Mật Mã Da Vinci
Chương 31
Bên ngoài Castel Gandolfo, một luồng gió núi thổi thốc lên, tràn qua đỉnh vách đá làm giám mục Anngarosa rùng mình ớn lạnh khi ông bước ra từ chiếc Fiat. Lẽ ra ta nên mặc thêm gì đó ngoài chiếc áo chùng này, ông nghĩ vậy, cố dẹp cơn run theo phản xạ. Điều tối kị đối với ông tối nay là tỏ ra yếu đuối hay sợ hãi. Toà lâu đài tối om ngoại trừ những cửa sổ trên cùng, nơi hắt ra một thứ ánh sáng đáng ngại. Đó là thư viện. Giám mục Aringarosa nghĩ bụng. Họ còn thức và đang đợi. Ông cúi đầu tránh gió và tiếp tục bước, thậm chí không buồn liếc mắt về phía đài thiên văn. Vị tu sĩ đón ông ở cửa trông có vẻ buồn ngủ. Đó cũng chính là người đã nghênh đón Aringarosa cách đây năm tháng, tuy nhiên tối nay, ông ta làm nhiệm vụ đó kém nồng hậu hơn nhiều. "Chúng con rất lo cho cha, thưa cha Giám mục", người tu sĩ vừa nói vừa nhìn đồng hồ, trông có vẻ bối rối hơn là lo lắng. "Tôi xin lỗi. Thời buổi này, hàng không chẳng mấy đáng tin cậy". Người tu sĩ lí nhí câu gì đó nghe không rõ rồi nói: "Mọi người đang đợi cha trên tầng. Con xin đưa cha lên". Thư viện là một phòng rộng vuông vắn được lát và ốp bằng một loại gỗ màu sẫm từ sàn cho đến tận trần. Ở mọi phía, những giá cao ngất chất đầy sách. Sàn lát đá cẩm thạch có trang trí các họa tiết bằng đá bazan, một nét đẹp nhắc ta hay rằng toà nhà này có thời đã từng là cung điện. "Hoan nghênh Đức Giám mục", một giọng đàn ông vọng ra từ phía trong căn phòng. Aringarosa cố để ý xem ai vừa nói nhưng đèn mờ tối một cách kỳ cục, tối hơn nhiều so vởi lần đầu tiên ông đến đây khi đó mọi thứ đều rực sáng. Đêm thức tỉnh hoàn toàn. Còn đêm nay, những người này ngồi trong bóng tối, như thể cách nào đó, họ cảm thấy xấu hổ vì những điều sắp sửa lộ ra. Aringarosa chậm rãi bưởc vào, thậm chí còn có vẻ vương giả là đằng khác. Ông thấy ba người đàn ông ngồi tại chiếc bàn dài ở phía xa của căn phòng. Người ngồi giữa chỉ nhìn dáng cũng nhận ra ngay - vị Thư ký béo phệ của Toà Thánh Vatican, người cai quản tất cả các vấn đề có liên quan đến luật pháp trong phạm vi thành phố Vatican. Hai người kia đều là những Hồng y giáo chủ cao cấp của Ý. Aringarosa đi ngang qua thư viện về phía họ: "Tôi xin cúi đầu cáo lỗi vì đã đến vào cái giờ muộn mằn này. Múi giờ của chúng ta khác nhau. Chắc các ngài rất mệt". "Không hề, vị thư kí nói, hai tay chắp trên cái bụng phệ vĩ đại. "Đội ơn ngài đã từ xa đến đây. Điều tối thiểu chúng tôi có thể làm là thức để gặp ngài. Ngài có muốn dùng một tách cà phê hay nước giải khát không?". "Tôi muốn chúng ta đừng coi đây là một cuộc thăm viếng xã giao. Tôi còn phải đáp một chuyến bay nữa. Liệu chúng ta có thể đi thẳng vào công việc được không?". "Tất nhiên", người thư kí nói, "ngài hành động nhanh hơn chúng tôi tưởng đấy". "Ngài vẫn còn những một tháng nữa". "Các ngài đã cho biết những điều các ngài quan tâm từ năm tháng trước", Aringarosa nói. "Vậy thì tại sao tôi lại phải đợi?". "Thật vậy. Chúng tôi rất hài lòng với kế hoạch của ngài". Aringarosa đưa mắt dọc theo chiều dài của chiếc bàn tới một chiếc cặp đen. "Đây có phải là thứ tôi đã yêu cầu không?". "Nó đấy!", giọng người thư kí nghe có vẻ bồn chồn. "Mặc dù tôi phải thừa nhận rằng chúng tôi có phần lo lắng vì yêu cầu đó. Nó có vẻ khá…". "Nguy hiểm", một trong số các vị hồng y giáo chủ nói nốt. Ngài có chắc là chúng tôi không thể chuyển ngân cho ngài tới một địa điểm nào đó sao? Khoản tiền này thật quá lớn". Tự do là đắt giá. "Tôi không hề lo ngại gì cho sự an toàn của chính mình. Chúa luôn ở bên tôi". Các vị chủ nhân thực sự có vẻ nghi ngờ. "Số tiền này đúng như tôi đã yêu cầu chứ?". Người thư kí gật đầu: "Đó là những trái phiếu có mệnh giá cao rút từ Ngân hàng Vatican. Có thể chuyển thành tiền mặt ở bất kì nơi nào trên thế giới". Aringarosa bước về phía cuối bàn và mở chiếc cặp. Bên trong là hai tập dày trái phiếu, mỗi tờ đều in hình con dấu của Vatican và chữ PORTATOR khiến tớ trái phiếu có thể giải ngân cho bất kì ai mang nó. Người thư kí có vẻ căng thẳng: "Tôi phải nói với ngài, thưa Đức Giám mục, tất cả chúng tôi sẽ cảm thấy đỡ lo hơn nếu như khoản này ở dạng tiền mặt". Nếu bằng tiền mặt làm sao ta có thể nhấc nổi. Aringarose nghĩ bụng rồi đóng chiếc cặp số lại. "Trái phiếu cũng có thể sử dụng như tiền mặt. Chính ngài đã nói với tôi như vậy mà". Các vị Hồng y giáo chủ nhìn nhau ngại ngùng, và cuối cùng một người lên tiếng: "Phải, nhưng những tờ trái phiếu này đều có thể truy xuất xứ trực tiếp về Vatican". Aringarosa cười thầm. Đó đích thị là lí do khiến Thày giáo đã gợi ý cho ông nên nhận tiền dưới dạng trái phiếu của Ngân hàng Vatican. Điều đó coi như bảo hiểm. Tất cả chúng ta giờ đây là cùng hội cùng thuyền. "Đây là một cuộc giao dịch hoàn toàn hợp pháp", Aringarosa trấn an, "Opus Dei là một giám mục đoàn riêng của thành phố Vatican, và Đức Giáo hoàng có thê giải ngân được bất cứ lúc nào mà ngài thấy thích hợp. Ở đây hoàn toàn không hề có gì phạm pháp cả". "Đúng vậy, nhưng…" Vị thư kí cúi về phía trước và chiếc ghế kêu ken két dưới sức nặng. "Chúng tôi không hề biết ngài định làm gì với khoản tiền này, và nếu như nó bị sử dụng bất hợp pháp…". "Xét những gì các ngài yêu cầu ở tôi", Aringarose đối đáp, "thì việc tôi làm gì với khoản tiền này không can hệ gì đến ngài". Im lặng kéo dài. Họ biết là ta lý. Aringarosa nghĩ thầm. "Tôi đoán bây giờ chắc các ngài có thứ gì đó cho tôi kí vào chứ?". Tất cả bật dậy, sốt sắng đẩy tờ giấy về phía giám mục, như thể họ muốn ông cuốn xéo đi cho mau. Aringarosa đưa mắt nhìn tờ giấy trước mặt mình, có đóng triện của Giáo hoàng: "Bản này hệt với bản mà các ngài đã gửi cho tôi chứ?". "Chính xác". Aringarosa ngạc nhiên thấy mình chẳng mấy xúc động khi kí vào văn bản đó. Nhưng hình như ba người kia lại thở phào nhẹ nhõm. "Cảm ơn, ngài Giám mục", vị thư kí nói. "Công lao của ngài đối với Giáo hội sẽ không bao giờ bị lãng quên". Aringarosa nhấc chiếc cặp lên, cảm nhận rõ triển vọng tốt đẹp cũng như uy quyền trong sức nặng của nó. Trong khoảnh khắc bốn người nhìn nhau như thể họ còn điều gì muốn nói song có lẽ chẳng còn gì để nói. Aringarosa quay người và đi về phía cửa. "Ngài Giám mục?" một trong hai vị Hồng y giáo chủ gọi to khi Aringarosa đã đi với ngưỡng cửa. Aringarosa dừng bước, quay lại: "Dạ?". "Ngài sẽ đi đâu từ đây?". Aringarosa cảm thấy câu hỏi này thuộc lĩnh vự tâm linh hơn là địa lý, nhưng ông không mảy may có ý định bàn về đạo lý trong giờ phút này. "Đến Paris!" ông đáp rồi bước ra khỏi cửa. Ngân hàng ký thác Zurich là một ngân hàng Geld-schrank phục vụ 24/24 giờ, đem lại cho khách hàng cả loạt đầy đủ các dịch vụ nặc danh hiện đại theo truyền thống tài khoản đánh số của Thụy Sỹ. Trong những năm gần đây, bằng việc duy trì các trụ sở ở Zurich, Kuala Lumpur, New York và Paris, ngân hàng đã mở rộng các dịch vụ của mình nhằm sử dụng các mã thông tin từ máy tính mang tính chất nặc danh và cả đĩa sao lưu số hóa cũng nặc danh. Nguyên tắc hoạt động chủ yếu của ngân hàng vẫn là cách phục vụ cổ nhất và đơn giản nhất - bảo đảm nặc danh - dịch vụ "mù" gọi cách khác là những hộp kí thác an toàn nặc danh. Khách hàng muốn cất giữ bất cứ thứ gì, từ giấy chứng nhận mua cổ phiếu cho đến những bức hoạ đáng giá đều có thể ký thác nặc danh tài sản của họ, thông qua một loạt những phương tiện công nghệ cao đảm bảo bí mật riêng tư, có thể rút về bất kì lúc nào, cũng theo phương thức hoàn toàn nặc danh. Khi Sophie dừng chiếc tắc xi trước nơi họ định đến, Langdon đưa mắt quan sát lối kiến trúc cứng nhắc của toà nhà và cảm thấy Ngân hàng ký thác Zurich là một hãng chẳng mấy có khiếu hài hước. Toà nhà là một khối chữ nhật kín mít không có lấy một ô cửa sổ, như thể đúc toàn bằng thép xỉn. Tựa một viên gạch kim loại khổng lồ, toà nhà nằm thụt lùi khỏi mặt đường với một chiếc thập vuông nhánh bằng đèn nêông cao năm mét, toả sáng rực rỡ khắp mặt tiền. Danh tiếng của Thụy Sĩ về tôn trọng bí mật trong lĩnh vực ngân hàng đã khiến ngành này trở thành một trong số những hoạt động xuất khẩu mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho quốc gia này. Những cơ sớ như thế này đã thành đầu đề tranh cãi trong cộng đồng nghệ thuật vì chúng cung cấp một nơi lí tưởng cho bọn trộm nghệ thuật cất giấu đồ ăn cắp, trong hàng năm trời nếu cần thiết, cho tới khi sự xôn xao lắng đi. Hàng ký thác được bảo vệ an toàn, tránh khỏi sự điều tra của Cảnh sát do những điều luật bảo vệ sự riêng tư cá nhân, chúng gắn với tài khoản đánh số chứ không phải tên của người gửi, nên những tên trộm có thể ngủ yên khi biết chắc rằng của cải ăn trộm vẫn an toàn mà cảnh sát không bao giờ truy ra chúng. Sophie dừng xe tại chiếc cổng bề thế chắn ngang đường lái xe vào ngân hàng - một đoạn dốc lát ximăng đi xuống dưới toà nhà. Một chiếc camera phía trên chĩa thẳng vào họ, Langdon có cảm giác chiếc này là thật chứ không để làm vì như ở Louvre. Sophie hạ kính cửa xe xuống và quan sát cái bục điện tử về mé bên tay lái. Đó là một màn hình tinh thể lỏng có những lời chỉ dẫn được viết bằng bảy thứ tiếng. Trên đầu danh sách là tiếng Anh. INSERT KEY (TRA CHÌA VÀO) Sophie rút từ túi áo ra chiếc chìa khoá vàng, rồi hướng sự chú ý trở lại chiếc bục. Bên dưới màn hình là một ổ có hình tam giác. "Linh tính báo với tôi là sẽ vừa khít", Langdon nói. Sophie tra chiếc chìa khoá vào ổ, từ từ ấn cho tới khi cái thân chìa hình trụ tam giác lút hết vào trong. Rõ ràng chìa này không cần xoay. Lập tức cánh cổng bắt đầu mở ra. Sophie nhả phanh chân rồi cho xe trôi xuống tới một cái cổng kèm theo bục thứ hai. Phía sau cô, cổng đầu tiên đóng sập, nhốt họ lại như một con thuyền mắc cạn. Langdon ghét cái cảm giác bị bó hẹp này. Hy vọng rằng cổng thứ hai này cũng mở ngon nhu thế. Chiếc bục thứ hai cũng mang ngần ấy lời hướng dẫn. INSERT KEY (TRA CHÌA VÀO) Khi Sophie tra chìa vào, ngay lập tức cổng thứ hai mở ra. Vài phút sau, xe ngoằn ngoèo xuống nốt đoạn dốc, chui vào trong bụng toà nhà. Khu đậu xe riêng nhỏ hẹp và mờ tối, đủ chỗ cho khoảng một tá xe. Ở đầu đằng kia, Langdon phát hiện thấy lối chính vào toà nhà. Một tấm thảm đỏ trải khắp mặt sàn ximăng đón khách vào một cánh cửa to tướng, vẻ như đúc bằng kim loại cứng. Chà những thông điệp hỗn độn nước đôi, Langdon nghĩ thầm. Hoan nghênh, nhưng hãy đứng ngoài. Sophie lái chiếc tắc xi vào chỗ đậu gần với lối vào, rồi tắt máy: "Anh nên để súng lại trong xe thì hơn". Rất vui lòng, Langdon nghĩ bụng, nhét khẩu súng lục xuống dưới ghế ngồi. Sophie và Langdon ra khỏi xe rồi bước trên tấm thảm đỏ về phía tấm thép khổng lồ. Cửa không có tay kéo, nhưng trên tường bên cạnh, có một lỗ khoá hình tam giác. Lần này không kèm theo lời chỉ dẫn nào. "Cho bọn chậm hiểu đứng ngoài", Langdon nói. Sophie cười, vẻ bồn chồn: "Nào ta đi". Cô ấn chìa vào lỗ khoá và cánh cửa mở vào phía trong với một tiếng ì ì nhẹ. Đưa mắt nhìn nhau, cả hai cùng bước vào. Cánh cửa đóng dánh thịch sau lưng họ. Phòng chờ của Ngân hàng Ký thác Zurich có kiểu trang trí dữ dằn nhất mà Langdon từng thấy. Ở những chỗ mà phần lớn các ngân hàng chỉ dùng đá hoa và granite nhẵn bóng thì ngân hàng này chọn kim loại và đinh tán chạy suốt từ tường này sang tường kia. Ai trang trí cho họ vậy? Langdon tự hỏi. Hợp kim thép. Sophie cũng có vẻ e ngại khi đảo mắt nhìn khắp sảnh. Kim loại xám hiện diện khắp nơi - sàn trần, các quầy, cửa ra vào, thậm chí ghế ngồi ở sảnh cũng có vẻ như đúc bằng sắt. Mặc dù vậy, hiệu quả vẫn gây ấn tượng. Thông điệp là rõ ràng: Quý khách đang đi vào khu cất giữ đồ ký thác. Một người cao lớn ở phía sau bàn ghi sê ngước mắt nhìn khi họ bước vào. Anh ta vội tắt chiếc ti vi cá nhân đang xem rồi chào đón họ bằng một nụ cười niềm nở. Mặc dù cơ bắp cuồn cuộn và khẩu súng bên sườn gồ lên lồ lộ, giọng anh ta rất phù hợp với phong thái lịch thiệp của một gã bồi khách sạn Thụy Sĩ. "Bosoir" , anh ta nói. "Tôi có thể giúp được gì quý khách không?". Lời chào bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp là nghệ thuật giao tiếp mới nhất hiện nay của các ông chủ ở châu Âu. Nó không mặc định gì hết và để ngỏ cho khách thoải mái trả lời bằng thứ tiếng nào tiện hơn cho họ. Sophie không đáp lại bằng thứ tiếng nào. Cô chỉ đặt chiếc chìa khoá bằng vàng lên chiếc bàn ghi sê phía trước mặt người đàn ông. Người này nhìn xuống rồi ngay lập tức đứng thẳng lên: "Tất nhiên rồi. Thang máy của quý khách ở phía cuối sảnh này. Tôi sẽ báo cho họ biết là quý khách đang đến". Sophie gật đầu rồi lấy lại chiếc chìa khoá: "Tầng mấy?". Người phục vụ nhìn cô với ánh mắt kì lạ: "Chính chìa khoá của quí khách chỉ dẫn cho thang máy đến tầng nào". Cô cười: "À phải". Người bảo vệ dõi theo hai người khách mới tới đang đi về phía thang máy, tra chìa vào ổ, bước vào thang máy và khuất dạng. Ngay sau khi cửa thang máy đóng lại, anh ta chộp lấy điện thoại. Anh ta không gọi để báo cho ai đó biết họ đang đến; điều đó không cần thiết. Người trông giữ hầm két đã được cảnh báo ngay sau khi khách hàng tra chìa ở cổng vào. Thay vào đó, người bảo vệ gọi cho người quản trị trực đêm. Khi chuông điện thoại rung lên, người bảo vệ lại tiếp tục bật màn hình lên rồi nhìn chằm chằm vào đó. Bản tin anh ta xem dở dang trước đó vừa mới kết thúc. Không sao. Anh ta nhìn một lần nữa vào hai gương mặt kia trên màn hình ti vi. Người quản trị trực đêm trả lời: "Gì thế?". "Tình huống đặc biệt dưới này". "Chuyện gì đang diễn ra vậy?" Người quản lí hỏi. "Đêm nay, cảnh sát Pháp đang truy tìm hai kẻ đào tẩu". "Thì sao?". "Cả hai tên đó vừa đi vào nhà băng của chúng ta". Người quản trị trực đêm khẽ chửi thề: "Được. Tôi sẽ liên lạc ngay với ông Vernet". Người bảo vệ gác máy rồi lại gọi thêm một cuộc nữa. Lần này cho Interpol. *** Langdon ngạc nhiên cảm thấy thang máy đang đi xuống chứ không phải đi lên. Ông không biết họ đã đi sâu xuống phía dưới Ngân hàng Ký thác Zurich bao nhiêu tầng trước khi cửa thang máy, rốt cuộc, mở ra. Ông bất cần. Ông cảm thấy sung sướng được ra khỏi thang máy. Tỏ ra hết sức sốt sắng, một vị chủ nhân đã đứng sẵn đó để chào đón họ. Đó là một ông già hòa nhã, mặc một bộ com-lê flannel là phẳng phiu khiến ông trông thật lạc lõng - một ông chủ ngân hàng thuộc thế giới cũ trong một thế giới công nghệ cao. "Bonsoir", ông già nói, "Xin chào, xin vui lòng đi theo tôi, S il vous plait" . Không chờ trả lời, ông ta đã quay gót rồi sải bước nhanh theo một hành lang hẹp bằng kim loại. Langdon cùng, Sophie đi xuôi một loạt hàng lang, qua mấy căn phòng rộng đầy máy tính màn hình lớn đang nhấp nháy. "Voici" , vị chủ nhân nói khi tới một cánh cửa thép, và mở cửa ra cho họ. "Các vị đã đến nơi". Langdon và Sophie bước vào một thế giới khác. Căn phòng nhỏ trước mặt họ trông giống như một phòng khách xa hoa trong một khách sạn đẹp. Kim loại và đinh tán biến mất, thay thế bằng những tấm thảm phương Đông, đồ nội thất bằng gỗ sồi màu đen tuyền và ghế đệm. Trên chiếc bàn rộng ở giữa phòng, hai chiếc cốc pha lê xếp bên một chai rượu Perrier mở sẵn, còn sủi bọt. Một bình cà phê đang bốc hơi nghi ngút cạnh đó xác như đông hồ vậy, Langdon nghĩ thầm. Về điểm này thì phải chịu người Thụy Sĩ. Ông già mỉm cười tinh tế: "Tôi có cảm giác đây là lần dầu các vị đến ngân hàng chúng tôi?". Sophie do dự rồi gật đầu. "Dễ hiểu thôi. Chìa khoá thường được truyền lại như tài sản thừa kế, và những vị khách lần đầu tiên đến đây tất yếu là bỡ ngỡ về thủ tục". Ông chỉ về phía chiếc bàn để đồ uống. "Căn phòng này là của quý khách chừng nào quý khách cần dùng". "Ngài nói chìa khoá đôi khi là vật thừa kế?" Sophie hỏi lại. "Thực vậy. Chiếc chìa khoá của quý khách giống như một tài khoản đánh số của Thuỵ Sĩ, thường khi được truyền lại qua nhiều thế hệ. Trên các tài khoản bằng vàng của chúng tôi đều có hợp đồng ký thác an toàn trong thời hạn ít nhất là năm mươi năm. Phí trả trước. Cho nên chúng tôi từng chứng kiến nhiều sự chuyển giao trong nội bộ gia đình". Langdon đăm đăm nhìn: "Ngài vừa nói năm mươi năm". "Đấy là thời hạn tối thiểu", vị chủ nhân đáp. "Tất nhiên quý khách ó thể mua những hợp đồng dài hạn hơn, nhưng nếu không gia hạn thêm mà trên tài khoản năm mươi năm lại không có hoạt động gì thì những thứ trong hộp ký thác hoàn toàn oàn sẽ tự động bị phá huỷ. Có cần tôi nói sơ lược về quá trình truy nhập hộp kí thác của quý khách không?". Sophie gật đầu: "Xin ngài cho biết". Vị chủ nhân khoát tay về phía phòng khách sang trọng: "Đây là phòng kiểm tra riêng của quý khách. Một khi tôi rời khỏi căn phòng này, quý khách có thể sử dụng toàn bộ thời gian cần thiết để kiểm tra cũng như thay đổi nội dung hộp ký thác an toàn của mình, nó sẽ đến… qua đây". Ông dẫn họ tới bức tường phía xa, nơi có một băng vận chuyển chạy vào phòng theo một đường cong thanh thoát, hơi giống băng chuyển hành lí ở các sân bay vậy. "Quý khách hãy tra chìa vào ổ khoá chỗ kia…", ông chỉ tay về phía bục điện tứ khá rộng đối diện với băng chuyền. Bục này cũng có một lỗ khoá hình tam giác trông quen thuộc. "Một khi máy tính đã xác nhận dấu trên chìa khoá của quý vị, quý vị nhập số tài khoản của mình, và hộp ký thác an toàn của quý vị sẽ được rô-bốt chuyển đến từ hầm két bên dưới để quý khách kiểm tra. Khi quý khách kiểm tra hộp xong, hãy đặt nó trên băng chuyền, rồi lại tra chìa vào quá trình đó lại được đảo ngược. Vì mọi công đoạn đều tự động cả, sự riêng tư của khách hàng được đảm bảo, thậm chí ngay cả ban điều hành của ngân hàng cũng không hề hay biết. Nếu quý khách cần bất kì cái gì, xin hãy ấn nút gọi tại chiếc bàn kê ở giữa phòng". Sophie đang định hỏi thêm một câu nửa thì chuông điện thoại reo. Ông già có vẻ bối rối và lúng túng: "Cho tôi xin lỗi". Ông đi vội đến phía bàn điện thoại nằm ngay sát bàn để cà phê và chai Perrier. "Oui", ông trả lời. Lông mày ông cau lại khi nghe người ở đầu dây đằng kia. "Oui, oui… d accord" . Ông gác máy, rồi cười gượng gạo: "Rất tiếc tôi phải để quý khách ở lại đây. Xin quý khách cứ tự nhiên như ở nhà". Ông nhanh chóng đi về phía cửa. "Xin lỗi ngài", Sophie gọi to. "Ngài có thể làm rõ một vài điều trước khi đi được không? Ngài vừa nhắc chúng tôi nhập số vào khoá?". Ông dừng lại ở cửa, vẻ mặt tái nhợt. "Tất nhiên rồi. Như ở hầu hết các ngân hàng ở Thụy Sĩ, những chiếc hộp ký thác an toàn của chúng tôi gắn với một con số chứ không phải là một cái tên. Khách hàng có một chìa khoá và một số tài khoản riêng chỉ họ biết thôi. Chiếc chìa khóa của quý khách mới chỉ là một nửa phần nhận dạng của quý khách mà thôi, nửa kia là số tài khoản của quý khách. Bằng không, nếu quý khách đánh mất chìa khoá, thì bất kì ai nhặt được cũng có thể sử dụng nó". Sophie ngần ngại: "Thế nếu người chuyển giao chìa khóa cho tôi không cho tôi số tài khoản thì sao?". Tim của người làm ngân hàng đập thình thịch. Thế thì hiển nhiên là các người chẳng có việc gì ở đây cả! Ông mỉm cười bình thản: "Tôi sẽ yêu cầu một người giúp quý khách. Anh ta sẽ đến ngay bây giờ thôi". Rời khỏi căn phòng, ông đóng cửa lại sau lưng, bấm một chiếc khoá lớn nhốt hai người khách ở bên trong. Đầu đằng kia thành phố, Collet đang đứng trong ga phía Bắc thì điện thoại của anh ta đổ chuông. Người gọi là Fache. "Interpol đã nhận được một tin báo", ông ta nói. "Quên chuyến tàu ấy đi. Langdon và Sophie vừa vào chi nhánh Ngân hàng Ký thác Zurich tại Paris. Tôi muốn quân của anh đến đó ngay lập tức". "Đã có manh mối gì về điều Saunière muốn truyền đạt cho Neveu và Robert Langdon chưa ạ?". Giọng Fache thật lạnh lùng: "Nếu anh tóm cổ được họ, trung uý Collet, tôi sẽ đích thân hỏi họ". Collet hiểu hàm ý của ông ta: "Số hai mươi tư phố Haxo". "Ngay bây giờ thưa đại uý". Anh tắt máy rồi điện đàm với người của mình. Chú thích: (1) Tiếng Đức: hộp đựng đồ kí gửi.(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Chào buổi tối(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: xin vui lòng.(4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Đây.(5) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Vâng…vâng… đồng ý.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương