Mẹ Thơm Một Cái

Chương 30: 09/4/2005



Mấy ngày gần đây, anh cả và thằng út đều không ở nhà. Anh cả đi Đài Bắc lo vụ thi vấn đáp giai đoạn một của lớp nghiên cứu sinh, thằng út đi dạy.

Tôi thì đã gửi thư mời phản biện luận văn thạc sĩ (hoặc nên gọi là cầu xin), bây giờ chỉ chờ giáo sư hướng dẫn trả lời. Nhưng tờ giấy báo kết quả kiểm tra lại sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà tôi mong chờ nhất thì càng ngày càng tuyệt vọng.

Chứng đau đầu của mẹ đã đỡ nhiều, khiến ai cũng mừng. Anh cả nói nếu đổi được cho anh đau đầu thay thì tốt biết mấy, bởi vì anh có thể uống nhiều loại thuốc giảm đau, trong khi sức khỏe mẹ không cho phép.

Hằng ngày ở trong nhà, tôi viết truyện, đọc sách, xem truyện tranh, mẹ sắp xếp đồ đạc, phơi quần áo cho cơ thể được vận động. Đến giờ cơm nước, tôi đứng cạnh mẹ học nấu ăn, phụ mẹ những việc mà thằng ngu mấy cũng làm được, chẳng hạn nhặt rau (té ra súp lơ phải gọt lớp vỏ cứng ở thân), lật mặt cá rán, rán trứng, nêm muối, trộn khô cá, thêm sa tế, và nói đùa linh tinh. Thế là vô tình học được một vài món ăn gia đình đơn giản như mướp xào, mì cà chua. Nhưng việc hay làm nhất mà chỉ cần có lòng thì ai ai cũng làm được, đó là rửa bát. Thực ra tôi rất lo liệu các món ăn qua tay tôi có trở nên bất ngờ khó nuốt hay không.

Tôi thích nhất là ra ngoài đi với mẹ.

Mùa xuân lạnh lẽo lạ lùng sắp qua, mùa hạ thuộc về váy xếp đầm xòe đang đến gần. Gió mấy ngày nay rất ấm, khiến người dễ chịu tới mức sẵn sàng ngủ thiếp đi bất cứ lúc nào. Đi dạo ngoài trời, tinh thần phấn chấn cả ngày.

Hôm trước, mẹ và tôi đi dạo ở khu chợ Ngũ Kim, mua bánh kếp mỡ hành, bánh donut, bánh rán mè đem về công viên Diên Bình gần nhà ngồi ăn. Trời hơi âm u, nếu lỡ ông trời làm trận mưa, có lẽ vẫn kịp cõng mẹ phi thẳng về nhà.

Trong công viên có con chó hoang lông lá rất bù xù, trông giống Puma được phóng đại. Nó lại gần chúng tôi và “trồng khoai môn”, bộ dạng chật vật. Cho nên không còn cách nào khác, tôi và mẹ chia cho nó mấy miếng bánh kếp mỡ hành rất ngon. Nó ăn một cách thiểu não, đúng là kén cá chọn canh.

Tôi kể với mẹ về chuyện cũ hồi học ở Tân Trúc, tôi và Xù hay cho chó ăn.

Đó là những năm tháng tôi còn rất nghèo túng, làm thêm đủ thứ việc, dán quảng cáo, phát tờ rơi, gia sư, trèo đèo lội suối thử tín hiệu điện thoại, thậm chí cả thử nghiệm dược phẩm. Trong người hiếm khi cầm nhiều hơn hai ngàn tệ, chuyện hò hẹn cực kỳ khó khăn, chỉ đủ tiền xem phim đợt hai, chia nhau với Xù cùng ăn một cốc kem, cùng ăn một suất đúp bò bít tết vừa to vừa tục ở chợ đêm. Có lần đi xe máy hết xăng, phải dắt bộ về đại học Giao thông.

Nhưng tôi lại rất thích đem cho bọn chó hoang ăn.

Chắc chắn là bị ảnh hưởng khi Puma bước vào đời tôi. Sau khi xa nhà đi học đại học, có một lần từ trung tâm tin học bước ra, bắt gặp một con chó ghẻ đứng run rẩy ở hành lang, rất gầy, rất bẩn, rất thảm hại. Tôi chẳng có ý tưởng nhân đạo gì cho lắm, chỉ chợt quyết định chạy sang Trung Chính Đường phía đối diện mua một cái xúc xích, sau đó lén lút dắt con chó ghẻ vào nhà vệ sinh của trung tâm tin học, lột xúc xích ra cho nó ăn.

Chó ghẻ cắm cúi ăn, tôi ngồi trên bệ xí, đột nhiên không kìm được khóc òa, lòng dạ gần như tan nát.

Nói thật, không phải nỗi thảm hại của con chó ghẻ làm tôi đau đớn, mà là tôi bỗng nhớ Puma quay quắt. Nếu tôi nhớ mẹ, hoặc mẹ nhớ tôi, ít nhất đều có thể hiểu được vì sao tôi không ở nhà ở Chương Hóa mà lại ở Tân Trúc.

Nhưng Puma làm thế nào hiểu nổi chủ của nó tại sao vắng nhà, cứ vắng nhà mãi...? Có ai quan tâm đêm đến Puma sợ phải ngủ một “chó” không? Có ai biết Puma rất sợ bị mấy thằng nhóc bắt nạt không?

Puma có biết tôi rất nhớ nó không? Có biết tôi không về nhà không phải tại nó làm sai điều gì không? Tưởng tượng ra cảnh mẹ đưa điện thoại lại gần tai Puma để tôi nói chuyện với nó, rồi Puma trở nên rất yên tĩnh, tôi chỉ có thể tiếp tục ngồi trên bệ xí khóc òa.

Chó ghẻ ăn hết cái xúc xích, nhưng bộ dạng thảm hại khóc lóc của tôi vẫn còn y nguyên.

Sau đó, mỗi lần đi đường hoặc ở trong trường, bắt gặp chó hoang ủ dột thiểu não, tôi lại không khỏi mường tượng: “Nếu Puma bị đi lạc, trở thành chó hoang, bụng đói meo, chắc chắn rất đáng thương!” Nghĩ đến đó, tôi liền lấy thấy vô cùng khổ sở.

Thế là tôi lại đi mua mấy cái bánh bao nhân thịt, gọi lũ chó hoang gần đó đến ăn. Nếu không may cái bánh bao đó cũng là bữa tối của tôi, thì đành chó một nửa người một nửa.

Xù rất thông cảm với tôi về điểm này.

Mặc dù Xù rất sợ khi con chó hoang lăm lăm tiến gần, sợ bị cắn, sợ những con bọ chét trên mình chó hoang, nhưng Xù vẫn cố gắng ngồi cạnh tôi, để tôi từ từ xé bánh bao ra, vừa bỡ ngỡ vừa nhiệt tình “trò chuyện” với chó hoang. Xù cũng không chút phàn nàn khi tôi đột ngột dừng xe máy trước cửa hàng 7-11 để mua bánh bao rồi quành về một chỗ nào đó, xuống xe cho chó ăn. Cô nói là tôi là người tốt bụng nhất mà cô từng gặp.

Có thể chính lời khen đó đã khiến tôi càng kiên định niềm tin đối với rất nhiều sự vật.

Nói đến cho chó ăn, từng xảy ra một chuyện rất thần kỳ. Tính ra thì đó phải là một trong ba chuyện thần kỳ nhất từng xảy ra trong đời mà tôi nhớ được (chuyện thứ nhất, trứng trong tủ lạnh, đã cho vào lời tựa trong sách Gã ngồi câu thủy quái ở Gambia; chuyện thứ hai là Cô Gái cơm hộp đã nhắc đến lúc trước).

Một buổi tối, tôi và Xù ngồi học ở tòa nhà của khoa Khoa học quản lý, học được nửa chừng, một con chó xù răng vẩu lọt vào giảng đường xin ăn trắng trợn.

Nhưng tôi không có gì cả, làm sao đây? Cứ thế câu giờ. Con chó xù rất hiểu tình hình, nằm luôn ra giả vờ ngủ, thỉnh thoảng ngủ chán, nó bỏ ra khỏi lớp đi dạo phố, sau đó lại về giảng đường nằm cạnh chân tôi.

Thời gian từ từ trôi qua, khoảng 10 giờ tối, bụng tôi bắt đầu thấy đói.

“Mình đi ăn gì đi, nhân tiện mua bánh bao về cho nó.” Tôi bảo.

“Thôi mà, lúc đó nó còn ở đây đâu?” Xù đáp.

“Chuyện đó anh biết sao được.” Tôi nói.

Chúng tôi bèn thu dọn hết đồ đạc, rời khỏi đó. Đích đến là chợ đêm đại học Thanh Hoa. Thế nhưng con chó xù không hề ngủ lại trong lớp mà lẽo đẽo từng bước theo tụi tôi đến nhà để xe máy bên cạnh khoa.

Xù thấy thú vị, nhưng tôi thấy lạ lùng, vì tôi còn chưa nổ máy, con chó đã nhảy phóc lên xe.

“Á?” Tôi nghĩ thầm, con chó này chắc chắn từng có người nuôi dạy.

Muốn đuổi nó xuống xe, nhưng nó cứ ra sức cười, nhe bộ răng vẩu ra rất khoa trương. Nhất quyết không đi.

“Chở nó ra chợ đêm, sau đó chở nó về là xong thôi mà.” Xù ngồi sau nói.

“Thôi được, nhìn cái mặt ranh mãnh của nó kìa.” Tôi cũng rất thoải mái, hai người một chó, lượn ra khỏi cổng trường, thẳng tiến chợ đêm đại học Thanh Hoa.

Tới chợ đêm, còn nhớ là đã dừng xe trước quán đậu hũ thối (lúc nào cũng rán đậu hũ rất mềm). Vừa dừng xe, con chó xù đã hào hứng nhảy xuống đất, tót một cái chẳng thấy bóng dáng đâu nữa.

Tôi ngớ người, Xù cũng ngớ người.

“Nó mà lạc đường thì làm sao đây? Nếu chờ lúc nữa vẫn không thấy thì làm sao?” Tôi hơi bối rối.

Tôi cho rằng chó hoang nên hoạt động bên trong trường thì hơn, nhất là trường đại học. Sinh viên đại học thường không tiếc chia sẻ đồ ăn cho chúng nó, và cũng không vô duyên tới mức bắt nạt chó. Ngược lại, lũ chó không hợp với chợ đêm người xe tấp nập thế này.

Vậy là giờ đây tôi đã thành hung thủ?

“Chà, làm sao đây?” Tôi gãi đầu.

“...” Xù im lặng.

Không nhớ tụi tôi đã ăn gì. Tóm lại là sau khi no nê ghé 7-11 mua một cái bánh bao thịt, nhưng không sao tìm thấy con chó xù đó, cũng chẳng biết tên nó, làm sao hú gọi được.

Hết cách, đời là vậy (là sao?!). Còn phải quay về trường. Thôi thì coi như chợ đêm thức ăn thừa la liệt, chó sẽ không chết đói.

Đúng lúc tôi khởi động xe máy, một hình ảnh như phim xuất hiện.

Chó xù từ đâu đó phía bên trái mừng rỡ lao đến, ngoác cái mồm răng vẩu, nhảy tót lên xe tôi, khiến Xù và tôi đều hết vía.

“Quá vớ vẩn, thật sự quá vớ vẩn!” Tôi hét to.

“Oh my God, nó thông minh thật!” Xù cũng bắt đầu hào hứng.

Chúng tôi bèn vui vẻ lạ lùng chở chó xù siêu thông minh về nhà xe của đại học Giao thông.

Khi đó tôi đã nghĩ, về sau kể cho người khác nghe câu chuyện kỳ lạ này, chắc cũng không ai tin. Cuộc đời đúng là đầy rẫy bí ẩn kỳ quái.

Cất xe xong, tôi để cái bánh bao thịt xuống đất. Chó xù mau chóng xơi hết, nhưng không chịu bỏ đi.

Tôi vừa nổ máy, định chạy sang nhà xe của ký túc xá, con chó xù đã nhanh nhẹn tót lên ngồi phía trước, dỗ thế nào cũng không chịu xuống.

“Xin lỗi nhé, mặc dù mày siêu thông minh, nhưng tao không được nuôi chó trong ký túc xá!” Tôi ngồi thụp xuống, thử khuyên nhủ con chó. Mày đã thông minh như vậy, ít nhiều chắc cũng hiểu ta đang nói gì chứ?

Nhưng vẫn không thành.

Hễ tôi nổ máy, chó xù lập tức nhảy tót lên, khuyên nhủ mấy lần vẫn vậy. Nói thật, tôi thấy hơi chán, sao nó bướng thế, mà lại có xu hướng hơi bị tăng động.

Đằng nào cũng không thể nuôi chó trong ký túc xá đã đủ bốn giường, tôi bèn kiêng quyết bỏ rơi nó.

Kế hoạch rất đơn giản. Xù phụ trách dụ chó xù chơi đùa một chỗ, tôi phụ trách khởi động máy, chạy từ từ theo đường vòng quanh trường, sau đó Xù chạy thật nhanh lại gần, nhảy lên xe, hai đứa rồ ga vút đi.

Chó xù không bỏ cuộc, cứ thế lao theo, không thèm cắn sủa tiếng nào hết, tập trung đuổi theo chúng tôi.

Tôi rất rầu lòng, nhưng tay ga vẫn vặn căng thêm, cho đến khi chó xù mất hút sau lưng...

Ký ức kết thúc.

Tôi dắt tay mẹ chầm chậm đi về nhà mới, mẹ đội cái mũ của tôi.

Có điều tôi không kể với mẹ, một đêm sau khi chia tay Xù, tôi và anh cả chạy xe máy đem một túi to đựng áo quần cũ vứt ra chỗ gom đồ cũ, một con chó rất giống con xù kia đột nhiên từ trong ngõ xông ra, đuổi riết theo chúng tôi. Trong khi kỷ niệm của tôi mau chóng hiện về, tôi để ý thấy con chó xù đó cũng có hàm răng vẩu.

Xe máy chẳng bao lâu sau bỗng nổ săm.

Tôi và anh cả phải đẩy xe, rất ngao ngán.

Tôi mới kể với anh cả câu chuyện đó, không biết anh tin hay không. Nhưng con chó xù đuổi theo chúng tôi lúc nãy đã mất dạng, không còn cơ sở chứng minh.

Tôi không phải là người cố làm ra vẻ “tâm trạng”. Nhưng tôi thực sự hy vọng rằng, con chó xù răng vẩu sống trong ký ức không phải con vừa lao ra đuổi theo tôi, hay con chó xù vừa thông minh vừa bền bỉ lại vừa to gan ngồi lì trên yên xe máy của một người tốt bụng đó, từ nay sẽ có một chốn nương thân hạnh phúc.

Từ đây có một chốn đi về hạnh phúc.
Chương trước Chương tiếp
Loading...