dựng lên một cái khung, mà việc làm đó thì hoàn toàn máy móc.Gã không còn nghi ngờ một chút nào về sự hiệu nghiệm của công thức trên, và cũng là lần đầu gã nắm được tâm lý của các ông biên tập, khi gửi hai truyện đầu tiên đó, gã dám nói chắc với mình là thế nào cũng nhận được ngân phiếu. Và sau mười hai ngày, gã nhận được hai tấm ngân phiếu thật, mỗi truyện bốn đô la.Cũng trong thời gian này, gã khám phá thấy nhiều điều mới về các tạp chí, làm cho gã hết sức kinh hoàng. Tuy tờ "Xuyên lục địa nguyệt san" đã đăng truyện "Tiếng chuông" của gã, nhưng vẫn không thấy một tấm ngân phiếu nào đến cả. Martin cần đến nó, gã viết thư đòi. Gã chỉ nhận được một bức thư trả lời nói loanh quanh và yêu cầu gã gửi thêm các bài khác nữa. Gã đã phải nhịn đói mất hai ngày đợi thư trả lời, rồi gã đánh lại phải mang xe đạp trở lại hiệu cầm đồ. Đều đặn, mỗi tuần hai lần, gã viết thư cho tờ "Xuyên lục địa nguyệt san" đòi năm đô la, tuy năm thì mười họa gã mới nhận được thư trả lời. Gã không biết rằng tờ "Xuyên lục địa nguyệt san" đang lay lắt sống dở chết dở hàng mấy năm nay, và nó chỉ là một tạp chí hạng tư hay nói cho đúng hơn hạng mười, không có chút uy tín gì cả, phát hành cọc cạch, sống, phần thì nhờ vào cách làm tiền lặt vặt, kêu gọi lòng yêu nước của độc giả, phần thì nhờ vào các bài quảng cáo không hơn gì là của bố thí. Gã cũng không biết rằng cả ông chủ bút, cả tòa soạn đều chỉ trông mong vào tờ báo mà sống, và họ chỉ còn sống được là do nay dọn chỗ này, mai dọn chỗ khác để trốn tiền nhà và không bao giờ trả một cái hóa đơn nào mà họ có thể lẩn được. Mà gã không thể nghĩ được rằng số tiền năm đô la của gã đã bị ông chủ bút đem dùng vào việc quét vôi lại căn nhà của ông ấy ở Alameda. Chính ông ấy quét lấy vào những buổi chiều trừ chiều chủ nhật, vì ông ấy không có tiền trả công thợ và vì anh chàng phụ việc bị tuột thang ngã gãy một cái xương cổ phải đưa vào nhà thương.Số tiền mười đô la về bài "Những người đi tìm châu báu" bán cho tờ Chicago cũng không thấy tăm hơi đâu. Bài đã được đăng rồi, gã biết chắc như vậy vì đã đọc thấy ở Thư viện trung ương nhưng gã vẫn chưa nhận được một lời nào của ông chủ bút cả. Thư của gã cứ bị lờ đi. Để yên trí thư sẽ đến nơi, nhiều bức gã phải gửi bảo đảm. Gã đi đến kết luận, thật không khác gì trò ăn trộm, ăn cắp táng tận lương tâm. Trong khi đang chết đói dở gã lại còn bị xoáy mất cả hàng hóa, cả sản phẩm của mình, mà bán được chúng là cách duy nhất để có bánh mà ăn.Tờ "Thiếu niên và Thời đại" là một tờ tuần báo nó đã đăng hai phần ba truyện phiêu lưu dài hai mươi mốt ngàn từ của gã, nhưng ngay sau đó thì nó đóng cửa. Và thế là bao hy vọng lấy được mười sáu đô la cũng bị đóng theo.Bi đát hơn cả là truyện "Cái xoong" mà gã cho là một trong những sáng tác hay nhất của gã, cũng bị cuỗm mất. Sau khi cho nó đi chu du quay cuồng khắp các tòa báo, trong lúc thất vọng gã đã gửi nó cho tờ "Ngọn sóng," một tuần báo xã hội ở San Francisco. Lý do chính việc gửi cho tờ báo này là từ Oakland sang bên kia chỉ phải qua vịnh, một quyết định nhanh chóng có thể đạt được. Hai tuần sau, gã sung sướng quá khi thấy toàn bài của mình được đăng trên số báo cuối cùng, có tranh minh họa và ở ngay trang danh dự. Gã trở về nhà, lòng rộn ràng băn khoăn không biết họ sẽ trả lại bao nhiêu ột trong những sáng tác hay nhất ấy của mình. Hơn nữa, việc họ nhận và cho đăng nhanh như thế là một điều khiến gã vui thích. Việc người chủ bút không báo cho gã biết trước là nhận đăng lại càng làm cho sự ngạc nhiên thêm trọn vẹn. Sau khi chờ đợi một tuần, hai tuần, rồi nửa tuần nữa, thất vọng đã thắng được rụt rè, gã viết thư cho ông chủ bút tờ "Ngọn sóng" nhắc có thể do một sự sơ xuất nào đó của ban quản trị, số tiền nhuận bút nhỏ bé của gã đã bị quên đi.Gã nghĩ thầm, dù là không được năm đô la đi nữa, thì ít nhất cũng đủ để mua đậu biển và súp rau để có sức viết được năm, sáu bài theo loại ấy và có thể cũng hay không kém.Gã nhận được của ông chủ bút một bức thư lạnh lùng, ít nhất nó cũng làm cho gã phải thán phục. Thư viết:"Chúng tôi xin cảm ơn về sự đóng góp vô cùng quý báu của ông. Tất cả tòa soạn chúng tôi rất vui sướng khi đọc sáng tác của ông và như ông đã biết, chúng tôi cho đăng nó ngay trên trang danh dự. Chúng tôi tha thiết hy vọng rằng những bức tranh minh họa đã làm cho ông hài lòng."Sau khi đọc lại thư ông, chúng tôi thấy hình như ông đã hiểu nhầm là tòa báo chúng tôi có trả tiền nhuận bút cho những bài không do tòa soạn yêu cầu. Đó không phải là lệ của tòa báo chúng tôi, và tất nhiên bài của ông là bài không do tòa soạn yêu cầu. Khi cho đăng bài, chúng tôi đinh ninh rằng ông đã rõ điều qui định ấy. Chúng tôi chỉ còn biết là rất tiếc có sự hiểu nhầm không may ấy và mong ông tin ở sự thành thực của chúng tôi."Một lần nữa, xin cảm ơn ông về sự đóng góp quý báu của ông. Chúng tôi hy vọng rằng trong một ngày rất gần đây sẽ nhận được thêm nhiều bài của ông. Kính chúc... "Trong phần tái bút lại còn viết thêm, ý nói, tuy tờ "Ngọn sóng" không có lệ biếu không một vị độc giả nào, nhưng họ rất lấy làm vui sướng khi gửi tặng gã một năm báo trong năm tới.Từ sau cái kinh nghiệm đó, mỗi lần gửi bản thảo, gã đều đánh máy thật rõ ràng ngay ở đầu trang đầu. "Xin thanh toán theo giá quy định của quý báo."Gã tự an ủi, sẽ có ngày, chúng phải được thanh toán theo giá quy định của "ta."Trong thời gian này gã phát hiện thấy ở gã niềm say mê cái toàn thiện toàn mỹ. Bị thôi thúc bởi niềm say mê đó, gã viết lại và gọt dũa "Khu phố hỗn độn", "Men rượu cuộc đời", "Niềm vui", "Những bài ca về biển" và nhiều truyện khác nữa gã viết hồi đầu. Cũng như trước đây, mười chín giờ làm việc liền hình như cũng vẫn còn quá ít đối với gã. Gã viết liên miên, đọc liên miên. Trong lúc say sưa với công việc, gã quên cả những nỗi dằn vặt trong cơ thể do bỏ thuốc lá gây ra. Lọ thuốc cai mà Ruth đã hứa, có cái nhãn hiệu màu sắc lóe mắt, gã đem đút vào một xó kín nhất ở bàn làm việc. Đặc biệt trong lúc những cơn đói kéo dài, gã mới cảm thấy tất cả sự khổ sở vì thiếu thuốc lá, dù gã đã cố nén, cơn nghiện vẫn cứ giày vò mãnh liệt. Gã coi đó là một việc làm lớn nhất mà gã có thể đạt được. Ruth thì cho rằng gã chỉ làm một việc đúng đắn, không hơn. Nàng đem thuốc cai đến cho gã, rút ở số tiền tiêu vặt ra mua và vài ngày sau, nàng cũng chẳng còn nhớ gì về việc đó nữa.Những truyện ngắn viết như máy của gã, tuy gã không thích và mỉa mai giễu cợt thì lại thành công. Nhờ chúng mà gã có tiền chuộc lại các thứ đem cầm, trả được gần hết các món nợ và còn mua được một đôi lốp mới lắp vào xe đạp. Ít nhất, chúng cũng giữ được cho gã có nồi súp nóng và cho gã có thời gian để thực hiện những tham vọng to tát hơn, trong khi số tiền độc nhất giúp gã giữ vững tinh thần vẫn là khoản 10 đô la gã đã nhận được của tờ "Con chuột bạch." Gã đặt lòng tin vào đó. Gã tin rằng những tạp chí thực sự thuộc loại nhất ít nhất cũng trả cho các tác giả chưa có tiếng tăm gì bằng như thế nếu không hơn. Nhưng vấn đề là làm thế nào mà lách được vào các tạp chí loại nhất? Những truyện ngắn, những bài luận văn, những bài thơ hay nhất của gã cứ đi ăn mày hết tòa báo này sang tòa báo khác; ấy thế nhưng hàng tháng giữa những trang bìa đủ kiểu, gã vẫn chỉ đọc thấy hàng mớ những bài văn chương tầm thường, nhạt nhẽo, không có một chút gì là nghệ thuật. Đôi khi, gã tự nghĩ, giá có một chủ bút nào hạ cố từ trên cái ghế kiêu hãnh cao vòi vọi, bước xuống viết cho gã một dòng khuyến khích! Ừ thì cứ cho là tác phẩm của gã chưa tốt, ừ thì cứ cho là nó chưa hay, chưa đăng được vì lý do thận trọng này khác... nhưng chắc chắn là trong đó cũng phải có một vài tia lửa nào, một vài thôi, ở đâu đó, để kích thích họ, để tán thưởng chứ. Và rồi gã lại lôi một trong những tập bản thảo ra - như tập "Mạo hiểm" và lại đọc đi đọc lại để trả thù một cách vô vọng sự im lặng ấy của các ông chủ bút.Mùa xuân êm dịu của California trôi qua thì mùa thu hoạch của gã cũng chấm dứt. Hàng mấy tuần lễ liền gã băn khoăn lo lắng về sự yên lặng kỳ lạ của Nghiệp đoàn chuyên cung cấp truyện ngắn cho các báo. Rồi một hôm, gã nhận được qua nhà bưu điện một tập mười truyện ngắn viết như máy của gã còn sạch nguyên vẹn. Kèm theo có một bức thư rất ngắn ý nói là hiện nay bài còn ứ đọng nhiều quá, ít nhất vài tháng nữa thị trường mới lại cần đến những bản thảo. Martin vẫn hằng tin - thậm chí một cách ngông cuồng - ở giá trị của mười truyện ngắn này. Cho đến tận gần đây Nghiệp đoàn vẫn trả gã mối truyện năm đô la và nhận tất cả những bài gã gửi tới. Vì thế, gã coi mười bài kia như là đã bán xong xuôi rồi, và tiêu pha theo mức như đã có năm mươi đô la để ở ngân hàng. Thế là đột ngột gã lâm vào thời kỳ gieo neo; trong khi đó gã vẫn tiếp tục đem bán những bài viết hồi đầu của mình cho những tờ báo không chịu trả tiền và gửi những bài viết về sau này cho những tạp chí không chịu mua. Một vài mẩu chuyện vui, một vài bài thơ trào phúng bán được cho các tuần san ở New York không cho gã đủ tiền để sống. Trong thời gian này, gã đã viết thư hỏi nhũng tập san lớn xuất bản hàng tháng hay hàng quí, nhưng qua thư trả lời gã mới biết ít khi họ nhận đăng bài không do tòa soạn yêu cầu; hầu hết những bài trong các tập san đó đều do các nhà chuyên môn nổi tiếng, đã có uy tín về từng lĩnh vực viết theo yêu cầu của họ.Chú thích:1. Maeterlinck (1852-1919) thi sĩ kiêm kịch tác gia người Bỉ, theo chủ nghĩa thần bí và ấn tượng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương