Mặt Trời Mọc Trong Bóng Hoàng Hôn

Chương 5: Manh mối



Một tuần cũng trôi qua, tuần của nắng vàng rực rỡ.

Tôi ngồi trên một bãi đất trống ở ngoại ô Hà Nội, đây là quê nội của tôi - mảnh đất Mỹ Đức thân yêu. Bố tôi là một nhà văn, ông lặng thầm ở tại nơi này viết nên những câu chuyện đời mà rất ít ai đọc, ít ai thực sự hiểu được. Khi còn học cấp Ba, trong một bài tập làm văn, thằng con trai luôn chỉ được 6 – 7 điểm như tôi lại được cô khen, cô nói cách tôi kể chuyện rất sâu, rất cuốn hút. Trước ánh mắt của bạn cùng lớp, tôi có chút ngượng. Do bố tôi mới mất nên khơi gợi “chất văn” trong người sao? Nghĩ về những tháng ngày đó tôi thấy vui mà cũng nuối tiếc.

Bố tôi từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, trước đó ông đã lấy vợ, cũng sinh được mấy người con. Sau kháng chiến, nước ta giành được độc lập, hoàn toàn thống nhất, ông trở về nơi đây nhưng vợ ông đã mất rồi. Vài năm sau ông lấy mẹ tôi, tôi là con út. Bố và mẹ tôi đều đã mất, tình cảm anh em cùng cha khác mẹ coi như tạm ổn, cũng vì hai chị em tôi nhẫn nhịn nhiều. Chị gái tôi có thể nói không tài giỏi, nhưng chị vốn rất lương thiện. Đáng tiếc ông trời đáng ghét lại để chị ra đi trong cái tuổi đẹp nhất đời người – tuổi hai mươi.

Bóng hình bố mẹ thoáng hiện lên trong đầu tôi, lòng bỗng dâng lên hơi ấm mà cả tháng nay tôi không được nếm vị.

Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi. Tôi nhìn thấy ánh mắt trìu mến của người thầy cũ.

“Hiên, em về khi nào vậy? Công việc tốt không?”

Tôi hơi bất ngờ, vài giây sau mới trả lời thầy:

“Em về sáng nay, công việc em vẫn rất tốt.” – Tôi không muốn thầy buồn.

“Hiên, em vẫn muốn giấu thầy sao?”

Thầy nhìn tôi, lại nói tiếp:

“Thầy nghe Mạnh nói vợ em mới mất, em từ chức rồi.” - Giọng thầy buồn buồn.

Mạnh hơn tôi ba tuổi, cũng từng là học sinh của thầy. Tôi luôn thích che giấu cảm xúc của mình nên tôi và thầy ít tâm sự, chỉ hỏi han mà thôi.

Tôi nhìn bóng thầy trong ánh hoàng hôn, im lặng không nói câu gì. Thầy ngồi xuống bên cạnh tôi, chúng tôi cùng nhìn về phía xa xa – nơi chân trời chuyển dần sắc tím. Tôi từng thích ngắm hoàng hôn, luyến tiếc ánh mặt trời. Nhưng tôi hiện tại lại thích cảm giác “tiễn” mặt trời về sau ngọn núi, để bóng tối lan dần…

***

Khuya, tôi trở về căn nhà cũ của gia đình. Mái nhà ngói đã cũ, mạng nhện chăng đầy. Thứ ánh sáng mờ mờ từ bóng đèn tạo cho tôi cảm giác dễ chịu, nó không quá sáng cũng không quá tối, có lẽ do mấy năm nay không ai bật nên thỉnh thoảng nháy nháy. Nếu lúc còn trẻ con, tôi sẽ không ngần ngại nói đó là khi ma sắp xuất hiện.

Tuổi thơ trôi đi để lại bao thương nhớ…

Tháng ngày dần qua mang đến bao sầu tủi…

Người ơi, đừng vứt bỏ ánh hồng dịu dàng của tuổi thơ…

Tôi nhớ về những câu hát mà mẹ thường hát cho tôi nghe lúc nhỏ, lòng dâng lên cảm giác nhớ thương. Có lẽ trên thế gian, người tôi thương nhất là mẹ. Tuy bố tôi đối xử với hai chị em tôi rất tốt, nhưng khó tránh khỏi sự bất hoà giữa mẹ kế con chồng. Mẹ là một người phụ nữ mạnh mẽ, trước mặt tôi bà chưa bao giờ khóc. Tôi thực sự khâm phục sự chịu đựng của mẹ, phải như thế nào một người phụ nữ mới có thể vượt qua những lời nói cay độc mà mỉm cười với chúng tôi?

Tôi nhớ đến nụ cười dịu dàng của mẹ, có những lúc muốn an ủi, muốn để mẹ bớt buồn lòng nhưng lại không biết mở miệng như thế nào. Lúc đó tôi rất muốn hỏi xem ai có thể giúp tôi, giúp tôi làm mẹ cười rạng rỡ hơn.

Tôi ghét nhất những kẻ làm mẹ của mình buồn lòng, vô ơn bạc nghĩa. Họ có bao giờ tự hỏi chín tháng mang thai, nuôi nấng một đứa con nên người có bao nhiêu khổ cực hay không? Ba năm trước, trong một vụ án giết người, hung thủ là một phụ nữ trẻ mới ngoài hai mươi. Cô ấy giết chồng mình vì anh ta đánh cô suýt chút nữa sảy thai nên sinh non. Ngày sinh, cô ấy thà chết vẫn cầu xin bác sĩ:

“Bác sĩ, dù tôi có ra sao, xin anh hãy cứu lấy con tôi. Nó vô tội, đừng bao giờ để nó về thế giới bên kia. Tôi xin cô…”

Tấm lòng người mẹ mấy ai thấu được đây?

Mẹ tôi đã mất cách đây gần mười năm. Đau lòng, thương nhớ nhưng tiếc sao mẹ đã mãi đi rồi. Tôi sống với bố chưa đến một năm thì ông cũng rời xa tôi. Mấy năm nay bận bịu quá nhiều việc, tăng ca cũng nhiều, có khi thức trắng mấy đêm liền, hình bóng đau thương ấy tưởng như đã không còn hiện hữu trong đầu óc tôi nữa, cứ ngỡ khi nhớ đến sẽ chỉ thoáng qua, nhưng không phải, nỗi nhớ người thân càng tăng lên. Có phải tôi khác người ở chỗ đó không nhỉ?

Bố tôi từng tặng tôi bốn câu thơ:

“Mệnh tại nhân sinh

Hữu thiên vô năng

Thiết hướng nhật nguyệt

Bất dĩ vãng tư.”

“Con không hiểu!”

“Khi lớn lên con sẽ hiểu.” - Bố nói với tôi.

Con người chính là chủ nhân của sinh mệnh, quyết định tất cả mọi thứ trong cuộc đời mình, nơi bạn đi qua, nơi bạn dừng chân, nơi bạn cất lên tiếng lòng mình,… Ông trời vẫn tồn tại, vẫn soi sáng Trái Đất mỗi ngày nhưng không thể cho bạn những thứ khác ngoài ánh sáng. Sống, cần phải hướng tới những gì đẹp đẽ, biết trân trọng những gì mình có, đừng bao giờ sầu tủi vì một thời quá khứ đã qua. Hãy để cuộc sống trôi qua trong ánh sáng của mặt trời, trong kỉ niệm đẹp đẽ về tuổi thơ.

Có phải tôi giống một trò hề lắm không? Đã biết bố mẹ đặt bao nhiêu kỳ vọng vào mình như thế mà cuối cùng vẫn bước đi trong sắc màu u tối của máu tanh.

Thực ra tôi đang làm gì vậy? – Tôi tự hỏi lòng mình.

Ánh sáng và bóng tối luôn đan xen trong đầu óc tôi như vậy. Có đôi khi tôi thật muốn chết đi để đỡ bị dằn vặt tâm can. Một kẻ tàn nhẫn như tôi sao có thể khiến bố mẹ vui lòng, an tâm được đây? Phải chi tất cả chỉ là một giấc mơ, vậy thì tốt quá rồi, đúng không?

***

Một đêm nữa lại đi qua.

Tiếng chuông điện thoại làm tôi tỉnh giấc.

“Hiên à, vụ án của Thanh có chút manh mối.”

Tôi tỉnh hẳn, vội vàng:

“Anh nói đi.”

“Em đến cục cảnh sát gặp anh.” – Anh Mạnh nói, có vẻ rất hệ trọng.

Tôi đi xe máy khá nhanh, chưa đến một tiếng đã đến Cục cảnh sát hình sự - Bộ công an.

“Anh Hiên, anh tới có việc gì vậy?” - Một đồng nghiệp hỏi tôi.

“Anh có chút việc.” – Tôi trả lời rồi đến phòng tôi đã từng làm việc trước đây.

Phòng rộng khoảng gần bốn mươi mét vuông, trong cùng còn có một phòng của cảnh sát trưởng. Tổ chúng tôi có 13 người, đều là cảnh sát cấp cao.

Mạnh tiến đến gần tôi:

“Anh Lê Đức Hiên, chúng tôi đang điều tra vụ án buôn bán trẻ em, chúng đã bắn chết cô Nguyễn Như Thanh - vợ anh. Chúng tôi cần anh hợp tác để điều tra vụ án.” - Giọng anh Mạnh nhàn nhạt.

“Được.”

“Cảm ơn anh!”

Thanh là vợ tôi, nhưng theo trình tự điều tra vụ án, anh Mạnh không thể tiết lộ những thông tin cơ mật cho tôi biết.

Anh Mạnh đưa tôi vào phòng thẩm vấn. Căn phòng khá tối, chỉ có một chiếc đèn phát ra ánh sáng màu vàng cùng một chiếc bàn và ghế ngồi. Tôi im lặng, hợp tác với Mạnh.

“Anh Lê Đức Hiên, ngày 18 tháng 1 năm 2016 anh có nghe vợ anh nói gì liên quan đến vụ án không?”

“Thanh không nói gì với tôi cả. Chúng tôi cùng tham gia điều tra vụ án đó, tất cả những thông tin Thanh biết tôi đều biết.” – Tôi điềm tĩnh trả lời, tuy vậy lòng không khỏi có chút lo lắng.

“Anh biết Phạm Hữu Niên là ai không?” – Ánh mắt anh ấy nhìn tôi có chút khác lạ, tôi lập tức hiểu ý.

“Tôi không quen.”

Anh Mạnh hỏi tôi thêm vài ba câu nữa, các câu hỏi chỉ mang tính chất để không bị nghi ngờ. Phòng lấy khẩu cung luôn có camera và máy ghi âm nên chúng tôi cần phối hợp ăn ý để không bị phát hiện.

Ở cửa phòng, Mạnh nói với tôi:

“Anh biết em từng học qua một khoá hacker. Cơ sở của chúng ta không cho phép sử dụng phương thức này, hơn nữa cũng không ai học. Lần trước bọn anh bố trí công an mật để điều tra và nghe được cái tin này. Nhưng xét về hành vi đạo đức và nhân quyền, cảnh sát không nên tự ý điều tra một người khi chưa có bất kì chứng cứ hay liên hệ nào. Em tra ra được báo cho anh biết.” - Mạnh nói xong rồi đi ngay.

Tôi lập tức trở về căn phòng ở tầng ba, mở máy tính. Tôi không chỉ từng thích kinh doanh mà còn thích tin học. Năm lớp 11 tôi từng theo một đàn anh học khoá hacker, tuy không phải dạng tài giỏi nhưng cũng không phải tệ.

Tôi thao tác bàn phím máy tính, có rất nhiều đường dẫn làm tôi khá nhức đầu. Phải mất rất lâu tôi mới xâm nhập được vào địa chỉ hộ khẩu của hắn. Nhưng chưa kịp xem bất cứ thông tin gì thì máy tính đã bị chương trình quản lý mà tôi cố gắng xâm nhập làm cho tắt nguồn. Điều này tôi cũng đã dự đoán được trước đó rồi. Tuy nói vậy nhưng trong tôi còn lại chút hy vọng cuối cùng. Tôi lấy điện thoại gọi cho người từng dạy tôi.

“Lâu rồi chú không gọi điện cho anh nhỉ? Hay quên anh rồi?” - Đầu bên kia vang lên tiếng nói của một người đàn ông, giọng anh như đang đùa tôi.

“Em vẫn nhớ anh mà, chỉ tại dạo này nhiều việc bận quá.” – Tôi cười đáp lại.

“Có việc gì nói anh nghe đi, anh hiểu chú quá mà.” – Anh nói với tôi.

Tôi hơi gượng gạo, đáp lại anh:

“Anh giúp em tìm thông tin một người được không? Em tra ra nhưng không tin cho lắm.”

“Chú nói đi!” - Giọng anh hào phóng.

“Phạm Hữu Niên.”

Khoảng hơn hai mươi phút sau, máy tính tôi nhận được thông tin do anh Hoàng gửi tới kèm theo câu đùa cợt: “Vào Nam với anh đi! Anh cho chú mượn dàn máy.”

Tôi cười cười, mở tài liệu được gửi tới, cũng như tôi đã tra ra được. Lòng tôi rối bời hơn.

Một ông già hơn bảy mươi tuổi lại là kẻ bắn chết Thanh, có khó tin quá không?
Chương trước Chương tiếp
Loading...